Lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây, ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng lúc tuần tra ở Thái Bình Dương. Cùng với đó là oanh tạc cơ B-1B và máy bay trinh sát không người lái Global Hawk cũng được huy động để làm nhiệm vụ trong khu vực. Sự xuất hiện của dàn lực lượng hùng hậu cả không quân và hải quân Mỹ mang tính chất răn đe đã làm Trung Quốc vô cùng tức tối.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt rời đảo Guam ngày 04/6 sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19
Hải quân Mỹ công bố hai chiếc tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng biển miền tây Thái Bình Dương, trong lúc chiếc USS Nimitz cùng với hải đội hộ tống - rời cảng San Diego ở California ngày 08/06 và đã có mặt ở phía đông.
Ý định phô trương uy lực của Hải quân Mỹ được thấy rõ qua việc Bộ Quốc phòng không ngần ngại công bố hình ảnh về hoạt động của các nhóm tàu sân bay. Mạng Twitter của Hải Quân Mỹ đã liên tục đưa tin và đăng ảnh về các cuộc tập huấn của hai chiếc Theodore Roosevelt và Ronald Reagan trên Biển Philippines. Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng công bố hình ảnh về hoạt động của tàu sân bay Nimitz ở Thái Bình Dương.
Như vậy 3 trong tổng số 7 hàng không mẫu hạm đang hoạt động của Mỹ hiện tập trung ở Thái Bình Dương. 4 chiếc còn lại đang cập cảng để bảo dưỡng.
Thực tế, tàu Roosevelt mới trở lại hoạt động từ ngày 04/6 sau khi trải qua nhiều tuần lễ neo tại cảng ở đảo Guam do virus corona chủng mới lây lan trên tàu trong tháng 3, khiến hơn 1.000 trong tổng số 4.900 thành viên thủy thủ đoàn nhiễm bệnh. Carlos Sardiello, hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt, nói trong một tuyên bố :
"Chúng tôi đã cho tàu Theodore Roosevelt trở lại hoạt động trên biển như một biểu tượng của hy vọng và cảm hứng, cũng là cơ sở sức mạnh quốc gia".
Tàu Reagan đã trở lại hoạt động từ cuối tháng 5, sau khi các thành viên thủy thủ đoàn bị đặt trong diện hạn chế đi lại tại cảng nhà ở Nhật Bản để đảm bảo không còn ca nhiễm Covid-19.
Số lượng hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hiện diện ở một khu vực nhất định luôn bị giới hạn, do các tàu được luân phiên bảo dưỡng, huấn luyện hoặc tuần tra ở những vùng biển khác nhau.
Việc triển khai cùng lúc ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương được coi là động thái bất thường. Giới chuyên gia cho rằng nó thể hiện thông điệp răn đe được Washington gửi tới Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng xung quanh nguồn gốc của virus gây đại dịch cũng như cách ứng phó Covid-19 của Bắc Kinh, việc Quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật an ninh Hồng Kông và các động thái quân sự hóa đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông..
Chuẩn Đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy chiến dịch thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, nói :
"Các tàu sân bay cùng các nhóm tác chiến tàu sân bay rõ ràng là một biểu tượng cho sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi thực sự hào hứng khi chúng tôi đang có ba chiếc ở thời điểm hiện tại".
Dù không nói rõ mục tiêu của việc triển khai, nhưng Chuẩn Đô đốc Koehler ghi nhận tình trạng Trung Quốc đang quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, bố trí trên đó các tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử, trong bối cảnh các hoạt động của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác có dấu hiệu chưa ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh.
Không chỉ nhằm phô diễn sức mạnh của quân đội Mỹ và răn đe Trung Quốc, Mỹ còn muốn phá vỡ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc của Bắc Kinh gần đây khi tuyên truyền rằng Hải quân Mỹ đã bị virus corona đánh gục.
Chuyên gia Collin Koh, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược tại Singapore, nhận định : Sự hiện diện các tàu sân bay Mỹ trên biển Châu Á đã "đi ngược lại với điều mà Trung Quốc mô tả là Mỹ bị áp lực khó khăn ở Thái Bình Dương".
Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định :
"Truyền thông Trung Quốc cho rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang suy giảm mạnh vì Covid-19. Dường như đợt triển khai này là thông điệp của Mỹ nhằm cảnh báo Trung Quốc đừng tính toán sai lầm".
Với việc mỗi tàu mang theo hơn 60 máy bay thì đây là đợt triển khai hàng không mẫu hạm lớn nhất mà Mỹ thực hiện ở Thái Bình Dương kể từ năm 2017 - thời điểm căng thẳng với Triều Tiên do vấn đề hạt nhân.
Cách đây 3 năm, Hải quân Mỹ đã triển khai đồng thời ba hàng không mẫu hạm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến thăm Đông Bắc Á và Đông Nam Á vào thượng tuần tháng 11/2017 với hồ sơ hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên nổi bật trong chương trình nghị sự. Hành động phô trương uy lực này được coi là một lời cảnh báo mạnh mẽ của Washington nhắm vào Bình Nhưỡng.
Bình luận về việc phô trương uy lực lần này, Chuẩn đô đốc Koehler cho biết hàng chục tàu chiến đã làm nhiệm vụ trên Thái Bình Dương từ lâu, nhưng việc triển khai đồng thời ba nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ nhấn mạnh cam kết của Washington với khu vực. Ông nói :
"Khả năng hiện diện quân sự một cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh. Tôi luôn nói với cấp dưới của mình rằng các bạn phải hiện diện để chiến thắng khi các bạn đang ở trong một cuộc tranh đua".
Quan chức Hải quân Mỹ cho rằng Mỹ sẽ không duy trì hiện diện cùng lúc của ba tàu sân bay ở Châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn, nhưng điều này cho thấy năng lực của Washington. "Đó là điều chúng tôi có thể làm nếu muốn", ông nói thêm.
Mỹ không chỉ gây sức ép với Trung Quốc ở trên biển mà còn gia tăng thị uy trên không bằng cách cho oanh tạc cơ hiện đại B-1B Lancer và trinh sát cơ không người lái Global Hawk RQ-4 đến hoạt động ở Biển Đông và các khu vực khác tại Thái Bình Dương.
Trinh sát cơ không người lái RQ-4 Global Hawk hạ cánh xuống căn cứ Yokota, Nhật Bản, ngày 30/5
Theo tin được kênh truyền hình Mỹ Fox News tiết lộ hôm 10/06 vừa qua, Không quân Mỹ đã xác nhận việc sử dụng một phi đội máy bay ném bom B-1B trú đóng trên đảo Guam để hỗ trợ cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong các nhiệm vụ trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, phi cơ do thám hiện đại không người lái Global Hawk RQ-4 cũng được vận chuyển tới căn cứ không quân Yokota tại Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Theo các chuyên gia, quân đội Mỹ đã tăng cường hoạt động trong khu vực để sẵn sàng đối phó với các động thái của Trung Quốc ở cả Biển Đông lẫn vùng eo biển Đài Loan, nơi đồng minh của Mỹ đang gặp sức ép nặng nề từ Bắc Kinh.
Tuần trước, một chiếc máy bay vận tải C-40 của hải quân Mỹ đã bay qua đảo Đài Loan để tới Thái Lan, được hải quân Mỹ mô tả như một chuyến bay logistics thường lệ. Chiếc máy bay này được điều hướng bay qua Đài Loan bởi trạm điều khiển không lưu của Đài Loan.
Vào ngày 4/6, hải quân Mỹ cũng đã cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường băng qua eo biển Đài Loan, ngăn cách hòn đảo này với Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc chắc chắn không thể im lặng trước màn phô diễn sức mạnh hoành tráng của Mỹ.
Hôm chủ nhật vừa qua, tờ Thời báo Hoàn cầu - cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc - nói rằng các tàu sân bay trên của Mỹ có thể đe dọa các binh sĩ của họ ở Biển Đông.
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời của Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hàng hải ở Bắc Kinh cho rằng :
"Bằng việc tập hợp các tàu sân bay này, Mỹ đang cố thể hiện trước khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn duy trì lực lượng hải quân mạnh nhất, và họ có thể đi vào Biển Đông và đe dọa binh sĩ Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), cùng lúc cho tàu thuyền bằng qua các vùng biển lân cận để Mỹ có thể thực hiện chính sách bá quyền".
Bài viết trên cũng được đăng tải trên website bản tiếng Anh của quân đội Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh về các loại vũ khí mà quân đội nước này sẵn có và cho biết Bắc Kinh có thể tổ chức các cuộc tập trận để đáp trả phía Mỹ và phô diễn sức mạnh quân sự.
Bài viết có đoạn : "Trung Quốc sở hữu nhiều vũ khí diệt hàng không mẫu hạm như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26".
Theo ông Trương Tuấn Xã (Zhang Junshe), một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu quân sự hải quân Trung Quốc, lần gần nhất hải quân Mỹ đưa cả 3 nhóm tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương là vào năm 2017. Dù hoạt động điều động này mang tính bất thường, nhưng nó không phải là chưa từng xảy ra nên cũng không thể gọi là diễn biến hoàn toàn mới.
Đáng nói, theo ông Trương, sự xuất hiện cùng lúc của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đang chứng tỏ Mỹ mất đi sự tự tin. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, dường như Mỹ lo ngại thế giới nghi ngờ về năng lực quân sự. Do đó, hải quân Mỹ quyết định điều động cùng lúc các nhóm tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương để phô trương sức mạnh, đồng thời khẳng định với các quốc gia khác rằng, năng lực chiến đấu của hải quân Mỹ không hề bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Song ông Trương cho rằng trên thực tế, năng lực chiến đấu của các tàu sân bay Mỹ đang bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Bởi một số binh sĩ mắc Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn hồi phục và chưa thể trở lại vị trí làm việc trên tàu. Theo đó, chuyên gia Trung Quốc nhận định Mỹ chỉ đang tâng bốc về sức mạnh hải quân. Nói cách khác, việc điều động các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương là không thật sự cần thiết, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch Covid-19. Ngoài ra, Mỹ cũng phớt lờ việc công bố mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh với lực lượng hải quân. Không loại trừ hoạt động triển khai cùng lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân bay dường như chỉ là đảm bảo vị thế an ninh của Mỹ trước hai đối thủ là Nga và Trung Quốc.
Cũng theo ông Trương, khi mà Mỹ đang tìm mọi cách để khôi phục nền kinh tế bị tác động tiêu cực từ dịch bệnh, quân đội trở thành trụ cột để Mỹ cạnh tranh với các quốc gia khác.
Còn theo ông Ngụy Đông Húc (Wei Dongxu), một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, cả 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ được điều động tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đều không xuất hiện gần Trung Quốc bởi hành động này có thể gửi đi tín hiệu cực kỳ nguy hiểm và làm khuấy động căng thẳng trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Ngụy cũng đặt ra khả năng hải quân Mỹ có thể điều một nhóm tác chiến tàu sân bay hoạt động gần Trung Quốc. Cụ thể, một nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ có mặt gần Trung Quốc, trong khi hai nhóm còn lại có thể hoạt động ở những vùng lân cận. Thông qua đó, Mỹ có thể để các nhóm tàu sân bay thường xuyên hiện diện gần cửa ngõ của Trung Quốc.
Cũng theo ông Ngụy, phi đội máy bay hoạt động trên các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hiện giữ vai trò ngăn chặn. Nói cách khác, Mỹ sẽ để các nhóm tàu sân bay hoạt động ở xa, trong khi sử dụng các tiêm kích đa nhiệm Boeing F/A-18E/F Super Hornet hay tiêm kích tàng hình F-35C để phô trương sức mạnh.
Do đó, để đối phó với Mỹ, Trung Quốc có thể phát triển các hệ thống cảnh báo tích hợp cả trên không, trên biển và trên đất liền. Điển hình, Trung Quốc có thể sử dụng các máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm làm nhiệm vụ tuần tra. Khi phát hiện hành động khiêu khích từ Mỹ hoặc các tiêm kích Mỹ lại gần không phận Trung Quốc, quân đội Trung Quốc có thể điều động thêm các chiến đấu cơ hiện đại lên đường đánh chặn.
Tuy nhiên, việc Mỹ sử dụng thêm các tiêm kích tàng hình F-35C là không thể loại bỏ. Do đó, Trung Quốc sẽ cần các công nghệ hiện đại hơn để phát hiện và theo dõi như radar chống tàng hình. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang sở hữu hàng loạt vũ khí được cho là "sát thủ diệt tàu sân bay" như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26.
Trung Kiên
Nguồn : Thoibao.de, 19/06/2020