Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/05/2020

Vụ Hồ Duy Hải : lộ diện hung thủ và chứng tích cố tình che giấu

Thu Thủy tổng hợp

Lộ diện hung thủ ở Bưu điện Cầu Voi

Thu Thủy, Thoibao.de, 23/05/2020

Đến nay thì những mấu chốt của vụ án Bưu điện Cầu Voi đã hé lộ mặc dù 12 năm đã trôi qua, tưởng chừng như mọi thứ đã bị xóa nhòa. Phát hiện mới nhưng vẫn nhờ những bút lục cũ mà không hiểu vì sao đã bị mất hay bị cố ý giấu đi khiến cho Luật sư không thể tiếp cận.

vuhdh1

Cây xăng này ở vị trí đối diện hơi xéo điểm bán trái cây và có 2 camera ở vị trí điểm màu tím. Chính nhờ 2 camera này mà xác định được thời điểm 21g01’ thì nữ nhân viên tên Vân mới có mặt để mua trái cây

Thực ra 3 năm sau đó, Luật sư Trần Hồng Phong đã tiếp cận được một đầu mối là Đinh Vũ Thường để xác tín được rằng Đinh Vũ Thường không hề nhận diện người thanh niên trong Bưu điện là Hồ Duy Hải, một sự thật trái ngược với khẳng định của cáo trạng là Đinh Vũ Thường đã thấy Hải trong Bưu điện.

Chỉ một chi tiết này thôi cũng đủ khiến cho cơ quan tố tụng phải bị khởi tố vì đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Chưa kể việc hàng loạt vật chứng quan trọng khác đều in dấu vết của hung thủ cũng biến mất nhưng cả hệ thống tư pháp từ sơ thẩm cho đến cấp tối cao vẫn du di bỏ qua.

Xa hơn nữa là những nhân chứng Đinh Văn Còi, Lê Thanh Trí với lời khai nhận dạng một người thanh niên khác hẳn với Hồ Duy Hải, và những bút lục này đã bị biến mất. Luật sư không thể đọc được những lời khai ấy để bào chữa cho Hồ Duy Hải. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng không được đọc. Đó là Lời khai của Đinh Văn Còi bút lục số 139, của Lê Thanh Trí khai bút lục số 141.

Ngoài ra nhờ Camera của cây xăng vào lúc 21g01’ mà có thể suy đoán được nữ nạn nhân tên Vân sau lúc ấy mới đến mua trái cây và quay lại Bưu điện Cầu Voi sau đó chừng 3-5 phút. Như vậy thì thời gian gây án đã bị trễ đi ít nhất là nửa tiếng và điểm mấu chốt này khiến cho bản chất vụ án thay đổi hoàn toàn, không như 17 vị thẩm phán tối cao đã kết luận.

Trên Facebook cá nhân nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết cụ thể như sau :

"Vụ án Bưu điện Cầu Voi, khi Vân đi mua trái cây chỗ chị Ngân (cách camera cây xăng Cầu Voi 50m) thì anh Long chồng chị Ngân đang đi ra để qua cây xăng đổi ca (anh này làm nhân viên cây xăng).

Công an Long An ngày 15/1/2008 đã trích xuất camera (bút lục số 262) ghi nhận anh Long bước vào khung hình là 21g1′ – tức là lúc đó Vân đang mua trái cây !

Như vậy, sớm nhất là 21g4′ Vân mới quay lại bưu điện.

Nghĩa là, thời gian gây án không phải trong khung giờ 20g30 !

Án truy xét, bắt buộc phải xác định giờ chết của nạn nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, trải qua gần 13 năm, chưa có một cơ quan nào xác định giờ chết của nạn nhân (tất cả các bút lục đều bỏ trống giờ chết) và vẫn khăng khăng quan điểm 20g30 Vân đi mua trái cây thì Hải ở nhà giết Hồng.

Trong khi camera ghi nhận, 21g1phút Vân mới mua trái cây.

Nếu bút lục 262 này được sử dụng, sẽ xô đổ mọi lập luận của 17 phán quan để tử hình Hồ Duy Hải.

Bất ngờ là, bút lục này đang nằm ở… Củ Chi ! Hiện giờ hồ sơ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn thiếu bút lục 262.

Tôi sẽ đi lấy bút lục này về, vì nó đủ để mở ra một vụ án mới : Vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp.

Chính vì 17 phán quan hời hợt khi hồ sơ có các bút lục bị "nhảy cóc", mà bản án giám đốc thẩm vừa qua đã không thể làm rõ bản chất vụ án.

Tôi nghĩ, khởi tố một vụ án mới, làm cho rõ các điểm mờ, là cách để 17 phán quan có thể rửa mặt mà ngước lên nhìn đời". Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra kết luận.

Một đảng viên cộng sản Việt Nam từ Hà nội đã gửi cho thoibao.de lời bình luận với tựa đề : Cú tát của Nguyễn Hòa Bình vào "mặt Đảng", nội dung như sau :

"Vụ xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã gây ra sự đối đầu chưa từng có giữa Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao.

Việc hai bên sử dụng đủ mọi loại phương tiện truyền thông từ phát biểu, đến dùng báo lề phải và mạng xã hội để thanh minh, đỗ lỗi cho nhau. Thâm chí là quy chụp cho cả đại biểu quốc hội là "không hiểu biết, phát ngôn làm rối dư luận"…

Cuộc "đấu khẩu" chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm cho mọi người không thể không đặt câu hỏi : Vậy Đảng ở đâu mà để hai cơ quan tư pháp cãi nhau như "chó ăn vã mắm" thế này?

Ông Trọng có biết không ? Ông Trần Quốc Vượng là Thường trực Ban Bí thư có biết không ? Và đã có chỉ đạo như thế nào ? Ban Nội chính Trung ương của ông Phan Đình Trạc – là cơ quan "cầm cân nảy mực" của khối nội chính có chỉ đạo thế nào ?

Để hai cơ quan tư pháp quan trọng nhất quốc gia cãi nhau, đúng sai, phải trái thế nào chưa biết, nhưng đã làm tổn hại đến uy tín, uy lực và uy quyền của Đảng cộng sản Việt Nam. Rõ ràng, đã có sự buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, mà rõ nhất ở đây là Ban Bí thư và và Ban Nội chính Trung ương.

Một điều không thể không nói, đó là  ông Nguyễn Hòa Bình đã quá tự tin, và chỉ tin vào kết quả điều tra của Công an mà phớt lờ kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phớt lờ cả ông Trần Quốc Vượng và Phan Đình Trạc.

Rõ ràng là ông Bình đã "vả"vào mặt Đảng".

Nguyễn Phúc Tuệ

Đảng viên cộng sản Việt Nam

(gửi từ Hà Nội cho Thoibao.de ngày 21.05.2020)

vuhdh2

So sánh lời khai của nhân chứng Đinh Văn Thường ghi rằng anh "không nhận dạng được người thanh niên tại Bưu điện Cầu Voi và không được mời tham dự phiên tòa", trong khi cáo trạng ghi rằng Đinh Vũ Thường "phát hiện thấy bị can Hải đang ngồi trong Bưu điện Thủ Thừa" tức Bưu Điện Cầu Voi (như vậy Cáo trạng đã tùy tiện bóp méo lời khai của nhân chứng)

Trên trang Báo Sạch, nhà báo Trung Bảo đưa ra những nhận định mới nhất về hung thủ với tựa đề : "Người thanh niên trong đêm xảy ra thảm án là ai ?"

Nhà báo Trung Bảo viết như sau :

"Trong suốt hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện Bưu cục Cầu Voi để bảo vệ cho bị án Hồ Duy Hải tưởng đã đọc hết mọi hồ sơ vụ án, nhưng luật sư Trần Hồng Phong chưa bao giờ nghe đến cái tên Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí. Không có bất kỳ trang hồ sơ nào nhắc đến hai nhân vật này.

Hai cái tên này đột ngột xuất hiện một cách bí hiểm trong vai nhân chứng với lời khai về đêm xảy ra thảm án. Theo đó, cả hai đều đã nhìn thấy một thanh niên ngồi với hai nạn nhân trong bưu cục trong khoảng thời gian từ 19:40 – 20:00.

Hơn 12 năm trước, Đinh Văn Còi là thiếu tá phòng Cảnh sát Cơ động – Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp (PC 22) thuộc Công an tỉnh Long An. Đêm 13/1/2008, Còi và Trí trước khi đến bưu cục Cầu Voi mua card điện thoại đã ăn cháo vịt tại Cầu Ván, một địa điểm cách bưu cục khoảng 2,6km. Theo biên bản lời khai của Còi, cả hai rời khỏi quán cháo vịt vào lúc 19:30. Cả hai đến bưu cục vào khoảng 19:40 bằng xe máy.

Tại bưu cục, cả Trí và Còi đều khai nhìn thấy một thanh niên ngồi bên cạnh nạn nhân Hồng trên ghế salon sau quầy giao dịch. Nạn nhân Vân là người bán card điện thoại cho Còi và Trí.

Mô tả với cơ quan điều tra, Trí cho biết "có nhìn thấy một thanh niên tuổi 30-33, tóc gọn, mặt tròn, mặt áo thun màu vàng sậm ngắn tay".

Nhân chứng Còi cũng cho biết nhìn thấy "một thanh niên khoảng 28-30 tuổi… người hơi mập, nước da trắng, mặt tròn, tóc hơi dợn, mặc áo thun cổ màu vàng nhạt ngắn tay".

Vậy là từ lời khai của hai nhân chứng này có thể thấy những điểm tương đồng là thanh niên mặt tròn, tóc ngắn, mặc áo thun ngắn tay có màu vàng. Thanh niên này xuất hiện ở bưu cục Cầu Voi trong khoảng thời gian được cho là hung thủ Hồ Duy Hải có mặt để gây án.

vuhdh3

Chữ ký của nhân chứng Đinh Văn Còi trong biên bản của bút lục số 139 (đã biến mất trong hồ sơ vụ án, khiến Luật sư và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không thể tiếp cận và nhận định) – nhưng nay đã được tiết lộ

Cả hai lời khai này đều được thực hiện vào ngày 15/1/2008, chỉ hai ngày sau khi thảm án xảy ra. Khi đó chưa xác định "đối tượng" là Hồ Duy Hải.

Thế nhưng đến khi vào Cáo trạng (số 97/QĐ.KSĐT) ngày 1/10/2008 thì Hồ Duy Hải bị buộc tội giết hai nạn nhân bởi lời khai của nhân chứng duy nhất là Đinh Vũ Thường. Bản cáo trạng viết : "Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong ghế tại Bưu điện lúc 19:39". Thậm chí trong cáo trạng này còn viết sai trầm trọng: "phù hợp lời khai của Đinh Vũ Thường người gọi điện thoại cuộc cuối cùng cho bị can". Thường và Hải chưa bao giờ biết nhau trước đó, thì làm sao Thường gọi cho "bị can" ?

Trong một bản viết tay của Đinh Vũ Thường cho luật sư Trần Hồng Phong, người này viết : "Tôi không khẳng định nhận dạng được người thanh niên, mà tôi thấy tối hôm 13/1/2008 tại bưu cục Cầu Voi". Đinh Vũ Thường cũng xác nhận không hề được mời tham dự tòa trong tư cách nhân chứng. Bản viết tay này được viết vào ngày 7/1/2011.

Theo các hồ sơ của vụ án, Hồ Duy Hải mặc áo thun sọc xanh, để tóc hai mái, và lúc đó Hải chỉ mới là một thanh niên 23 tuổi. Cũng theo các hồ sơ của vụ án, không hề có bất kỳ lời khai nào của hai nhân chứng Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí được đưa vào. Dù những lời khai này đã được đánh số bút lục, tức đã trở thành hồ sơ điều tra.

Lời khai của Đinh Vũ Thường bị "mông má" lại để buộc tội Hồ Duy Hải được sử dụng là lời khai nhân chứng duy nhất tại mọi phiên tòa dù không được mời có mặt. Lời khai của hai nhân chứng khác không trùng với nhân dạng của Hồ Duy Hải, được lấy lập tức sau ngày án mạng xảy ra, lại bị âm thầm rút ra khỏi hồ sơ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như các chánh án ở phiên tòa Giám Đốc thẩm biết rằng đã có những lời khai với nội dung khác hoàn toàn với cáo trạng nhưng không được đưa vào kết luận điều tra ? Vụ án năm xưa đang dần sáng tỏ khi càng lúc càng nhiều tình tiết, hình ảnh chưa từng xuất hiện nay được những người giấu mặt gửi đến cho công chúng.

Một trong những yếu tố kết tội Hồ Duy Hải đó là căn cứ vào các lời khai của các nhân chứng về việc nhìn thấy "một thanh niên" có mặt ở Bưu cục Cầu Voi vào khoảng thời gian từ 19:30 – 20:30. Đó là lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, và lời khai của người bán trái cây Nguyễn Thị Bích Ngân về thời gian mua trái cây của nạn nhân Vân.

Không cần nhắc lại lời khai của Đinh Vũ Thường vì sau đó nhân chứng này đã có xác nhận với luật sư Trần Hồng Phong – bào chữa cho Hồ Duy Hải, việc chỉ nhìn thấy một thanh niên chứ không phải nhìn thấy Hồ Duy Hải như kết luận điều tra nêu, và cũng không nhớ được bảng số xe Dream dựng trước bưu cục.

Một tình tiết mới mà chúng tôi vừa tìm ra đó là ở thời gian mua trái cây của nạn nhân Vân không giống với những gì kết luận điều tra nêu.

Người bán trái cây – Nguyễn Thị Bích Ngân có chồng là Nguyễn Thanh Long, là nhân viên của cây xăng Cầu Voi. Cây xăng này cách điểm bán trái cây (đồng thời là nhà của Ngân – Long) khoảng 50m. Vào đêm xảy ra án mạng (13/1), Long có mặt khi vợ bán trái cây cho Vân rồi rời quầy trái cây đi bộ đến cây xăng. Tại cây xăng có trang bị camera, ghi hình lại sự có mặt của Long vào lúc 21:01. Nhắc lại, khoảng cách từ quầy trái cây đến cây xăng khoảng 50m.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Vân đi mua trái cây vào lúc 20:30. Theo thử nghiệm thực tế của chúng tôi về quãng đường từ bưu cục Cầu Voi đến điểm mua trái cây, cả đi lẫn về và thời gian giao dịch (ước chừng) mất khoảng 7 phút. Thử nghiệm đó được livestream cho tất cả bạn đọc theo dõi.

Việc nạn nhân Vân đi mua trái cây vào lúc 21g phù hợp với suy đoán của chúng tôi về hiện trường. Có sợi mỳ gói và cơm rơi vãi, thức ăn trong dạ dày nạn nhân đã tiêu hóa gần hết. Cho thấy việc một người ở nhà nấu mì ăn khuya còn còn một người đi mua trái cây tráng miệng là phù hợp với diễn tiến thời gian. Xin lưu ý, đây là suy đoán của Báo Sạch.

Hồ Duy Hải bị bắt và kết tội giết hai nạn nhân ở bưu cục Cầu Voi vì có nhân chứng nhìn thấy "một thanh niên" có mặt tại hiện trường trong khoảng thời gian 19:30 – 20:30 và các nghi can khác có bằng chứng ngoại phạm trong khoảng thời gian đó còn Hải thì không.

Vậy, nếu có những lời khai khác nhận diện "một thanh niên" với vẻ bề ngoài và tuổi tác chênh lệch với Hải, và những lời khai đó chưa bao giờ được xuất hiện trong các tài liệu điều tra, điều ấy sẽ khiến vụ án đi về đâu ?

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải đã phát hiện điều gì ?

vuhdh6

Nhà báo Trần Đình Thu với bản báo cáo dài 12 trang của Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc Hội Lê Thị Nga về vụ án Hồ Duy Hải

Nhà báo Trần Đình Thu đã tóm tắt bản báo cáo dài 12 trang của Ủy ban thường vụ quốc hội như sau :

"Báo cáo được lập vào ngày 10 tháng 2 năm 2015 do đại biểu quốc hội Lê Thị Nga chấp bút. Bà Nga khi ấy là phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát về tình hình oan sai và việc bồi thường cho người bị oan sai, thành viên tổ nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải.

Báo cáo này kết luận 2 vấn đề :

1. Việc tòa án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc

2. Đã có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm vụ án này.

Mặc dầu vậy đến hơn 5 năm sau tính từ ngày báo cáo được viết là ngày 10 tháng 2 năm 2015, thì vụ án này mới được xem xét giám đốc thẩm và bị 17 vị thẩm phán tuyên y án tử hình.

Vì lẽ gì vụ việc bị ngâm như vậy, số phận một con người bị bỏ quên trong lao tù một cách vô cảm từ năm này qua năm khác như vậy ? Một ngày tù nghìn thu ở ngoài ai cũng biết điều đó nhưng vì sao câu chuyện này vẫn xảy ra ?

Báo cáo cho biết trong khi Biên bản khám nghiệm hiện trường mô tả đầy đủ các vật như tấm thớt chiếc ghế và ghi rõ là chúng có dính máu nhưng lại không thu giữ chúng là điều vô cùng khó tin. Bởi vì việc thu giữ các vật này không chỉ được dạy trong các trường đào tạo nghiệp vụ công an mà luật cũng quy định rất rõ không thể không biết.

Ở đây đồ vật không những nằm cạnh xác nạn nhân mà còn dính máu nữa mà không thu giữ thì không biết nói sao luôn.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua công an Long An lý giải là đến khi bắt Hải thì mới biết tấm thớt là hung khí thì đã muộn. Luật nào quy định phải là hung khí thì mới thu giữ ?

Lời biện bạch này lại được ông Nguyễn Hòa Bình và 16 thẩm phán vị nào cũng tiến sĩ luật chấp nhận thì tôi nể các vị quá.

Tôi tin rằng tấm thớt đã được thu giữ nhưng nó đã bị hủy đi". Nhà báo Trần Đình Thu nhận định.

"Về các loại tang vật nữ trang khác là dây chuyền bông tai và lắc đeo tay cũng không thu giữ được và Báo cáo giám sát khẳng định luôn là không có bất kỳ lời khai của nhân chứng nào nói là họ mua của Hải cả nhé.

Chiếc điện thoại cũng tương tự là không có tang vật và không có ai xác nhận mua bán gì cả.

Về sim card cũng không có tang vật cũng như không tìm ra đống tro chứng tỏ Hải đã đốt nhé.

Như vậy là hoàn toàn không có cái gì cả. Cơ quan điều tra chỉ chỉ ra vài cái cửa hàng rồi ghi địa chỉ vào đó xong bảo là Hải đến đó bán nhưng hoàn toàn là một con số không. Nên ai đã quy tội cho Hải đã bán tang vật nơi này nơi kia như thật thì cần đính chính lại.

Tóm lại : Không có bóng dáng các tang vật, nhóm tài sản. Không ai xác nhận mua bán gì cả. Tất cả dều ảo". Nhà báo Trần Đình Thu kết luận như vậy.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 23/05/2020

***************

Bí ẩn từ lời khai của thiếu tá Đinh Văn Còi và những bút lục bị biến mất

Thu Thủy, Thoibao.de, 22/05/2020

Sau nhiều sự kiện rối ren vì vật chứng bị mất và nhân vật Nguyễn Hữu Nghị bị đánh tráo thì nay phát hiện thêm lời khai của Thiếu tá Đinh Văn Còi và một người bạn tên Trí sẽ làm thay đổi cơ bản hướng điều tra và căn cứ ngoại phạm của một số người, ngược lại thì Hồ Duy Hải lẽ ra phải đương nhiên bị xem là ngoại phạm.

Điều kỳ lạ khác là những bút lục bị mất : Lời khai của anh Đinh Văn Còi bút lục số 139, anh Lê Thanh Trí khai bút lục số 141. Những bút lục này bây giờ đang ở đâu ?

Một yếu tố quan trọng hơn cho biết nữ nhân bưu điện tên Vân phải sau 21h mới có mặt tại điểm bán trái cây, tức là lời khai của anh Nguyễn Văn Thu (dân phòng) rằng sau 21h thấy trên lầu Bưu điện sáng đèn là khá hợp lý và đáng tin cậy.

Một điều quan trọng nữa cần lý giải là cánh cửa đi lên lầu Bưu điện vào sáng hôm sau đã bị khóa từ phía ngoài.

Kỳ lạ hơn là tất cả những nghi vấn này được các cấp xét xử và 17/17 vị thẩm phán cho qua, để kết luận rằng bản chất vụ án không thay đổi.

Những phát hiện trên đây đều do nhà báo Trương Châu Hữu Danh tiết lộ trên facebook của mình, ông đã viết như sau :

"Bản án giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, 17 vị thẩm phán cho rằng 20h30 bưu điện đóng cửa, Hải đưa tiền để Vân đi mua trái cây và gây án trong thời gian Vân ra ngoài.

Sau đó Vân về, thì bị sát hại ngay lập tức. Nghĩa là, thời gian gây án sẽ từ 20h30 cộng (+) thời gian Vân đi mua trái cây cộng (+) thời gian sát hại Vân.

Đoạn đường Vân đi là 150m. Cả đi và về là 300m. Chúng tôi đã thử đi, và mất 5 - 6 phút ! Hồ sơ thể hiện rằng Vân chỉ mua hàng và đối đáp mấy câu trong lúc mua, rồi về.

Như vậy, khung giờ để các đối tượng khác ngoại phạm được xác định là từ 20g30 đến 21g !

Và trong khung giờ này, nếu Hải khai Hải ngủ ở nhà/hoặc không chứng minh được ngoại phạm, thì sẽ bị ghép tội.

vuhdh5

Hiện trường vụ án với những nhân vật xoay quanh Bưu điện Cầu Voi sát phía trước có chốt dân phòng và điểm bán trái cây cách đó 150 mét

"Nhưng chúng tôi có bút lục chứng minh rằng sau 21g, Vân mới có mặt tại điểm bán trái cây !" Nhà Báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra tình tiết rất quan trọng.

Như vậy, giờ chết của các nạn nhân đã bị xác định sai. Và sai giờ chết - tức giờ gây án, thì kẻ thủ ác rất dễ trở nên ngoại phạm ! Và mọi sai lầm sẽ khởi đầu do điều tra viên tự ấn định thời gian gây án một cách sai lầm.

Tuy nhiên bút lục quan trọng này, thì trong hồ sơ mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang giữ, lại không có !

Đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho kiểm tra ngay hồ sơ để thấy thiếu bút lục 262 !" Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết ra như một khẳng định.

Trương Châu Hữu Danh viết tiếp :

"Sau 21g Vân còn mua trái cây, nên lời khai của anh Nguyễn Văn Thu (dân phòng - trước cửa bưu điện Cầu Voi) lúc hơn 21g anh còn thấy ánh đèn trên lầu 1 bưu điện là phù hợp !

Nhiều người ghé bưu điện trong "khung giờ Hồ Duy Hải" (tức là từ 19g30 đến 20g30) đều được lấy lời khai.

Có một lời khai cực kỳ quan trọng của thiếu tá Đinh Văn Còi - sĩ quan công tác tại phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Long An.

Và anh thiếu tá Đinh Văn Còi khai, 19g30 anh và bạn tên Lê Thanh Trí ăn cháo vịt xong ở Cầu Ván, chạy về ghé vô bưu điện Cầu Voi (2,8 km) nạp tiền điện thoại mỗi người 100.000 đồng.

Quãng đường 2,8km, tầm 4 - 5 phút. Anh nạp thẻ xong (tầm 4 - 5 phút) thì về - nối tiếp sau đó là đến anh Đinh Vũ Thường xuất hiện tại Bưu điện.

Cả hai lời khai của hai anh Còi và Trí tương đối trùng thời gian với anh Đinh Vũ Thường, nhưng nếu theo nhân dạng, trang phục mà hai anh mô tả thì khác hoàn toàn với anh Thường. Xe cũng khác.

Anh Còi nhìn thấy thanh niên đang ngồi mặc áo thun cổ vàng ngắn tay, da trắng, tóc dợn, tầm 30 - 33 tuổi, người hơi mập. Anh Trí bạn anh Còi thì mô tả người này mặc áo thun vàng sậm ngắn tay, tầm 28 - 30 tuổi, mặt tròn.

Quan trọng là "phía ngoài không có chiếc xe nào" !

Anh Thu ở ngay chốt dân phòng, anh Còi là cảnh sát bảo vệ mục tiêu, cả hai đều có nghiệp vụ nên quan sát phải tốt hơn anh Thường. Hơn nữa, anh Còi mô tả giống anh Trí nên nhân dạng người ngồi ở bưu điện sẽ chuẩn hơn anh Thường. Anh Thường vào là phải vấn số và thực hiện cuộc gọi - ở cái thời mà nói chuyện phải tập trung để cho đỡ tốn cước. Còn anh Còi anh Trí nạp card, sẽ có thời gian quan sát xung quanh.

Do đó, tôi tin lời 3 nhân chứng Còi, Trí, Thu sẽ chính xác hơn". Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nhận định.

"Như vậy sẽ có một số dữ kiện mới như sau :

- Nạn nhân Vân vẫn còn sống tại hiện trường sau 21g.

Với mốc thời gian này thì nhiều tình tiết buộc phải xoay chuyển. Một số đối tượng được xác định ngoại phạm theo mốc thời gian sẽ không thể được xem là ngoại phạm nữa.

- Sáng 14/1, hiện trường đã bị khóa lối lên lầu, vậy ai đã khóa lối đi này ?

vuhdh4

Lối đi lên lầu Bưu điện Cầu Voi được khóa kín vào sáng hôm sau 14/1/2008, ai đã khóa ổ khóa này, dấu vân tay trên đó của ai, ai đã có mặt trên đó khoảng 21g đêm hôm trước ? Những câu hỏi này đã không được cơ quan điều tra xác định và 17 vị thẩm phán tối cao cũng không muốn quan tâm

Và như vậy, anh Thu nhìn thấy đèn còn sáng sau 21h là khi ấy đang có người ở trên lầu ! Ai đang ở đó và chuyện gì xảy ra trên đó ?

- Câu hỏi khác cần đặt ra là : "Liệu hung thủ có đi xe hay không, chiếc xe đó là xe gì ?"

Nếu theo lời khai của anh Còi và anh Trí, thì người ngồi trong bưu điện là người tầm 28-33 tuổi, hơi mập, mặt tròn, da trắng tóc dợn, mặc áo thun vàng sậm !

Và Hồ Duy Hải khi ấy mới 23 tuổi sẽ là ngoại phạm vì rất khác với nhận dạng này.

Tuy nhiên, những chứng cứ gỡ tội cho Hải đã bị đưa ra ngoài.

Cuộc đời anh Còi, thật nhiều sóng gió. Anh mê đá gà nên sau đó bỏ ra khỏi ngành Công an, bị xử lý hình sự mấy lần (nhưng nhẹ).

Gần đây nhất, cuối tháng 4/2020, công an vây bắt sòng bạc của anh Còi. Con bạc bỏ chạy tán loạn. Một người có mặt tại sòng tên A.Q cũng chạy, nhưng được chừng 1km thì mệt quá, vỡ tim gục chết giữa đường.

Công an đã khởi tố và ra lệnh bắt anh Còi.

Tôi nghĩ, 17 thẩm phán chưa nhìn thấy chữ ký anh Còi.

vuhdh7

Hiện trường Bưu điện Cầu Voi, nằm liền kề điểm dân phòng hầu như lúc nào cũng có người trực

Tôi mong các vị rút hồ sơ xem lại và tái thẩm, vì lời khai của anh Còi ở thời điểm đó đáng tin và sẽ thay đổi bản chất vụ án.

Tôi tin anh Còi với con mắt nhà nghề khai đúng ! Anh Còi khai bút lục 139, anh Trí bút lục 141.

Việc cần làm bây giờ là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hãy kiểm tra ngay hồ sơ ! Sẽ thấy thiếu bút lục 139 và 141.

Tái bút (P/S) : Và cũng như tông tích Nguyễn Văn Nghị (không có), Nguyễn Mi Sol (đi làm ăn xa, và có thêm tên… Thạch Mi Sol), tôi đố các bạn có thể tìm được anh Đinh Văn Còi trong thời điểm này !"

Bình luận về chuyện đốt quần áo của Hồ Duy Hải, nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết rằng : "Thật lòng, tôi rất thất vọng khi cùng một hành vi đốt, mà 17 thẩm phán lại có thể nhận định bất nhất, chỉ với mục đích có lợi cho mình mà gây hại cho người".

Hải đốt quần áo theo thói quen, các anh khăng khăng bảo "đốt tang vật".

Và dao thớt là tang vật bị đốt, thì các anh bảo bản chất không thay đổi !

Có bản chất nào mà bức hại nhân dân ! Có bản chất nào mà đồ vật đơn giản đem đốt bị biến thành tang vật, còn tang vật biến thành đồ vật đơn giản để đem đốt ?

Tôi tha thiết yêu cầu 17 vị, hãy xem lại 17 mục mà quý vị phản bác (có lẽ phân công mỗi ông một mục 17/17), và đối chiếu hồ sơ. Ngay bây giờ, xin quý vị hãy yêu cầu cấp dưới cung cấp ngay các bút lục bị thiếu, sẽ hiểu ngay bản chất.

Xin đừng vì sự lười biếng công bộc và kiêu ngạo cộng sản mà hủy hoại nền tư pháp vốn đang cố gắng tốt lên.

Sai thì nhận sai, và sửa, trước khi tự đốt ra tro như dao và thớt.

Có một chi tiết không biết nên khóc hay cười : Buổi sáng dọn hiện trường, các anh dân phòng rất sợ. Và họ… uống rượu cho say để bớt sợ. Uống xong, thì các anh mới dọn và đốt.

Thực ra thì ở quê, chuyện đốt đồ cũ là bình thường.

Nói chung, vụ này ẩu ngay từ đầu !" - Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nhận định.

Trên trang Facebook cá nhân mang tên Võ Tòng, tức Thạc sĩ Võ Văn Tài - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Tây Ninh, hiện là giảng viên trường nghiệp vụ Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh, ông đưa ra bình luận về vết thương ngay cổ nạn nhân với bài viết mang tựa đề "Vết cắt lạnh lùng" !

"Tôi may mắn xem được bản ảnh (cự ly gần) chụp vết thương chí mạng ở vùng cổ nạn nhân trong vụ Bưu điện Cầu Voi, vết thương hở miệng rất sâu và rộng gần nửa cổ của nạn nhân (tôi có hình ảnh này, nhưng vì ghê rợn nên không dám tải lên), vết thương như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhận định là hung thủ ra tay rất mạnh, dứt khoát, lạnh lùng và tàn độc.

Từ nhát dao đoạt mệnh đó cho chúng ta thấy điều gì ? Tôi có thể mạnh dạn lý giải như sau :

- Kẻ giết 02 nạn nhân phải là một tay sát thủ hoặc có bản năng sát thủ, khi hắn ra tay thì nạn nhân hầu như không có một cơ may để kháng cự, hắn sử dụng cách thức đoạt mệnh 02 nạn nhân tương tự như nhau, dùng vật cứng đập đầu làm nạn nhân chưa hiểu chuyện gì đã bất tỉnh, không kịp kêu cứu hay phản kháng, cho nên hắn giết người ngay tại khu dân cư mà không một người nào gần đó cảm nhận được có chuyện bất thường.

- Hoặc là hung thủ có mối sân hận cao độ nên nãy sinh ý định giết nạn nhằm thỏa mãn sự ích kỷ cao độ và tâm địa tàn ác của hắn. Khi hung thủ là loại người này thì tôi dự đoán hắn sẽ lên kế hoạch cụ thể từ trước, hắn suy nghĩ rất kỹ và lựa chọn phương pháp giết người sao cho không bị phát hiện ; và cách thức ra tay của hắn thể hiện hắn hiểu rất rõ cách thức ngăn chặn không cho nạn nhân kêu cứu làm bại lộ thân phận của hắn. Như vậy, hắn không thể là tên ngáo đá hay kẻ nhất thời. Theo hiểu biết của tôi về tâm lý tội phạm, thì người ngáo đá khi thực hiện hành vi giết người thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng say chất ma túy, lúc đó tên tội phạm ấy chủ yếu hành động theo sự ảo giác, cơn say, đâm chém điên cuồng, nhưng hình ảnh hiện trường, tử thi thì không có như vậy, 02 nạn nhân đều bị giết với cách thức rất gọn gàng, nên tôi tin rằng hung thủ phải là người rất bình tỉnh, lọc lỏi và có hiểu biết.

Chúng ta cần kết hợp với tình tiết là sau khi giết 02 nạn nhân, hung thủ đã tắt cầu giao điện (mặc dù nội dung chính thức được công bố không có chi tiết này, nhưng qua cộng đồng mạng, tôi tin rằng tình tiết ấy là chính xác) và tình tiết hung thủ trèo qua hàng rào tẩu thoát để bổ sung cho nhận định về tâm lý tội phạm.

Hắn cắt cổ hai nạn nhân chắc chắn máu sẽ bắn dính đầy tay và người, Cơ quan điều tra đã khẳng định trên hàng rào không có vết máu, như vậy hắn đã làm sạch máu dính trên tay trước khi thực hiện hành vi trèo rào. Sau khi giết 02 người mà hắn còn xử lý vụ việc tốt như vậy, cho thấy hắn bình tĩnh đến đáng sợ.

vuhdh9

Hình ảnh tại hiện trường với cái thớt đẫm máu bên cạnh thi thể nạn nhân. Hồ sơ vụ án còn nhiều hình ảnh chụp tử thi tại hiện trường và có dòng viết tay "những đồ vật xung quanh tử thi" - thế nhưng nhiều vật chứng quan trọng nhất lại bị đánh tráo hoặc bị đốt bỏ rồi đi mua ở chợ về - thật là kỳ lạ

Từ những suy luận như trên, chúng ta đối chiếu với những quy kết mà cơ quan tố tụng nhằm vào Hồ Duy Hải sẽ thấy khập khiễng ngay.

Cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm khẳng định diễn biến vụ án là, vào khoảng 19h30, ngày 13/01/2008, dung xe Dream chạy đến Bưu điện Cầu Voi gặp chị Hồng, sau đó Hải nhân lúc chị Vân vừa đi bộ ra ngoài mua trái cây, lập tức Hải kéo tay chị Hồng lôi vào buồng để thực hiện hành vi hiếp dâm, chị Hồng kháng cự nên Hải liền giết chị Hồng, ngay sau đó, chị Vân về đến, đóng cửa cuống của bưu điện lại (chắc chắn đã đóng luôn cửa rào), Hải tiếp tục ra tay giết chị Vân với cách thức tương tự như giết chị Hồng, sau đó Hải lau chùi vết máu dính trên người và trên tay, lục lấy tài sản rồi trèo qua hàng phía sau tẩu thoát (không biết lấy xe Dream bằng cách nào ?).

Kết luận này chỉ có một cách giải thích, là Hải đột xuất nảy sinh ý định giết nạn nhân rồi lập tức ra tay ngay, Hải không có thời gian suy nghĩ và lựa chọn phương pháp thực hiện gì cả. Khi một kẻ giết người trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, bản thân hắn cũng không có mâu thuẫn hay thù hằn gì (thậm chí còn có tình cảm) với nạn nhân, trong lúc giết nạn nhân cũng không phải nhằm mục đích cướp tài sản, thì thường tâm lý sẽ rất hoảng sợ, những xử lý lúc đó sẽ rất vụng về, trong thực tiễn xảy ra những vụ án giết người như vậy, phần lớn hung thủ sẽ cuống cuồng bỏ chạy thục mạng mới hợp lý với tâm lý thông thường của con người nói chung và tội phạm nói riêng.

Nhưng thật lạ là trong vụ án Hồ Duy Hải, tất cả đều diễn ra ngược lại. Sự tréo cẳng ngỗng này do Hải có tâm lý ngược với người đời hay do người tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm đến giám đốc thẩm có tư duy như vậy ?" - Thạc sĩ Võ Văn Tài đưa ra nghi vấn thay cho lời kết luận.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 22/05/2020

****************

Tình tiết mới vụ Hồ Duy Hải : lại thêm ba vật chứng biến mất

Thu Thủy, Thoibao.de, 20/05/2020

Vụ Hồ Duy Hải lại xuất hiện thêm những tình tiết mới khiến cho sự suy đoán về vụ án ngày càng rối ren.

Những sơ suất kỳ lạ đối với vật chứng quan trọng như con dao, cái thớt, chiếc ghế, nay lại thêm một tờ báo cũng biến mất và đặc biệt là có một chiếc xe Novo có mặt tại hiện trường nhưng hồ sơ vụ án không đưa ra nhận định.

Tất cả những vật chứng cực kỳ quan trọng này biến mất cùng lúc, trong khi đó 10 dấu vân tay của Hồ Duy Hải lại không hề xuất hiện trong hiện trường.

Lỗi sơ đẳng đến mức ngớ ngẩn của cơ quan điều tra đang dẫn dắt chúng ta đến suy đoán rằng đây không phải là hành động sơ ý do yếu kém nghiệp vụ mà ngược lại, các chứng cứ này đã bị ai đó cố ý tiêu hủy và đây là một âm mưu xóa dấu vết tội phạm để đem Hồ Duy Hải vào đánh tráo cho một nhân vật khác.

Điều kỳ lạ hơn là tư duy của 17 vị thẩm phán tối cao cũng ở mức độ ngây ngô cùng đẳng cấp với nhóm điều tra viên và các vị Kiểm sát viên Thẩm phán của hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm.

Các bí ẩn của vụ án hầu như đã hé mở đến 95% khi còn một chiếc xe Novo xuất hiện mà không thấy hồ sơ đưa ra kết luận…

Cùng với những ảnh chụp hiện trường của vụ án, thông tin được nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra tối 19/5/2020 trên Facebook cá nhân với tựa đề :

Chấn động : Chiếc ghế đầy máu ở bưu điện Cầu Voi biến mất !

Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, con dao và cái thớt đã bị đốt mất, phải ra chợ mua về mô phỏng. Và có một vật chứng cực kỳ quan trọng, là cái ghế dính đầy máu ở chân ghế, đã bị tráo đổi và tang vật thật… biến mất !

Cái ghế bị đánh tráo, suốt 6 năm không ai hay biết. Mãi đến ngày 19/12/2014, bà Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm ủy ban tư pháp của Quốc hội) kiểm tra, và mới phát hiện có vi phạm nghiêm trọng quy định về thu thập, đánh giá chứng cứ.

Theo báo cáo của bà Nga, ghế trong biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2008 mã số HPN2 447052, tem rách góc nhỏ bên phải phía dưới, còn ghế trong biên bản tạm giữ đồ vật ngày 25/3/2008 có tem HPM2 44705 ; kích thước khác nhau !

Như vậy, mã số chỉ khác chữ N - M, và ghế tạm giữ thiếu số 2, nếu không tinh ý sẽ không phát hiện nổi trong cả ngàn bút lục.

Vậy mà bà Nga lại phát hiện ra !

Và thật kỳ lạ, bản ảnh cái ghế hôm nay đã xuất hiện ! Một chân ghế dính đầy máu. Như vậy, cái ghế bị mất và cái ghế xuất hiện trong bản ảnh, đã cho thấy bản án sai, bởi nếu dùng mặt ghế để tấn công nạn nhân thì các hạt cơm phải rơi ra khỏi mặt ghế, và nếu có dính máu thì máu phải dính mặt ghế. Trong khi đó, chân ghế và thanh ngang lại dính máu.

Như vậy, Hồ Duy Hải đã tưởng tượng ra lời khai và khai sai với hiện thực khách quan. Điều này cũng vô lý như lời khai giắt dao vào trước bụng và rượt đuổi tấn công nạn nhân.

Ông Lưu Bình Nhưỡng đã nắm rất nhiều thông tin quan trọng và ông nói vui : "Vụ án này, với các tình tiết mới, không chỉ đủ tái thẩm mà con đủ ninh nhừ thẩm, xử lý các sai phạm".

vuhdh10

Bản báo cáo về những vi phạm nghiêm trọng về chứng cứ vụ án đề cập đến chiếc ghế sai mã số, sai kích thước. Hơn nữa chiếc ghế được ảnh chụp hiện trường ghi nhận có vết máu rất rõ nhưng ghế làm vật chứng hiện nay không còn vết máu

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra thêm thông tin rằng : "Với cái chân ghế đầy máu, và với tấm thớt đầy máu, cùng lời khai có một chiếc xe Novou đậu tại bưu điện, tôi nghĩ hung thủ đã được xác định rồi".

"Chiếc Nouvo ở thời điểm năm 2008, ở thôn quê, nếu bạn muốn biết của ai, thì dễ lắm. Bây giờ có lẽ hung thủ nên tự thú thì hơn !

P/S : Các bạn hãy xem tấm ảnh của Báo Công Lý, Hồ Duy Hải cầm chân ghế để thực nghiệm, trong khi hiện trường thật thì chân ghế đầy máu". ông Danh nói.

Facebook Thắng Thế Lê đưa ra lời bình có tính gợi mở rằng :

"Cái chân ghế đầy máu, mặt và tựa sạch bong, hạt cơm còn dính trên đó - nhưng thực nghiệm hiện trường thì cho thấy Hải "đã làm" ngược lại. Ấy là chưa bàn việc con dao giắt như kia lùa nhau đánh vật thì là thánh chứ không phải người.

Thớt, dao ghế - và nay là cả tờ báo đều bị hủy. Theo một lời khai, hiện trường còn có một chiếc xe Nouvo. Nó có không ? Và là của ai ? Và vì sao, hiện trường, nội dung bản án lại "phải" rối ren như vậy ?".

Nhà báo Trần Đình Thu thì nói huỵch tẹt ra luôn rằng :

"Tấm thớt đẫm máu, chiếc ghế đẫm máu kế bên nạn nhân, có thêm tờ báo đang lăn lóc nữa mà nói không tìm ra ấu vân tay hung tgur là nói láo".

Không ai tin là điều tra viên không nghĩ đến việc phải lấy dấu vân tay hung thủ ở tấm thớt, chiếc ghế đẫm máu hay tờ báo nằm lăn lóc bên xác nạn nhân. Mọi sinh viên năm thứ nhất trong trường công an đều biết phải lấy dấu vân tay hung thủ ở mấy chỗ đó mà bảo là các điều tra viên của Long An không biết thì đứa trẻ con nào tin ?

Khẳng định : Dấu vân tay đã được lấy nhưng nó đã bị hủy đi, các vật chứng thì bị ngang nhiên cho đốt đi.

Và dấu vân tay đó không phải là của Hồ Duy Hải vì nếu của Hải thì nay mồ Hải đã xanh cỏ lâu rồi. Vậy thôi".

vuhdh8

Hồ Duy Hải lúc thực nghiệm điều tra với chiếc ghế đã bị đổi và một con dao dắt trên bụng. Hình bên phải là chiếc ghế thật và phía dưới có một tờ báo, điều chắc chắn là tờ báo ấy có dấu vân tay của hung thủ hoặc người liên quan, nhưng hồ sơ vụ án đã không xác định những dấu hiệu này

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi báo cáo đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.

Các nội dung chính của bản báo cáo này được tóm tắt như sau :

Báo cáo nhận định, đây là vụ án giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo và không có chứng cứ vật chất trực tiếp.

Trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán và mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ khác, nhiều tình tiết chưa được làm rõ và nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.

Báo cáo nêu những vấn đề chưa được làm rõ như :

+ Việc mâu thuẫn về việc sử dụng thời gian của Hồ Duy Hải thể hiện Hải không thể có mặt ở bưu điện trước thời điểm nhân chứng Thường đến gọi điện thoại, nội dung này rất quan trọng nên phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại ;

+ Chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải là hung thủ không, nên cần phải hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm (thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi) ;

+ Chưa làm rõ cơ chế gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân, về con dao mà bị cáo mô tả có khả năng gây ra vết thương đó không ;

+ Chưa làm rõ được động cơ gây án của đối tượng vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án ;

+ Bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay…

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ

Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng những vi phạm trên là vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ và vi phạm về tố tụng, vì vậy đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những thiếu sót, vi phạm nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Đồng thời báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu thêm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã kết luận những vi phạm đó chỉ là sai sót về tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án là trái nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như : nguyên tắc "suy đoán vô tội", nguyên tắc "xác định sự thật trong vụ án", nguyên tắc "tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra", nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung".

Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Ngoài việc khẳng định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cần thiết, báo cáo cũng khẳng định kháng nghị này là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền. Về quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng : "Quyết định ân giảm mang tính chất nhân đạo bởi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất kết thúc cuộc đời họ".

Theo viện, quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị tử hình có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án.20/05/2020)

Khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm không có nghĩa là bản án tử hình sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt, cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương. Không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này.

vuhdh11

Ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, người đã ký kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải

Báo cáo của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng khẳng định quy định của pháp luật hiện hành không có bất kỳ một điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 22/11/2019 căn cứ vào khoản 2 điều 371, điều 173 của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả khi người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Cho nên, kể cả trường hợp bác đơn ân xá, giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, kháng nghị của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải có thể được thực hiện bất cứ lúc nào.

Sẽ kiến nghị xem xét lại theo thủ tục đặc biệt

Về việc Hội đồng Thẩm phán cho rằng sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân xá rồi có công văn yêu cầu hoãn thi hành án tử hình của Hồ Duy Hải thì công văn này là công văn hành chính. Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ trước khi kháng nghị, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có báo cáo xin ý kiến Chủ tịch nước, đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị.

Viện cũng đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết "Quyết định bác đơn ân giảm của Hồ Duy Hải", để bảo đảm hiệu lực pháp luật khi viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm.

Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước nêu : "Đề nghị viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải".

Do đó, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp này là đúng thẩm quyền theo luật định, thể hiện trách nhiệm của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo chỉ đạo của Chủ tịch nước là xem xét, làm rõ trường hợp của Hồ Duy Hải có bị kết án oan sai không, bảo đảm thận trọng, chắc chắn trước khi kết tội và áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo.

Với quan điểm như trên, báo cáo khẳng định viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm ngày 8/5, theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de,

******************

Sai lầm "chết người" của ông Nguyễn Hòa Bình (ý kiến đảng viên)

Thu Thủy, Thoibao.de, 21/05/2020

"Dư luận rất dị nghị về việc ông Nguyễn Hòa Bình, người đã quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nay lại ngồi ghế "Chủ tọa" xét xử kháng nghị giám đốc thẩm.

Vì vậy, có thể (và đã có kết quả chứng minh) mang định kiến tư pháp vào quá trình điều hành, xét xử, quyết định không vô tư, thiếu khách quan, rõ ràng đã vi phạm quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng hình sự". Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã gửi đến Chủ tịch nước đã trình bày như vậy trong thư gửi đến Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội.

Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi cho Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội cũng nhấn mạnh rằng : "Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án".

Ông Phúc Tuệ, một Đảng viên ở Hà nội đã gửi đến thoibao.de nêu ra ý kiến của mình như sau :

"Có thể nói rằng với phát ngôn mạnh mẽ của mình trước cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang chiếm thế "thượng phong" trước ông Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Lịch sử tư pháp Việt Nam từ năm 1945 trở lại đây, chưa bao giờ có việc Tòa và Viện công khai đối địch nhau, sử dụng báo chí, mạng xã hội để "xỉ vả" nhau và có thể xem ra như hai cơ quan này không có "Đảng lãnh đạo".

Vậy tại sao lại có chuyện rất không bình thường này ?

Thận trọng xem xét lại thì thấy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra kháng nghị là hoàn toàn đúng luật (theo điều 404-Luật Tố tụng Hình sự năm 2015).

Và sự khủng hoảng đến chính từ những sai lầm của ông Nguyễn Hòa Bình.

Vậy ông Bình đã sai những gì ?

Thứ nhất, ông Bình đã không chủ động báo cáo Ban Nội Chính trung ương, không báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Chính phủ để tìm một cách xử lý khác, đó là : Tòa và Viện, Công an cùng ngồi với nhau, dưới sự chủ trì của Ban Nội chính để giải quyết vụ án.

Ông Bình đã lộ rõ sự cay cú, muốn " ăn thua" với ông Trí, và ông quá tự tin về trình độ của các thẩm phán.

Nhưng ông hoàn toàn không để ý thấy rằng : 17 thẩm phán của Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm thì 16 người đều là những người chưa từng xử án hình sự.

Vì thế, họ không biết cách phân tích chứng cứ, mà chỉ biết dựa theo những gì đã có trong hồ sơ.

Thứ hai : Chọn thời điểm xử vụ án trước Hội nghị trung ương 12 và trước kỳ họp quốc hội là việc làm thiếu khôn ngoan bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ trở thành vấn đề "chính trị" và dễ bị suy diễn.

Thứ ba : Ông Bình cho bưng bít thông tin ngay từ đầu, bằng cách chỉ cho báo Công lý được dự, còn báo của Viện Kiểm sát, Công An, Bộ Tư pháp, Hội Luật sư… đều bị cấm hết. Việc bưng bít thông tin, và chỉ cung cấp thông tin theo hướng có lợi cho mình đã biến phiên tòa trở nên mất dân chủ.

Thứ tư : Khi bị dư luận phản ứng thì một số thẩm phán đã có phát ngôn rất thiếu chuẩn mực, đồng thời, sử dụng một vài báo "thân quen" lên tiếng bảo vệ, nhưng lại không đếm xỉa đến dư luận xã hội. Thậm chí rất dại dột khi chỉ trích Đại biểu quốc hội.

Và thứ năm : Chọn cách đối đầu với Viện Kiểm sát là một sai lầm "chết người" của ông Bình, bởi lẽ, ông Bình không đủ bình tĩnh để phân tích về pháp luật bản kháng nghị của Viện Kiểm sát.

vuhdh12

17/17 vị thẩm phán đã biểu quyết tán thành tuyệt đối tỷ lệ 100% cho việc y án tử hình Hồ Duy Hải, kể cả ý kiến cho rằng kháng nghị của Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là không đúng pháp luật

Bây giờ, ông Bình đã tự ngồi vào đống rơm rồi tự châm lửa đốt mình. Sự nghiệp chính trị của ông rất có thể coi như chấm dứt ở đây. Không ai có thể bầu cho một người bị gần như cả xã hội coi khinh" - đảng viên Phúc Tuệ đưa ra kết luận.

Nhà báo Vũ Hữu Sự nhận xét rằng : "Xem xét toàn diện quá trình giám đốc thẩm vụ án, tôi nhận thấy ngài Phó Giáo sư Tiến sĩ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình có trình độ tương đương với một sinh viên năm thứ nhất của trường trung cấp pháp lý, loại trường chỉ tồn tại ở nước ta gần 30 năm trước".

Luật sư Phạm Quốc Bình nhận xét một cách chua chát rằng : "Vụ án này, tất cả đều căn cứ vào con số 0. Không có chứng cứ. Không có tang chứng vật chứng. Tóm lại là không có gì sất ! Vậy mà chúng nó 17 đứa, đồng loạt giơ dao chém thằng bé".

Cử tri và người dân khắp cả nước, trong đó có cả những nhà chuyên môn, nguyên là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chuyên gia luật, giáo viên… đều cho rằng, với những chứng cứ và lập luận mang tính chủ quan, áp đặt, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã phán quyết đồng tình với hai bản án bị dư luận phản đối mạnh mẽ hơn chục năm, để dễ dãi kết án tử một con người.

Đặc biệt, dư luận cho rằng, phán quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đã dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội, vấn đề "cấm kỵ" trong lĩnh vực hình sự.

Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó "không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án". Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra sự đồng cảm với suy nghĩ của rất nhiều người khác.

Trên facebook cá nhân có 200 ngàn người theo dõi, nhà báo Bạch Hoàn viết rằng : "Cơn bão phẫn nộ, cơn mưa gạch đá, nước bọt và làn sóng căm phẫn của rất nhiều người quan tâm đến thế sự và khát khao công lý đang ném thẳng về phía ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao".

"Ông Bình là nhân vật có sự nghiệp chính trị với dấu ấn đặc biệt là ra quyết định không hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải, bằng luận điệu tuy điều tra sai phạm nhưng bản chất vụ án không thay đổi.

Từ chuyện nhà cửa đất đai, tuổi tác, đến những câu nói có vẻ hay mà làm thì như mèo mửa của ông Bình đều đang bị lột truồng rồi phơi bày ra dư luận.

Nhiều ý kiến ngờ vực rằng, có thể có bàn tay này, mưu đồ kia muốn "đánh" ông Nguyễn Hòa Bình. Tôi thực không quan tâm vấn đề ấy. Trong hệ thống chính trị này, tôi hoàn toàn không đặt nặng nhẹ ai lên ai xuống, người đi kẻ ở ra sao. Ai nắm quyền, ai thất thế, tôi vẫn là một phận dân nhỏ bé như tất cả các anh chị và các bạn.

Tuy nhiên, vì còn sống nên ta cần làm gì đó.

Tôi từng là nhà báo. Dù đã rời khỏi hệ thống báo chí nhà nước, thì trong tôi vẫn còn những trăn trở của một người cầm bút. Đó là chưa kể, làm người sao có thể nín câm ? Vì lẽ đó, thứ mà tôi luôn theo đuổi chỉ đơn giản là lên tiếng trước bất công và vô lý, cổ vũ cho những cải cách và tiến bộ xã hội.

Nhân sự việc của ông Nguyễn Hòa Bình, tôi muốn nói rằng, tôi sẽ kiên trì viết, kiên trì phê phán và không ngừng đòi hỏi phải tôn trọng các nguyên tắc thực thi pháp luật, phải cải cách tư pháp, phải để công lý thực sự là công lý - đó là mang đến lẽ phải, lẽ công bình.

Đơn giản là vì những gì ông ấy làm đã xâm phạm thô bạo vào những giá trị mà tôi khát khao và xây dựng.

Tôi không phục vụ cho phe nhóm chính trị, nhưng tôi luôn sẵn sàng dùng ngòi bút của mình phục vụ cho các giá trị mà tôi theo đuổi". Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra quan điểm.

vuhdh13

Các vật chứng để lại ngổn ngang trên hiện trường thậm chí còn dính nhiều vết máu, nhưng 10 dấu vân tay của Hồ Duy Hải lại không hề xuất hiện, điều này cũng được ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình bỏ qua

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Thái Vĩnh Thắng, cựu Chủ nhiệm khoa Pháp Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội, từng tu nghiệp và lấy bằng Thẩm phán của trường Thẩm phán quốc gia Cộng hòa Pháp tại Bordeaux. Ông Thắng đưa ra nhận định trong bài viết mang tựa đề : "Nếu không hủy bản án Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, uy tín của nền tư pháp Việt Nam sẽ bị sụp đổ".

Bản án giám đốc thẩm về vụ án giết người mà bị cáo là Hồ Duy Hải bị buộc tội và bị kết án tử hình cần phải bị hủy bỏ, niềm tin của người dân Việt Nam vào công lý sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu bản án này không được hủy bỏ. Bản án này đã gây nên sự bức xúc và phẫn nộ trong xã hội, nhất là những người quan tâm đến công bằng, công lý, hiến pháp, nhà nước pháp quyền và quyền con người. Bản án giám đốc thẩm đã mắc những sai lầm trầm trọng sau đây :

1. Vi phạm nguyên tắc hồi tỵ, theo đó chánh án Nguyễn Hòa Bình không thể tham gia xét xử phiên tòa này vì ông đã từng tham gia vụ án này với tư cách Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ký quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm.

2. Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không có nhân chứng hoặc vật chứng chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội thì phải coi như Phạm Duy Hải vô tội.

3. Kết luận sai về sự vi phạm luật tố tụng của cơ quan điều tra mà lại không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Pháp luật tố tụng hiện đai của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều quy định việc điều tra, truy tố, xét xử phải đúng quy định của pháp luật, bất kỳ vi phạm nào trong quá trình điều tra đều dẫn đến phải hủy bỏ kết quả điều tra.

Trong vụ trọng án giết hai mạng người mà tang vật vụ án : dao, thớt không được giữ lại, phải mua lại ở chợ để làm vật tương tự, mẫu máu lấy được ở hiện trường không đem đi xét nghiệm ngay, sau một tháng mới xét nghiệm nên không có kết quả rõ ràng, buộc tội Hồ Duy Hải nhưng dấu vân tay ở hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Kẻ thủ ác thuận tay trái nhưng Hồ Duy Hải thuận tay phải ( tình tiết mới do Luật sư mới phát hiện ra)

4. Vi phạm nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo và không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.

Trong trường hợp vụ án này, cơ quan điều tra vụ án có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khả năng sửa án, hủy án là việc mà Tòa án tối cao không thể không nhìn thấy, nhưng lại không triệu tập bị cáo, có triệu tập luật sư nhưng luật sư không được tham gia phần tranh biện. Phải đợi đến khi có đề nghị của đoàn luật sư, luật sư bào chữa mới được gọi lai đến phiên tòa. Như vậy đã không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.

5. Không tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo nguyên tắc độc lập của thẩm phán.

Chúng ta rất rõ rằng, hình thức thể hiện ý chí của các thẩm phán trong Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ. Chỉ có bỏ phiếu kín các thẩm phán mới thể hiện đúng ý nguyện của mình. Việc biểu quyết công khai sẽ buộc các thẩm phán phải nghiêng về ý kiến của Chánh án vì làm trái ý của thủ trưởng sẽ gây cho họ khó khăn trong công việc về sau này. Hơn nữa chúng ta đều biết rằng việc tiến từ biểu quyết công khai đến bỏ phiếu kín là một bước tiến bộ trong chế độ dân chủ. Vì thế các nguyên tắc bầu cử của chúng ta là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Việc loại bỏ hình thức bỏ phiếu kín mà chọn biểu quyết công khai rõ ràng đã hạn chế tính độc lập của thẩm phán.

Những vi phạm và sai lầm trên đây ở cấp giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao rõ ràng là không thể chấp nhận được. Đề nghị Quốc hội cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng giám sát của mình để khắc phục sai lầm trên đây của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị 6 việc phải làm khi điều tra lại, nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, căn cứ để Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị bản án là bởi trong hai bản án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ : Thời gian xuất hiện của Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi ; Khám nghiệm tử thi chưa làm rõ thời gian tử vong của nạn nhân ; Về những vật chứng, dao, thớt, ghế được mua về để thay thế là không đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tài liệu tố tụng đưa ra ba con dao không nhất quán về mặt kích thước, thì không thể khẳng định con dao nào là công cụ gây án. Nhận định về mẫu than tro của việc đốt quần áo và dây lưng của Hải còn mơ hồ. Bên cạnh đó, quá trình tố tụng cũng chưa làm rõ việc bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra án mạng có bị mất nước hay không ; cũng như chưa làm rõ được việc bán tài sản mà Hải lấy của nạn nhân, mới chỉ dựa vào lời khai của Hải.

Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có nhiều tình tiết phải chứng minh theo quy định của pháp luật nhưng không được làm rõ : Việc lấy dấu vân tay ở hiện trường phải truy nguyên nhưng chưa được làm rõ, chưa lí giải được vì sao lại có nhiều mẫu dấu vân tay của nhiều người ở hiện trường nhưng lại không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương ở trên vùng mặt và đầu của nạn nhân, hai vết thương trên cổ của nạn nhân giống nhau cả về độ sâu và chiều dài của vết cắt. Đồng thời, theo lời khai của nhân chứng thì khu vực bếp ăn có 2 con dao nhưng không được thu giữ, không có trong bản ảnh…

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh, trong phiên giám đốc thẩm, Chủ tọa và Điều tra viên đều thừa nhận có nhiều vi phạm về tố tụng, như : Vi phạm việc khám nghiệm hiện trường không thu giữ vật chứng ; Không truy nguyên dấu vân tay ; Không trưng cầu thời điểm chết của nạn nhân ; Không đưa biên bản, lời khai không nhận tội của bị cáo vào hồ sơ ; các lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường, Nguyễn Văn Nghị, Phùng Phụng Hiếu, Nguyễn Mi Sol. Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến. Một số biên bản lời khai, hỏi cung của bị cáo không có ký xác nhận ; Ghi nhận sai mã số ghế.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường ; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi ; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết ; làm rõ cơ chế gây thương tích ; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án ; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định có đủ căn cứ và thấy cần thiết kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm./.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 21/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy
Read 1333 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)