Càng đàn áp nhiều thì càng gây ra nhiều oán hờn, phẫn nộ
Song Chi, RFA, 25/06/2020
Nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ
Sáng ngày 24/6 nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm công an, cảnh sát cơ động đến bao vây và bắt đi 3 người trong gia đình dân oan nổi tiếng : bà Cấn Thị Thêu, và hai người con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư. Cả ba người cùng với người chồng, người cha của họ, ông Trịnh Bá Khiêm, đều từng bị nhà cầm quyền bắt vào tù trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền kéo dài nhiều năm ở thôn Dương Nội, ngoại thành Hà Nội. Bản thân bà Cấn Thị Thêu từng bị tù 2 lần.
Chính quyền gia tăng bắt giam và đàn áp những tiếng nói bất đồng : Hội Nhà báo độc lập, vụ Đồng Tâm - Ảnh minh họa
Sau khi ra tù, họ tiếp tục đấu tranh, không chỉ cho quyền lợi của gia đình mình, của bà con Dương Nội mà khi vụ Đồng Tâm xảy ra, anh Trịnh Bá Phương là người đã liên tục đưa tin, hình ảnh, video clip về tội ác chấn động dư luận của nhà cầm quyền đối với dân làng Đồng Tâm và với gia đình cụ Lê Đình Kình, một đảng viên 57 năm tuổi đảng đã bị giết hại dã man, những người khác trong nhà thì bị đánh đập, bị bắt đi…ra sao.
Cũng trong ngày, theo thông tin trên mạng xã hội, còn có 3 người nữa bị bắt : Bà Nguyễn Thị Tâm cũng là dân oan Dương Nội, ông Vũ Tiến Chi, quê Nam Định, cư trú tại Bảo Lộc , Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Cẩm thúy, từng là một giáo viên dạy cấp 2 nhưng đã bị đuổi việc do quan điểm chính trị đối kháng với đảng cộng sản. Cả 6 người trên đều bị bắt giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"- điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Những tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó là gì ? Chẳng hạn, khi khám xét tại nhà Trịnh Bá Tư, trong bài "Kịch bản tồi của công an" đăng trên trang Tiếng Dân, tác giả Hiếu Bá Linh cho biết : gồm có "bài báo "Đảng viên hư trước, làng nước hư theo" của nhà văn Vũ Tú Nam, được đăng trên tờ báo "Người Cao Tuổi" số 1020 và được đăng lại trên tờ "Văn Hóa Nghệ An", "bài báo : Ông Đặng Thành Tâm : ‘Lắm lúc tôi muốn uống thuốc sâu tự tử’. Đó là bài báo đăng trên báo "Tiền Phong", "một tập thơ mỏng, quyển sách "Chính trị bình dân", cái áo in hàng chữ "Dân chủ không phải là tội" và khẩu trang in hình gạch chéo đường lưỡi bò của Trung Quốc"... Không lẽ những bài báo, tài liệu, vật phẩm này là những thứ gọi là chống lại nhà nước ?
Còn trên báo chính thống Người Lao Động thì : "Quá trình điều tra, khám xét nơi ở của hai đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ được một số đồ vật, tài liệu như : "Cẩm nang nuôi tù", "Phản kháng phi bạo lực", "Đặt bàn tay lên Việt Nam", "Chính trị bình dân". Những cuốn sách trên đều mang tên Phạm Đoan Trang cùng một số tài liệu viết tay có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước của các đối tượng" ("Bắt giữ các đối tượng Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư").
Các cuốn sách này rõ ràng cũng chỉ là những lời kêu gọi phản kháng ôn hòa mà thôi.
Nhưng từ trước đến nay có ai lạ gì nhà cầm quyền Việt Nam. Họ muốn bắt ai là bắt, muốn khép tội gì, muốn bẻ cong sự thật thế nào mà chẳng được, khi từ quân đội, công an, luật pháp, tòa án cho tới báo chí truyền thông là trong tay họ.
Sự việc 6 người bị bắt ngày 24/6 chỉ là nối tiếp của hàng loạt hành vi đàn áp gia tăng có hệ thống của nhà cầm quyền trong những năm qua. Chỉ riêng trong vòng 1, 2 năm, đã có hàng loạt những người bất đồng chính kiến ôn hòa bị bắt.
Nhà báo, nhà văn, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng bị bắt ngày 21/11/2019 cho đến nay vẫn chưa được đem ra xử. Nhà báo Phạm Chí Dũng là chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông bị bắt cùng một tội danh thuộc điều 117 Bộ Luật Hình sự nói trên. Trước đó ông từng bị công an Việt Nam bắt và câu lưu hai lần vào năm 2012 và 2015 với các tội danh tương tự nhưng sau đó được thả ra.
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan vào tháng 1/2019 sau khi tới UNHCR tại Bangkok xin tị nạn chính trị, và bị kết án 10 năm tù sau phiên tòa tháng 3/2020. Trước đó ông từng bị tù 2 năm tù (2013-2015) vì vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự do một số bài viết chỉ trích nhà cầm quyền trên blog "Một góc nhìn khác".
Nhà văn Phạm Thành, blogger Bà Đầm Xòe, bị bắt ngày 21/5/2020. Nhà văn Phạm Thành là người từng viết một số cuốn sách phê phán chế độ như tiểu thuyết "Cò hồn Xã nghĩa", "Nền Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuống hố cả lũ", hoặc phê phán Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam : "Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo".
Thêm 2 người nữa cũng thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam là blogger Nguyễn Tường Thụy bị bắt ngày 23/5 và Lê Hữu Minh Tuấn, tên thường gọi Lê Tuấn, hội viên, bị bắt ngày 12/6.
Nhà báo, blogger Phạm Đoan Trang viết trên facebook của mình : "So với hai thành viên bị bắt trước đây là ông Phạm Chí Dũng (SN 1966, bị bắt ngày 21/11/2019) và ông Nguyễn Tường Thụy (SN 1952, bị bắt ngày 23/5 vừa qua), thì Lê Tuấn còn rất trẻ, mới ngoài 30 tuổi (sinh ngày 20/3/1989), quê gốc Quảng Nam…Việt Nam lại có thêm một tù nhân lương tâm rất trẻ".
Tổ chức Human Rights Watch có bài : "Việt Nam : Gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa. Làm sóng bắt bớ mới trước Đại hội đảng lần thứ 13" có nhắc tên 8 người bị bắt giữ và kết án với các tội danh chính trị kể từ cuối năm 2019 đến tháng Sáu năm 2020 là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn. Phạm Chí Thành, Trần Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy, thuộc Hội Nhà báo độc lập, nhóm nhân quyền Hội Anh em Dân chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập.
Ngoài ra bài viết cũng nhắc đến một số trường hợp khác. Có cả người Việt ở hải ngoại như trường hợp ông Châu Văn Khảm, người Úc gốc Việt bị kết tội "khủng bố"và kết án 12 năm tù giam vào tháng 11/2019. Bài báo "Một người Australia đón tuổi 71 sau song sắt ở Việt Nam" trên trang Human Rights Watch ngày 15/6/2020 viết :
"Mặc dù các cáo buộc có tính chất nghiêm trọng như vậy, nhưng bàn cáo trạng không nêu được một hành vi bạo lực hoặc ý định sử dụng bạo lực nào của ông Châu hay các đồng bị cáo người Việt của ông. Thay vào đó, tòa án chỉ ra các bằng chứng về liên hệ và các hoạt động của ông với một đảng chính trị đối lập, Việt Tân, đang hoạt động công khai và hợp pháp ở nhiều quốc gia trong đó có Australia, nhưng bị Hà Nội tùy tiện dán nhãn "khủng bố".
Những người bị bắt là ai ?
Trừ 1, 2 trường hợp hiếm hoi người bị bắt là người Việt ở hải ngoại, những người bị bắt đều sinh ra, lớn lên trong lòng chế độ này, có những người từng là cựu chiến binh của quân đội cộng sản như ông Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, có người là đảng viên đảng cộng sản, cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh như nhà báo Phạm Chí Dũng, hoặc từng hoạt động trong hệ thống báo chí nhà nước như nhà báo Trương Duy Nhất, báo Đại Đoàn Kết, nhà văn Phạm Thành Nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam…
Còn những người khác là những người dân bình thường, vì mắt thấy tai nghe những sự bất công, sai trái của chế độ mà viết bài trên facebook rồi bị bắt, hoặc là dân oan như gia đình bà Cấn Thị Thêu, bà Nguyễn Thị Tâm.
Không một ai trong số họ có thể là mối nguy hiểm cho chế độ. Không vũ khí, không lực lượng, cũng không kêu gọi bạo lực lật đổ chế độ, họ chỉ cất lên tiếng nói hoặc bài viết phản biện, chỉ trích một cách ôn hòa. Ở bất cứ một quốc gia tự do dân chủ nào khác thì họ chỉ đang thực hiên quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền căn bản của con người, của công dân.
Nhưng với một chế độ độc tài toàn trị như chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam thì mọi tiếng nói chỉ trích đều không được phép, còn đất đai thì tiếng là thuộc quyền sở hữu của toàn dân nhưng lại do nhà nước quản lý nên nhà nước muốn lấy lại lúc nào là lấy, và đền bù cho người dân với giá rẻ mạt trong khi họ bán lại cho các tâp đoàn đầu tư kinh doanh với giá gấp hàng chục lần. Chính cái điều luật đất đai bất công này đã tạo ra hàng vạn, hàng triệu dân oan khắp ba miền với bao nhiêu thảm cảnh, bao nhiêu oán hờn mà vụ Đồng Tâm chỉ là một vụ tàn bạo nhất.
Khi con số người bị bắt ngày càng nhiều, khi những bản án ngày càng nặng nề phi nhân thì điều lạ lùng là những người bị bắt cũng ngày càng bình thản, hiên ngang, không một ai trong số họ sợ hãi. Đọc bài "Cha của Trịnh Bá Phương kể về việc con trai và vợ bị bắt", BBC, hay những lời của nhà văn Phạm Thành nói với vợ, anh Trịnh Bá Phương livestream trước lúc bị bắt, những lời nói của nhà báo Trương Duy Nhất trước tòa…đều bình tĩnh, bất khuất. Khác một trời một vực với thái độ của các quan tham khi bị kết án.
Tất cả những người lên tiếng ở Việt Nam đều hiểu sẽ phải trải qua đủ thứ "khổ nạn" cũng như sẽ có ngày bị bắt, bị cầm tù… và họ đều dó tâm lý chuẩn bị cho điều đó.
Ngoài việc gia tăng bắt bớ với những tội danh mơ hồ là những phiên tòa chóng vánh nhưng bản án thì càng ngày càng nặng nề. Trước kia những bản án dành cho người bất đồng chính kiến chỉ chừng 2,3, 5 năm, cao nhất là trường hợp kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, bây giờ chỉ riêng "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều luật 117 đã bị phạt tù từ 5 đến 12 năm, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Thậm chí chuẩn bị phạm tội cũng bị phạt từ 1 đến 5 năm !
Có trường hợp như ông Lê Đình Lượng, vì vận động một cách ôn hòa cho những người ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường mà bị khép tội "Lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật hình sự Việt Nam và bị kết án 20 năm.
Chế độ tàn bạo, không chính danh nên luôn sợ hãi
Câu hỏi tại sao nhà cầm quyền ngày càng gia tăng đàn áp, bắt bớ mặc dù trong mấy năm gần đây phong trào đấu tranh ở Việt Nam có vẻ như bị chững lại và cũng không có những vụ xuống đưởng biểu tình rầm rộ như trước kia, với đủ lý do như phản đối sự hung hăng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, biểu tình chống đặc khu, chống formosa xả thải ra biển, chống giải tỏa cướp đất v.v… ? Và nhiều người bị bắt nếu không xấp xì tuổi 70, thì đa phần cũng là phụ nữ chân yếu tay mềm, có làm gì được chế độ ?
Có rất nhiều lý do. Nhìn chung, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam mạnh tay hơn có lẽ vì họ thấy bây giờ từ Mỹ cho tới các nước phương Tây còn có quá nhiều vấn đề nội bộ phải lo, chả nước nào thật sự quan tâm đến hồ sơ nhân quyền tệ hại của chế độ Hà Nội nữa, nên họ có làm gì cũng chẳng bị trừng phạt như trước.
Trong bài "Một người Australia đón tuổi 71 sau song sắt ở Việt Nam" trên trang Human Rights Watch đã nhắc đến ở trên cũng viết :
"Nhưng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam ít khi được nêu trong tin tức quốc tế. Chính phủ Australia, do lo ngại về ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, nói chung vẫn dè dặt không đưa ra quan điểm công khai và có nguyên tắc về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump chỉ nêu các vấn đề về nhân quyền khi nào thấy có lợi về chính trị. Liên minh Châu Âu vừa hoàn tất một Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam, bỏ qua phần lớn các quan ngại của các nhà vận động về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội".
Sự thiếu vắng các tiếng nói nêu trên chắc chắn đã khiến chính quyền Việt Nam bạo dạn hơn trong việc gia tăng các nỗ lực truy đuổi và bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến".
Trong một số trường hợp, lại có những lý do riêng. Với những người viết sách, viết báo phê phán đích danh một nhân vật lãnh đạo cao cấp thì bị trả thù, như trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất viết về ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, nhà văn Phạm Thành viết về ông Nguyễn Phú Trọng, nhà báo, blogger, dịch giả Lê Anh Hùng thường xuyên có bài tố cáo một số quan chức cộng sản (bị bắt ngày 5/7/2018 sau đó từ ngày 1/4/2019 bị đưa vào bệnh viện tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội, ép buộc điều trị tâm thần để hủy hoại sức khỏe). Có trường hợp như gia đình anh Trịnh Bá Phương, vì nhà cầm quyền chuẩn bị đưa 29 người dân Đồng Tâm ra xét xử nên họ muốn trừng trị và bị miệng luôn những người đã đưa tin về vụ việc này…
Nhà cầm quyền Việt Nam đặc biệt lo ngại với những trường hợp tụ họp thành nhóm, thành tổ chức như Hội Nhà báo Độc lập, nhóm nhân quyền Hội Anh em Dân chủ, các tổ chức tôn giáo… cho dù những nhóm này hoạt động công khai và hết sức ôn hòa.
Nhưng có lẽ lý do lớn nhất vẫn là từ sự hoảng sợ sâu thẳm bên trong của nhà cầm quyền. Dù có đủ mọi thứ trong tay, từ quân đội, công an, tòa án, báo chí truyền thông, đội ngũ dư luận viên đông đảo…còn đại đa số người dân thì không quan tâm gì đến chính trị, nhưng họ vẫn sợ.
Có một sự thật rành rành là nếu nhìn bên ngoài thì chế độ này vẫn vững vàng, xã hội vẫn "ổn định" về mặt chính trị, nhưng bên trong là cả một sự bế tắc, loay hoay từ lý luận, lý tưởng, đường lối, mô hình thể chế cho tới việc không tìm ra những gương mặt lãnh đạo có tài. Theo dõi báo cáo của ông Giáo sư Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Hội nghị báo cáo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức sáng 10/6 về Dự thảo văn kiện Ðại hội XIII là có thể thấy rõ sự bế tắc, loay hoay đó.
Cùng với sự bế tắc là nỗi lo bất ổn từ trong nội bộ "Cán bộ, đảng viên suy thoái là thế lực thù địch rất khó đấu tranh" (Thanh Niên) theo ông Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng. Chưa kể nền kinh tế sa sút do làm ăn bết bát, tham nhũng nặng nề, và cả ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tài nguyên cạn kiệt, và những đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Tất cả khiến nhà cầm quyền Việt Nam tưởng là vững, là ổn định mà như đang ngồi trên đống than âm ỉ không biết bùng cháy từ lúc nào.
Nhưng thay vì "làm nguội tình hình" bằng cách khoan sức dân, nới rộng quyền tự do dân chủ cho người dân, sửa sai những điều luật bất công, thì nhà cầm quyền lại gia tăng đàn áp. Một chế độ không chính danh, chưa bao giờ do dân bầu lên, chỉ tồn tại bằng bạo lực, chuyên dùng một cái sai lớn hơn, một cái ác tàn bạo hơn để che lấp một cái sai, một cái ác trước đó nên luôn bất an và luôn nhìn dân như kẻ thù. Nhưng càng đàn áp thì càng gây nên nỗi căm phẫn dồn nén trong nhân dân. Chính đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đang tự đào hố chôn dần mình chứ chứ không phải bất cứ một "thế lực thù địch", "thế lực ngoại bang" nào khác.
Song Chi
Nguồn : RFA, 25/06/2020 (songchi's blog)
********************
Bắt đối kháng, bao nhiêu thì đủ ?
Trân Văn, VOA, 26/06/2020
Hôm 24, công an nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thực hiện lệnh tạm giam hàng loạt những cá nhân có dấu hiệu phạm tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Từ trái sang, bà Cấn Thị Thêu, anh Trịnh Bá Phương, anh Trịnh Bá Tư, bà Nguyễn Thị Tâm, bị bắt ngày 24/06/2020. Photo Facebook và YouTube.
Ở Hà Nội có ông Trịnh Bá Phương (35 tuổi), bà Nguyễn Thị Tâm (48 tuổi), cùng ngụ tại phường quận Hà Đông. Ở xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình có bà Cấn Thị Thêu (58 tuổi), ông Trịnh Bá Tư (36 tuổi) bị bắt (1).
Ở Khánh Hòa có bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy (44 tuổi), ngụ tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa bị bắt (2). Ở Lâm Đồng có ông Vũ Tiến Chi (54 tuổi), ngụ tại thành phố Bảo Lộc bị bắt (3)…
Trong sáu người bị bắt, có hai người (bà Tâm và bà Thêu) từng bị bắt, có hai từng biết rất rõ giá phải trả nếu bị bắt (ông Tư và ông Phương – con trai của bà Thêu), có hai (bà Thúy và ông Chi) liên tục được "nhắc nhở, giáo dục"… Tuy nhiên cả sáu không sợ, họ vẫn tiếp tục nói những điều họ thấy cần nói, làm những điều họ tin là cần làm. Rõ ràng trại giam và rất nhiều phương thức "nhắc nhở, giáo dục" không đạt hiệu quả răn đe. Cuối cùng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đành mang cả sáu đi… cất !
***
Ở xứ sở mà phát biểu, chia sẻ những thông tin, ý kiến, khác với quan điểm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sẽ bị xem là phạm tội nào đó trong chương về "tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia", phản ứng của công chúng sau khi sáu nhân vật vừa kể bị chính quyền tống giam chỉ ra một nghịch lý, số người công khai bày tỏ sự khinh miệt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền càng ngày càng… đông ! Việc tổ chức bắt giữ hàng loạt trong một ngày chỉ khiến thiên hạ giận, chứ không làm họ… sợ !
Đoàn Bảo Châu nhắc lại chuyện gia đình bà Thêu từng bị cưỡng đoạt đất như bà Tâm và nhiều gia đình nông dân khác ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội… Họ phản kháng đầu tiên là để bảo vệ cho các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của họ, từ đó, họ phản kháng cho người khác. Châu bảo, ông không biết hết những việc họ làm và không đủ thông tin nên không biết những cáo buộc vừa công bố có đúng hay không ? Châu chỉ thắc mắc, việc bắt giữ họ có hợp với lòng người không ?
Châu tin rằng, việc dân chúng đấu tranh với những sai trái là điều cần thiết đối với một xã hội muốn phát triển theo con đường văn minh. Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhiều lần thú nhận bất lực trước những biểu hiện vô đạo của các thành viên trong hệ thống thì tại sao lại bắt bớ, bịt miệng những cá nhân phản biện vốn hiếm hoi như những người vừa bị bắt ? Chẳng lẽ các vị định biến 90 triệu dân thành những con cừu phục tùng vô điều kiện, bị đối xử thế nào cũng ngoan ngoãn chấp nhận ?
Trên mạng xã hội, không ít người trăn trở như Đoàn Bảo Châu : Tương lai quốc gia sẽ ra sao khi dân không thể mở miệng nói về điều khiến họ bức xúc. Triệt tiêu phản biện chính là giết đi sức sống nội tại của một dân tộc và là một tội ác với dân tộc, với tổ tiên. Các vị định dùng nỗi sợ để cai trị con người ? Nếu một dân tộc chỉ hành động theo nỗi sợ, dân tộc ấy sẽ thoái hoá thành một dân tộc nô lệ. Chính sự hèn nhát, tuân phục ấy sẽ khiến kẻ xấu mặc sức tung hoành, mặc sức cướp phá tài nguyên của đất nước (4).
Cũng với cách nhìn ấy, Trương Nhân Tuấn cho rằng, bà Thêu và các con bà là "tiếng nói" của những người bị áp bức, những đại diện chính đáng của tầng lớp "dân oan" - tầng lớp "vô sản chân chính". Giết ông Lê Đình Kình, bắt giam gia đình, dòng họ ông Kình, bắt bà Thêu và các con cho thấy, Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành một tập đoàn phản bội đồng chí, phản bội giai cấp, lộ diện là một tập đoàn vô lương, một thứ "ngụy quyền" sử dụng bạo lực và sự láo khoét để lừa bịp và trấn áp dân chúng (5).
Giống như Trương Nhân Tuấn – người tin rằng, nỗ lực nhốt hết những người chống đối là một nỗ lực vô vọng vì không thể bắt hết 100 triệu dân Việt Nam, Từ Thức nhận định, bắt giữ như chính quyền Việt Nam vừa làm rất dễ nhưng không dập tắt được bạo loạn, trái lại, chỉ làm cho sự phẫn nộ gia tăng. Có thể làn sóng bạo hành, nhằm gieo kinh hoàng trên đầu dân chúng theo kiểu Lê Nin sẽ làm giảm bớt sự chống đối trong một thời gian ngắn nhưng sẽ làm cho ngọn lửa bất mãn âm ỉ, chờ bùng nổ.
Dẫn một nhận định của Diderot từ thế kỷ 18 : Dưới bất cứ chính phủ nào, thiên nhiên đã đặt những giới hạn cho cho sự bất hạnh của người dân. Đi quá giới hạn đó, sẽ là cái chết, sự chạy trốn hay sự nổi loạn – Từ Thức ngậm ngùi : Sức chịu đựng của người Việt Nam quả thực khủng khiếp nhưng hiện tượng những nông dân như bà Thêu, bà Tâm,… can đảm đứng dậy, bất chấp hiểm nguy, chứng tỏ "giới hạn" đó đã bị vượt qua. Do vậy : Hố giữa dân và tập đoàn cầm quyền sẽ không ai lấp nổi (6) !
***
Sau khi những người theo sát, liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến cuộc tấn công sát hại cụ Lê Đình Kình và tống giam khoảng 30 người để dập tắt phản kháng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội – đồng loạt bị bắt hôm 24/6, Le Thanh Truong – sống tại Đà Nẵng, gửi một thư ngỏ cho những người dùng mạng xã hội Việt ngữ ở thành phố ven biển này để hỏi : Bạn có từng biết chuyện đó không ? Bạn nghĩ thế nào về chuyện đó ?
Không rào đón, Truong thẳng tưng tới mức có thể xem là sỗ sàng : Nếu bạn không từng biết, bạn không quan tâm, tôi tôn trọng sự ngu si của bạn ! Nếu bạn có biết và bạn lựa chọn im lặng để an toàn, tôi tôn trọng sự hèn hạ của bạn. Đó là những lựa chọn không ai áp đặt được. Còn nếu bạn biết và muốn làm một điều gì đó để hiệp thông với các nạn nhân, để biểu tỏ thái độ của một công dân, một con người tự do, tôi rủ bạn hãy cùng tôi tổ chức một cuộc BIỂU TÌNH.
Truong thừa nhận, tiếng nói của chính mình nhỏ nhoi, không đủ trọng lượng để thuyết phục tất cả mọi người trên khắp Việt Nam nhưng Đà Nẵng là nơi Truong có thể với tới và nắm tay những người ngụ cùng một thành phố. Truong kêu gọi : Tụi mình hãy xuống đường thử một lần để nói ý kiến của chúng ta về#Đồngtâm, về vụ bắt bớ gần như toàn gia #Cấnthịthêu và nếu có thể, về bất cứ tội ác nào mà Đảng cộng sản Việt Nam đã gieo rắc trên đất nước này.
Tại sao Le Thanh Truong quyết liệt như vậy ? Facebooker này giải thích : Bởi nếu không, ngày mai liệu bạn sẽ thức dậy với ý nghĩ nào ? Rằng ta đang an toàn, ta đang tự do, ta đang hạnh phúc ? Hay ta đang có những lo âu sát sườn về cơm áo, về vợ chồng con cái gia đình ? Tôi nói cho bạn hay một điều tối hậu : Nhìn đồng loại đang bị xẻ thịt mà vẫn "an yên" sống phần mình, đó là việc của loài vật. Con người không phải như thế(7) !
Trân Văn
VOA, 26/06/2020
Chú thích
(2) http://www.congankhanhhoa.gov.vn/bat-tam-giam-doi-tuong-dot-co-to-quoc_446546_1_2_article.html
(4) https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/10158299387498965
(5) https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/3313122058719573
(6) https://www.facebook.com/tu.thuc.39/posts/2690789104540484
(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3612489828765965
******************
Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt
Nguyễn Lân Thắng, RFA, 25/06/2020
Chiều ngày 17/12/2012, phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 68, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh vai trò của lực lượng công an, trong đó có một chỉ đạo rất rõ ràng là : "Cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi ngược với lợi ích của đất nước và nhân dân". Chỉ đạo này không thể xuất phát từ một mình ý kiến chủ quan của đồng chí X, mà chắc chắn phải từ một cấp cao hơn, đó là ý chí của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày 17/12/2012, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo : "Cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập…"
Với chỉ đạo đó, ngành công an trong suốt giai đoạn từ năm 2013 đến nay đã nỗ lực đập tan mọi cuộc biểu tình yêu nước, mọi tổ chức xã hội dân sự, mọi lực lượng dân oan. Không chỉ ngành công an, các lực lượng khác như nhóm VietVision, hội cờ đỏ Nghệ An, Đoàn thanh niên... và đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ đã được hình thành, kiện toàn và phát triển trên cả nước, hòng có đủ sức mạnh để khủng bố, trấn áp các gương mặt đối lập cũng như dập tắt mọi cuộc biểu tình.
Năm 2018 ngoài dự luật đặc khu đầy tai tiếng gây ra nhiều vụ biểu tình ở cả hai đầu đất nước, một bộ luật nguy hiểm khác là luật an ninh mạng đã được ban bố và thi hành triệt để hòng tiêu diệt mọi tiếng nói phản kháng, bất kể người đó có là gương mặt nổi trội trong phong trào đấu tranh hay không.
Hơn ai hết, với kinh nghiệm gần 100 năm xách động quần chúng, tổ chức cơ sở, tuyên truyền đường lối... đảng cộng sản đã cho thấy khả năng nắm bắt và dập tắt đối kháng xã hội của họ một cách tuyệt vời như thế nào. Đảng không từ mọi thủ đoạn, từ những việc như khủng bố chỗ làm, chỗ ở, bôi nhọ trên truyền thông, tác động đến gia đình, cấm xuất cảnh, giam lỏng khi có sự kiện, mời "làm việc" liên tục... cho đến việc bỏ tù vô tội vạ rất nhiều người có ý đồ phản kháng, hay dù chỉ là buông lời phê phán chuyện nhỏ gì đó mà thôi.
Những sự kiện từ việc Đồng Tâm hôm đầu năm, hay việc bắt bớ 4 thủ lĩnh dân oan Dương Nội hôm qua 24/6/2020 cho thấy nỗ lực điên cuồng của hệ thống chính trị này trong việc bằng mọi giá "Không cho phép hình thành các tổ chức chính trị đối lập". Bất cứ nhóm người nào dù là trí thức, công nhân hay nông dân mà nổi lên thành hội nhóm có uy tín một chút là bị trấn áp hay tiêu diệt ngay, kể cả đảng viên như là cụ Lê Đình Kình.
Chủ trương đó là ý chí sắt đá, xuyên suốt toàn đảng, toàn chính phủ, toàn công an, toàn tòa án, toàn báo chí... không phụ thuộc vào ai hay phe nhóm nào đang nắm quyền hành tối cao trong hệ thống chính trị. Đồng chí X, người đầu tiên phát biểu ra công khai chủ trương này đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nhưng đồng chí Y, dù tuổi cao sức yếu chân đi lập cập, dù là kẻ thù không đội trời chung với đồng chí X... vẫn tiếp tục và chỉ đạo thực hiện xuất sắc chủ trương này.
Phải nói cho rõ như vậy để thấy, nếu có đồng chí Z nào đó xuất hiện sau đại hội 13 đi nữa thì đừng ai mơ tưởng hão huyền là chủ trương đó sẽ thay đổi. Nếu nhìn xa hơn nữa trong lịch sử, từ việc Phan Bội Châu bị bán cho mật thám Pháp, vụ Ôn Như Hầu, Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm... đàn áp đối lập là một đặc tính bộc lộ ra bên ngoài từ bản chất độc tài toàn trị bên trong của những người đi theo lý tưởng cộng sản.
Trong bối cảnh khủng bố tang thương này, tôi biết có nhiều bạn hoang mang, nhiều người tự hỏi cuộc đấu tranh này sẽ đi về đâu, nhất là đấu tranh về quyền tư hữu đất đai khi không còn có những thủ lĩnh dẫn dắt. Xin thưa rằng có mấy vấn đề sau.
Một là, Karl Marx từng viết : Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Khi mà những người cầm quyền cộng sản còn dùng nòng súng và nhà tù của mình để bắt trí thức im miệng, để cướp đất của nông dân, để mặc cho giới chủ bóc lột sức lao động của công nhân... thì ngày đó sẽ còn có lực lượng đấu tranh. Bắt người này sẽ có người khác. Đàn áp nhóm này sẽ có nhóm khác. Và lực lượng này sẽ ngày càng đông lên, vì động tới một người là thức tỉnh cho cả gia đình, cả dòng họ và cả bạn bè gần xa của những người đó. Đó là một quy luật tất yếu, trong lịch sử không triều đại bạo nghịch mất lòng quần chúng nào tồn tại được mãi đâu.
Hai là, với sự giao thoa toàn cầu về tri thức, về công nghệ, về văn hoá... các nhóm đối kháng đang có sự thay đổi cực kỳ linh hoạt về cách thức tổ chức, cách thức vận động tập hợp con người. Đừng nghĩ bắt đi mấy thủ lĩnh dân oan bây giờ là họ như rắn mất đầu. Đừng nghĩ phong trào đối lập quanh đi quẩn lại chỉ có mấy đoàn dân oan. Đàn áp xong mấy nhóm cũ, các nhóm đối lập mới sẽ lại nổi lên, với phong cách và phương thức tổ chức mới, khôn khéo hơn. Tổ chức mà không có tổ chức. Tổ chức mà không cần thủ lĩnh. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh một cách linh hoạt, khó có lý do gì để đàn áp công khai.
Ba là, rất nhiều rất đông cán bộ đảng viên đã âm thầm hợp tác với phong trào đối lập, và phá ngầm tổ chức đảng, tổ chức chính quyền từ ngay bên trong. Cứ hỏi tại sao bây giờ bao nhiêu chuyện cơ mật lại cứ tòi hết ra bên ngoài ? Cứ nghĩ xem tại sao nhiều nơi các đồng chí còn phải cảnh giác với nhau còn hơn với "bọn phản động". Những người như thế ngày càng đông và chỉ chờ cơ hội chín muồi là sẵn sàng bước ra ánh sáng hợp tác với lực lượng chính trị mới.
Bốn là... thôi tính cách bắt tôi đi. Có thể lúc đó may ra vui thì tôi sẽ kể nốt chuyện cho mấy vị nghe. Ngu gì tôi nói ngay ra bây giờ, đâm mất hứng. Những trò bắt bớ vừa xong có thể làm hoang mang vài người mới quan tâm đến chuyện xã hội. Nhưng với tầm cỡ như mấy người quý vị vừa bắt thì e là kẻ hoang mang lại chính là cán bộ điều tra, chính là cán bộ trại giam. Xem ra những thách thức mà đảng cộng sản lúc này phải đối mặt cao như đỉnh núi, nhiều lúc ngắm cái cảnh cán bộ đảng viên phải đối phó với dân bây giờ thấy mà thương. Thế nước có thể chuyển bất cứ lúc nào, liệu đàng mà chọn phe. Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 25/06/2020 (nguyenlanthang's blog)
**********************
Ngày thứ tư đen
Nguyễn Vũ Bình, RFA, 24/06/2020
Hôm nay, ngày 24/6/2020, cũng là ngày thứ tư trong tuần. Mới sáng sớm đã thấy có người đứng canh trước cửa nhà, tôi thấy có chuyện lạ, quay trở vào mở facebook thấy ngay video clip Trịnh Bá Phương đang quay việc công an đến nhà dùng kìm cộng lực cắt khóa để xông vào bắt mình. Chỉ ít phút sau thì clip bị tắt, và thông tin về việc Trịnh Bá Phương và mẹ là chị Cấn Thị Thêu đã bị bắt đưa đi.
Chị Nguyễn Thị Tâm (thường gọi là Tâm Dương Nội)
Liên tục trong buổi sáng cập nhật thêm các thông tin bắt chị Nguyễn Thị Tâm (thường gọi là Tâm Dương Nội) khi chị đang đi chợ, sau đó nhà cầm quyền khám nhà và tịch thu một số đồ đạc. Rồi thông tin Trịnh Bá Tư ở Hòa Bình do bố là Trịnh Bá Khiêm thông báo, Tư bị công an đến nhà đọc lệnh bắt khởi tố, tạm giam.
Buổi chiều, thông tin về việc bắt anh Vũ Tiến Chi, sinh năm 1966, người Nam Định sống ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khép vào tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 117 bộ Luật Hình sự. Sau đó là thông tin bắt chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy (sinh năm 1976, trú tại thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cũng theo điều 117 bộ Luật Hình sự. Cùng ngày, công an thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tạm giam bà Phan Thị Thanh Hồng (51 tuổi, ngụ quận 1) để điều tra tội "gây rối trật tự công cộng", với lý do bà đi khiếu kiện nhưng làm mất trật tự ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, ngày 24/6 chính là ngày thứ tư đen với 7 người bị bắt trên khắp cả nước.
Có thể nói, từ ngày 30/7/2017, ngày nhà cầm quyền khởi tố, bắt tạm giam 4 người hoạt động trong Hội Anh Em Dân Chủ, chưa có ngày nào, an ninh và nhà cầm quyền lại bắt nhiều người như vậy. Trong vòng hơn một tháng, tính từ ngày nhà báo Phạm Thành bị bắt (21/5) đến hôm nay, nhà cầm quyền đã bắt giam 12 người !
Trước hết, nói về 3 người trong gia đình dân oan Cấn Thị Thêu. Gia đình chị Thêu là dân oan thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đồng đã bị nhà cầm quyền thu hồi đất đai với giá rẻ mạt, sau đó phân lô bán nền với giá gấp hàng trăm lần. Gia đình chị và nhiều hộ trong thôn không đồng ý đã đi khiếu kiện hơn 10 năm trời. Hai vợ chồng chị đã từng bị nhà cầm quyền cho người cưỡng chế đất đai, đánh đập sau đó bị bắt giam, khởi tố. Chị đã hai lần bị nhà cầm quyền kết án chỉ vì đòi quyền lợi chính đáng cho gia đình và bà con Dương Nội. Chị và gia đình cũng đã hòa chung vào công cuộc đấu tranh của dân oan khắp nơi, và với những người phản biện, hoạt động đấu tranh dân chủ.
Hai con trai của chị Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư là những người nông dân cần cù, chịu khó. Cũng cùng chị và gia đình đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của gia đình và bà con. Thời gian xảy ra vụ Đồng Tâm (ngày 09/01/2020) đến nay, anh Phương và anh Tư là hai người tích cực đưa thông tin từ Đồng Tâm tới đông đảo người dân quan tâm và cộng đồng mạng. Từ những hoạt động trước đây của hai anh, cộng với việc đưa tin về vụ Đồng Tâm đã dẫn tới việc hai anh bị khởi tố bắt tạm giam ngày hôm nay (24/6).
Chị Nguyễn Thị Tâm, còn gọi là Tâm Dương Nội cũng có quá trình đấu tranh để giữ đất cùng bà con Dương Nội. Chị Tâm cũng tham gia tích cực vào việc đưa sự thật về vụ Đồng Tâm tới cộng đồng mạng. Ngoài ra, chị có những clip đấu tranh với những dư luận viên, với những kẻ tới canh, chặn nhà không cho chị ra khỏi nhà mỗi khi có việc canh, chặn những người hoạt động và đấu tranh ở Hà Nội. Có thể tổng kết rằng, những người bị bắt ở Dương Nội hôm nay đều là nông dân đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, và thông tin sự thật về các vụ việc tranh chấp đất đai giữa người dân và nhà cầm quyền. Họ không hề có tội, thậm chí không vi phạm pháp luật.
Hai trường hợp khởi tố điều 117, tuyên truyền chống nhà nước ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Cam Lâm, Khánh Hòa, anh Vũ Tiến Chi và chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy cũng đều là những người thực thi quyền tự do ngôn luận, nêu lên chính kiến của mình, cuối cùng cũng bị khởi tố và bắt tạm giam. Trường hợp ở thành phố Hồ Chí Minh do khiếu kiện lâu ngày không được giải quyết, người dân bức xúc kêu oan nhiều lần bị khép vào tội danh "Gây rối trật tự công cộng".
Tại sao trong thời gian này, nhà cầm quyền lại gia tăng đàn áp tới mức cực đoan như vậy ? Có thể có những lý do trực tiếp và sâu xa như sau.
Lý do trực tiếp, vụ việc Đồng Tâm là một vết nhơ, sự khủng bố khủng khiếp nhất trong thời đại thông tin bùng nổ qua hệ thống mạng xã hội. Sắp tới vụ việc Đồng Tâm nhà cầm quyền sẽ đưa những người dân bị bắt ra xét xử. Nhà cầm quyền không muốn những thông tin về việc xét xử cũng như quá trình xét xử người dân Đồng Tâm được thông tin rộng rãi, cùng với những bình luận về tính pháp lý, đạo nghĩa của vụ án được người dân thể hiện trên không gian mạng. Chính vì vậy, việc bắt những người ở Dương Nội chính là thông điệp răn đe những người khác trong những diễn biến sắp tới của Đồng Tâm.
Lý do sâu xa của việc đàn áp, khủng bố cực kỳ khốc liệt vừa qua, đó là việc tranh thủ tình hình thế giới đang có những xáo trộn do cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, cũng như tình hình nước Mỹ đang có những diễn biến phức tạp xuất phát từ sự đối đầu Mỹ - Trung, quá trình vận động tranh cử tổng thống quyết liệt từ hai đảng đẩy tới biến động dữ dội trong xã hội Mỹ thời gian qua. Khi các quốc gia dân chủ đang mắc kẹt với tình hình nội bộ, sẽ ít có sự quan tâm tới tình hình nhân quyền ở Việt Nam hơn.
Một lý do quan trọng nữa, nhà cầm quyền sắp tổ chức đại hội đảng lần thứ XIII. Những biến động của tình hình thế giới cùng với những khó khăn kinh tế có thể làm xuất hiện những khuynh hướng muốn thay đổi định hướng trong nội bộ, hoặc thay đổi đồng minh, xoay trục từ Trung Quốc sang Hoa kỳ. Để giữ vững định hướng và đồng minh, nhà cầm quyền gia tăng đàn áp nhắm vào giới bất đồng chính kiến, giới đấu tranh nhằm răn đe những cá nhân có ý định đi chệch khỏi quỹ đạo mà đảng đã vạch ra.
Với những lý do trực tiếp và sâu xa như vậy, nhà cầm quyền đã đẩy mạnh đàn áp, tạo nên những đợt bắt bớ kinh hoàng vừa qua. Nhưng với những ung nhọt của chế độ không thể bưng bít, với sự mở rộng của không gian mạng dẫn tới nhận thức của người dân càng được nâng lên, điều nhà cầm quyền hi vọng sẽ trở thành vô vọng, bởi quy luật vận động tất yếu, có áp bức sẽ có đấu tranh.
Hà Nội, ngày 24/6/2020
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA : 26/06/2020 (nguyenvubinh's blog)