Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/06/2020

Đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng tốc lây lan, phải làm gì ?

Nhiều tác giả

Covid-19 : Trước khi trách người, Tây phương hãy xét lỗi mình

Richard Horton, Tú Anh, RFI, 26/06/2020

Trong một quyển sách xuất bản tại Anh Quốc, Richard Horton, tổng biên tập tạp chí y học "The Lancet", đưa ra một bản luận tội tố cáo giới chính trị Tây phương bất tài, bất lực trước mối de dọa của đại dịch Covid-19, cho dù đã được báo trước cả tháng. Thiếu sót bổn phận nghiêm trọng nhất là biết mà không hành động, nhưng trách nhiêm sau cùng là lỗi chung của nhân loại : vì hám lợi mà quên hậu quả.

covi1

Logo của tạp chí y học The Lancet LOIC VENANCE / AFP

Đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng tốc lây lan

Từ khi Trung Quốc nhìn nhận ca đầu tiên, siêu vi SARS-CoV-2 đã giết chết gần nửa triệu người trên thế giới. Theo báo động của Tổ chức Y tế Thế giới, từ nay đến cuối tháng, đại dịch Covid-19 sẽ lây nhiễm cho 10 triệu người. Trên khắp các Châu lục, mỗi ngày đều có ổ dịch mới bùng phát.

Cụ thể tại Pháp, 272 ổ dịch được phát hiện trong ngày 24/06. Tại Đức, hai địa phương bị tái phong tỏa vì hàng ngàn công nhân trong hai lò thịt dương tính với siêu vi. WHO/OMS cũng lo ngại trước chiều hướng số ca lây nhiễm tăng trở lại tại Châu Âu. Ở Châu Mỹ Latinh, số nạn nhân vượt ngưỡng 100.000, theo tổng kết đầu tuần. Tại Hoa Kỳ, thống đốc bang Texas, Greg Abbott, lo ngại "tình hình vượt tầm kiểm soát" nếu trong hai tuần nữa không chận được siêu vi corona.

Thiệt hại kinh tế cũng khủng khiếp : 12.000 tỷ đô la, theo ước định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Suy thoái kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 1% trong năm 2020 trong khi Bắc Kinh cần tối thiểu 8% mới có thể duy trì ổn định xã hội, chưa kể đến làn sóng thất nghiệp...

Trách nhiệm về ai ?

Đảng cộng sản Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, nhất là tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bị quy kết đầu tiên. Bắc Kinh bị tố cáo che giấu thông tin, trấn áp những bác sĩ, nhà báo, blogger lên tiếng báo động.

Nhưng qua quyển sách "The Covid-19 Catastrophe : What’s Gone Wrong and How to Stop It Happening Again" (Thảm họa Covid-19 /Đâu là những sai lầm và làm cách nào để chận tái phát) xuất bản tại Luân Đôn, tác giả Richard Horton đưa một quan điểm bao quát hơn. Tổng biên tập tạp chí y học kinh điển thế giới The Lancet tố cáo sự bất tài của chính quyền nhiều nước, nhất là Tây Phương trước nguy cơ đã được báo trước.

Từ tháng 01/2020, The Lancet đã công bố 5 bài nghiên cứu, mà theo báo Pháp Le Monde, cho phép tiên đoán chuyện gì sắp xảy đến cho Trái đất nếu không nhanh chóng chận đà lây lan của siêu vi SARS-CoV-2, tên khoa học của siêu vi corona mới xuất phát từ Vũ Hán. Gần đây, The Lancet cũng công bố một bài "nghiên cứu khẳng định thuốc trị sốt rét và viêm Hydroxychloroquine không có hiệu nghiệm chống SARS-CoV-2. Bài này bị rút xuống vì số liệu do một công ty phân tích thống kê y tế của Mỹ Surgisphere cung cấp thiếu nghiêm túc và The Lancet đã phải xin lỗi độc giả.

Trở lại nội dung chính của quyển sách, Le Monde trong số báo ngày 23/06/2020 đặt một số câu hỏi với tác giả. Bài phỏng vấn khá dài, xin tóm lược một số ý chính.

Le Monde : Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới có đáng bị trách trong vụ Covid 19 hay không ?

Richard Horton : Sáu tuần sau khi The Lancet phổ biến các bài báo động (về Vũ Hán), trong đó có lời cảnh báo của giáo sư Gabriel Luang của đại học Hồng Kông, cách lây nhiễm của virus cho thấy nguy cơ biến thành đại dịch lan khắp địa cầu có xác suất rất cao.

Tại sao các tổng thống Pháp, Mỹ, thủ tướng Anh, Ý không có hành động gì cả ? Họ không biết chuyện gì xảy ra ở Trung Quốc, họ không tin vào chính quyền Trung Quốc ? Thế thì tại sao không yêu cầu sứ quán ở Bắc Kinh điều tra ? Chứng cớ siêu vi nguy hiểm như thế nào đã được biết rõ từ tháng 01/2020.

Không nên phê phán Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới. Giới chính trị Tây Phương phải xét trách nhiệm của mình trước đã. Trách nhiệm để siêu vi biến thành đại dịch là của chúng ta.

Le Monde : Chính phủ Pháp sai sót điểm nào ?

Richard Horton : Tại Pháp cũng như tại Anh, hệ thống chính trị đối phó với thảm họa bị tê liệt. Khi Tổ chức Y tế Thế giới báo động tình trạng khẩn cấp toàn cầu (nấc cuối cùng trước khi công bố đại dịch), vào ngày 31/01/2020, bà Agnès Buzyn, bộ trưởng Y tế Pháp lúc đó, không phản ứng ngay. Lẽ ra bà phải khẩn cấp yêu cầu sứ quán Pháp tại Bắc Kinh giúp tìm hiểu chuyện gì xảy ra tại Vũ Hán ? Siêu vi nguy hiểm ra sao ? Đáng sợ ở mức độ nào ? Có đúng như The Lancet báo động hay không ?

Nếu sứ quán Pháp làm việc nghiêm túc thì chỉ trong vòng 48 giờ, với tài liệu của văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới và Ủy ban Y tế Trung Quốc, sẽ có báo cáo đầy đủ gửi về Paris, về Điện Elysée và Bộ Y tế. Như thế, ngay trong tuần đầu của tháng Hai, chính quyền Pháp có đủ thông tin để thấy rõ nguy cơ đại dịch.

Chính vì thiếu sót này của chính phủ Pháp cũng như của Anh mà gần 30.000 dân Pháp, 40.000 dân Anh tử vong. Lẽ ra họ còn sống nếu Paris và Luân Đôn không bất tài.

Le Monde : Có thể so sánh Covid-19 với Biến đổi khí hậu ? Một thảm họa xuất hiện bất ngờ, một thảm họa đến chậm chúng ta biết nhưng đều không hành động ?

Richard Horton : Đừng nói chúng ta thiếu chuẩn bị đối phó với SARS-CoV-2. Bởi vì vào năm 2002-2003, chúng ta đã đụng với SARS-CoV-1, siêu vi viêm phổi cấp tính, đó là siêu vi mẫu của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 hiện nay.

Chúng ta cũng biết từ 20, 30 năm trở lại đây, nhịp độ bệnh truyền nhiễm từ thú vật sang người tăng rất nhiều. Nguyên nhân không có gì bí ẩn : tình trạng đô thị hóa ồ ạt, những khu nhà ổ chuột lan tràn, chợ bán thú sống nằm cạnh khu gia cư, vệ sinh công cộng xuống cấp. Không phải ngẫu nhiên mà siêu vi corona chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc. Trung Quốc là nơi mà hiện tượng đô thị hóa và công nghệ hóa tăng nhanh nhất địa cầu. Chúng ta đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng ủ bệnh, nhưng không biết khi nào dịch truyền nhiễm bùng ra. Chính ở điểm này mà các chính phủ liên hệ có tội phản bội nhân dân, vì không chuẩn bị để sẵn sàng đối phó.

Anh và Pháp đều xem cúm mùa đông là mối nguy số một đe dọa quốc gia.

Tại Anh Quốc, năm 2016, có một cuộc diễn tập chống cúm mang tên Cygnus. Kết quả cho thấy là Anh Quốc chưa đủ chuẩn bị đối phó với đại dịch. Chúng ta biết có nhược điểm mà vẫn không khắc phục. Giờ đây, chúng ta gặp phải đại dịch và vẫn thiếu chuẩn bị. Đây cũng là một thiếu sót trách nhiệm của chính phủ.

Pháp cũng có kế hoạch chống đại dịch, nhưng dường như kẹt trong tủ. Anh và Pháp may mắn có một cộng đồng khoa học gia lỗi lạc nhất nhì thế giới. Viện Pasteur có cả một mạng lưới cơ sở khắp địa cầu. Thế mà từ tháng Hai đến nay, không thấy Viện Pasteur đưa ra kế hoạch cố vấn cho chính phủ Pháp.

Cộng đồng khoa học gia phải giải thích vì sao không có ý kiến chỉ đạo ? Phải chăng do lòng tự kiêu mà những chuyên gia hàng đầu trong y học mải lo tranh cãi ?

Trách nhiệm đâu phải chỉ có chính phủ. Hy vọng là qua khủng hoảng này, giới khoa học gia xét lại khế ước và trách nhiệm tinh thần đối với mong chờ của xã hội.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 26/06/2020

***********************

Bác sĩ Fauci nói Hoa Kỳ gặp 'vấn đề nghiêm trọng' với virus corona

BBC, 26/06/2020

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Bác sĩ Anthony Fauci nói nước Mỹ gặp "vấn đề nghiêm trọng" trong lúc 16 tiểu bang đang chống chọi với số ca Covid-19 tăng mạnh.

covi2

Bác sĩ Anthony Fauci nói nước Mỹ gặp "vấn đề nghiêm trọng" với số ca Covid-19 tăng mạnh

Tại cuộc họp báo của nhóm điều hành chống dịch tại Nhà Trắng, Bác sĩ Fauci nói : "Cách duy nhất chúng ta có thể chấm dứt đại dịch là cùng nhau chấm dứt nó".

Trong khi các chuyên gia y tế nói nhiều việc phải được làm hơn để làm chậm sự lây lan của virus, Phó Tổng thống Mike Pence ca ngợi "các tiến bộ" của Mỹ trong xử lý dịch bệnh.

Hôm thứ Sáu, có hơn 40.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn nước Mỹ.

Đại học Johns Hopkins ghi nhận có 40.173 ca nhiễm mới, con số cao nhất từ trước tới nay, vượt quá kỷ lục ngày hôm trước.

Hoa Kỳ hiện có 2,4 triệu ca nhiễm được xác nhận và trên 125.000 ca tử vong - cao hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, tiểu ban chuyên trách về Covid-19 của Nhà Trắng cũng khuyến khích người trẻ làm xét nghiệm, ngay cả khi họ không có triệu chứng.

Ông Pence nói Tổng thống Trump yêu cầu ban chuyên trách gửi thông điệp tới người dân Mỹ trong bối cảnh số ca nhiễm và nhập viện tăng mạnh ở các tiểu bang ở phía Nam và phía Tây.

covi3

Đám đông trên bãi biển Miami, Florida hôm 26/6

Tại Texas, Florida và Arizona, các kế hoạch mở cửa trở lại đã được tạm ngưng.

Mặc dù số ca hàng ngày tăng một phần là do xét nghiệm nhiều hơn, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở một số vùng cũng đang tăng lên.

Các quan chức y tế Mỹ ước tính số ca thực tế nhiều khả năng cao gấp 10 lần so với con số ghi nhận.

Những gì được nói tại cuộc họp báo Nhà Trắng ?

Bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng virus corona, cảm ơn những người Mỹ trẻ tuổi đã làm theo chỉ dẫn chính thức về xét nghiệm.

"Nếu trước đây chúng tôi bảo họ hãy ở trong nhà, giờ đây chúng tôi nói với họ hãy đi làm xét nghiệm".

Bà nói "sự thay đổi lớn" về lời khuyên xét nghiệm sẽ cho phép các quan chức y tế tìm "các ca bệnh nhẹ và không có triệu chứng mà trước đây chúng ta không tìm được".

covi4

Bác sĩ Deborah Birx thúc giục người trẻ đi làm xét nghiệm

Ông nói thêm : "Những gì diễn ra ở một vùng trên nước Mỹ có thể có tác động tới các vùng khác".

Bác sĩ Fauci nói tình trạng có ca nhiễm tăng hiện nay có nhiều lý do - từ nhiều vùng "có lẽ mở cửa hơi sớm quá", tới việc mở cửa ở thời điểm hợp lý nhưng "không làm theo các bước một cách quy củ", tới việc bản thân các công dân không tuân thủ hướng dẫn.

"Mọi người đang làm lây sang những người khác, và cuối cùng, bạn sẽ làm lây những người dễ tổn thương", ông nói.

"Bạn có trách nhiệm đối với bản thân bạn, nhưng bạn cũng có trách nhiệm đối với xã hội vì nếu chúng ta muốn chấm dứt dịch này, thực sự hết… chúng ta phải hiểu rằng chúng ta là một phần trong quá trình đó".

Bác sĩ Fauci nói thêm rằng nếu sự lây lan không được chấm dứt, cuối cùng, kể cả những vùng hiện đang có tình trạng tốt cũng sẽ bị lây.

Trong khi đó, vị phó tổng thống ca ngợi nỗ lực của nước Mỹ trong việc xử lý dịch bệnh, và nhắc tới "những tiến bộ vượt bậc" ở những nơi là tâm dịch trước đây, như New York và New Jersey.

"Chúng ta đã làm chậm sự lây lan, chúng ta đã làm phẳng đường cong, chúng ta đã cứu mạng người", ông nói.

Ông Pence cũng có vẻ phủ nhận có liên hệ giữa việc các tiểu bang mở cửa lại và số ca tăng lên.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên, ông nói các bang miền Nam đã mở cửa từ cách đây vài tháng, và số ca nhiễm mới cũng như tỷ lệ lây nhiễm vẫn thấp.

Thay vào đó, ông Pence nói số ca tăng là do có nhiều người trẻ không có triệu chứng cho kết quả xét nghiệm dương tính, và nói thêm dù họ ít gặp rủi ro bị triệu chứng nặng, họ phải "làm các biện pháp đề phòng" và nghe theo lời khuyên của thống đốc bang nơi họ sống.

Màn trình diễn khó khăn

Phân tích của Tara McKelvey, phóng viên Nhà Trắng của BBC

Tuần qua là một tuần khó khăn cho Nhà Trắng.

Số ca nhiễm tăng mạnh ở những tiểu bang nơi các thống đốc bang đã cố gắng củng cố thông điệp của Tổng thống Trump rằng nước Mỹ đang bình thường trở lại.

Số ca tăng vọt đã làm nhiều người lo ngại, và Phó Tổng thống Pence chia buồn với những ai đã mất người thân. Sau đó ông ca ngợi "những bước tiến thực sự tuyệt vời" của chính quyền Trump trong việc xử lý dịch bệnh.

Những ý kiến chỉ trích cho rằng cách nói lạc quan của ông về tình hình là không phù hợp.

Ông Pence đã có công việc khó khăn ngay từ đầu là phải ủng hộ những quan điểm gây tranh cãi của ông Trump.

Màn trình diễn của vị phó tổng thống hôm thứ Sáu là đặc biệt khó khăn, và không thuyết phục đối với nhiều người.

Điều gì đang diễn ra ở những tiểu bang bị nặng nhất ?

Hệ thống chính quyền liên bang của Mỹ cho phép các tiểu bang có tự quyết các vấn đề duy trì trật tự và an ninh công cộng - và thậm chí cả khủng hoảng y tế toàn quốc.

Các thống đốc bang, vì thế, chịu trách nhiệm đưa ra các biện pháp phong tỏa ở mức độ chặt chẽ khác nhau.

Tiểu bang Texas, nơi có nhiều động thái để chấm dứt các biện pháp phong tỏa, đã có thêm hàng ngàn ca mới, khiến ông Greg Abbott, Thống đốc Đảng Cộng hòa phải kêu gọi tạm ngưng tái mở cửa.

Ông tuyên bố sẽ đóng cửa các quán bar, ngừng môn thể thao lái bè trên sông, và ra lệnh cho các nhà hàng chỉ hoạt động ở mức 50% công suất để chặn dịch.

Texas ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục ở mức 5996 hôm thứ Năm và 47 ca tử vong trong ngày, mức cao nhất trong tháng qua.

Hôm thứ Sáu, Florida phá kỷ lục với 8942 ca nhiễm. Hiện bang này có 122960 ca nhiễm và 3366 ca tử vong.

Trước đó, thống đốc Florida nói không có kế hoạch tiếp tục mở cửa từng bước. "Chúng ta đang ở đây. Tôi không nói là chúng ta sẽ bước sang giai đoạn mở cửa tiếp theo", ông Ron DeSantis nói với báo.

covi5

Những bang có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 gia tăng trong ngày 26/06/2020

Arizona cũng là một tâm dịch khác. Thống đốc Doug Ducey, người từng "bật đèn xanh" cho các doanh mở cửa lại, giờ đây nói người dân Arizona sẽ 'an toàn hơn ở nhà'.

New York, New Jersey và Connecticut tuyên bố những ai từ tám bang đang có số ca tăng - Alabama, Arkansas, Arizona, Florida, North Carolina, South Carolina, Texas và Utah- phải tự cách ly tại nhà 14 ngày.

California ghi nhận số ca mới kỷ lục tuần này, với 7149 ca xác nhận hôm thứ Tư.

Thống đốc Gavin Newsom nói bang này đã tiến hành hơn một triệu xét nghiệm trong hai tuần qua, với khoảng 5% cho kết quả dương tính. Ông Newsom đưa việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng thành bắt buộc ở California.

Nguồn : BBC, 27/06/2020

**********************

Covid-19 : Trên 40.000 người lây nhiễm trong một ngày tại Mỹ

Thanh Hà, RFI, 27/06/2020

Trên 40.000 ca nhiễm virus corona được ghi nhận tại Hoa Kỳ riêng trong ngày 26/06/2020, con số cao nhất kể từ đầu mùa dịch Covid-19. Các bang Texas và Florida đình chỉ các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa. Dịch bệnh lan nhanh tại 30 trong số 50 bang.

covi6

Xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm y tế ở Houston, Texas, Mỹ, ngày 25/06/2020. AFP - MARK FELIX

Dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang nóng bỏng, là tổng thống Trump vào giờ chót đã hủy kế hoạch đi nghỉ cuối tuần tại bang New Jersey để ở lại Nhà Trắng.

Hãng tin Anh Reuters đưa ra con số thêm 45.242 bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ trong ngày hôm qua. Tới nay kỷ lục ghi nhận trong một ngày là 36.000 ca nhiễm mới. Một số nhà quan sát không loại trừ tình hình nghiêm trọng hiện nay là do "dỡ bỏ phong tỏa quá sớm". Dù vậy chính quyền Washington cố gắng trấn an công luận, phó tổng thống Pence cho rằng tình hình "khả quan hơn nhiều so với hai tháng trước đây" như tường trình của thông tín viên Loubna Anaki :

Trước mặt các phóng viên phó tổng thống Mỹ tươi cười và ông đã trấn an mọi người. Theo ông Mike Pence cần có cái nhìn thấu đáo khi xem xét thống kê về số ca lây nhiễm trên toàn quốc.

Ông nói : "Nhìn vào số ca nhiễm đang tăng lên, người Mỹ có khuynh hướng cho rằng chúng ta đang trở lại như hồi hai tháng trước đây. Trên thực tế, tình hình đã được cải thiện hơn rất nhiều. Chúng ta đã làm chậm lại đã lây lan, nhiều sinh mạng đã được cứu sống".

Phó tổng thống Mỹ cũng đã khẳng định là số bệnh nhân tăng lên, các chiến dịch xét nghiệm đã được tăng tốc. Mike Pence kêu gọi dân chúng tiếp tục cẩn thận.

Khi được hỏi có mâu thuẫn hay không giữa một bên là những tiêu chuẩn bảo đảm y tế và bên kia là việc cho tổ chức các cuộc vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump, ông Pence trả lời đây là quyền tự do ngôn luận, tự do tham gia vào tiến trình bầu cử vốn được quy định trong Hiến Pháp.

Có mặt bên cạnh phó tổng thống Hoa Kỳ, bác sĩ Fauci tỏ ra lo lắng hơn. Ông nói "Chúng ta đang đứng trước một vấn đề nghiêm trọng tại một số vùng. Chúng ta không chỉ trích hay phân tích. Nhưng nếu không chấm dứt dịch bệnh thì sớm hay muộn gì, ngay cả những người khỏe mạnh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Giải pháp duy nhất để giành được thắng lợi, là chúng ta phải cùng nhau giành lấy thắng lợi đó".

Nhóm các chuyên gia được dặt dưới quyền của phó tổng thống Pence vào tuần tới sẽ được điều đến các bang Texas, Arizona và Florida, ba bang dịch bệnh đang hoành hành khốc liệt nhất.

Thanh Hà

********************

Nguy cơ dịch virus corona tái phát tại Mỹ và Châu Âu

Thụy My, RFI, 26/06/2020

Sau một thời gian tạm ổn định, dịch virus corona lại tăng cao tại Hoa Kỳ và Châu Mỹ Latinh. Còn tại Châu Âu, tình hình ít trầm trọng hơn, nhưng có những thành phố bị phong tỏa trở lại do xuất hiện các ổ dịch mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/06/2020 cảnh báo Châu Âu về một đợt dịch thứ hai.

covi7

Xe cứu thương đậu trước bệnh viện Houston Methodist Hospital ở thành phố Houston, bang Texas (Hoa Kỳ) ngày 22/06/2020. Reuters - Callaghan O'Hare

Tại bang Texas của Hoa Kỳ, một trong những bang dỡ bỏ phong tỏa sớm nhất kể từ ngày 01/05, thống đốc Greg Abbott ngày 25/06/2020 đã quyết định không chuyển sang giai đoạn hai, vì trong ngày đã có thêm gần 6.000 bệnh nhân nhập viện, một kỷ lục mới.

Ông khuyến cáo người dân tôn trọng giãn cách xã hội và mang khẩu trang, tuy việc này không bắt buộc, đồng thời hoãn lại các cuộc giải phẫu không khẩn cấp kể từ hôm nay, để dành chỗ cho bệnh nhân Covid-19.

Tại California, các ca nhiễm mới tăng lên 69% vào đầu tuần. Tình hình cũng rất đáng ngại tại Arizona và Florida. Tổng cộng tại Hoa Kỳ đã có thêm 38.000 người bị lây nhiễm chỉ trong vòng một ngày thứ Tư 24/06. Khoảng 5 đến 8% dân Mỹ bị nhiễm virus corona chủng mới, theo ước tính hôm qua của Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC).

Còn tại Châu Mỹ Latinh, đã có trên 25.000 người chết và 200.000 bị nhiễm virus corona ở Mexico, theo Bộ Y tế nước này.

Cũng hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo đã bắt đầu xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ hai ở Châu Âu, virus corona đã tái phát tại 30 nước như Đức, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trong số này, có 11 nước tốc độ lây nhiễm rất nhanh, nếu không hành động gì thì hệ thống y tế có thể sẽ lại bị quá tải như trong cao điểm dịch trước đây.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Richard Horton, Tú Anh, Thanh Hà, Thụy My, BBC tiếng Việt
Read 582 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)