Đây là một dự án luật rất ít được chú ý, rất khó cho các đại biểu dân túy ; nhưng nếu Quốc hội không đầu tư thời gian thích hợp, những dự án luật như thế này có thể lấy đi rất nhiều tiền bạc của dân.
Huy Đức
**************
Dự luật PPP : Phải làm các ngân hàng yên tâm rót vốn cho vay
Tiến Long, Tuổi Trẻ Online, 27/05/2020
Ngày 28/5, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự thảo luật được nhiều người quan tâm, bởi lâu nay việc thực hiện dự án PPP có rất nhiều bất cập.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã ngưng thu phí từ tháng 12-2017 - Ảnh : MẬU TRƯỜNG
Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Đào Việt Dũng và ông Phan Vinh Quang - trưởng nhóm chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - gửi Tuổi Trẻ Online bài viết góp ý về dự thảo luật này.
Các dự án giao thông mắc kẹt
Ông Đào Việt Dũng cho biết thực tế vài năm nay hầu như không có dự án BOT nào khởi công vì không thuyết phục được ngân hàng rót vốn.
Theo ông Dũng, mới đây Bộ Giao thông và vận tải có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các dự án đầu tư công năm 2020 do bộ này quản lý.
Năm 2020, Bộ Giao thông và vận tải được giao khoảng trên 37.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, bao gồm trên 35.000 tỉ được Thủ tướng giao năm 2020 và khoảng trên 3.700 tỉ được kéo dài kế hoạch vốn năm 2019 sang năm 2020.
Đến hết tháng 4/2020, cơ quan này đã giải ngân được 9.208 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm.
Dù kết quả này khá cao so với bình quân chung của cả nước, tuy nhiên phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỉ đồng), hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 2 dự án BT (khoảng 1.334 tỉ đồng). Phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng và các hợp đồng xây lắp chiếm tỈ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.
Theo ông Dũng, việc có tiền (đầu tư công) mà không tiêu được là thực trạng kéo dài nhiều năm của ngành giao thông. Năm 2019, kế hoạch đăng ký vốn của Bộ Giao thông và vận tải khoảng 30.100 tỉ đồng nhưng đến hết năm cũng mới giải ngân được khoảng 26.700 tỉ đồng.
Năm 2018, tỉ lệ giải ngân vốn đạt trên 90%, nhưng số tiền tiêu thực tế trong năm chỉ còn bằng 30/40% so với thời "hoàng kim".
Trong khi các dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách không thể giải ngân thì các dự án BOT giao thông lại không thể tìm được nhà tài trợ vốn.
Hiện có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỉ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
Phải làm cho ngân hàng yên tâm
Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết vốn ngân hàng chiếm 70 - 80% tài chính của một dự án PPP.
"Nếu dự thảo Luật PPP được Quốc hội thảo luận tới đây không có những cơ chế đột phá làm cho ngân hàng cảm thấy yên tâm khi cho vay thì nhà đầu tư không thể triển khai được dự án", ông nhấn mạnh.
Cụ thể, theo ông Dũng, dự thảo Luật PPP cần giải quyết thấu đáo vấn đề Nhà nước chia sẻ rủi ro doanh thu và ngoại tệ với nhà đầu tư để bảo đảm tính khả thi của dự án PPP, qua đó củng cố niềm tin cho cả nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh : TL
Bên cạnh đó, chuyên gia của ADB cho rằng cần có dòng ngân sách riêng cho các dự án PPP (phần vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP) thay vì hoàn toàn tuân theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư công như dự thảo Luật PPP đang thể hiện.
Ông Phan Vinh Quang dẫn kinh nghiệm của Indonesia.
Thay vì cung cấp bảo lãnh chính phủ miễn phí, Indonesia thành lập công ty bảo lãnh cơ sở hạ tầng, trực thuộc Bộ Tài chính, chuyên cung cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án PPP.
Công ty này cung cấp bảo lãnh cho các dự án PPP và thu phí bảo lãnh. Sau 10 năm hoạt động, công ty đã cung cấp bảo lãnh cho 21 dự án PPP tại Indonesia với tổng trị giá 14,7 tỉ USD.
Tính đến hết năm 2018, sau 10 năm thành lập, vốn chủ sở hữu tại công ty là 670 triệu USD và 37,5% số này là từ lợi nhuận để lại.
Theo ông Quang, nếu làm theo cách của Indonesia, Nhà nước sẽ có một nơi tập trung nguồn lực và trí lực để thực hiện tốt việc quản lý rủi ro và cung cấp bảo lãnh theo quy trình chuẩn, thống nhất.
Việc này bảo đảm kỷ luật, minh bạch và hiệu quả cho toàn bộ quá trình và rủi ro ngân sách không nhiều và tiên liệu được. Còn đối với tư nhân, họ có yên tâm được một định chế của Nhà nước bảo lãnh, tất nhiên họ phải trả phí.
"Cũng nhờ được bảo lãnh mà một số dự án sẽ tăng tính khả thi cũng như khả năng vay vốn ngân hàng dễ hơn nhiều", ông Quang phân tích.
Tiến Long ghi
*****************
Cần nhiều cơ chế giám sát các dự án PPP
D.N.Hà, Tuổi Trẻ Online, 28/04/2020
Các chuyên gia cho rằng phải tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư có thể giám sát các dự án PPP trong quá trình xây dựng và khai thác, kết quả giám sát phải có giá trị ràng buộc các bên tham gia.
Bốn tuyến đường chính ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm xây dựng theo hình thức BT - Ảnh : TỰ TRUNG
Ngày 28/4, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức hội thảo trực tuyến về "Các vấn đề về tài trợ vốn và cơ chế giám sát dự án PP", để góp ý cho dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tại hội thảo, Phó giáo sư tiến sĩ Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý cho Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), cho rằng quy định về giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và cộng đồng là một trong những tiến bộ của dự thảo.
Tuy nhiên, ông Huệ cũng nhận xét nội dung về giám sát cộng đồng đối với các dự án PPP trong dự thảo luật còn quá sơ lược.
Dự thảo chỉ có 2 điều quy định về nội dung giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc mà không có quy định cụ thể về nội dung giám sát của cộng đồng dân cư.
"Cần quy định rõ trình tự thủ tục, nội dung giám sát, phương thức và nhất là giá trị pháp lý của kết quả giám sát cộng đồng. Trách nhiệm của các đơn vị giải trình về kết quả giám sát như thế nào, việc tiếp thu và kết quả tiếp thu sẽ phản hồi cho người dân ra sao…", ông Huệ kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng đề nghị một cơ chế giám sát mới là cùng một công trình thì nên lập thêm một dự án đầu tư công bên cạnh dự án PPP để đối chứng.
Cũng tại hội nghị, luật sư Nguyễn Tiến Lập chỉ ra 4 vấn đề của việc đầu tư dự án PPP ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất là mất cân đối về số lượng dự án trong các lĩnh vực đầu tư PPP, đó là số lượng dự án ở lĩnh vực giao thông chiếm đa số vì có yếu tố lợi ích nhóm.
Thứ hai là quyền lợi của cộng đồng và người dân, với tư cách là người tiêu dùng, không được bảo đảm.
Thứ 3 là chất lượng sản phẩm của các dựa án PPP không tốt, nhanh xuống cấp, nhất là các công trình giao thông.
Cuối cùng là lượng vốn tư nhân bỏ vào công trình không nhiều, phần lớn là vốn của Nhà nước và vốn ngân hàng (cũng do nhà nước bảo hộ để không phá sản).
Theo luật sư Lập, nên bỏ luôn hình thức đầu tư công trình theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) trong các phương thức PPP. Lý do, "đây là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng".
"Quy định mới nhất cho phép đấu thầu dự án để chọn nhà đầu tư nhưng ở Việt Nam, việc đấu thầu dự án chưa bảo đảm minh bạch nên không thực chất. Hơn nữa, các nước trên thế giới sử dụng rất hạn chế phương thức đầu tư công trình theo hình thức BT", luật sư Lập trình bày.
D.N.Hà
****************
Lo 'lợi ích nhóm' với dự án PPP
Ngọc An - Ngọc Hiễn, Tuổi Trẻ Online, 20/11/2019
Quy định Chính phủ chia sẻ không quá 50% nếu hụt thu doanh thu và doanh nghiệp chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu là không công bằng, khó chấp nhận và sẽ dẫn đến mặc cả, xin - cho, tạo kẽ hở cho tiêu cực và lợi ích nhóm.
Cầu Bình Lợi (được đầu tư theo hình thức PPP) nằm trên đường Phạm Văn Đồng (dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, dài 13,6km, được đầu tư theo hình thức BT) - Ảnh : T.T.D.
Nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại như vậy khi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào ngày 19/11.
Ngoài đề nghị quy định cụ thể mức chia sẻ rủi ro, nhiều đại biểu cũng yêu cầu phải công khai, minh bạch thông tin dự án đầu tư theo phương thức PPP cũng như có giải pháp giám sát chặt chẽ, không để Nhà nước và người dân đều thiệt hại.
Lấy nguồn đâu để bù đắp cho nhà đầu tư ?
Phó trưởng Đoàn Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến cho rằng về nguyên tắc, chia sẻ phải công bằng, hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm. Tỉ lệ chia sẻ phải quy định với mức cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
"Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, lấy ở đâu và bằng nguồn nào. Đề nghị cần được làm rõ" - ông Tiến nói.
Theo Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang), với trường hợp doanh thu thực tế vượt qua hợp đồng, phải điều chỉnh giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc rút ngắn thời gian hợp đồng.
Nhưng với trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính, cần có nghị định quy định giao cho hội đồng thẩm định dự án PPP xem xét, điều chỉnh tăng mức giá, phí sản phẩm dịch vụ công hoặc là gia hạn thời gian hợp đồng,
"Đối tượng trực tiếp tham gia dự án là các bên ký kết hợp đồng nhưng đối tượng hưởng lợi và tốn phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ công là cộng đồng dân cư nên việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến xã hội. Tôi đề nghị nếu cơ quan thẩm quyền sau khi xác định rủi ro từ các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì xem xét việc điều chỉnh tăng mức giá và thời gian hợp đồng" - bà Tuyến đề xuất.
Cho rằng việc đầu tư dự án PPP phải theo cơ chế "lời ăn lỗ chịu" đúng theo nguyên tắc thị trường và khi ký kết hợp đồng tức là chấp nhận rủi ro, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật cho phép chủ đầu tư tăng giá, tăng phí dịch vụ, kéo dài thời hạn thu phí.
Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, chưa kể cơ chế bù hụt thu 50% doanh thu cũng tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước.
Dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, bà Mai đặt câu hỏi là : "Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro bằng hình thức nào ? Lấy từ nguồn nào để chia sẻ ? Khi tác động đến nợ công sẽ xử lý như thế nào ?", nhất là khi dự thảo luật cũng chưa đưa ra những căn cứ tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro.
Phải công khai, minh bạch thông tin dự án
Trong khi đó, theo ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), phải có giải pháp xử lý sao cho Nhà nước không bị thất thoát, người dân không phải nộp quá số tiền hợp lý phải nộp, nhà đầu tư có năng lực sẽ có lợi nhuận phù hợp.
Mấu chốt là Nhà nước phải kiểm soát được giá tối đa trả cho nhà đầu tư làm cơ sở xác định giá trần, chọn nhà thầu đạt tiêu chuẩn giá thấp nhất không vượt giá trần, đồng thời phải kiểm soát chất lượng công trình tương xứng với số tiền nhà đầu tư được hưởng.
Cũng theo ông Hàm, dự thảo luật phải quy định dự toán được chi phí cần bỏ ra để có công trình trên cơ sở các định mức đơn giá, khung xây dựng phương án tài chính để dự tính sát nguồn thu và có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp.
Đặc biệt, phải có cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập từ bên ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ khâu dự toán, đến quyết toán để xử lý vi phạm và phân chia chính xác lợi ích chi phí của nhà đầu tư, nhà nước, người dân.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đề nghị bên cạnh việc giám sát chất lượng công trình, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với dự án PPP phải được thực hiện như đối với dự án đầu tư công.
Nếu không sẽ không thể phân biệt rạch ròi được những hạng mục nào thuộc đầu tư công và điểm nào là PPP, dẫn đến không kiểm soát được toàn bộ chất lượng công trình cũng như phân loại được nguồn vốn nào có hiệu quả, nguồn vốn nào không có hiệu quả và xác định trách nhiệm.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần bổ sung quy định liên quan đến việc lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và tiếp nhận ý kiến góp ý trên website ít nhất 60 ngày trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, để bảo đảm quyền giám sát của người dân, cần công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục (trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước), các báo cáo thẩm định dự án, báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng...
Không áp dụng tràn lan
Theo ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, do dự án quy mô lớn, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho Nhà nước, nên cơ chế chia sẻ rủi ro nhằm giúp nhà đầu tư yên tâm tham gia. "Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh" - ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, mục tiêu của nhà đầu tư là kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, cơ chế chia sẻ rủi ro này chỉ áp dụng với một số ít dự án đặc biệt quan trọng chứ không áp dụng tràn lan.
Ngọc An - Ngọc Hiễn
*****************
Nhà đầu tư dự án PPP sẽ được ứng trước vốn
Trần Vũ Nghi, Tuổi Trẻ Online, 14/06/2020
Các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được ứng trước vốn, hứa hẹn mang lại khởi sắc hơn cho mô hình này.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư và định hướng giai đoạn 2017/2020, sáng 14/6/2017 - Ảnh Tự Trung
Việc thực hiện ứng vốn sẽ thông qua Quỹ phát triển dự án (PDF) mà Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị triển khai. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ hoàn trả các chi phí chuẩn bị đầu tư cho quỹ.
Đây là một trong những chính sách được Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong thông tin tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư PPP và định hướng giai đoạn 2017/2020, do UBND thành phố tổ chức sáng 14-6, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này
Theo ông Phong, hơn 20 năm thành phố thu hút đầu tư, và hơn hai năm thực hiện nghị định mới của Chính phủ về hợp tác đầu tư PPP, mô hình này đã mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt trong giai đoạn mới trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, vì vậy, PPP được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng, và là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.
Thời gian qua, thành phố đã ban hành rất nhiều chủ trương chính sách để kiến tạo chính sách, môi trường đầu tư PPP thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong số đó, điểm nhấn là việc thành lập ban chỉ đạo PPP do một phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, cũng như đang nghiên cứu để thành lập Quỹ bù đắp tài chính nhằm tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn trong lĩnh vực này.
Ông Phong cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố tiêu chí của từng loại dự án tham gia PPP làm cơ sở lựa chọn và chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đầu tư công nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người dân.
Để tăng cường tính công khai tính minh bạch, trong thời gian tới, theo ông Phong, sở này cần phải mở một chuyên mục riêng trên trang web của mình về nhu cầu của thành phố, trong đó thông tin cụ thể về các dự án PPP đang kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư công chuyển sang PPP để các nhà doanh nghiệp có đầy đủ thông tin khi ra quyết định.
"Mặc dù số lượng dự án hình thức đầu tư PPP không lớn, chỉ chiếm khoảng 5% số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng nguồn vốn huy động từ các nguồn vốn này rất lớn, gấp năm lần nguồn lực đầu tư công của thành phố giai đoạn 2011-2015. PPP chính là một trong những giải pháp phù hợp với các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như Thành phố Hồ Chí Minh", ông Phong nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư và định hướng giai đoạn 2017/2020, sáng 14/6/2017 - Ảnh Tự Trung
Theo ông Phạm Phú Quốc, tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), đến nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 23 dự án theo hình thức PPP đã ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện, với tổng giá trị đầu tư khoảng 71.172 tỉ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường.
Tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư và định hướng giai đoạn 2017/2020, sáng 14/6/2017 Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư công tư 116 dự án giao thông, cải tạo chung cư cũ.... Trong ảnh, kẹt xe trên cầu Kênh Tẻ quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh Tự Trung
23 dự án này được ký hợp đồng và triển khai theo các hình thức xây dựng chuyển giao (BT), xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO).
Hiện tại HFIC đang xúc tiến chuẩn bị các thủ tục triển khai thực hiện 32 dự án theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư hơn 74.810 tỉ đồng, trong đó vốn của HFIC tham gia khoảng 12.819 tỉ đồng.
Trần Vũ Nghi