Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/07/2020

Vị thế Công đoàn độc lập ở Việt Nam : trên đe dưới búa

Nhiều tác giả

Công đoàn độc lập vì sao là mối đe dọa cho thể chế chính trị Việt Nam ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 11/07/2020

Căn cứ theo pháp luật hiện hành, thì rất có thể nếu chấp nhận có những tổ chức gọi là công đoàn độc lập, sẽ là mối đe dọa cho thể chế chính trị ở Việt Nam.

congdoan1

Công nhân công ty PouYuen, Bình Dương, đình công - Ảnh minh họa

Việt Nam Thời Báo hôm 10/7/2020 có đăng bài viết của tác giả Trần Ngọc Thành về chủ đề nghiệp đoàn độc lập (1). Theo đó, ông Thành cho rằng nhà chức trách Việt Nam ở thập niên đầu 2000 đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc hình thành những tổ chức kêu gọi chấm dứt sự độc quyền về công đoàn tại Việt Nam.

Ông Thành nhìn nhận đến nay mặc dù Việt Nam đã phê duyệt Công ước số 98 của tổ chức Lao động Thế giới ILO, song vẫn phải chờ đợi sự đồng bộ của việc Quốc hội Việt Nam phê duyệt Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức.

Ông Thành thận trọng, khi hoài nghi việc hình thành một vài tổ chức mang tên gọi dáng dấp về quyền tổ chức và thương lượng tập thể ở Công ước số 98. Bởi khi chưa có quyền về tự do hiệp hội, thì những tổ chức công đoàn độc lập ra đời sẽ dễ được cho là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Công ước 98, tên đầy đủ là Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể 1949, bao gồm có 3 nội dung cơ bản : Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử ; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động ; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Những tổ chức được thành lập nhằm để "bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử", nếu được xem là sự cạnh tranh bình đẳng về ý nghĩa bảo vệ người lao động, chấm dứt sự độc quyền công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì một khi vẫn chưa có quyền tự do hiệp hội, về nguyên tắc, các tổ chức công đoàn độc lập vẫn phải chịu sự điều chỉnh của "Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân".

Sự điều chỉnh này được ghi rõ tại điều 1, Luật Công đoàn 2012 :

"Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Ý thức hệ nói trên, nếu đặt trong bối cảnh của lời giải thích cho việc ra đời một vài tổ chức mang tên công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập, là thuộc vấn đề điều chỉnh của Công ước 98 mà Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn, thì xem ra lối viện dẫn ấy vẫn có thể bị quy chụp về các hành vi hình sự liên quan trong nhóm "Các tội xâm phạm an ninh quốc gia", thuộc Chương XIII, Bộ Luật hình sự, với các cáo buộc cụ thể tại các nội dung của : Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội ; Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết ; Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Điều 118. Tội phá rối an ninh.

Người viết bài này cho rằng những nhắc nhở đầy trách nhiệm của ông Trần Ngọc Thành ở "Ý kiến về tuyên bố ra mắt ‘Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam", là xác đáng, cần lưu tâm với tất cả sự cẩn trọng cho mọi hành động nhân danh vì quyền lợi của người lao động tại Việt Nam. Đặc biệt là từ năm 2021, rất có thể tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, sẽ gánh thêm trách nhiệm trong đàm phán lương của người lao động với phía sử dụng lao động (2).

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 11/07/2020

Chú thích :

(1) Trần Ngọc Thành, Thấy gì qua sự thành lập nghiệp đoàn độc lập trong nước, Thông Luận, 11/07/2020

(2)https://laodong.vn/kinh-te/nha-nuoc-khong-can-thiep-truc-tiep-vao-tien-luong-doanh-nghiep-khong-de-nhung-phai-lam-626797.ldo

********************

Vì sao tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam luôn thấp ?

Loan Thảo, VNTB, 11/07/2020

Tín hiệu báo động, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện tại là cao nhất so 10 năm trở lại đây.

congdoan2

Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp.

Số liệu được công bố vào ngày 10/7/2020 của Tổng cục Thống kê , có những đoạn như sau (1) :

"Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước ; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm ở ba khu vực kinh tế đều giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17,0 triệu người (chiếm 32,9%), giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước ; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 16,0 triệu người (chiếm 30,9%), giảm 497,4 nghìn người so với quý trước và giảm 287,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước ; khu vực Dịch vụ là 18,7 triệu người (chiếm 36,2%), giảm 778,1 nghìn người so với quý trước và giảm 642,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm trong quý II năm 2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4 năm 2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người) ; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người) ; ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người) ; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người).

Lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như : nghề lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người, tương ứng giảm gần 8% ; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515 nghìn người, tương ứng giảm 6,6% ; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322 nghìn người, tương ứng giảm 16,5%".

Với những dẫn chứng số liệu ở trên, Tổng cục Thống kê cho rằng tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2020 là 2,73%.

Trả lời báo chí về lý do tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp  so với nhiều nước, bà Vũ Thị Thu Thủy Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, cho rằng : Tỷ lệ thất nghiệp bình thường các năm trước của Việt Nam là ở khoảng 2%. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,73% đối với lao động từ 15 tuổi trở lên. Đó cũng không hẳn là con số thấp. Còn nếu tính tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46%, đây là là con số khá cao (2).

Nếu hiểu câu trả lời của bà Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, trong việc làm một so sánh tỷ lệ thất nghiệp giữa các quốc gia, sau đó tiếp tục tin rằng ‘mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam ’ (3), sẽ là điều vô nghĩa ; vì việc so sánh tỷ lệ thất nghiệp giữa các quốc gia có đặc điểm xã hội, kinh tế và thể chế rất khác nhau là khập khiễng, và có thể dẫn đến những thông điệp sai lầm.

Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương, phân biệt như sau :

"Tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể không thể hiện được tỷ lệ nghèo, bởi vì tỷ lệ thất nghiệp cao thường chỉ có ở các nước phát triển với tỷ lệ nghèo thấp.

Ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác, đơn giản là nhiều người không thể tồn tại nổi nếu bị "thất nghiệp". Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp trong nền kinh tế phi chính thức, hoặc chấp nhận những thỏa thuận làm việc một cách không chính thức.

Ngược lại, ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp và dành thời gian đi tìm những công việc mà họ mong muốn".

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương, thì việc theo dõi thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam, cần có những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm. Chẳng hạn, những chỉ số này bao gồm tỷ lệ lao động nghèo, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương, tỷ lệ nền kinh tế phi chính thức, tỷ lệ ngành nông nghiệp trong số việc làm, năng suất lao động và lương bình quân.

Loan Thảo

Nguồn : VNTB, 11/07/2020

Chú thích :

(1)https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19674

(2)https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/luc-luong-lao-dong-giam-sau-ky-luc-656571.html

(3)https://tuoitre.vn/may-den-phu-len-toan-cau-nhung-mat-troi-van-dang-toa-sang-o-viet-nam-20191230130828826.htm

******************

Quyền tự do "không công đoàn"

Mai Lan, VNTB, 11/07/2020

Nếu người lao động từ chối tham gia vào tổ chức công đoàn, thì họ sẽ chịu thiệt gì trong tương lai ?

congdoan3

Không tham gia công đoàn : mỗi năm sẽ thêm thu nhập ít nhất là 12%

Trước tiên, nếu pháp luật Việt Nam cho phép quyền tự do công đoàn đối với người lao động, và cả đối với bên sử dụng lao động, thì trong trường hợp từ chối tham gia vào tổ chức công đoàn tại nơi làm việc, trước mắt người lao động hưởng lợi ngay là không phải mất mỗi tháng là 1% tiền lương - tiền lương ở đây bao gồm : mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Với doanh nghiệp, thì cứ mỗi một công nhân đóng phí công đoàn 1% tiền lương mỗi tháng, buộc chủ doanh nghiệp phải có nghĩa vụ ‘nộp’ thêm 1% tương tự như vậy ; có nghĩa phí công đoàn đối với một lao động ở doanh nghiệp là 2% trên số tiền lương.

Tuy nhiên nghịch lý lâu nay là dù ở doanh nghiệp đó không có tổ chức công đoàn, vẫn buộc phải trích 2% trên tổng quỹ lương để đóng kinh phí cho… công đoàn cấp trên, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP : Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị dù thành lập công đoàn cơ sở hay không đều phải đóng kinh phí công đoàn hàng tháng với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong đó, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

2% quỹ lương là không nhỏ. Giả dụ như khi có quyền về tự do công đoàn, nếu người lao động chọn việc ‘không công đoàn’, thì thu nhập bình quân năm của người đó sẽ tăng thêm được 12% tính theo tiền lương. Ngân quỹ của công ty ‘không công đoàn’ đó đỡ hao hụt cũng 12% tương ứng.

Con số 12% này không hề nhỏ nếu so lãi suất vay vốn làm ăn tại ngân hàng. Để dễ hình dung, xin tham khảo danh sách ngân hàng có mức lãi suất cho vay kinh doanh ở tháng 7/2020 :

Ngân hàng Lãi suất ưu đãi cố định Hạn mức cho vay Phí phạt trả nợ trước hạn
Vietcombank

- Áp dụng mức lãi suất, chỉ từ 8,4 - 12,2 %/năm.

- Các kỳ hạn cố định : 18 tháng, 02 năm, 03 năm và cả các kỳ hạn lên tới 05 năm, 07 năm và 10 năm.

- Thời gian vay 60 tháng

- Số tiền vay : 5 tỷ đồng

- Phương thức tính lãi : theo dư nợ giảm dần

- Năm 1, 2, 3 : 1%

- Năm 4, 5 : 0,5%

- Từ năm 6 : miễn phí

BIDV

- Hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 7,3 - 9,3%/năm

- Với các kỳ hạn linh hoạt từ : 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng.

- Thời hạn vay : 5 năm

- Năm 1 : 1,5%

- Năm 2 : 1%

- Năm 3,4 : 0,5%

- Từ năm 5 : miễn phí

Vietinbank

- Lãi suất ưu đãi cho vay chỉ từ 6 - 7% năm.

- Thời gian cho vay linh hoạt : Dưới 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng.

- Đối với vay ngắn hạn : Tối đa 80% nhu cầu vốn

- Đối với vay trung dài hạn : Không có tài sản đặc biệt: Tối đa 50% nhu cầu vốn, tối đa 60% nhu cầu vốn trong nếu có TSĐB

- Có tài sản đặc biệt là sổ/thẻ tiết kiệm/giấy tờ có giá thuộc danh mục các tổ chức phát hành, quản lý do VietinBank : 100% nhu cầu vốn

- Thời hạn cho vay : Thời hạn cho vay tối đa 7 năm ;

- Phương thức vay : Từng lần, trả góp, hạn mức, theo dự án đầu tư…

Lấy lại lãi suất ưu đãi trong thời gian ưu đãi và phạt :

- 2 năm đầu : 2%

- Năm thứ 3 : 1,5%

- Năm 4 - 5 : 1%

MB Bank - Lãi suất ưu đãi từ 6 - 8,2%/năm

- Mức cho vay : Tối đa 90% nhu cầu vốn

- Thời hạn cho vay : Tối đa 180 tháng

- Phương thức trả nợ : Gốc trả định kỳ/cuối kỳ ; lãi trả định kỳ/cuối kỳ tính theo niên kim cố định/theo dư nợ ban đầu/dư nợ giảm dần.

- Phương thức vay : Vay theo món/Vay theo hạn mức tín dụng/Vay theo hạn mức thấu chi

- Năm 1, 2 : 4%

- Năm 3 : 4%

- Năm 4 : 4%

- Năm 5 : 3%

TPBank - Áp dụng mức lãi suất từ 6,8%/năm - Hạn mức vay : 85%

- Ba năm đầu : 2%

- Từ năm thứ 4 trở đi : 1%

BaoViet Bank

- Áp dụng mức lãi suất từ 6,99 - 10,5%/năm

- Với kỳ hạn : 6 tháng, 12 tháng

- Hạn mức vay tối đa : 85% nhu cầu vay vốn

- Thời gian vay tối đa 60 tháng

- 1 năm đầu : 3%

- Từ năm đầu trở đi : 1,5 %

ACB 7,5 - 11,5%/năm

- Số tiền vay : 5 tỷ

- Thời gian vay : 6 tháng

- 2 Năm đầu : 2%

- Năm 3 - 5 : 0.75%

- Còn lại : miễn phí

Người lao động được lợi gì khi hàng tháng đóng phí công đoàn ?

Liệu khi người lao động từ chối tham gia vào tổ chức công đoàn, thì họ sẽ chịu thiệt gì trong tương lai đối với thể chế chính trị mang tính đặt thù của Việt Nam ?

Để trả lời băn khoăn trên, cần tìm hiểu xem người lao động lâu nay được hưởng lợi ích cụ thể gì từ việc hàng tháng phải trích 1% lương đó.

Theo như tài liệu tuyên truyền của các cấp Liên đoàn Lao động ở tỉnh, thành phố thì kinh phí công đoàn chủ yếu phục vụ hoạt động trong công đoàn, như sau :

- Trả chi phí khi sử dụng người lao động trong hoạt động hoặc công tác trong ban chấp hành công đoàn các cấp, bao gồm các khoản tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác và khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bảo hiểm y tế cho các cán bộ đang làm việc tại công đoàn ;

- Khoản chi nhằm mục đích tổ chức hội nghị của các ban chấp hành công đoàn gồm : trang trí, in tài liệu, nước uống, thuê mặt bằng, bồi dưỡng đại biểu, các chi phí đi lại và các khoản khác ;

- Chi phí nhằm mục đích trang thiết bị cho trụ sở như : mua sắm tài sản, thiết bị, dụng cụ làm việc cho tổ chức, mua văn phòng phẩm, sửa chữa hoặc xây dựng trụ sở, chi phí liên lạc, công tác phí, nước uống, tiếp khách ;

- Chi phí cho việc tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, ví dụ : hỗ trợ thuê luật sư ;

- Chi phí mà nhằm phát triển đoàn viên công đoàn dưới dạng các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, thành lập ban công đoàn cơ sở, tổ chức kết nạp thêm thành viên công đoàn mới ;

- Chi phí cho việc khen thưởng cho đoàn viên được xác nhận có thành tích xuất sắc trong công việc nhằm phát triển công đoàn cơ sở ;

- Chi phí để phục vụ cho công tác tuyên truyền cho người dân biết và tham gia công đoàn cơ sở bằng các phương thức : in ấn phẩm, sách, báo, tạp chí, giấy, bút bảng tin, phát thanh, báo tường, mạng thông tin tạo nguồn thông tin nhằm phát triển công đoàn cơ sở ;

- Chi đào tạo cán bộ : bao gồm tiền đào tạo, tài liệu, tiền công tác phí ;

- Chi phí tổ chức các hoạt động ngoài giờ như : văn hóa, thể thao, đi du lịch ;

- Chi tổ chức các hoạt động để tuyên truyền về giới tính và bình đẳng giới trong quan hệ lao động. Tuyên truyền rộng rãi cho người lao động biết về các quyền lợi được hưởng về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình ;

- Chi phí cho tổ chức mừng ngày lễ mà người lao động được hưởng như : Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam ngày 20/10, ngày Gia đình Việt Nam ngày 28/6, ngày Quốc tế Hạnh phúc ngày 20/3, ngày Dân số ngày 26/12 ;

- Các khoản chi nhằm hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn : chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn giao thông,tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bản thân hoặc gia đình gặp khó khăn do tai nạn rủi ro hoặc thiên tai hoặc hỏa hoạn hoặc bệnh tật hiểm nghèo gây tổn thất về sức khỏe hoặc tài sản của các thành viên là đoàn viên công đoàn…

Như vậy, với hàng loạt nội dung như trên về chuyện xài tiền từ ‘quỹ công đoàn’, cho thấy trên thực tế người lao động chẳng hưởng lợi thực sự nào hết, vì cái gọi "khoản chi nhằm hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn" là mang tính từ tâm, trong khi đó phần bảo hiểm xã hội đã cụ thể các khoản chi hỗ trợ ấy với người lao động.

Tuy nhiên rất có thể mọi việc sẽ khác khi bước vào năm 2021.

Theo nội dung của Nghị quyết số 107/NQ-CP, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 16-8-2018, "về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 27) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" (*), thì từ năm 2021, các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Từ quy định nói trên, rất có thể vai trò của tổ chức công đoàn trong kỹ thuật đàm phán, thương lượng về tiền lương cho người lao động sẽ thu hút sự quan tâm, với yêu cầu có hướng xử trí phù hợp trong thực tế ở từng doanh nghiệp.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 11/07/2020

Chú thích :

(*) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/nghi-quyet-cua-chinh-phu/nghi-quyet-so-107nq-cp-ngay-1682018-cua-chinh-phu-ve-chuong-trinh-hanh-dong-cua-chinh-phu-thuc-hien-nghi-quyet-so-27-nqtw-ngay-2152018-4615

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Loan Thảo, Mai Lan
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)