Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/06/2020

Báo chí thời nay và thời Pháp thuộc : hai phương trời cách biệt !

Xuân Minh – Lâm Viên

Thế nào là báo chí tự do ?

Xuân Minh – Lâm Viên, VNTB, 22/06/2020

Nói sự thật trong tự do là phản ánh. Nói sự thật trong kiểm soát là dũng cảm.

baochi0

Báo chí bị kiểm duyệt là biện pháp tồi, chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối đó.

Luật báo chí của Việt Nam không có điều khoản nào về yêu cầu kiểm duyệt trước khi báo chí phát hành. Vậy đây có phải là báo chí tự do ?

Thế nào là báo chí tự do ?

Karl Marx phân loại, chỉ có hai loại báo chí : "Báo chí tự do và báo chí bị kiểm duyệt". Ông nói : "Báo chí bị kiểm duyệt là sự quái dị không có tính cách của sự thiếu tự do, đó là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa.

Báo chí kiểm duyệt là biện pháp cảnh sát, thậm chí là biện pháp tồi… Tệ lớn nhất, tệ giả dối gắn liền với báo chí kiểm duyệt… Điều đó dẫn đến, chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối đó. Còn nhân dân sẽ rơi vào tình trạng mê tín chính trị, hoặc hoàn toàn quay lưng với cuộc sống quốc gia, biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư" – trích tập I, Tổng tập Mác-Ăng Ghen, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

Theo Mác, báo chí phải được tự do. Ông nói, "ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí". Ông còn nói rằng : "Báo chí tự do, đó là con mắt sáng suốt của tinh thần, của nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới…

Báo chí tự do, đó là sự sám hối công khai của nhân dân trước bản thân mình, mà lời thú nhận thật tâm, như mọi người đều biết thì có khả năng cứu rỗi. Báo chí tự do là tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình. Còn sự tự nhận thức là điều kiện đầu tiên của sự sáng suốt. Báo chí tự do – đó là tinh thần nhà nước (công dân) mà mọi túp nhà tranh đều có được với những chi phí thấp hơn là phương tiện thắp sáng. Báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết…".

Đúng là nghe thật sướng lỗ tai.

Báo chí bị kiểm duyệt là gì ?

Lập luận trên nếu mang so sánh với các tờ báo phát hành ở miền Nam trước tháng 4/1975, có lẽ rất khập khiểng về cách hiểu thế nào là ‘báo chí bị kiểm duyệt’.

Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 khẳng định :

"Điều 12 :

1. Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục.

2. Chế độ kiểm duyệt không được chấp nhận, ngoại trừ các bộ môn điện ảnh và kịch trường.

3. Một đạo luật sẽ ấn định qui chế báo chí".

Trong một trả lời phỏng vấn trên đài RFA, bà Trùng Dương, chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần từ khi mới thành lập cho đến tháng 4/1975, kể : "Hồi đó báo chí trước khi in, trước khi phát hành thì phải qua kiểm duyệt. Họ đọc xem những tin tức có bị ảnh hưởng gì tới cuộc chiến lúc ấy hay không. Họ chú trọng nhiều đến tin chiến sự nhiều hơn chứ còn những vấn đề cá nhân thì họ đi đường khác, chẳng hạn như hồi đó báo Sóng Thần đi một loạt bài tố ông tướng Nguyễn Văn Toàn khi ấy ông coi vùng cao nguyên, quân khu II. Có một dạo ông ấy dính vào chuyện vớ vẩn gì đó với một cô bé vị thành niên, rồi phóng viên của báo Sóng Thần tìm ra được chuyện đó và tố ông tội dụ dỗ gái vị thành niên.

Tin đó do một tin từ cảnh sát nhưng mà cảnh sát họ giấu nhẹm đi, phóng viên của mình tìm được cái tin đó và làm cuộc điều tra. Người đứng ra làm cuộc điều tra đó là chị Lê Thị Bích Vân, hồi đó chị là nữ phóng viên sáng giá của làng báo Việt Nam. Chị ấy viết một loạt bài về tướng Toàn thì ông ta kiện tờ báo với lý do là mạ lỵ cá nhân thôi chứ không liên hệ gì tới vấn đề kiểm duyệt hết. Khi có chuyện liên quan đến cá nhân làm bậy, thì họ kiện mình theo chiều hướng cá nhân vì mạ lỵ phỉ báng, còn về bên chính quyền, bên thông tin thì họ quan tâm và kiểm duyệt đến các tin tức liên quan đến thời sự lúc bấy giờ…" (*).

Báo chí cách mạng luôn cung cúc ‘tự kiểm duyệt’ theo đường ray định hướng

Nhà báo Huy Đức, cựu phóng viên của báo Tuổi Trẻ, trong một so sánh về kiểm duyệt xưa – nay, có nói rằng chế độ Sài Gòn cũng giở trò giấu mặt, kiểm duyệt mà không dám chính danh. Các báo đối lập khi ấy đã nghĩ ra một cách rất hay, thay vì thay bài bị kiểm duyệt bằng bài "osin", họ để trang báo trắng và rao là "tự ý đục bỏ". Những tờ báo như vậy lại càng bán chạy, bởi người dân có thể "đọc" được không ít thông tin sau những trang không có chữ nào được in.

Vậy bài "osin" mà nhà báo Huy Đức nói đến là gì ? (‘Osin’ là từ mà nhiều người Việt dùng để chỉ ‘người giúp việc’, cách gọi này được biết là có từ sau khi trên kênh truyền hình HTV chiếu bộ phim dài nhiều tập, kể về cuộc đời của Tanokura Shin sinh vào cuối thời kỳ Meiji (Minh Trị) cho đến đầu thập niên 1980. Shin được gọi là "Oshin" để thể hiện sự tôn kính).

Trong một chia sẻ từ tháng 4/2009, nhà báo Huy Đức viết dạng lá thư gửi Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ khi ấy là Phạm Đức Hải :

"Hoành tráng nguyên một trang 5, Tuổi Trẻ số ra ngày 16/4 mô tả lao động Trung Quốc "tràn ngập công trường" Việt Nam, sáng nay, tờ báo lớn nhất nước ấy đã phải "cáo lỗi cùng bạn đọc". Kính thưa anh Phạm Đức Hải, tôi biết hôm qua anh nhận được rất nhiều điện thoại. Làm Tổng Biên tập Tuổi Trẻ quả thật là khó khăn.

Hôm qua, Tuổi Trẻ đã rao với bạn đọc là, trong số tiếp theo, sẽ có phóng sự về tình trạng công nhân Trung Quốc tràn ngập công trường bauxite Tân Rai và Khí Điện Đạm Cà Mau. Sáng nay, bản báo lại xách mấy em osin Philippines ra thế mạng. Ai làm tổng biên tập ở Việt Nam thì cũng phải đục bỏ bài khi có lệnh. Nhưng, ai đã là nhà báo thì cũng phải đặt sự trung thực lên trên.

Anh giải thích "vì chưa hoàn tất bài viết", thưa anh, là đánh lừa bạn đọc. Người đọc bây giờ tinh lắm, họ không tin là các phóng viên của một tờ báo như Tuổi Trẻ lại không thể thực hiện một bài viết như vậy cho kịp số hôm sau. Các đồng nghiệp biết rất rõ bài về công nhân Trung Quốc ở Tân Rai đã nằm trên bàn của anh từ hai tuần nay rồi chứ không phải là "chưa hoàn tất". Anh có thể không đăng mà vẫn được anh em thông cảm, nhưng anh vì không dám đăng mà đổ lỗi cho phóng viên thì như khi thuyền đổi hướng lại đổ cho người chèo thay vì người lái.

Năm ngoái, khi đăng bài điều tra về khu tái định cư ở Thủ Thiêm, Tuổi Trẻ cũng đã nhận được "lệnh ở trên", nhưng số hôm sau Ban Biên tập đã nói là vì "lý do khách quan". Ai là "khách", ai là "quan" đương nhiên là người người tự hiểu".

(hết trích)

Thay lời kết

Trở lại với "tự ý đục bỏ" trên báo chí ở Sài Gòn thời Đệ nhị Cộng hòa.

Luật 07/72 của Việt Nam Cộng Hòa ra đời trong bối cảnh các lực lượng quân đội miền Bắc tấn công ở cả 3 vùng chiến thuật vào năm 1972, cũng là năm xuất hiện nhiều nhóm chính trị chống chính quyền, đứng sau nhiều cuộc biểu tình, trong khi báo chí mỗi lúc một mạnh miệng hơn.

Tình hình đó khiến Tổng thống Thiệu đề nghị Quốc hội trao đặc quyền về tình trạng khẩn cấp. Đây là thời kỳ mà Tổng thống của Nam Hàn, Park Chung Hee, tuyên bố thiết quân luật năm 1972 ở một đất nước không có chiến tranh, trong khi với hoàn cảnh nguy ngập hơn nhiều, Tổng thống Thiệu mới "xin đặc quyền" và được Quốc hội chấp thuận.

Xem ra trong bối cảnh lịch sử thì việc "tự ý đục bỏ" là một hình thức quá hiền lành, so hiện nay nếu có những bài báo như vậy được ra sạp, có lẽ không chỉ tờ báo bị đóng cửa, mà nhiều người còn bị cáo buộc về các tội danh liên quan đến chính trị.

Với góc nhìn như nói trên, cho thấy báo chí cách mạng ở Việt Nam hiện nay không đi theo những gì mà ông tổ lý luận của chủ nghĩa cộng sản đưa ra. Báo chí cách mạng Việt Nam có nét đặc thù rất riêng như lời kể của nhà văn Đào Hiếu – cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ :

"Một nhà thơ châm biếm nổi tiếng, cũng là đảng viên, gốc sinh viên tranh đấu, từng là cán bộ có cỡ của một tờ báo lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, bữa kia anh nhậu với tôi, kể :

– Có thằng nhà báo Pháp gặp tao, nó hỏi : "Việt Nam hiện nay có mấy tờ báo và tạp chí ?". Tao đáp : "Có chừng 700". "Ô, thế thì báo chí Việt Nam thật là phong phú". Tao nói : "Coi vậy mà không phải vậy. Vì có 700 tờ báo nhưng chỉ có một ông tổng biên tập".

Thằng Tây nó cười gần chết".

Xuân Minh - Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 22/06/2020

Chú thích :

(*) Tự do báo chí của miền Nam Việt Nam trước 1975, RFA, 31/10/2015

*******************

Báo chí Việt Nam thời Pháp bị ông Hồ Chí Minh đánh giá sai sự thật ?

Diễm Thi, RFA, 22/06/2020

Tự do báo chí thời Pháp

Trong cuốn "Đây 'công lý' của thực dân Pháp ở Đông Dương !", của tác giả Nguyễn Ái Quốc được Nhà xuất bản Sự Thật phát hành ở Hà Nội năm 1962, có bài viết về ‘Chế độ báo chí’. Nguyễn Ái Quốc là tên ông Hồ Chí Minh sử dụng từ ngày 18 tháng 6 năm 1919 đến ngày 13 tháng 8 năm 1942.

baochi2

Ông Hồ Chí Minh tại hang Pác Bó, tỉnh Cao Bằng vào tháng 3 năm 1951. AFP

Ở trang 81 tác giả viết rằng : "Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo ! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không ? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi…

Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước Châu Âu hay Châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy".

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng nêu quan điểm của ông về phát biểu vừa nêu mà ông Hồ Chí Minh đề cập đến báo chí Việt Nam thời Pháp :

"Vấn đề này chúng ta phải nhìn lại lịch sử. Năm 1925 ở Pháp, ông Nguyễn Ái Quốc tố cáo chuyện ở Đông Dương không có tự do báo chí. Chuyện đó là hoàn toàn sai.

Báo chí Sài Gòn được hưởng chế độ như Pháp, hoàn toàn có thể tự do ra báo. Nếu báo bằng tiếng Việt Nam thì cần phải xin phép nhưng không bị kiểm duyệt. Đến năm 1915 thì báo chí tự do bắt đầu ra Bắc và tự do báo chí ngày đó rất dễ dàng. Điều này chúng ta có thể tìm hiểu qua lịch sử hoặc qua hồi ký của ông Vũ Bằng, cuốn "40 năm nói láo". Qua đó chúng ta thấy thời Pháp thuộc Việt Nam hoàn toàn có tự do báo chí chứ không phải như ông Nguyễn Ái Quốc nói".

Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, từ 1865 đến cuối năm 1918 có khoảng hơn 20 tờ báo tiếng Việt xuất bản trong cả nước, gồm các tờ như : Gia Định Báo (1865-1910), Đại Nam Đăng cổ tùng báo (1892-1907), Nông Cổ Mín Đàm (1901- 1924), Công Luận báo (1916-1939), Nam Trung nhật báo (1917-1921), Nam Phong tạp chí (1917-1934)…

Những năm đầu thế kỷ 20, quá trình đô thị hóa, lối sống thị dân ... đã tạo điều kiện cho báo chí phát triển phong phú hơn.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận định về báo chí Viêt Nam thời Pháp thuộc :

"Thời Pháp thuộc người ta giúp cho Việt Nam làm báo. Người Việt Nam làm báo là nhờ người Pháp mới hiểu được báo chí là như thế nào. Cũng có thời kỳ người ta kìm kẹp, người ta hướng dư luận theo ý người ta nhưng nhìn chung là báo chí rất tự do.

Dĩ nhiên hồi người Pháp mới hướng dẫn cho người Việt Nam làm báo cũng có chỉ đạo này chỉ đạo khác và cũng cho báo làm theo hướng này hướng kia mà không đụng tới mẫu quốc hay sự cai trị của Pháp. Nhưng mà so với bây giờ thì họ vẫn nhẹ nhàng, lịch sự, đàng hoàng hơn nhiều".

Ông Chênh kết luận rằng, thời đó, bên cạnh báo của người Pháp thì họ vẫn cho người Việt Nam ra báo tư nhân. Bây giờ thì toàn bộ báo chí là của đảng cộng sản. Chỉ có cơ quan nhà nước và cơ quan đảng mới ra báo.

Ngày 21 tháng 6 năm 1925, tờ "Thanh Niên" do ông Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra đời. Đến ngày 5 tháng 2 năm 1985, đảng cộng sản quyết định lấy ngày 21 tháng 6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam. Đến ngày 21 tháng 6 năm 2000, kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, Bộ Chính trị đổi Ngày báo chí Việt Nam thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

"Tự do báo chí" thời nay

baochi3

Ông Hồ Chí Minh làm việc trong căn cứ kháng chiến Việt Bắc vào tháng 1 năm 1951. AFP

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng, với tiêu chí chỉ có cơ quan đoàn thể của nhà nước và của đảng mới được ra báo mà không dựa trên cơ sở nào hết thì không thể có báo chí tư nhân. Vào thời kỳ đổi mới, cũng có ý kiến cho báo chí tư nhân, nhưng hầu hết các đại biểu quốc hội là đảng viên phát biểu rằng ‘chúng ta không cần báo chí tư nhân’. Ông nói thêm :

"Toàn bộ báo chí phải do đảng cho phép qua công cụ là nhà nước. Các cơ quan, đoàn thể, bộ, ngành, sở, ban mới được quyền ra báo. Ra báo nhiều quá bây giờ loạn, lại phải quy hoạch lại báo chí, tổ chức lại. Thật ra mấy trăm tờ báo cũng chỉ có một tổng biên tập mà thôi.

Khi nào hết đảng cộng sản thì mới có báo chí tư nhân, tức là hết độc tài cộng sản thì sẽ có báo chí tư nhân. Bây giờ hoàn toàn không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí. Người dân phát biểu, biểu đạt qua mạng xã hội".

Dưới sự toàn trị của đảng cộng sản, từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, Việt Nam hoàn toàn không có báo chí tư nhân. Nhà báo Ngô Nhật Đăng nói về báo chí Việt Nam từ ngày cộng sản nắm quyền cai trị :

"Ở Hà Nội thì báo chí tư nhân bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 1956 sau vụ ‘Nhân văn Giai phẩm’. Ông Hồ ra sắc lệnh về báo chí trong đó có điều luật quy định nhiệm vụ của báo chí Việt Nam rất rõ. Lúc đó báo chí Việt Nam bị biến thành nền báo chí công cụ, theo cách gọi của nhà báo chúng tôi. Trong khi thiên chức của báo chí thì không là công cụ cho bất kỳ một tổ chức nào, bất kỳ một đảng phái nào cả..

Theo như tôi nghĩ thì đây là sự lo sợ quá đáng về phía nhà nước. Dù không có báo chí tư nhân thì đã có mạng xã hội, nhưng nếu có báo chí tư nhân thì các phát biểu, các bài báo sẽ có trách nhiệm hơn. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một đặc điểm của một chế độ tồn tại quá lâu mà không có một sự biến chuyển nào thì nó sinh ra một tâm lý trơ lỳ".

Theo nhà báo này, nếu không vì nỗi sợ bản năng mà nhà nước cho ra đời một vài tờ báo tư nhân thì cái nhìn của người dân về chế độ, về xã hội sẽ khác đi. Bây giờ cần một sự khoan dung, kể cả trong chính trị. Đó là điều rất cần thiết nếu muốn đất nước đi lên một cách hòa bình.

Vì không có báo chí tư nhân nên mạng xã hội là nơi người dân tìm đọc những thông tin được cho là "nhạy cảm chính trị" trong xã hội. Theo số liệu thống kê thì có đến 58 triệu người tại Việt Nam dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này đến 8 triệu người dùng so với năm 2018.

Anh Phạm Minh Vũ, một người chọn mạng xã hội để nói lên những bất công trong xã hội cũng như những điều chính quyền cần thay đổi, bởi ngoài mạng xã hội thì người dân không có chỗ bày tỏ chính kiến của mình. Nhân ngày Việt Nam kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng, anh viết trên facebook dòng trạng thái mà RFA đã xin phép được chia sẻ : "Năm thứ 2 học ngành Báo chí, môn đạo đức Báo chí, bài đầu tiên tôi được học là 'làm báo, sứ mệnh cao nhất là bảo vệ đảng'.

Với một sinh viên với tâm hồn non nớt về chủ nghĩa xã hội, bài học đầu tiên ấy cũng là bài học cuối cùng về niềm tin, nó đã chấm dứt mong muốn thực hiện khát khao làm một phóng viên thật sự".

Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ số Tự do Báo chí năm 2020 theo xếp hạng do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2020.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 22/06/2020

********************

Mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Tưởng Năng Tiến, RFA, 20/06/2020

Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay.

Hữu Thọ

baochi4

Bác sĩ Tom Dooley qua đời năm 1961. Mãi đến vài chục năm sau, tôi mới biết đến tác phẩm đầu tay của ông (1). Đây là một tập bút ký, có hình ảnh minh họa đính kèm, về cuộc di cư ồ ạt (vào giữa thế kỷ trước) của hằng triệu người dân Việt. Họ ra đi chỉ với hành trang duy nhất là niềm tin vào tình người, và không khí tự do, ở bên kia vĩ tuyến.

Rồi họ đã được tiếp đón, hòa nhập và sinh sống ra sao nơi miền đất mới ? Câu trả lời có thể tìm được – phần nào – qua một tác phẩm khác (2) của Phạm Công Luận. Xin trích dẫn đôi ba đoạn ngắn :

"Những người trong giới trí thức, nghệ sĩ miền Bắc chuyển vào Sài Gòn ấp ủ bao nhiêu hoài bão để thực hiện ở quê hương mới. Tuy nhiên, dù có nổi tiếng thì họ cũng phải đối diện với bao khó khăn để hòa nhập vào đô thị mà họ sẽ sống lâu dài này. Báo Đời Mới năm 1954 đã làm một chuỗi phóng sự Hồi mới vào của các văn nghệ sĩ, có nhiều chuyện cảm động đáng suy gẫm về những gì họ đã gặp.

Nhà văn Thượng Sỹ, một nhà văn nổi danh từ thời tiền chiến mà trong cuốn Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc tới. Gia đình ông vào Sài Gòn định cư chỉ có bốn người, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và chị giữ em. Tuy nhẹ gánh gia đình, tên tuổi từng nổi tiếng là nhà phê bình văn chương, cả nhà ông cũng gặp những khó khăn ban đầu…

Một bữa, ra chợ mua đồ, bà vợ ông gặp một chị không quen, hỏi thăm qua lại thế nào mà chị nói ngay : "Thôi, chị cứ theo tôi về nhà ba má tôi. Chị nhận là bạn cũ của tôi, thế nào ông bà cũng cho ở đậu". Cả nhà lại đến đó ở, một căn nhà lá rộng rãi ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, còn làm việc được, chuyên nghề đúc ống cống xi măng.

Ông bà nói ngay với khách lạ : "Thầy cô cứ ở đây với tôi, khỏi phải mua giường chiếu, mùng mền, đồ bếp, tôi có sẵn cả. Tôi để thầy cô dùng chung. Gạo củi, mắm muối, cứ tự nhiên nấu cơm mà ăn !". Bà chủ còn nói là bà không lấy một xu nhỏ.

Gia đình Thượng Sỹ ở đó, không muốn lạm dụng lòng tốt của ông bà chủ nhà nên bà Thượng Sỹ xin tự lo ăn uống, chỉ ở nhờ thôi. Ông chủ nhà nói lên điều xuất phát từ đáy lòng : "Cô Hai chớ nề hà. Con gái tôi nói cho tôi hay thầy Hai làm báo, nên tôi quý thầy lắm. Vì bấy lâu nay đọc báo, tôi thấy các ông nhà báo luôn bênh vực anh em lao động chúng tôi. Tôi có phải nhịn ăn mà giúp thầy cô, tôi cũng vui lòng !".

Sau này, nhà văn Thượng Sỹ nói với tác giả bài tường thuật này : "Tôi cứ tưởng xảy nhà ra thất nghiệp… nào ngờ tôi lại hai lần ‘sa’ vào hai cảnh gia đình lao động. Ấy cũng là tôi hái quả của một cây mà các anh vun bón cho tươi tốt…".

"Các anh" trong câu văn thượng dẫn – tất nhiên – là những nhà báo miền Nam, những người mà độc giả dù có phải "nhịn ăn mà giúp" vẫn cảm thấy "vui lòng" vì họ luôn đứng về phía những người cô thế. Miền Bắc cũng không thiếu những người cầm bút với quan niệm tương tự : Tam Lang viết Tôi Kéo Xe năm 1932, Ngô Tất Tố sáng tác Tắt Đèn năm 1937, Nguyên Hồng xuất bản Bỉ Vỏ năm 1938. Tác phẩm Con Trâu của Trần Tiêu đăng từng kỳ trên báo "Ngày Nay" từ số 140 (ra ngày 10/12/1938) trước khi được in thành sách, vào năm 1940.

"Ngày 14/12/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ‘Sắc lệnh về chế độ báo chí’, buộc người dân ra báo phải xin phép, chấm dứt trên miền Bắc thời kỳ ai muốn làm báo chỉ cần đăng ký mà người dân An Nam được hưởng gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp" (3). Bắt đầu từ đây thì sách báo hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, và những người cầm bút buộc phải đứng cùng phe với những kẻ cầm quyền.

Ngày 21/1/1960, hai công dân Việt Nam (Nguyễn Hữu Đang và Thụy An) bị kết án 15 năm tù vì tội "phá hoại chính trị" và "làm gián điệp" bởi Toà Án Nhân Dân Hà Nội. Vì đây là một phiên "tòa kín" nên không ai biết hai nhân vật này đã "phá hoại chính trị" ra sao, và đã "làm gián điệp" cho "thế lực thù địch" nào – ngoài những người làm báo :

* Báo Thời Mới  (21/01/1960) : Năm tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội …Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam".

* Báo Nhân Dân  (21/01/1960) : Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng.

* Báo Thủ đô Hà Nội  (21/01/1960) : Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận : "Báo Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1. Mục đích của tờ báo là khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo".

* Báo Văn Học  (05/02/1960) : Nguyễn Hữu Đang thú nhận : "Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi ra tờ báo Nhân Văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp lực đấu tranh". Ngoài báo Nhân Văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai :"Tôi đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo".

Không phải là vô cớ mà nhà văn Võ Thị Hảo kết luận : "Cấm báo chí tư nhân là tội ác". Sự "ác độc" này được duy trì và nuôi dưỡng xuyên suốt gần hai phần ba thế kỷ qua :

* Ngày 29/11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành chỉ thị 37/2006 kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức.

* Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐ quy định báo chí là phương tiện thông tin, quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Cái cách mà Đảng và Nhà nước sử dụng "công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng" từ hơn nửa thế kỷ qua, xem ra, đã trở thành thảm họa – theo nhận xét của nhà báo Phan Anh : "Báo chí nước ta nó đã băng hoại tới mức độ không thể cứu vãn nổi, và nhiều kẻ điều hành nó cũng như những kẻ tham gia đóng góp cho nó đa phần là một lũ vừa ngu dốt vừa vô liêm sỉ đến cùng cực…".

Ông có nói quá chăng ?

Câu trả có thể tìm được qua tiêu đề của dăm/bẩy bản tin, xuất hiện trên "làng báo cách mạng" vào những ngày tháng gần đây :

* Tiền Phong (30/05/2020) : Bị kích động, hơn 8.000 công nhân đình công ở Bình Dương

* VTC News (30/05/2020) : Bị kích động, 8.000 công nhân kéo xuống đường phản đối ở Bình Dương

* Dân Trí (12/06/2020) : Công an Hà Nội : Nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là đúng pháp luật !

* Tuổi Trẻ (12/06/2020) : Vụ án Đồng Tâm : Các bị can nhiều lần đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an

* Soha (13/06/2020) : Việc cảnh sát nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là cần thiết, đúng quy định

* Thanh Niên (13/06/2020) : Đề nghị truy tố 29 người trong vụ tẩm xăng thiêu chết 3 chiến sĩ ở Đồng Tâm

Tuổi Trẻ & Thanh Niên sa đọa tới cỡ đó lận sao ? Cái được mệnh danh là những nhà báo cách mạng, hiện nay, chả lẽ chỉ rặt là một phường vô lại ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 20/06/2020 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Minh, Lâm Viên
Read 749 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)