Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/07/2020

Phải chăng mô hình dân chủ đang suy yếu, mô hình độc tài đang lên ?

Song Chi

Mỹ và các nước dân chủ phương Tây đang rối ren, Trung Quốc, Việt Nam... ổn định chính trị ?

Khởi đầu từ cái chết của người đàn ông da đen George Floyd dưới tay viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin ở Minneapolis, Minnesota vào tháng 5/2020, phong trào biểu tình "Black Lives Matter" đã bùng lên dữ dội ở Mỹ và nhiều nước phương Tây. Một số kẻ xấu đã lợi dụng những cuộc biểu tình này để cướp bóc, hôi của chỗ này chỗ khác. Ở Mỹ một số nơi còn đòi cắt giảm ngân sách hoặc thậm chí, giải thể lực lượng cảnh sát, giao quyền bảo vệ người dân cho các tổ chức dân sự.

Tại khu dân cư ngay trung tâm thành phố Seattle, những người biểu tình đặt rào chắn bao quanh, đặt tên nơi đây là "Khu Tự trị Capitol Hill" (Capitol Hill Occupation Protest, Capitol Hill Autonomous Zone) và thử nghiệm cuộc sống không có cảnh sát. Nhưng sau 3 tuần (8/6-1/7/2020) thì cảnh sát Thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ) đã ra quân giải tỏa khu vực "tự trị" sau khi có nhiều vụ xả súng gây thương vong tại khu vực này.

mohinh1

Theo dõi tình hình thế giới những ngày này, nhiều lúc chúng ta có thể có những cảm giác hoang mang, nản lòng.

Trong một diễn biến khác, phong trào "Black Lives Matter" lên cao, dẫn tới việc đòi giựt sập/kéo đổ những bức tượng gợi lên những hình ảnh, ký ức về nạn phân biệt chủng tộc và thời kỳ nô lệ ở Mỹ, ở Anh..., trong đó có cả những bức tượng của 3 vị Tổng thống được gọi là "bậc tổ phụ" của nước Mỹ như George Washington, Theodore Roosevelt, Thomas Jefferson, ở Anh thì tượng của Cố Thủ tướng tài ba Winston Churchill và cả tượng Mahatma Gandhi... cũng không được yên.

Một số người biểu tình còn đi xa hơn, đòi xét lại lịch sử, xét lại những nhân vật lịch sử, chính khách, các gương mặt văn hóa lớn và tác phẩm của họ, thậm chí cả từ ngữ dùng hàng ngày trong mọi lĩnh vực, nếu gợi lên ý phân biệt chủng tộc, là phải điều chỉnh, sửa đổi.

Những điều đó đôi lúc khiến chúng ta lo ngại, liệu phong trào có đi quá xa, biến thành một cuộc cách mạng và làm lung lay tận gốc rễ các thể chế dân chủ ?

Theo dõi tình hình thế giới những ngày này, nhiều lúc chúng ta có thể có những cảm giác hoang mang, nản lòng. Một nước Mỹ hùng mạnh, luôn đề cao những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, luôn lãnh đạo khối tự do chống lại những thế lực đi ngược lại những giá trị đó như Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa cũ, các tổ chức Hồi giáo khủng bố cực đoan hay các quốc gia độc tài hiếu chiến... dường như giờ đây đang co cụm lại với phương châm "America first !" và những vấn đề, những rối loạn của nước mình. Khối NATO không còn vững chắc như trước kia, thời Chiến tranh Lạnh. Sự đoàn kết giữa Mỹ và các nước đồng minh, giữa các nước phương Tây với nhau dường như cũng lỏng lẻo đi, một phần vì các nước còn đang quay cuồng giữa đại dịch Covid-19.

Trong khi đó thì Trung Quốc, một quốc gia có mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng vô cùng hà khắc lại rất "ổn định" về mặt chính trị, đang ngày càng trở nên hùng mạnh hơn, hung hăng hơn. Là quốc gia bùng phát dịch bệnh Covid-19 đầu tiên sau đó làm lây lan khắp thế giới, nhưng Bắc Kinh đã dốc toàn lực khống chế dịch và bây giờ thì kinh tế của họ lại đang trên đường hồi phục trở lại, mà một trong những sự hồi phục đó đến từ việc... bán khẩu trang, nước sát trùng, thiết bị y tế... cho các nước khác. Thậm chí chỉ riêng ngày lễ Độc Lập 4/7 vừa qua của nước Mỹ, chính phủ và người dân đã tiêu tốn gần 1 tỷ USD cho pháo bông, hơn 90% số đó là nhập từ Trung Quốc !

Và ngay trong những ngày phải đối phó với dịch, Trung Quốc vẫn không ngừng các kế hoạch đường dài để biến Biển Đông thành "ao nhà" của mình, hung hăng tập trận với quy mô lớn trên Biển Đông, đụng độ với Ấn tại khu vực biên giới giữa hai nước, thông qua Luật An ninh Hong Kong chấm dứt quyền tự trị theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" của lãnh thổ này... Có nghĩa là dịch bệnh dù có ảnh hưởng đến kinh tế của Trung Quốc, thì cũng không làm chùn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh một chút nào.

Nhìn sang Việt Nam thì cũng hết sức "ổn định chính trị". Mọi tiếng nói chỉ trích dù ôn hòa đều bị dập tắt từ trong trứng nước. Còn lại đa số dân chúng chẳng quan tâm gì đến chính trị, chẳng đòi hỏi gì, ngoài việc mưu sinh, lo tương lai cho con cái, lo toan cho tuổi già của mình.

Điều đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi : Phải chăng mô hình dân chủ của các nước đang bị suy yếu ? Phải chăng các chế độ độc tài sẽ có lợi thế hơn trong việc kìm hãm, chế ngự những cuộc khủng hoảng từ bên trong để tập trung đối phó với bên ngoài hoặc với những mục tiêu khác ?

Thể chế tự do dân chủ bao giờ cũng tốt hơn mô hình thể chế độc tài

Lấy ví dụ như nước Mỹ, vừa qua phong trào biểu tình Black Lives Matter lại bùng lên dữ dội, nhưng đó là do hệ quả của những vấn đề thuộc về lịch sử mấy trăm năm của chế độ nô lệ, nạn phân biệt/kỳ thị chủng tộc vẫn âm ỉ bao lâu nay dù chế độ nô lệ đã chấm dứt từ năm 1986 và luật pháp hoàn toàn ngăn cấm mọi lời nói, hành vi, việc làm có tính cách phân biệt/kỳ thị chủng tộc. Thêm vào đó là nạn sử dụng bạo hành quá tay của một số cảnh sát.

Nhưng chỉ có dưới một mô hình thể chế tự do dân chủ, người dân mới có thể ầm ỹ xuống đường biểu tình phản đối. Và thực sự là nước Mỹ đang phải thay đổi, không chỉ có những thay đổi trong ngành cảnh sát mà từ giáo dục, báo chí truyền thông, mạng xã hội Twitter, Facebook, trang Google... cho tới ngôn ngữ thường dùng trong mọi ngành nghề đều phải rà soát lại để điều chỉnh nếu có hàm ý phân biệt chủng tộc.

Trong hơn 3 năm qua thế giới đã chứng kiến một Tổng thống Mỹ có lời ăn tiếng nói, cách hành xử cho tới chính sách, đặc biệt là đối ngoại, hoàn toàn... khác thường so với mọi đời Tổng thống Mỹ trước đây. Trump công kích không chừa ai và sẵn sàng sa thải hoặc ngưng hợp tác nếu người nào hay tổ chức nào đó làm Trump không vừa lòng.

Nhưng mặc dù vậy, vẫn luôn luôn có những con người dũng cảm, hoặc từ chức để phản đối, như một số cựu thành viên ban cố vấn an ninh quốc gia trong nội các của Trump đã từ nhiệm do các bất đồng trong những quyết định mang tính chiến lược và an ninh quốc gia của Trump (Bộ trưởng quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, các cố vấn an ninh quốc gia như John Bolton, tướng Hebert McMaster, chánh văn phòng Bạch Ốc tướng John Kelly, một số tướng lãnh, viên chức cao cấp của CIA...). Hoặc lên tiếng phản biện, chỉ trích lại nếu họ cảm thấy lời nói, việc làm, chính sách của Trump là không đúng. Một ví dụ :

Hàng loạt cựu tướng lĩnh cao cấp trong quân đội đã lên tiếng phản đối việc Trump kêu gọi sử dụng quân đội để dẹp người biểu tình, từ Đại tướng James Mattis, cựu Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Trump, Đại tướng John Kelly, cựu Tham mưu trưởng của Trump, Đô đốc Mike Mullen, cựu Thống lãnh quân lực Mỹ dưới thời George W. Bush và Obama... (1).

Khi Trump đòi các tiểu bang phải mở cửa, không phải tiểu bang nào cũng nghe theo. Mới đây, chính phủ của Trump, cụ thể là Bộ An ninh nội địa (DHS) và Cơ quan thực thi hải quan và di trú Mỹ (ICE) ngày 6/7 ra thông báo những sinh viên học trực tuyến hoàn toàn trong học kỳ mùa thu này sẽ không được ở lại Mỹ, động thái này nhằm gây áp lực lớn cho các trường trong việc mở cửa trở lại. Theo CNN, Đại học Harvard và Viện công nghệ Massachusetts (MIT), hai ngôi trường danh tiếng, ngày 8/7 đã khởi kiện lên tòa liên bang.

Ngày 9/7, gần 100 nghị sĩ quốc hội Mỹ gửi một bức thư cho DHS, yêu cầu bộ này hủy chính sách gây tranh cãi trên. Bang California là bang đầu tiên chuẩn bị nộp đơn kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách này.

Báo chí Mỹ hàng ngày soi mói, chỉ trích Trump. Không chỉ trên báo mà cả viết sách. Hai quyển sách tiết lộ rất nhiều điều bất lợi về Trump, "The Room Where It Happened : A White House Memoir" của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, "Too Much and Never Enough : How My Family Created the World’s Most Dangerous Man" của Mary L. Trump, người cháu gái Donald Trump, dù Nhà Trắng tìm mọi cách ngăn cản, nhưng vẫn được phép phát hành.

Tất cả những điều này không bao giờ có thể xảy ra ở một quốc gia độc tài, ví dụ như Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba…

Ở Việt Nam hay Trung Quốc, chỉ cần lên tiếng chỉ trích, phê bình đường lối, chính sách của nhà nước một cách ôn hòa là đã bị bắt, bị kết án nặng nề. Chỉ trong 1, 2 năm gần đây, đặc biệt trong thời gian trước đại hội đảng, hàng loạt người đã bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án bởi điều luật cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" - điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (2).

Ở Việt Nam, viết bài hoặc viết sách chỉ trích đích danh một quan chức cao cấp là vào tù dài hạn như trường hợp nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, lần bị tù thứ nhất 2 năm, là do một số bài trên blog "Một góc nhìn khác" đụng chạm đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư lúc bấy giờ là Nguyễn Phú Trọng. Nhà báo, blogger Phạm Thành tức blogger Bà đầm xòe bị bắt chưa đưa ra xét xử vì viết một số cuốn sách phê phán chế độ như tiểu thuyết "Cò hồn Xã nghĩa", "Nền Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuống hố cả lũ", hoặc phê phán Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam : "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo", nhà báo, blogger Lê Anh Hùng bị bắt rồi bị cưỡng bức điều trị bệnh tâm thần vì viết bài đụng chạm đến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng v.v… (3).

Ở Việt Nam, có biết bao nhiêu trường hợp bị cảnh sát bạo hành đến chết ngay tại đồn công an hoặc khi đang trong thời gian tạm giữ để điều tra xét xử. Đọc báo cáo từ năm 2010 của Human Rights Watch, "Việt Nam : Tình trạng công an bạo hành, nạn nhân chết trong khi tạm giam lan rộng", Human Rights Watch, "Những cái chết đầy ẩn khuất ở đồn công an", Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, 10/2018, "Chết bất minh trong đồn công an xảy ra ngay sau khi Việt Nam chối bỏ vấn nạn này trước Liên Hiệp Quốc", RFA, 3/2019 v.v...

Trong cuộc sống hàng ngày, từ những bất công, phi lý lặt vặt như giá xăng, điện nước liên tục tăng, học phí, viện phí quá cao, người dân phải đóng đủ loại thuế, phí nhưng lại không được hưởng lợi gì, đi học phải đóng tiền, đau ốm đến bệnh viện phải đóng tiền, khi thất nghiệp lúc tai nạn, người làm nghề lao động tự do…đều không được hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước v.v…

Ở mức độ cao hơn, người Việt không được can dự vào bất cứ quyết sách, chính sách nào của chính phủ cho dù nó có hại cho dân cho nước. Mọi việc là nhà cầm quyền tự quyết. Từ các công trình, dự án giao cho Trung Quốc làm vừa kéo dài lê thê, đội vốn cao gấp bao nhiêu lần, khiến Việt Nam bị mắc vào "bẫy nợ" của Trung Quốc mà chất lượng thì tệ hại, nhiều công trình gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường, ví dụ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, điện hạt nhân Ninh Thuận, Formosa Hà Tĩnh v.v...Cho tới các đặc khu kinh tế cho Tàu thuê dù dư luận phản đối, Quốc hội 2018 không thông qua nhưng mới đây, nhà cầm quyền vẫn lặng lặng tiến hành 2 khu kinh tế là Vân Đồn-Quảng Ninh và Phú Quốc-Kiên Giang (4).

Bao nhiêu năm qua nhà nước Việt Nam hành xử như thể đất nước này, dân tộc này thuộc quyền sở hữu riêng của đảng, muốn làm gì thì làm, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc và không bao giờ muốn thay đổi.

Trung Quốc cũng thế. Ai dám viết những quyển sách về giới lãnh đạo Bắc Kinh, cụ thể là Tập Cận Bình, thì sẽ thấy ông ta sống như Hoàng đế, của cải tài sản không biết bao nhiêu mà kể. Tội ác của chế độ độc tài Trung Quốc đối với chính người dân Trung Quốc qua Cải cách Ruộng đất, Đại nhảy vọt, Cách Mạng Văn hóa, thảm sát Thiên An Môn, tội ác tiêu diệt bản sắc văn hóa, tôn giáo, bản sắc và diệt chủng đối với dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ... và bây giờ sẽ là Hong Kong.

Ở Trung Quốc hay Việt Nam làm gì có chuyện có những người dũng cảm dám phản đối, chống lại lời của Chủ tịch nước hay Tổng bí thư ? Quan tòa nào dám chống lại lịnh của Thủ tướng, Tổng bí thư ?

Cái gọi là "sự ổn định chính trị" có được là do chính sách bịt miệng hà khắc của nhà cầm quyền mà thôi.

Cho nên, dù chế độ dân chủ có những khiếm khuyết, có những lúc lung lay, bị tấn công, phá hoại từ bên ngoài và bên trong, nhưng nó vẫn tốt đẹp hơn một thể chế độc tài độc đảng gấp nhiều lần. Nói như cố Thủ tướng Winston S Churchill của nước Anh : "Tt has been said that democracy is the worst form of Government except for all those other forms that have been tried from time to time…".

Chính vì tốt đẹp hơn và biết tự điều chỉnh, thay đổi, nên nó sẽ tồn tại bền vững hơn.

Quan trọng hơn, một thể chế tự do dân chủ không chỉ giúp cho một quốc gia có thể phát huy mọi tiềm lực, trở nên giàu mạng, thịnh vượng, mà còn tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi người, cho phép con người được phát triển hết mọi khả năng và giữ gìn được phẩm chất, tính thiện, lòng tự trọng và lương tri của mình, là những thứ mà con người không thể giữ được trong một chế độ độc tài.

Trung Quốc là một trong những ví dụ hiếm hoi về việc một thể chế độc tài độc đảng mà vẫn giàu mạnh, nhưng tiềm ẩn những vấn đề nội tại từ khoảng cách giàu nghèo quá lớn, bất công xã hội, sự chuyên quyền của cảnh sát, sự độc tài của nhà cầm quyền, nỗi căm phẫn của dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong... như những quả bom hẹn giờ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, con người muốn sống được yên thân thì phải mũ ni che tai trước mọi sự xảy ra xung quanh. Đối ngoại, Trung Quốc là một cường quốc cô đơn, không bạn bè đồng minh thực sự, và còn lâu mới đạt được những phẩm chất chính trị, cũng như uy tín và niềm tin trên thế giới.

Song Chi

Nguồn : RFA, 11/07/2020 (songchi's blog)

(1) "The prominent former military leaders who have criticized Trump's actions over protests", CNN

(2) "Càng đàn áp nhiều thì càng gây ra nhiều oán hờn, phẫn nộ", Song Chi 

(3) "Việt Nam : Gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa", Human Rights Watch

(4) "Luật Đặc khu bị phản đối, nhưng sao Việt Nam quyết mở khu kinh tế Vân Đồn ?", BBC

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)