Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/04/2017

"Việt Nam chưa có thay đổi mang tính quyết định"

Việt Hà

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau một năm sau khi lên nắm chính phủ nhận được đánh giá từ một số chuyên gia trong và ngoài nước, là ông có những lời nói và hành động chứng tỏ mong muốn tiếp tục quá trình đổi mới kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên những thúc đẩy đổi mới của Thủ tướng cũng đang gặp phải nhiều trở ngại và chưa có kết quả rõ ràng.

thaydoi1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hà Nội vào ngày 17 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Đánh giá của chuyên gia nước ngoài

Trong bài đánh giá một năm hoạt động, 2016, của chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giáo sư  Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định dưới sự lãnh đạo của một Thủ tướng có nhiều kinh nghiệm, năm 2016 cho thấy sự tiếp tục và chủ nghĩa thực dụng trong chương trình đổi mới của chính phủ Việt Nam thay vì thay đổi mang tính quyết định… Chuyên gia Carl Thayer đánh giá, những đổi mới mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi bao gồm cải thiện tính minh bạch của chính phủ, tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước, loại bỏ những phí phạm qua những cải thiện và tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ, quản lý chi tiêu… sẽ còn cần phải có thời gian để thực hiện.

Giáo sư  Carl Thayer nhìn nhận Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành chính phủ qua các cuộc hợp chính phủ định kỳ hàng tháng theo phong cách của một người làm việc trực tiếp, sử dụng những nhóm làm việc một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên trong bài đánh giá của mình, Giáo sư  Carl Thayer cũng nhìn nhận một số những thách thức không nhỏ mà chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đối mặt trong năm qua bao gồm, nạn tham nhũng và vụ ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do công ty Formosa gây ra hồi tháng 4 năm ngoái và việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành viên. Giáo sư  Carl Thayer viết :

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy ông ta là một người có tinh thần làm việc theo nhóm player. Việc xóa bỏ tham nhũng là một nhiệm vụ lâu dài không bao giờ kết thúc và rõ ràng là đã nhận được sự quan tâm từ chính phủ. Vụ gây nhiễm độc cá hàng loạt xảy ra ở miền Trung Việt Nam chắc chắn là một vấn đề để lại và sẽ phơi bầy những khó khăn trong việc phối hợp giữa các bộ ngành của chính phủ hiện tại. Mặc dù vụ khủng hoảng đã được giải quyết với việc công ty Formosa trả tiền bồi thường, nhưng vụ việc đã cho thấy những thiếu sót trong việc thực thi các quy định về môi trường và đáp ứng nhanh để làm sạch và bồi thường cho những nạn nhân, bao gồm các ngư dân và gia đình của họ".

Đánh giá của chính phủ Việt Nam vào năm ngoái cho thấy vụ ô nhiễm chất thải ở biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam do Formosa gây ra hồi năm ngoái gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân. Công ty Formosa của Đài Loan đồng ý chi trả 500 triệu đô la tiền bồi thường cho các nạn nhân và khôi phục môi trường biển. Chính phủ Việt Nam cho biết đã bắt đầu tiền hành chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân nhưng 1 năm sau thảm họa, hàng ngàn người dân ở một số tỉnh miền Trung vẫn tỏ ra bất bình vì môi trường biển chưa trở lại bình thường và còn quá nhiều người chưa nhận được tiền bồi thường.

Đánh giá của các chuyên gia trong nước

Đồng tình với quan điểm của Giáo sư  Carl Thayer, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định về những nỗ lực đổi mới kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

"Tôi nghĩ thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ ra là người rất tâm huyết mong muốn đổi mới kinh tế, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ thì một trong những việc đầu tiên của ông ấy là họp mặt doanh nghiệp rồi ra nghị quyết 35, nghị quyết 19. Các nghị quyết của ông ấy đều rất cụ thể chi tiết, giao cho các cơ quan nhà nước và các địa phương làm để cải thiện điều kiện kinh doanh. Sau đó thì Thủ tướng cũng đốc thúc các nơi để thực hiện việc đó. Đến địa phương nào hoặc làm việc với bộ ngành nào thì Thủ tướng cũng nhấn mạnh là phải nhấn mạnh được tinh thần chính phủ kiến tạo, hỗ trợ cho doanh nghiêp pháp triển".

VIETNAM-POLITICS

Giao thông ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 25 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Ngày 16 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, với ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trên cả nước. Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu là khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp 48 đến 49% GDP, hàng năm có khoảng 30 đến 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Vào tháng 2 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký nghị quyết 19 vè tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết cũng lần đầu tiên đề cập 10 chỉ tiêu về chính phủ điện tử, 85 chỉ tiêu về đối mới sáng tạo và 114 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu là thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.

Bà Phạm Chi Lan cũng nhìn nhận những cố gắng của chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn cho rằng tiến trình còn quá chậm.

"Đối với doanh nghiệp nhà nước thì Thủ tướng có cố gắng hơn trong việc thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước cải cách. Có lẽ biểu hiện rõ nhất là cái câu tuyên bố của Thủ tướng là chính phủ không đi bán bia bán sữa và thúc đẩy đưa các doanh nghiệp nhà nước lớn như Vinamilk và hai công ty bia lớn bán bớt phần của nhà nước để thúc đẩy dần các doanh nghiệp này ra ngoài. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp nhà nước khác dù Thủ tướng có đốc thúc nhưng kết quả lại vẫn chưa bao nhiêu.

Đến bây giờ tỷ lệ cổ phần hóa về vốn của nhà nước vẫn thấp. 92% vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn đó. Tỷ lệ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước là 8% là rất ít. Cho nên tôi nghĩ tiến trình cổ phần hóa của các doanh nghiêp nhà nước là khó khăn hơn nhiều đối với cá nhân Thủ tướng so với việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh hoặc phát triển khu vực tư nhân nói chung. Tôi nghĩ rào cản ở đây còn nhiều, nó thể hiện khá rõ ở Việt Nam, một cá nhân người đứng đầu chính phủ có quyết tâm muốn làm mà cả bộ máy, hệ thống không chịu chuyển động theo thì cũng khó đạt được kết quả".

Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một phát biểu gây chú ý khi nói ‘chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Những lĩnh vực ấy chính phủ và ngân sách nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn, thì để tư nhân làm. Ba công ty lớn được thúc đẩy cổ phần hóa vào năm ngoái là Vinamilk, Tổng công ty bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ; cả ba đều đã bắt đầu được tiến hành cổ phần hóa. Hiện ở cả hai công ty nước giải khát, nhà nước vẫn nắm giữ hơn 80% vốn điều lệ.

Đánh giá về hoạt động của chính phủ mới trong một năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã giải thể lại cho rằng Thủ tướng nói nhiều mà chưa làm được bao nhiêu

"Tôi thấy chính phủ mới trong một năm qua nói rất hay rất nhiều và nói nhiều từ hoa mỹ nào kiến tạo rồi sính dùng những thuật ngữ mới như cách mạng công nghệ 4.0… nhưng trong thực tế tôi thấy không làm được cái gì gọi là đột phá cả. Có chăng là ông thúc mọi nơi, chỗ nào cũng là đầu tàu cả. Tôi không hiểu những vấn đề nhức nhối, chỉ nói đơn thuần là thể chế kinh tế, chính phủ cũng có một vài chủ trương có vẻ khá hơn như mở rộng hạn điền, tôi nghĩ cái đó là cái có vẻ khá nhưng cũng rất khó".

Đánh giá chung của cả chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và tiến sĩ Nguyễn Quang A là dù Thủ tướng có những tuyên bố mong muốn và muốn làm nhưng những ràng buộc về thể chế đang làm cho quá trình đổi mới khó khăn hơn. Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định chính phủ Hà Nội phải theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chừng nào đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam còn chưa thay đổi thì nếu chính phủ có nhúc nhích cũng chỉ được một chút mà thôi.

Việt Hà, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 17/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hà
Read 1271 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)