Giới tranh đấu nên ưu tiên ‘minh bạch, sự thật' hơn là ‘lật đổ cộng sản’ ?
Trong bối cảnh đến nay có gần 280 nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam giam giữ, hàng chục người khác phải sống lưu vong ở nước ngoài, một luật sư cho rằng giới hoạt động nên "xếp lại" mục tiêu đa nguyên, đa đảng, và hãy nhắm đến "minh bạch, sự thật" để tránh bị đàn áp.
Một cuộc biểu tình đòi minh bạch thông tin gần tòa nhà Quốc hội ở Hà Nội, tháng 10/2019. Photo EVA TV Vietnam.
Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cho biết trong thông cáo hôm 3/7 rằng tính đến ngày 30/6/2020, nhà nước cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 276 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc bằng các hình thức giam giữ khác.
"Họ là những blogger, luật sư, người hoạt động công đoàn, nhà hoạt động về quyền đất đai, nhà bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền và tín đồ của các tôn giáo thiểu số không đăng ký đã bị bắt giữ và kết án chỉ vì thực hiện một cách ôn hòa các quyền được bảo vệ bởi các công ước nhân quyền quốc tế và hiến pháp Việt Nam như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do của tôn giáo hoặc niềm tin", theo thông cáo.
Vẫn tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền nhấn mạnh trong thông cáo của mình rằng "Bộ Công an Việt Nam tiếp tục chính sách giữ tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm, trong điều kiện sống khó khăn để trừng phạt họ vì những hoạt động phi bạo lực nhưng có hại cho chế độ cộng sản nhằm phá vỡ sức mạnh tinh thần của họ".
Ngoài những tù nhân lương tâm nêu trên, theo quan sát của VOA, trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam trực tiếp ép buộc hoặc gián tiếp làm cho hàng chục nhà hoạt động, nhà đấu tranh phải sống lưu vong ở nước ngoài.
Trong số họ là những tên tuổi quen thuộc như các ông bà Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Việt Khang, Trần Thị Nga, Lê Văn Sơn, Hoàng Dũng ở Mỹ ; Bạch Hồng Quyền ở Canada, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Lê Nguyễn Hương Trà ở Đức ; Trịnh Hữu Long ở Đài Loan, Nguyễn Trường Sơn ở Thái Lan, v.v…
Trước tình trạng nhiều người trong giới tranh đấu bị bỏ tù hoặc phải rời bỏ tổ quốc, ông Hà Huy Sơn, luật sư đã bào chữa cho nhiều nhà hoạt động, mới đây đưa ra quan điểm "hãy xếp lại mục tiêu đòi lật đổ chính quyền cộng sản".
Luật sư Sơn viết trên Facebook cá nhân hôm 29/6 : "Ở trong nước, Hiến pháp không cấm đa nguyên, đa đảng nhưng về thực chất là cấm. Tôi cho rằng người Việt trong và ngoài nước không nên từ bỏ mục tiêu này mà hãy xếp lại, và ưu tiên mục tiêu khác trước. Chẳng hạn hãy lựa chọn mục tiêu ‘Minh bạch, sự thật’ mọi vấn đề liên quan đến đời sống chính trị, xã hội của đất nước".
Ông Sơn tiếp đến viết thêm rằng việc chọn mục tiêu mà ông gọi là "chính danh", với hàm ý không trái với luật pháp hiện nay của Việt Nam, có tác dụng thu hút thêm người ủng hộ, tham gia, và có thể được chính quyền Việt Nam "thừa nhận".
Giải thích vì sao ông nêu ra những suy nghĩ như vậy, luật sư Sơn nói với VOA :
"Quan điểm của tôi đưa ra xuất phát từ thực tế, từ tương quan lực lượng giữa những người đấu tranh với phía chính quyền. Nên đặt ra mục tiêu là những gì thực tế hơn thì sẽ hạn chế sự đàn áp của phía chính quyền".
Cuối tháng 6/2020, chính quyền Việt Nam bắt giam 6 người vì "tuyên truyền chống nhà nước" trong cùng một ngày
Luật sư từng bào chữa các nhà hoạt động Việt Khang, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Bùi Thị Minh Hằng và nhiều người khác nói thêm với VOA rằng cuộc đấu tranh vì công bằng, nhân quyền phải do các nhà hoạt động thực hiện "ở trong nước".
Nếu vì đấu tranh mà những nhà hoạt động bị trục xuất, những nỗ lực của họ xem như "không đạt được mục đích", chưa kể có thể có một số ít "khoác vỏ bọc" đấu tranh chỉ để đi định cư ở nước ngoài, thì việc làm của họ gây "phản tác dụng" cho phong trào chung, luật sư Hà Huy Sơn nói.
Từ Quận Cam, bang California, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải, người thường biết đến với cái tên blogger Điếu Cày, nói với VOA rằng ông phần nào có chung suy nghĩ với luật sư Sơn.
Ông Hải, từng bị chính quyền Việt Nam kết án tù 12 năm vì lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do và "tuyên truyền chống nhà nước", bị buộc phải đi lưu vong khi án tù còn chưa kết thúc, bày tỏ :
"Ở Việt Nam, có những thời điểm, những lĩnh vực mà đưa ra tuyên bố có thể đem lại tác hại, đem lại sự đàn áp nguy hiểm cho anh em đấu tranh dân chủ. Ở trong nước, nhiều anh em không tuyên bố chống nhà nước, chỉ đòi dân chủ, nhân quyền, các quyền ghi trong hiến pháp, pháp luật. Nếu biết bắt đầu ở những điểm quan trọng thì nó cũng dẫn đến kết quả lật đổ cộng sản. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, lan truyền sự thật là những việc bao giờ cộng sản cũng sợ".
Cựu tù nhân lương này khẳng định rằng trong 10 năm trở lại đây, nỗ lực của các nhà hoạt động vì tự do ngôn luận và sự thật đã làm xã hội Việt Nam minh bạch và cởi mở hơn rất nhiều, đồng thời cũng làm cho người dân "rút lại" sự tin tưởng vào đảng cộng sản, khiến cho đảng cầm quyền này "rất sợ".
Từ kinh nghiệm của cá nhân và những người trong cùng hội Nhà báo Tự do, ông Hải nói khi ông và bạn bè bị bỏ tù vì đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều có thể dễ dàng lên tiếng phản đối việc nhà nước bỏ tù những người nói lên sự thật.
Nhưng đối với những người tuyên bố "chống" hoặc đòi "lật đổ chính quyền", khi họ bị bỏ tù, các tổ chức khó bênh vực họ hơn, blogger Điếu Cày nói.
Vẫn theo ông, thay vì đưa ra tuyên bố quá mạnh mẽ, việc đặt ra mục tiêu gần gũi với người dân giúp thu hút thêm sự chung tay.
Nhiều cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi của Việt Nam năm 2010 chống 2 dự luật không được lòng dân
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Hải đưa ra so sánh ẩn dụ rằng đứng trước nhà tù do chế độ cộng sản xây lên, nếu đòi hỏi ai cũng phải "vác búa tạ" để phá nó, nhiều người sẽ "không có sức" tham gia được.
Nhưng nếu mỗi người đều có thể dùng phương cách của mình, có những người "chỉ có thể cầm muỗng, cậy một hai viên gạch ra", dần dần đến một ngày nhà tù sẽ "sụp đổ hoàn toàn", blogger Điếu Cày nói.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Ngữ, một nhà hoạt động đang sống ở Việt Nam và là giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, có quan điểm khác. Ông Ngữ nói với VOA :
"Còn chủ nghĩa cộng sản thì không bao giờ có minh bạch, sự thật ở đây cả. Minh bạch, sự thật chỉ gắn với các chế độ đa nguyên, đa đảng, có tam quyền phân lập, có tự do báo chí. Ý kiến của anh Hà Huy Sơn là nửa vời, không triệt để".
Trong quan điểm của mình, ông Ngữ cho rằng không thể tránh được những mất mát trong đấu tranh, bao gồm bị tù đày, bị trục xuất, thậm chí bị giết hại. Nhưng ông có niềm tin rằng cuộc đấu tranh dù "cam go" và có thể sẽ kéo dài nhiều năm, sẽ được nhiều người ủng hộ.
"Chính quyền có thể bắt giữ 100 người, 1.000 người, thậm chí vài nghìn người, nhưng khi những người đấu tranh lên đến hành chục nghìn người, thì chính quyền cộng sản sẽ phải từ bỏ sự cai trị", ông Ngữ nói với VOA.
Tuy có thể khác nhau về phương cách, song "niềm tin" cũng là điều mà ông Nguyễn Văn Hải nhắc đến như một yếu tố hết sức quan trọng để bất kỳ cuộc đấu tranh nào đi đến thắng lợi. Ông nói :
"Khi thấy những khó khăn trong cuộc chiến, có những người nản. Thử hỏi nếu trong nhà tù, chúng tôi cũng nản như thế thì làm sao chúng tôi sống được. Chúng tôi phải có niềm tin. Nếu không có niềm tin vào ngày mai, không có niềm tin việc mình làm là đúng, và nó đi đến kết quả, thì mình khó mà sống được với án tù dài như thế và trong nhà tù mình bị cô lập như thế. Cho nên giữ được niềm tin, lan tỏa niềm tin của mình đến những người khác là cả vấn đề, để phong trào phát triển, đi lên".
Từ góc độ của mình, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải nhận xét rằng sự lên tiếng vì tự do ngôn luận trên mạng xã hội và các cuộc biểu tình đòi quyền lợi ở Việt Nam đã tiến những bước dài trong 10 năm qua, "sóng sau lớn hơn sóng trước".
Ông khẳng định "cộng sản đã vỡ trận trên mặt trận truyền thông, không còn bưng bít thông tin được nữa", song ông vẫn kêu gọi giới hoạt động tiếp tục phải "kiên trì" vì cuộc đấu tranh là "trường kỳ", không tính bằng 10 năm hay 20 năm.
Nguồn : VOA, 06/07/2020