Quan ngại về đề án của Hà Nội cho lập bộ Quốc Sử, Quốc Chí Việt Nam
Đề án Lịch sử Việt Nam, còn gọi là Quốc Sử, được xây dựng nhằm nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập, bao gồm Bộ Biên Niên sự kiện lịch sử Việt Nam và Cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.
Trong một tiệm sách cũ ở Hà Nội hôm 4/1/2016. AFP
Báo chí trong nước đưa tin, dẫn lời phó thủ tướng Vũ Đức Đam, rằng mỗi tập trong 25 tập của Bộ Lịch Sử Việt Nam đó được coi là một đề tài khoa học cấp quốc gia.
Về nhiệm vụ "Xây dựng bộ Địa Chí Quốc gia Việt Nam", hay Quốc Chí, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Kim Sơn, cho biết sau gần hai năm tổ chức triển khai, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã thẩm định 28 tập tương ứng với các lĩnh vực, nội dung biên soạn, và hiện đã có 15 tập hoàn tất các thủ tục để triển khai biên soạn.
Theo nhà nghiên cứu sử độc lập, đặc biệt cổ sử Việt Nam và Trung Hoa, ông Phạm Hoàng Quân, Quốc Sử là lịch sử của đất nước, còn Quốc Chí là cách gọi vắn tắt của " Nhất Thống Chí" :
"Đó chẳng qua là địa chí từng tỉnh gộp lại thôi. Một tổng tập như vậy được biên soạn cùng lúc, cùng một tiêu chí thì người ta gọi là "Nhất Thống Chí"
"Tôi nghĩ bộ Quốc Chí sẽ bắt chước mấy bộ Nhất Thống Chí đời xưa mà thường là địa chí của từng tỉnh, đẽo gọt lại cho phù hợp với tiêu chí chung thì thành Quốc Chí thôi. Thí dụ đời Thanh ở Trung Quốc có bộ Nhất Thống Chí đời Thanh, đời Minh cũng có bộ Nhất Thống Chí đời Minh. Việt Nam mình đời Nguyễn có soạn bộ Đại Nam Nhất Thống Chí tới đời vua Duy Tân thì mới xong".
Được biết tại cuộc họp làm việc với Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia ở Hà Nội hôm 17/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cao nỗ lực, tâm huyết của các nhà khoa học đã tham gia biên soạn Quốc Sử, Quốc Chí, nói rằng đề án có ý nghĩa thiết thực đối với xã hội hiện nay và tương lai, phù hợp với chủ trương khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Bìa sách lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí - nhasach.org
Nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân nhận định một cách thận trọng theo quan điểm riêng của ông :
"Thực ra mình chưa đọc được bộ đó người ta viết như thế nào, bây giờ phát biểu sớm không biết đúng hay không. Quan điểm nói chung Quốc Sử là lịch sử tổng quan của một đất nước. Trước đây Viện Hàn Lâm đã chủ trì và đã soạn, đã in ra một bộ 15 tập, tôi nghĩ bộ Quốc Sử này sẽ được phát triển trên bộ 15 tập vừa rồi"
"Bộ 15 tập tôi đã có đọc sơ, đọc những chỗ mình cần đọc, tôi nghĩ cách biên soạn vẫn chưa được khoa học, người ta dồn dữ liệu vô một cách vô tội vạ mà không xử lý. Đó là những điểm cần phải rút kinh nghiệm. Không biết bộ sau này có chỉnh lại được những điều sơ xuất của bộ 15 tập vừa rồi hay không".
Sử học là môn học nghiêm túc, ông Phạm Hoàng Quân khẳng định, người viết sử, soạn sử phải am hiểu lịch sử, văn hóa, khoa học, phải biết đối chiếu sự kiện, làm sao để những tác phẩm sử học càng về sau càng trung thực và khách quan hơn những tác phẩm trước :
"Về phương diện kỹ thuật, tôi thấy bộ 15 tập chưa đúng tinh thần tích kết của một bộ Quốc Sử. Đối với một sự kiện chưa biết rõ, chưa có những dữ liệu để biết chính xác đúng hay sai, người biên soạn Quốc sử sẽ có những cái tồn nghi, tức là vẫn thu nạp dữ kiện đó nhưng phải có những chú giải ngắn gọn để người đọc biết được sự kiện đó chưa chắc là đúng".
"Rất nhiều trường hợp những bộ Quốc Sử vướng vào tình trạng đó, kể cả sử đời xưa và sử cận đại. Có nhiều điểm chưa thống nhất được ý kiến của các nhà nghiên cứu và của những người trong cuộc. Đã có nhiều bài phê bình bộ sử 15 tập của Viện Sử Học cách đây mấy năm, bộ đó nghe nói sẽ phát triển thành bộ Quốc Sử này".
Vẫn tin trên các báo trong nước, ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các nhà khoa học cho rằng chất lượng là yêu cầu của bộ Lịch Sử, có khả năng mang tầm cỡ quốc gia, có tính kế thừa những bộ sử trước đây, có tính cách tổng kết, nâng cao toàn bộ kết quả nghiên cứu của giới Sử học cả nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài về lịch sử Việt Nam trước giờ.
Đề án còn phải tập trung vào các luận giải mới, những đánh giá phù hợp về vấn đề khoa học lịch sử, bảo đảm không sao chép, không trùng lắp với các tác phẩm đã xuất bản, kể cả của chính tác giả.
Cũng là nhà nghiên cứu độc lập, thạc sĩ Đinh Kim Phúc, cho rằng những điều vừa nói nghe thì hay mà không mới, phải nhìn lại quá trình những tài liệu lịch sử cận đại mà Việt Nam đã cho thực hiện, từ đó mới đánh giá bộ Quốc Sử sắp tới có hội đủ chất lượng và điều kiện nêu ra ở trên không :
"Muốn trả lời câu hỏi phải nhìn lại hơn 40 năm trước đây và có thể nói trước 1975, Hà Nội cũng có một bộ Lịch Sử Việt Nam do các giáo sư Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng vân vân. Các giáo sư hàng đầu về sử học của Việt Nam lúc bấy giờ cũng hy vọng và cũng mong muốn có một bộ sử hoàn chỉnh phản ánh đúng lịch sử Việt Nam nhưng đã không làm được. Thời gian gần đây thì bộ chính sử Việt Nam 15 tập do Viện Sử Học biên soạn và xuất bản, giáo sư Trần Đức Cường chủ biên, khi vừa ban hành thì đoạt ngay giải thưởng sách hay năm 2015".
"Nhưng nhìn vào 15 tập này người ta thấy có quá nhiều khiếm khuyết vì các tác giả biên soạn đã tham kiến thức mà cũng không đủ kiến thức để phân tích các sử liệu trước đây của các triều đại phong kiến, cũng như tham khảo các tài liệu của phương Tây để có bức tranh trung thực về lịch sử Việt Nam".
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, lịch sử từ trước đến giờ, hay những chuyên đề lịch sử từng được công bố, được những người ông gọi là các nhà sử học Mác Xít, viết lại theo công thức nói theo, nói leo, nói lại. Nói theo là theo quan điểm của lãnh đạo, nói lại để minh họa ý muốn của lãnh đạo, nói leo là gán ghép cho lãnh đạo những ý tưởng khoa học mà thực chất không chắc lãnh đạo có nỗi tư duy như thế.
Một nền sử học với những áp đặt như vậy, ông Đinh Kim Phúc nói tiếp, khiến môn Khoa Học Lịch Sử của Việt Nam lạc hậu so với thế giới cả 50 năm :
"Các nhà biên soạn lịch sử đã quá chú trong về lịch sử chiến tranh giữ nước, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chứ không đặt trọng tâm từng sự kiện, từng biến cố của lịch sử phải được phân tích một cách khoa học để cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau rút ra những bài học".
Một bộ Quốc Sử mà những 25 tập thì e rằng không có mấy người đọc tới, là góp ý của nhà nghiên cứu sử Phạm Hoàng Quân :
"Sử có nhiều tầng mức để người đọc tiếp cận, thí dụ những bộ sử tổng quan như cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, rồi những bô dài hơn, ba bốn tập như trước đây từng làm. Còn một bộ 15, 20, 25 tập chỉ dành cho những người nghiên cứu và những người làm chính trị chứ không dành cho độc giả đại chúng. Người ta chỉ cần những cuốn sử tổng quan, ngắn gọn khoảng 1.000 trang chứ không cần đến những bộ qui mô, hoành tráng. Một bộ sử mà nó khách quan, thu hút người ta đọc và tin vào đó là phần nào đã đạt được hiệu quả của nó".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã cho ý kiến cụ thể đối với những vấn đề đặt ra trong quá trình biên soạn Quốc Sử, Quốc Chí, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng cao, hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.
Đề hẳn ra một ủy ban cấp quốc gia để soạn thảo Quốc Sử, Quốc Chí, đặt dưới sự chỉ đạo của phó thủ tướng và các ngành bộ, thì phải nói theo ý đảng chứ làm sao mà độc lập, vô tư và khách quan cho được, là nhận định của nhà Sử học chuyên về Á Đông, Đại Học Maine, Hoa Kỳ, giáo sư Ngô Vĩnh Long :
"Ông Alec Issigonis là người vẽ kiểu xe "Mini Cooper" đầu tiên rất nổi tiếng, đã nói rằng " Con lạc đà là con ngựa được thiết kế bởi một ủy ban". Việt Nam đã làm nhiều công trình cấp nhà nước về lịch sử quốc gia, lịch sử kháng chiến, lịch sử kinh tế vân vân… Tuy mất rất nhiều thời gian, có những bộ đã mất hơn chục năm và tốn rất nhiều tiền nhưng chỉ là những công trình thoả hiệp cho lấy có và cho vừa lòng các cấp lãnh đạo".
"Nếu là một pho Sử 15, 20 hay 30 cuốn, và nếu là một công trình thỏa hiệp thì tôi nghĩ không đi đến đâu, chúng ta đã thấy như vậy ở Việt Nam và một vài nước khác".
Và dù như không được lệnh ở trên bảo viết ra sao đi nữa, giáo sư Ngô Vĩnh Long nói tiếp, một công trình mà cả chục người cùng một ủy ban viết ra rồi tranh luận rồi cuối cùng là thỏa hiệp thì :
"Lịch sử mà thỏa hiệp hay viết bất cứ điều gì được thỏa hiệp, thì chắc chắn không có giá trị bởi vì nó không cho ta thấy rõ những khía cạnh khác nhau".
Tóm lại, theo giáo sư Sử học Ngô Vĩnh Long, tốt nhất là để các nhà nghiên cứu độc lập được tự do truy tìm tài liệu và viết theo phân tích cá nhân. Sau đó giới học thuật có thể tự do kiểm chứng. Cũng như tất cả các ngành khoa học khác, giáo sư Ngô Vĩnh Long nhấn mạnh, Khoa học Lịch sử cần được nhìn từ nhiều khía cạnh tương phản, được phân tích qua các phối cảnh khác nhau.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 24/06/2020