EU và Trung Quốc mối quan hệ từ đối tác chiến lược chuyển thành đối thủ hệ thống. Điều gì đã đẩy hai bên đi đến bước đường này ?
Trong một tài liệu bàn về một số thành tựu và nhiều thiếu sót trong quan hệ và hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có tựa đề "EU-Trung Quốc : tầm nhìn chiến lược" được công bố mới đây, kể từ tháng 3/2019, Trung Quốc chính thức là đối thủ hệ thống của EU. Đã qua rồi cái thời EU cổ vũ mối quan hệ đối tác chiến lược của mình với Trung Quốc, sự hiểu biết lẫn nhau, những lợi ích chung và các cuộc đối thoại lĩnh vực tạo ra cơ sở mang tính công cụ để thông qua các chính sách chung cũng như giải quyết nhiều vấn đề về chương trình nghị sự thương mại và đầu tư song phương. Cái gọi là các cuộc đối thoại giữa EU và Trung Quốc (cho đến nay lên tới con số hơn 60) vẫn còn đó và cả một số ngôn từ chính trị có phần nhẹ nhàng của Brussels trong các cuộc chạm trán giữa EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách Brussels phải có đầu óc thực tế hơn trong quan hệ song phương với Trung Quốc, một quốc gia gần như không tương đồng với EU về cách tiếp cận chính trị và an ninh quốc tế. Còn hiện giờ thì sao ? Họ cần và sẽ tiếp tục những nỗ lực tìm kiếm nền tảng chung và hợp tác trong nhiều lĩnh vực được liệt kê trong các cuộc đối thoại giữa EU và Trung Quốc (như chính sách khu vực, an ninh, an ninh hàng hải, giáo dục, môi trường, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, chính sách công nghiệp…). Tuy nhiên, việc EU cuối cùng chính thức thừa nhận rằng Trung Quốc không bao giờ là đối tác chiến lược theo kiểu mà các nhà hoạch định chính sách ở Brussels đã nói đến kể từ năm 2003 cũng có ích. Trước hết, các quan chức ở Brussels không còn phải giả vờ rằng họ có thể tác động và thay đổi các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc khi đây được cho là điều mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh không muốn nhất và/hoặc cho phép khi đối thoại với EU (hoặc bất kỳ ai khác về vấn đề đó). Nói tóm lại, sự lạc quan rằng Bắc Kinh sẵn sàng tiếp thu những lời khuyên và hướng dẫn của các nước bên ngoài như không giam giữ và "giáo dục lại" các nhóm dân tộc thiểu số hay là kiềm chế chiếm đóng và xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông giờ đây dường như được thay thế bằng một đánh giá thực tế về ảnh hưởng (hay thiếu ảnh hưởng) của EU đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Và thẳng thắn mà nói, đó không nhất thiết là một điều tồi tệ : Nó đem lại cho EU và các nước thành viên của mình lựa chọn can dự với Trung Quốc khi họ muốn vừa can dự vừa có quyền ngừng can dự khi các chính sách kinh tế và đối ngoại của Bắc Kinh về cơ bản chống lại các cách tiếp cận, giá trị và chuẩn mực của EU. Đó là điều họ vẫn thường làm.
Đã đến lúc gây sức ép thực sự buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tuân thủ các quy tắc cơ bản của phương Tây về hoạt động chính trị, thương mại và an ninh quốc tế. Trên thực tế, Trung Quốc đã phải chịu áp lực rất lớn của Mỹ trong việc giải quyết nhiều vấn đề về thương mại, đầu tư và quyền tiếp cận thị trường mà Brussels đã thúc giục Bắc Kinh giải quyết trong nhiều năm nhưng không thành công : bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận các thị trường ngân hàng và tài chính của Trung Quốc, và những thay đổi đáng kể trong hệ thống mua sắm chính phủ của Trung Quốc (cho phép các công ty châu Âu đưa ra các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước EU, tương tự như các công ty Trung Quốc). Đường hướng chính sách đôi khi rất thất thường và thường xuyên gây hấn đối với Trung Quốc của Tổng thống Trump đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cân nhắc việc tuân thủ các yêu cầu mà Mỹ đưa ra, buộc Trung Quốc phải điều chỉnh lại chính sách thương mại và thuế quan. Nếu Trung Quốc quyết định nhượng bộ trước sức ép của Mỹ và thực sự giải quyết các khiếu nại của Mỹ về các thông lệ thương mại và đầu tư của mình, thì EU có lý lẽ vững chắc để thúc giục Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ tương tự cho các nhà đầu tư châu Âu tại Trung Quốc. Đây không hẳn là chính sách ngoại giao thông thường, nhưng họ sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích đó, cho dù những thay đổi trong chính sách thương mại và đầu tư của Trung Quốc có thể do một vị Tổng thống Mỹ có mức tín nhiệm quốc tế gần bằng hoặc dưới không gây ra.
Trái ngược với các tiêu chuẩn và giá trị của EU
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, các học giả và nhà phân tích Trung Quốc ngày càng chịu áp lực phải tỏ ra kiên định với thông điệp rõ ràng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này cũng phải đánh đổi bằng việc mất đi các cuộc đối thoại và trao đổi mang tính xây dựng giữa các học giả châu Âu và Trung Quốc, với việc các học giả châu Âu nhận thấy họ chịu ảnh hưởng của chương trình tuyên truyền của Chính phủ Trung Quốc thông qua các đồng nghiệp người Trung Quốc của họ. Trong những năm gần đây, giới chức Trung Quốc đã đầu tư các nguồn lực rất lớn vào việc tăng cường kiểm duyệt các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, và Chủ tịch Tập Cận Bình đã hơn một lần ghé thăm các hãng truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, yêu cầu các nhà báo và nhà phân tích đưa ra những nhận định tích cực về Trung Quốc và chính sách của chính phủ dù cho có điều gì xảy ra. Việc đàn áp và trục xuất các nhà báo nước ngoài, các nhân viên thuộc tổ chức phi chính phủ (NGO) diễn ra ngày càng thường xuyên và số lượng các nhà báo và học giả nước ngoài trong danh sách đen bị cấm đến Trung Quốc ngày một tăng lên. Tất cả những điều này trái ngược với những các giá trị của EU và (hầu hết) các nước thành viên.
Đối thủ hệ thống
Tháng 3/2019, EU cuối cùng đã gọi Trung Quốc là đối thủ hệ thống, điều lẽ ra họ phải làm từ lâu. Trong nhiều năm, Bắc Kinh có cơ sở để tin rằng Brussels không có can đảm để đối đầu với họ. Và quả thực, Bắc Kinh có lý do chính đáng để tin rằng chiến lược của họ - đưa ra "củ cà rốt" kinh tế và tài chính cho cá nhân các nước thành viên EU cần đầu tư - đang "xuôi chèo mát mái" : các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh phát hiện ra rằng nếu đầu tư mạnh tay vào một cảng của Hy Lạp, thì Hy Lạp sẽ quay sang ủng hộ bằng cách phủ quyết tuyên bố chung của EU về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Vào tháng 3, một số nhà phân tích và hãng truyền thông đã thổi phồng việc EU gọi Trung Quốc là đối thủ hệ thống như một sự thay đổi mạnh mẽ trong giọng điệu và thái độ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ họ đã đưa ra kết luận quá vội vàng vì Brussels sử dụng các từ "đối tác hợp tác" và "đối thủ hệ thống", trong cùng một câu trong bài viết về chính sách Trung Quốc được đề cập ở trên : "Trong các lĩnh vực chính sách khác nhau, Trung Quốc vừa là đối tác hợp tác mà EU có những mục tiêu liên kết khăng khít, một đối tác đàm phán mà EU cần tìm sự cân bằng lợi ích, vừa là đối thủ cạnh tranh kinh tế trong cuộc đua dẫn đầu về công nghệ cũng như là đối thủ hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế". Điều duy nhất gây ngạc nhiên là EU mất quá nhiều thời gian mới có thể đưa ra kết luận rằng kiểu can dự với Trung Quốc mà họ tìm kiếm trong 15 năm qua hóa ra là không thực tế.
Chia rẽ
Các học giả châu Âu như François Godement từ lâu đã cảnh báo rằng Bắc Kinh thích can dự với cá nhân từng nước thành viên EU, vì họ có thể nhận được điều họ không thể có được từ các thể chế EU. Khoảng năm 2010, Bắc Kinh bắt đầu nhận ra rằng quan hệ đối tác chiến lược không đương nhiên khiến Brussels dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt đối với Trung Quốc sau năm 1989. Khi EU từ chối công nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã quyết định bổ sung vào chính sách đối với EU cách can dự với cá nhân từng nước thành viên EU cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Quả thật, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tận dụng thành công sự mất đoàn kết của EU và việc một số nước thành viên sẵn sàng điều chỉnh chính sách của họ đối với Trung Quốc tùy thuộc vào số tiền đầu tư của Trung Quốc mà họ nhận được. Chẳng hạn, tháng 6/2017, Hy Lạp đã ngăn chặn việc nhất trí thông qua một tuyên bố chung của EU về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, trong khi vào tháng 3 năm đó, Hungary đã ngăn cản EU thêm tên của họ vào một lá thư chung bày tỏ quan ngại về thông tin các luật sư bị giam giữ và tra tấn bất hợp pháp ở Trung Quốc. Sự chia rẽ bên trong EU về Trung Quốc xuất hiện một bước ngoặt vào năm 2012, khi một số nước thành viên nhiệt tình tham dự Diễn đàn hợp tác 16+1 do Trung Quốc khởi xướng, đưa Trung Quốc và 16 nước Trung Đông Âu (CEE) vốn đặc biệt quan tâm đến việc tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc xích lại gần nhau. Khi Hy Lạp tham gia năm 2019, Diễn đàn hợp tác 16+1 đã trở thành Diễn đàn hợp tác 17+1.
Chắc chắn, thực tế có thể phức tạp hơn đôi chút và cáo buộc Trung Quốc tìm cách chia rẽ các thể chế và các nước thành viên EU đã trở thành một phần không thể thiếu và được lặp đi lặp lại trong giọng điệu của Brussels về Trung Quốc. Tuy nhiên, chắc chắn là Bắc Kinh đã sử dụng ảnh hưởng tài chính và kinh tế của mình để vượt mặt các thể chế EU khi đầu tư vào cá nhân các nước thành viên của khối này, đó là những khoản đầu tư không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy tắc và quy định của EU. Đây là thực trạng của một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào một nhóm nhỏ các nước thành viên EU (như Hungary, Hy Lạp, Slovakia và những nước khác). Tuy nhiên, Hy Lạp và Hungary không phải là những nước thành viên duy nhất lựa chọn các chính sách tự thân vận động gây chia rẽ. Chính phủ Italy đã khiến Brussels bực bội khi đăng ký tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc vào tháng 3/2019, do đó phớt lờ Ủy ban EU, vốn chịu trách nhiệm phối họp các chính sách thương mại và đầu tư của tất cả các nước thành viên EU. Tuy nhiên, chính phủ dân túy/cánh hữu của Italy tại thời điểm đó đã lựa chọn không tham khảo ý kiến của Ủy ban EU về quyết định tham gia BRI. Tại thời điểm đó, Italy có một chính phủ bắt đầu quá trình xung đột liên tục với EU và ít để tâm tới việc tham vấn các thể chế EU về các chính sách thương mại (cũng như các chính sách khác). Khi đăng ký tham gia BRI, Rome tuyên bố điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc và giúp họ xử lý vấn đề nợ công của mình, vốn chiếm tới hơn 130% GDP của nước này.
Không thể ít quan tâm hơn
Trên thực tế, một tuyên bố chung của EU về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc hầu như không quan trọng. Như mọi khi, Bắc Kinh sẽ bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào của EU về nhân quyền với lý do EU can thiệp bất hợp pháp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, một nghị quyết về nhân quyền có chữ ký của tất cả các nước thành viên EU - gồm cả những nước đã nhận hoặc đang nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng - dù sao cũng gửi đi một thông điệp về sự thống nhất của EU và rằng các nguyên tắc đôi lúc chi phối việc kinh doanh. Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ không thể lợi dụng sự mất đoàn kết của EU, cũng không thể chỉ ra các thành viên EU xa rời hàng ngũ như một bằng chứng cho thấy không phải tất cả các nước thành viên EU đều sẵn sàng can thiệp vào chính trị trong nước của Trung Quốc và áp đặt các tiêu chuẩn kép (thường không được xác định) của EU đối với Trung Quốc. Cuộc đối thoại giữa EU và Trung Quốc về nhân quyền, pháp quyền và việc EU liên tục yêu cầu Trung Quốc thực thi và tôn trọng các giá trị như tự do ngôn luận và bày tỏ đã không dẫn đến bất kỳ kết quả hữu hình nào. Cho dù các nhà hoạch định chính sách của EU tham gia đối thoại với các đối tác của họ ở Bắc Kinh tiếp tục chỉ ra rằng sự can dự vẫn rất quan trọng, nhưng thực tế họ không thể chỉ ra bất kỳ kết quả hữu hình nào của quá trình này. Sự thật là Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ những chỉ trích của EU về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc. Trên thực tế, vào năm 2013, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc - theo các chỉ thị trực tiếp từ Tập Cận Bình - đã cảnh báo người dân Trung Quốc về cái mà họ gọi là "việc bị tiêm nhiễm" các giá trị phương Tây như dân chủ và nhân quyền.
Đối thoại an ninh giả hiệu
Đối thoại an ninh EU-Trung Quốc - cái gọi là Đối thoại chiến lược cấp cao EU-Trung Quốc, mà cuộc đối thoại gần đây nhất được tổ chức vào ngày 18/3/2019 - đã không đạt được bất kỳ kết quả nào có thể cho thấy rõ ảnh hưởng của EU đối với chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Nói một cách dễ hiểu, trên trang mạng của Cơ quan đối thoại liên minh châu Âu (EEAS) không có thông tin thực chất và/hoặc chi tiết có sẵn về nội dung và kết quả của cuộc đối thoại đó. Trang mạng của EEAS về quan hệ chính trị và an ninh EU-Trung Quốc chỉ đăng một đoạn ngắn về cuộc đối thoại, về cơ bản nói rằng EU đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề chính sách và an ninh đối ngoại trên cơ sở thường xuyên. Điều đó không có nghĩa là cuộc đối thoại này hoàn toàn vô ích, nhưng EU rõ ràng thất bại trong việc thông báo cho công chúng quan tâm về điều Brussels và Bắc Kinh đã thảo luận và không đạt được sự đồng thuận trong tiến trình mà các nhà hoạch định chính sách EU đang rêu rao là công cụ quan trọng để tham khảo ý kiến với Trung Quốc về các chính sách đối ngoại và an ninh. Trên thực tế, trong bối cảnh Trung Quốc "dị ứng" với bất cứ điều gì tương tự như sự can thiệp vào các chính sách đối nội và đối ngoại của họ, thì cuộc đối thoại an ninh với EU dường như là một động thái có thiện chí về phía Bắc Kinh, trái ngược với một cuộc đối thoại trong đó cả Brussels lẫn Bắc Kinh đều có thể được lợi. Chắc chắn là không một ai ở EU thực sự tin rằng sự can dự của EU với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các chính sách đối ngoại và an ninh khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Trên thực tế, mỗi khi các nhà hoạch định chính sách Brussels lên tiếng và/hoặc công bố sự chỉ trích đối với chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc - có thể là những chính sách đối với Đài Loan hoặc về những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và bành trướng ở Biển Đôngvà biển Hoa Đông - Bắc Kinh đều bác bỏ những quan điểm như vậy, coi đó là "sự can thiệp không mong muốn vào công việc nội bộ của Trung Quốc".
Kém hấp dẫn hơn
Một phần trách nhiệm cho việc Trung Quốc có khả năng chia rẽ EU cũng có thể quy cho các học giả và nhà phân tích châu Âu, những người đã để các nhà hoạch định chính sách và quan chức Trung Quốc thuyết phục họ nhắc lại những lời nói có vẻ hay ho về các giá trị chung và sự hiểu biết lẫn nhau trong các hội nghị và hội nghị chuyên đề do các thể chế Trung Quốc tổ chức kể từ sau tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược EU-Trung Quốc năm 2003. Rất nhiều học giả châu Âu không sẵn sàng hy sinh việc được đối xử như khách VIP ở Trung Quốc - được ở tại các khách sạn 5 sao và được ngồi ghế hạng thương gia trên máy bay - để thể hiện sự liêm chính học thuật, sự độc lập, và lòng can đảm. Do đó, họ đã chọn cách tuyên truyền cho Trung Quốc thay vì đưa ra những phân tích khách quan. Tuy nhiên, may mắn là hiện tại số lượng các học giả và nhà phân tích châu Âu bán rẻ linh hồn và sự liêm chính của mình đã suy giảm. Điều chắc chắn là một số học giả và nhà phân tích phương Tây tiếp tục viết bài cho các tờ báo tuyên truyền của Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo hoặc thậm chí tệ hơn là Thời báo Hoàn Cầu, nhưng chỉ còn rất ít các học giả châu Âu lặp lại giọng điệu và chương trình tuyên truyền của Trung Quốc về sự hiểu biết lẫn nhau và các giá trị chung của EU và Trung Quốc. Chắc chắn là những người châu Âu đó, những người hiện đã tiến một bước xa hơn và chỉ trích Bắc Kinh cùng các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nước này, cuối cùng cũng nằm trong danh sách đen của Bắc Kinh và không còn thường xuyên được mời đến Trung Quốc, chứ đừng nói đến các chuyến bay hạng thương gia.
Hiệp định đầu tư song phương khó nắm bắt
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của EU. Thương mại song phương giữa hai bên lên tới 1,5 tỷ euro/ngày. EU đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 198 tỷ euro sang Trung Quốc trong năm 2017 và nhập khẩu hàng hóa trị giá 375 tỷ euro từ Trung Quốc. Năm 2017, EU có thặng dư thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, với xuất khẩu trị giá 45 tỷ euro so với nhập khẩu trị giá 28 tỷ euro. Khoảng 6 năm trước, EU và Trung Quốc đã quyết định mở rộng thương mại song phương và quyết định thông qua hiệp ước đầu tư song phương. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư song phương giữa EU và Trung Quốc đã kéo dài 6 năm mà chưa thấy kết quả. Bắc Kinh tuyên bố họ rất tin tưởng vào việc thỏa thuận đầu tư song phương sẽ sớm được thông qua, nhưng thực tế lại rất khác. Brussels vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi ký một thỏa thuận như vậy, và những vấn đề này căn bản vẫn không thay đổi trong toàn bộ tiến trình đàm phán : trợ cấp của Trung Quốc cho lĩnh vực công nghiệp, quyền tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ. Những vấn đề này sẽ không biến mất cho đến khi Bắc Kinh thay đổi căn bản các khía cạnh quan trọng trong chính sách công nghiệp và đầu tư - điều mà họ sẽ không làm được. Trên thực tế, dựa trên cách thức các nhà hoạch định chính sách và quan chức Trung Quốc phản ứng trước các yêu cầu của EU về việc hủy bỏ thông lệ chuyển giao công nghệ ép buộc, điều mà các nhà đầu tư và công ty châu Âu ở Trung Quốc phải chấp nhận trong nhiều lĩnh vực, và yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các quy định bảo vệ các công ty châu Âu trước sự đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, người ta kết luận rằng việc thông qua đầu tư song phương nói trên chí ít là sẽ không sớm diễn ra. Các quan chức và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tất yếu tiếp tục phủ nhận rằng các công ty châu Âu đầu tư vào Trung Quốc tiếp tục gặp trở ngại trong việc tiếp cận thị trường và buộc phải chuyển giao công nghệ.
Trong bối cảnh diễn ra các thông lệ kinh doanh không công bằng của Trung Quốc, tháng 3/2019, Đức, đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Trung Quốc, đã tuyên bố khởi động một chiến lược công nghiệp mới nhằm ủng hộ cái gọi là "doanh nghiệp bảo vệ lợi ích quốc gia", một thuật ngữ thường được dùng để chỉ các hoạt động đầu tư và kinh doanh của Pháp ưu tiên Pháp hơn các công ty nước ngoài. Berlin sẽ cấp thêm hỗ trợ đặc biệt cho các công ty Đức sản xuất pin cho xe điện, hóa chất và in 3D. Máy móc kỹ thuật, thiết bị y tế, hàng không vũ trụ và quốc phòng cũng sẽ là một phần trong sự chuyển hướng không lành mạnh của Đức sang chủ nghĩa bảo hộ. Hành động này có thể là sự trùng hợp, nhưng chiến lược đã được công bố vài tháng sau khi hiệp hội kinh doanh lớn nhất của Đức, Bundesverband der Deutschen Industrie (BDI), công bố một báo cáo trong đó rõ ràng thúc giục các thể chế châu Âu chống lại hàng xuất khẩu vốn được trợ cấp rất nhiều, năng lực sản xuất dư thừa trong lĩnh vực công nghiệp và các khoản cứu trợ công ty được nhà nước tài trợ của Trung Quốc.
Kết luận
Không có gì sai khi cố gắng can dự với Trung Quốc về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, khi giao dịch với một nước không muốn tham gia, tốt hơn hết là thừa nhận điều này và thay đổi cách tiếp cận. Duy trì các cuộc đối thoại về nhân quyền giữa EU với Trung Quốc là vô nghĩa khi chúng không mang lại bất kỳ kết quả nào, tới mức Trung Quốc thậm chí không tán thành với EU về định nghĩa chung của thuật ngữ nhân quyền. Quả thực, trong nhiều năm, EU đã không thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc tán thành thuật ngữ nhân quyền theo như định nghĩa của Liên hợp quốc. Thay vào đó, Bắc Kinh đưa thêm công thức "mang đặc sắc Trung Quốc" vào thuật ngữ nhân quyền, mà họ tuyên bố định nghĩa nhân danh 1,4 tỷ người Trung Quốc. Kết quả là nhân quyền mang đặc sắc Trung Quốc là các quyền như quyền sở hữu tài sản riêng và quyền thay thế nghèo đói bằng sự thịnh vượng về kinh tế. Tất nhiên, Bắc Kinh thường bác bỏ những mối lo ngại được đề cập ở trên rằng Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ các thể chế EU và các nước thành viên của nó là không phù hợp với thực trạng các mối quan hệ song phương và/hoặc đa phương với châu Âu.
Sau đó, một lần nữa, nếu người ta tin vào việc áp dụng chính trị thực dụng làm cơ sở cho chính sách đối ngoại và an ninh - như điều các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chắc chắn sẽ làm - thì việc lợi dụng sự mất đoàn kết và không cố kết của EU để yêu cầu những sự nhượng bộ và sự đối xử thiên vị từ cá nhân các nước thành viên EU là trò chơi công bằng. Có tiền là có quyền và Trung Quốc có rất nhiều tiền.
Axel Berkofsky
Nguyên tác : China and the EU : "Strategic Partners" No More, Security & evelopment Policy, tháng 12/2019
Hồng Quyên giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 06/07/2020
Axel Berkofsky giảng viên cao cấp Đại học Pavia, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chính trị quốc tế, Ý. Bài viết được đăng tải trên Institute for Security & Development Policy.