Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/06/2020

Dự định lập Vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc gây lo ngại

Nhiều tác giả

Không gian ADIZ vùng biển Hoa Nam của Trung Quốc sẽ mở rộng từ đâu đến đâu ?

Trương Nhân Tuấn, 22/06/2020

Sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ đặt "Vùng nhận diện phòng không" (ADIZ) trong vùng biển Hoa Nam (South China Sea), tức Biển Đông theo cách gọi của VN. Điều ta chưa biết là không gian ADIZ vùng biển Hoa Nam của Trung Quốc sẽ mở rộng từ đâu đến đâu và khi nào thì họ công bố ?

adiz1

Khu vực kinh tế độc quyền (EEZs) các nước láng giềng có chung Biển Đông và yêu sách lãnh hải (đường chín đoạn) của Trung Quốc - Nguồn: BBC News, Q & A : Tranh chấp Biển Đông

Nếu có theo dõi "cuộc chiến công hàm", bắt đầu từ lúc Mã Lai công bố Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng vùng Biển Bắc của nước này lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) vào tháng 12/2019. Ta nhận thấy rằng các quốc gia Mã Lai, Phi, Indonesia, Việt Nam và Mỹ cùng đứng chung một "chiến tuyến" chống lại các yêu sách "quá lố" về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc.

Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration-PCA) xử vụ Phi kiện Trung Quốc, thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, phán quyết ngày 12/7/2016 đươc các bên tận dụng các lý lẽ án lệ (jurisprudences) để "tấn công" vào các yêu sách phi lý của Trung Quốc.

Phán quyết PCA 12/7/2016 trong chừng mực trở thành "pháo đài" để các bên "chung vai" chống lại mưu đồ mở rộng vùng ADIZ của Trung Quốc.

Các quốc gia (nói trên) đều có lợi ích ở Biển Đông.

Mỹ có lợi ích là "quyền tự do hàng không và hải hành" trên Biển Đông. Mỹ còn là một "đại cường hải quân và không quân", từ lâu khẳng định vị thế "chiến lược" của họ ở Châu Á, thông qua các hiệp ước an ninh hỗ tương với Nhật, Nam Hàn, Phi (và Đài loan qua Taiwan Relations Act). Mỹ không thể (hay khó có thể) chấp nhận để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ hải lộ Biển Đông cũng như vùng không gian phía trên Biển Đông.

Trung Quốc thành công áp đặt vùng ADIZ trên toàn Biển Đông (theo bản đồ chữ U) đồng nghĩa với việc Mỹ phải rút bỏ Châu Á (và Việt Nam mất toàn bộ các đảo Trường Sa).

Việt Nam, Phi, Mã Lai và Indonesia có lợi ích lớn lao (về kinh tế) là vùng biển EEZ và thềm lục địa, theo qui định của của các điều ước trong UNCLOS. Trung Quốc áp đặt vùng ADIZ có nghĩa các quốc gia này mất từ 50% đến 80% vùng biển "kinh tế độc quyền" 200 hải lý và "thềm lục địa" (lên tới 350 hải lý) của quốc gia mình (trong Biển Đông).

Theo nhận xét của tôi, hành vi các quốc gia Việt Nam, Mã Lai, Phi, Indonesia và Mỹ cùng đứng một bên ở diễn đàn Ủy ban Thềm lục địa mở rộng, có thể nhằm chuẩn bị cho một động tác pháp lý chung trong tương lai gần, gọi là "actio popularis".

Các bên (có lợi ích chung) có chung một lập luận : tôn trọng phán quyết PCA 12/7/2016 và nhìn nhận Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) là dụng cụ pháp lý duy nhứt áp dụng nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Các bên đồng thuận Phán quyết PCA 12/7/2016 đã trở thành một thứ "luật" trong khu vực biển Đông, có hiệu quả bắt buộc, chung cho tất cả các quốc gia chung quanh Biển Đông cũng như các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông. Thứ "luật bắt buộc cho tất cả" đó gọi là "erga omnes".

Vấn đề là làm thế nào để đưa Trung Quốc vào ảnh hưởng "erga omnes" và buộc họ phải tôn trọng ?

Với sự tham gia của Mỹ, Tòa Công lý Quốc tế (International Court of Justice-ICJ) có thể là nơi giải quyết một vấn đề tương tự. Ngoài Việt Nam, các bên Mỹ, Mã Lai, Phi và Indonesia đều đã từng ký nhận thẩm quyền của ICJ. Tòa có thể vịn vào điều 53 Công ước Vienne 1969 Luật về các công ước để phán rằng vùng ADIZ của Trung Quốc đã vi phạm các tiêu chuẩn bắt buộc của Luật quốc tế. Ở đây là vi phạm UNCLOS 1982 (và Phán quyết 12/7/2016).

Vụ phân xử này sẽ khác với các vụ tương tự (tuyên bố erga omnes) trong quá khứ. Tòa không thể nại "Tòa chỉ có phận sự phân xử, dựa trên luật lệ và tập quán quốc tế hiện hành. Tòa không phải là cơ quan lập pháp để ra một "luật", có hiệu lực bắt buộc (erga pmnes) cho tất cả".

Bởi vì bản thân phán quyết PCA 12/7/2016 vốn là việc "giải thích" hướng dẫn "cách áp dụng Luật Biển" ở Biển Đông. Tự nó cũng là luật rồi. Điều này tôi cũng nói nhiều lần.

Vì vậy viễn ảnh Trung Quốc tuyên bố vùng ADIZ toàn bộ Biển Đông (theo bản đồ chữ U) sẽ là "lâu lắm" vì "khó lắm".

Nhưng Trung Quốc có thể tuyên bố vùng ADIZ trong biển Đông, giới hạn từ 13° trở về phía Bắc. Trường hợp này Việt Nam "đứng một mình" chống Trung Quốc.

Việt Nam không có cách nào phản biện được Trung Quốc. Đến nay, trong "cuộc chiến công hàm", Việt Nam đã "im tiếng súng" trước sự tấn công của Trung Quốc, thông qua "vũ khí" là "công thư" 1958 của Phạm Văn Đồng.

Việt Nam, như thông lệ, đã "im lặng" trước bằng chứng này của Trung Quốc.

Đặt trường hợp Biển Đông chỉ quan hệ tới hai quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc (như Vịnh Bắc Việt). Thì Trung Quốc đã áp đặt từ tám hoánh vùng ADIZ. Ông Đồng đã nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc thì bây giờ lý lẽ nào để phản biện lại ?

Khí giới để bảo vệ Việt Nam hôm nay, (nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần) là phải "kế thừa di sản của Việt Nam Cộng Hòa.

"Actio personalis moritur cum persona". Hành vi của người chết cũng "chết" theo người. Nếu không làm thủ tục "kế thừa" Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam hôm nay không thể vịn Hòa ước San Francisco 1951 hay các hành vi khác của Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đơn thuần vì (nếu không có thừa kế), các hành vi này không còn "hiệu lực" nữa.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 22/06/2020

*******************

Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên Biển Đông : Lợi không bằng hại

Mai Vân, RFI, 22/06/2020

Theo thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hai nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) đã bắt đầu các bài tập huấn chung trên Biển Philippines kể từ hôm 21/06/2020. Cùng ngày, trang web thông tin DVIDS của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng công bố hình ảnh về hoạt động, cũng trên Biển Philippines, của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76) cùng nhóm tác chiến đi theo.

adiz2

Các tàu sân bay USS Ronald Reagan (giữa), USS Theodore Roosevelt (71) và USS Nimitz thao diễn tại vùng Tây Thái Bình Dương, ngày 12/11/2017. Reuters/James Griffin/U.S. Navy

Đối với giới quan sát, phải lần ngược về năm 2017 mới thấy sự hiện diện đồng thời của ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên cùng một vùng biển ở Châu Á, cũng với ba chiếc Ronald Reagan, Theodore Roosevelt và Nimitz.

Lực lượng phi cơ hùng hậu hơn không lực của nhiều nước Châu Á

Việc huy động đồng thời ba nhóm tác chiến tàu sân bay là một động thái phô trương uy lực rõ nét, vì mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đều bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm hộ tống, tất cả đều có trang bị tên lửa dẫn đường. Mỗi hàng không mẫu hạm đều chở theo hơn sáu chục chiến đấu cơ hiện đại cùng một số loại phi cơ khác, một lực lượng máy bay hùng hậu hơn toàn bộ không lực của phần đông các nước Châu Á.

Nếu vào năm 2017, ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã được phái đến Châu Á để phô trương uy lực răn đe Bắc Triều Tiên, thì lần này đối tượng bị nhắm chính là Trung Quốc, đang ngày càng có thêm nhiều hành vi dùng sức mạnh để độc chiếm Biển Đông, mà bước tới đây có thể là việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không bên trên vùng biển Đông Nam Á.

Có lẽ chính là để Bắc Kinh hiểu rõ thông điệp răn đe mà lần này, các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đã nhanh chóng đến tập trận ngay tại Biển Philippines, nơi được coi là cửa ngõ vào Biển Đông. Giới bình luận Trung Quốc đã không một chút nghi ngờ : Washington đã muốn cho Bắc Kinh thấy rõ là cho dù bị dịch Covid-19, Mỹ vẫn còn đủ "cơ bắp".

Đến thao diễn ngay ngõ vào Biển Đông

Trong một bài phân tích ngày 18/06 vừa qua về tình hình Biển Đông, tuần báo Anh The Economist đã ghi nhận là dù các quan chức Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc là đối tượng của hành động thị uy, nhưng rõ ràng họ không yên tâm về các hành vi gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Vào ngày 03/04, một chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa. Đến ngày 10/06, một tàu Việt Nam khác bị một tàu Trung Quốc đâm vào cũng ở khu vực này. Trong hai tháng Tư và Năm, Hải Cảnh Trung Quốc sách nhiễu tàu khoan dầu West Capella của Malaysia gần đảo Borneo, khiến Mỹ và Úc phải gởi tàu chiến đến nơi. Ở vùng Trường Sa, tàu dân quân biển Trung Quốc đội lốt tàu cá đã tràn ngập khu vực gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc lợi dụng lúc dịch Covid -19 hoành hành để có những "hành vi khiêu khích".

Theo nhận định của The Economist, tranh chấp ở Biển Đông không phải là điều mới mẻ. Từ hàng chục năm nay, Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn tranh chấp về các đảo, đá ở Biển Đông, và Bắc Kinh luôn thắng thế. Cho dù đã cam kết với Mỹ vào năm 2015 là sẽ không quân sự hóa khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn xây dựng hải cảng, phi đạo, bunker ở Trường Sa và bố trí tên lửa trên các thực thể mà họ kiểm soát.

Gần đây, Trung Quốc còn có một quyết định mang tính biểu tượng mạnh hơn để nắm chặt thêm kiểm soát của họ : Thành lập hai đơn vị hành chánh bao trùm Trường Sa và Hoàng Sa, đặt dưới quyền kiểm soát của Tam Sa, cái gọi là "thành phố" mà Bắc Kinh thiết lập năm 2012 để quản lý vùng biển.

Ý đồ lập ADIZ đã có từ lâu, nay thời cơ đã tới ?

Về việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, The Economist nhắc lại rằng đây ý đồ của giới lãnh đạo Trung Quốc từ một thập niên nay.

Trung Quốc đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không đầu tiên vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà họ tranh chấp với Nhật Bản. Mỹ đã cấp tốc cho hai oanh tạc cơ bay ngang vùng này mà không hề xin phép, để chứng tỏ là Mỹ không quan tâm gì đến quyết định của Trung Quốc. Thế nhưng phần lớn các nước - kể cả Mỹ - đều thận trọng khuyên các hãng máy bay dân sự tuân theo các quy tắc mới để bảo đảm an toàn.

Mới đây, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang chờ đợi "thời cơ thích hợp" để tuyên bố kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Những động thái vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông càng làm gia tăng mối lo ngại theo đó có lẽ Trung Quốc đã thấy rằng thời cơ đã đến.

Chuyên gia Mỹ : Về kỹ thuật, ADIZ Trung Quốc khả thi

Zack Cooper, chuyên gia viện nghiên cứu American Enterprise Institute giải thích là đối với Trung Quốc, vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông dễ kiểm soát hơn vùng trên Biển Hoa Đông.

Bắc Kinh có thể vừa sử dụng radar trên đảo Hải Nam hay dọc bờ biển Hoa Lục, vừa dùng những radar mới đặt ở Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời trám được mọi lỗ hổng trong màng lưới dò tìm bằng cách dùng đến máy bay giám sát hay chiến đấu cơ đã được triển khai trên các đảo, hoặc sử dụng các khu trục hạm trang bị radar.

Tóm lại, theo ông Cooper, Trung Quốc có thể theo dõi "phần lớn máy bay nước ngoài" tiến vào vùng nhận dạng phòng không.

Theo The Economist, máy bay quân sự Mỹ dĩ nhiên sẽ không chú ý đến những quy tắc mới của Trung Quốc như đã từng làm ở Biển Hoa Đông, thể nhưng vì sao lại phải bận tâm ?

Đối với tuần báo Anh, lý do có lẽ là cho dù chỉ thành công một phần thì vùng nhận dạng phòng không vẫn rất có lợi cho Trung Quốc. Cho dù vùng này không cho Bắc Kinh chủ quyền trên không phận, nhưng Trung Quốc có thể sử dụng vùng này để chứng tỏ quyền lực.

Cho đến giờ chưa có bằng chứng về việc Trung Quốc đã sử dụng vùng nhận dạng phòng không họ hiện có để gây xáo trộn cho các đường bay dân sự, nhưng đó có thể là một công cụ dùng khi có khủng hoảng. Trung Quốc có thể viện lý do có vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường các chuyến bay tuần tra trong khu vực.

Liệu Trung Quốc có dám áp đặt ADIZ trên Đường lưỡi bò ?

Tuy nhiên, đối với The Economist, việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông không phải là không có khó khăn.

Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vừa quá rộng lớn, vừa mơ hồ. Tấm bản đồ Đường 9 đoạn bao quanh cả Biển Đông, nhưng Bắc Kinh lại không đưa ra tọa độ cũng như nói rõ ý nghĩa của đường này.

Ở biển Hoa Đông, vùng nhận dạng của Trung Quốc phần lớn đi theo vùng thềm lục địa đang có tranh chấp của Trung Quốc, còn ở Biển Đông, theo chuyên gia Alessio Patalano trường đại học King’s College ở Luân Đôn, nếu vùng này chỉ được vẽ ra xung quanh các thực thể rải rác mà Trung Quốc nắm giữ, thì điều đó có thể đánh một đòn "chí tử" vào bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các khu vực nằm bên trong đường 9 đoạn.

Nhưng nếu ranh giới vùng nhận dạng phòng không đi theo đường lưỡi bò, điều đó sẽ gây chấn động. Từ nhiều năm nay, 10 thành viên ASEAN đã bị chia rẽ về cách đối phó với Trung Quốc. Nhiều thành viên muốn hòa dịu với Trung Quốc, trong khi một số ít lại muốn có thái độ cứng rắn. Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN sẽ mở ra vào cuối tháng này. Theo chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, việc Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không có thể làm thay đổi tương quan lực lượng, và các nỗ lực của khối để đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc có thể là nạn nhân.

Mỹ hỗ trợ cho các đối thủ của Trung Quốc

Việc Mỹ quyết định cử chiến hạm, drones và oanh tạc cơ đi tuần tra gần khu vực mà tàu khoan West Capella của Malaysia bị bao vây (cho đến khi con tàu rời khỏi khu vực vào tháng 5) và việc triển khai ba tàu sân bay hiện nay là tín hiệu hỗ trợ cho các đối thủ của Trung Quốc.

Trong một lá thư gửi đến Liên Hiệp Quốc ngày 01/06, Mỹ đã chỉ trích các "yêu sách hàng hải quá đáng" của Trung Quốc. Mỹ cũng càng lúc càng triển khai thêm tàu chiến để thách thức những yêu sách đó bằng cách đi qua các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.

Chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải gần đây nhất diễn ra ngày 28/05, lần thứ năm trong năm nay. Đối với The Economist, rõ ràng là ngay cả khi không có ADIZ, cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn sẽ gia tăng.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 22/06/2020

*******************

Khả năng Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông

Vũ Hồng Lâm (Alexander Vuving), Nghiên cứu Biển Đông, 22/06/2020

Trung Quốc sẽ được gì và mất gì khi thiết lập một ADIZ ở Biển Đông ? Những dự báo của giới quan sát về khả năng thành công của một ADIZ trong khu vực này.

adiz3

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói : "Trung Quốc sẽ thiết lập các ADIZ khác vào một thời điểm thích hợp sau khi đã hoàn tất công tác chuẩn bị".

Ngày 4/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã xác nhận rằng Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Theo một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc, các kế hoạch thiết lập ADIZ ở Biển Đông đã được triển khai từ năm 2010. Cũng trong năm này, giới chức trách Trung Quốc đã thông báo cho một phái đoàn của Nhật Bản đến thăm Bắc Kinh rằng nước này đang cân nhắc việc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Vào ngày nước này tuyên bố ADIZ tại biển Hoa Đông, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói : "Trung Quốc sẽ thiết lập các ADIZ khác vào một thời điểm thích hợp sau khi đã hoàn tất công tác chuẩn bị".

Nếu Trung Quốc thiết lập một ADIZ tại Biển Đông, thì đây cũng không phải là ADIZ đầu tiên tại đây. Đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Philippines đã thiết lập một ADIZ vào năm 1953, và Việt Nam Cộng Hòa cũng có một ADIZ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay, ADIZ của Philippines đã không còn hoạt động và ADIZ của Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bị khai tử cách đây 45 năm. Ngược lại, việc thiết lập một ADIZ sau các yêu sách biển quá đáng và vô căn cứ dưới góc độ luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ gây gián đoạn lớn trong khu vực. Mỗi tuần, hàng ngàn chuyến bay, cả quân sự và dân sự, không chỉ quốc tế mà cả các chuyến bay nội địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia và trong khu vực Đông Nam Á, sẽ bị gián đoạn. Liệu Trung Quốc có thiết lập một ADIZ tại Đông Nam Á hay không ? Nếu nước này làm như vậy, thì khi nào họ sẽ tiến hành và quy mô, phạm vi của ADIZ sẽ như thế nào ? Tổng quát hơn, làm thế nào để có thể dự đoán về ADIZ của Trung Quốc ?

Dự án ADIZ của Trung Quốc thuộc loại nào ?

Đó là một dự án chưa thành hiện thực. ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông có thể trở thành một trong ba loại dự án sau : (1) một dự án cuối cùng sẽ thành hiện thực, (2) một dự án sẽ không bao giờ thành hiện thực và (3) một dự án được thực hiện dưới vỏ bọc của một dự án khác. Vậy ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông thuộc loại nào trong ba loại nêu trên. Có lẽ, ngay cả các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc cũng không có câu trả lời nhất quán. Mặc dù vậy, cũng cần phải xem xét khả năng tồn tại của dự án này theo cả 3 loại trên.

Một số nhà quan sát cho rằng dự án này cuối cùng sẽ thành hiện thực dựa vào hai dấu hiệu quan trọng. Trong các tuyên bố chính thức, Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng thiết lập một ADIZ khác ở Biển Đông. Các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc thi thoảng tiết lộ với các nhà báo nước ngoài rằng Trung Quốc có kế hoạch và sẵn sàng thiết lập một ADIZ ở Biển Đông. Ngoài các tuyên bố, các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên các hòn đảo, bãi đá tranh chấp ở Biển Đông cho thấy chúng có nhiệm vụ giúp nước này biến trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á thành "ao nhà" của riêng họ. Trong số đó có 4 đường băng dài 3km ; các kho chứa máy bay có thể tiếp nhận hàng chục máy bay trên các Đảo Phú Lâm (Woody Island), đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), đá Subi (Subi Reef) và đá Vành Khăn (Mischief Reef) ; các trạm radar tần số cao trên những hòn đảo, bãi đá này và đá Châu Viên (Cuarteron Reef). Trung Quốc cũng đã triển khai tới khu vực này các loại tên lửa đối hạm và tên lửa đất đối không có tầm bắn lên tới 250 dặm (khoảng 400 km). Gần đây hơn, các hình ảnh vệ tinh đã phát hiện thấy máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500 cũng như máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 trên đá Chữ Thập. Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một bến cảng dành cho tàu đổ bộ Type 071 lớp Ngọc Châu trên rạn đá này. Con tàu này có thể được sử dụng để đánh chiếm các đảo/đá tranh chấp trong khu vực. Nếu những cơ sở hạ tầng và hệ thống vũ khí này là các công cụ phục vụ cho mưu đồ làm chủ Biển Đông của Trung Quốc, thì một ADIZ được thiết lập sẽ cung cấp cho họ cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai chúng.

Các nhà quan sát khác lại cho rằng ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông là dự án không bao giờ thành hiện thực bởi có rất nhiều lý do để tin như vậy. Một số suy đoán rằng Trung Quốc đã rút ra bài học từ việc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông và kết luận rằng đây là việc làm lợi chẳng bõ công. Theo lập luận này, ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, hiện đã tồn tại được gần 7 năm, hầu như không mang lại lợi ích gì. Việc thiết lập thêm một ADIZ ở Biển Đông sẽ làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế và khiến các quốc gia ven biển khác cũng tuyên bố các ADIZ chồng chéo của chính họ. Tuy nhiên, đây chỉ có thể là một trong nhiều bài học mà Trung Quốc đã rút ra từ ADIZ ở biển Hoa Đông. Một nhà phân tích của Trung Quốc đã đưa ra lập luận trái ngược rằng những lợi ích mà ADIZ mang lại nhiều hơn rủi ro. Nếu điều này phản ánh tư duy của giới lãnh đạo Bắc Kinh, thì có lẽ Trung Quốc đã sẵn sàng thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.

Tuy nhiên, một số người lại lập luận rằng một ADIZ có thể làm suy yếu bản chất mơ hồ của các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự mập mờ rất phù hợp với các lợi ích của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc sẽ phải suy tính kỹ càng trước khi áp đặt một ADIZ ở Biển Đông. Một lý do khác có thể ngăn cản các kế hoạch thiết lập ADIZ của Trung Quốc ở biển Đông là khả năng các nước láng giềng "ăn miếng trả miếng". Những nước này đang nắm trong tay các lá bài mà có thể ngăn cản Trung Quốc tuyên bố thành lập một ADIZ tại Biển Đông. Việt Nam có thể tuyên bố thành lập một ADIZ của riêng mình ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, từ đó tái thiết lập một số hình thức quản lý đối với các hòn đảo và như vậy làm suy yếu vị thế của Trung Quốc. Việt Nam và Malaysia có thể kiện Trung Quốc vì đã có những hành động đơn phương tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, những hành động mà theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 là phi pháp. Tất cả những điều này sẽ khôi phục cán cân quyền lực trong khu vực và vô hiệu hóa ADIZ của Trung Quốc. Tuy nhiên, một ADIZ giả định của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á cũng có thể ngăn cản các ADIZ khác. Nếu Bắc Kinh nghĩ rằng một ADIZ sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi nó chưa được hiện thực hóa, thì Trung Quốc sẽ duy trì tình trạng này.

Cuối cùng với loại dự án thứ ba, một ADIZ ở Biển Đông có thể đã được thiết lập nhưng được ngụy trang dưới vỏ bọc một khu vực cấm không sử dụng cái tên ADIZ, hay có thể là một khu vực gần giống ADIZ hoặc trên thực tế là một ADIZ không được công bố nhưng vẫn hoạt động tích cực. Theo quan điểm của thẩm phán người Philippines Antonio Carpio, Trung Quốc đã phát huy hiệu quả của một khu vực gần giống ADIZ bằng cách phát đi các tín hiệu cảnh báo qua sóng vô tuyến yêu cầu các máy bay của Philippines bay qua quần đảo Trường Sa tránh xa khu vực này. Được biết các tàu thuyền và máy bay từ Việt Nam, Mỹ, Úcvà Ấn Độ cũng từng nhận được những tín hiệu cảnh báo tương tự. Tuy nhiên, một khu vực gần giống ADIZ của Trung Quốc dường như bao phủ chưa quá 20 hải lý tính từ bờ biển các cấu trúc địa hình do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông.

Tại sao Trung Quốc cần một ADIZ ?

Mọi người có xu hướng tự nhiên cho rằng ADIZ, đúng như tên gọi của nó là một khu vực phòng thủ trên không hay một công cụ quân sự để kiểm soát lãnh thổ. Thế nhưng giống như bất kỳ thứ gì do con người tạo ra, nó có thể thực hiện nhiều chức năng khác ngoài chức năng được quy định ban đầu. Thứ nhất, ADIZ là một cơ chế cảnh báo sớm. Khi thiết lập ADIZ đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ muốn giảm nguy cơ Nga tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ trên không. Ngày nay, Trung Quốc có thể lo lắng về các hoạt động giám sát và tự do hàng hải của Mỹ hơn là một vụ tấn công bất ngờ, nhưng cảnh báo sớm vẫn còn tốt hơn là không cảnh báo gì.

Thứ hai, ADIZ hoạt động như một khu vực cấm. Đây cũng là một trong những chức năng của ADIZ do Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông. Bằng cách yêu cầu ngay cả các máy bay bay qua không phận quốc tế và không hướng về phía Trung Quốc phải tự nhận diện, ADIZ tạo cơ sở pháp lý để bác bỏ quyền của máy bay nước ngoài trong việc tiếp cận hầu như toàn bộ khu vực biển Hoa Đông. Khi Trung Quốc có các tranh chấp chủ quyền căng thẳng với hầu hết các nước láng giềng giáp biển, một ADIZ có thể đóng vai trò là một chỉ dấu về chủ quyền. Thứ ba, mặc dù bản thân ADIZ không phải là một yêu sách lãnh thổ, nhưng nó có thể được sử dụng như một cách thức thực thi quyền chủ quyền và quyền quản lý đối với không phận của một lãnh thổ. Việc các máy bay nước ngoài chấp nhận hay mặc định sự tồn tại của một ADIZ có thể được hiểu là sự công nhận khả năng thực thi quyền chủ quyền của quốc gia tuyên bố ADIZ đối với một vùng lãnh thổ.

Mặc dù việc triển khai trên thực tế là điều kiện tiên quyết để một ADIZ hoạt động như một cơ chế cảnh báo sớm hay khu vực cấm, nhưng cũng không nhất thiết phải coi ADIZ là một chỉ dấu về chủ quyền. Việc triển khai kém hiệu quả có thể cũng đủ để xác lập chủ quyền và không cần phải có hành động thực thi nào trên thực tế để chứng tỏ sự công nhận của các nước bên ngoài. Thứ tư, giống như mọi vấn đề khác trong lĩnh vực ngoại giao, một ADIZ có thể được tận dụng như một lợi thế, đặc biệt là để nâng cao vị thế của quốc gia tuyên bố thiết lập nó trong một số trò chơi đối với các quốc gia bên ngoài. Đây cũng là một trong những chức năng của ADIZ do Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông. ADIZ này đã củng cố lập trường của Trung Quốc chống lại Nhật Bản trong các tranh chấp liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng cách : (1) Tạo cơ sở pháp lý để Trung Quốc cho các máy bay chiến đấu đáp trả các máy bay của Nhật Bản, (2) mở rộng phạm vi tranh chấp vật lý bao gồm không chỉ các vùng biển tiếp giáp mà cả không phận của các hòn đảo ; (3) tạo ra những sự việc mới trên hiện trường. Như hai nhà phân tích đã lập luận : "Trung Quốc sẽ có được lợi thế chiến lược bằng cách khẳng định lập trường quá khích rồi sau đó lại xuống nước, đồng thời vẫn duy trì một số lợi ích gia tăng – giống như hiệu ứng chốt hãm ngược.

Thứ năm, ADIZ có chức năng báo hiệu. Việc tuyên bố thành lập ADIZ cho dù phải đối mặt với sự phản đối của các lực lượng bên ngoài hay vi phạm luật pháp quốc tế có thể báo hiệu quyết tâm của Trung Quốc. Nó cũng có thể báo hiệu sự giận dữ của Trung Quốc khi phải đối phó với một sự kiện gây tổn hại cho họ trước khi ra tuyên bố thiết lập ADIZ. Ngoài ra, điều này cũng là dấu hiệu cho thấy sức mạnh đáng gờm, trong khi việc triển khai trên thực tế lại thể hiện năng lực. Một số người cho rằng ADIZ có thể được sử dụng để trấn an các nước khác về ý định hợp tác của nước ra tuyên bố về ADIZ. Một nhà quan sát lập luận rằng Trung Quốc đã cố gắng sử dụng ADIZ ở biển Hoa Đông như một công cụ can dự, chứ không phải là công cụ gây hấn. Tuy nhiên, sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với ADIZ của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy chỉ có những kẻ ngu ngốc mới coi đó là tín hiệu của sự hợp tác.

Thứ sáu, ADIZ có chức năng răn đe. Bằng cách báo hiệu về năng lực và sức mạnh đáng gờm, một nước có thể răn đe các nước khác. Thế nhưng, ngay cả khi chưa được thiết lập, một ADIZ giả định cũng có thể được coi là mối đe dọa đối với các nước khác. Trung Quốc đã xây dựng một câu chuyện nhất quán về ADIZ ở Biển Đông và tuyên bố rằng việc họ có thiết lập nó hay không còn phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà họ phải đối mặt. Nếu theo nghĩa này thì có thể nói Trung Quốc đã triển khai việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông.

Khi nào Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông ?

Nếu Trung Quốc muốn sử dụng ADIZ ở Biển Đông cho các mục đích quân sự (cảnh báo sớm và chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập), thì triển khai trên thực tế là một yêu cầu chủ chốt. Với 4 đường băng dài và nhiều cơ sở hạ tầng trên một số đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã có đủ điều kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ này. Tất cả 4 căn cứ không quân trên các hòn đảo nhân tạo này đều có đủ các kho chứa máy bay để tiếp nhận khoảng 24 máy bay chiến đấu và 4-5 chiếc máy bay lớn hơn như máy bay do thám, vận tải, tiếp liệu và ném bom. Ngoài những căn cứ không quân chiếm lĩnh vị trí đắc địa này, kể từ tháng 12/2019, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông tại thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam. Trong khi các sân bay trên các hòn đảo nhân tạo ở giữa Biển Đông có thể tiếp nhận tới 96 máy bay chiến đấu kiểm soát trên không, tàu sân bay Sơn Đông có thể bổ sung 36 chiếc nữa vào đội hình các máy bay chiến đấu kiểm soát trên không có thể cùng lúc hoạt động ở Biển Đông. Khi tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ tiến vào Biển Đông, ADIZ của Trung Quốc sẽ phải đối phó với 90 máy bay chiến đấu, bao gồm 64 máy bay chiến đấu kiểm soát trên không. Tuy vậy, được hỗ trợ của các sân bay trên lục địa, đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm, đá Subi, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và tàu sân bay Sơn Đông, các máy bay thuộc Bộ Tư lệnh Vùng tác chiến phía Nam, bao gồm khoảng 198 máy bay chiến đấu kiểm soát trên không, có thể áp đảo lực lượng không quân của những nước lớn cũng có yêu sách chủ quyền ở Đông Nam Á và một tàu sân bay của Mỹ kết hợp lại.

Ba năm sau khi hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo lớn ở Biển Đông, Trung Quốc đã có năng lực để triển khai một ADIZ cũng như thực thi các yêu sách hàng hải và lãnh thổ của nước này trong khu vực – "đường 9 đoạn" phi pháp. Câu hỏi đối với Trung Quốc ở Biển Đông không phải là liệu nước này có năng lực để thực thi một ADIZ hay không mà là họ muốn gì từ ADIZ, và nếu họ cần phải thiết lập một ADIZ, thì đâu là thời điểm tốt nhất để làm vậy. Nếu Trung Quốc triển khai một ADIZ ở Biển Đông như một chỉ dấu chủ quyền (để đăng ký chủ quyền đối với Biển Đông và có được sự chấp thuận hay thừa nhận của cộng đồng quốc tế), một lợi thế hay một thiết bị báo hiệu, thì một tuyên bố quan trọng hơn việc thực thi trên thực tế. Trung Quốc không cần một ADIZ để báo hiệu sức mạnh và quyết tâm của nước này ở Biển Đông ; riêng các lực lượng bảo vệ bờ biển, dân quân và các tàu khảo sát đã có thể thực hiện công việc đó. Một ADIZ có thể phát đi tín hiệu rõ hơn, nhưng các rủi ro dường như nhiều hơn giá trị gia tăng mà nó mang lại.

Là một chỉ dấu về chủ quyền, ADIZ có thể tốt hơn "đường 9 đoạn" do "đường 9 đoạn" đã bị PCA bác bỏ vào năm 2016. ADIZ cũng có thể là một lợi thế trong các cuộc đàm phán của Trung Quốc với các thành viên ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Kết thúc cuộc chơi của Trung Quốc ở Biển Đông là một trạng thái bình thường mới mà nước này là bên chịu trách nhiệm và công việc của COC theo quan điểm của Bắc Kinh là giữ nguyên trạng thái bình thường mới đó. Do Trung Quốc đã nói với các thành viên ASEAN rằng nước này mong muốn kết thúc các cuộc đàm phán COC vào năm 2021, nên Bắc Kinh cần phải chạy đua với thời gian để tạo ra những thực tế mới trên thực địa và củng cố tình trạng bình thường mới. Sự gây hấn gia tăng đến lượt nó sẽ tạo áp lực buộc nhiều nước thành viên ASEAN phải kết thúc đàm phán. Chính trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã gia tăng các hành động gây hấn ở Biển Đông trong những năm qua, bao gồm cả các hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong EEZ của Việt Nam và Malaysia kể từ mùa Hè năm 2019. Mặc dù Bắc Kinh có thể khai thác ADIZ trong tương lai, nhưng giá trị của nó như một lợi thế có thể được phát huy cao nhất trong các cuộc đàm phán về COC. Nếu ADIZ được sử dụng như một biện pháp răn đe, thì nó sẽ mất giá trị ngay sau khi được công bố. Với năng lực ngày càng gia tăng của mình, Trung Quốc có thể áp đặt các hệ thống cảnh báo sớm và các khu vực cấm dưới những cái tên khác ngoài ADIZ, hoặc nước này có thể vẫn triển khai chúng mà không tuyên bố trên thực tế.

Quy mô và phạm vi của ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc có thể kiểm soát các rủi ro và lợi ích của việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông bằng cách lựa chọn những quy mô và phạm vi bao phủ khác nhau. Nhìn chung, một ADIZ có quy mô rộng lớn hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nước láng giềng hơn và do đó kích động nhiều sự phản đối hơn. Tuy nhiên, lợi ích của một ADIZ không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với quy mô của nó. Một ADIZ sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất cho Trung Quốc khi nó ôm trọn "đường 9 đoạn" – yêu sách thiếu căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông. Một ADIZ có phạm vi lớn hơn sẽ vấp phải nhiều sự phản đối hơn mà hầu như không mang lại thêm lợi ích gì. Có 4 nhóm đảo nằm trong phạm vị "đường 9 đoạn" và tất cả đều đang bị tranh chấp. Những nhóm đảo này đã đem lại cho Trung Quốc 5 lựa chọn chính về phạm vi của một ADIZ ở Biển Đông. Tỷ lệ chi phí-lợi ích của một ADIZ thay đổi theo phạm vi của nó, phụ thuộc vào số lượng và mức độ phản đối của các quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với vùng lãnh thổ trong phạm vi của ADIZ.

Giải pháp thứ nhất là ADIZ sẽ bao trùm quần đảo Hoàng Sa, nằm giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và bờ biển miền Trung của Việt Nam, và hiện đang là mục tiêu tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Quần đảo này đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Giải pháp thứ hai là ADIZ sẽ bao trùm quần đảo Đông Sa (Pratas), nằm cách Hong Kong khoảng 180 hải lý về phía Đông Nam, và hiện đang thuộc quyền quản lý của Đài Loan. Giải pháp thứ ba là gộp hai giải pháp 1 và 2, bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Đông Sa. Giải pháp thứ tư sẽ là mở rộng ADIZ từ bờ biển phía Nam Trung Quốc đến khu vực bao gồm cả quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này hiện đang nằm trong EEZ của Philippines, cách bờ biển nước này khoảng 100 hải lý và được Philippines quản lý ít nhất từ thế kỷ 18 cho đến khi Trung Quốc chiếm giữ nó trong vụ đụng độ năm 2012. Giải pháp thứ năm là ADIZ sẽ ôm trọn "đường 9 đoạn" và bao gồm gần như tất cả các khu vực mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa và những vùng biển ở giữa và xung quanh những cấu trúc địa hình này. Giải pháp này sẽ bị nhiều nước phản đối nhất nhưng đem lại nhiều lợi ích lớn nhất trong số các phiên bản khác nhau của một ADIZ ở Biển Đông.

Cân nhắc mọi thứ

Việc Trung Quốc quyết định thiết lập một ADIZ rất có thể là kết quả của một sự tính toán giữa chi phí và lợi ích. Nếu Trung Quốc có kế hoạch tuyên bố thiết lập một ADIZ ở Biển Đông, nước này có thể sẽ đưa ra thông báo khi các lợi ích dự kiến thu được vượt quá các chi phí ước tính. Những lợi ích chủ yếu bắt nguồn từ tính hữu dụng của ADIZ, còn các chi phí phụ thuộc nhiều vào phản ứng của các nước khác.

Đại dịch Covid-19 và giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán COC, tình cờ diễn ra đồng thời, đã tạo cơ hội cho Trung Quốc tuyên bố về một ADIZ ở Biển Đông. Số lượng chuyến bay qua Biển Đông giảm do ảnh hưởng của các lệnh cấm đi lại nhằm hạn chế sự lây lan của virus và việc các nước đang tập trung đối phó với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 sẽ làm giảm đáng kể phản ứng của nước ngoài. Ngoại trừ Việt Nam, Malaysia và Philippines bị ràng buộc vì tiếp nhận các khoản viện trợ của Trung Quốc để đối phó với Covid-19, mà trớ trêu là đại dịch này lại bắt nguồn từ Trung Quốc. Đồng thời, thời hạn đàm phán COC cũng buộc Trung Quốc phát huy tối đa lợi thế trong một nguyên trạng mới, mà sẽ tồn tại một thời gian sau khi COC được ký kết.

Cán cân quyền lực hiện nay cũng cho thấy các nước khác không thể làm gì khác ngoài những hành động mang tính biểu tượng để thách thức ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính phủ một số nước, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Úc, Anh và Pháp, sẽ thẳng thắn bác bỏ ADIZ của Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết các nước khác, bao gồm một số nước thành viên ASEAN, sẽ chấp nhận trước sức mạnh của Trung Quốc. Mỹ sẽ cho một số máy bay chiến đấu bay vào vùng ADIZ của Trung Quốc trong vài giờ đầu tiên sau khi Bắc Kinh đưa ra tuyên bố về khu vực này, nhưng Lầu Năm Góc sẽ suy tính cẩn thận khi triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công tới những vùng biển thuộc ADIZ của Trung Quốc. Việt Nam và Malaysia có thể công bố ADIZ của riêng mình hoặc có thể không làm vậy. Tuy nhiên, một ADIZ của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thù địch giữa Trung Quốc và hầu hết các nước láng giềng ven biển của mình. Nó cũng sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược trên phạm vi toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như trong khu vực giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Nhật Bản và Ấn Độ. Ngoài ra, ADIZ sẽ khiến cho mối quan hệ Việt-Trung không ngừng xấu đi. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhà ngoại giao quốc phòng hàng đầu của Việt Nam, đã lưu ý trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 1/2014 rằng, một ADIZ của Trung Quốc thậm chí còn nguy hiểm hơn cả "đường 9 đoạn". Nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập một ADIZ ở Biển Đông trong năm nay hoặc năm tới, thì nước này có thể được nhiều hơn mất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, hành động đó của Trung Quốc sẽ chỉ mang lại cho họ một chiến thắng cay đắng.

Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm)

Nguyên tác : Will China Set Up an Air Defense Identification Zone in the South China Sea ?, The National Interest, 05/06/2020

Hồng Quyên giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 22/06/2020

Giáo sư Vũ Hồng Lâm (Alexander Vuving) thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương (APCSS). Bài viết được đăng trên The National Interest.

******************

Liệu Trung Quốc có thành lập ADIZ ở Biển Đông ?

The Economist, Nghiên cứu quốc tế, 22/06/2020

Lần cuối cùng mà ba tàu sân bay Mỹ cùng hoạt động trên Thái Bình Dương là vào năm 2017, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ phá hủy hoàn toàn Triều Tiên. Vào giữa tháng 6 năm nay, một bộ ba tàu sân bay đã trở lại, gồm tàu USS Ronald Reagan và tàu USS Theodore Roosevelt ở Biển Philippine và tàu USS Nimitz ở xa hơn về phía đông. Chúng cùng nhau mang theo nhiều máy bay chiến đấu hơn số máy bay của hầu hết các quốc gia ở Châu Á. Các nhà bình luận Trung Quốc hầu như không nghi ngờ gì về vấn đề mục đích lần này : để cho Trung Quốc thấy rằng bất chấp Covid-19, Mỹ vẫn còn rất mạnh.

adiz4

Binh sĩ hải quân Trung Quốc tuần tiểu trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa - Ảnh minh họa

Các quan chức Mỹ không công khai đến vậy về ý nghĩa của hoạt động này. Nhưng họ rõ ràng thấy lo ngại về những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào ngày 3 tháng 4, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa (xem bản đồ). Vào ngày 10 tháng 6, một chiếc khác đã bị một tàu Trung Quốc đâm va tại cùng khu vực. Vào tháng 4 và tháng 5, các tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã quấy rối giàn khoan West Capella của Malaysia gần Borneo, khiến Mỹ và Úc phải gửi tàu chiến đến theo dõi. Tại quần đảo Trường Sa, lực lượng "dân quân biển" Trung Quốc được ngụy trang thành đội tàu cá, đã lượn lờ gần đảo Thị Tứ, một hòn đảo do Philippines kiểm soát nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng sự mất tập trung do Covid-19 gây ra để tiến hành các "hành vi khiêu khích".

adiz5

Những Vùng ADIZ trên biển Hoa Đông và Biển Đông 2020 - Ảnh minh họa

Va chạm ở Biển Đông không có gì mới. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác, gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, đã cạnh tranh và đụng độ xung quanh các đảo san hô, bãi cát, bãi đá ngầm ở đây. Trung Quốc phần lớn đã nổi lên như kẻ chiến thắng. Và mặc dù hứa hẹn với Mỹ hồi năm 2015 rằng họ sẽ không quân sự hóa khu vực này, nhưng Trung Quốc đã xây dựng các cảng, đường băng và boong-ke ở Trường Sa và lắp đặt tên lửa trên các đảo nhân tạo này.

Gần đây, Trung Quốc đã thắt chặt sự kiểm soát theo những cách tượng trưng. Hồi tháng Tư, họ đã thành lập hai đơn vị hành chính bao trùm Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng được xếp nằm dưới sự quản lý của Tam Sa, một "thành phố" tưởng tượng mà Trung Quốc thành lập năm 2012 để quản lý vùng biển này. Trung Quốc cũng đặt tên cho 80 thực thể địa lý mới ở Biển Đông, bao gồm 55 thực thể chìm. Hiện có suy đoán rằng Trung Quốc có thể chuyển sự chú ý lên vùng trời Biển Đông.

Trong một thập niên qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nung nấu việc thành lập một Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Mỹ là quốc gia đầu tiên tuyên bố thành lập một ADIZ vào năm 1950. Lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ, họ yêu cầu các máy bay chuẩn bị vào không phận của mình phải tuân theo các quy tắc khác nhau, chẳng hạn như thông báo hành trình và điểm đến của chúng. Ít nhất sáu quốc gia khác hiện cũng có những ADIZ như vậy.

Trung Quốc thành lập ADIZ đầu tiên vào năm 2013 trên Biển Hoa Đông. Điều gây tranh cãi là nó bao phủ cả quần đảo Senkaku không có người ở. Quần đảo này do Nhật Bản kiểm soát nhưng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (họ gọi là quần đảo Điếu Ngư). Mỹ đã nhanh chóng cử hai máy bay ném bom bay qua khu vực mà không xin phép Trung Quốc để chứng tỏ Mỹ sẽ không tuân thủ. Nhưng hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã miễn cưỡng đề nghị các hãng hàng không dân sự ưu tiên an toàn và tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang chờ thời điểm thích hợp để tuyên bố kế hoạch thành lập một ADIZ ở Biển Đông, theo South China Morning Post, một tờ báo ở Hồng Kông.

Những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm dấy lên mối lo ngại rằng thời điểm này có thể sắp diễn ra. Một ADIZ ở đây có thể dễ dàng theo dõi hơn so với ADIZ ở Biển Hoa Đông, theo lời Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, một viện nghiên cứu chính sách. Họ có thể sử dụng radar không chỉ trên đảo Hải Nam hay bờ biển Trung Quốc đại lục, mà còn cả những radar mới lắp đặt trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc cũng có thể kiểm soát các vùng trời Biển Đông bằng máy bay giám sát hoặc máy bay chiến đấu, cả hai đều được triển khai trên các đảo này, hoặc các tàu khu trục được trang bị radar. Theo Cooper, Trung Quốc có thể theo dõi "phần lớn các máy bay nước ngoài" bay vào ADIZ này.

Chắc chắn là các máy bay quân sự của Mỹ sẽ làm ngơ các quy định của Trung Quốc, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông. Vậy tại sao phải bận tâm ? Câu trả lời là ngay cả một ADIZ chỉ thành công một phần cũng có thể có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù ADIZ không ngụ ý quốc gia thành lập ADIZ có chủ quyền đối với không phận mà nó bao trùm, nó có thể được sử dụng để thể hiện thẩm quyền. Chẳng hạn, vào năm 2010, Nhật Bản đã mở rộng ADIZ của mình để bao trùm một hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Đài Loan tuyên bố chủ quyền, và đảo này cũng nằm trong phạm vi ADIZ của Đài Loan. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã sử dụng ADIZ hiện có để làm gián đoạn giao thông hàng không dân sự, nhưng có thể coi đây là công cụ để thực hiện điều đó trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Và Trung Quốc có thể nghĩ rằng ADIZ ở Biển Đông là một cách biện minh cho việc tiến hành nhiều cuộc tuần tra bằng máy bay hơn ở đó.

Nhưng cũng có những hạn chế. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông rất mơ hồ. Các bản đồ của họ thể hiện một đường chín đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng Trung Quốc không cung cấp toạ độ cho đường chín đoạn này cũng như không nói rõ ý nghĩa của nó là gì. Ở Biển Hoa Đông, ADIZ của Trung Quốc phần lớn tuân theo thềm lục địa mà họ tuyên bố. Nếu ADIZ ở Biển Đông của họ chỉ được vẽ xung quanh các thực thể phân tán do Trung Quốc nắm giữ, thì nó có thể làm suy yếu nghiêm trọng bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm yêu sách mọi thứ nằm trong đường chín đoạn, theo lời Alessio Patalano thuộc Đại học King London. Nhưng nếu ADIZ bao trùm toàn bộ khu vực trong đường chín đoạn, nó sẽ tạo ra nhiều phản ứng dữ dội. Trong nhiều năm qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm mười thành viên đã bị chia rẽ về cách đối phó với Trung Quốc. Một số thành viên muốn mềm mỏng, trong khi một số ít muốn tỏ ra cứng rắn. Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Tuyên bố thành lập ADIZ có thể làm thay đổi cán cân ngoại giao, theo lời Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore. Các nỗ lực của khối nhằm đàm phán một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để điều chỉnh hành vi tại Biển Đông có thể bị đình chỉ.

Mỹ đã quyết định cử tàu chiến, máy bay không người lái và máy bay ném bom đến tuần tra gần khu vực hoạt động của giàn khoan West Capella (cho đến khi nó rời khỏi khu vực vào tháng 5) và việc Mỹ hiện triển khai ba tàu sân bay là tín hiệu cho thấy Mỹ hỗ trợ cho các đối thủ của Trung Quốc. Trong một lá thư gửi Liên Hiệp Quốc vào ngày 1 tháng 6, Mỹ đã phê phán "các yêu sách biển quá mức" của Trung Quốc. Mỹ đã gửi ngày càng nhiều tàu chiến đến thách thức những yêu sách đó bằng cách đi qua các vùng biển mà Trung Quốc nói rằng họ sở hữu. Chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải như vậy gần đây nhất vào ngày 28 tháng 5 là chiến dịch thứ năm trong năm nay. Ngay cả khi không có ADIZ, đối đầu sẽ ngày càng gia tăng.

The Economist

Nguyên tác : "China’s next move in the South China Sea", The Economist, 18/06/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 22/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn, Mai Vân, Alexander Vuving, Vũ Hồng Lâm, The Economist
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)