Biểu trưng hữu nghị Việt - Trung qua đường sắt Cát Linh - Hà Đông !
Diễm Thi, RFA, 25/06/2020
Cuối tháng 3/2020, Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải thông báo, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa biết khi nào đưa vào vận hành nhưng đã phải thanh toán cho tổng thầu 509 trên 644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng với ít nhất 11 lần lùi tiến độ.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba chiều 24/06/2020. Photo : baophunuthudo.vn
Đây là tuyến đường sắt bị cho đạt kỷ lục thế giới cả về thời gian thi công lẫn số tiền đội vốn. Dự án này được phê duyệt đầu tư từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD, trong đó gần 420 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc (76,36%). Đến năm 2019, tổng mức đầu tư cho dự án này đã đội vốn lên hơn 880 triệu USD, với gần 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc (76,16%). Đây cũng là dự án bị coi là ‘khúc xương gà khó nuốt’ của chính quyền Hà Nội, bởi tới cũng khó mà lui cũng không xong.
Tại buổi gặp giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba vào chiều 24/6, ông Hùng Ba khẳng định dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Trao đổi với RFA qua email, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng nên hiểu câu nói của ông Hùng Ba qua hai khía cạnh :
"Thứ nhất, đây là một trò thử thách Vương Đình Huệ, bí thư Hà Nội. Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ung nhọt thối tha nhiều người biết rõ. Ông Huệ càng phải biết. Thế mà đại sứ ca ngợi để xem Huệ có phản ứng gì không. Nếu ông Vương Đình Huệ nghe xong mà im lặng thì tỏ ra quá hèn hoặc quá kém trí tuệ khi cần phản ứng kịp thời, có thể dùng thủ đoạn để lấn tới.
Thứ hai, ông đại sứ chơi xỏ. Ông biết rõ đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ung nhọt thối tha, là quan chức Việt vì nhận hối lộ nhiều mới để xảy ra tính trạng bi đát như thế. Đem nó biểu trưng cho tình hữu nghị thì gián tiếp nói rằng tình hữu nghị ấy cũng đầy rẫy sự thối tha, cũng được tạo nên bằng sự hối lộ".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói thêm rằng, ông thật sự phẫn uất khi nghe câu nói này. Nếu ông là Vương Đình Huệ thì đã ‘choảng’ cho ông đại sứ vài câu nhớ đời, rồi có bị Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cũng vui vẻ nhận, bởi dù cho hiểu theo khía cạnh nào thì câu nói của đại sứ Trung Quốc cũng chứa ý đồ rất ‘đểu cáng’.
Vào ngày 27/06/2020, Hà Nội tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển". Ông Vương Đình Huệ mời Đại sứ Hùng Ba và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham dự hội nghị này. Ông Huệ cho biết Hà Nội sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận các chuyên gia Trung Quốc sang làm việc cũng như cùng với Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ chào mừng 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Trở lại với dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, trong báo cáo gửi Quốc hội hôm 21/05/2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đưa ra lời hứa cụ thể về thời gian vận hành tuyến đường sắt này mà chỉ báo cáo đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác trong thời gian sớm nhất khi đủ điều kiện.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13,1 km được xây dựng từ ngày 10/10/2011, sau hơn 8 lần điều chỉnh và đội vốn (tăng 37,5%, tương đương 330 triệu USD), chưa biết bao giờ đưa vào sinh hoạt . AFP
Với rất nhiều người dân Việt Nam thì dự án này làm rạn nứt tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Trung, nên khi nghe câu nói của Đại sứ Hùng Ba, người dân chỉ biết phì cười. Luật sư Đặng Trọng Dũng bày tỏ cảm nghĩ của ông :
"Tôi thấy rằng nếu ai có theo dõi tình hình xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì sẽ nghĩ đây là điều mỉa mai. Rõ ràng câu nói đó chỉ làm người dân phì cười. Thứ hai nữa, không hiểu ông đại sứ này là đại sứ mới hay cũ và có hiểu biết câu chuyện đường sắt này hay không, nhưng về mặt ngoại giao thì những câu nói đó là những câu đầu môi chót lưỡi của bất cứ nhà ngoại giao nào".
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc thì bày tỏ thất vọng về dự án đường sắt trên cao ở Việt Nam khi chính ông chứng kiến tập đoàn Sunway Malaysia làm một tuyến đường sắt trên cao ở nước này chỉ trong vòng 18 tháng là khánh thành. Ông nhận định về tình hữu nghị Việt-Trung và câu nói của ông Đại sứ Hùng Ba :
"Tôi cho rằng phát biểu của Đại sứ Trung Quốc là hoàn toàn chính xác. Có thể nói đây là biểu trưng của tình hữu nghị tức là đưa anh em, bạn bè, đồng chí vào cái vòng kim cô để kiểm soát, để gây khó, để tạo ra cái vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam, là những người phải đóng thuế để trả cho cái tình hữu nghị này.
Cái tình hữu nghị Việt-Trung không thể hiện qua cái đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông mà nó còn xuất hiện từ rất lâu. Từ những ngày đấu tranh trên bàn hội nghị Geneva năm 1954, khi Trung Quốc bán đứng cách mạng Việt Nam. Rồi cái tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nó thể hiện ra cái biên giới đường lưỡi bò nuốt trọn Biển Đông mà những tháng gần đây Trung Quốc hăm he đủ trò để không chế Việt Nam, đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam".
Theo ông Đinh Kim Phúc, ông Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã phải ngậm đắng nuốt cay để tiếp một anh láng giềng mà ông Phúc gọi là "thằng láng giềng khốn nạn". Việc báo chí ở Việt Nam đăng tin công khai, chạy tít "biểu trưng của tình hữu nghị Việt-Trung", tức là mỉa mai cái tình hữu nghị này mà họ không dám nói ra.
Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Một tháng sau, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân.
Năm 1991, hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt : "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Tuy vậy, cho đến bây giờ, chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ ý muốn áp đảo Việt Nam ở mọi lĩnh vực từ trên bộ, trên biển lẫn kinh tế, ngoại giao.
Năm 2019 là năm Trung Quốc lấn áp Việt Nam mạnh mẽ qua sự kiện Bãi Tư Chính. Trung Quốc liên tục xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi cho tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hộ tống vào thực hiện khảo sát. Thế nhưng báo chí trong nước vẫn gọi mối quan hệ Việt-Trung là hữu hảo qua các hoạt động liên quan ngoại giao, quốc phòng và thương mại.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từng nhận định rằng, Trung Quốc ép Việt Nam trên cả ba mặt trận, đó là phải công nhận chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua tuyên bố về đường 9 đoạn ; không được khai thác và không được tập trận chung với các nước trong khu vực.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 25/06/2020
*********************
Tại sao giận ? Phải… cám ơn ông Hùng Ba mới đúng !
Trân Văn, VOA, 26/06/2020
Tuyên bố của ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam : "Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc" (1) đang khiến dư luận sôi sùng sục…
Một đoàn tàu trong ga thuộc tuyến Cát Linh-Hà Đông chưa đưa vào sử dụng.
Tuyên bố vừa kể đã khiến rất nhiều người sử dụng mạng xã hội nổi giận, lên án hai chữ "hữu nghị".
***
Chiều dài của tuyến metro Cát Linh – Hà Đông chỉ chừng 13 cây số, theo dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2013 nhưng đến nay (2020) vẫn chưa xong, cho dù chi phí đã tăng từ 550 triệu Mỹ kim lên 890 triệu Mỹ kim và cách nay vài năm, mỗi ngày Việt Nam phải trả cho Trung Quốc khoảng một tỉ đồng tiền lãi cho các khoản đã vay (550 triệu hỏi vay lần đầu và 340 triệu phải xin vay thêm để nhà thầu Trung Quốc tiếp tục thực hiện dự án).
Chuyện chưa ngừng ở đó vì đến nay vẫn chưa biết ai, nơi nào dám xác nhận tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hội đủ tiêu chuẩn an toàn để có thể vận hành. Cách nay nửa năm, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng từng tiết lộ : Dự án có nhiều thứ không đồng bộ ! Hồ sơ dự án không đầy đủ và… không thể bổ sung đầy đủ ! Có nghĩa là không có cơ sở để xác nhận an toàn (3) ! Nói cách khác, giá trị suất đầu tư vào dự án sẽ sớm vượt xa mức một tỉ Mỹ kim và cứ thế tăng dần vì lãi chồng lãi !
Có lẽ chẳng ngoa chút nào khi cho rằng, nếu không có tình hữu nghị Việt – Trung, không có nỗ lực chứng tỏ thiện ý đối với "tinh thần bốn tốt" (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và "16 chữ vàng" (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), sẽ không có việc hỏi vay Trung Quốc, giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và tất nhiên sẽ không có vết thương chưa biết đến bao giờ mới lành trong lòng người Việt vì thiệt cả đơn lẫn kép.
Thế thì tại sao ông Hùng Ba, chuyên viên cao cấp trong lĩnh vực ngoại giao, lại thất thố đến mức dõng dạc khẳng định : Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc – cho người Việt nổi giận và rủa ?
Rủa ông Hùng Ba dường như không chính xác ! Cứ như tường thuật của báo giới Việt Nam về cuộc hội kiến giữa ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với ông Hùng Ba, hôm 25/6 thì bất kể thực trạng của tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, ông Huệ không yêu cầu mà chỉ đề nghịĐại sứ thúc đẩy để sớm đưa dự án vào hoạt động, đồng thời tha thiết mời Đại sứ và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham dự hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển".
Khi ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, nhân vật vừa thôi làm Phó Thủ tướng, "luân chuyển" về Hà Nội làm Bí thư Thành ủy để có thể đảm nhận những vai trò lớn hơn trong đảng ở nhiệm kỳ tới đã thành tâm như vậy…
…logic tất nhiên sẽ là cả tâm thế lẫn tư thế của ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, phải khác. Đâu phải tự nhiên mà ông Hùng Ba dõng dạc bày tỏ… mong muốn Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong quan hệ hai nước, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác, hỗ trợ giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Về phần mình, Đại sứ Hùng Ba sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đến tham gia đầu tư tại Hà Nội. Mong Bí thư tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước...
Rủa ông Hùng Ba ngạo mạn, trơ trẽn khi khẳng định : Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc – dường như chỉ đúng về hiện tượng mà sai về… bản chất. Cần phải tự vấn : Ta thế nào, người ta mới như thế !
***
Ngày 6/11/2015, trong chuyến thăm Việt Nam, khi được mời trò chuyện với Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình khẳng định, sẽ cùng Việt Nam "nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau" (4)
Hôm sau, ngày 7/11/2015, tại Đại học Quốc gia của Singapore, ông ta khẳng định : Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền (5) !
Một tháng sau – ngày 8/12/2015, do đại diện cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm ở Hà Nội, bày tỏ sự lo ngại cho chủ quyền quốc gia trước lối hành xử càng ngày càng hung hăng, càn rỡ của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Nguyễn Phú Trọng bảo họ phải chú ý đến "vị thế" : "Ta" chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón ba nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia... (6).
Hôm ấy, thay vì trực tiếp trả lời những cử tri tuy lợi ích của cá nhân và gia đình luôn luôn gắn chặt với sự tồn vong của Đảng cộng sản Việt Nam nhưng vẫn hoang mang về cách hành xử của Đảng cộng sản Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ông Trọng chất vấn họ : Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không ? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không ?
Đừng nổi giận khi cảm thấy ông Hùng Ba tỏ ra ngạo mạn, trơ trẽn. Khi Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam không màng đến thực trạng của công trình Cát Linh – Hà Đông, cũng không thèm bận tâm đến cảm xúc của người Việt, thản nhiên tuyên bố : Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, ông ta vừa giúp chúng ta nhận chân về "vị thế" thật của "ta" trong quan hệ Việt – Trung, cũng như "vị thế" của dân ta đối với tương lai quốc gia và vận mệnh của dân tộc chúng ta !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/06/2020
Chú thích
(3) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bat-luc-truoc-mieng-can-ke-cat-linh-ha-dong-778381.ldo
(5) http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20151107-tap-can-binh-lai-khang-dinh-bien-dong-la-cua-trung-quoc