Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2020

Cái kết buồn của cặp Mỹ-Trung

Orville Schell

Đại dịch Covid-19 đã biến sự chia tách có chủ ý giữa Mỹ và Trung Quốc thành sự tan vỡ đầy hỗn loạn. Quá trình này đã được thúc đẩy bởi hệ tư tưởng cứng nhắc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

ugly1

Tám đời Tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đã theo đuổi chính sách can dự với Trung Quốc, dù đôi lúc bị gián đoạn. Đây là một kỷ lục đáng kinh ngạc về tính tiếp nối chính sách. Cách tiếp cận này ra đời vào năm 1972, khi Tổng thống Mỹ khét tiếng chống cộng Richard Nixon và Cố vấn an ninh quốc gia của ông, Henry Kissinger, lên đường tới Bắc Kinh với một đề xuất có khả năng làm thay đổi cuộc chơi : Mỹ và Trung Quốc nên chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài hàng thập kỷ của họ bằng việc liên minh với nhau chống lại Liên Xô. Như Nixon đã tuyên bố với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, người từng bị cựu Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles từ chối bắt tay tại hội nghị Geneva năm 1954 : "Nếu hai dân tộc chúng ta là kẻ thù của nhau, thì tương lai của thế giới này quả thực sẽ rất tăm tối". Ông tiếp tục nhấn mạnh rằng hai nước vẫn có lợi ích chung dù có nhiều khác biệt, và rằng trong khi không thể xóa bỏ khoảng cách tạo nên sự khác biệt đó thì hai nước vẫn có thể tìm cách thu hẹp nó, để có thể ngồi lại với nhau. Nixon đưa ra kết luận hùng hồn rằng thế giới sẽ theo dõi bước đi tiếp theo của hai nước.

Giờ đây, thế giới một lần nữa đang dõi theo bước đi của Mỹ và Trung Quốc, nhưng đa số đều dự đoán kết quả ngược lại. Hai cường quốc lớn tưởng như đã xích lại gần nhau thì hiện lại tự rời xa nhau – do hoạt động chính trị ở cả hai nước lẫn dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Hệ tư tưởng cứng nhắc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy quá trình chia tách diễn ra. Nhưng khi nước này tìm cách đổ lỗi cho nước kia về cuộc khủng hoảng Covid-19, trong lúc thế giới nhận thấy rõ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng dễ bị tổn thương của họ, và khi trật tự toàn cầu thay đổi về mặt kiến tạo, thì Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng xa nhau.

Trước khi Trump lên nắm quyền, dưới sự dẫn dắt của Washington, thế giới đã mở rộng hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là trong những năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, khi Đặng Tiểu Bình cam kết đưa đất nước theo đuổi một chương trình nghị sự mới táo bạo về "cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài". Những người chủ trương ủng hộ sự can dự hy vọng rằng chính sách mới này sẽ giúp khích lệ Trung Quốc tự gắn kết với trật tự thế giới dựa trên các quy tắc dân chủ tự do hiện có để rồi theo thời gian, các lợi ích của Trung Quốc và Mỹ sẽ hội tụ với nhau.

Tin vào sức hấp dẫn của dân chủ và bị ru ngủ bởi lời hứa về một quỹ đạo lịch sử dường như không thể tránh khỏi, hướng tới sự mở cửa, quyền tự do và công lý hơn, người Mỹ có xu hướng coi viễn cảnh về sự hội tụ lợi ích như vậy là điều chắc chắn xảy ra. Xét cho cùng, nếu Trung Quốc muốn tham gia đầy đủ thị trường toàn cầu thì họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ "luật chơi" hiện có – và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, điều đó có nghĩa là luật chơi của Mỹ. Vì vậy, khả năng hội tụ lợi ích lớn hơn dường như chắc chắn đến mức người ta thậm chí còn từng luận bàn đến khái niệm có tên gọi "Chimerica" hay việc thành lập "Nhóm G2". Những hứa hẹn về một tương lai ít bất hòa hơn cho phép người ta xem nhẹ những khác biệt về giá trị và hệ thống chính trị của Trung Quốc với các nước thuộc thế giới dân chủ. Những người đề xướng cách tiếp cận can dự với Trung Quốc nhấn mạnh tiến triển trong tương lai dưới tác động của các cải cách kinh tế giả định và cảnh báo rằng chính sách cứng rắn hơn của Mỹ sẽ chỉ gây tổn hại cho các nhà cải cách của Trung Quốc.

Sự đồng thuận đáng kể về chủ đề hợp tác Mỹ-Trung bắt đầu hình thành. Đó là sự đồng thuận vượt lên trên những ranh giới mang tính ý thức hệ trong nội bộ nước Mỹ. Năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, được mô tả là Tổng thống Mỹ bảo vệ nhân quyền đầu tiên, đã phớt lờ hành vi vi phạm nhân quyền dưới nhiều hình thức của Trung Quốc. Ông không chỉ hoan nghênh Đặng Tiểu Bình đến Nhà Trắng mà còn khôi phục quan hệ ngoại giao chính thức một cách phô trương. Năm 1989, Tổng thống George H.W. Bush đã tìm mọi cách duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn bằng cách hai lần cử Cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft tới Bắc Kinh khẩn khoản yêu cầu Đặng Tiểu Bình đừng để mối quan hệ khó khăn lắm mới tạo dựng được giữa Mỹ và Trung Quốc bị hủy hoại.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và cần có một lý do chính đáng khác để tiếp tục can dự với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nhanh chóng hành động. Sau khi cam kết "không dung túng những kẻ bạo chúa, từ Baghdad đến Bắc Kinh, và chỉ trích người tiền nhiệm vì đã bắt tay như thường lệ với những kẻ đã giết chết tự do ở Quảng trường Thiên An Môn", cuối cùng ông chuyển sang ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, vận động hành lang để trao cho Trung Quốc quy chế "tối huệ quốc", và thậm chí còn giúp đưa nước này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt tên cho chính sách mới này là "can dự toàn diện". Ông hy vọng rằng một khi Trung Quốc tiếp nhận chủ nghĩa tư bản, dân chủ sẽ là đích đến tiếp theo.

Tổng thống Barack Obama đã tiếp tục theo đuổi lời hứa này, tìm cách thổi luồng gió mới cho quan hệ Mỹ-Trung bằng cách nhờ Ngoại trưởng Hillary Clinton trấn an Bắc Kinh rằng chính quyền của ông sẽ không để cho những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền can thiệp vào sự hợp tác của hai nước về biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế.

Các tập đoàn và người tiêu dùng Mỹ đều được hưởng lợi từ những chính sách này, ngay cả khi Mỹ buộc phải thỏa hiệp một số nguyên tắc dân chủ và chịu thâm hụt thương mại ngày càng tăng. Nhưng Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất : chính sách can dự đã vô hiệu hóa Mỹ với tư cách là một đối thủ vào thời điểm thuận lợi nhất cho Bắc Kinh. Trong hơn 30 năm đó, Trung Quốc đã thoát khỏi "cái kén cách mạng", phát triển nền kinh tế mong manh, đặt nền móng cho cơ sở hạ tầng hiện đại và trở thành một phần quan trọng của các thể chế toàn cầu. Trong môi trường được bao bọc, mà ở đó nước này không phải đối mặt với nguy cơ xảy ra chiến tranh với một cường quốc lớn khác hay thậm chí là thái độ thù địch, Trung Quốc không chỉ sống sót mà còn phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, với việc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, bản chất của mối quan hệ song phương quan trọng này đã bắt đầu thay đổi. Tập Cận Bình đã thay thế khẩu hiệu "trỗi dậy hòa bình" của người tiền nhiệm bằng ý tưởng "Giấc mộng Trung Hoa" và "sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" mang tính hiếu chiến hơn. Những ý tưởng này vạch ra tầm nhìn lớn về một Chính phủ Trung Quốc quyết đoán hơn và có ảnh hưởng hơn ở cả trong và ngoài nước. Nhưng thái độ quyết đoán không nhân nhượng của Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại và chủ nghĩa độc đoán ngày càng mở rộng ở trong nước đã bắt đầu khiến Mỹ cũng như nhiều đối tác thương mại nhỏ hơn xa lánh. Họ thấy mình bị mắc kẹt trong mối quan hệ ngày càng bất bình đẳng, và đôi khi thậm chí bị lợi dụng.

Tầm nhìn mới đầy tham vọng của Tập Cận Bình về một Trung Quốc quyết đoán hơn và ít tỏ ra ăn năn hơn đã sản sinh ra một loạt các chính sách liều lĩnh : chiếm đóng và sau đó quân sự hóa Biển Đông ; khiến một thế hệ người Hong Kong quay sang chống lại Bắc Kinh bằng cách vô cớ làm xói mòn mức độ tự trị cao mà họ từng hứa năm 1997 ; gây hiềm khích với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ lâu vốn thuộc quyền quản lý của nước này ở biển Hoa Đông ; đe dọa Đài Loan trắng trợn đến mức khiến ngay cả Quốc dân đảng vốn thân Bắc Kinh cũng trở nên xa lánh.

Hậu quả không chỉ là sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Washington, một cuộc chiến thương mại cùng với sự chia tách giữa các yếu tố trong nền kinh tế của hai cường quốc, mà còn là sự suy yếu về cấu trúc hợp tác xã hội dân sự xuyên quốc gia và thậm chí là sự gián đoạn giao lưu văn hóa. Với tất cả những điều kể trên, Tập Cận Bình đã cung cấp cho Washington mọi vũ khí cần thiết để thay đổi lập trường một thời bao dung của họ. Kết quả là một lập trường chính thức gay gắt hơn nhiều, với sự ủng hộ của một trong những liên minh bất ngờ nhất trong chính trị Mỹ : Một mặt trận thống nhất gồm các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vốn hiếm khi nhất trí với nhau. Nếu trong quan hệ Mỹ-Trung không phải vẫn còn sự tồn tại của chất xúc tác là sự cải cách chính trị của Trung Quốc, thì viễn cảnh sự gắn kết Mỹ-Trung lấy lại được niềm tin ở Mỹ trong tương lai gần là điều khó có thể hình dung. Và khi chia tách thay thế cho gắn kết thì sự can dự sẽ trở nên vô nghĩa.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã dựa trên lôgích nào để thực thi các chính sách khiến cho sự can dự trở nên vô dụng đến vậy trong khi điều này vốn dĩ mang lại hiệu quả cao ? Điều gì đã khiến ông xa lánh Mỹ đến vậy dù không cần thiết ? Đương nhiên, có vô số lý do cụ thể cho điều này, nhưng Tập Cận Bình chưa bao giờ đưa ra một lời giải thích bao quát đề cập đến lợi ích thực sự của Trung Quốc. Lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là lời giải thích đơn giản nhất : Chủ nghĩa dân tộc "cơ bắp" và sự phô trương sức mạnh quá mức thường có tác dụng tốt trong nước đối với những người được khích lệ nhờ niềm tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, sự hưởng thụ như vậy là một điều xa xỉ mà rốt cuộc có thể gây thiệt hại nghiêm trọng trong thời kỳ khủng hoảng. Và sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch Covid-19 chính là một khoảnh khắc như vậy. Sự bất lực ban đầu của Tập Cận Bình trong việc xử lý khủng hoảng đã làm suy yếu cả cảm giác bất khả xâm phạm của cá nhân ông lẫn nguồn quan trọng nhất mang lại cho Đảng cộng sản Trung Quốc tính hợp pháp chính trị, đó là tăng trưởng kinh tế. Những số liệu ban đầu trong giai đoạn tháng 1-2/2020 do Trung Quốc công bố cho thấy sự sụt giảm 20,5% về tiêu dùng và 13,5% về hoạt động sản xuất so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay khi nước này vật lộn tìm cách hồi phục, thì các thị trường ở những nơi khác trên thế giới lại đang rơi vào tình trạng phong tỏa.

Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc nhào nặn cuộc khủng hoảng thành một chiến thắng toàn cầu trên mặt trận tuyên truyền - được trợ giúp nhờ sự vụng về của Mỹ trong việc đối phó với dịch bệnh bùng phát - những thiệt hại trong nước có thể sẽ là đòn chí mạng, không phải đối với chế độ đảng-nhà nước mà đối với cá nhân Tập Cận Bình, người đã đặt cược uy tín của mình vào việc xử lý cuộc khủng hoảng. Điều không may là cuộc khủng hoảng rốt cuộc cũng có thể là đòn chí mạng đối với mối quan hệ tương đối ổn định mà Trung Quốc từng có với Mỹ.

Chính quyền Obama đã bắt đầu đánh giá lại sự khôn ngoan của việc đơn phương tìm cách duy trì sự can dự có hiệu quả, và đó là lúc Trump xuất hiện cùng đôi ngũ gồm những nhân vật có thái độ thù địch với Trung Quốc (như Peter Navarro, Steve Bannon và Michael Pillsbury), những người từ lâu đã cảnh báo rằng một Trung Quốc ngày càng hung hăng, độc đoán và được vũ trang đầy đủ vừa là điều không thể tránh khỏi, vừa là một mối đe dọa đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ.

Sau đó, ngay khi cuộc tranh luận về việc tách khỏi các chuỗi cung ứng của Trung Quốc bắt đầu nóng lên, thì Covid-19 lại xuất hiện. Khi các hãng hàng không hủy chuyến, các triển lãm thương mại bị hoãn, ngành du lịch chững lại, các dòng vốn đầu tư cạn kiệt, xuất nhập khẩu lao dốc và việc trao đổi các công nghệ cao bị gián đoạn, cuộc tranh luận trên đã tuột khỏi tay các chuyên gia chính sách và rơi vào bàn tay của Chúa. Bằng việc chia tách Mỹ và Trung Quốc gần như chỉ trong một sớm một chiều, đại dịch đã chặn đứng cuộc tranh luận này và mang lại cho Trump và những nhân vật hiếu chiến dưới quyền ông những biện pháp trừng phạt nặng nề theo đúng kiểu mà họ cần để giáng đòn chí tử vào sự can dự - và có lẽ là toàn thể khái niệm về toàn cầu hóa như động lực tích cực.

Tuy nhiên, hầu hết người Mỹ vẫn tiếp tục muốn có toàn cầu hóa dưới hình thức nào đó - nhưng có lẽ vai trò của Trung Quốc trong đó mờ nhạt hơn nhiều. Giờ đây khi các doanh nghiệp Mỹ đã trở nên hoài nghi với kiểu can dự cũ, chính sách đó đã mất đi những động lực thúc đẩy cuối cùng. Cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty nhận thức rõ hơn về nguy cơ của việc "bỏ hết trứng vào một giỏ", và ngay từ trước khi có cuộc khủng hoảng Covid-19, những công ty này đã và đang đa dạng hóa hoạt động sản xuất theo hướng xa rời Trung Quốc và hướng tới các nền kinh tế đang phát triển khác như Việt Nam. Đại dịch có lẽ chỉ đẩy nhanh tiến trình đó mà thôi.

Từ đó đến nay, những người ủng hộ can dự với Trung Quốc trong quân đội Mỹ, các nhà thờ, giới truyền thông, các tổ chức tư vấn, xã hội dân sự và ngay cả giới học giả đều giảm khi những sự tiếp xúc và khả năng trong quá khứ giờ đây bị triệt tiêu. Mối quan hệ Mỹ-Trung đã rơi vào trạng thái trôi nổi trong môi trường không trọng lực mà ở đó cả Tập Cận Bình lẫn Trump - do cách xử lý sai lầm của họ đối với thách thức Covid-19 - đều đang phải vật lộn lấy lại thăng bằng.

Chắc chắn là nếu dịch bệnh tạm thời được kiểm soát bên trong Trung Quốc, như những số liệu gần đây về các ca mắc mới đã cho thấy, thì Tập Cận Bình sẽ khẳng định chiến thắng trong nước. Và nếu những nỗ lực của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Trump trong việc kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh tiếp tục vấp phải khó khăn, thì điều đó sẽ chỉ càng khiến cho thành tích của Tập Cận Bình trở nên chói lọi. Tuy nhiên, danh tiếng của Tập Cận Bình vẫn bị tổn hại đáng kể, nhất là khi ông phải đối mặt với sự chỉ trích vì đã ỉm những lời cảnh báo do các chuyên gia y tế ở Trung Quốc đưa ra mà chắc hẳn đã có thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Tình hình càng bất lợi cho ông khi các nhà lãnh đạo Mỹ từ Tổng thống Trump cho đến Ngoại trưởng Mike Pompeo đều khăng khăng gọi đây là "virus Trung Quốc" nhằm buộc nước này phải chịu trách nhiệm - và cũng để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những thất bại của họ.

Tuy nhiên, dù thắng hay thua, Tập Cận Bình cũng đã lợi dụng đại dịch làm cái cớ để vừa thăm dò, vừa mở rộng nhiều cơ chế kiểm soát mới.

Nếu cuộc chiến chống virus vượt ra ngoài tầm kiểm soát một lần nữa khi Tập Cận Bình hô hào người lao động trở lại dây chuyền lắp ráp để giải cứu nền kinh tế Trung Quốc, thì ông gần như chắc chắn sẽ tuyên bố rằng mối đe dọa sống còn đối với đất nước giờ đây đã leo thang đến mức một chính phủ buộc phải tập trung nhiều quyền lực hơn, hùng mạnh hơn, khắt khe hơn. Dù đại dịch diễn biến ra sao ở Trung Quốc, thì sau khi nếm trải những thiệt hại do virus gây ra, Bắc Kinh cũng có khả năng sẽ trở nên độc đoán, hung hăng và có thiên hướng xung đột hơn với trật tự tự do dân chủ dựa trên các quy tắc mà nhiều người Mỹ vẫn mơ tưởng hão huyền là do đất nước họ lãnh đạo.

Orville Schell

Nguyên tác : The Ugly End of Chimerica, Foreign Policy, 03/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 26/05/2020

Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hiệp hội Châu Á, Hoa Kỳ. Bài viết được đăng trên tạp chí Foreign Policy.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Orville Schell
Read 1216 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa vendredi, 29 mai 2020 23:06 posted by Hoàng Trường Sa

    Một bài phân tích hay. Xin cám ơn tác giả Orville Schell và dịch giả Minh Anh.

    Theo tôi, đoạn sau đây trong bài hơi tối nghĩa: “Nếu trong quan hệ Mỹ-Trung không phải vẫn còn sự tồn tại của chất xúc tác là sự cải cách chính trị của Trung Quốc, thì viễn cảnh sự gắn kết Mỹ-Trung lấy lại được niềm tin ở Mỹ trong tương lai gần là điều khó có thể hình dung. Và khi chia tách thay thế cho gắn kết thì sự can dự sẽ trở nên vô nghĩa”.(hết trích)

    Tìm đọc nguyên văn của tác giả Orville Schell: “Without the catalytic element of Chinese political reform still in the mix, it is hard to imagine a Sino-American convergence regaining credibility anytime soon in the United States. And with divergence replacing convergence, engagement makes no sense”, tôi hiểu đoạn này như sau: “Một khi chất xúc tác trong quan hệ Mỹ-Trung là sự cải cách chính trị của Trung Quốc không còn tồn tại, thật khó mà tưởng tượng nổi sự gắn kết Mỹ-Trung ở Mỹ sẽ lấy lại được niềm tin trong tương lai gần. Và khi chia tách thay thế cho gắn kết thì sự can dự sẽ trở nên vô nghĩa”.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)