Mới đây tôi cùng hai luật sư đồng nghiệp đã có buổi làm việc với ông Trương Duy Nhất tại trại giam.
Luật sư Ngô Ngọc Trai trước cổng một trại giam
Từng làm việc trong một cơ quan báo chí nhà nước là báo Lao động, sau đó nghỉ ra ngoài làm báo tự do, hiện ông Nhất đang bị giam giữ tại Trại tạm giam T16 nằm ở huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội trong một vụ án liên quan đến tài sản.
Khi làm việc chúng tôi thấy hai cánh tay bị can nổi các mẩn đỏ, hỏi thì được biết trên người cũng có và do thời tiết nắng nóng của buồng giam.
Bản thân tôi hai năm trước cũng được một bị can bị tạm giam tại Trại tạm giam Cầu Cao ở tỉnh Thanh Hóa phản ánh cho biết, phòng giam quá nóng, những người bị giam đã phải treo một chiếc chiếu trong phòng rồi buộc dây hai đầu co kéo đưa đi đưa lại tạo không khí thoáng mát cho phòng giam.
Những điều đó cho thấy nhu cầu bức thiết của những người bị giam giữ là cần được lắp quạt điện tạo mát.
Thực tế hiện nay tại các phòng giam giữ trên cả nước đối với các bị can, bị cáo, người bị tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đều không được lắp đặt quạt điện.
Trong khi mùa hè nóng bức kéo dài nhiều tháng có lúc lên tới 40 độ C thì đó thực sự là môi trường giam giữ đày đọa con người.
Quyền con người
Ở một diễn biến khác, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một nguyên tắc mới quan trọng tại Điều 8 về tôn trọng bảo vệ quyền con người, tức nhân quyền.
Đây là một bước tiến bộ lớn khi so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định nguyên tắc chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.
Và khi Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định như vậy thì các hoạt động tố tụng liên quan cũng cần quán triệt tiếp thu. Liên quan đến hoạt động giam giữ thì cần yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn, tôn trọng quyền con người.
Ví như ngày xưa chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân là ăn uống thì nay bảo vệ nhân quyền sẽ phải khắc phục tình trạng nắng nóng trong phòng giam.
Thực tế bất hợp lý hiện nay là đời sống của người bị giam giữ phục vụ điều tra giải quyết vụ án hình sự lại khổ cực hơn là phạm nhân đã thụ án thi hành hình phạt. Trong khi người bị giam giữ chưa bị coi là tội phạm và phải chịu hình phạt vì chưa có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật.
Ví như phòng giam của người đã thi hành án phạt tù thì có ti vi và quạt điện, nhưng phòng giam giữ bị can bị cáo thì không có.
Luật mới đã có hiệu lực thi hành vài năm, song thực tế chưa thấy có động thái nào từ phía các cơ quan tư pháp về việc nâng cao ý thức tôn trọng nhân quyền.
Lý do lâu nay không cung cấp quạt điện có lẽ do điều kiện ngân sách kinh tế khó khăn, nhưng tới nay nền kinh tế đất nước đã có những bước phát triển khởi sắc.
Điều kiện ngân sách quốc gia chắc cũng không đến nỗi không đáp ứng được cho một khoản kinh phí lắp đặt quạt điện trong phòng giam. Trong khi nhiều khoản chi đầu tư khác lại bộc lộ sự không hợp lý lãng phí ngân sách nhà nước.
Lý do thứ hai có lẽ do lo ngại mất an toàn. Nhưng lo ngại này không thỏa đáng.
Nếu có trường hợp nào người bị giam giữ phá hoại hoặc tự vẫn thì đó chỉ là thiểu số rất nhỏ trong khi quyền lợi của hàng vạn người khác cần được đảm bảo.
Hiện nay trong các phòng giam bật điện chiếu sáng suốt ngày đêm nhưng lại không có quạt điện trong khi mùa hè nắng nóng.
Thực trạng này cần phải thay đổi, môi trường giam giữ cần phải được cải thiện. Những người bị giam giữ cần được đối xử tôn trọng với đầy đủ quyền con người. Họ cũng cần được hưởng thành tựu của sự phát triển kinh tế xã hội.
Luật sư kiến nghị
Thấy được vấn đề như vậy, từ thực tế hành nghề bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, tôi đã soạn một đơn kiến nghị về việc đầu tư lắp đặt quạt điện cho các phòng giam.
Đơn được gửi tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Để ý kiến nhận được sự quan tâm giải quyết, tôi đăng nội dung đơn lên mạng xã hội facebook và kêu gọi các luật sư đồng nghiệp cùng ghi danh tham gia ủng hộ.
Sau vài giờ đăng tải đã có hàng chục luật sư đồng nghiệp đồng tình với ý kiến.
Trong đơn đã khuyến nghị các cấp lãnh đạo nhà nước quan tâm đến vấn đề giam giữ, đề nghị chỉ đạo kiểm tra rà soát thực trạng, từ đó ra chính sách đầu tư cải thiện, cung cấp lắp đặt quạt điện tạo mát cho các phòng giam.
Đây là một hoạt động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, được kỳ vọng sẽ đem đến cải thiện đời sống cho hàng vạn người đang bị giam giữ.
Truyền tải giá trị
Nhiều người đánh giá nội dung kiến nghị rất có tính nhân văn và đây là việc làm truyền tải đi những giá trị tích cực.
Một nét son nhân bản bên cạnh nhiều thông tin tiêu cực về muôn mặt tệ trạng đời sống xã hội.
Thực tế trong đời sống hiện nay, nhiều người khi bị đối xử bất công, bức hại, thua thiệt thì kêu trời kêu đất, hỏi công lý ở đâu, công bằng ở đâu.
Trong khi cũng chính những người đó nhiều lúc lại đã làm những việc sai trái như chạy chọt, hối lộ, lót tay làm hủy hoại đi lẽ công bằng.
Từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đời sống xã hội về nguyên nhân nguồn gốc của bất công, bất ổn xã hội.
Nhiều người không may là nạn nhân của tội phạm, giết người, đánh chém hoặc xâm phạm tài sản này khác. Họ không biết rằng người phạm tội kia là tái phạm.
Bởi vì người đó đã bị đối xử không như một con người, không đảm bảo nhân quyền trong thời gian bị giam giữ.
Cho nên để xã hội bớt tội phạm thì cần giữ gìn nhân phẩm cho người ta, bằng việc thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ.
Việc kiến nghị lắp đặt quạt điện tạo mát trong phòng giam sẽ gián tiếp giúp bảo vệ sinh mạng sức khỏe tài sản của đông đảo người dân ngoài xã hội. Giảm tránh nguy cơ tội phạm do tái phạm vì mất niềm tin vào trật tự đạo lý xã hội.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 12/07/2020
Luật sư Ngô Ngọc Trai, Văn phòng Luật Công chính, Hà Nội.