Điều gì sắp xảy ra với ông Tất Thành Cang ?
Trân Văn, VOA, 22/06/2020
Hôm 21/6, tờ Tiền Phong công bố một thống kê, nhấn mạnh : từ tháng 11/2018 đến nay, ông Tất Thành Cang – Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – không gặp gỡ cử tri.
Ngoài thống kê vừa kể, Tiền Phong còn dẫn các qui định pháp luật hiện hành để chứng minh, việc ông Cang sử dụng các lý do khác nhau để tránh né cử tri là vi phạm nhiều điều, khoản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (1)…
***
Không phải tự nhiên mà tờ Tiền Phong "vỗ" vào mặt ông Cang ! Bốn ngày trước khi tờ báo này công bố thống kê vừa dẫn, nhiều tờ báo cho biết, công an "đã làm việc" với ông Tất Thành Cang vì những sai phạm xảy ra tại Công ty Đầu tư – Xây dựng Tân Thuận (IPC) và Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). IPC là doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh còn SADECO thì là doanh nghiệp của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và cả hai từng thi nhau bán rẻ cả công thổ lẫn công sản khiến công quỹ thiệt hại cả ngàn tỉ đồng (2).
Những dấu hiệu vừa kể khiến người ta tin rằng ông Tất Thành Cang sắp… bị bắt ! Song cần phải lưu ý, cách nay hai năm rưỡi, nhiều người từng tỏ ra… ngây thơ, đoan chắc như thế sau khi Ban Chấp hành Trung ương (Ban chấp hành trung ương) Đảng cộng sản Việt Nam "nhất trí" loại bỏ ông (3).
Sở dĩ ông Cang mất tư cách Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hồi cuối năm 2018 vì phê duyệt dự án, ký hợp đồng chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng bốn trục đường chính của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm trái thẩm quyền. Chỉ đạo cho IPC bán rẻ 320.000 mét vuông đất thuộc Khu Dân cư Phước Kiển ở Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường – Gia Lai. Đồng thời vẽ đường để SADECO tiến hành chuyển nhượng vốn, giúp Công ty Nguyễn Kim trở thành chủ của doanh nghiệp nhà nước – được ví von là "gà đẻ trứng vàng" - này.
Đó là chưa kể đến những tố cáo của dân chúng quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, kèm yêu cầu điều tra, truy cứu trách nhiệm ông Cang – nhân vật được xem là đồng phạm quan trọng trong việc tạo ra thảm nạn Thủ Thiêm - lợi dụng chủ trương xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, thu hồi đất vô tội vạ, sử dụng đất sai kế hoạch, biến vài chục ngàn người thành vô gia cư, sống vạ vật hơn hai thập niên, miệt mài kêu đòi nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được công lý !
Dẫu bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam từ cuối năm 2018 đến nay, ông Cang vẫn là Thành ủy viên của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thôi làm Phó Bí thư Thường trực của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang vẫn còn được giao – giữ vai trò Thành ủy viên và được điều sang Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" làm Phó ban Thường trực (4), vẫn cùng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng tại Thành phố Hồ Chí Minh !
Tháng 8 năm ngoái, báo chí Việt Nam tường thuật, nhiều cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức miễn nhiệm ông Cang, không để ông giữ vai trò đại diện cho dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh tại cơ quan dân cử của thành phố này nữa (5).
Với nhiều người, việc ông Cang tiếp tục là đại diện cho họ tại Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là biểu hiện của việc "coi thườ ng nhân dân, xúc phạm cử tri" nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không bận tâm.
***
Tuy là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng ông Cang thuộc nhóm mà chỉ Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam mới có quyền… định đoạt số phận. Những nơi này chưa… bật đèn thì hệ thống tư pháp chưa có quyền… thực thi pháp luật.
Hệ thống tư pháp đã xác định chuyện IPC bán rẻ 320.000 mét vuông đất thuộc Khu dân cư Phước Kiển ở Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường – Gia Lai và chuyện SADECO soạn kịch bản - tiến hành chuyển nhượng vốn, giúp Công ty Nguyễn Kim trở thành chủ của doanh nghiệp nhà nước này, có dấu hiệu "tham ô tài sả n" và "vi phạ m quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" và trên thực tế đã khởi tố, tống giam năm, bảy người nhưng chưa rờ tới ông Cang.
Tại sao Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định ông Cang có nhiều "vi phạ m rất nghiêm trọng cả điều lệ đảng lẫn các qui định pháp luật" đến mức cần tước bỏ vai trò Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng và chức vụ Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, mà ông Cang vẫn còn là Thành ủy viên Thành phố Hồ Chí Minh ? Tương tự, tại sao nhiều cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh công khai bày tỏ sự phẫn nộ vì ông Cang tiếp tục "lãnh đạ o một cơ quan, họp hành, phát biểu dõng dạc" mà ông Cang vẫn vô sự ?
Câu trả lời dường như nằm ở chỗ quy hoạch nhân sự rất… nhạ y cảm và phức tạp. Vì hai yếu tố này, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉnh đốn đảng tuy không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng công lý không như người Việt vẫn… mơ. Đừng ngây thơ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/06/2020
Chú thích
(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-tat-thanh-cang-nhan-nhiem-vu-moi-1065913.html
(5) https://vnexpress.net/cu-tri-de-nghi-ong-tat-thanh-cang-thoi-lam-dai-bieu-3993743.html
*******************
Ông Tất Thành Cang bị điều tra vì những sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm
RFA, 19/06/2020
Những sai phạm của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm hay tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO)… đang được xem xét một cách toàn diện và đối chiếu theo pháp luật.
Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang - Courtesy of thanhtra.com.vn
Báo trong nước dẫn phát biểu vừa nêu của Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trả lời bên hành lang quốc hội ngày 19/6 như vừa nêu.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết hiện cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm của ông Tất Thành Cang trong việc ký 4 con đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm, hoặc trong vụ việc doanh nghiệp tư nhân thôn tính SADECO, một doanh nghiệp tiềm năng của Nhà nước.
Trả lời báo trong nước về việc vì sao ông Cang Tất Thành Cang liên tiếp vắng mặt trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân, ông Khuê cho biết ông Tất Thành Cang vẫn đang là cán bộ thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, còn vấn đề trách nhiệm của một đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét.
Vẫn theo lời người đứng đầu ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, do trong quá trình chịu kỷ luật của Trung ương nên ông Cang có thể tạm thời xin vắng, tránh những cuộc tiếp xúc do vấn đề nhạy cảm.
Báo trong nước vào ngày 17/9 loan tin cho biết phía công an đang làm việc với ông Tất Thành Cang liên quan đến vụ việc SADECO bị thôn tính một cách có kế hoạch. Ông Cang khi đó giữ cương vị Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng liên quan đến vụ việc này vì đã đồng ý về mặt chủ trương.
******************
Khởi tố 3 cán bộ, làm việc với ông Tất Thành Cang trong vụ án kinh tế lớn
BBC tiếng Việt, 18/06/2020
Công an Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến các sai phạm kinh tế trong các doanh nghiệp nhà nước.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tóm tắt những sai phạm của ông Tất Thành Cang.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/6 đã thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các ông Đỗ Công Hiệp, 47 tuổi, kế toán trưởng Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) ; Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (TACONVES).
Riêng bị can Huỳnh Phước Long, 53 tuổi, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Hội đồng quản trị Sadeco, được cho tại ngoại.
Trước đó, ông Thiện đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vì có sai phạm trong việc chuyển nhượng 32 ha đất công đã đền bù cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, báo Thanh Niên đưa tin.
Cả 3 bị can đều bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3, điều 219 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Liên quan đến vụ án, giữa tháng 5/2019, công an cũng đã khởi tố, bắt giam ông Tề Trí Dũng - Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn trách nhiệm hữu hạn phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc - Tổng giám đốc Sadeco cùng về về tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", theo báo Vietnamnet.
Sadeco là công ty liên kết, mỗi năm mang lại lợi nhuận lớn cho IPC. Tuy nhiên, "vào thời điểm đỉnh cao lợi nhuận, tài sản nhà nước tại Sadeco đã bị lũng đoạn, tư nhân thâu tóm với sự can dự trực tiếp của Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc", báo Thanh Niên dẫn kết luận của cơ quan điều tra cho hay.
Cũng theo tờ báo này, ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang "chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco".
Báo Vietnamnet còn cho biết trong quá trình điều tra, công an đã làm việc với ông Tất Thành Cang - nguyên phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - để làm rõ các thông tin liên quan.
Vụ việc liên quan tới công ty IPC là một trong những vụ án lớn trong đó nhiều cán bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh bị phát hiện có sai phạm.
Gần đây, nhiều cựu lãnh đạo thành phố này cũng đã đi tù hoặc bị phê bình, kỷ luật với nhiều mức độ khác nhau trong các vụ án và vụ việc khác.
Cựu phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị xét xử và đang bị đề nghị truy tố lần hai liên quan đến việc giao một khu đất vàng trên đường Lê Duẩn ở trung tâm thành phố.
Một cựu phó chủ tịch khác là ông Nguyễn Hữu Tín cũng bị xét xử và lãnh án bảy năm tù liên quan đến vụ án Vũ "nhôm", tức Phan Văn Anh Vũ.
Hồi tháng Ba, Bộ Chính trị cũng đã quyết định kỷ luật cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, tức xóa tư cách của ông này trong giai đoạn trên.
Ông Hải bị kỷ luật vì "đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Thành ủy ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
**********************
Tất Thành Cang
Mỹ Thuận, VNTB, 18/06/2020
Tất Thành Cang là một cái tên được giới báo chí ‘săn’ từ chiều ngày 17/6. Có tờ báo đã ‘lên tin’ Tất Thành Cang tra tay vào còng số 8, để rồi sau đó đã phải ‘tháo’…
Ông Tất Thành Cang, cựu phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Lần này thì ông Thành ủy viên của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang được cho là liên quan trong vụ việc xảy ra tại quận 7, trong vụ án công ty Tân Thuận bán rẻ 30 ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đơn vị số 11 trước kỳ họp thứ 20 diễn ra hôm 15-6, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang tiếp tục vắng mặt. Lý do được ban tổ chức buổi tiếp xúc thông báo là do đại biểu bận công tác. Và đây không phải là lần đầu tiên ông Tất Thành Cang vắng mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri. Cụ thể, vào các buổi tiếp xúc cử tri ngày 20/11/2018 và ngày 22/11/2019, ông Tất Thành Cang cũng vắng mặt vì bận công tác đột xuất.
Tin tức công khai trên báo chí cho đến lúc này, thì Ủy ban Kiểm tra trung ương (cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) đã kết luận ông Tất Thành Cang có vi phạm trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những sai phạm này ông Cang phạm phải khi còn làm giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, quyết định phê duyệt dự án bốn tuyến đường chính của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ông Cang ký ngày 28/10/2013 với tư cách ủy viên UBND Thành phố Hồ Chí Minh thừa ủy quyền Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khi ấy là ông Lê Hoàng Quân. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thời gian đó là ông Lê Thanh Hải, tiền nhiệm chiếc ghế chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh mà ông Lê Hoàng Quân đang ngồi.
Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh minh họa
Theo quy định, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ được phê duyệt đầu tư các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng. Ông Tất Thành Cang thừa ủy quyền của chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân phê duyệt dự án bốn tuyến đường chính ở khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ là không đúng thẩm quyền về chức trách.
Tuy nhiên các diễn biến trong dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đều nằm trong bối cảnh chung về việc phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị nhóm các quan chức chính quyền địa phương với người đứng đầu là ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, từng bước ‘phá nát’ bằng loạt văn bản pháp lý được cho là "không đúng thẩm quyền về chức trách".
Cái lắt léo ở đây, là thời ông Lê Thanh Hải là chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thì người ký văn bản "không đúng thẩm quyền về chức trách" là Nguyễn Văn Đua, phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Đua ký quyết định số 6565 ngày 27/12/2005 chỉnh sửa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại điều 2 quyết định này ghi rõ "Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt". Quy hoạch mới do Nguyễn Văn Đua ký được cho là nới rộng quy hoạch cũ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1996, làm cho nhiều hộ dân Thủ Thiêm bị mất đất, khiếu kiện nhiều năm.
Và việc ông Đua ký quyết định nói trên được cho chỉ là người thừa hành theo lệnh của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Hiện tại thì cả ông Lê Thanh Hải và Nguyễn Văn Đua vẫn ‘ngoài vòng pháp luật’.
Trở lại với Tất Thành Cang trong vụ án công ty Tân Thuận.
Khi còn là phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bán cổ phần tại công ty con Sadeco. Tuy nhiên, việc bán cổ phần này sau đó được cho là sai so với đề án tái cơ cấu của IPC, sai quy định pháp luật, và gây thiệt hại cho công ty Sadeco ít nhất 153 tỉ đồng.
Theo đề án tái cơ cấu thì IPC không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại công ty Sadeco. Quá trình thanh tra cho thấy IPC trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh phương án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu (sai với đề án tái cơ cấu), nhưng lại được phó Bí thư Thường trưc Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco.
Sở dĩ IPC liên quan đến Tất Thành Cang, vì đây là một công ty thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh; do vậy IPC cùng lúc chịu ‘hai tròng’ : chính quyền dân sự địa phương, và đảng chính trị ở địa phương.
Vấn đề đang đặt ra : trong hai cấp quản lý đó, thì ‘đày tớ’ hành chính dân sự và ‘ông chủ’ chính trị, nếu sai phạm xảy ra thì liệu có liên đới ‘đồng phạm’ ? – vì những ‘đày tớ’ hành chính dân sự ấy đều là đảng viên, nên tất nhiên là ‘dưới trướng’ – cụ thể ở trường hợp này, là Tất Thành Cang và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Giả dụ mai này ‘chuông nguyện hồn’ có gióng hồi báo tử với Tất Thành Cang, thì cần ‘gióng’ luôn với cựu ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, cùng bộ sậu quyền lực của những đảng viên bề trên đó.
Mỹ Thuận
Nguồn : VNTB, 18/06/2020