Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/05/2020

Giới tinh hoa ở Việt Nam có thật không ?

Tư Giang - Nguyễn Công Thảo

Có giới tinh hoa ở Việt Nam không ?

Tư Giang,

Giới tinh hoa lệch lạc, sai lầm sẽ là vận mạt xã hội

tinhhoa0

Giới tinh hoa không chỉ là những người có học hàm, học vị cao hay địa vị xã hội. Ảnh minh họa

Theo từ điển Cambridge : tinh hoa là giới giàu nhất, quyền lực nhất, được giáo dục tốt nhất hoặc được đào tạo tốt nhất trong xã hội.

Tinh hoa có thể tìm thấy ở mọi tầng lớp, địa vị, tuổi tác, dân tộc. Một thợ thủ công tài hoa đến một nhà văn có sức ảnh hưởng dư luận cao đều là thuộc giới tinh hoa.

Giới tinh hoa không chỉ là những người có học hàm, học vị cao hay địa vị xã hội. Đặc biệt giới tinh hoa không đứng trên, mặc định chỉ huy tầng lớp khác. Điểm chung giới tinh hoa là họ phải được hầu hết mọi người công nhận và những đóng góp của họ phải có tác động xã hội tích cực, không cản trở sự phát triển.

Xét trong thực tế, 17 vị thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những người nắm chức vụ, vai trò danh giá trong bộ máy nhà nước. Nhưng khi tiến hành biểu quyết bằng cánh tay, 17 vị nằm trong Hội đồng thẩm phán đã biểu quyết cho rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là vượt thẩm quyền, trái luật, mặc dù thẩm quyền của Hội đồng thẩm phán trong việc xét xử giám đốc thẩm là có 6 quyền theo luật định. Như vậy, không rõ vì lý do gì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tự cho mình áp đặt thêm quyền thứ 7, đứng trên luật pháp.

17 cánh tay "công lý" gây phẫn nộ xã hội, khiến nền tư pháp Việt Nam lung lay. Nếu dựa vào cấu trúc "tinh hoa" thì 17 vị thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tự "kết án" tính tinh hoa và danh giá đối với địa vị và vai trò họ đang đảm nhiệm.

Vậy nhưng vị ủy viên nằm trong Bộ Chính trị có phải là giới tinh hoa chính trị dân tộc ? Xét tinh thần "quyền lực nhất, giàu nhất" thì tuyên bố họ là tinh hoa là chính xác. Nhưng nếu xét thêm yếu tố "giáo dục tốt nhất, đóng góp phát triển nhiều nhất" thì tôi e rằng con số ủy viên Bộ chính trị là giới "tinh hoa" lượng tính được sẽ giống như số ngón tay trên bàn tay cùi. Áp dụng ngay cả đối với ông Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư chuyên ngành Xây dựng đảng, người có quyền lực chính trị mạnh nhất hiện nay. Một phần bởi giới tinh hoa không được mặc định chỉ huy tầng lớp khác, trong khi hiến pháp nhà nước lại ghi nhận đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, và cá nhân đảng viên cũng hấp thu tuyệt đối tinh thần nguyên tắc đó. Từ đây rút ra thêm một yếu tố cần phải có ở giới tinh hoa nữa là phải biết lắng nghe đa chiều và cầu thị phản hồi.

Một trường hợp ngộ nhận khác về giới "tinh hoa" là ông Vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên , người được bổ nhiệm vào vị trí tổ trưởng tư vấn kinh tế của thủ tướng. Nếu lấy vị trí xã hội và vai trò trong bộ máy nhà nước của ông Nguyễn Đức Kiên, qua đó cho rằng ông là giới tinh hoa và lời ông Kiên nói luôn đúng, có tính chất hướng dẫn xã hội thì đó là một sai lầm tai hại. Một trong những quan điểm phi logic, phi kinh tế và rời bỏ thực tế xã hội của ông Kiên chẳng phải là "BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Người dân nghèo dùng xe máy thì đã được miễn phí qua trạm BOT, vì vậy không bị ảnh hưởng gì" đó sao ?

Sâu hơn - thuộc tính tinh hoa không có tính liên tục nên nó cần phải được giữ gìn. Henri Philippe Benoni Omer Joseph Pétain (1856 - 1951) thường được biết đến với tên Philippe Pétain, là Thống chế quân đội Pháp đồng thời là Thủ tướng trong Chính phủ Vichy từ năm 1940 đến năm 1944. Ông được ca ngợi là anh hùng dân tộc Pháp trong Thế chiến thứ nhất nhưng đến cuối đời lại bị kết tội phản quốc vì đã hợp tác với Quốc xã Đức trong Thế chiến thứ hai.

Tương tự cho trường hợp Mugabe , một nhà cách mạng có học vấn cao, từng được ca ngợi là một anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng Châu Phi, người đã giúp giải phóng Zimbabwe khỏi chủ nghĩa thực dân Anh, chủ nghĩa đế quốc và luật lệ thiểu số người da trắng. Về sau, ông ta bị cáo buộc là một nhà độc tài vì chìm trong tiêu cực, lợi dụng tham nhũng để duy trì quyền lực, ông ta phải chịu trách nhiệm về quản lý kém kinh tế, nạn tham nhũng lan rộng, phân biệt chủng tộc, lạm dụng nhân quyền, đàn áp các nhà phê bình chính trị, và các tội ác chống lại nhân loại.

Từ đây bài học được rút ra là một cá nhân tinh hoa xuất hiện trong hoàn cảnh lịch sử phải được một cơ chế xã hội, chính trị "rèn nắn bóp" để tránh sự hủy hoại từ bên trong tinh hoa, tránh não trạng lãnh tụ. Chỉ khi xem xét giới tinh hoa như vậy, người dân có thể loại bỏ những sai lầm trong quan điểm về tinh hoa như :

1. chỉ dành cho người làm trong chính trị ;

2. tinh hoa trường tồn ;

3. địa vị cao tự động là giới tinh hoa ;

4. tinh hoa sẽ dẫn dắt xã hội và giới không tinh hoa độc tôn chân lý.

Bốn quan điểm sai lầm, lệch lạc về giới tinh hoa là nguồn gốc tạo nên não trạng thần dân - bị trị, động lực cho tình trạng lãnh tụ hóa - chuyên chế hóa - độc đoán hóa và cả thần thánh hóa.

Điều đáng nói đối với một cơ chế mà bổ nhiệm, quy hoạch lãnh đạo không dựa vào chuyên môn, lấy ông chuyên ngành y làm tuyên giáo, lấy bà chuyên ngành kỹ thuật làm dân vận, đi ngược lại giá trị "bách nghệ bất như nhất nghệ tinh" (Biết trăm nghề chẳng bằng tinh thông một nghề), thì còn lâu lắm mới có một tinh hoa trong bộ máy nhà nước, rộng hơn là xã hội này.

Còn trong một xã hội mà giới tinh hoa có đầy đủ thuộc tính sai lầm trên thì đó sẽ là vận mạt xã hội.

Tư Giang

Nguồn : VNTB, 23/05/2020

Lưu ý :

Bài viết có sử dụng lại quan điểm về giới tinh hoa của tác giả Nguyễn Công Thảo đăng trên báo Tia Sáng (cf dưới đây)

*****************

Một cách nhìn về giới tinh hoa

Nguyễn Công Thảo, Tia Sáng, 03/03/2017

Trong thời đại ngày nay, để phát triển, hội nhập, giới tinh hoa đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Để phát huy tối đa vai trò của tầng lớp này, điều kiện tiên quyết là cần phải có một cách nhìn đúng đắn và tránh những ngộ nhận về họ.

tinhhoa2

Giới tinh hoa không đứng trên mà song hành với phần còn lại của xã hội. Ảnh minh họa

Giới tinh hoa rõ ràng là "báu vật". Song, cần nhìn về giới này trong trạng thái động và mở. Mở là vì tinh hoa có thể tìm thấy ở mọi tầng lớp, địa vị, tuổi tác, dân tộc. Một người thợ thủ công tài hoa, một vận động viên điền kinh đẳng cấp quốc tế, một doanh nhân thành đạt, một ca sĩ được số đông thừa nhận, một nhà văn có sức ảnh hưởng dư luận cao… đều là tinh hoa của đất nước. Những con người này có thể chẳng cần có bằng đại học hay nắm giữ bất cứ vị trí quản lý nào, tuổi đời thậm chí mới ngoài 20. Cách nhìn này trên thực tế đã được Đảng và Chính phủ thừa nhận thông qua chính sách ưu đãi nhân tài, phong nghệ danh, giải thưởng, bổ nhiệm cán bộ trẻ… Tuy nhiên, để điều này trở thành quan điểm của số đông thì vẫn cần thời gian, cần có các hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức, thái độ. Điều kiện tiên quyết để có được cách nhìn này là việc chấp nhận tôn trọng sự đa dạng văn hóa, coi đa dạng như một tất yếu, có tác động tích cực chứ không phải kìm hãm phát triển.

Một cá nhân có thể là tinh hoa ngày hôm nay nhưng có thể trở thành bình thường trong ngày mai nếu như cá nhân ấy không ngừng học tập, phấn đấu. Cần hiểu khái niệm học tập theo nghĩa rộng chứ không chỉ bó hẹp trong chuyện đèn sách. Tinh thần này thực ra đã được thể hiện khá rõ trong Chủ nghĩa Duy vật biện chứng. Sẽ chẳng có gì lạ nếu một giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp không xứng đáng ngồi ở vị thế của mình nếu suốt nhiều năm trời người ta không biết ông ấy đang làm gì ? Công trình khoa học có hay không ? Đóng góp mới cho ngành mình là gì ? Sẽ hoàn toàn công bằng và theo lẽ thường khi những quyền lợi tương xứng với chức phận ấy bị lấy đi. Sẽ là bất thường nếu một phó giáo sư cả đời không viết nổi cho riêng mình một cuốn sách trong khi suốt ngày phê phán năng lực nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp.

Quyền lợi giới tinh hoa nhận được phải tương xứng với chức phận và đóng góp mà họ tạo ra. Dù là ai, nam hay nữ, già hay trẻ, tiến sĩ hay nông dân…, chừng nào có đóng góp cụ thể, thiết thực, hữu ích cho xã hội, chừng ấy người ta cần phải được công nhận, vinh danh, trao quyền lợi tương xứng. Cần nhấn mạnh là những đóng góp cần cụ thể, hữu hình, có thể lượng hóa được tùy theo chức phận, lĩnh vực liên quan. Một nhà khoa học không thể đòi hỏi nhà nước đãi ngộ khi không có thành tích, kết quả nghiên cứu nổi bật, công bố công khai mà chỉ dựa trên số đề tài, dự án hay sự nhiệt tình tham gia vài hoạt động thể thao hoặc phong trào đoàn thể… Một vận động viên thể thao cần xác lập được kỷ lục, trao tặng huy chương để có thể vinh danh thay vì liệt kê số cuộc thi đã tham dự (mà không đạt thành tích đáng kể). Sẽ là vô lý và bất công bằng khi cùng là nhà khoa học, người lại được tôn vinh xuất sắc nhờ hát hay, múa giỏi, trong khi có người vô tình bị "bỏ quên" dù anh ta có nhiều nghiên cứu đến bao nhiêu đi nữa.

Một số ngộ nhận :

1. Đồng nhất giới tinh hoa chỉ là trí thức, những người có học hàm, học vị cao.

2. Đứng trên các tầng lớp khác và quyết định của họ mang tính chân lý.

3. Nghiễm nhiên được hưởng những đặc quyền, đặc lợi mặc dù không có đóng góp thực tế cho đất nước.

4. Gắn tinh hoa với tuổi tác và địa vị.

Giới tinh hoa không đứng trên mà song hành với phần còn lại của xã hội. Một cá nhân có thể tinh hoa ở điểm này nhưng lại hết sức bình thường ở điểm khác. Chính vì thế, người ấy là một phần của cộng đồng, chứ không hề đứng trên cộng đồng. Cách nhìn này hết sức quan trọng bởi nó giúp xóa nhòa đi ranh giới không cần thiết giữa các nhóm xã hội ; khuyến khích, thúc đẩy sự học hỏi lẫn nhau từ các thành viên. Một giáo sư vẫn còn có quá nhiều điều đáng học từ những người xung quanh vì phẩm hàm của ông chỉ có ý nghĩa đến một địa hạt vô cùng nhỏ bé trong biển tri thức rộng lớn. Một nhà quản lý luôn cần đặt hai chân trên mặt đất, lắng nghe, học hỏi kiến thức từ các chuyên gia của mình để có thể đưa ra những quyết sách hợp lý.

Đánh giá chính xác, khách quan, công bằng đối với giới tinh hoa là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Việc đánh giá phải dựa trên những bằng chứng, phẩm chất cụ thể, xác thực, tương xứng với vị trí của người được đánh giá. Những "xì xào" trong việc phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ uuw tú, Nghệ sĩ nhân dân phần nào phản ánh vẫn còn nhiều quy định phải thay đổi cho phù hợp. Không ít nhà hoa học được đánh giá chiến sĩ thi đua khi chẳng có công trình nghiên cứu tiêu biểu, báo cáo đề tài dự án được đánh giá xuất sắc nhưng chỉ khiến giá đựng trong thư viện dày thêm… Tác hại của việc đánh giá "nhầm" vừa khiến ai đó "ngộ nhận" về năng lực bản thân, vừa khiến không ít người có năng lực, tự trọng giảm động lực phấn đấu.

Tinh hoa cũng cần cơ chế tốt để làm việc theo nhóm. Đã từng có nhiều câu chuyện bên lề với đại ý nếu tách riêng, hiệu suất làm việc của một người Việt không thua người nước ngoài nhưng khi phải làm việc theo nhóm thì năng suất thua xa. Nếu nhận định trên là đúng, điều này một phần phản ánh văn hóa làm việc tập thể chưa cao của người Việt, một phần phản ánh sự cần thiết phải có thêm cơ chế phù hợp, khuyến khích người tài làm việc theo nhóm, giúp bổ trợ điểm mạnh của nhau. Nhìn ở bình diện rộng hơn, rõ ràng sự thiếu vắng hay thiếu tính liên kết, hợp tác hiệu quả giữa các cá nhân tinh hoa đến từ các lĩnh vực khác nhau là một trong số nguyên nhân quan trọng khiến khả năng hội nhập, cạnh tranh của chúng ta còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực.

Giới tinh hoa không thể làm việc thay cho tất cả, quyết định cho tất cả. Họ cần điều kiện làm việc tốt, sự ủng hộ từ mọi người và ngược lại, kết quả làm việc của họ cũng phải phục vụ, chịu sự đánh giá của số đông. Không duy trì được mối quan hệ hai chiều đó, giới tinh hoa mãi sẽ chỉ là những bình hoa tồn tại trong trí tưởng tượng của một số người.

Nguyễn Công Thảo

Nguồn : Tia Sáng, 03803/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tư Giang, Nguyễn Công Thảo
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)