Nhân gần đến ngày 30/4, nhiều nhà báo trong và ngoài nước bàn đến sự kiện lịch sử 42 năm về trước, một bên gọi là ngày "giải phóng miền Nam", "thống nhất đất nước", một bên gọi là "ngày mất nước", "ngày Quốc hận". Không ít người nhắc đến việc hòa giải và hòa hợp dân tộc được thỏa thuận hồi đó, ghi rõ nhiều lần trên bản Hiệp định Paris đầu năm 1973, đã không được thực hiện.
Cuộc gặp mặt đầu tiên của cựu binh và thân nhân Hoàng Sa - Gạc Ma do nhóm Nhịp Cầu Hoàng Sa tổ chức, ngày 9/1/2017 (Nguồn : Facebook Truong Huy San)
Qua 42 năm, thật đáng buồn là dân tộc ta vẫn bị chia rẽ, đối lập nhau. Nhân dịp này lời mời chào các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam về dự cuộc họp chung ở Hà Nội nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã rơi vào sự yên lặng bẽ bàng. Đây là điều dễ hiểu. Nguyên nhân duy nhất có thể nói là do lãnh đạo đảng cộng sản vẫn giữ nguyên tư duy giáo điều cổ lỗ ăn sâu trong tiềm thức, đó là thói kiêu ngạo cộng sản không giới hạn, theo học thuyết Mác – Lênin cổ súy đấu tranh giai cấp thù địch, coi nhân dân miền Nam là thuộc "ngụy quân ngụy quyền", "tay sai đế quốc Mỹ - kẻ tử thù của dân tộc".
Lãnh đạo cộng sản luôn mồm mép nói đến phê bình - tự phê bình nhưng thật ra họ chưa hề nhìn thẳng vào sự thật, vào những sai lầm của chính mình nên họ không sao từ bỏ tật xấu tệ hại làm khổ dân, khổ nước, dẫn dân tộc vào cảnh lầm than bế tắc triệt để triền miên.
Hãy nhìn sang nước Đức, cũng bị chia rẽ thành 2 nước đối lập, ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ, việc hòa giải hòa hợp dân tộc được thực hiện ngay, từ việc xây dựng hệ thống chính quyền thống nhất, bầu cử dân chủ, tuyển lựa nhân tài, giữ vững nguyên tắc bình đẳng giữa các đảng ở 2 miền Tây - Đông trước đây, không có định kiến chia rẽ. Ngay cả đến quân đội, an ninh, việc thống nhất cũng được thực hiện một cách chặt chẽ, ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau, lấy lợi ích chung của đất nước, dân tộc làm mục tiêu cao quý nhất. Bà Angela Merkel, một cán bộ khoa học đào tạo trưởng thành từ miền Đông vẫn được cả nước bầu làm Thủ Tướng trong nhiều nhiệm kỳ, có thực quyền cao nhất nước Cộng hòa liên bang Đức. Tài sản tích lũy hàng mấy chục năm bên Tây Đức được san sẻ quy mô lớn cho bên Đông Đức để 2 miền được thống nhất không những về chính trị, kinh tế tài chính, quân sự, ngọai giao, giáo dục, văn hóa, về trình độ phát triển, về mức sống, mà cả về tinh thần, tình cảm, tâm lý xã hội, để đến nay không còn ai phân biệt Tây Đức với Đông Đức như trước đây 28 năm.
Ở nước ta, tuy lãnh đạo đảng cộng sản vẫn còn kiêu ngạo tự phong những thành tích lịch sử thật ra không có thực chất, duy trì trên các cuốn sách lịch sử và giáo khoa những thành tích ba hoa, thổi phồng về công lao thật ra là rỗng tuếch và tệ hại, nhân dân đã có cách nhìn ngày càng rõ, càng đúng là đảng cộng sản thật ra là một thế lực có hại cho đất nước, cho dân tộc, góp phần tạo nên chíến tranh huynh đệ tương tàn, theo một học thuyết ngoại lai độc hại.
Do vậy, ngay sau ngày 30/4, rất nhiều bà con ta đã không còn phân biệt Bắc - Nam, ta địch, mà trong cuộc sống đã xóa bỏ kỳ thị Bắc - Nam, nhận lại họ hàng, giúp đỡ thương yêu nhau tận tình, theo quan điểm bình đẳng Bắc - Nam, thậm chí còn công nhận những mặt tốt, tiến bộ nổi trội của miền Nam trước đây, như về cải cách ruộng đất để người cày có ruộng, như hệ thống giáo dục kích thích tư duy độc lập, như chế độ đa nguyên đa đảng có cân bằng kiểm soát chéo các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, về tư do ngôn luận, báo chí... tuy là vẫn còn những khiếm khuyết.
Nhân dân ta rất tự tin, thấy đúng, thấy tốt là làm. Mặc cho chính quyền cộng sản cản trở, phá đám, bà con ta ở hải ngoại vẫn đấu tranh cử người về tu bổ, sửa sang, chăm sóc các nghĩa trang quân đội và thường dân xưa cũ, thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ, người thân ; vẫn quyên góp để đưa về nước nhiều xe lăn, tiền của giúp các thương binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn sống sót ; tổ chức những hội đoàn thường xuyên quyên góp hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi, thất học, cho bà con nghèo đói... hoặc để góp phần khuyến học, xây đường xá cầu cống nông thôn hẻo lánh ở miền Nam thường bị bỏ rơi, coi nhẹ.
Đó là vô vàn công việc cụ thể mà bà con ta ở trong và ngoài nước chung lòng thực hiện cuộc hòa giải và hòa hợp dân tộc mà đảng cộng sản đã cố tình quên lãng, vi phạm một cách xấu xa cam kết của họ trên Hiệp Định họ từng tham gia ký kết.
Gần đây nhân kỷ niệm các trận đánh ở Hoàng Sa của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và các trận đánh ở quần đảo Trường Sa (như trận Gạc Ma) của Quân Đội Nhân Dân, đã có những cuộc gặp gỡ, kết thân giữa các cựu quân nhân, thân nhân các liệt sĩ của hai bên rất cảm động, còn có tổ chức "Nhịp Cầu Hoàng Sa" do các nhà báo, nhà văn hóa cả nước dựng lên để tưởng niệm các liệt sỹ, kết thân giúp đỡ các quân nhân, thân nhân Bắc Nam, không phân biệt.
Lãnh đạo, Bộ chính trị, Ban Tuyên giáo đảng cộng sản hãy chịu khiêm tốn học tập các việc làm cụ thể cao quý trên đây mang tinh thần Hòa giải Hòa hợp dân tộc sâu sắc, và cuộc họp Quốc hội sắp đến nên bàn đến những việc làm cụ thể, như Nhà Nước cùng nhân dân chung sức chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ và thường dân trong cả nước một cách chu đáo, bình đẳng, tưởng niệm nghiêm chỉnh các liệt sĩ Hoàng Sa cũng như các liệt sĩ Trường Sa, chăm sóc các mộ, nghĩa trang liệt sĩ các trận chống bành trướng Trung Quốc trên vùng biên giới phía Bắc, sửa chữa các ngôn từ chữ nghĩa trên các sách giáo khoa (ví dụ như các bài toán lớp ba về "quân ta tiêu diệt quân ngụy", các danh từ "ngụy quân, ngụy quyền"...)
Rõ ràng trong thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc, đảng cộng sản đã phản bội lời hứa với toàn dân, phản bội sự cam kết bằng chữ ký trong hiệp định Paris-1973, nhưng nhân dân đã tự mình thực hiện một cách tự giác rộng khắp đoàn kết Bắc - Nam, trong – ngoài nước, bằng nhiều hình thức phong phú, sâu đậm.
Gần đây có 2 sự kiện nổi bật nêu gương sáng cho Bộ chính trị và Quốc hội ở Hà Nội noi theo. Đó là việc Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh cho các tác giả trong và ngoài nước, có nhiều người từ nước ngoài về dự và nhận giải, trong khi các tài liệu chính thức của đảng vẫn còn coi cụ Phan Châu Trinh là người theo "chủ nghĩa cải lương", lạc hậu so với đảng cộng sản. Không một tờ báo lề phải nào đăng tin này.
Thứ 2 là tổ chức BPSOS – Boat People SOS – Cấp cứu thuyền nhân ở ngoài nước đã phối hợp với anh chị em dân chủ trong nước lên danh sách những kẻ cầm quyền vi phạm nặng nề nhân quyền của nhân dân – như tham nhũng, hối lộ, giết chết, đánh đập, tra tấn công dân, xử án bất công... của các viên chức trong bộ máy hành chính, công an, tòa án,- để gửi cho các tổ chức quốc tế, theo đạo luật Magnitsky được tổng thống Hoa Kỳ ban hành từ 9/12/2016, theo đó những kẻ phạm tội về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng sẽ bị chế tài, cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, tài sản nếu có trên đất Mỹ sẽ bị phong tỏa. Magnitsky là tên một luật sư Mỹ làm cho hãng Hermitage, bị chính quyền Nga bắt giam và chết trong tù năm 2009 sau khi điều tra và tố cáo tội biển thủ 230 triệu đôla trong công quỹ của những kẻ thân tín với ông Putin. Hiện nay BPSOS đã chuyển danh sách vài trăm nghi phạm trên đây cho cơ quan bảo vệ nhân quyền của Quốc hội Hoa Kỳ. Một đòn tấn công lợi hại phối hợp trong, ngoài nước theo tinh thần hòa giải hòa hợp làm rung chuyển hàng ngũ tham quan ô lại cộng sản ở mọi cấp, nhất là những quan tòa xử án các công dân yêu nước theo chỉ thị của bộ chính trị, thường được gọi là những vụ án bỏ túi, xử kín nhưng mang danh là xử công khai do sợ dư luận.
Vấn đề chiến lược hòa giải hòa hợp dân tộc bị Đảng cố tình bỏ quên thì nhân dân luôn ghi nhớ và tự mình thực hiện ngày càng sâu rộng, ở trong nước cùng với ngoài nước, với sự tham gia của nhiều đảng viên cộng sản thức tỉnh, làm gương sáng với mong muốn được những người lãnh đạo cộng sản như Bộ chính trị, Quốc hội … noi theo.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 19/04/2017