Liên tục trong mấy ngày, bắt đầu từ 15 tháng tư 2017, tại làng Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội đã bùng lên cuộc đối đầu giữa công an và nông dân. 4 nông dân bị bắt, 20 công an cũng bị nông dân bắt làm con tin. Làng Đồng Tâm bị lực lượng chức năng phong tỏa, dân làng cũng canh gác cẩn mật nhà cửa làng xóm của mình.
Cảnh sát cơ động được điều động tăng cường đến Mỹ Đức hôm 16/4/2017. Citizen photo
Đây là một vụ xung đột giữa dân chúng và chính quyền có liên quan đến đất đai nông nghiệp rất điển hình trong nhiều năm qua.
Sự kiện Đồng Tâm Mỹ Đức đã bắt đầu từ năm 2014.
Vụ gần nhất dẫn đến cuộc đối đầu của cư dân làng Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức với công an và chính quyền thành phố Hà Nội, bắt đầu từ tháng 11 năm 2016, khi công ty điện thoại di động Viettel được giao 6,8 hectare đất tại làng này để thực hiện dự án nhà ở của họ.
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của tổ chức dân sự vì môi trường mang tên nhóm Cây Xanh, theo dõi những diễn biến tại làng Đồng Tâm từ năm 2014 đến nay cho chúng tôi biết :
"Diện tích 6,8 hectare đó là đất nông nghiệp nằm ngoài khu vực 47,68 hectare đã bàn giao làm sân bay Miếu Môn. Và trên 6,8 hectare này đã diễn ra những sai phạm liên tục trong suốt nhiều năm, như là cắt đất cho nhà ông Tuyến, ông Toán hàng chục nghìn mét vuông, và cả các quan chức khác nữa.
Đến khi người dân địa phương họ bức xúc họ kiện, chính quyền Hà Nội vào cuộc thì làm rõ ra rằng mảnh đất này không thuộc bên sân bay, việc chuyển đối mục đích sử dụng ở đó là sai, đó hoàn toàn là đất nông nghiệp, phải chia lại cho dân. Khi có kết luận như thế, chính quyền Mỹ Đức lại lập dự án giải tỏa diện tích 6,8 hectare đó để bàn giao cho tập đoàn Viettel, để làm một dự án nhà đất của tập đoàn Viettel".
Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức nằm ở ngoại thành Hà Nội là một vùng đất nông nghiệp, đất chật người đông với dân số khoảng 10 ngàn người, và mỗi người chỉ có 230 mét vuông đất để trồng lúa, và 134 mét vuông để trồng hoa màu.
Trên địa bàn xã này lại có một vùng đất do quân đội kiểm soát với 1 dự án gọi là sân bay Miếu Môn, đã được thảo ra từ lâu nhưng chưa thực hiện.
Những thông tin đầu tiên về làng Đồng Tâm xuất hiện trên báo chí là vào tháng tư năm 2014 nói về một số cán bộ của xã Đồng Tâm xây cất nhà cửa trái phép trên đất nông nghiệp của làng.
Liên tục trong hai năm sự việc dần dần sáng tỏ là các cán bộ xã đã chọn những lô đất tốt để chiếm lấy, lúc đầu dưới danh nghĩa là đất của quân đội, chứ không phải của dân làm nông nghiệp. Sau đó khi những lô đất đó được các cơ quan chức năng xác định là đất nông nghiệp, thì các các bộ này đã tìm cách đưa các lô đất đó vào một loại đất gọi là đất công để tránh phải chia cho nông dân canh tác.
Sau đó các cán bộ này đã cho các doanh nghiệp thuê những lô đất đó để xây nhà xưởng và văn phòng làm việc.
Dân không tin chính quyền
Cụ Kình đối thoại với đại diện quân đội về vấn đề đất đai ở Mỹ Đức. Video captured
Tại Việt Nam đất đai về nguyên tắc là thuộc sở hữu toàn dân. Ở khu vực nông thôn đất đai được chia ra cho nông dân theo nguyên tắc đồng đều với ý muốn mọi người đều có đất để canh tác. Tuy nhiên tại các làng nông nghiệp này cũng có một số đất được dành cho mục đích xây cất công trình công cộng gọi là quĩ đất 2 hay đất công. Theo báo chí Việt Nam thì số đất này không được chiếm quá 5% đất nông nghiệp. Tại làng Đồng Tâm, các cán bộ đã đưa con số này lên đến tỉ lệ 27,7%.
Việc phân loại và chiếm đất đai của cán bộ xã Đồng Tâm diễn ra đồng thời với một chương trình của nhà nước Việt Nam gọi là dồn điền đổi thửa, với nguyên tắc là tạo thành những khoảng đất canh tác lớn để có thể áp dụng cơ giới hóa, và xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nông thôn.
Vào năm 2014 nông dân làng Đồng Tâm đã dùng những biện pháp pháp lý để thưa các cán bộ chiếm dụng đất đai. Một nông dân làng Đồng Tâm nói với chúng tôi vào lúc đó :
"Chúng tôi biết quyền lợi của dân nên chúng tôi đã ký vào cái đơn (khiếu nại) đó, khi mang lên xã, xã nhận xong thì đưa lực lượng công an đến từng gia đình để đe dọa. Đến đe dọa là nếu không hủy chữ ký đi là xin giấy tờ gì hay có các việc gì sẽ không cho, họ còn đe là nếu không hủy chữ ký thì sẽ cho lực lượng công an xuống bắt".
Những sai phạm đã không được sửa chữa. Mâu thuẫn lúc đầu chỉ có giữa nông dân và các cán bộ, nay lại có thêm các doanh nghiệp, đứng giữa nông dân và các cán bộ cho họ thuê mướn đất đai. Theo dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì trong sự kiện phản đối dự án nhà ở của công ty Viettel, không biết là công ty này có tác động gì vào việc trưng dụng đất đai của nông dân hay không, hay họ chỉ là người lãnh hậu quả liên can mà thôi.
Đến tối ngày 17 tháng tư xung đột tại làng Đồng Tâm vẫn chưa được giải quyết. Luật sư Trần Vũ Hải, người tiếp xúc với dân làng, cho chúng tôi biết :
"Bà con bảo tôi không tin ai cả vì tôi bị lừa nhiều lắm rồi. Bây giờ ông Kình với ông Chung về đây thì chúng tôi còn tin. Chúng tôi bị lừa, cướp nọ cướp kia, nên chúng tôi chiến đấu một sống một chết, bây giờ chúng tôi chả còn gì nữa".
Ông Kình là một cựu chiến binh của quân đội Việt Nam, từng kinh qua những chức vụ của đảng và nhà nước Việt Nam tại làng Đồng Tâm, ông là một trong bốn người nông dân bị cơ quan công an bắt với tội gây rối trật tự công cộng khi phản đối dự án của Viettel. Ông Kình là người đã từng xuất hiện trong các bài báo về sai phạm đất đai tại Đồng Tâm trong hai năm qua. Còn ông Chung là người đứng đầu cơ quan hành chính của thủ đô Hà Nội.
Cho đến chiều ngày 17 tháng tư hầu hết các bản tin của báo chí Việt Nam đều chỉ ghi ý kiến của cơ quan chính quyền, theo đó nông dân làng Đồng Tâm đã phạm tội gây rối trật tự công cộng, trong đó có việc bắt giữ các nhân viên công an một cách trái phép.
Một luật sư khác là ông Hà Luân cũng có tiếp xúc với dân làng Đồng Tâm cho biết là dân làng không muốn các phương tiện truyền thông đưa tin về họ. Một nguồn tin khác giấu tên thì nói là người dân vẫn bình thản để chờ thương lượng với chính quyền, còn những công an bị bắt làm con tin hiện đang được đối xử rất tử tế.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 17/04/2017