Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/05/2020

Cách quản lý cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu sắp tới

Barry Eichengreen

Các nước đang phát triển sắp sửa rơi vào cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất kể từ năm 1982. Thời đó, phải mất ba năm trước khi các nước chủ nợ thực hiện một phản ứng có phối hợp được gọi là Kế hoạch Baker, đặt theo tên của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ James Baker. Lần này, may mắn thay, chính phủ các nước G20 đã phản ứng nhanh hơn, kêu gọi tạm ngừng việc thanh toán nợ cho các nước thu nhập thấp.

crisis1

Có lẽ có thể dự đoán được là tuyên bố của G20 có nhiều điểm tương tự như Kế hoạch Baker. Chỉ có một vấn đề duy nhất : Kế hoạch Baker đã không có hiệu quả.

Cuộc khủng hoảng hiện đang nhấn chìm các nước mới nổi và đang phát triển là chưa từng có. Hơn 100 tỷ đô la vốn tài chính đã chảy ra khỏi các thị trường này – gấp ba lần so với hai tháng đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Kiều hối sẽ có thể giảm thêm 100 tỷ đô la trong năm nay. Doanh thu từ dầu khí của các nước đang phát triển có thể giảm 85%. Thương mại toàn cầu đang giảm tới 32%, gấp ba lần so với năm 2009. Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh một dịch Châu chấu đang diễn ra ở Châu Phi.

Bối cảnh tài chính vẫn là một hệ thống tiền tệ quốc tế dựa quá mức vào đồng đô la Mỹ. Trong năm năm qua, chúng ta đã được trấn an rằng các nền kinh tế mới nổi đã chuộc được hoàn toàn "tội lỗi gốc" của họ. Nói cách khác, chính phủ của họ hiện có thể đi vay bằng đồng tiền riêng của mình, cho phép họ có nhiều không gian hơn để sử dụng các chính sách tài khoá và tiền tệ.

Đáng tiếc là quan sát này bỏ qua một thực tế là tại các quốc gia này, các công ty tư nhân của họ lại đi vay bằng đồng đô la. Nó cũng bỏ qua thực tế rằng các khoản nợ định danh bằng đồng đô la tại các thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008.

Nó cũng chưa tính tới thực tế rằng các thị trường mới nổi, trừ Mexico, Brazil, Singapore và Hàn Quốc, đều thiếu các thoả thuận hoán đổi tiền tệ với Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Đúng là Fed gần đây đã bổ sung một "biện pháp repo" qua đó cho phép ngân hàng trung ương các nước có thể sử dụng trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ mà họ đang nắm giữ làm tài sản đảm bảo để đi vay đô la Mỹ. Nhưng giải pháp đó chỉ mang lại một cảm giác an tâm nửa vời cho các quốc gia đã cạn kiệt tài sản dự trữ.

Tất cả điều này có nghĩa là trong vấn đề sử dụng các chính sách tài khoá và tiền tệ để ổn định hoá nền kinh tế, các thị trường mới nổi đang gặp khó khăn.

Đó là lý do tại sao chúng ta quay trở lại với Kế hoạch Baker 2.0. G20 đã đề nghị đình tạm ngừng thanh toán lãi cho các khoản vay liên chính phủ cho các nước nghèo nhất. Về phần mình, các chủ nợ tư nhân đã đồng ý đảo 8 tỷ USD giá trị các khoản nợ thương mại. Điều này chí ít cũng có tác dụng nhất định.

Nhưng, nói như ngôi sao bóng chày Yogi Berra, thì đó là chuyện đã từng xảy ra trước đây. Kế hoạch Baker cũng đã được tiến hành dựa trên tiền đề rằng cú sốc là nhất thời và việc tạm hoãn thanh toán các khoản nợ là đủ. Các chủ nợ sẽ đảo nợ giúp các con nợ. Tăng trưởng sẽ tiếp tục. Tiền trả lãi chậm sau đó sẽ được trả hết khi khủng hoảng qua đi.

Tất nhiên không phải như vậy. Không có phép lạ "phượng hoàng trỗi dậy từ đống tro tàn" nào ở các nước thu nhập thấp và trung bình ; thay vào đó, đã diễn ra một thập kỷ mất mát. Các thị trường mới nổi không nhữngkhông thể trả nợ bởi các khoản nợ của họ không được cơ cấu lại, mà họ cũng không thể đi vay thêm.

Cam kết bơm thêm tiền mới của các chủ nợ đặc biệt có vấn đề. Trong thực tế, ngân hàng nào cũng muốn các ngân hàng khác đóng góp nguồn tài chính mới chứ không phải mình – một vấn đề đúng kiểu ngồi không hưởng lợi, đùn đẩy gánh nặng cho người khác.

Đến năm 1989, sau bảy năm không có kết quả kể từ khi khủng hoảng xảy ra, Kế hoạch Baker cuối cùng đã được thay thế bởi Kế hoạch Brady, đặt theo tên của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ lúc đó, Nicholas Brady. Các khoản nợ đã được giảm hoặc xoá. Các khoản vay ngân hàng đã được chuyển thành trái phiếu – thường theo danh sách một loạt các tài sản chứng khoán do các nhà đầu tư chọn áp đặt các điều khoản và kỳ hạn theo ý muốn. Chính phủ các nền kinh tế tiên tiến đã tạo điều kiện cho giao dịch bằng cách cung cấp hỗ trợ – như các khoản trợ cấp cho phép có thể thế chấp các chứng khoán mới và tăng cường mức thanh khoản của chúng.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đang được coi là tạm thời, với quyết định cho phép tạm dừng trả lãi và hứa hẹn về các khoản tín dụng thương mại chỉ có hiệu lực đến cuối năm nay. Thực tế rất khác. Tăng trưởng toàn cầu suy yếu và giá hàng hóa cơ bản thấp sẽ còn kéo dài. Chuỗi cung ứng sẽ được tổ chức lại và rút gọn, làm gia tăng thêm tình trạng gián đoạn thương mại. Du lịch và kiều hối sẽ khó tăng lại trong tương lại gần. Và trừ khi núi nợ được giải quyết, dòng vốn sẽ không tiếp tục chảy trở lại (vào các nước đi vay).

Bây giờ – chứ không phải bảy năm sau – là thời điểm cho một Kế hoạch Brady mới, theo đó các khoản nợ không bền vững không phải do lỗi của nước đi vay nên được xoá giảm và chuyển thành các công cụ mới. Điều này có thể được thực hiện mà không gây bất ổn cho các ngân hàng vì trái phiếu của các thị trường mới nổi thường được nắm giữ chủ yếu bên ngoài hệ thống ngân hàng. Một cuộc chuyển đổi quy mô lớn cũng sẽ là dịp để nhiều quốc gia phát hành các công cụ tài chính cải tiến, ví dụ như dựa trên chỉ mục GDP và giá cả hàng hóa cơ bản, điềugiúp họ không phải trả lãi suất cao hơn so với các khoản vay thông thường.

Cuộc khủng hoảng nợ này cũng là một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khủng hoảng chính sách công toàn cầu. Do đó, tổ chức thích hợp nhất để điều phối phương thức phản ứng là Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chứ không phải là Viện Tài chính Quốc tế, cơ quan nội bộ của các nước chủ nợ (theo khuyến nghị của G20). Là một tổ chức của Liên Hợp Quốc, IMF có thể yêu cầu viện dẫn Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc để bảo vệ các nước con nợ trước các hành động pháp lý của các nhà đầu tư cơ hội. Một cuộc khủng hoảng quy mô như hiện nay cần phải đi kèm với các biện pháp mạnh mẽ.

Barry Eichengreen

Nguyên tác, "Managing the Coming Global Debt Crisis", Project Syndicate, 13/05/2020.

Trần Hùng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/05/2020

Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley, và là một cựu cố vấn chính sách cao cấp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông là The Populist Temptation : Economic Grievance and Political Reaction in the Modern Era.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Barry Eichengreen
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)