Mỹ nói hành động của Trung Quốc trên Biển Đông 'hoàn toàn bất hợp pháp'
BBC, 15/07/2020
Các tuyên bố của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông "hoàn toàn bất hợp pháp", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố sáng 14/7.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông
Ông Pompeo nói rằng ông muốn nêu rõ rằng "chiến dịch bắt nạt để kiểm soát" vùng biển tranh chấp của Bắc Kinh là sai trái.
Trung Quốc cho rằng Mỹ "cố tình xuyên tạc sự thật và luật pháp quốc tế".
Trung Quốc đã và đang xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo tại vùng nước mà các nước khác là Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền.
Các quốc gia đã tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ, nhưng căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một khu vực được gọi là "đường chín đoạn" và củng cố yêu sách của mình bằng việc xây dựng các đảo và thực hiện các hoạt động tuần tra, mở rộng sự hiện diện quân sự ở đó.
Hoa Kỳ bác bỏ gần hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong tuyên bố được đưa ra sáng 14/7, Hoa Kỳ khẳng định:
"Hoa Kỳ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", và tuyên bố : "Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp".
Hoa Kỳ cũng cho rằng mong muốn giữ "hòa bình và ổn định, tự do trên biển theo luật pháp quốc tế" vì "lợi ích chung" "đã gặp phải sự đe dọa chưa từng thấy từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
"Bắc Kinh sử dụng sự hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, bắt nạt họ trong vấn đề tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng "chân lý thuộc về kẻ mạnh". Phương pháp tiếp cận này của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ trong nhiều năm. Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khi đó là ông Dương Khiết Trì đã tuyên bố với những người đồng cấp ASEAN rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ và đó là sự thật".
"Thế kỷ 21 không có chỗ cho thế giới quan đầy dã tâm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".
"Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách "đường lưỡi bò" ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố vào năm 2009. Trong một phán quyết được đồng thuận ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một thành viên - đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Tòa Trọng tài đứng về phía Philippines, bên đưa vụ việc lên Tòa Trọng tài, trong hầu hết các yêu sách của nước này".
Thông cáo của Hoa Kỳ cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và cho rằng đây là "phán quyết cuối cùng" và "mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên".
Theo đó, Hoa Kỳ nêu rõ lập trường của mình về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông với phán quyết của Tòa Trọng tài trong ba điểm sau :
- Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải - bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ Bãi Scarborough và Quần đảo Trường Sa. Hành động quấy rối của Bắc Kinh đối với các hoạt động đánh bắt cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên này, là bất hợp pháp. Theo phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, và Bắc Kinh cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.
- Do Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa (mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó). Bao gồm: vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này - hay đơn phương thực hiện các hành động đó - đều là bất hợp pháp.
- Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với (hay bắt nguồn từ) Bãi ngầm James, một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được nhắc đến trong hoạt động tuyên truyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc". Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: một cấu trúc dưới nước như Bãi ngầm James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Bãi ngầm James (nằm cách mặt nước khoảng 20 mét) không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.
Tại sao Biển Đông gây tranh cãi ?
Mặc dù phần lớn không có người ở, hai chuỗi đảo trên Biển Đông có thể có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn.
Khu vực này cũng là một tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng và là một ngư trường lớn.
Hôm 14/7, ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ, trước đây từng nói rằng Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, đã bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển ngoài khơi Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
"Bất kỳ hành động nào của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm quấy rối các hoạt động thăm dò, khai thác khí cũng như hoạt động đánh bắt cá của các quốc gia khác trong các vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là bất hợp pháp", ông nói.
"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình".
Trung Quốc phản ứng như thế nào ?
Trong một tuyên bố được đăng trên Twitter, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ "cố tình xuyên tạc sự thật và luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".
Tuyên bố của Trung Quốc cũng nói "Mỹ phóng đại tình hình trong khu vực và cố gắng gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
"Lời cáo buộc là hoàn toàn phi lý. Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối".
Rủi ro đáng kể với những hòn đảo dường như không đáng kể
Zhaoyin Feng, BBC Tiếng Trung, Washington DC
Trước đây, Mỹ không đứng về phía nào giữa các nước đang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bốn năm sau khi một tòa án quốc tế ở The Hague phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc tại khu vực này là không có cơ sở pháp lý, lần đầu tiên Mỹ đã chính thức làm rõ lập trường của mình. Nhưng tại sao lại là bây giờ ?
Tuần trước, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân trong khu vực cùng một lúc - một hiện tượng hiếm gặp cho thấy căng thẳng đang gia tăng.
Trong bối cảnh rộng lớn hơn, chính quyền Trump đã cam kết đảo ngược những gì họ nói là 40 năm thất bại chính sách liên quan đến Trung Quốc. Washington gần đây đã chỉ trích Bắc Kinh về các vấn đề từ việc xử lý đại dịch virus corona, đến vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương và cách họ xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Nhưng chính các dự án bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến phần còn lại của thế giới đánh giá lại tham vọng quốc tế của Bắc Kinh.
Và nguy cơ trong khu vực này là vô cùng cao. Tại các chuỗi đảo và rạn san hô dường như không có gì đáng chú ý này, ngày càng có nhiều nguy cơ xung đột quân sự giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ sát cánh "với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi", và rằng quan điểm này "phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế".
Điều gì đằng sau tranh chấp Biển Đông ?
Biển Đông, nơi có các tuyến hàng hải quan trọng, trong những năm gần đây đã trở thành một điểm nóng cho căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia khác có cùng tuyên bố chủ quyền đối với hai chuỗi đảo là Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nói rằng quyền của họ có từ hàng thế kỷ trước. Khu vực này rất nhiều cá và được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào.
Hoa Kỳ từ lâu đã chỉ trích những gì họ nói là việc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông. Hoa Kỳ cũng thường xuyên được cho là chọc giận Bắc Kinh với các chuyến đưa tàu chiến đến vùng biển này thực hiện "tự do hàng hải".
Vào tháng 8/2018, một nhóm phóng viên BBC đã bay qua các đảo ở Biển Đông đang tranh chấp trên một chiếc máy bay của quân đội Hoa Kỳ. Sau đó, các phi công đã được cảnh báo rời khỏi khu vực này"ngay lập tức" để "tránh mọi hiểu lầm".
Nhiều tháng trước đó, Trung Quốc đã đưa máy bay ném bom bay qua vùng lãnh thổ đang tranh chấp để tham gia các cuộc tập trận trên các đảo và rạn san hô.
Trung Quốc trước đây đã cáo buộc Hải quân Hoa Kỳ khiêu khích và can thiệp vào các vấn đề khu vực.
Nguồn : BBC, 15/07/2020
***********************
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ bác bỏ yêu sách ‘phi pháp’ của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông
VOA, 15/07/2020
Một ngày sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ngoài khơi Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell khẳng định thêm lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách "phi pháp" và hành động "đe doạ" của Trung Quốc đối với Việt Nam ở Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, nhấn mạnh thêm về chính sách mới của Mỹ ở Biển Đông, trong đó cáo buộc các hành động của Trung Quốc ở khu vực quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam là "phi pháp".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 ra một tuyên bố, được xem là mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước đến nay, trong đó nói "Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó".
Ông Stilwell, trợ lý ngoại trưởng đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 14/7 nhấn mạnh lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về việc Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải bên ngoài phạm vi 12 hải lý của nước này vì Bắc Kinh đã "không đưa ra một tuyên bố hàng hải hợp pháp, mạch lạch" ở Biển Đông.
"Điều này có nghĩa là Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia), hay vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Brunei", ông Stilwell nói tại cuộc hội thảo hàng năm về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS được tổ chức trực tuyến từ Washington DC hôm 14/7.
Trong bài phát biểu của mình, ông Stilwell cho rằng Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác và không cho họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi, mà nhà ngoại giao Mỹ nói là "thuộc về các quốc gia đó chứ không thuộc về Trung Quốc".
"Bắc Kinh muốn sự thống trị cho chính bản thân mình", ông Stilwell nói. "Họ muốn thay thế luật pháp quốc tế bằng sự cai trị với những sự đe doạ và ép buộc".
Ông Stilwell nhắc tới việc "Bắc Kinh đã đâm chìm các tàu cá Việt Nam" trong những tháng gần đây, và việc Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) "dùng dàn khoan HD-981 khổng lồ của họ để tìm cách đe doạ Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa năm 2014".
Bộ Ngoại giao cùng Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 4 chỉ đích danh tài hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc khi đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tháng 5/2014.
"Các tàu thăm dò thương mại cùng các dàn khoan khác của Trung Quốc liên tiếp được đưa vào vùng lãnh hải Đông Nam Á trong đó Trung Quốc không có bất kỳ một quyền nào", ông Stilwell nói và cho rằng các đội tàu đánh các của Trung Quốc trên Biển Đông thường hoạt động như một lực lượng dân quân biển dưới sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, nhằm "quấy rối và đe doạ các nước khác" và coi đó là "một công cụ cưỡng bức bạo lực của nhà nước" Trung Quốc.
Vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ còn cáo buộc "Bắc Kinh ép các quốc gia khác chấp nhận ‘cùng khai thác’ với các công ty nhà nước Trung Quốc, và nói rằng ‘nếu anh muốn khai thác những nguồn tài nguyên đó ngoài khơi vùng biển của anh, thì anh chỉ có một lựa chọn duy nhất là cùng làm với chúng tôi’. "Đó là những thủ thuật của kẻ cướp", ông Stilwell nói.
Năm 2010, ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó, Dương Khiết Trì, nói với những người đồng cấp của ông từ các quốc gia Đông Nam Á rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ và đó là một thực tế".
Năm ngoái, tàu thăm dò địa chấn 8 của Trung Quốc nhiều lần ra vào Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước sự phản đối của Hà Nội khi cho rằng Bắc Kinh vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Nhiều nhà quan sát quốc tế lúc đó nói rằng động thái này của Bắc Kinh nhằm ngăn cản việc hợp tác của Việt Nam với nước ngoài trong việc khai thác dầu khí trên Biển Đông. Trước đó, tập đoàn dầu khí PetroVietnam đã phải ngừng hoạt động thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trước sức ép của Trung Quốc.
"Mỹ ủng hộ các quốc gia đứng lên vì các quyền chủ quyền và quyền lợi của họ và kháng cự lại áp lực phải chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà Trung Quốc ép họ phải chia sẻ nguồn tài nguyên ngoài khơi mà (Trung Quốc) không có bất cứ một tuyên bố chủ quyền nào", ông Stilwell nói tại cuộc hội thảo của CSIS.
Nguồn : VOA, 15/07/2020
******************
Khu trục hạm USS Ralph Johnson hoạt động tại Trường Sa
RFA, 15/07/2020
Ngày 14/7, tại khu vực Biển Đông, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của Hải quân Hoa Kỳ tiến hành hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Khu trục hạm USS Ralph Johnson của Hải quân Hoa Kỳ - Wikimedia Commons
Bộ phận Quan hệ Công chúng của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ cho biết như vừa nêu. Theo đó chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) nhằm bảo đảm quyền tự do sử dụng vùng biển theo luật pháp quốc tế trước những hạn chế thách thức hoạt động đi qua vô hại do những áp đặt bởi Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Phía Hoa Kỳ cho rằng những tuyên bố phi pháp tại Biển Đông đe dọa quyền tự do trên biển, trong đó có các quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do giao thương không bị gián đoạn, và quyền tự do về các cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông.
Hoa Kỳ thách thức những tuyên bố chủ quyền quá đáng khắp nơi trên thế giới bất chấp đó là của nước nào. Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu nay là duy trì quyền tự do trên biển. Đây là quyền vô cùng quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng cho toàn cầu.
Tin từ Hạm đội Thái Bình Dương còn nêu rõ các lực lượng của Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông trên cơ sở hằng ngày như đã từng diễn ra suốt hơn một thế kỷ qua.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch bố trí hải quân tiến công nhằm hỗ trợ cho quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ tại khu vực hoạt động Ấn Độ- Thái Bình Dương. Hạm đội 7 có số lượng tàu lớn nhất của Hải quân Mỹ, tương tác với 35 quốc gia biển khác để thiết lập quan hệ đối tác nhằm giữ vững an ninh hàng hải, tăng cường ổn định và ngăn ngừa xung đột.
Nguồn : RFA, 15/07/2020
********************
Chuyên gia : Mỹ sẽ cứng rắn hơn sau khi bác yêu sách Biển Đông của Trung Quốc
VOA, 14/07/2020
Đưa ra lập trường rõ ràng và mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước tới nay về Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai 13/7 bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tuyến tàu biển quan trọng đi qua.
Một tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông hồi tháng 5/2020
Hai chuyên gia nhận định với VOA rằng lập trường do ông Pompeo công bố cho thấy Washington gia tăng sức ép trong cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và bước đi này dọn đường cho Mỹ hành động cứng rắn hơn ở Biển Đông.
Như VOA đã đưa tin, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nói rõ "Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó".
Trong một đoạn của tuyên bố đề cập đến Việt Nam, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói : "Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei, và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia)".
Nhà ngoại giao hàng đầu của siêu cường số 1 thế giới lưu ý với Trung Quốc rằng "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như thể đó là đế chế hàng hải của họ", và ông cảnh báo là "Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Châu Á của mình trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ đối với các tài nguyên biển".
Hai nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Việt Nam và Lê Hồng Hiệp ở Singagore bình luận với VOA rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà trong đó Biển Đông là một phần quan trọng.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gặp Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở Mỹ, tháng 5/2019
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về luật biển, giải thích rằng trước đây Washington chỉ tập trung tuyên bố về tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển Đông, khiến các nước nhỏ hơn có tranh chấp với Trung Quốc cảm thấy Mỹ "không mặn mà", trong khi Bắc Kinh liên tục lấn tới, chèn ép các nước trong khu vực. Điều đó làm cho Mỹ nhận thấy cần phải đưa ra lập trường cụ thể hơn. Ông Việt nói :
"Chính vì vậy, nó dẫn tới việc Hoa Kỳ cần phải có tiếng nói mạnh mẽ, rõ ràng và dứt khoát, một thái độ cũng như thông điệp để chuyển tải tới Trung Quốc và các quốc gia ASEAN về quyết tâm và tính chính đáng của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế như vậy".
Tuyên bố mới nhất của Mỹ gắn với bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng, trong đó, Biển Đông được xem là "chiến trường" của sự cạnh tranh giữa hai nước, mà ở đó, Mỹ nhận thấy phải gia tăng sức ép để đẩy lùi các bước đi của Trung Quốc, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak. Ông nói thêm :
"Chúng ta có thể thấy tuyên bố của ông Pompeo là bước đi tiếp theo, cụ thể hóa chiến lược của Mỹ. Đó là khẳng định tuyên bố của Trung Quốc là phi pháp, không có giá trị, qua đó xác lập hình ảnh Trung Quốc là quốc gia hành động phi pháp trên Biển Đông, qua đó có thể làm suy giảm vị thế, ảnh hưởng của Trung Quốc, và nâng cao vị thế của Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác trong khu vực".
Xu thế đối đầu hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông sau tuyên bố hôm 13/7 là điều "hoàn toàn có thể", vẫn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với VOA.
Lưu ý đến một loạt hành động cứng rắn hơn gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc trên thực địa ở vùng biển, bao gồm tập trận và điều tàu chiến hiện diện gần tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc, ông Hiệp nhận định :
"Với tuyên bố vừa rồi của ông Pompeo, có thể Mỹ đã chuẩn bị về mặt dư luận, về mặt diễn ngôn để có những bước đi mạnh mẽ hơn, xác quyết hơn đối với Trung Quốc. Chúng ta hãy chờ xem những bước đi cụ thể là gì nhưng xu hướng chung là đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về mặt dư luận, về mặt diễn ngôn cũng như trên thực địa sẽ càng ngày càng gia tăng trong thời gian tới".
Thạc sĩ-luật sư Hoàng Việt cũng tiên liệu rằng với VOA rằng tới đây Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không đến mức xảy ra xung đột quân sự :
"Hoa Kỳ thấy bên cạnh những phát ngôn của mình cần có những hành động cụ thể. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn, tuy nhiên việc sử dụng các biện pháp quân sự thì tôi nghĩ có lẽ là chưa, vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều biết một ranh giới ở đây khi mà cả hai quốc gia đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự. Bởi vì xảy xung đột ở Biển Đông sẽ dẫn tới hậu quả có thể coi như Chiến tranh Thế giới lần thứ 3".
Hai đội tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, 6/7/2020
Vẫn ông Việt, người cũng là thành viên một ban nghiên cứu luật biển, hải đảo ở Việt Nam, tin rằng hành động mạnh mẽ hơn của Mỹ trong thời gian tới sẽ góp phần ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, cũng như khích lệ các quốc gia bị Bắc Kinh xem là "nhỏ hơn" đang tranh chấp với Trung Quốc để họ "đứng lên, bảo vệ lẽ phải".
Liên hệ đến Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Việt bình luận :
"Trong thời điểm này, sau tuyên bố của ông Pompeo, điều đó khuyến khích Việt Nam cần có những hành động chiến lược mạnh mẽ hơn. Nói cho cùng, đấy là những lợi thế nếu Việt Nam biết tận dụng thì sẽ có tác dụng nhất định. Việt Nam có tận dụng được hay không, đó là vấn đề chúng ta phải chờ tiếp".
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp hiện làm việc ở Singapore chia sẻ quan điểm là mặc dù tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ nhắm đến phục vụ lợi ích của chính siêu cường này, song nó cũng "tốt" cho lợi ích và mong muốn của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hiệp cho rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ không công khai ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo. Ông Hiệp giải thích :
"Việt Nam lâu nay đã phản đối các tuyên bố, các yêu sách của Trung Quốc. Bây giờ, tuyên bố của ông Pompeo là điều tốt cho Việt Nam. Nhưng ở đây, tuyên bố của ông Pompeo nhắm vào Trung Quốc và đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì vậy, nếu Việt Nam tuyên bố một cách rõ ràng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo thì sẽ bị diễn dịch là đang chọn phe trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho nên, theo tôi, sự lựa chọn của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực là im lặng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo, ủng hộ một cách gián tiếp".
Tuyên bố 13/7 về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đánh dấu việc Washington rời khỏi chính sách trước đây là không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông.
Mỹ không đòi chủ quyền về vùng biển này và lâu nay thường kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế.
Nguồn : VOA, 15/07/2020
********************
Hoa Kỳ sẽ cân nhắc việc cấm vận các công ty Trung Quốc tham gia nạo vét và khai thác bất hợp pháp ở Biển Đông
RFA, 14/07/2020
Hoa Kỳ có thể sẽ cân nhắc việc cấm vận một số các công ty nhà nước của Trung Quốc đã tham gia nạo vét, xây lấp các đảo nhân tạo và khai thác dầu khí bất hợp pháp ở Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - David Stilwell phát biểu như vậy tại hội thảo thường niên về Biển Đông được tổ chức ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC hôm 14/7.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương David Stilwell (trái) đến dực cuộc họp với Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha ở Seoul hôm 17/7/2019 - AFP
Ông Stilwell nói : "Bắc Kinh đã sử dụng các công ty nhà nước như là các công cụ xâm lấn về kinh tế và lộng hành quốc tế".
"Các công ty (nhà nước) này được sử dụng để thực hiện các việc nạo vét, xây dựng, quân sự hóa các căn cứ trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, từ đó Bắc Kinh hiện đang vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á", ông David Stilwell nói tiếp.
Các công ty nhà nước của Trung Quốc được ông Stilwell nêu tên cụ thể bao gồm Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC). CCC là công ty chịu trách nhiệm chính trong việc nạo vét và xây lấp các đảo nhân tạo cho Trung Quốc ở Biển Đông. CNOOC đã triển khai các giàn khoan dầu khí ở Biển Đông mà điển hình là giàn khoan HD 981 ở gần quần đảo Hoàng Sa hồi năm 2014.
Theo thống kê của trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải thuộc CSIS, hiện Trung Quốc đã xây 20 tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa và 7 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra Trung Quốc hiện đang kiểm soát bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh lấy từ Philippines vào năm 2012.
Kể từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét, xây lấp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, tạo 3.200 acres đất cùng với việc mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình tại quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Hình của Bộ Quốc phòng Philippines cung cấp hôm 10/11/1998 cho thấy một cơ sở Trung Quốc xây trên Mischief Reef AFP
Trong các năm gần đây, Trung Quốc cũng liên tục đưa giàn khoan dầu, tàu hải cảnh, và tàu khảo sát vào vùng biển của các nước láng giềng. Điển hình là vụ đưa giàn khoan HD981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa vào năm 2014. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc cũng liên tục điều tàu hải cảnh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam. Trong các tuần qua, Trung Quốc lại tiếp tục điều tàu hải cảnh vào khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, cản trở việc khai thác dầu khí ở lô 06.1 của Việt Nam.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng trong đó có Việt Nam trong các hoạt động thăm dò dầu khí.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Stilwell nói : "Các nguồn tài nguyên này là quyền lợi của các quốc gia Đông Nam Á, là nguồn sống của các cộng đồng vên biển, cuộc sống của hàng triệu công dân các nước này. Đó là những thừa kế của con em của mỗi quốc gia và hành động của Bắc Kinh đang tấn công vào người dân khu vực Đông Nam từ đời này qua đời khác".
Phát biểu mới của giới chức Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ngay sau tuyên bố hôm 13/7 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, bác bỏ các yêu sách đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế hồi năm 2016, bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc đang muốn trở thành một đế quốc trên biển với các hành động lấn lướt của mình ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 14/7 đã lên tiếng phản bác tuyên bố của Mỹ và cáo buộc Hoa Kỳ chính là nước đang gây bất ổn trong khu vực, chia rẽ Trung Quốc với các nước ASEAN bằng cách điều các tàu chiến vào Biển Đông.
Nguồn : RFA, 14/07/2020
*********************
Biển Đông : Mỹ có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc
RFI, 15/07/2020
Một quan chức cao cấp Mỹ hôm 4/7/2020, cho biết Hoa Kỳ có thể sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cách hành xử phi pháp tại Biển Đông. Cũng hôm 4/7, một khu trục hạm Mỹ đã tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa.
Khu trục hạm Mỹ USS Decatur trong một đợt tuần tra trên Biển Đông. Ảnh tư liệu do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 13/10/2016. AP - PO2 Diana Quinlan
Theo kênh truyền hình Mỹ CNBC, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, đã tuyên bố như trên trong cuộc hội thảo thường niên về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). Ông nhận định Bắc Kinh ngày càng tăng cường yêu sách và cưỡng bức bất kỳ ở đâu.
Theo ông Stilwell, bản chất Trung Quốc không thể chấp nhận một thế giới đa phương với các quyền tự do căn bản và sự chọn lựa của lương tâm. Quan chức Mỹ nhấn mạnh "việc Hoa Kỳ can dự vào khu vực chỉ đơn giản nhằm thực thi pháp luật hiện hành, và lẽ ra việc này đã phải được làm từ lâu".
Tuyên bố trên đây được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mike Pompeo công bố lập trường chính thức của Hoa Kỳ, khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là "bất hợp pháp". Ông Pompeo tố cáo "chiến dịch bắt nạt kiểu găng-tơ" của Trung Quốc, cho biết Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực, nhấn mạnh "thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của mình".
Sau tuyên bố quan trọng này, Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục thách thức Trung Quốc, loan báo khu trục hạm USS Ralph Johnson đang tuần tra ở quần đảo Trường Sa, do "các yêu sách chủ quyền biển bất hợp pháp và quá đáng là mối đe dọa nghiêm trọng cho tự do hàng hải".
Các chuyên gia nhận định đây là bước ngoặt lớn trong chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông, vì nếu trước đây Washington chỉ trích Bắc Kinh về cung cách hành xử, thì nay đã bác bỏ hẳn các yêu sách của Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Tuy nhiên đến nay Việt Nam cũng như các nước ASEAN vẫn giữ thái độ thận trọng.
Cựu ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario hôm qua cổ vũ công dân các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei cùng kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về các hành động hủy hoại môi trường ở Biển Đông.
Thụy My
Nguồn : RFI, 15/07/2020