Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/05/2020

Tam Sa : tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông ?

Thụy My - David Geaney

Biển Đông : Trung Quốc toan tính gì khi lập 2 ‘quận’ mới cho ‘Tam Sa’ ?

Thụy My, RFI, 13/05/2020

AMTI : Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Việc lập hai "quận" mới cho "thành phố Tam Sa" không chỉ mang tính biểu tượng.

tamsa1

Đảo Phú Lâm, nơi có miếu thần Hoàng Sa thời vua Minh Mạng, nay trở thành thủ phủ "thành phố Tam Sa". Ảnh vệ tinh của AMTI. © AMTI

Ngày 18/04/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra quyết định lập hai "quận" mới trực thuộc "thành phố Tam Sa" (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody Island) trên quần đảo Hoàng Sa - cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.

Một số nhà quan sát có thể cho rằng việc lập hai "quận" mới này chỉ mang tính biểu tượng mà thôi. Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) ngày 12/05/2020, động thái này sẽ cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của Trung Quốc về Biển Đông.

Đảo Phú Lâm chiếm của Việt Nam thành đại bản doanh

Cái gọi là "Thành phố Tam Sa" được Bắc Kinh lập ra từ tháng 7/2012, trực thuộc tỉnh Hải Nam. "Thẩm quyền" của "thành phố" này được cho là trải rộng khắp 280 đảo, bãi cát ngầm, rạn san hô và các thực thể khác, cùng với các vùng biển xung quanh, tổng cộng lên đến gần 800.000 dặm vuông biển và đất liền.

Khu vực này bao trùm phần lớn yêu sách của Trung Quốc trong khuôn khổ đường 9 đoạn tự vẽ, gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng với bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa).

Việt Nam và Philippines phản đối, cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của hai nước láng giềng tại vùng biển tranh chấp.

Từ năm 2012, đảo Phú Lâm nói riêng và "thành phố Tam Sa" nói chung đã phát triển rất nhanh chóng. Trong tám năm qua, đã mở một trường học, thu hút được nhiều đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng mới như cầu cảng, nhà máy lọc nước biển. Du lịch nở rộ, kinh tế đa dạng hóa, hậu cần và viễn thông phát triển, nhiều nhà ở kiên cố được dựng lên và khuyến khích định cư.

Đảo Phú Lâm và các thực thể khác được cho là thuộc quyền tài phán của "thành phố Tam Sa" là nơi đặt các hệ thống vũ khí, và các cơ quan của "địa cấp thị" này phối hợp trong việc phát triển và hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Và nay trên các thực thể đa dạng của "Tam Sa" đầy dẫy các hệ thống thiết bị tình báo, giám sát hiện đại.

Việc thành lập hai "quận" mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa là sự tiếp tục quỹ đạo phát triển của "Tam Sa".

Vai trò "Tây Sa" và "Nam Sa"

Trong cách tổ chức của Trung Quốc, các địa cấp thị bao gồm các quận và phường trực thuộc, có bộ máy chính quyền của từng cấp. Thế nên khi Quốc vụ viện lập ra hai quận mới cho "thành phố Tam Sa", cũng đồng thời lập ra hai chính quyền cấp quận mới. Đó là "Tây Sa khu" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và "Nam Sa khu" đặt tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1988.

Ngoài việc nắm "quyền tài phán" trên quần đảo Hoàng Sa, chính quyền "Tây Sa khu" cũng quản lý luôn "quần đảo Trung Sa" (Zhongsha), trong khi chính quyền "Nam Sa khu" sẽ quản lý quần đảo Trường Sa. Vì chính quyền do đảng chỉ đạo, nên quận ủy cũng sẽ hiện diện tại các quận mới.

"Tây Sa" và "Nam Sa" giúp mở rộng năng lực hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nước đảng trị từ lâu đã tìm cách tăng cường hiệu quả quản trị trên các lãnh thổ yêu sách tại vùng biển này.

Đầu tiên Bắc Kinh cho thành lập ủy ban đảng và chính quyền tại đảo Phú Lâm từ tháng 3/1959 (đảo Phú Lâm bị Trung Quốc bí mật chiếm đóng năm 1956, và quản lý toàn bộ hòn đảo sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974), có quyền tài phán như "thành phố Tam Sa" hiện nay. Đến cuối năm 2008, đảng và chính quyền Phú Lâm lập ra 18 ban hành chính chức năng và 20 định chế công mới.

Khi "thành phố Tam Sa" ra đời tháng 7/2012, các tổ chức chính quyền mới đã thay thế các bộ phận cũ. Từ năm 2012, Tam Sa liên tục đưa ra các hình thức quản trị địa phương mới, trong đó có ít nhất 4 ủy ban công tác và ủy ban quản lý, cũng như 10 ủy ban thường trú khu phố. Do đó việc lập thêm hai quận Tây Sa và Nam Sa là bước đi mới nhất trong một kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm bành trướng trên Biển Đông.

Các tổ chức của "thành phố Tam Sa" là trợ thủ cho sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông, thông qua việc thực hiện chức năng điều phối và hoạch định chính sách quan trọng. Có thể kể : định ra chính sách thuế và công nghiệp địa phương, hỗ trợ hoạt động dân quân biển, đưa vào vận hành các tàu mới, điều phối nguồn lực dân sự và quân sự. Bên cạnh đó là cải thiện điều kiện sống, lập các chương trình tuyên truyền, thiết trí các hệ thống viễn thông mới…

Những người được giao điều hành "Tam Sa" sẽ có tám năm bận rộn với việc biến đảo Phú Lâm và các thực thể khác thành trung tâm cho các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Hai quận "Tây Sa" và "Nam Sa" sẽ cung cấp người quản lý, nhân sự và nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng và thực thi chính sách địa phương ở mức độ rộng lớn hơn, qua đó nâng cao năng lực hành chính tổng thể của "thành phố Tam Sa".

Cạnh tranh giữa hai "quận" mới ?

Việc bổ sung thêm hai quận mới cho "thành phố Tam Sa" còn có thể thúc đẩy các chính sách mới về Biển Đông. Được cho là "Tây Sa" và "Nam Sa" sẽ quản lý về địa lý và chính trị tại hai khu vực khác nhau, hai cơ quan này rốt cuộc có thể theo đuổi các lợi ích khác biệt.

"Tây Sa khu" sẽ quản lý một khu vực tương đối ổn định trên Biển Đông, tại đó Trung Quốc đã có sự hiện diện dân sự đông đảo. Còn "Nam Sa khu" sẽ phụ trách một khu vực tranh chấp nóng bỏng, với nhiều lực lượng quân sự, chấp pháp và dân quân biển. Do vậy các nhà quản lý sẽ phải áp dụng các chính sách phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.

Chẳng hạn, chính quyền "Tây Sa khu" có thể thúc đẩy việc tổ chức cho du khách Trung Quốc đến tham quan quần đảo Trường Sa, một thủ thuật đầy khiêu khích nhằm phát triển kinh tế địa phương, dân sự hóa sự hiện diện ở Trường Sa và xác quyết chủ quyền.

Hai quận này có cạnh tranh lợi ích với nhau hay không và ở mức độ nào, còn tùy thuộc vào quyền tự chủ tương đối của họ đối với chính quyền "thành phố Tam Sa". Do hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả tương tác giữa nhiều nhân tố trung ương và địa phương khác nhau, nên sự thay đổi quan hệ giữa các cấp hành chính của "Tam Sa" cần được theo dõi chặt chẽ.

AMTI kết luận, vì Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Các quận mới sẽ cung cấp các nguồn lực xây dựng và thực thi chính sách bổ sung cho "thành phố Tam Sa", giúp những người lãnh đạo theo đuổi các chủ trương cụ thể.

Nằm ở tuyến đầu tranh chấp Biển Đông, "thành phố Tam Sa" và các tổ chức hành chính trực thuộc chịu trách nhiệm hằng ngày đều phải thúc đẩy lợi ích về lãnh thổ của Trung Quốc. Thế nên việc tăng cường năng lượng hành chính cho "Tam Sa" sẽ nâng cao vị trí tổng thể của Trung Quốc trên vùng biển náo động này. Các quốc gia đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam, cần phải chú ý "nhất cử nhất động" trong chính sách bành trướng Bắc Kinh.

Thụy My

Nguồn : RFI, 13/05/2020

******************

Tiền đồn quân sự Trung Quốc ở Biển Đông - Thách thức của cộng đồng quốc tế

David Geaney, Nghiên cứu Biển Đông, 13/05/2020

Trong khi thế giới đang chật vật đương đầu với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, Trung Quốc tiếp tục củng cố các đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà không có bất kỳ phản ứng nào từ cộng đồng quốc tế.

tamsa2

Hình ảnh các cấu trúc của Trung Quốc và một phi đạo trên rạn san hô Subi nhân tạo tại nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông chụp ngày 21 tháng 4 năm 2017 từ một chiếc C-130 của Không quân Philippines. (Francis Malasig / AP)

Ngay cả vụ đâm chìm tàu cá của Việt Nam cũng chỉ xuất hiện phản ứng tối thiểu từ cộng đồng quốc tế, cho dù Philippines và quân đội Mỹ đã đưa ra tuyên bố phản đối vụ việc này.

Trước đại dịch Covid-19, chiến lược "chiến tranh không khói súng" của Trung Quốc đã dẫn đến việc "gần như bình thường hóa" sự tăng cường sức mạnh quân sự và các yêu sách "đường chín đoạn" của Bắc Kinh trên Biển Đông. Kể từ năm 2013, "Vạn lý Trường Thành Cát" (do cựu Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đặt tên) thậm chí đang ngày càng trở nên ghê gớm hơn. Cùng với việc bất tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay liên quan tới việc bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn", rõ ràng Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết đưa ra các yêu sách của họ.

Bất chấp điều này, Mỹ, Liên hợp quốc (LHQ) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể cùng nhau nhanh chóng hành động để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có các đường băng và hàng chục nhà chứa máy bay chiến đấu trên một số đảo, cũng như tên lửa hành trình chống hạm, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Trung Quốc đã tận dụng những hòn đảo này để khởi động các chiến dịch gây sức ép ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và thậm chí cả biển Natuna (do Indonesia tuyên bố chủ quyền).

Mặc dù họ đã kiềm chế việc triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu đến các căn cứ trên đảo, nhưng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột, các phi đội chiến đấu cơ có khả năng nhanh chóng tổ chức và sử dụng các cơ sở quân sự này làm căn cứ tiền tiêu. Sau đó, Trung Quốc có thể sử dụng các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa và chống hạm được lắp đặt gần đây để hạn chế các cuộc xâm nhập vào Biển Đông, qua đó ngăn chặn hữu hiệu kẻ thù khi bắt đầu chiến sự. Trên thực tế, những hòn đảo này nên được coi là mối đe dọa hiện hữu đối với Đài Loan, vì chúng giảm nhẹ sự răn đe do Mỹ lãnh đạo nhằm vào nỗ lực thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực của Đại lục.

Mỹ, LHQ và ASEAN nên hợp tác để đối phó các công sự này của Trung Quốc trên Biển Đông, vì mỗi bên đều bị tổn hại nếu không hành động. Mỹ nên khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và xây dựng các mối quan hệ dân sự, kinh tế, ngoại giao và quân sự mạnh mẽ hơn với mỗi nước để giúp giảm bớt áp lực từ Trung Quốc cũng như trấn an các nước này bằng sự hỗ trợ của Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã dự đoán và hy vọng Mỹ và LHQ sẽ thực thi hơn nữa phán quyết năm 2016 của PCA, và một mối quan tâm lâu dài hơn trong khu vực này sẽ mang lại một sự thay thế đáng hoan nghênh đối với "người hàng xóm nguy hiểm" ở phương bắc.

Các hòn đảo này tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập các căn cứ, qua đó có thể hăm dọa các quốc gia ASEAN từ bỏ yêu sách của mình hoặc phục tùng các yêu sách của Bắc Kinh. Các lực lượng bán quân sự và tàu cá Trung Quốc lợi dụng các căn cứ trên đảo làm nơi tập trung để quấy rối và thậm chí đánh chìm các tàu thương mại của các nước ASEAN. Cần có một phản ứng phối hợp của cộng đồng quốc tế để hạn chế sự thành công của Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc trên toàn Châu Á.

LHQ hiện có vai trò sống còn trong việc đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên khác. LHQ cần phải có hành động gây sức ép đối với bất kỳ quốc gia nào không tuân thủ luật pháp hoặc không ủng hộ hệ thống quốc tế. Sự ủng hộ và tham gia ngày càng gia tăng của LHQ trong các hoạt động tuần tra tự do hàng hải sẽ giúp tạo áp lực quốc tế bền vững đối với Trung Quốc để chấm dứt việc nước này tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.

Đàm phán song phương luôn đặt các nước vào thế bất lợi trước Trung Quốc, song các cuộc đàm phán đa phương sẽ giúp ASEAN có thêm sức mạnh thương lượng. Trung Quốc sẽ cố gây áp lực với từng quốc gia, nhưng nếu các thành viên ASEAN hợp tác với nhau, họ có thể khiến các cuộc đàm phán đa phương tăng thêm áp lực đối với Trung Quốc, qua đó ngăn chặn sự quấy rối và xâm lấn lãnh thổ hơn nữa của Bắc Kinh.

Indonesia và Việt Nam có thể rất phù hợp để đóng vai trò lãnh đạo trong việc điều phối một phản ứng thống nhất của ASEAN với Washington. Mỹ có thể hạn chế việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á bằng một thỏa thuận đa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và các quốc gia ASEAN, tương tự như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu được thực thi vào năm 2015, nhưng với nhiều thành tố chính trị và quân sự hơn. Nếu không có một sáng kiến ASEAN thống nhất được hỗ trợ bởi Mỹ và các đồng minh chủ chốt, các quốc gia Châu Á sẽ phải đối mặt với tình trạng khó xử khi cố gắng chống lại các nỗ lực gây áp lực, hăm dọa của Trung Quốc. Trước đại dịch Covid-19, điều quan trọng hơn bao giờ hết là Mỹ cần phải ủng hộ ASEAN vì Trung Quốc đang chờ đợi để nhanh chóng "giúp đỡ" trong khi củng cố tầm ảnh hưởng và thắt chặt sự kìm kẹp đối với khu vực này.

Hiện Mỹ, LHQ và ASEAN đều bị đe dọa bởi trạng thái gần như bình thường trong hành động xâm lược và quân sự hóa các đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. Cần phải có một nỗ lực phối hợp và thống nhất để chống lại các tác động đang diễn ra của các căn cứ đảo này đối với thương mại quốc tế, luật pháp quốc tế và an ninh Đông Nam Á. Nếu việc Trung Quốc mở rộng vòng ảnh hưởng và dấu tích quân sự ở Biển Đông không bị ngăn chặn một cách hiệu quả, thì Mỹ sẽ mất ảnh hưởng đáng kể ở Châu Á và gặp khó khăn trong việc chống lại chủ nghĩa phiêu lưu kinh tế và quân sự của Trung Quốc, qua đó gây nguy hiểm cho các đồng minh chủ chốt cũng như những lợi ích của chính nước Mỹ.

David Geaney

Nguyên tác : China’s island fortifications are a challenge to international norms, Defense News, 17/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 13/05/2020

David Geaney là Đại úy Không quân Hoa Kỳ, từng là diễn giả về sự trỗi dậy của Trung Quốc cho Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế. Bài viết được đăng trên DefenseNews

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, David Geaney
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)