Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/05/2020

Đằng sau tuyên bố trồng rau tại Phú Lâm của Trung Quốc

Hoàng Châu Anh

Tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) vừa cho biết Trung Quốc mới thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đợt thu hoạch vừa qua được xem là "một chiến thắng to lớn" của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

phulam1

Hình minh họa. Quân đội Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 19/1/2016 -Reuters

Trong bài viết đăng ngày 20/5, Global Times đưa tin hải quân Trung Quốc vừa lần đầu tiên thu hoạch được rau trồng bằng công nghệ mà các chuyên gia cho rằng có thể hỗ trợ các cộng đồng trên đảo. 7 loại rau, bao gồm bắp cải Bok Choy và rau diếp, đã được thu hoạch trên một cánh đồng thí nghiệm " biến cát thành đất màu" trên đảo Vĩnh Hưng ở thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vào ngày 12/5. Một sĩ quan hải quân cho biết : "Công nghệ này sẽ được triển khai trên quy mô lớn, có thể giải quyết vấn đề của lực lượng quân đội và dân thường trên các đảo thiếu rau xanh".

Dự án canh tác trên nền cát ở đảo Phú Lâm là một dự án của quân đội Trung Quốc phối hợp với trường Đại học Giao thông Trùng Khánh. Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc "biến cát thành đất màu" để tạo môi trường màu mỡ cho thảm thực vật, mở đường cho nông nghiệp với khả năng "tự cung tự cấp" trên các đảo, đá mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền xung đột với các nước khác.

Global Times dẫn lời Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu biển Hoa Nam, nói sự đột phá này đã phản bác lại các lý thuyết quốc tế, bao gồm phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, cho rằng các đảo ở biển Hoa Nam (Biển Đông) không thể hỗ trợ chính các cộng đồng dân cư trên đảo. Chen lưu ý : "Bây giờ, khả năng của Trung Quốc hỗ trợ dân thường trên các đảo sẽ cho phép nhiều người sống trên đảo hơn".

Nhiệt độ cao, độ ẩm cao và hàm lượng muối cao đã khiến việc canh tác trở nên vô cùng khó khăn trên các đảo Biển Đông : "Trồng được rau sẽ giúp có thể thực hiện bước tiếp theo, chẳng hạn như nuôi lợn hoặc gà. Gây dựng được chu kỳ sinh thái, các đảo sẽ là nơi thích hợp hơn cho con người sống sinh sống trên đó lâu hơn. Trong tương lai, mỗi hòn đảo có thể tạo thành một cộng đồng độc lập nhỏ".

Tuy nhiên, tuyên bố này của phía Trung Quốc lại hàm ý rõ ràng rằng, trước đây không thể trồng rau tại đây được.

Ý đồ của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng nỗ lực thực hiện các dự án cải tạo đất khổng lồ trên các thực thể tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với mục đích thiết lập các căn cứ và thúc đẩy các yêu sách chủ quyền sâu rộng của họ trên Biển Đông.

Theo quy định tại Điều 121 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), thì :

1. Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

2. Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

3. Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Khoản 3 Điều 121 đã tạo ra rất nhiều cuộc tranh luận khác nhau. Trung Quốc luôn khẳng định tất cả các thực thể nằm trên biển Đông đều là đảo, do đó, bởi vì Trung Quốc sở hữu các thực thể đó cho nên Trung Quốc có cả các quyền tại các vùng nước xung quanh các thực thể đó. Thậm chí cả các bãi san hô luôn chìm dưới mặt nước biển, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể đó. Điều này là trái với luật biển quốc tế. Nguyên tắc "đất thống trị biển" quy định rõ, chỉ những thực thể nào đáp ứng được yêu cầu là "đảo" thì mới có thể có vùng đặc quyền và thềm lục địa kèm theo.

Tuy nhiên, cho dù không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc vẫn muốn thuyết phục công luận quốc tế rằng các "đảo nhân tạo" mà Trung Quốc đã bồi lấp tại Hoàng Sa và Trường Sa đáp ứng được yêu cầu là "đảo" nên sẽ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

phulam2

Hình minh họa. Các nhà hoạt động Philippines và Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, Philippines hôm 16/5/2014 Reuters

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines đã làm rõ các tranh cãi khác nhau này. Theo Phán quyết năm 2016, không có thực thể nào của Trường Sa có thể đáp ứng được yêu cầu này bởi vì điều kiện thích hợp cho đời sống kinh tế của con người hoặc có một đời sống kinh tế riêng đối với các thực thể này phải là từ tự nhiên sẵn có chứ không phải do sự thay đổi nhân tạo. Và điều đó đồng nghĩa với việc không có căn cứ quân sự và "đảo nhân tạo" nào của Trung Quốc trên Biển Đông đáp ứng tiêu chuẩn này. Vì vậy, tất cả các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng nhằm khẳng định chủ quyền đều bị cho là "đá" hoặc các thực thể "không phải là đảo" trong phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

Biến các đảo nhân tạo và các rạn san hô được khai hoang ở Biển Đông thành nơi con người có thể sinh sống là vấn đề được Trung Quốc coi là "sống còn", vì các khu định cư mà Trung Quốc đã xây dựng ở đó thiếu nước ngọt và không có loại đất nào thích nghi cho trồng trọt. Bắc Kinh đã thất bại trong việc cung cấp đủ lương thực cho các đồn bốt được duy trì trên các căn cứ như đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và Đá Chữ Thập ở Trường Sa.

Đảo Phú Lâm – mô hình thí điểm cho chiến lược của Trung Quốc

Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề sa mạc hóa do tập quán canh tác kém và thiếu nước ngầm. Khoảng 20% diện tích của nước này là sa mạc, nên Trung Quốc đang cung cấp các khoản tài chính khẩn cấp cho các nỗ lực khoa học để ngăn chặn tình trạng sa mạc xâm lấn các vùng đất màu mỡ.

Sự phát triển của đảo Phú Lâm thường được xem là kế hoạch thí điểm cho sự phát triển của các thực thể khác ở Biển Đông. Thời gian gần đây, đó là điều đáng chú ý nhất trên Đảo Cây ở quần đảo Hoàng Sa. Mô hình đảo Phú Lâm có thể sẽ được (hoặc đã được) mở rộng sang các căn cứ đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Quần đảo Trường Sa.

Trường hợp Đài Loan

Trung Quốc không phải là bên yêu sách duy nhất ở Biển Đông khẳng định các thực thể mà nước này chiếm đóng là các đảo và đã thử các cách để cho thấy con người có thể sinh sống trên những đảo này để có thể "hợp pháp hóa" theo những điều khoản trong UNCLOS.

Đài Loan hiện đang chiếm giữ thực thể lớn nhất ở Trường Sa, đó là đảo Ba Bình - cũng bị coi là "đá" theo phán quyết của trọng tài năm 2016. Đầu năm 2016, trước khi Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc, Chính quyền Tổng thống Mã Anh Cửu đã ra tuyên bố khẳng định Ba Bình có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo.

Cho đến đầu năm 2019, Quân đội Đài Loan vẫn tuyên bố có nước ngọt trên đảo này.

Điều này "tiếp sức" cho lập luận của Đài Loan rằng Ba Bình là hòn đảo có giá trị pháp lý, vì việc thiếu nguồn cung cấp nước ngọt đã được Tòa Trọng tài viện dẫn là một lý do khiến đảo Ba Bình không thể được coi là như vậy. Đài Loan đã trồng nhiều loại thực vật trên đảo Ba Bình như chuối, dừa và bí, mà không chuyển đất từ nơi khác đến hoặc sử dụng các phương pháp "biến cát thành đất" như Trung Quốc.

Việt Nam và Philippines

Việt Nam cũng đang nỗ lực tăng cường xây dựng các thực thể tại Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ. Theo thông tin chính thức phía Việt Nam đưa ra, Việt Nam đang kiểm soát 21 thực thể tại Trường Sa, trong đó có một số thực thể đã được xây dựng và phát triển rất bề thế như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn…

Philippines cũng đã cố gắng phát triển nguồn thực phẩm bền vững trên đảo Thị Tứ, thực thể mà Manila đang kiểm soát, nhưng ít khẩn trương và cũng ít thành công hơn. Truyền thông trong nước đưa tin Philippines dự kiến trong năm nay sẽ cho xây dựng trên đảo Thị Tứ các nhà máy khử muối để biến nước biển thành nước ngọt.

Tuy nhiên, khác với việc Trung Quốc và Đài Loan tích cực cải tạo các thực thể trong sự kiểm soát của họ nhằm "chứng minh" các thực thể này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo. Việt Nam và Philippines mặc dù có cải tạo các thực thể của họ nhưng trong các tuyên bố và văn bản chính thức luôn thể hiện tuân thủ Phán quyết năm 2016 như một phần của UNCLOS và luật biển quốc tế. Thậm chí trong Công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam còn mở rộng phạm vi áp dụng cho Hoàng Sa là tất cả các thực thể của Hoàng Sa đều không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Hoàng Châu Anh

Nguồn : RFA, 25/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Châu Anh
Read 609 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)