Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/07/2020

Đại hội 13 : Cải cách ‘đất đai’ góp phần chống tham nhũng từ gốc

Phạm Quý Thọ

Rất nhiều các vụ xử quan chức liên quan đến tham nhũng đất đai. Họ tha hóa quyền lực ? Đúng ! Nhưng kỷ luật răn đe đồng thời với giáo dục họ vẫn chỉ giải quyết phần ngọn, triệu chứng. Cần phải cải cách ‘đất đai’ để góp phần chống tham nhũng từ gốc.

caicach1

Một nông dân đạp xe qua ruộng lúa ở Thanh Hóa hôm 18/3/2018 AFP

Sau cải cách ruộng đất năm 1953 những nỗ lực của chính quyền sửa đổi bổ sung luật và chính sách nhằm phù hợp với bản chất chế độ đảng cộng sản toàn trị luôn gặp khó khăn. Hơn thế, quá trình chuyển đổi nền kinh tế càng ‘gần’ thị trường, thì những ‘bất ổn’ có nguyên nhân từ đất đai càng lớn. Gần đây, việc rà soát những bất cập của Luật Đất đai 2013 để sửa đổi, bổ sung, dự kiến trình Quốc hội khóa 14 trong năm 2020 lại ‘lỡ hẹn’. Dự kiến dự thảo Luật này sẽ được trình sau Đại hội 13.

‘Sở hữu toàn dân’ về đất đai là quan niệm không còn phù hợp với thực tế. Đảng, Chính phủ cần xác định đây là ‘điểm nghẽn’ để tạo thay đổi bước ngoặt cho cải cách đất đai để chống tham nhũng từ gốc nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Mất kiểm soát’

Đất đai là tài nguyên quý giá đối với mọi quốc gia. Hơn thế, đối với những nước nghèo, như Việt Nam, nó còn là nguồn lực to lớn để phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sang thị trường, vấn đề đất đai đã dần trở nên ‘mất kiểm soát’ bởi nhà nước do luật lệ, chính sách lạc hậu, mang nặng tính chính trị, và hậu quả là đất đai trở thành ‘lãnh địa’ màu mỡ cho cán bộ, lãnh đạo tha hóa quyền lực, ‘trục lợi’ tràn lan dưới nhiều hình thức, từ trắng trợn đến tinh vi.

Mới đây, ngày 11/7/2020 truyền thông nhà nước đưa tin một số cựu quan chức của Bộ Thương mại, gồm cựu bộ trưởng, cựu thứ trưởng và vụ trưởng trong nhiệm kỳ 2011-2016 bị khởi tố vì "những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có liên quan đến việc đầu tư dự án cao ốc tại khu ‘đất vàng’ ở trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Cũng trong cùng ngày Bộ Công an đã khởi tố 5 người trong quá trình điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Đó là các vị quan chức, cấp bậc ‘hạng trung’ từ phó chủ tịch đến các phó giám đốc sở ban ngành thuộc Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh…

Chỉ cần gõ các từ khóa ‘trục lợi’, ‘vi phạm’ ‘đất đai’ ở Việt Nam’ trên công cụ tìm kiếm Google, thì hàng chục nghìn kết quả được hiển thị. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội 12 hai nhân vật ‘cộm cán’ có biệt danh ‘Vũ Nhôm’ và ‘Út trọc’ đã trở thành ‘điển hình’ về nhóm lợi ích tham nhũng đất đai khi hình thành đường dây trong thời gian dài đưa hàng chục quan chức từ thấp đến cao, từ địa phương đến trung ương vào vòng lao lý.

Đó là ví dụ về các trường hợp ‘bị lộ’. Nói chung, các quan chức ‘ăn đất’, nói theo kiểu dân dã, giàu lên nhanh chóng, nhà lầu, xe hơi, con cái đi học nước ngoài… trong khi ‘người dân mất đất’ lâm vào cảnh bần cùng, oan ức. Trên một diễn đàn khoa học khuyến nghị một số nội dung trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013 ngày 8/7 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, ông Phó Chủ tịch VUSTA, Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho biết : "Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến…, tình trạng tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra… và khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai rất phức tạp, chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 70%".

Ngoài hậu quả cản trở tăng trưởng kinh tế và huỷ hoại môi trường, hiện tượng ‘trục lợi đất đai’ đang là căn nguyên của bất ổn thể chế, bất bình đẳng xã hội, mất niềm tin trong dân chúng, và thậm chí dẫn đến xung đột xã hội và gia đình gay gắt và rộng khắp, điển hình như ‘Đồng Tâm’ - điểm nóng về sử dụng vũ lực và ‘Thủ Thiêm’tồn đọng lâu dài về dân oan khiếu kiện.

‘Bế tắc’ sửa đổi

Đã có những nỗ lực rà soát những bất cập của Luật Đất đai 2013 để sửa đổi, bổ sung, dự kiến trình Quốc hội khóa 14 cho ý kiến năm 2020, tuy nhiên vì nhiều lý do, dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được trình sau Đại hội 13 của Đảng.

Sửa đổi Luật đất đai và các thể chế có liên quan có thể rơi vào ‘bế tắc’. Vấn đề sở hữu ngày càng trở nên quan trọng. Nguyên tắc vận hành của thị trường cần nền tảng sở hữu tư nhân. Chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường nếu không thay đổi quan niệm về ‘sở hữu toàn dân’, mà níu kéo vì lý do chính trị, để cải cách luật, chính sách cũng như thể chế có liên quan, thì ‘sự bế tắc’ là không tránh khỏi, và hậu quả là thể chế trở nên bất ổn.

caicach2

Cư dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất. FB Vườn Rau Lộc Hưng

‘Sở hữu toàn dân’ không phải là một khái niệm từ các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà nó được du nhập từ mô hình kinh tế tập trung của Liên Xô những năm 1930. Trong Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam chưa có khái niệm này. Hiến pháp năm 1959 mới có quy định "các hầm mỏ, sông ngòi, rừng cây và đất hoang là của nhà nước, thuộc sở hữu nhà nước tức là sở hữu toàn dân" với ngụ ý sở hữu toàn dân đồng nghĩa với sở hữu nhà nước. Mãi đến Hiến pháp năm 1980 mới tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Đây là khái niệm mang nặng tính chính trị, khó áp dụng như một định nghĩa pháp lý trong điều chỉnh pháp luật và các giao dịch pháp luật. Việc cụ thể hóa trong các luật đất đai sửa đổi sau này và các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự trở nên phức tạp, bởi vì việc xác định ai hay những ai chính là người chủ đích thực của đất đai - ‘khối tài sản khổng lồ’ được coi là "sở hữu toàn dân" luôn gặp khó khăn.

Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường những quyền tài sản tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều núp bóng dưới khái niệm ngày càng trở nên mơ hồ là ‘sở hữu toàn dân’. Nhà nước trên danh nghĩa là đại diện chủ sở hữu duy nhất, nhưng không thể trực tiếp sử dụng và khai thác hàng trăm triệu ô đất, thửa đất lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc. Bởi vậy, từ năm 1993, Nhà nước buộc phải trao lại các quyền ngày càng rộng rãi hơn cho các cá nhân và tổ chức đang sử dụng những ô thửa đất ‘toàn dân’ này. Các pháp nhân này về danh nghĩa không có quyền sở hữu tư nhân tuyệt đối, nhưng ngày càng được hưởng nhiều quyền tài sản trên đất/hoặc gắn liền với đất qua các lần sửa đổi Luật đất đai.

Mâu thuẫn này ngày càng trở nên sâu sắc thêm khi nhà nước phân biệt đối xử về các vấn đề quyền sử dụng đất, khi giao đất hoặc cho thuê đất cho các đối tượng khác nhau, về thực thi quyền can thiệp mạnh mẽ vào quá trình sử dụng đất, nhưng lại phân tán thực thi quyền định đoạt của nhà nước với đất đai… Đây là ‘những khuyết tật’ luật pháp chủ yếu tạo ra ‘mội trường’ cho tham nhũng chính sách và chiếm đoạt trong thực tế khiến cho bất ổn thể chế gia tăng như nêu ở trên.

‘Bước ngoặt’

Đối với hầu hết các quốc gia, sở hữu đất đai hình thành một cách tự nhiên, đất đai có thể thuộc sở hữu tư hoặc của nhà nước. Theo các nhà nghiên cứu luật pháp, trong cổ luật Việt Nam, chế độ sở hữu đất đai, thường phân thành ba loại : ruộng đất công (quân điền), ruộng đất của làng (sở hữu cộng đồng) và ruộng đất tư (sở hữu tư của cá nhân). Dù nặng về hình luật, song cổ luật Việt Nam không thiếu những nội dung cốt yếu được xem là nền móng cho pháp luật sở hữu. Từ Quốc triều hình luật tới Dân luật Bắc Kỳ năm 1931, pháp luật Việt Nam đã để lại một di sản pháp luật sở hữu về đất đai, tuy không tinh xảo, khái quát, và cao siêu như Vật quyền của người La-Mã, song cũng đủ minh định rõ ràng ai là chủ nhân của hàng trăm triệu ô thửa đất kiến tạo nên lãnh thổ quốc gia.

Trong giai đoạn hiện nay của quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường từ góc nhìn quyền năng khai thác, hưởng dụng và định đoạt trên hàng triệu thửa đất, lô đất trên lãnh thổ Việt Nam đã được sở hữu như các tài sản tư nhân, và dấu hiệu đa sở hữu về quyền tài sản liên quan đến đất đai là một thực tế không thể đảo ngược. Nếu nhận diện và đánh giá thẳng thắn các bất ổn thể chế và xã hội hiện nay, cũng như những rủi ro ẩn chứa sau quan niệm chính trị lạc hậu về ‘sở hữu toàn dân’, thì Đại hội 13 sắp tới có thể tạo ra sự thay đổi bước ngoặt trong cải cách đất đai để phát triển bền vững đất nước.

Phạm Quý Thọ ( Hà Nội)

Nguồn : RFA, 14/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 586 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)