Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/05/2020

Chiến dịch tin tặc và đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc

Hải Yến

Mỹ lật tẩy chiến dịch tin tặc và chiêu ăn cắp sở hữu trí tuệ dưới vỏ bọc yêu nước của Trung Quốc

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh xung quanh đại dịch virus corona tiếp tục leo thang khi mới đây Mỹ chính thức phát cảnh báo Trung Quốc tấn công mạng, âm mưu ăn cắp nghiên cứu vắc xin Covid-19 đồng thời Hoa Kỳ cũng liên tiếp bắt giữ các nhà khoa học gốc Hoa vì che giấu mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc trong lúc tham gia các dự án nhạy cảm ở Mỹ.

ancap1

Thông báo dịch vụ công của FBI và DHS ngày 13/5 về tin tặc Trung Quốc

Nhà chức trách Mỹ ngày 13/5 (giờ địa phương) cảnh báo các tin tặc liên quan tới Trung Quốc đã tấn công vào hệ thống của các tổ chức Mỹ đang nghiên cứu về ứng phó dịch Covid-19.

Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) và Cục điều tra liên bang (FBI) ngày 13/5 đã ban hành một "Thông báo dịch vụ công", cảnh báo rằng Trung Quốc nhiều khả năng đang phát động các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu về virus corona mới (SARS-Cov-2) có liên quan đến phát triển vắc xin và điều trị Covid-19 của các tổ chức nghiên cứu và công ty dược phẩm.

Thông báo gọi đây là "mối đe dọa đáng kể". Theo đó, "các tổ chức nghiên cứu về Covid-19 nhiều khả năng đang trở thành mục tiêu tấn công mạng từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

DHS và FBI cảnh báo các cơ quan, tổ chức về y tế, dược phẩm và nghiên cứu liên quan đến ứng phó Covid-19 "cần nhận thức rằng họ là mục tiêu chính của hoạt động [tấn công mạng] và thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ hệ thống của mình".

Trong một thời gian dài, FBI và DHS đã tập trung theo dõi các vụ tấn công của tin tặc và những hoạt động của "các thế lực phi truyền thống", mà theo chính quyền Tổng thống Trump là nhóm các nhà nghiên cứu và giới sinh viên đang âm mưu đánh cắp dữ liệu trong nội bộ các phòng thí nghiệm đại học và tư nhân.

Giới chức chính quyền Washington trước đây và hiện tại cho hay quyết định đưa ra cáo buộc cụ thể nhằm vào các nhóm tin tặc mà Mỹ cho rằng được chính quyền Bắc Kinh bảo trợ là một phần của chiến lược lớn hơn có sự tham gia của Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Cách đây gần 2 năm, Tổng thống Donald Trump đã trao quyền để các cơ quan trên xâm nhập sâu hơn vào các hệ thống mạng máy tính của Trung Quốc và các thế lực khác.

Cáo buộc của FBI và DHS cũng là động thái mới nhất trong một loạt các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm quy kết trách nhiệm cho Trung Quốc là nguồn bùng phát dịch Covid-19 và khai thác dịch bệnh vì lợi ích riêng sau đó.

Trước đó, ngày 10/5, Đài Fox News dẫn lời thượng nghị sĩ Tom Cotton lên tiếng cảnh báo Trung Quốc có thể vận dụng các thủ thuật và chiến lược tình báo để đánh cắp kỹ thuật điều trị hoặc điều chế vắc xin chống Covid-19 của Mỹ.

"Trung Quốc đang vận dụng các chiêu trò từng áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chất bán dẫn hoặc công nghệ chip máy tính của Mỹ nhằm thực thi âm mưu tranh đoạt các kiến thức vượt trội của chúng ta, bao gồm thông tin về Covid-19", theo thượng nghị sĩ Cotton.

Quan chức an ninh quốc gia Mỹ có thông tin trực tiếp về các vụ tấn công mạng tiết lộ với CNN rằng các bệnh viện, phòng thí nghiệm, nhà cung cấp y tế và doanh nghiệp dược phẩm đều bị nhắm tới. Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) thậm chí bị tấn công mạng ở tần suất hàng ngày.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phủ nhận cáo buộc nước này đứng sau các cuộc tấn công mạng. Ông Triệu khẳng định Trung Quốc "đang dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu biện pháp điều trị và vắc xin phòng Covid-19". Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 11/5 cũng tuyên bố Trung Quốc "không cần đi ăn cắp" khi đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vắc xin.

ancap2

Thượng nghị sĩ Tom Cotton

Sau thông báo của DHS và FBI, ngày 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án các nỗ lực của tin tặc có liên quan chính phủ Trung Quốc nhằm chiếm đoạt tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế công cộng của Mỹ về nghiên cứu vắc xin phòng chống Covid-19.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh : "Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động gây hại này".

Phát biểu trên Fox News hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ đã cảnh báo : "Mối đe dọa lớn nhất không phải là khả năng làm việc với Trung Quốc về an ninh mạng, mà là bảo đảm chúng ta có đủ nguồn lực sẵn sàng để bảo vệ chính mình trước các cuộc tấn công mạng từ người Trung Quốc".

Trong quá khứ, giới chức tình báo cũng từng cáo buộc Trung Quốc sử dụng một lực lượng tin tặc chuyên ăn cắp công nghệ của các công ty Mỹ.

Bill Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Hoa Kỳ, cho biết hoạt động trộm cắp tài sản trí tuệ do Trung Quốc thực hiện nhằm vào nước Mỹ có giá trị tới khoảng 400 tỷ đô la mỗi năm.

Vào ngày 5/5, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo chung rất chi tiết về các quốc gia khác đang hoạt động đánh cắp nghiên cứu khoa học.

Họ không chính thức nêu tên các quốc gia bị cáo buộc nhưng các nguồn tin cho biết Trung Quốc, Nga và Iran nằm trong số đó.

Giờ đây, Hoa Kỳ đã quyết định nêu đích danh Trung Quốc trong tuyên bố mới của mình.

Cho đến nay, Anh vẫn chưa phụ họa với Mỹ trong cáo buộc này và cảnh báo mới cũng không chứa bất kỳ chi tiết mới nào về những gì đã thực sự diễn ra.

Có thể hiểu bước đi này của Mỹ vừa nhằm đưa ra thông điệp với công chúng trong nước, vừa gia tăng áp lực lên Trung Quốc như một phần của những căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Không dừng lại ở đó, liên tiếp trong vài ngày, nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa tại nước này.

Hôm 11/5 truyền thông đưa tin Giáo sư Simon Saw-Teong Ang của Đại học Arkansas đã bị bắt vì che giấu mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc và các trường đại học Trung Quốc trong lúc tham gia các dự án do NASA tài trợ.

Ông Simon Saw-Teong Ang (63 tuổi), đến từ Malaysia, là giáo sư ngành kỹ thuật điện tại Đại học Arkansas-Fayetteville từ năm 1988, đã bị khởi tố tội lừa đảo.

Cụ thể, giới chức Mỹ cáo buộc ông Ang lừa đảo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Đại học Arkansas-Fayetteville bằng cách "không tiết lộ việc ông giữ nhiều chức vụ ở một trường đại học và các công ty tại Trung Quốc", từ đó vi phạm các chính sách về xung đột lợi ích của Mỹ.

"Ông Ang đã khai báo sai sự thật và không thông báo các công việc bên ngoài với Đại học Arkansas-Fayetteville, vốn cho phép ông làm việc tại trường này, đồng thời nhận ngân sách nghiên cứu của chính phủ Mỹ", theo bản khai được trình lên tòa án Arkansas.

Giới chức Mỹ cho biết ông Ang đã nhận được tiền tài trợ và hợp đồng từ các cơ quan liên bang Mỹ, trong đó có hợp đồng trị giá hơn 500.000 USD từ NASA.

Cũng theo giới chức Mỹ, nếu vị giáo sư này khai báo ông có mối liên hệ với Trung Quốc, ông sẽ không được nhận các khoản tiền từ chính phủ Mỹ.

Đại diện Đại học Arkansas-Fayetteville cho biết ông Ang vừa bị đình chỉ công tác và trường đang hợp tác với chính quyền sở tại.

Thời báo Arkansas (bang Arkansas, Mỹ) hôm thứ Ba đưa tin, chứng cứ mạnh mẽ nhất đối với cáo buộc nhắm vào ông này là một bức thư điện tử mà ông gửi cho nhân viên nghiên cứu Trung Quốc, bức thư điện tử này được một nhân viên của thư viện vô tình phát hiện. Truyền thông quốc tế trích dẫn nội dung thư, trong đó nói : "Bạn có thể lên mạng tiếng Trung tìm xem nước Mỹ đối đãi thế nào với học giả ‘kế hoạch ngàn nhân tài’. Nơi này rất ít người biết rằng tôi là một trong số đó, nhưng nếu thông tin này tiết lộ ra, thì công việc của tôi sẽ có phiền phức vô cùng".

Đài CNN dẫn lời giới chức liên bang Mỹ cho hay nếu bị kết tội, Giáo sư Ang có thể lãnh mức án tối đa 20 năm tù.

Trong ngày 11/5, Li Xiaojiang, nhà thần kinh học người Mỹ gốc Hoa, đã nhận tội che giấu các khoản tiền nhận được từ Chính phủ Trung Quốc và chấp nhận bản án 1 năm quản chế.

Li và vợ đã là công dân Mỹ vào thời điểm bị phát giác. Cả hai đang điều hành một phòng thí nghiệm thuộc Đại học Y khoa Emory (Mỹ). Phòng thí nghiệm này đã bị đóng cửa sau khi Li và vợ bị sa thải. Cả hai lập tức chuyển đến Đại học Tế Nam ở Quảng Châu nhưng Li bị giữ lại Mỹ kể từ tháng 11/2019 đến nay.

Các bản cáo trạng cho biết ông Li tin rằng mọi việc sẽ không bị phát hiện và ông có thể sống hai vai : Giáo sư Li của Đại học Emory và nhà nghiên cứu Li của Viện Di truyền học và sinh học phát triển thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, Giáo sư Li là tài năng hải ngoại được "chiêu hồi" theo đề án "Ngàn nhân tài" của Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, các nhà khoa học và chuyên gia gốc Hoa khi trở về Trung Quốc làm việc sẽ nhận được tiền tài trợ cùng mức lương hậu hĩnh.

Trong khi Bắc Kinh xem đây là chuyện đương nhiên như "lá rụng về cội", Washington xem đó là chiêu ăn cắp sở hữu trí tuệ dưới vỏ bọc yêu nước.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, chương trình Ngàn nhân tài là một chương trình của Chính phủ Trung Quốc nhằm tuyển dụng các cá nhân có quyền tiếp cận các công nghệ và tài sản sở hữu trí tuệ nước ngoài.

Một học giả khác của chương trình "Ngàn nhân tài" cũng bị Mỹ bắt giữ cách đây vài hôm là Tiến sĩ Vương Thanh (Qing Wang).

Theo thông báo đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14/5 (giờ Mỹ), tiến sĩ Vương Thanh - từng là nhân viên của Tổ chức Bệnh viện Cleveland (CCF) tại thành phố Cleveland (bang Ohio) và là giảng viên di truyền học phân tử của Đại học Case Western - cũng bị khởi tố tội lừa đảo vì vi phạm các chính sách về xung đột lợi ích của Mỹ.

Trong thời gian làm việc tại tổ chức CCF, ông Vương Thanh đã được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ hơn 3,6 triệu USD cho những công trình nghiên cứu khoa học do ông và các cộng sự thực hiện, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Tuy nhiên vào thời điểm hợp tác với NIH, ông Vương cũng giữ chức Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ và Khoa học Đời sống thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc), đồng thời nhận được kinh phí từ Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc cho một số công trình nghiên cứu khoa học vốn cũng được phía Mỹ tài trợ, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Ông Vương sinh ra tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, nhận học vị Tiến sĩ tại Đại học Cornell, năm 2001 làm chủ nhiệm Trung tâm Di truyền Tim mạch của Phòng khám Cleveland.

Theo Wikipedia, Phòng khám Cleveland nằm ở bang Ohio, Mỹ, là một trong những cơ quan điều trị y tế nổi tiếng thế giới, bao gồm 3 mảng điều trị y tế, nghiên cứu và giáo dục. Đây là một cơ quan phi lợi nhuận cung cấp điều trị y tế chuyên nghiệp và phương án điều trị y tế mới nhất.

Dường như, Mỹ đã quyết tâm làm cho ra trắng đen bộ mặt không tử tế của Trung Quốc, một đất nước đang tham vọng vươn mình lên siêu cường thế giới cùng với chế độ cộng sản ưu việt nhưng lại đi lên bằng những thành quả khoa học ăn cắp từ các nền dân chủ.

Hải Yến

Nguồn : Thoibao.de, 18/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Yến
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)