Dựa theo chính sách "can dự phức hợp" được thực hiện kể từ năm 2014, Thái Lan đã cân bằng quan hệ giữa các khu vực và quốc gia như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và các nước láng giềng Đông Nam Á.
Tóm tắt
* Thái Lan đã áp dụng cách tiếp cận "can dự phức hợp" đối với các quan hệ quốc tế trong một nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu an ninh và sống sót về kinh tế sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5/2014.
* Bangkok cũng nêu bật mối quan hệ an ninh-quân sự với Mỹ trong khi ưu tiên sự can dự kinh tế với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
* Đồng thời, Thái Lan can dự với Châu Âu thông qua các thỏa thuận kinh doanh để bù đắp cho thực tế là sự tiếp xúc chính trị giữa Thái Lan và Châu Âu đã bị hạn chế kể từ cuộc đảo chính.
* Tuy nhiên, những thất bại chính trị và các yếu tố kinh tế hạn chế khả năng can dự đáng kể của Thái Lan với các nước láng giềng ở Đông Nam Á lục địa.
Giới thiệu
Ngày 25/7/2019, Chính phủ Thái Lan đã trình bày tuyên bố chính sách đối ngoại của mình trước Quốc hội. Tuyên bố nói rằng nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong cộng đồng quốc tế, cân bằng quan hệ với tất cả các nước và tăng cường sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và lợi ích của nhau. Trên thực tế, chính sách này giống như chính sách của chính quyền quân sự trước, cũng do Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha lãnh đạo với tư cách là người đứng đầu chính quyền quân sự lên nắm quyền vào tháng 5/2014. Dưới thời chính quyền quân sự đó và chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử tháng 3/2014, Thái Lan đã tìm kiếm sự hợp tác kinh tế với tất cả các khu vực trên thế giới, trong đó có cả Châu Âu, Trung Đông và Nam Á. Họ cũng thúc đẩy và tăng cường tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong các lĩnh vực như an ninh mạng, buôn người và tội phạm xuyên quốc gia.
Bài viết này thảo luận về phương hướng chính sách đối ngoại của Thái Lan dưới thời Chính quyền Prayut bằng cách áp dụng khái niệm "can dự phức hợp" để xem xét cách thức chính phủ xử lý những thách thức địa chính trị tại thời điểm các cường quốc cạnh tranh, hợp tác và xung đột với nhau. Cả những vấn đề trong nước lẫn những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị đã khiến Thái Lan phải đối mặt với những thách thức đối với hiệu quả của chính sách đối ngoại. Vào tháng 1/2020, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã buộc phải rút lại phát ngôn sai của chính Ngoại trưởng nước này về vụ Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani của Iran trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Vị Ngoại trưởng này đã nói rằng Thái Lan, một đồng minh hiệp ước của Mỹ, đã được thông báo trước về vụ tấn công này. Tháng 2/2020, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã phải ra một tuyên bố bảo vệ quyết định của Tòa án Hiến pháp về việc giải tán đảng Tương lai mới sau những chỉ trích mạnh mẽ của Canada, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ về hành động trên của tòa án. Tuy nhiên, bất chấp những chỉ trích như vậy, các mối quan hệ quân sự và an ninh của Thái Lan với Mỹ ngày càng chặt chẽ hơn. Đây là sự thật dù Thái Lan được cho là đang đi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc và vật lộn để đóng một vai trò trong tiểu khu vực Đông Nam Á lục địa.
Sự can dự phức hợp
Có khả năng "can dự phức hợp" là cách tiếp cận với chính sách đối ngoại được áp dụng sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, khi chính phủ được giới lãnh đạo quân đội hậu thuẫn sử dụng nhiều cách khác nhau để quản lý quan hệ và cân bằng giữa các cường quốc đối địch là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ. Khi tìm kiếm vai trò của mình trong khu vực, Thái Lan phải đối mặt với một tình huống trong đó các cường quốc này vừa hợp tác vừa xung đột. Sự can dự phức hợp có đặc trưng là "không ép buộc, trao đổi cởi mở ở nhiều cấp và trên nhiều lĩnh vực. Đó là sự theo đuổi mang tính chiến lược các mối quan hệ hợp tác dựa trên sự hiểu biết chung, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau".
Theo Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế trường ĐH Delaware Alice Ba, quan trọng hơn là sự can dự phức hợp cũng giống trường hợp quan hệ ASEAN-Trung Quốc ở chỗ nó không yêu cầu các nước phải có cùng các giá trị tự do để có được các mối quan hệ quan trọng. Các chính sách và nền tảng của Chính quyền Prayut hiện tại, vốn có nguồn gốc từ một cuộc đảo chính quân sự, biểu thị nhiều giá trị phi tự do. Mặc dù cuộc bầu cử năm 2019 đã cải thiện được thứ bậc chỉ số dân chủ của Thái Lan từ chế độ đang chuyển đổi dân chủ sang chế độ dân chủ chưa hoàn thiện, nhưng tranh cãi chính trị giữa giới cầm quyền và những người bất đồng chính kiến, cũng như các sự kiện như giải tán đảng đối lập Tương lai mới vào ngày 21/2/2020 đã châm ngòi sự chỉ trích mạnh mẽ từ phương Tây - đáng chú ý là từ Mỹ và EU. Đồng thời, Thái Lan cũng cần phải can dự với các nước phương Tây trong một loạt lĩnh vực.
Để tránh xung đột, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã cố không sử dụng những từ ngữ gay gắt để bảo vệ phán quyết của tòa án đối với đảng Tương lai mới. Họ chỉ đơn giản nói rằng Thái Lan vẫn cam kết với các giá trị dân chủ và đa nguyên chính trị. Họ nói thêm : "Chúng tôi tin tưởng tất cả bạn bè của Thái Lan, hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, ủng hộ việc thực thi luật tối cao của đất nước chúng tôi cũng giống như những gì chúng tôi đang làm với tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế". Thái Lan và Mỹ đã theo đuổi sự can dự đầy đủ ở tất cả các cấp kể từ khi Chính quyền Donald Trump nhậm chức vào năm 2017. Đại sứ mới của Mỹ tại Thái Lan, Michael DeSombre, chính trị gia đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí đó trong nhiều thập kỷ, cuối cùng đã đến Bangkok vào cuối tháng 1/2020, hơn một năm sau khi người tiền nhiệm của ông rời đi vào cuối năm 2018. Trong các phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, DeSombre tuyên thệ rằng ông sẽ ưu tiên mở rộng quan hệ kinh tế và giúp Thái Lan bảo vệ chủ quyền và an ninh, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng các thể chế dân chủ Thái Lan sẽ được củng cố.
Thái Lan tập trung chủ yếu vào quan hệ với Mỹ nhằm tăng cường các quan hệ an ninh và quân sự. Thủ tướng Prayut, người kiêm chức Bộ trưởng Quốc phòng, đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung 2020 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper vào tháng 11/2019. Tuyên bố này cam kết hợp tác, tăng khả năng tương tác, hiện đại hóa quân đội, chia sẻ thông tin và mở rộng các cuộc tập trận và huấn luyện. Sau tuyên bố này là những chuyến thăm của các sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ tới Thái Lan, trong đó có chuyến thăm của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino. Đô đốc Aquilino là một trong những vị khách đặc biệt tham dự lễ rước thuyền hoàng gia ở Bangkok vào tháng 12/2019. Tổng tư lệnh Lục quân Thái Lan Tướng Apirat Kongsompong cũng ưu tiên quan hệ quân sự với Mỹ kể từ khi nhậm chức vào năm 2018, thường xuyên gặp gỡ các đối tác Mỹ và mua vũ khí hạng nặng từ Mỹ. Ông đã gặp người đồng cấp, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ James McConville lần đầu tại Bangkok vào tháng 9/2019 và lần thứ hai tại Washington vào ngày 26/2/2020. Trong nhiệm kỳ của Tướng Apirat, Lục quân Thái Lan đã mua 60 xe thiết giáp Stryker trị giá 175 triệu USD. Lô 10 xe đầu tiên đã đến Thái Lan vào tháng 9/2019. Trong tháng đó, Washington cũng đã đồng ý bán cho Thái Lan các máy bay trực thăng tấn công hạng nhẹ AH-6i trị giá 400 triệu USD.
Trong khi Mỹ chỉ trích gay gắt về chính trị cuộc đảo chính năm 2014, và một số hoạt động cũng như hỗ trợ quân sự đã bị ngừng, nhưng việc mua sắm vũ khí Mỹ dù bị trì hoãn nhưng chưa bao giờ dừng lại. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã bán số thiết bị quân sự trị giá hơn 1,7 tỷ USD cho Thái Lan, bao gồm máy bay trực thăng Black Hawk và Lakota, hệ thống tên lửa không đối không, nâng cấp máy bay chiến đấu phản lực F-16 của Thái Lan, và các hệ thống tên lửa hải quân và ngư lôi.
Không giống như trong mối quan hệ với Mỹ, Thái Lan đang tìm kiếm không gian để can dự với EU. Sau cuộc đảo chính năm 2014, khối này đã đình chỉ các chuyến thăm cấp cao tới Thái Lan, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác và đối tác EU-Thái Lan và các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do cho đến tháng 10/2019, sau khi một chính phủ được bầu lên. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã tìm cách để Thủ tướng Prayut đi thăm Anh và Pháp vào tháng 6/2018, tập trung vào các thỏa thuận kinh doanh trong khu vực tư nhân. Kết quả của chuyến công du đến Pháp là việc Airbus Commercial Aircraft và Thai Airways International ký thỏa thuận thành lập một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay trị giá hàng tỷ baht tại sân bay U-Tapao ở Thái Lan, ngay cả khi ở Pháp có một nhóm nhỏ người Thái Lan bất đồng chính kiến đã biểu tình phản đối chế độ Prayut. Dù còn cần thời gian mới có thể can dự đầy đủ với cả khối EU, Ngoại trưởng Don Pramudwinai đã đến thăm Luxembourg và Anh trong khoảng các ngày 11-14/2/2020 để tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn, đặc biệt là về các vấn đề kinh tế. Chuyến thăm Anh đã đánh dấu kỷ niệm 165 năm quan hệ ngoại giao giữa Bangkok và London và chính thức hóa các kế hoạch đàm phán hiệp định thương mại tự do sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit).
Sự can dự dễ chịu
Thái Lan thấy dễ chịu hơn khi tương tác với các nước Đông Á - Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - so với các nước phương Tây, khi xét tới việc các nước Đông Á không đưa ra nhận xét gay gắt về chính trị nội địa Thái Lan và chủ yếu tập trung vào lợi ích kinh tế chung. Thái Lan trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực, đáng chú ý nhất là sau cuộc đảo chính năm 2014. Bangkok coi quan hệ với Bắc Kinh là một khu vực dễ chịu cho sự can dự chính trị, an ninh và kinh tế. Để đạt được mục đích đó, Thái Lan trung thành với chính sách "Một Trung Quốc" và tuân thủ các yêu cầu của Bắc Kinh về việc dẫn độ những người Trung Quốc chống đối.
Giới tinh hoa Thái Lan đã nhận thấy rằng nước này cần phải tận dụng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều dự án phát triển, ví dụ như Hành lang kinh tế phía Đông và tàu cao tốc đang được kết nối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan kể từ năm 2013, với kim ngạch thương mại hai chiều là 61 tỷ USD trong năm đó và tăng lên 77,5 tỷ USD trong năm 2019. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã chiếm vị trí đầu trong các bảng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thái Lan năm 2019, được Bộ Đầu tư Thái Lan cấp các đặc quyền khuyến khích đầu tư trị giá 8,5 tỷ USD. Nền kinh tế Thái Lan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc và nhanh chóng bị tác động khi Trung Quốc suy thoái. Chẳng hạn, Tổng cục Du lịch Thái Lan ước tính số lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan sẽ giảm mạnh do dịch Covid-19. Gần 11 triệu du khách Trung Quốc mang lại cho Thái Lan khoản thu nhập 17 tỷ USD trong năm 2019.
Trong những năm gần đây, Bangkok đã mua thêm vũ khí hạng nặng của Trung Quốc, bao gồm tên lửa KS1C năm 2016, xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 năm 2017, tàu ngầm S26T năm 2017 và xe bọc thép năm 2018. Ngoài ra, số lượng các cuộc tập trận và huấn luyện chung tăng lên. Tuy nhiên, theo cựu Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Đại tướng Sonthi Boonyaratglin, sự can dự như vậy sẽ không mang lại sự thay đổi đáng kể nào trong các vấn đề quân sự hoặc an ninh. Quân đội Thái Lan đã tìm kiếm các nguồn trang thiết bị bổ sung trong một thời gian dài, ít nhất là kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, để duy trì các năng lực của mình trong khi chỉ phải chi trả các mức giá phải chăng để mua được các trang thiết bị có chất lượng. Đại tướng Sonthi nói : "Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ chuyển phe vì chúng tôi đã quen thuộc với các hệ thống vũ khí của NATO". Ông nói thêm rằng không cần phải đề cập đến một sự thay đổi trong học thuyết quân sự mà quân đội Thái Lan đã áp dụng từ người Mỹ và đã đi theo trong nửa thế kỷ. Các cuộc huấn luyện và tập trận quân sự với Trung Quốc, chẳng hạn như cuộc tập trận mang tên Strike, đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng chúng vẫn chưa thực sự có ảnh hưởng đối với các hoạt động quân sự của Thái Lan. Cuộc tập trận Hổ Mang Vàng hàng năm giữa Mỹ và Thái Lan vẫn là cuộc tập trận quân sự quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á.
Với tình trạng bất ổn ở Thái Lan, trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy và sự xích mích giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Thái Lan không muốn chứng kiến sự suy tàn của Nhật Bản, vốn là nước thúc đẩy chính cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của họ trong nửa thế kỷ. Các nhà đầu tư Nhật Bản từ lâu đã áp dụng chiến lược "Thái Lan +" để mở rộng chuỗi cung ứng sang các nước khác có chi phí thấp và chính trị ổn định ở Đông Nam Á lục địa. Sự bất ổn chính trị sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Thái Lan là một quan ngại lớn của Nhật Bản và có khả năng đã ảnh hưởng đến lòng tin của người Nhật vào đất nước này. Tuy nhiên, Thái Lan đã nỗ lực đáng kể để xây dựng lại lòng tin. Và họ đã xoay sở để đạt được đồng thời một số mục tiêu khi các nhà đầu tư Trung Quốc và Nhật Bản ký một dự án chung xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc kết nối ba sân bay lớn Suvarnabhumi, Don Mueang và UTapao vào tháng 10/2019.
Bangkok tin rằng không nên bỏ lại bất kỳ bên tham gia quan trọng nào ở Đông Á. Do đó, Thái Lan và Hàn Quốc đã ký 6 bản ghi nhớ trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Moon Jae-in tới Bangkok vào tháng 9/2019 về các lĩnh vực như thành phố thông minh, công nghiệp 4.0, quản lý nước và vận tải đường sắt. Hiệp ước hợp tác tình báo quân sự có ý nghĩa đáng kể đối với Hàn Quốc vì Seoul đã giới hạn trao đổi thông tin tình báo với Nhật Bản trong bối cảnh diễn ra tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Cho dù tuyên bố rằng toàn bộ khu vực Nam Á đều quan trọng, nhưng Thái Lan chủ yếu can dự với Ấn Độ. Tuy nhiên, cuộc họp của Ủy ban Hợp tác song phương chung Thái Lan-Ấn Độ vào ngày 10/10/2019 đã không mang lại kết quả thực sự nào ngoài tuyên bố rằng cả hai bên "nên tăng cường hợp tác song phương trên mọi phương diện cũng như sự cộng tác cụ thể giữa hai khu vực nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương". Sự bổ sung cho nhau giữa chính sách Hướng Tây của Thái Lan và chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, vốn nhằm tăng can dự và kết nối bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, dường như không thể mang lại những kết quả cụ thể.
Sự can dự không phù hợp
Để đóng vai trò dẫn đầu ở Đông Nam Á lục địa, Chính quyền Prayut sau năm 2014 đã áp dụng chiến lược CLMVT (nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan) để can dự với các nước láng giềng trong lưu vực sông Mekong. Chính quyền Prayut cũng khôi phục Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (AMECS) như một cơ chế then chốt để tương tác với các dự án phát triển trong tiểu vùng. Kể từ khi được Chính quyền Thaksin Shinawatra khởi xướng năm 2003, ACMECS chưa bao giờ làm tốt vai trò là một công cụ chính sách đối ngoại của Thái Lan. Bất ổn chính trị trong nước trong giai đoạn 2006-2014 làm suy yếu cơ hội thành công của nó. Tuy nhiên, chiến lược này đã trở lại tâm điểm khi Thái Lan tổ chức hội nghị thượng đỉnh ACMECS lần thứ 8 tại Bangkok vào tháng 6/2018. Chính quyền Bangkok được quân đội hậu thuẫn muốn cải thiện hình ảnh quốc tế của Thái Lan và nâng cao danh tiếng của họ như là một nước bảo trợ cho chủ nghĩa đa phương trong tiểu vùng. Hội nghị thượng đỉnh đã đạt được một kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 2019-2023 nhấn mạnh ba mục tiêu : kết nối liền mạch cơ sở hạ tầng ; đồng bộ hóa các đạo luật và quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư và tài chính ; phát triển thông minh và bền vững đồng thời bảo vệ môi trường. Một năm sau, Chính phủ Thái Lan đã đóng góp 200 triệu USD trong 5 năm cho ACMECS nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án trong kế hoạch tổng thể trên. Thái Lan đóng góp 2/5 trong số 500 triệu USD ban đầu được phân bổ cho Quỹ ACMECS. Bốn nước khác có liên quan sẽ cùng nhau đóng góp 100 triệu USD cho quỹ này, trong khi nhóm tìm kiếm 200 triệu USD còn lại từ các đối tác như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Thực tế là ACMECS không thể là công cụ hữu hiệu để Thái Lan đóng vai trò đáng kể trong phát triển tiểu vùng vì tất cả các đối tác này đều có công cụ riêng để thúc đẩy mục tiêu đó. Nhật Bản đã khởi xướng chương trình Hợp tác Mekong-Nhật Bản vào năm 2008, bên cạnh phần đóng góp chính trong Chương trình tiểu vùng sông Mekong mở rộng do Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ. Mỹ đã khởi xướng Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong vào năm 2009. Hàn Quốc cũng có chương trình hợp tác giữa Hàn Quốc và Mekong kể từ năm 2011. Trung Quốc đã khởi động Hợp tác Lan Thương-Mekong vào năm 2016. Và chương trình Hợp tác Mekong-Ganga của Ấn Độ thực sự đã có từ năm 2000. Các đối tác này đều hùng mạnh và giàu có hơn Thái Lan, và sự hiện diện cũng như các dự án của họ có thể dễ dàng làm lu mờ ACMECS. Do đó, Thái Lan đã xác định lại địa vị của mình là một bên tham gia có thể kết nối tất cả các sáng kiến này, với Bangkok đóng vai trò là trung tâm kết nối các nước ngoài khu vực với tiểu vùng. Khi điều này xảy ra, Thái Lan có khả năng là một điều phối viên, chứ không phải là nhà lãnh đạo mà họ khao khát trở thành.
Kết luận
Sự can dự phức hợp đã làm khá tốt chức năng là một phương tiện để Thái Lan có các quan hệ với một thế giới đang thay đổi. Nó cho phép Chính quyền Bangkok sau năm 2014 tương tác với các đối tác theo nhiều cách khác nhau, trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau. Cho dù các nước phương Tây chỉ trích những diễn biến chính trị trong nước của Thái Lan mạnh mẽ như thế nào, nước này vẫn có chỗ để tìm cách đạt được mục tiêu của mình. Yêu cầu cơ bản đối với việc sử dụng sự can dự phức hợp trong chính sách đối ngoại là họ phải hoạt động ở một loạt cấp độ và kênh can dự cũng như với các mục tiêu rõ ràng và theo đuổi các lợi ích được xác định rõ.
Sự can dự với Mỹ và Trung Quốc là một ví dụ. Thái Lan không cần phải lựa chọn giữa hai siêu cường đối thủ này, vì những thế mạnh khác nhau của họ có thể mang lại lợi ích cho Thái Lan theo những cách khác nhau. Sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ có thể đã suy giảm trong những năm gần đây vì sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng sức mạnh quân sự của nước này chưa bao giờ suy yếu. Nhờ sự phóng khoáng của Chính quyền Trump, Washington đã tạo cơ hội cho Bangkok làm suy yếu chế độ dân chủ. Các tuyên bố chỉ trích và những sự trì hoãn trong mua sắm vũ khí hạng nặng từ Mỹ đã không ảnh hưởng nhiều đến Thái Lan. Trung Quốc có thể cung cấp các vũ khí hạng nặng thay thế như xe tăng và xe bọc thép, và Thái Lan có thể lợi dụng tăng trưởng kinh tế của nước này. Sự can dự phức hợp cũng cho phép Thái Lan duy trì các mối quan hệ kinh tế với EU thông qua đầu tư tư nhân, ngay cả khi tiếp xúc chính trị bị hạn chế.
Cho dù cách tiếp cận này tương đối thành công nhưng nó cũng có những hạn chế. Những thất bại chính trị đã cản trở nỗ lực của Thái Lan trong việc có một vai trò trong cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn, ACMECS được cho là một cơ chế hiệu quả mà qua đó Thái Lan có thể đóng những vai trò quan trọng trong tiểu khu vực Đông Nam Á lục địa. Tuy nhiên, một thập kỷ xung đột chính trị trong nước đã ngăn cản Bangkok theo đuổi chiến lược này, và việc này đã làm suy yếu sáng kiến đến mức nó khó có thể khôi phục.
Supalak Ganjanakhundee
Nguyên tác : Thailand’s ‘Complex Engagement’ Approach in Foreign Policy : A Balancing Act, ISEAS, 31/03/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 06/05/2020
Supalak Ganjanakhundee là nghiên cứu viên cao cấp trong Chương trình Nghiên cứu Thái Lan thuộc Viện ISEAS - Yusof Ishak, và cựu biên tập viên của The Nation (Bangkok). Bài viết được đăng trên ISEAS