Các quốc gia Đông Nam Á có cơ hội hiếm có để tận dụng tuyên bố của Bắc Kinh về sự phụ thuộc lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, chẳng hạn như sáng kiến "Vành đai và Con đường" và Biển Đông.
Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo ASEAN Plus Three trong một hội nghị thượng đỉnh ảo ngày 14/4/2020. Ảnh màn hình này được lấy từ một video do đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV cung cấp, qua AP
Đầu tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 buộc các chính phủ trên toàn thế giới phải đóng cửa biên giới và tạm dừng hoạt động kinh tế, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua Liên Hiệp Châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Theo tờ báo này, kim ngạch thương mại gia tăng là minh chứng cho "chuỗi cung ứng không thể phá vỡ với Trung Quốc" và các liên kết mạnh mẽ của nước này với các nền kinh tế Đông Nam Á.
Ở một mức độ nào đó, tin tức như vậy không có gì bất ngờ. Năm 2019, 10 nền kinh tế Đông Nam Á hình thành nên khối ASEAN nằm trong số những bên hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, khi nhiều công ty nước ngoài từ Trung Quốc đã dời tới khu vực này. Tuy nhiên, giọng điệu hân hoan của tờ Thời báo Hoàn Cầu khi đưa tin về sự kết nối vững vàng giữa Trung Quốc và ASEAN cho thấy một đề xuất hợp lý khác : Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị hiện nay và những dự đoán về khả năng chia tách giữa Trung Quốc và Mỹ trên toàn cầu, phải chăng lời kêu gọi phụ thuộc lẫn nhau của Bắc Kinh chỉ có thể thực hiện được khi các nước Đông Nam Á sẵn sàng tham gia ? Nói cách khác, tại thời điểm hiện tại, và với sự phản ứng ngày càng dữ dội của cộng đồng quốc tế chống lại Bắc Kinh, phải chăng Trung Quốc cần các quốc gia Đông Nam Á không chỉ với tư cách đối tác kinh tế mà còn là bên duy nhất ủng hộ tầm nhìn của Trung Quốc về hợp tác xây dựng cộng đồng chung vận mệnh ?
Những câu hỏi như vậy chắc chắn mở ra một kịch bản đáng chú ý, khác với những tính toán thông thường về toàn cầu hóa và các liên minh chính trị. Trong một thế giới với những câu chuyện địa chính trị đao to búa lớn, các quốc gia Đông Nam Á thường chỉ đóng một vai trò tương đối khiêm tốn. Cùng lắm thì họ chỉ được coi là khéo léo cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, hoặc ngả sang một trong hai siêu cường này. Đông Nam Á chắc chắn không phải là một mục tiêu cân nhắc lớn đối với Chính phủ Trung Quốc vào đầu năm 2020. Đối với Trung Quốc, 2020 dự kiến sẽ là năm của những mối quan hệ hợp tác lớn, đặc biệt là với các nước thành viên EU. Bắc Kinh đã đạt nhiều bước tiến theo hướng này trong năm 2019 bằng cách ký một thỏa thuận với Ý trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" ; tiếp tục can dự với các nước Đông và Trung Âu ; và thay đổi một cách nhanh chóng và dễ dàng liên minh "16+1" ban đầu thành "17+1" với việc kết nạp thêm Hy Lạp. Ngoài ra, một cuộc họp cấp cao đặc biệt chưa từng có dự kiến sẽ được tổ chức tại Đức vào tháng 9/2020. Nhiều phương án hợp tác dường như đều khả thi, thậm chí cả với Mỹ. Đáng chú ý nhất là bất chấp các căng thẳng thương mại trong suốt năm 2019, hai chính phủ đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn I vào đầu tháng 1/2020.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, tất cả những điều này đã là quá khứ xa vời với những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi cơ bản tiềm năng trong nhận thức của thế giới hậu đại dịch. Mặc dù chỉ vài tháng trước, một thế giới kết nối với nhau được cho là lẽ đương nhiên, nhưng giờ đây chính ý tưởng này lại bị hoài nghi. Nói cách khác, ngoài các tác động tai hại về xã hội, kinh tế và chính trị, đại dịch Covid-19 còn làm đảo lộn các câu chuyện về sự phụ thuộc lẫn nhau và vũ khí hóa các lập luận chống kết nối và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, ngoài các viễn cảnh về sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc, nay càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch, còn có ngày càng nhiều lời kêu gọi chấm dứt phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu do Trung Quốc chi phối cũng như kêu gọi thảo luận về sự tự lực. Vào thời điểm bài này được viết, mọi dấu hiệu cộng tác tiềm năng với Mỹ đều đã tan biến, và khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, nhiều người dự đoán giọng điệu của Washington sẽ còn gây hấn hơn nữa. Mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và các nước thành viên EU cũng có viễn cảnh u ám không kém : Các cuộc đàm phán với Đức dự kiến vẫn diễn ra vào tháng 9, nhưng có nhiều bình luận cho rằng giọng điệu và trọng tâm đàm phán đã có phần thay đổi. Cho dù Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ thiện chí khi điều động các đội ngũ y tế và cung cấp viện trợ cho các nước châu Âu bị dịch bệnh tác động mạnh trong suốt tháng 3 và tháng 4, nhưng chính phủ các nước EU vẫn chưa vượt qua được sự nghi ngờ đối với chính sách "ngoại giao y tế" của Bắc Kinh. Ngay cả trong liên minh "17+1" cũng tồn tại những rạn nứt. Và thậm chí theo lời của chính các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc, trên hết, việc Bắc Kinh cho phép các nhà ngoại giao "chiến lang" đứng lên bảo vệ phản ứng ban đầu của Chính phủ Trung Quốc trước đại dịch và tán dương những ưu điểm của hệ thống chính trị Trung Quốc phần lớn là phản tác dụng.
Tuy nhiên, có lẽ tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy sự chuyển hướng cán cân giữa các liên minh và quan hệ đối tác xuất phát từ phản ứng ban đầu với dịch Covid-19. Ngược lại với Mỹ và EU, các nước Đông Nam Á đã nhanh chóng phối hợp với Trung Quốc ngay từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 mới bùng phát, nhanh chóng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc-ASEAN vào tháng 2. Tinh thần đoàn kết và phản ứng chung trong khủng hoảng không chỉ dừng ở đó. Trong những ngày đầu khi dịch bệnh bắt đầu lây lan, mặc dù thái độ bài Trung Quốc đang sục sôi trên toàn thế giới, nhưng các nước Đông Nam Á đã tiếp nhận tin tức từ Vũ Hán với sự đồng cảm, tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ không gì lay chuyển được. Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Singapore đều quyên tặng Trung Quốc nhiều loại trang thiết bị y tế. Một nghệ sĩ Thái Lan thậm chí đã sáng tác một bài hát thể hiện tình đoàn kết với Vũ Hán. Để đáp lại, ngay khi virus bắt đầu lan ra ngoài biên giới, Trung Quốc đã gửi viện trợ y tế và cử các chuyên gia y tế tới khu vực Đông Nam Á. Sự phối hợp giữa Trung Quốc và ASEAN ở nhiều cấp độ đã cho thấy cả sự cần thiết lẫn lợi ích của việc phụ thuộc lẫn nhau và sự hợp tác trong thời kỳ khủng hoảng. Ngoài ra, chúng cũng thể hiện sự tương phản rõ rệt với các phản ứng ban đầu của các khu vực còn lại trên thế giới, đáng chú ý nhất là việc EU không hỗ trợ Ýngay sau khi cuộc khủng hoảng bùng phát mạnh vào đầu tháng 3.
Điều này ảnh hưởng ra sao đến tầm nhìn của Bắc Kinh về toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ? Một mặt là những viễn cảnh rời rạc về việc đẩy mạnh can dự với các nước đối tác châu Âu chủ chốt, sự thù địch với Mỹ và các thông lệ ngoại giao đáng ngờ. Mặt khác và trái ngược hoàn toàn là các quan hệ kinh tế mạnh mẽ, sự hợp tác chặt chẽ và đoàn kết với các nước ASEAN nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Chính trong bối cảnh này nảy sinh một vấn đề hoàn toàn không thể ngờ tới : Đối với Bắc Kinh, việc hiện thực hóa tầm nhìn về sự phụ thuộc lẫn nhau rất có thể đòi hỏi Trung Quốc phải thể hiện sự thống nhất và đoàn kết với các nước Đông Nam Á với tư cách là đối tác chủ chốt trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Trái lại, đối với Đông Nam Á, điều này mang lại cơ hội có một không hai để tiếp nhận tầm nhìn của Trung Quốc về một thế giới toàn cầu hóa theo đúng nghĩa đen. Nói cách khác, các quốc gia Đông Nam Á có một cơ hội hiếm có để tận dụng tuyên bố của Bắc Kinh về sự phụ thuộc lẫn nhau và chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, chẳng hạn như sáng kiến "Vành đai và Con đường" vàBiển Đông. Dưới đây là một số cân nhắc ban đầu về cả hai vấn đề.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường"
Sự phụ thuộc lẫn nhau có thể là chìa khóa cho tính khả thi của BRI trong tương lai. Với đại dịch Covid-19, có nhiều tiếng nói hoài nghi về tính bền vững của sáng kiến chủ đạo này của Trung Quốc. Ngoài việc chấm dứt các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI đã bị ảnh hưởng trực tiếp do thiếu nguồn nhân lực sau khi các biên giới bị đóng cửa.
Ở Đông Nam Á, có rất ít thông tin về các dự án cơ sở hạ tầng đang diễn ra cho dù có nhiều can dự, số liệu năm 2018 cho thấy tổng số vốn đầu tư thông qua BRI vào khu vực này vượt quá 740 tỷ USD. Hiện tại, dựa trên nghiên cứu của các nguồn tin tức truyền thông Trung Quốc và khu vực, chỉ 13 dự án đã được xác định là đang hoạt động. Chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số các dự án đầu tư vào khu vực, đây là những dự án duy nhất cho thấy khả năng thực hiện, tạm hoãn và gia hạn tiến độ hoàn thành ở nhiều cấp độ khác nhau.
Chắc chắn các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI không phải là những dự án duy nhất bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, và việc đình chỉ cũng như tạm hoãn có thể là kết quả của nhiều thách thức. Tuy nhiên, ít nhất một vấn đề có liên quan đến tình trạng nan giải hiện nay đã cho thấy một cơ hội chưa từng có : Trên tinh thần hợp tác, và tận dụng tình hình biên giới đóng cửa cũng như sự án binh bất động do cách ly, các nước Đông Nam Á có thể đàm phán lại việc tuyển dụng nhân lực địa phương tại các địa điểm xây dựng dự án BRI. Tình cờ thay, những lợi ích mà đề xuất này mang lại có thể không chỉ gói gọn trong việc đáp ứng nhu cầu cấp thiết là khôi phục và duy trì hoạt động của các dự án. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các dự án cơ sở hạ tầng BRI đã nhiều lần bị chỉ trích vì sử dụng gần như hoàn toàn công nhân Trung Quốc. Trên thực địa, điều này thường được hiểu là gần như không hoặc hoàn toàn không có cơ hội tuyển dụng nhân viên địa phương và không có khả năng có sự tham gia của công nhân địa phương trong các khía cạnh vận hành và kỹ thuật của các dự án. Do đó, việc xây dựng năng lực địa phương hoặc sự phối hợp trên nhiều phương diện giữa nhân sự của dự án và các cộng đồng địa phương sẽ gặp nhiều hạn chế. Trong bối cảnh rộng lớn hơn, hiện tượng này cũng cho thấy sự thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu bao trùm của sáng kiến BRI, cụ thể là mục tiêu xây dựng "cộng đồng chung vận mệnh" vốn được quảng bá rộng rãi, các kịch bản "đôi bên cùng có lợi" và kết nối nhân dân.
Việc đàm phán lại về sự tham gia của nước sở tại có thể có nhiều lợi thế bên cạnh việc ngăn chặn các thiệt hại kinh tế xuất phát từ tình trạng phong tỏa hiện nay. Tăng thêm số lao động địa phương sẽ là một phương thức hữu ích nhằm tăng cường sự tham gia của nước sở tại. Quan trọng không kém, điều này cũng sẽ biến những khẩu hiệu tuyên truyền về sự phụ thuộc lẫn nhau thành một chiến lược có thể thực hiện được.
Biển Đông
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã tham gia nhiều sáng kiến để thể hiện cam kết của mình với tiến trình toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau và chủ nghĩa đa phương. Nổi bật nhất trong số này là sự hỗ trợ y tế trên toàn thế giới và sự ủng hộ không mệt mỏi của nước này đối với WHO. Tuy vậy, các tranh chấp trên Biển Đông là một ngoại lệ lớn trong nghị trình toàn cầu hóa của Trung Quốc.
Các tuyên bố chủ quyền và sự kiên trì của Bắc Kinh trong việc khẳng định các đặc quyền trong "đường 9 đoạn" ở gần như toàn bộ Biển Đông một lần nữa đã gây căng thẳng trong khu vực và cũng dẫn đến sự hiện diện gia tăng của Hải quân Mỹ. Trung Quốc cũng đã làm suy yếu thẩm quyền và uy tín của các tòa trọng tài quốc tế sau vụ tai tiếng bác bỏ phán quyết mang tính bước ngoặt theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 2016 ủng hộ Philippines và chống lại Trung Quốc. Chắc chắn, bản thân "đường 9 đoạn" là yếu tố gây rắc rối vì nó đi qua những khu vực thuộc đặc quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei Darussalam và Indonesia (quần đảo Natuna). Và vì Trung Quốc không phải là bên duy nhất đưa ra các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi trong khu vực, tuyên bố gần đây nhất của Chính phủ Trung Quốc về việc đặt tên 25 đảo và bãi đá cũng như 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông là động thái mới nhất trong một loạt can dự trên biển gây tranh cãi tại khu vực trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn nhận thức được rằng cần phải phát triển sự hiểu biết chung với các nước láng giềng về vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn, một trong những nỗ lực gần đây nhất nhằm thể hiện sự đoàn kết là việc Đại sứ quán Trung Quốc phát hành bài hát nổi tiếng "Một đại dương" tại Philippines. Bài hát nhằm tôn vinh sự đoàn kết giữa những người Philippines và người Trung Quốc trên tuyến đầu ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Những lời ca như "nhờ có tình yêu dạt dào như con sóng, tay trong tay, chúng ta cùng hướng đến một tương lai tươi sáng, bạn và tôi trên cùng một đại dương" hàm ý nhắc đến sự phụ thuộc lẫn nhau và tình đoàn kết giữa hai nước. Tuy nhiên, chiến lược này đã phản tác dụng. Cư dân mạng đã kịch liệt chỉ trích bài hát này vì cho rằng đó là một nỗ lực tuyên truyền ; nhiều người nghi ngờ ý nghĩa và ý đồ đằng sau lời ca và ý tưởng về "một đại dương". Thái độ của cộng đồng mạng chắc chắn khó có thể được nêu ra tại các cuộc họp chính thức, chẳng hạn như các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc vốn đã bị hoãn lại. Tuy nhiên, với những người quan tâm, những lời chỉ trích về bài hát trên rõ ràng cho thấy giới hạn của ngôn từ đầy ẩn ý của Trung Quốc về sự tương đồng và thống nhất.
Cuối cùng, vụ việc bài hát "Một đại dương" cũng cho thấy rằng việc tìm kiếm tiếng nói chung chính là trọng tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào về Biển Đông. Đặc biệt, mặc dù cả ngôn ngữ trong các văn kiện luật quốc tế (nghị quyết của UNCLOS năm 2016) lẫn hành động tuyên truyền văn hóa (bài hát "Một đại dương") đều bị coi là không thể chấp nhận được, nhưng các tuyên bố tuân thủ các quan niệm và chuẩn mực chung có thể trở thành nền tảng cho cách đánh giá và cách hiểu khác về một không gian hàng hải chung. Chẳng hạn, việc Trung Quốc phản đối nghị quyết của UNCLOS năm 2016 có thể bị các nước khác lợi dụng như là một dấu hiệu để đưa ra những lời lẽ và tuyên bố tương tự về "quyền lịch sử" và truyền thống – đặc biệt là bằng cách tạo dựng các câu chuyện về kết nối trên biển và thể hiện sự hiện diện quan trọng từ trong lịch sử của nhiều cộng đồng địa phương trong khu vực. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã nhiệt liệt tán thành chiến lược Trục hàng hải toàn cầu của Indonesia và thậm chí còn tìm cách liên kết với BRI.
Kết luận
Dưới sức ép địa chính trị và kinh tế vốn đã trở nên trầm trọng thêm do đại dịch Covid-19, các nước ở Đông Nam Á hiện có một cơ hội chưa từng có để tích cực định hình mối quan hệ mới với Trung Quốc, không phải dựa trên sự phụ thuộc mà thay vào đó là tận dụng các tuyên bố về sự phụ thuộc lẫn nhau mà Trung Quốc đề xuất. Việc can dự với Trung Quốc theo các điều khoản bình đẳng chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Dù vậy, khi Bắc Kinh vươn mình trở thành nước đi đầu ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong thế giới hậu Covid-19, những thước đo và quy tắc về sự phụ thuộc lẫn nhau không chỉ do mình Trung Quốc quyết định. Khả năng của Bắc Kinh trong việc can dự với các đối tác khu vực có thể đóng vai trò là phép thử cho các khả năng và giới hạn của tầm nhìn "xây dựng cộng đồng chung vận mệnh" vốn được quảng bá rộng rãi. Vì một tầm nhìn như vậy chỉ khả thi khi các nước khác sẵn sàng tán thành và thực hiện nó./.
Marina Kaneti
Nguyên tác : ASEAN Must Make the Best of Its New Centrality in China’s Diplomacy, The Diplomat, 04/06/2020
Hồng Quyên giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 06/07/2020
Marina Kaneti, phó giáo sư trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đại học Quốc gia Singapore. Bài viết được đang tải trên The Diplomat .