Một hình ảnh điển hình của xã hội Việt Nam ngày nay : những thiếu nữ bị còng tay, gục đầu tìm miếng ăn.
Nhiều nữ nhân viên công ty đa cấp bị trói tay, cúi đầu ăn cơm hộp dưới sàn : Vứt bỏ liêm sỉ ?! (Nguồn : Một Thế Giới, 07/07/2020)
Doanh nghiệp tổ chức cuộc làm nhục tập thể này nói đó là phương pháp huấn luyện nhân viên vượt qua mọi thử thách, để "đạt mục tiêu trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp hơn".
"Khi các bạn đang nỗ lực thì những người ngoài kia nỗ lực hơn các bạn rất nhiều. Thử thách này, nếu các bạn không vượt qua thì quá tầm thường", nghĩa là không xứng đáng trở thành… nhân viên bán hàng đa cấp !
Tóm lại, muốn có một chỗ đứng bán hàng kiếm tiền đong gạo, phải tự làm nhục, phải đặt mình ngang hàng với súc vật, phải quẳng vào thùng rác nhân phẩm con người.
"Đáng sợ" là cảm giác chung của nhiều người xem clip. Họ thắc mắc các nhân viên công ty đa cấp này có bị "tẩy não" không mà lại nghe theo sếp và làm trò kỳ cục như vậy ? (Nguồn : Một Thế Giới, 07/07/2020)
Người ta hiểu hơn những thái độ, những hành động còn vô liêm sỉ hơn nữa, khi mục tiêu lớn hơn, hàng tỷ dollars.
Angela Merkel nói : về nhân phẩm con người, chúng ta không thể nhân nhượng.
Ý thức về nhân phẩm, liêm sỉ là thành trì cuối cùng để ngăn chặn con người trở thành con vật, nhất là trong hoàn cảnh thiếu thốn, đói khát, trong một xã hội bất công, bệ rạc, tất cả có thể, và phải mua bằng tiền.
Tiêu chuẩn luân lý
Triết gia Alain nói : "Trong luân lý, không có gì khác hơn là ý niệm về nhân phẩm" (Il n’y a rien d’autre dans la morale que le sentiment de la dignité). Bởi vì luân lý, đạo đức thay đổi từ nơi này sang nơi khác, từ thời đại này sang thời đại khác. Cái được coi là đạo đức bên này dẫy núi Pyrénées, có thể coi là vô luân bên kia. Chỉ có một tiêu chuẩn cho luân lý : tôn trọng nhân phẩm con người.
Khi tabou cuối cùng, khi bức tường cuối cùng là nhân phẩm con người bị chà đạp, xã hội sẽ vỡ bờ. Sẽ chỉ còn lại một môi trường sống man rợ, trong đó con người thu gọn lại thành một bộ phận cơ thể : cái dạ dầy. Người ta sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để sống.
Antonio Gramsci nói : trong một xã hội tranh tối tranh sáng, thế giới cũ đang chết, thế giới mới chưa thành hình, sẽ xuất hiện rất nhiều hiện tương quái gở. Đó là chuyện đang xẩy ra, mỗi ngày, ở Việt Nam.
Có người ví liêm sỉ như trinh tiết. Người ta chỉ mất trinh một lần. Sau lần đầu, chuyện… mất trinh sẽ không còn là ưu tư nữa.
Khi một xã hội chấp nhận, thờ ơ trước một cảnh man rợ như trong video nói trên, xã hội đó đã đi trọn bước đầu, đang trên đường giải thể, tan rã.
Đừng trông chờ nhà nước có biện pháp.
Họ có dư phương tiện để ngăn cấm, ngăn chặn những chuyện bẩn thỉu, bệ rạc, chà đạp nhân phẩm con người, nhưng họ không làm.
Bởi vì chế độ độc tài ra đời, tồn tại trên sự ngu dốt của dân, trên cái băng hoại của luân lý. Khi miếng ăn là mục đích duy nhất trên đời, kẻ nắm quyền, nắm tiền trong tay có sức mạnh vạn năng.
Bảo vệ nhân phẩm, trước hết là chuyện của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân tự đặt cho mình một giới hạn không thể vượt qua, với bất cứ giá nào. Thành lũy của xã hội chỉ vững mạnh khi các thành lũy cá nhân kiên cố.
Vấn đề là ý thức về nhâm phẩm không phải từ trên trời rơi xuống. Nó hiện hữu nhờ truyền thống và giáo dục.
Trong các chế độ cộng sản, truyền thống bị tiêu diệt tận gốc rễ, giáo dục chỉ có mục đích ngu dân. Howard Zinn viết : "dưới các chế độ độc tài không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ".
Nhân phẩm con người, trong một xã hội tử tế, là chuyện quan trọng hàng đầu ; dưới chế độ cộng sản, là một chi tiết không đáng kể, một xa xỉ phẩm. Tệ hơn nữa, một trò của trưởng giả bịa ra để cản đường đưa thế giới tới đại đồng.
Paris, 10/07/2020
Từ Thức
Ngu ồ n : tuthuc-paris-blog.com