Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2020

Đón luồng đầu tư rút khỏi Trung Quốc dễ hay khó ?

Trang Bui - Phạm Chi Lan

4 yếu tố cản trở dòng vốn đầu tư rời Trung Quốc vào Việt Nam

Trang Bui, Thu Phương, The Leader, 29/05/2020

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, chuỗi sản xuất mà các doanh nghiệp đã đặt ở Trung Quốc rất phức tạp và đã hình thành trong một thời gian dài nên có thể họ sẽ di chuyển một phần hoặc đến Việt Nam để mở rộng sản xuất hơn là di chuyển toàn bộ.

dautu1

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam

Phóng viên : Nhiều ý kiến cho rằng, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hồi năm ngoái. Bà nhận định như thế nào về điều này ?

Trang Bùi : Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung từ năm 2019 đã khiến các doanh nghiệp buộc phải suy nghĩ đến sự thay đổi trong chiến lược phát triển của họ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thực tế cũng cho thấy, quốc gia này dường như đã không còn là sự lựa chọn đầu tư sản xuất hàng đầu như giai đoạn trước năm 2012. Nhận định về Trung Quốc như một công xưởng của thế giới với chi phí lao động thấp trong hai thập kỷ qua đã không còn đúng ở thời điểm hiện tại. 

IM Asia ước tính rằng, tiền lương sản xuất ở Trung Quốc đã tăng từ 2 USD/giờ năm 2010 lên 3,9 USD/giờ năm 2016. Mức lương này khá cao so với tiền lương sản xuất trung bình ở Việt Nam chỉ 1 - 1,4 USD/giờ.

Bên cạnh đó, các thành phố lớn như Thượng Hải ghi nhận giá đất công nghiệp tăng lên mức 180 USD/m2, cao hơn các thành phố Đông Nam Á khác. Trong đó, Việt Nam chỉ ở mức 100 - 140 USD/m2.

Chi phí hoạt động tăng ở Trung Quốc trong thời gian vừa qua như một hệ quả tất yếu khiến các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những địa điểm đầu tư tiết kiệm chi phí hơn.

Trong bối cảnh đó, dịch Covid-19 xuất hiện lại càng thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn. Điều này đang tạo cơ hội cho sự phát triển sản xuất ở các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi rất lớn do có vị trí nằm gần Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều tôi muốn lưu ý ở đây là Trung Quốc là một đất nước rất lớn. Chuỗi sản xuất mà các doanh nghiệp đã đặt ở đây rất phức tạp và đã hình thành trong một thời gian dài. Do đó, để dịch chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng này đến một thị trường khác không phải một bài toán dễ dàng.

Có thể các nhà đầu tư sẽ di chuyển một phần hoặc tìm đến Việt Nam để mở rộng chuỗi sản xuất của mình hơn là di chuyển toàn bộ chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.

Phóng viên : Việt Nam có thuận lợi gì trong việc thu hút dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, thưa bà ?

Trang Bùi : Điểm mạnh đầu tiên của Việt Nam có thể xét đến là yếu tố vị trí địa lý. Việt Nam có vị trí nằm gần Trung Quốc với bờ biển dài, dễ dàng tiếp cận Biển Đông, một trong những tuyến vận chuyển hàng hàng trọng yếu trên thế giới. 

Hiện nay khoảng 40% hàng hóa vận chuyển từ Ấn độ Dương đến Thái Bình Dương đi qua Biển Đông trước khi đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Với lợi thế này, Việt Nam có tiềm năng phát triển các cảng biển nước sâu trên cả nước, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa cho các ngành công nghiệp. Đối với các nhà sản xuất muốn mở rộng chuỗi cung ứng của họ đi ra cái thị trường khác ngoài Trung Quốc thì Việt Nam là đất nước được họ cực kỳ quan tâm.

Thứ hai, trong những năm gần đây, Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Yếu tố thứ ba liên quan đến dân số. Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người. Con số này nếu so với dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc thì chưa đáng kể nhưng đây cũng là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Mặt khác, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng. Các hộ gia đình trung lưu dự kiến sẽ tăng lên 85,7% tổng số hộ gia đình Việt Nam vào năm 2020. Kéo theo đó là sự gia tăng sức mua đáng kể và dự kiến sẽ tạo ra một nguồn cầu mua sắm lớn.

Thứ tư, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt công tác chống dịch, ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Do đó, Việt Nam đã phần nào có được ấn tượng và niềm tin của các nhà đầu tư đang xem xét để quyết định dịch chuyển chuỗi sản xuất vào Việt Nam.

Phóng viên : Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư do vấn đề dịch bệnh. Trước thực tế này, liệu các doanh nghiệp có hào hứng thái quá về khả năng dòng vốn dịch chuyển về Việt Nam ?

Trang Bùi : Mặc dù dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp bị đình trệ song tôi không nghĩ là chúng ta đang hào hứng thái quá về về khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam.

Nền kinh tế thế giới và trong nước cần thời gian để khôi phục sau sự tàn phá của dịch bệnh cũng như tác động tiêu cực của nó mang lại.

Thời gian này, các nhà đầu tư đang phải tập trung khôi phục kinh tế tại nước sở tại, do đó, việc đưa ra quyết định đầu tư có thể sẽ chững lại. Bên cạnh đó, kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư cũng bị hạn chế do dịch bệnh và việc cách ly xã hội của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Việc cần làm đối với Việt Nam lúc này là vừa khôi phục kinh tế sau dịch bệnh vừa chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài khi dịch bệnh kết thúc. Hoạt động đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phóng viên : Theo bà, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại điều gì khi vào Việt Nam ?

Trang Bùi : Như đã phân tích ở trên, các chuỗi sản xuất tại Trung Quốc đều rất lớn và hình thành từ rất lâu. Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Đây chính là một trong những thách thức của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là vấn đề về cơ sở hạ tầng. Mặc dù mức chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực, song việc phát triển được một hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và xuyên suốt vẫn còn là một chặng đường dài đối với Việt Nam.

Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 đang nhắm đến việc xây dựng 2.000 km đường cao tốc. Song hiện vẫn có nhiều dự án bị chậm tiến độ do sự chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, huy động cốn cũng như mô hình hợp tác công tư chưa đem đến nhiều thành công như mong đợi.

Để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển công nghiệp, logistics, cạnh tranh hơn với các nước khác, việc tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng là rất cần thiết. Việt Nam cần trú trọng đầu tư vào phát triện cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Thứ ba là vấn đề về hải quan. Hiện quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải thiện đáng kể. Theo số liệu của World Bank, hiện Việt Nam đang mất 105 giờ và 132 giờ để xuất khẩu sản phẩm có lợi thế so sánh và nhập khẩu phụ tùng ô tô, dài hơn đang kể so với 62 giờ đối với xuất khẩu và 54 giờ nhập khẩu tại Singapore.

Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu ở Việt Nam cũng kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Trong số đó, chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục chiếm hơn 30% so với chi phí 10 - 15% ở các nước phát triển như Singarpore.

Cuối cùng là yếu tố thuận lợi trong kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đang dần nhận thấy rằng việc thiếu lực lượng lao động có trình độ cao tại Việt Nam đang là trở ngại đáng kể cho hoạt động kinh doanh của họ.

Phóng viên : Khi xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn đang dừng lại ở những "dự báo" thì nhiều dự án bất động sản công nghiệp vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020. Theo bà, điều này liệu có khiến các nhà đầu tư tiềm năng có thể tìm kiếm các giải pháp thay thế khác ngoài Việt Nam ?

Trang Bùi : Không thể phủ nhận việc tăng giá bất động sản công nghiệp sẽ có tác động nhiều mặt đến thị trường. Song, với các nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến, họ cảm thấy có điều kiện tốt để phát triển ở Việt Nam thì chắc chắn không phải do giá bất động sản tăng mà họ thay đổi quyết định của mình.

Hơn nữa, đúng là tại nhiều khu vực, bất động sản công nghiệp đã bắt đầu tăng giá nhưng điều này chỉ xảy ra ở những dự án có vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi và quỹ đất hiện không còn nhiều. 

Khi lựa chọn đầu tư tại những khu vực này, nhà đầu tư sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển, kết nối hạ tầng giao thông. Do đó, họ sẽ vẫn lựa chọn dù mức giá cao hơn các khu vực khác.

Phóng viên : Bà có lời khuyên gì cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam ở thời điểm hiện tại ?

Trang Bùi : Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Với số lượng lớn các nhà đầu tư đang quan tâm tới thị trường Việt Nam, chúng ta có quyền cân nhắc lựa chọn các ngành nghề đầu tư, nhà đầu tư và dự án có chất lượng tốt vào Việt Nam.

Thay vì thu hút các ngành thâm dụng lao động cao, gây ô nhiễm môi trường, Việt Nam nên tập trung đón các doanh nghiệp sản xuất trong linh vực công nghệ cao, công nghiệp 4.0 để đưa đất nước dịch chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn trong tiến trình phát triển kinh tế. 

Phóng viên : Xin cảm ơn bà !

Thu Phương thực hiện

Nguồn : The Leader, 19/05/2020

*****************

Đón luồng đầu tư rút khỏi Trung Quốc

Phạm Chi Lan, The Leader, 22/05/2020

Không phải phần lớn đầu tư của các nước sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc, cũng không phải mọi đầu tư của các nước và của chính Trung Quốc dịch chuyển đi đều phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của Việt Nam.

dautu2

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu từ đầu năm nay đang gây những chấn động ghê gớm cho nền kinh tế thế giới và hầu hết các quốc gia. Nó cũng bồi thêm một đòn trời giáng vào toàn cầu hóa, vốn đã lung lay kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ cách đây hơn hai năm.

Các chuỗi giá trị toàn cầu - công cụ/sản phẩm quan trọng hay biểu trưng của toàn cầu hóa - bị đứt gẫy tứ tung. Mọi thành viên tham gia những chuỗi đó, từ các nền kinh tế, các công ty đa quốc gia đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đều rúng động và phải nhìn nhận bối cảnh mới, điều chỉnh hay thiết kế lại các chiến lược, chiến thuật phát triển cũng như các kết nối và đối tác của mình.

Một trong những xu hướng nổi lên mạnh mẽ trong bối cảnh trên là xu hướng chuyển dịch một số khâu trong các chuỗi giá trị từng rất thành công ra khỏi Trung Quốc để giảm bớt rủi ro do sự lệ thuộc quá mức vào các nguồn cung và cầu của nền kinh tế khổng lồ này.

Xu hướng ấy đã trở thành chính sách được Mỹ, Nhật công bố và đang hình thành ở một số quốc gia phát triển khác.

Dù còn tính toán các mặt, nhiều công ty đa quốc gia - người cầm chịch các chuỗi giá trị toàn cầu - cũng như nhiều công ty khác đang lo chuẩn bị chuyển bớt dòng vốn đầu tư và các nhân tố liên quan như công nghệ, thiết bị, kỹ năng, con người… đến những nơi an toàn hơn, để tăng khả năng ứng phó với tương lai đang rất khó định đoán của thị trường thế giới và diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung.

Ở Việt Nam, đang có sự háo hức chờ đón luồng đầu tư từ Trung Quốc chuyển dịch sang, tạo cơ hội mới trong thu hút FDI, cấu trúc lại thị trường và một số ngành kinh tế, tăng cường nội lực, đẩy mạnh xuất khẩu và từ đó tiếp tục tăng trưởng cao hơn. 

Đây là một phần quan trọng của thời cơ lớn, mà như giáo sư Trần Văn Thọ đã nói, chúng ta "không (nên) để mất thời cơ lần thứ ba".

Tuy nhiên, cần hiểu rằng không phải phần lớn đầu tư của các nước sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc (do những lợi thế nổi trội ở đất nước này), cũng không phải mọi đầu tư của các nước và của chính Trung Quốc dịch chuyển đi đều phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của Việt Nam, càng không phải Việt Nam là ứng viên nặng ký nhất giữa bao đối thủ đáng gờm đang chờ đón những luồng đầu tư này.

Kinh nghiệm từ những lần để mất thời cơ trước đây cho thấy rất rõ, chớp được thời cơ hay không chủ yếu là do chính mình, với tư duy, nhận thức, năng lực các mặt có được nâng lên đủ mạnh, đủ tốt để sẵn sàng thích ứng và đón nhận những thời cơ mới - vốn luôn đi cùng với những đòi hỏi mới và cao hơn - hay không.

Để đón luồng đầu tư mới lần này, chúng ta cần làm rất nhiều việc.

Trước hết, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bối cảnh mới trên thế giới và trong nước đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây và qua đại dịch lần này. Vô số những nghiên cứu, đánh giá về bối cảnh quốc tế và khu vực đã được các tổ chức và chuyên gia có uy tín trên thế giới đưa ra, rất cần tham khảo.

Đặc biệt là những phân tích về sự thay đổi địa kinh tế, địa chính trị, tương quan và tương tác giữa các quốc gia, những xu hướng lớn mới về suy nghĩ và lối sống của con người, về kinh tế và công nghệ, về tiêu dùng và đầu tư, về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và ở các nền kinh tế lớn, về sự đứt gãy và chuyển hướng của các chuỗi giá trị toàn cầu, về những luật chơi mới sẽ hình thành trong "bình thường mới"…

Biết bao thứ đã, đang và sẽ thay đổi, khiến không ai có thể nhìn đời bằng con mắt cũ, với cách nghĩ, cách làm hay kiến thức vốn có của mình, nếu không muốn bị lạc lõng và tụt lại giữa thế giới đang chuyển động nhanh chóng, mạnh mẽ này.

Ở trong nước, một số nghiên cứu của các cơ quan nhà nước, các viện, trường đại học, các chuyên gia đã nêu rõ nhiều điều quan trọng mà đại dịch Covid-19 và những gì xảy ra trên thế giới đang tác động tới Việt Nam.

Đó là những bài học và thách thức của sự tụt hậu về cấu trúc kinh tế, về quan hệ với các thị trường chủ chốt và vị trí của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu, về các vấn đề xã hội, môi trường và an ninh các mặt…

Đó là áp lực và thời cơ để Việt Nam điều chỉnh các chiến lược phát triển, tăng cường nội lực, tạo những động lực và lợi thế mới để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu với vị thế cao hơn, vững chắc hơn.

Đặc biệt, đó còn là yêu cầu bức bách và vận hội cho Việt Nam đổi mới triệt để tư duy phát triển, thực hiện thật nhanh, thật mạnh các cải cách vô cùng cần thiết về thể chế và nhân lực để bứt phá với phương châm "chống tụt hậu như chống giặc".

Về các hoạt động mà nhà nước và doanh nghiệp cần thực hiện, trước mắt, ngoài việc tổ chức thi hành thật tốt các chính sách đã đưa ra về hỗ trợ lao động và việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành bị tác động của dịch để sớm phục hồi kinh tế, rất cần khẩn trương tiến hành những việc chuẩn bị cho tương lai trung và dài hạn.

Đó là nghiên cứu, đánh giá sâu và thẳng thắn về thực lực các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, với những vấn đề vốn có nay càng bộc lộ rõ hơn qua tác động của đại dịch.

Đặc biệt về mức độ lệ thuộc vào một số nguồn cung và thị trường tiêu thụ bên ngoài mà rõ nhất là Trung Quốc, về hiệu quả đo bằng giá trị gia tăng và thu nhập thực của khu vực kinh tế trong nước, về khả năng tồn tại và cạnh tranh trong tương lai trung hạn, dài hạn ở các thị trường trong và ngoài nước.

Từ đó xác định chiến lược phát triển, lựa chọn ưu tiên và các giải pháp tăng nội lực, giảm lệ thuộc, nâng cao hiệu quả trong thu hút các dòng đầu tư và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu mới.

Đó cũng là nghiên cứu, đánh giá sâu và thẳng thắn về thực chất quan hệ với các thị trường và đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Nga…, các công ty đa quốc gia ; đặc biệt về mức độ phụ thuộc và hiệu quả kinh tế-xã hội, kể cả từ góc độ an ninh kinh tế và quốc phòng (mà bây giờ hầu hết các nước đều quan tâm).

Đó là nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về những hướng đi mới đang diễn ra ở các nước hoặc các công ty đa quốc gia đó, những kênh mới đang hình thành (như "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng")…

Từ đó chúng ta cần chủ động điều chỉnh các mối quan hệ với họ, tận dụng các FTA lớn và mạng lưới đang hoặc có thể sẽ tham gia, tập trung phát triển các quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó lợi ích căn bản về các mặt của chúng ta và đối tác phù hợp với nhau, có thể đáp ứng tốt nhất định hướng chiến lược mới của chúng ta.

Từ chỗ hiểu rõ hơn về mình, về người, để thu hút được những luồng đầu tư mới, chúng ta cần thiết kế lại và làm thật rõ những phương hướng chính sách liên quan, thể hiện cam kết nghiêm túc và ra sức nâng cao năng lực thực hiện.

Không thể nêu hết trong khuôn khổ bài viết này, song tôi nghĩ cần tiến hành sớm một số việc.

Một là, có chương trình cụ thể, phân công trách nhiệm rõ giữa các cơ quan nhà nước, có chế tài để đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn những cam kết về cải cách luật pháp, chính sách, bộ máy và các quy định thi hành liên quan, đặc biệt về kinh tế và hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

Nhà nước cải cách để mạnh lên, lắng nghe và hợp tác với doanh nghiệp, với các chuyên gia, với xã hội, cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế của nước nhà là việc đầu tiên chúng ta phải làm bằng được.

Hai là, khẳng định rõ : Việt Nam không chấp nhận mọi dự án đầu tư, mà sẽ chọn những dự án và đối tác phù hợp với lợi ích và yêu cầu các mặt của mình.

Ưu tiên sẽ dành cho những dự án mang theo dòng vốn sạch, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, tạo được giá trị gia tăng tương đối cao, sử dụng nhiều lao động có kỹ năng, tiết kiệm tài nguyên và không gây tổn hại môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ưu tiên cũng sẽ dành cho những dự án liên doanh, kết nối vững chắc doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam để cùng nhau chia sẻ lợi ích và phát triển.

Ba là, trong khi tôn trọng nguyên tắc "đối xử quốc gia" (NT), Việt Nam sẽ xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử ngược, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước của mình.

Nhiều chính sách sẽ được thực thi nhằm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển khu vực tư nhân trong nước, phát triển các ngành nghề và sản phẩm bản địa…

Đặc biệt là những hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng chuyên môn, khả năng ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, tiếp cận thông tin và thị trường… để doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng trở thành đối tác tốt của FDI và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu mới.

Bốn là, về các lĩnh vực, trước mắt có thể tận dụng những cơ hội mới cho các sản phẩm y tế, nông sản, công nghiệp và dịch vụ phụ trợ thay thế phần nào hàng nhập khẩu, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

Trong đó hết sức chú trọng việc ứng dụng công nghệ, cách làm mới, tạo liên kết mới, thị trường mới với hiệu quả và khả năng tự chủ cao hơn trước. Trong trung và dài hạn, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm có tương lai, dựa trên công nghệ tiên tiến, tạo giá trị gia tăng và thu nhập trong nước cao hơn, tạo liên kết vững chắc giữa các đối tác trong và ngoài nước, thân thiện với môi trường và xã hội.

Năm là, xử lý nghiêm, dứt điểm những dự án đầu tư đã có nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật của Việt Nam về môi trường, lao động, thuế, đất đai, an ninh quốc phòng, về các hành vi gian lận khác như làm chui, núp bóng…

Những dự án vi phạm đã được xác minh phải xử lý ngay và nghiêm khắc, bất kể của đối tác nào, do ai quyết định, bởi không trừng trị chúng thì các đối tác nghiêm túc sẽ không tin tưởng ở pháp luật Việt Nam mà vào đầu tư. Dẹp bỏ những cái xấu cũng là dọn sạch môi trường cho những cái tốt nảy nở.

Sáu là, về cách làm, phát huy cách đã giúp chúng ta thành công trong "chống dịch như chống giặc" vừa qua, để "chống tụt hậu như chống giặc" trong thời gian tới.

Đó là : (i) chọn ưu tiên, với lợi ích của nhân dân, của đất nước được đặt lên cao nhất ; minh bạch thông tin để làm rõ và tạo sự ủng hộ cho điều này ; (ii) tập trung điều hành, thực hiện kiên quyết, triệt để, làm bằng được những việc đề ra trong từng giai đoạn ; (iii) phân công rành mạch, hợp lý và phối hợp tốt giữa nhà nước, nhà khoa học/công nghệ, doanh nghiệp và xã hội, giữa các cơ quan nhà nước các cấp với nhau và với các bên tham gia, để mỗi bên phát huy tốt nhất chức năng, tính tự chủ và năng lực sáng tạo của mình ; (iv) huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực ở trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực con người, thể chế, công nghệ và thị trường được kết nối với nhau.

Với hơn 100 triệu người Việt sống ở trong và ngoài nước có biết bao tiềm lực lớn lao, đang khát khao vươn lên kiến tạo năng lực mới, nắm bắt thời vận mới để đưa đất nước lên phát triển thịnh vượng, nhất định chúng ta "không để mất thời cơ lần thứ ba" !

Phạm Chi Lan

Nguồn : The Leader, 22/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trang Bui - Phạm Chi Lan
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)