Biên tập viên The American Interest (TAI), Gary J. Schmitt gần đây đã có cuộc trao đổi với học giả nổi tiếng của Trung Quốc, Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei – MP), tác giả của "Tư bản thân hữu Trung Quốc". Trong lần trao đổi này, cả hai sẽ đề cập về cách Trung Quốc phản ứng với Covid-19, trao đổi tại sao Tập Cận Bình chậm phản ứng với đại dịch, chính phủ Mỹ nên thiết kế đối sách của mình với Bắc Kinh như thế nào và tại sao Alexis de Tocqueville (tác giả tác phẩm "Nền dân trị Mỹ") tiếp tục ám ảnh giới tinh hoa Trung Quốc. Tập Cận Bình và đảng cộng sản có dễ bị tổn thương hơn chúng ta nghĩ ?
Tập Cận Bình - Ảnh minh họa
Gary J. Schmitt : Gần đây ông đã viết một bài báo có tựa đề "Sự thay đổi lớn ở Trung Quốc : Cạnh tranh, virus corona và điểm yếu của Tập Cận Bình" tại Foreign Affairs. Quan điểm thường thấy là Tập Cận Bình thực sự quyền lực. Tại sao ông không nghĩ theo chiều hướng này ?
Minxin Pei : Có nhiều khía cạnh của quyền lực, và Tập Cận Bình có quyền lực ở một khía cạnh nào đó. So với các đồng chí của ông ta, Tập Cận Bình có ưu thế quyền lực, điều đó có nghĩa là không ai có thể "đẩy đưa" ông ta đi. Trong quá trình ra quyết định, ông có nhiều quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào, ngoại trừ Mao Trạch Đông. Nhưng quyền lực có những khía cạnh khác – khả năng hoàn thành công việc, thực thi chính sách và đưa ra chính sách đúng đắn. Ở đây, tôi khác với nhiều đồng nghiệp.
Khi xây dựng chính sách đúng đắn, việc có quá nhiều quyền lực có thể là một trở ngại. Quá trình ra quyết định có thể được thiên vị để đáp ứng mong muốn của người ra quyết định có ảnh hưởng nhất, vì vậy nhiều rủi ro và cạm bẫy tiềm ẩn chưa được giải quyết. Chúng ta có thể thấy nó trong nhiều chiến lược được triển khai. "Sáng kiến Vành đai và Con đường" là một ví dụ, cho dù ta nhìn vào chính sách theo cách nào, nó sẽ thất bại. Nhưng ta phải tự hỏi tại sao chính sách này được xây dựng và thực hiện một cách phô trương ở Trung Quốc.
Gary J.Schmitt : Ông nghĩ gì về khả năng của Trung Quốc và Tập Cận Bình đối phó với đại dịch ?
Minxin Pei : Chúng ta có rất nhiều điều chưa biết về quá trình ra quyết định (ứng phó) đại dịch corona của Trung Quốc, nhưng chúng ta biết đủ để có thể đưa ra những phỏng đoán có hiểu biết. Với Đảng cộng sản, lòng trung thành chính trị và sự vâng lời là đặc quyền, điều này duy trì sự ổn định chính trị. Điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng minh bạch và trung thực của các quan chức địa phương. Họ có xu hướng bảo thủ vì quan tâm đến sự sống còn chính trị, và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các vấn đề có thể khiến họ không đủ năng lực hoặc không trung thành (chế độ). Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, hệ thống (chính trị Trung Quốc) khó có thể ưu tiên thông tin đầy đủ và chính xác.
Vấn đề thứ hai với quá trình ra quyết định hiện tại là quy tắc lãnh tụ. Tất cả phụ thuộc vào những gì người (lãnh tụ) đó biết và loại quyết định mà lãnh tụ đó đưa ra. Đồng thời, chúng ta phải xem xét rằng các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Tập Cận Bình phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, vì vậy báo cáo từ Vũ Hán có thể nói điều gì đó như : "Chúng tôi có bệnh nhân bị viêm phổi chưa xác định", và điều này chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức.
Ví dụ, chúng ta biết rằng Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã họp vào ngày 7 tháng 1 và Tập Cận Bình đã ban hành một loạt các hướng dẫn về virus corona. Chúng ta không biết những hướng dẫn này là gì, tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 7 tháng 1 đến ngày 20 tháng 1, khi ông đưa ra các hướng dẫn phác thảo đã tạo ra phản hồi tích cực. Vào ngày 22 tháng 1, ông ta đã ra lệnh phong toả Vũ Hán. Do đó, khoảng thời gian hai tuần đặt ra nhiều vấn đề.
Khi kiểm tra lịch trình của Tập, ông ta đã đến Myanmar từ ngày 17 đến 18 tháng 1, và sau đó dừng lại ở Vân Nam trong chuyến kiểm tra (địa phương) hai ngày. Do đó, một giả định hợp lý là ông ta không có đủ thông tin vào thời điểm đó, hoặc nhận thức của Tập Cận Bình đối với vấn đề không đủ nghiêm trọng để hủy bỏ hai chuyến thăm.
Ngay cả sau khi huy động hệ thống, Tập Cận Bình biến mất trong hơn hai tuần. Tập đã để Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp quản công việc. Điều này đặt ra câu hỏi về quyết tâm và trách nhiệm của ông ta trong việc chống lại virus. Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào ngày 7 tháng 2 – tức một tháng sau đó, ông đã kiểm soát lại hoàn toàn tình hình. Kể từ đó, Tập đã bắt đầu sa thải các quan chức (mà Tập coi là vô trách nhiệm).
Kể từ đó, tình hình ở Trung Quốc đã được cải thiện khá đáng kể. Nhưng bây giờ chúng ta hãy nhìn vào một quyết định lãnh đạo đã được thực hiện, những nỗ lực để thay đổi câu chuyện (về virus). Tôi không chắc chắn hiệu quả như thế nào, tôi đoán là ngược lại, bởi điều đó đã không giành được sự công nhận bên ngoài Trung Quốc, nhưng đã nhận được phản ứng tiêu cực rất mạnh – đặc biệt là ở Hoa Kỳ, ở Châu Âu và trên toàn thế giới.
Gary J.Schmitt : Trong bài viết của mình, ông mô tả chế độ Bắc Kinh là "mong manh". Vậy, ngoài Tập Cận Bình, sự kiểm soát và ổn định chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc là gì ? Nó đã hết hơi và nên làm gì đó để tự duy trì ?
Minxin Pei : Chúng tôi vẫn cho rằng Đảng cộng sản duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông, dư luận và những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, vào đầu tháng 2 sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, đảng cộng sản dường như sớm mất kiểm soát. Ta đã thấy rằng các phương tiện truyền thông, phương tiện truyền thông xã hội và thậm chí tin chính thống đi lệch khỏi định hướng của đảng. Họ đã đưa cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng lên trang nhất, ông trùm kinh doanh Trung Quốc đã lên tiếng về cách đảng xử lý khủng hoảng. Rồi đột nhiên, bùng nổ hoạt động dân sự vì bộ máy quan liêu địa phương thực sự bất lực và không thể cung cấp vật tư y tế cơ bản. Các tổ chức dân sự địa phương và công dân Trung Quốc buộc phải can thiệp.
Khoảnh khắc mà cơ chế ấy mở ra, dù chỉ một chút, nhưng nó chỉ ra rằng có một năng lượng tiềm tàng to lớn ẩn chứa bên trong, có thể thoát ra từ đó. Chúng ta nên xem xét chính sách glasnost (chính sách minh bạch hóa, công khai hóa tối đa các cơ quan ngôn luận nhà nước thời kỳ Mikhail Sergeyevich Gorbachyov), bởi vì chính sách này đã cho thấy lỗ hổng của chính hệ thống Liên Xô. Nếu bạn mở nó trong một thời gian dài, bạn có thể giải phóng lực lượng cách mạng.
Đối với hệ thống này, tôi liên tưởng đến lượt đấu bóng chày (có 9 hiệp). Chúng ta có thể ở vòng thứ ba hoặc thứ tư, sự phân rã đã bắt đầu, nhưng đây là hệ thống rất mạnh. Phải mất một thời gian dài để phân rã xâm thực toàn bộ hệ thống, làm suy yếu hệ thống một cách cơ bản và làm cho niềm tin của giới thượng lưu (tinh hoa) Trung Quốc biến mất trong hệ thống này. Phong trào chống tham nhũng, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, suy thoái kinh tế đang phá hủy hệ thống. Và giờ, quan trọng nhất, chúng ta có thêm virus corona.
Gary J.Schmitt : Điều mà ông đề cập gợi cho tôi về quan điểm của Myron Rush (chuyên nghiên cứu không phải về điện Kremlin mà về chính trị nội bộ của Liên Xô) từng nói : sự sụp đổ của Liên Xô là không thể tránh khỏi vào lúc nó xảy ra. Chế độ dột nát có thể tiếp tục (duy trì sự tồn tại của chính nó) trong 20 – 25 năm. Tuy nhiên, khi mở một hệ thống, sẽ có một sự bùng nổ trong đời sống dân sự tại lần mở đó. Vì vậy, như ông đã nói, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy bong bóng này ở Trung Quốc, và dĩ nhiên chính quyền đã cố gắng đóng nó càng sớm càng tốt.
Minxin Pei : Vâng. Tôi muốn nói thêm rằng vào cuối quá trình, tình huống này có thể xảy ra rất nhanh. Điều này đúng với tất cả các chế độ độc tài mà chúng ta nhìn thấy sự suy tàn lâu dài. Tám hiệp đầu tiên tưởng chừng như kéo dài mãi mãi, có thể kéo dài 10 – 20 năm. Nhưng vòng chung kết là trong vòng 1 – 2 năm.
Ở Trung Quốc, có một yếu tố rủi ro khác không tồn tại trước đây : kế vị. Thời điểm yếu nhất đối với các hệ thống Trung Quốc là sự kế vị và bằng cách xóa bỏ nhiệm kỳ, Tập Cận Bình đã gia tăng đáng kể nguy cơ của hệ thống khi không thể xử lý một cuộc khủng hoảng kế vị khác. Đảng cộng sản chỉ xử lý ba lần kế vị một cách hòa bình, nhưng không chính nó không thể xử lý kế vị từ một lãnh tụ sang lãnh đạo tập thể mà không kèm theo biến động chính trị nào đó (có vẻ tác giả đang ám chỉ đến sự kiện Tứ nhân bang gắn liền Cách mạng văn hóa ?-người dịch).
Gary J.Schmitt : Có nhiều sự phản đối nội bộ trong đảng không ?
Minxin Pei : Thật khó để nói, bởi vì trong hệ thống này, khi bạn được xác định là phe đối lập, bạn sẽ biến mất. Theo những gì tôi đọc trên phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc (bạn phải đọc nó bằng sự khuếch đại) và liên lạc với người Trung Quốc, mọi người có rất nhiều sự bất mãn và lo lắng về hiện trạng ở Trung Quốc, và nhiều câu hỏi về lãnh đạo. Thật khó để hình thành bất kỳ hình thức đối lập nào, nhưng chúng ta không được từ chối chúng. Tôi có xu hướng nghĩ rằng đến thời điểm thích hợp, phe đối lập sẽ xuất hiện để tận dụng lợi thế của tình huống. Những người trung thành với bạn ngày hôm nay có thể chống lại bạn vào ngày mai. Hãy nhìn sang Ai Cập, khoảnh khắc những người lính đứng dậy và nói "hạ xuống" với hệ thống, hệ thống đó đã kết thúc.
Gary J.Schmitt : Trong nhiều cuộc thảo luận hiện tại về Trung Quốc, có quan điểm cho rằng nếu Tập Cận Bình bị loại bỏ, nhiều vấn đề chúng ta gặp phải ở Trung Quốc sẽ biến mất. Có một quan điểm khác cho rằng Tập Cận Bình lên nắm quyền khi hệ thống hết hơi, và tất cả những gì ông ta làm là làm trầm trọng thêm những vấn đề đã được giải quyết. Ý kiến của ông về điều này ?
Minxin Pei : Hai quan điểm này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Điều đó có nghĩa là, các chính sách trong bảy năm qua đã đẩy nhanh sự suy vong của chế độ, bởi vì những chính sách này sẽ gây ra những nghi ngờ nghiêm trọng nếu không muốn nói là toàn phản tác dụng. Đồng thời, không thể tưởng tượng được rằng sự đảo ngược của các chính sách này không cần phải thay đổi căn bản bản chất của chế độ. Vì một số lý do, có thể hình dung rằng một thủ tướng tương đối ôn hòa như Lý Khắc Cường đảm nhận chức Chủ tịch nước, chúng ta sẽ thấy nhiều thay đổi chính trị cụ thể. Dưới sự lãnh đạo của Lý Khắc Cường, tôi đơn giản không thể tin rằng những thứ như "Sáng kiến Vành đai và con đường" sẽ tiếp tục, hoặc các hoạt động quân sự ở Biển Đông sẽ tiếp tục với tốc độ hiện tại, hoặc các sáng kiến chính sách đối ngoại sâu rộng sẽ được duy trì.
Hệ thống trước thời kỳ Tập Cận Bình cơ bản là bảo thủ. Ngày nay, nó là một hệ thống đầy rủi ro. Do đó, đối với sự tồn tại của Đảng cộng sản Trung Quốc, một hệ thống bảo thủ có thể làm tốt hơn.
Gary J.Schmitt : Cuốn sách "Tư bản thân hữu Trung Quốc" của ông lập luận rằng do sự tham nhũng của đảng chính trị, hệ thống đảng về cơ bản có thể tự duy trì thông qua tham nhũng. Tuy nhiên, hệ thống này phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế không còn tăng trưởng với cùng tốc độ tương tự. Đảng cộng sản có thể tồn tại nếu "chiến lợi phẩm" này biến mất ?
Minxin Pei : Điều này sẽ khó khăn hơn trước, nó tương tự như cái thau (nước) bị rò rỉ (nước). Cũng giống như tăng trưởng kinh tế, "nước" tiếp tục chảy vào, và giờ "nước" giảm đi, trong khi vẫn còn rất nhiều lỗ rò. Do đó, điều cần làm là chèn kín lại một số lỗ, và nên ưu tiên các lỗ cần được chèn. Đây là lý do tại sao các chính sách bảo thủ cơ bản vẫn bảo thủ trong chính sách đối ngoại. Sự sống còn của đảng không phụ thuộc vào mức độ cao của chính sách đối ngoại hung hăng, mà phụ thuộc vào việc duy trì một hệ thống bảo trợ (tăng trưởng kinh tế) trong khi đảm bảo mức độ cải cách hợp lý nền kinh tế.
Một lĩnh vực mà đảng có thể "vắt thêm nước" từ hệ thống hiện tại là cải cách các doanh nghiệp công (tức doanh nghiệp nhà nước). Tôi nghĩ rằng đảng đánh giá quá cao những rủi ro chính trị đối với cải cách doanh nghiệp công. Đảng cộng sản tin rằng kiểm soát trực tiếp tốt hơn kiểm soát gián tiếp, thế nhưng kiểm soát trực tiếp tốn nhiều chi phí hơn. Do vậy, đồng nghiệp của tôi, ông Nicholas Lardy, ước tính rằng nếu các doanh nghiệp công được cải tổ, thì có thể "vắt" được thêm 2% GDP mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vì thế có thể đạt 8% thay vì 6%. Nếu bạn làm điều này, sẽ có nhiều nước hơn trong thau. Trong khi đó, không cần một giải pháp như "Sáng kiến Vành đai và con đường" để lấp đầy khoảng trống mà vẫn có thể duy trì hệ thống bảo trợ. Tuy nhiên, nếu không tạo ra tăng trưởng kinh tế nhiều hơn và thực hiện cải cách kinh tế trong khi tiếp tục thực hiện chủ nghĩa bành trướng và các chính sách tốn kém trên toàn cầu, thì điều đó lại sẽ đẩy nhanh quá trình "rò rỉ nước".
Gary J.Schmitt : Như ông đã đề cập trước đó, những nỗ lực của Trung Quốc để giành được sự ủng hộ rộng rãi ở Châu Âu và Hoa Kỳ rõ ràng đã thất bại. Đồng thời, quân đội Trung Quốc đã có những hành động khá tích cực ở Đài Loan và Biển Đông. Một số người có thể nghĩ rằng cái sau không giúp cái trước. Ông nghĩ logic của hành động của Tập Cận Bình ở đây là gì ?
Minxin Pei : Tôi nghĩ một trong những ưu tiên chính của Chủ tịch Tập Cận Bình là duy trì hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo quyền lực (cứng rắn). Theo nghĩa này, ông ta giống như Tổng thống Donald Trump. Ông nghĩ : "Tôi có thể không làm tốt, nhưng tất nhiên tôi không muốn tỏ ra sợ hãi." Đây là một sự cân nhắc chính trị. Do đó, khi chúng ta xem tin tức về hoạt động của Tập Cận Bình trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, họ luôn đề cập : "Hôm nay nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang nói chuyện với một nhà lãnh đạo nước ngoài, và ngày mai ông sẽ nói chuyện với một nhà lãnh đạo nước ngoài khác. Nếu bạn tin vào truyền thông chính thức Trung Quốc thì ông Tập Cận Bình đang tiên phong trong nỗ lực chống lại virus corona toàn cầu.
Một vấn đề khác là vai trò quan trọng của quân đội trong việc duy trì chế độ của Tập Cận Bình. Ông ta có thể không thể không thành công trong năng suất của nền kinh tế Trung Quốc hoặc thay đổi môi trường bên ngoài của Trung Quốc, nhưng ông ta chắc chắn cần sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang vì đây là chính sách bảo hộ và là nền tảng quyền lực của ông ta. Quân đội Trung Quốc không quan tâm đến các phản ứng bất lợi tiềm tàng, lực lượng này muốn một lợi thế chiến thuật. Họ cần kinh nghiệm hoạt động. Hơn nữa, họ có thể chỉ ra một cách thuyết phục rằng đây thực sự là một trò chơi răn đe lẫn nhau : Hoa Kỳ đang cố gắng làm điều này, và nếu ta không trả lời, thì ta sẽ tỏ ra yếu đuối. Đó là một động lực ẩn.
Gary J.Schmitt : Vậy, đây là một chế độ vừa mong manh lại vừa cứng rắn. Nếu ta ngồi trong Nhà Trắng, ta sẽ thấy lỗ hổng này và nghĩ rằng "đây là cơ hội để thúc đẩy", hoặc, với sự cứng rắn, ta có nghĩ rằng "chúng ta sẽ gặp quá nhiều rủi ro" ?
Minxin Pei : Trước hết, phải có mục tiêu chiến lược rõ ràng. Gần đây tôi đã viết một cái gì đó cho Bloomberg theo các ý tưởng sau : Chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì ? Ma trận đo lường sự thành công của chúng ta là gì ? Có phải chúng ta đang cố gắng kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc để ngăn chặn quốc gia này có được khả năng đe dọa Hoa Kỳ ? Chúng ta đang cố gắng thay thế chế độ ? Hay chúng ta đang phản ứng với các chính sách cụ thể của Trung Quốc ?
Đây là ba cấp độ mục tiêu. Theo một cách nào đó, tất cả chúng đều được kết nối. Chính sách được hỗ trợ bởi các quan điểm ý thức hệ nhất định, sau đó được thực hiện bởi các khả năng. Tuy nhiên, nếu bạn tuân theo logic rằng chúng ta phải tấn công sức mạnh của Trung Quốc, đây sẽ là một quá trình lâu dài và vô tận. Câu hỏi là, làm thế nào để bạn đo lường tiến độ ?
Chúng ta phải có một chính sách ngắn hạn và dài hạn.
Về lâu dài, chúng ta phải rất tin rằng đây là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống – không chỉ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà còn giữa Trung Quốc và thế giới dân chủ và tự do. Do đó, nếu ta nâng lên mức đó, chính sách của Mỹ sẽ phải trải qua những thay đổi lớn. Chúng ta cần tuyển thêm đồng minh, và về lâu dài, chúng tôi cần kiên nhẫn hơn. Sau đó, trong trung hạn, ta phải phân tích cẩn thận những gì Trung Quốc quan tâm nhất, và sau đó phân tích phản ứng của chúng ta.
Trong ngắn hạn, chúng ta phải tập trung vào phản ứng chính sách cụ thể, nhắm vào các mục tiêu nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. Về lâu dài, đây là một cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm duy trì sự thống nhất của Liên minh Dân chủ phương Tây và duy trì sự phát triển năng động và lợi thế chiến lược cơ cấu của Hoa Kỳ. Hiện tại, chính sách này dựa trên những điểm yếu của Trung Quốc và bỏ qua việc, ta không chỉ phải cố gắng làm cho bên kia yếu đi mà còn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh lâu dài này bằng cách củng cố bản thân.
Gary J.Schmitt : Ở Châu Âu, dường như có một số bất đồng về việc đạt được sự đồng thuận về triển vọng tham gia tích cực với Trung Quốc. Đầu tiên, làm thế nào chúng ta có thể sử dụng thay đổi này để xây dựng một chính sách khôn ngoan của Châu Âu đối với Trung Quốc ? Thứ hai, nếu Washington và các đồng minh hợp tác để đạt được sự thay đổi này, liệu sự thay đổi này có xảy ra ?
Minxin Pei : Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai là Hoa Kỳ sẽ phải dẫn đầu. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy Hoa Kỳ muốn đối mặt với Trung Quốc. Tất nhiên, Hoa Kỳ là một con khỉ đột nặng hơn 300kg. Điều này sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại. Nhưng Hoa Kỳ cũng đã trả rất nhiều chi phí, và khả năng thành công ngắn hạn là thấp. Nếu hợp tác với các đồng minh, Hoa Kỳ sẽ thu được hiệu quả lớn hơn.
Xét vị trí của Châu Âu tại Trung Quốc, Bắc Kinh đang nỗ lực rất nhiều để đẩy nhanh sự mặc khải này. Ở Châu Âu, Bắc Kinh gây ra nhiều tổn hại cho lục địa già. Hoa Kỳ nên tận dụng điều này và đưa ra bằng chứng thuyết phục để chứng minh rằng họ đang ở cùng nhau. Vì lý do này, Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi chính sách đối với Châu Âu. Không bắt nạt Châu Âu, không khuyến khích sự sụp đổ của Liên Hiệp Châu Âu, không làm tổn thương đồng minh với thuế quan. Trong cuộc khủng hoảng virus corona này, các hành động của Washington đối với các đồng minh đã thực sự gây thất vọng. Ở đây cần (ve vuốt) lục địa già.
Gary J.Schmitt : Ông đã đề cập đến Alexis de Tocqueville trong Foreign Affairsi. Tất nhiên, người Mỹ chúng tôi tin rằng Tocqueville là tác giả của "Nền dân trị Mỹ." Nhưng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đọc Tocqueville, họ đã đọc L’Ancien Régime (thuật ngữ ám chỉ trật tự xã hội và chính trị phong kiến tương tự của thời gian ở những nơi khác ở Châu Âu). Tại sao ông nghĩ Tocqueville có điều gì đó để nói về hiện trạng ở Trung Quốc ?
Minxin Pei Khi tôi đang viết luận án, tôi đã đặt ra thuật ngữ "Nghịch lý Tocqueville" bởi vì tôi đang tìm kiếm nguyên nhân của sự tan rã của Liên Xô, không phải vì trì trệ trong một thời gian dài, mà do cố gắng sửa chữa hệ thống. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, bắt đầu quan tâm đến Tocqueville vì ông đã đọc L’Ancien Régime và cảnh báo các giới quan chức rằng cải cách có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của chính hệ thống. Thậm chí, đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Vương đã đọc Tocqueville : họ nhận thức được những rủi ro do cải cách một hệ thống rất cứng rắn và mong manh (của nền chính trị Trung Quốc).
Trong lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc đã học được kinh nghiệm của Gorbachev. Họ cáo buộc Gorbachev về sự tan rã của Liên Xô, nhưng không nghiên cứu lý do cơ bản nhất cho sự tan rã của Liên Xô. Do đó, hiện tượng được xác định bởi Tocqueville khiến họ nhận thức theo nhiều cách, rằng một hệ thống tồi tệ đang ở thời điểm nguy hiểm nhất khi hệ thống đó đang cố gắng trở nên tốt hơn.
Gary J.Schmitt : Cuốn sách đầu tiên của ông "Từ cải cách đến cách mạng : Sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc và Liên Xô" (From Reform to Revolution : The Demise of Communism in China and the Soviet Union) dựa trên luận án của ông. Nếu tôi nhớ chính xác, Liên Xô đã đi quá nhanh vào cải cách chính trị mà không tính đến tất cả các yếu tố kinh tế và xã hội cần phải có. Lý do tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc có thể duy trì vị thế của mình là vì trước tiên Bắc Kinh đã tiến hành cải cách kinh tế và nó không đổi mới hệ thống chính trị. Ông có thể đưa ra lập luận rằng hệ thống của Trung Quốc đã đạt đến điểm : nếu cải cách chính trị không được thực hiện, nó sẽ phải đối mặt với số phận tương tự như Liên Xô ?
Minxin Pei : Luận án của tôi được hoàn thành vào năm 1991. Cuốn sách được phát hành vào năm 1994. Lúc đó, tôi khá lạc quan về con đường của Trung Quốc. Tôi đã cố gắng nghiên cứu các cải cách kinh tế của Trung Quốc và các cải cách chính trị của Liên Xô, và nghĩ rằng nếu mở loại hệ thống này, ta sẽ giải phóng các lực lượng cách mạng làm thay đổi cán cân quyền lực. Trường hợp Trung Quốc, các cải cách kinh tế ban đầu của Trung Quốc rất vừa phải, nhưng nó đã được xã hội Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc đã kích hoạt cuộc cách mạng tư bản nước này. Trường hợp lạc quan hơn so với gợi ý là sự thay đổi kinh tế có thể buộc thay đổi trong hệ thống chính trị.
Cuốn sách thứ hai của tôi, "Trung Quốc trong bẫy chuyển tiếp" (The Trapping Transform in China, 2006) rất khác biệt. Kết luận của tôi là ta phải giải quyết cốt lõi chính trị của hệ thống, cụ thể là hệ thống độc đảng. Nếu ta không đối phó với bản chất của chế độ (về cơ bản là một hệ thống loại trừ), thì không có sự phát triển kinh tế nào có thể thay đổi hệ thống. Thậm chí tệ hơn, phát triển kinh tế cuối cùng là không bền vững.
Gary J.Schmitt : Một trong những lập luận chính được đưa ra bởi các đảng Cộng hòa và Dân chủ để giao thương với Trung Quốc trong quá khứ là tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc sẽ thúc đẩy quyền sở hữu, sau đó là quyền dân sự và chính trị. Làm thế nào ông mô tả tình trạng của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày nay và triển vọng của tầng lớp này trong mở ra cải cách ?
Minxin Pei : Tình trạng của tầng lớp trung lưu rất mơ hồ. Rõ ràng, số lượng tầng lớp trung lưu đã tăng lên rất nhiều. Bất kể là dựa theo trình độ giáo dục hay thu nhập, Trung Quốc có thể có một tầng lớp trung lưu 300 triệu người, nhưng điều này chỉ chiếm 20% dân số. Do đó, về mặt tuyệt đối, Trung Quốc có một tầng lớp trung lưu lớn, nhưng tỷ lệ của nó trong dân số vẫn còn tương đối nhỏ. Một vấn đề khác là tầng lớp trung lưu không chỉ hoạt động chính trị vì tài nguyên vật chất. Tầng lớp này cần một số hình thái giác ngộ trí tuệ hoặc chính trị. Tầng lớp này phải tiếp xúc với những tư tưởng, theo đó về cơ bản sẽ nhận ra bản thân không phù hợp với hệ thống chính trị hiện tại, hoặc phải được tiếp xúc với những thoái trào trọng yếu mà qua đó tự đặt câu hỏi về tương lai của chính tầng lớp này dưới hệ thống (chính trị Trung Quốc).
Do sự kiểm duyệt và đàn áp của chế độ, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chưa thực sự trải nghiệm cái gọi là giác ngộ tri thức. Trái lại, họ bị truyền bá bởi nhiều chủ nghĩa dân tộc. Vì thế, ta có thể loại trừ đó là một nguồn thay đổi chính trị. Bây giờ chúng ta chỉ có thể dựa vào thành phần thứ hai. Họ thuộc tầng lớp trung lưu và chưa bao giờ trải qua sự suy giảm liên tục về mức sống. Bây giờ họ sẽ phải chọn lấy một bản. Giữa việc thiếu cải cách, suy thoái môi trường bên ngoài, tác động của virus corona và suy thoái các nguyên tắc kinh tế của Trung Quốc, tương lai thực sự khá khó khăn.
Gary J.Schmitt : Đó là một luận án Tocqueville khác, phải không ?
Minxin Pei : Vâng, một cuộc cách mạng trong kỳ vọng.
Gary J.Schmitt : Điều cuối cùng trước khi kết thúc. Ông đang viết một cuốn sách mới ?
Minxin Pei : Vâng. Tôi đang viết một cuốn sách về tình trạng giám sát ở Trung Quốc. Đây sẽ là một cuốn sách quan trọng, bởi vì tương lai của nhà nước-đảng (Trung Quốc) phụ thuộc vào hiệu quả của khả năng cưỡng chế của chính nó.
Gary J.Schmitt : Tôi mong chờ cuốn sách đó. Cảm ơn ông rất nhiều.
Minxin Pei
Gary J.Schmitt thực hiện
Nguyên tác : Is Xi Jinping Weaker Than We Think ?, The American Interest, 06/05/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB : 11/05/2020
Minxin Pei là Giáo sư chủ giảng Đại học Tom & Margot Pritzker '72 và George R. Roberts Fellow tại Claremont McKenna College và là tác giả, gần đây nhất, của Chủ nghĩa tư bản Crony của Trung Quốc : Động lực của chế độ phân rã (Harvard, 2016).
Gary J. Schmitt là một học giả thường trú trong các nghiên cứu chiến lược tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và là biên tập viên của The American Interest.