Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2020

Tăng thu ngân sách, giảm khoản giữ lại : vắt kiệt Thành phố Hồ Chí Minh

Thanh Trúc

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội Nghị lần thứ 42 Ban chấp hành Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa X mở rộng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng vai trò đầu tàu cả nước của thành phố Hồ Chí Minh không tự nhiên có được mà mỗi giai đoạn đều là sự nỗ lực cố gắng.

ngansach1

Một người bán bánh mì đi qua đường phố trung tâm TP Hồ Chí Minh hôm 29/6/2020 AFP

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định bằng chứng là tỷ trọng đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh cho cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên.

Trong giai đoạn 1996-2000, kinh tế thành phố chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước.

Sang giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ này tăng lên 20%, và đến giai đoạn 2011-2019 thì kinh tế thành phố đạt hơn 22% kinh tế toàn quốc.

Năng lực lao động dẫn đến tư thế đầu tàu cả nước như thành phố Hồ Chí Minh không có gì đáng ngạc nhiên, là nhận định của tiến sĩ, chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu :

"Đúng là thành phố Hồ Chí Minh có năng suất kinh doanh cao nhất nước, đóng góp cho ngân sách cả nước 27,5% trong giai đoạn 2011-2019. Thành phố Hồ Chí Minh có truyền thống thương mai tự do, danh tiếng trong vùng Đông Nam Á. Sau khi thống nhất thì Thành phố Hồ Chí Minh được thừa hưởng cái nền tảng tự do của thành phố Sài Gòn và tiếp tục đến giờ hơn 40 năm trở thành trung tâm thương mại lớn nhất cả nước"

"Nếu so sánh thì Hà Nội vẫn còn đâu đó bóng dáng một nền kinh tế bao cấp, còn Sài Gòn thì có khả năng hơn tất cả những thành phố khác. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh thì chính phủ cần phải có những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ để tăng cường năng lực và thành phố có thể đóng vai trò dẫn đầu cả nước trong việc vượt khó cũng như trong giai đoạn phục hồi".

Bất kể nỗ lực không ngừng như đã nói, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đang giảm dần. Nói một cách rõ ràng hơn, tốc độ tăng trưởng từ 2001-2010 bằng 1,6 lần cả nước, nhưng đến thời kỳ 2011-2019 chỉ còn bằng 1,2 lần.

ngansach2

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP

Báo chí trong nước trích dẫn giải thích của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rằng chuyện này có những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó một nguyên nhân của 20 năm qua là tỷ lệ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại để đầu tư và phát triển càng ngày càng giảm, còn tỷ lệ đóng góp vào ngân sách quốc gia thì cứ tăng dần lên.

Thực tế tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng giảm từ 100% xuống 78%, thì Thành phố Hồ Chí Minh từ 33% hạ xuống mức 18% . Đây là mức giảm manh nhất về tỷ lệ ngân sách để lại, tức được quyền giữ lại trong 2 thập niên qua, so với các tỉnh thành khác trong nước.

Cho rằng Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh than vãn thì cũng không sai, vì trước đó một viên chức Thành ủy từng ví Thành phố Hồ Chí Minh là con bò sữa của Hà Nội. Đó là ý kiến của doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt :

"Thật ra việc này trước đây không ai biết cả, nhưng cách đây vài năm, khi mạng xã hội phổ biến thì thông tin chính thức cho thấy mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh phải đóng góp vào ngân sách của trung ương 23%. Tức là mình làm 100 đồng thì mình phải gởi cho trung ương 77 đồng và chỉ giữ được 23 đồng thôi".

"Có chuyện là ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy, khi đang chuyên trách đoàn đại biểu quốc hội thành phố thì ông đã phát biểu trên nghị trường quốc hội rằng đừng có xem thành phố là con bò sữa bởi vì trước đây đóng góp 23% đã quá sức rồi, sau này lại tăng thêm nguồn ngân sách chủ yếu cho trung ương nữa. Việc đóng góp ngày càng nhiều nhưng mà trích lại ngày càng ít do chính phủ và quốc hội biểu quyết và qui định, chỉ có điều khi người dân cảm thấy không thoải mái, cảm thấy mình là con bò sữa bị vắt kiệt sức như thế thì sẽ rất khó, và chắc chắn rằng hơn ai hết lãnh đạo thành phố cũng thấy được vấn đề".

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Singapore, việc Thành phố Hồ Chí Minh phải đóng góp nhiều nhất cho ngân sách cả nước, mà ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập tới, là một nhận định thực tiễn thôi :

"Cái việc nộp nhiều như thế chỉ có thể xảy ra ở các nước có nền an sinh xã hội rất cao, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh lại không có điều ấy. Tức là đi học phải mất tiền, chữa bệnh phải mất tiền… Cái gì cũng phải tiền thì nộp ngân sách lớn là chuyện rất vô lý, trái với tất cả nền tảng về kinh tế thị trường".

"Thế cho nên đại hội đảng bộ ở thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền hiệp thương với Hà Nội để làm sao giảm mức đóng góp, giảm phần trăm nào tốt phần trăm đó và giảm được càng nhiều càng hợp lý bởi vì Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp quá nhiều cho ngân sách của Nhà nước rồi"

ngansach3

Những căn nhà bị phá nhường chỗ cho những nhà cao tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh AFP

Thực tế và đúng lúc là cái nhìn của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trước những điều ông Nguyễn Thiện Nhân nói ra, bởi nó quyết định cho sự đầu tư và phát triển trong những ngày tới :

"Hôm nay báo Tuổi Trẻ cũng đưa các số liệu tương tự, kể cả một đồ thị về mức độ điều tiết ngân sách từ nguồn thu của Thành phố Hồ Chí Minh ra trung ương. Vấn đề là những nguồn thu của Thành phố Hồ Chí Minh không phải chỉ do thành phố sản xuất ra mà nguồn thu đó có sự đóng góp của các địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy trung ương có các lý do nhất định để điều tiết nguồn thu phát sinh từ thành phố Hồ Chí Minh"

"Tuy vậy tôi cũng đồng ý rằng 18% để lại cho ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề nên được thảo luận và xem xét. Muốn tiếp tục phát triển thì phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào kết cấu hạ tầng, vào khoa học công nghệ, vào giáo dục đào tạo chất lượng cao. Vấn đề ở đây là tỷ lệ để lại cho Thành phố Hồ Chí Minh quá thấp và ngày càng giảm đi thì điều này cần được trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến".

Và tiếng là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng mức điểm về chỉ số công khai ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh so với các tỉnh tương đối khiêm tốn. Nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh phân tích tiếp :

"Trong chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh năm 2019 thì dẫn đầu là tỉnh Quảng Nam 90,51 điểm, Hà Nội 79,59 điểm, Đà Nẵng được 89,95 điểm, Bà Rịa Vũng Tàu 90,39 điểm, Thành phố Hồ Chí Minh được 66,03 điểm. Như vậy Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí trung bình thấp về công khai ngân sách. Tôi thừa nhận Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu trên rất nhiều lãnh vực nhưng cũng có nhiều lãnh vực có thể tiếp tục hoàn thiện".

Đối với Facebooker Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, để thành phố Hồ Chí Minh phải gánh vác cho các địa phương khác, dù là nghèo đi nữa, cũng không phải điều hay :

"Một đất nước muốn phát triển thì từng địa phương phải phát triển. Khi các địa phương phát triển thì nó tác động giữa địa phương này với địa phương kia. Tôi nói thí dụ ở ngoài Bắc đường cao tốc quá nhiều nhưng không có xe chạy, còn trong Nam cần đường nhưng lại không có đường. Ở đây nó đòi hỏi cái nỗ lực tự gánh vác của từng địa phương, Sài Gòn chỉ có thể giải quyết được những gì mà trung ương cần thành phố đóng góp. Nếu trong trường hợp Sài Gòn cần phát triển gì đó thì thành phố vẫn có quyền đòi trung ương một số lượng cao hơn".

Còn theo doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, bộ mặt kinh tế của Sài Gòn sẽ khá hơn nữa nếu tỷ lệ ngân sách được trích lại cao hơn :

"Ví dụ thành phố Đà Nẵng được trích nhiều nhất, có năm được trích lại tới 68%. Nếu Thành phố Hồ Chí Minh mà được trích lại như Đà Nẵng thì chắc chắn bộ mặt thành phố sẽ khác rồi bởi vì phần trăm ngân sách là nhiều lắm".

Liệu Thành phố Hồ Chí Minh có được giảm tỷ lệ đóng góp và tăng tỷ lệ ngân sách trích lại cho phát triển hầu giữ vững ngôi vị đầu tàu kinh tế trước nay không, là câu hỏi được tiến sĩ Lê Đăng Doanh trả lời :

"Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể, bởi trước kia khi mà trung ương có nguồn thu từ dầu thô khá hơn thì thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại 33% . Nếu Thành phố Hồ Chí Minh có ngân sách giữ lại quá eo hẹp thì khả năng phát triển bị hạn chế. Vì lợi ích của cả nước tôi nghĩ cần phải ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh một tỷ lệ đầu tư tốt hơn. Để làm việc ấy thì chỉ số về công khai ngân sách là điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên và dẫn đầu chứ không thuộc loại tỉnh có trung bình thấp như thế".

Cường độ kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trên một đơn vị cây số vuông so với cả nước cũng không ngừng tăng lên, là khẳng định của ông Nguyễn Thiện Nhân.

Số liệu ông đưa ra cho thấy trong giai đoạn 1996-2000 thì trên 1 cây số vuông của Thành phố Hồ Chí Minh có thể tạo ra giá trị gia tăng gấp 27 lần so với bình quân cả nước. Giai đoạn 2001-2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 gấp 35 lần bình quân cả nước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 09/07/2020

******************

Hơn 1/3 cán bộ không chuyên trách ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị cắt giảm

RFA, 10/07/2020

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cắt giảm 2.300 cán bộ không chuyên trách dư dôi theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ.

VIETNAM-DIASPORA-IMMIGRATION-OFFICE

Cục quản lý xuất nhập cảnh - Ảnh minh họa AFP

Báo trong nước đưa tin hôm 10/7 dẫn phát biểu của ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, tại phiên thảo luận sáng 10/7/2020. Ông Lắm nêu con số cán bộ không chuyên trách hiện có ở thành phố là 6.000 người để giải quyết công việc ở các phường xã, thị trấn. Tuy nhiên, theo quy định mới sẽ phải cắt giảm gần 2.300 người theo Nghị định 34 ban hành ngày 24/4/2019.

Nghị định này có quy định người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh : Bí thư Chi bộ ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố ; Trưởng Ban công tác mặt trận.

Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn công việc ở phường, xã sẽ bị quá tải khi phải cắt giảm cán bộ không chuyên trách.

Cũng liên quan công chức, Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7/2020, như vậy có nhiều lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức từ ngày 1/7.

Điều này được cho là hoàn toàn phù hợp với chủ trương không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và sẽ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm thay thế bảng lương hiện nay nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

Nguồn : RFA, 10/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)