Tình trạng của 12 dự án được cho là "đắp chiếu" theo chuyên gia về giá cả thị trường Bộ Tài Chính, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, là vấn đề của hơn 2 năm rồi mà vẫn không giải quyết được :
Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên, 1 trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ toquoc.vn - Hình minh hoạ.
"Toàn bộ Doanh Nghiệp Nhà Nước đầu tư, chủ yếu các tập đoàn, tổng công ty lớn nằm dưới sự quản lý của Bộ Công Thương. Về mặt thiệt hại trực tiếp thì gần như hàng chục, thậm chí cả trăm ngàn tỷ từ tất cả 12 dự án đó coi như là mất, là thất thoát. Càng để lâu càng không phát huy tác dụng, máy móc hư hỏng và trở thành bãi sắt vụn".
Ông nói qui mô dự trù quá lớn, công nghệ lạc hậu, đội vốn, tranh chấp, không thể quyết toán được.
Một bài báo trên trang Điện Tử Chính Phủ vào ngày 14 tháng 5 nêu rõ mấu chốt cơ bản từ các dự án, doanh nghiệp chưa giải quyết được phần lớn tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Đó là xử lý dứt điểm tranh chấp, vướng mắc để quyết toán hợp đồng tổng thầu (EPC), quyết toán toàn bộ khó khăn về tài chính, cơ cấu lại nợ, giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay, xây dựng phương án thoái vốn.
Theo nhận định hiện tại có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi, trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế. Kế đến có 2 dự án giảm được lỗ nhưng chưa bền vững, 1 dự án dừng hoạt động đã vận hành trở lại, và 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang hoặc dừng hoạt động.
Kỹ sư Trần Bang, thường có bài phản biện về những dự án đầu tư mà ông cho là khá phiêu lưu, cho biết :
"Trong 7 cái dự án đầu tư thua lỗ đa số phải tính đến EPC Trung Quốc, ví dụ nhà máy hóa chất phân bón DAP ở Lào Cai, nhà máy mở rộng phân bón tại Hà Bắc, nhà máy phân đạm Ninh Bình, nhà máy mở rộng gang thép Thái Nguyên. Bốn dự án chắc chắn là công nghệ Trung Quốc và nhà thầu EPC là Trung Quốc. Còn một dụ án nữa không chắc có dính đến Trung Quốc không là nhà máy công nghiệp đóng tàu Dung Quất".
Con số dư nợ của các dự án, doanh nghiệp thua lỗ đối với các tổ chức tín dụng được coi là rất lớn, đa số không trả đúng hạn. Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nếu có hoạt động cũng không thể cạnh tranh được trên thị trường, tiếp tục duy trì thì tiếp tục thua lỗ, dẫn tới giải pháp phải bán cho khu vực tư nhân để họ xử lý.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai, một trong những dự án thua lỗ. Courtesy of daplaocai.com.vn
Nhưng nếu giá bán mà dưới vốn đầu tư thì ai chịu trách nhiệm về khoản chênh lệch giữa giá bán thấp hơn so với qui mô đầu tư, là câu hỏi được tiến sĩ Vũ Đình Ánh nêu ra để giải thích rằng cơ bản nhất vẫn là vấn đề trách nhiệm liên quan đến quá nhiều bên :
"Nó là trách nhiệm của tất cả các bên, bởi vì các dự án lớn như vậy liên quan đến nhiều các thứ cấp chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư, quá trình triển khai thực hiện cho đến lúc hoàn thành. Đó là chưa kể vốn vay cho đến các tổ chức tín dụng có thể là ở trong và ngoài nước"
Được biết tính đến 31/12/2019 có tất cả 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án. Tổng dự nợ của 12 dự án được nói đến ở đây là gần 21 ngàn tỷ Đồng.
Xử lý theo nguyên tắc thị trường đối với 12 dự án thua lỗ theo quy định pháp luật, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, là đề xuất của bài báo trên Trang Điện Tử Chính Phủ.
Dưới mắt chuyên gia tài chính và thị trường Vũ Đình Ánh, qui trách nhiệm đã khó, xử lý theo nguyên tắc thị trường theo tính tự chủ xem ra càng khó hơn :
"Mà bây giờ không phân rõ được trách nhiệm của ai, thiệt hại như thế nào để bồi thường cho thỏa đáng phần thua lỗ đó. Ở cái thời họ quyết định đầu tư thì họ đều thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương, sau này họ mới chuyển sang Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước& Doanh Nghiệp, là đơn vị mới thành lập và mới đi vào hoạt động.
12 dự án này hiện Ngân Hàng vẫn coi như những món nợ treo để đấy. Không có bên nào chịu trách nhiệm thì cái tự chủ liên quan chuyện can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây cụ thể là Bộ Công Thương. Khi xử lý thì các tập đoàn, các tổng công ty đấy không có quyền chủ động mà phải chờ cơ quan chức năng mà bây giờ được chuyển sang bên Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước&Doanh Nghiệp. Nhưng bản thân Ủy Ban này cũng không muốn dính dáng gì đến các dụ án thua lỗ ở quá khứ đó vì không phải do họ quyết. Đây cũng thêm cái gọi là nhùng nhằng về mặt cơ chế giải quyết 12 dự án này".
Gút mắc trong xử lý 12 dự án đắp chiếu, theo nhà phản biện Trần Bang, chính là cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam luôn đề cao :
"Bất cứ dự án nào thì nguyên tắc đầu tiên là phải có lãi. Có thể 3 năm đầu lỗ nhưng đến năm thứ tư trở đi thì cứ thế mà lời thôi. Nguyên tắc thị trường thì thua lỗ có nghĩa là anh phải phá sản chứ không được dùng ngân sách nhà nước rót vào để bù lỗ được. Anh lỗ thì tự anh phải chịu, đấy là nguyên tắc thị trường.Thế nhưng cái dùng dằng, cái lằng nhằng của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là các doanh nghiệp thua lỗ ỷ lại ở cái chính phủ đi xin bộ ngành để bù lỗ, để tồn tại".
"Lỗ thì Nhà Nước chịu, dân đóng thuế bù vào, doanh nghiệp vẫn có lời, cá nhân vẫn có lời, nhóm lợi ích có lời nhưng Nhà Nước thì lỗ. Nhà nước lỗ tức là nhân dân lỗ. Cái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mấu chốt dẫn đến sự sai phạm đấy".
Một đề xuất khác nữa là cơ quan quản lý Nhà Nước có chức năng hướng dẫn về mặt pháp lý đối với các giải pháp đề ra nhằm giải quyết vướng mắc của 12 dự án sao cho đúng luật, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xác định rõ cũng như đề xuất cách xử lý những nội dung được coi là vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam có cơ chế gọi là quyết định thì tập thể nhưng trách nhiệm lại qui cho cá nhân. Chính cơ chế ấy khiến 12 dự án thua lỗ này rất khó mà xử lý trách nhiệm, là nhận định của tiến sĩ Vũ Đình Ánh.
Còn theo kỹ sư Trần Bang, cũng phải ghi nhận nhiều dự án do doanh nghiệp nhà nước đảm trách vẫn có lãi như dầu khí, khai thác tài nguyên đá, đất sét, kaolin, hoặc lợi dụng được giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, ông khẳng định, nếu đưa những dự án đó vào tay tư nhân thì số lời sẽ cao hơn rất nhiều chứ không chỉ có vậy.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 15/05/2020