Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2020

ASEAN vật lộn với hai mối đe dọa : Biển Đông và Covid-19

Sumathy Permal

Trong bối cảnh các nước trên thế giới phải đương đầu với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, chính phủ các nước Đông Nam Á không những phải vật lộn đối phó với đại dịch mà còn phải đối phó với những mối đe dọa vốn tồn tại dai dẳng trên mặt trận biển.

asean1

Ảnh minh họa

Những mối đe dọa mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với thủy thủ, ngư dân và tàu thuyền đã bị khuyếch đại khi các quốc gia Đông Nam Á vừa phải đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống như di dân bất hợp pháp dọc lãnh hải của các nước này, vừa phải duy trì chủ quyền đối với các vùng biển của mình. Ví dụ, gần đây Hải quân Hoàng gia Malaysia, Không quân Hoàng gia Malaysia cùng Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia đã phải ngăn chặn một tàu chở hơn 250 người tị nạn Rohingya khi họ tìm cách neo đậu tại huyện đảo Langkawi của Malaysia.

Trên mặt trận khác, những cuộc đối đầu nghiêm trọng đã gia tăng ở Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác gồm Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei. Các lực lượng của Trung Quốc gồm tàu khảo sát, tàu hải cảnh và lực lượng dân quân biển đã được phát hiện ở vùng biển được tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Ngày 17/4, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống đã xâm nhập trái phép vào vùng biển của Malaysia, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Tàu khảo sát cùng đội tàu hộ tống này có thể quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của tàu West Capella, tàu do công ty dầu khí quốc gia Malaysia PETRONAS thuê của Anh. Mặc dù Malaysia có thể đã lường trước được một số phản ứng từ phía Trung Quốc đối với các hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này, song quân đội Malaysia cũng như lực lượng tàu chấp pháp tuần tra của nước này đã không xem nhẹ hoạt động điều tàu hải cảnh và tàu khảo sát nói trên của Trung Quốc. Trước đó, đầu tháng 4/2020, một sự cố khác cũng xảy ra ở Biển Đông khi một tàu hải cảnh Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Những diễn biến mới này đã nổi lên ở Biển Đông từ đầu năm 2020, trùng với thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Mặc dù không rõ có phải Trung Quốc có đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng cường hành động ở vùng biển tranh chấp này hay không, song một điều rõ ràng là không có một tình cảnh khó khăn và thách thức nào có thể khiến giới chức Bắc Kinh sao nhãng những hành động hung hăng ở Biển Đông. Ai có thể ngờ được rằng một đất nước là tâm dịch lại vẫn có thể đẩy mạnh các hoạt động triển khai tàu thuyền dồn dập nhằm duy trì những lợi ích biển cũng như những tuyên bố chủ quyền ở vùng biển xa xôi này ? Suy cho cùng, Trung Quốc đã tiến một bước xa ở Biển Đông, đủ để nước này không phải đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu như làn sóng di cư bất hợp pháp, khủng bố, cướp biển và ô nhiễm môi trường biển, như những gì mà các nước Đông Nam Á khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải đối mặt. Việc Trung Quốc điều lực lượng tàu chấp pháp xâm nhập EEZ của nước khác vào những thời điểm cam go này cho thấy quan điểm không nhượng bộ và cách hành xử "bắt nạt" của Bắc Kinh đối với các nước khác bất chấp quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn đang diễn ra.

Chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tới Việt Nam làm dấy lên nghi ngại rằng Washington và Hà Nội đang tăng cường quan hệ quân sự trong bối cảnh Việt Nam nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020. Các yếu tố khác kích động hành động của Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ việc suy giảm mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines sau khi Manila tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận Các Lực lượng Thăm viếng kéo dài hơn 2 thập kỷ với Mỹ. Động thái này của Manila có thể đã khiến Bắc Kinh bạo trợn hơn trong việc thúc đẩy những tham vọng biển của mình ở khu vực.

Ngoài những hành động của tàu thuyền Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp nói trên, một diễn biến khác liên quan đến mặt trận này là việc Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch mới mang tên "Biển Xanh 2020". Nội dung của chiến dịch này không nhiều, song theo báo chí Trung Quốc, chiến dịch này, vốn do lực lượng hải cảnh Trung Quốc khởi xướng, chủ yếu nhằm bảo vệ môi trường biển và sẽ kéo dài từ ngày 1/4-30/11/2020. Tuy nhiên, các hoạt động của lực lượng chấp pháp trong khuôn khổ chiến dịch này sẽ nhằm vào "những hành động vi phạm" luật Trung Quốc trong những lĩnh vực như khai thác dầu khí, xây dựng gần bờ cũng như các hoạt động khai thác cát và khoáng sản biển.

Nhìn từ góc độ căng thẳng ở Biển Đông, người ta có thể đoán định rằng "Biển Xanh 2020" cũng sẽ nhắm vào các nước Đông Nam Á khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, và chiến dịch này được lợi dụng như một cái cớ để các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp ở những vùng biển do các nước Đông Nam Á khác tuyên bố chủ quyền, bao gồm Malaysia.

Trong bối cảnh phải đối phó với đại dịch Covid-19, phần lớn các nước đặt ưu tiên vào việc đảm bảo cung ứng các dịch vụ thiết yếu như an ninh y tế, ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế quy mô lớn, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, theo dõi các hoạt động di cư xuyên biển bất hợp pháp và các mối đe dọa khác. Vào thời điểm cam go này, thật đáng buồn là những nguồn tài nguyên sẵn có và hạn hẹp lại bị chuyển sang cho những nỗ lực ngăn chặn hoạt động xâm nhập biển cũng như ngăn chặn những mưu đồ đòi hỏi chủ quyền ở những vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Điều đáng ngại là một quốc gia nào đó sẽ lợi dụng sự phân tâm vì dịch bệnh và những khó khăn của các nước láng giềng để củng cố vị thế ở Biển Đông. Chắc chắn, những sức ép kiểu như vậy cần phải được đáp trả bằng những hành động tập thể và kiên quyết thông qua các cơ chế hiện hành của các nước liên quan. Có lẽ, ASEAN cần dẫn dắt một sự phản kháng khác nhằm lên án những hành động o ép và quấy nhiễu như vậy, nhất là khi hai bên đã đưa ra những cam kết tiến tới hoàn thiện COC.

Malaysia tỏ ra cứng rắn trong những vấn đề liên quan Biển Đông và trong việc thiết lập đường hướng cũng như những ưu tiên chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Quân đội và các cơ quan chấp pháp của Malaysia hết sức cảnh giác trong công tác bảo vệ những lợi ích của đất nước thông qua các hoạt động tuần tra và giám sát thường xuyên do Hải quân, Không Quân và Cơ quan Thực thi hàng Hải của Malaysia tiến hành. Trong khi đó, ASEAN và Trung Quốc cần duy trì cam kết của mình với tinh thần hợp tác và tránh những hành động có thể gây ra thêm nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm các nước cần hợp tác với nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Sumathy Permal

Nguyên tác : Maritime Flashpoints and the Covid-19 Pandemic, The Diplomat, 20/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 08/05/2020

Sumathy Permal là nghiên cứu viên và là giám đốc Trung tâm Eo biển Malacca, Viện Nghiên cứu biển Malaysia. Bài viết được đăng trên The Diplomat

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Sumathy Permal
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)