Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS, một think tank ở Washington DC vừa tổ chức Hội nghị thường niên về Biển Đông lần thứ 14 vào ngày 11/7/2024.
RFA
Tại hội thảo, nhiều thính giả đã đặt câu hỏi với Dân biểu Darrell Issa, thuộc Hội đồng Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, về nhiều vấn đề liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Đông. RFA đặt câu hỏi về khả năng Hoa Kỳ cân bằng sức mạnh của Trung Quốc khi mà Trung Quốc chủ yếu chỉ tập trung sức mạnh nhắm vào Đài Loan, Biển Đông, trong khi đó, Hoa Kỳ phải dàn trải sức mạnh của mình khắp thế giới, không chỉ Đông Bắc Á, Đông Nam Á mà cả Trung Đông và Ukraine. Ông Greg Poling, Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS, đặt câu hỏi rằng liệu vị Dân biểu Cộng hòa có nhiều ảnh hưởng tại Hội đồng Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ có cảm thấy là ở Châu Á, Hoa Kỳ bị thu hút vào điểm nóng Đài Loan và do đó chú ý không đúng mức tới Biển Đông.
Dân biểu Darrell Issa cho biết đó chính là điều ông lo lắng. Một thập kỷ trước, Hoa Kỳ công bố chính sách xoay trục về Châu Á. Đó là một tuyên bố rất hay nhưng theo ông Issa, nó thiếu các cơ sở hành động đi kèm. Nó không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, điều đó làm NATO ở Châu Âu bận tâm. Nga của Putin thấy vậy mà nghĩ "ồ ta có thể lấn tới ở Châu Âu". Vì lý do đó, Dân biểu Issa cho biết ông đã khuyến khích các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện là hãy đi ít nhất hai lần, một lần về phía Tây, một về phía Đông để nắm tình hình và chia sẻ với các dân biểu khác. Theo ông, Thượng viện Hoa Kỳ cũng cần làm như vậy. Ông giải thích :
"Bởi vì thách thức lớn nhất đối với chúng ta là phải nhìn vào một đối tượng phức tạp. Hầu hết chúng tôi có thể cũng không biết rằng biết đâu Việt Nam cũng chịu sự ép rất lớn từ Trung Quốc giống như Philippines. Cả hai nước đều có lịch sử lâu dài chịu sức ép từ Trung Quốc và các nước khác. Vì vậy chúng tôi phải tìm cách cho các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thấy được bức tranh tổng thể".
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc tăng cường phong tỏa bãi Cỏ Mây của Philippines. Những hoạt động của Hoa Kỳ tại Biển Đông chủ yếu là tăng cường hợp tác với Philippines. Các phát biểu của Dân biểu Darrell Issa và ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng đều tập trung vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines.
Ông Issa cho biết các hoạt động hợp tác quân sự của Hoa Kỳ với Philippines chủ yếu là hoạt động viện trợ. Philippines không đủ khả năng bảo vệ vùng biển và quyền đánh cá của mình trước sức ép của Trung Quốc. Hoa Kỳ không hành động tại hiện trường mà thực hiện các hoạt động huấn luyện, nâng cao khả năng phòng vệ của Philippines và cả khu vực. Tất cả nhắm đến mục tiêu bảo vệ luật pháp quốc tế trong vùng. Cụ thể, đó là năng lực của lực lượng cảnh sát biển, bao gồm các phương tiện hỗ trợ như máy bay không người lái và các phương tiện viễn thám khác. Phát triển năng lực của các nước trong khu vực là cơ sở bước đầu để tìm kiếm khả năng giải quyết hòa bình đối với chính sách hung hăng của Trung Quốc.
Điểm lại các diễn biến nóng nhất trên Biển Đông năm qua, ông Harrison Prétat, Phó Giám đốc và Nghiên cứu viên, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), CSIS, cho biết năm 2018 đánh dấu là năm đầu tiên Trung Quốc triển khai lực lượng hải cảnh và dân quân biển với số lượng lớn xuống khu vực Trường Sa, sau khi hoàn thành các cơ sở quân sự ở quần đảo này. Mục đích của Trung Quốc là đẩy lùi hoạt động của các nước khác ra khỏi khu vực đường 9 đoạn.
Nhìn lại hoạt động của Trung Quốc năm 2023, ông Harison cho rằng cần nhìn vào 5 thực thể là bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây, cụm bãi cạn Luconia, bãi Tư Chính và đảo Thị Tứ. Trong năm 2023, Trung Quốc đã tuần tra khu vực này tổng cộng 1652 ngày quy đổi. AMIT đã đã chụp hàng ngàn ảnh vệ tinh để theo dõi lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Có khoảng 250 tàu dân quân biển của Trung Quốc được nhận diện trong quần đảo Trường Sa. Ngày cao điểm lên tới 375 tàu. Như vậy, con số thực tế có thể lên tới 400 đến 500 chiếc tàu dân quân biển Trung Quốc đang hoạt động ở Trường Sa.
Năm 2021 xảy ra vụ tấn công bằng vòi rồng của Trung Quốc đối với tàu Philippines tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên bãi Cỏ Mây. Từ đó căng thẳng ngày càng tăng và hiện nay AMTI vẫn đang theo dõi thấy có khoảng 30 - 40 tàu Trung Quốc vẫn đang chờ đợi các tàu tiếp tế của Philippines đến để đánh chặn.
Tại sao từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc chọn Philippines để gây căng thẳng bằng cách bao vây bãi Cỏ Mây mà không chọn một nước nào khác, chẳng hạn như Việt Nam ? Đó là câu hỏi ông Mary Hebert Eli, nhà nghiên cứu không thường trú tại CSIS, dành cho bà Hong Nong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Trung Quốc, một think tank ở Washington DC. Các nghiên cứu của bà công bố quan điểm ủng hộ Chính phủ Trung Quốc, phản bác phán quyết của Tòa PCA năm 2016. Theo bà Hong Nong, Tổng thống Philippines muốn xử lý mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách công bố các hình ảnh, video về các sự kiện xung đột. Hong Nong cho biết bà cũng đã xem nhiều video trên mạng Trung Quốc về các sự kiện xung đột của Trung Quốc với Philippines. Cho rằng phải so sánh từng video mới thấy ai mới là bên kích động cuộc xung đột, bà Hong Nong cho rằng Trung Quốc thay đổi chính sách là do sự kích động của Philippines. Cho rằng Philippines đã mang theo cả thiết bị và vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng thay vì chỉ mang theo thực phẩm cho binh sĩ đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, bà Hong Nong nói đó là điểm gây ra sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đối với Philippines.
Ông Mary Hebert Eli đặt câu hỏi với Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner rằng mặc dù năm qua, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là hỗ trợ Philippines, nhưng liệu Mỹ có hoạt động gì thúc đẩy quan hệ với Việt Nam hay không. Ông Ely Ratner nhắc lại sự kiện Việt Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên thành "đối tác chiến lược toàn diện" trong năm 2023. Ông coi điều đó thể hiện một tầm nhìn mới của lãnh đạo hai nước để gỡ bỏ các vướng mắc và xây dựng các hình thức hợp tác mới.
Theo ông Ely, quan hệ Việt Mỹ tập trung vào việc giải quyết các "di sản chiến tranh", bao gồm vấn đề chất độc màu da cam, tìm kiếm hài cốt binh sĩ hai bên mất tích trong chiến tranh. Các trường Đại học Mỹ đã giúp phân tích bộ dữ liệu còn lại từ thời chiến để tìm ra những thông tin hữu ích cho việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ mất tích trong cuộc chiến kết thúc gần 50 năm trước. Ông tin rằng những điều này sẽ giúp củng cố niềm tin để thúc đẩy những cuộc thảo luận về các lĩnh vực khác như hợp tác bảo vệ an ninh trên biển. Ở lĩnh vực hợp tác an ninh trên biển, Hải quân và Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò chủ đạo ở phía Mỹ. Nhìn từ góc độ lịch sử thì mối quan hệ Việt Mỹ là phức tạp nhưng nhìn vào hiện tại thì hai bên chia sẻ nhiều lợi ích chung.
Trả lời câu hỏi của RFA về những khả năng hỗ trợ của Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản năm 2024 đối với sáu nước, trong đó có Việt Nam, Philippines và Indonesia, Giáo sư Saya Kiba, Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kobe, Nhật Bản, cho biết khả năng thành công của chương trình Viện trợ An ninh Chính thức sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chương trình này cũng giống như chương trình viện trợ phát triển ODA. Nó dựa trên yêu cầu cụ thể của phía quốc gia muốn nhận viện trợ và dựa trên các thỏa thuận song phương. Nếu các quốc gia đó muốn phát triển những năng lực liên quan đến viện trợ OSA thì chúng ta có thể thảo luận. Dĩ nhiên, tài chính có giới hạn. Nếu các quốc gia muốn nhận viện trợ những thiết bị quá đắt đỏ thì việc viện trợ không hoàn lại sẽ khó khăn mà có thể phải mua. Bà Saya Kiba bày tỏ lòng rằng chương trình viện trợ OSA sẽ không loại trừ ai và không gây thêm căng thẳng trong khu vực.
RFA đặt câu hỏi với Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Luật biển và Bang giao trên biển, Đại học Quốc gia Philippines, về khả năng hợp tác giữa Philippines và Việt Nam khi mà hai nước cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau. Giáo sư Jay cho rằng mặc dù hai nước có những tranh cãi về chủ quyền, mối quan hệ giữa hai nước vẫn rất tốt và vững chắc. Đó thực sự là một mô hình để cho các nước khác thấy xung đột trên Biển Đông nên được giải quyết như thế nào. Hai nước đã trao đổi các mối quan hệ kinh tế và chính trị ở cả cấp độ cá nhân và quốc gia. Ông cho rằng đó là điều các nước khác, trong đó có Trung Quốc, nên làm để xử lý xung đột trên Biển Đông.
Nguồn : RFA, 12/07/2024
Thanh Phương, RFI, 16/07/2022
Reuters trích dẫn thông báo của Đệ thất Hạm đội Mỹ hôm 16/07/2022, cho biết, một khu trục hạm của Hoa Kỳ lại đến gần quần đảo Trường Sa, đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Đây là lần thứ hai chỉ trong một tuần, chiếc tàu USS Benfold lại đến gần khu vực này trong khuôn khổ chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.
Khu trục hạm USS Benfold (DDG 65) trong một lần thực thi nhiệm vụ bảo đảm tự do lưu thông hàng hải tại vùng biển Philippines ngày 24/06/2022. AP - Petty Officer 2nd Class Arthur R
Hôm thứ Tư 13/7, Quân đội Trung Quốc thông báo đã huy động hải quân và không quân đuổi chiếc khu trục hạm USS Benfold bị xem là "xâm nhập trái phép lãnh hải của Trung Quốc" khi đến gần quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo và đặt trên đó các cơ sở quân sự.
Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tại vùng Biển Đông, bất chấp những hạn chế do Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt đối với quyền "qua lại vô hại" trên biển.
Thông báo của Đệ thất Hạm đội Mỹ cho rằng, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan vi phạm luật quốc tế do vẫn đòi các nước phải xin phép hoặc báo trước, khi một tàu quân sự sử dụng quyền "qua lại vô hại" để đi vào vùng lãnh hải, tức khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo đang tranh chấp ở Trường Sa.
Hoa Kỳ vẫn cho rằng những hạn chế như vậy là "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải và tự do hàng không, đối với tự do giao thương và tự do về cơ hội kinh tế".
Bắc Kinh vẫn khẳng định không cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không, và tố cáo Washington cố tình gây căng thẳng ở khu vực Biển Đông.
Theo hãng tin Anh, bộ quốc phòng Trung Quốc hiện chưa có phản ứng gì về việc chiến hạm Mỹ lần thứ hai đến gần quần đảo này chỉ trong vòng một tuần.
Thanh Phương
*********************
Thu Hằng, RFI, 13/07/2022
Hoa Kỳ tiếp tục các chuyến tuần tra vì tự do lưu thông ở Biển Đông. Ngày 13/07/2022, tầu khu trục USS Benfold đã áp sát quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974 khiến Bắc Kinh tức giận và điều lực lượng "đuổi" tầu Mỹ khỏi lãnh hải.
Ảnh do hải quân Mỹ, US Navy, cung cấ p: Tàu khu trục USS Benfold, đang hoạt động tuần tra thường lệ ngoài khơi Philippines, ngày 24/06/2022. AP - Petty Officer 2nd Class Arthur R
Theo Reuters, Hải quân Mỹ cho biết tầu USS Benfold "khẳng định các quyền và tự do được lưu thông ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế". Ngược lại, bộ chỉ huy Chiến Khu Miền Nam của Quân đội Trung Quốc cáo buộc "hoạt động của tầu Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc với việc thâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa".
Do đó, "Bộ chỉ huy Chiến khu Miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã phải tổ chức lực lượng hải quân, không quân để theo dõi, cảnh báo và đuổi" tầu Mỹ. Phía Trung Quốc cũng cáo buộc "thêm một lần nữa Mỹ không khác gì là một kẻ quấy rối đối với an ninh ở Biển Đông" và là một "kẻ phá hoại hòa bình và ổn định khu vực".
Hải quân Mỹ cũng ngay lập tức đáp trả, cho rằng cáo buộc của Trung Quốc về hoạt động của tầu Benfold là "sai sự thật" nhằm "bóp méo những chuyến tuần tra hợp pháp của Mỹ và để nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền quá đáng và bất hợp pháp đối với những nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông".
Chuyến tuần tra của tầu Benfold diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng tài Thường trực La Haye bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Phát biểu hôm 12/07, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Thu Hằng
***********************
Phan Minh, RFI, 14/07/2022
Chiến tranh ở Ukraine đang khiến cho tình hình địa chính trị thế giới có biến động và Châu Á cũng không phải là ngoại lệ. Nếu Đài Loan đương nhiên thu hút sự chú ý, thì giới quan sát cũng chú ý đến tình hình ở Philippines, nơi một tổng thống mới nhậm chức. Ở Manila và Biển Đông, một cuộc tranh giành ảnh hưởng lớn đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh. Tân tổng thống Marcos Jr. sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (trái) nhậm chức tại Manila, Philippines ngày 30/06/2022. © Francis R. Malasig / Pool / AFP
Rodrigo Duterte, Donald Trump, Joe Biden và bây giờ là Ferdinand Marcos Jr. Sau mỗi cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo mới phải đối diện với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, và sẽ có một câu hỏi luôn tái xuất hiện: người này sẽ giải quyết hồ sơ hóc búa đó ra sao ?
Có những vị nguyên thủ dường như phát hiện ra một cách muộn màng sự phức tạp và tầm quan trọng của hồ sơ này. Điển hình là ông Trump và ông Duterte lúc mới nhậm chức. Nhưng tổng thống Mỹ Biden và đồng nhiệm Philippines Marcos có vẻ như ngay từ đầu đã nhận thức rõ hơn về vấn đề này.
Ngay sau khi nhậm chức, với những năm tháng ở bên cựu tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden dường như ý thức được việc phải "ngăn chặn sự bành trướng" của Trung Quốc, một chế độ tiếp tục triển khai chiến lược trên biển từ năm này qua năm khác, để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa và thậm chí, không có nguy cơ gây ra những thay đổi chính trị trong ngắn hạn.
Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn về tân tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người vừa nhậm chức vào ngày 30/06 tại Manila. Liệu ông ta có giống như người cha quá cố của mình, nhà độc tài Ferdinand Marcos, hay Benigno Aquino III, cứng rắn trong việc bảo vệ lãnh hải mà đất nước ông đòi hỏi chủ quyền ?
Mọi phát biểu của ông đều bị để ý rất kỹ. Cho đến giờ, những tuyên bố rất thận trọng của ông không cho thấy được nguyên thủ quốc gia mới sẽ có lập trường như thế đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên thực tế, ông dường như muốn quan hệ với cả hai. Bài phát biểu nhậm chức hùng hồn của ông cho thấy ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc.
Vào những năm 1990, Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn trong vùng Đặc quyền Kinh tế mà Manila tuyên bố chủ quyền. Cái bãi đá lúc đầu trông giống như một nơi tranh giành vơ vét hải sản của những ngư dân trôi dạt tránh gió mùa này đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biến thành cơ sở hạ tầng, với một phi đạo dài hơn 2,5 km.
Vào năm 2012, vụ việc dường như đã tái diễn tại bãi cạn Scarborough, xa hơn về phía bắc. Và mặc dù Trung Quốc vẫn chưa bồi đắp cát khu vực này, nhưng họ vẫn ở đó, họ không thực sự rời đi và vẫn quay trở lại thường xuyên khiến cho nhiều người thấy khó chịu.
Gần đây nhất, vào tháng 6 năm 2022, Manila đã ra công văn phản đối các hoạt động trên biển của Trung Quốc. Bộ ngoại giao Philippines chỉ ra rằng vô số tàu thuyền của Trung Quốc đã được phát hiện vào tháng 4 gần Đá Ba Đầu, ở giữa Trường Sa, quần đảo tranh chấp giữa các nước ở khu vực Biển Đông.
Năm ngoái, Philippines cũng cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp tế quân sự của nước này, ngăn không cho họ tiếp cận Bãi Cỏ Mây, thuộc quyền kiểm soát của Manila kể từ năm 1999, cũng ở quần đảo Trường Sa.
Vào năm 2019 tại Bãi Cỏ Rong, một tàu Philippines thậm chí đã bị một tàu Trung Quốc đâm vào lúc nửa đêm. Và tàu của Trung Quốc bị cáo buộc không cứu vớt các nạn nhân. Tổng thống Duterte có mặt ở Trung Quốc vào thời điểm đó, đã phải công khai lên tiếng, nhắc lại các quyền của đất nước ông.
Trong sáu năm, Philippines cho biết đã có tới 300 công hàm khiếu nại ngoại giao liên quan đến Trung Quốc. Kết quả là trong một cuộc phân xử diễn vào năm 2016, tòa trọng tài thường trực quốc tế đã khẳng định Philippines có lý khi đáp trả các hành xử trên biển của Trung Quốc.
Cho đến nay, "Bongbong" Marcos đã đưa ra những nhận xét trái ngược nhau. Vào tháng Giêng, ông nói sẽ đi theo đường lối của cựu tổng thống Duterte, rằng ông sẽ không để ý đến phán quyết năm 2016, để không làm giảm cơ hội tìm kiếm những đồng thuận với Bắc Kinh, vốn chỉ chấp nhận khuôn khổ song phương, chứ chắc chắn không tuân thủ phán quyết nói trên của tòa.
Ông Marcos cũng chỉ ra rằng cần phải loại bỏ nguy cơ chiến tranh ngay từ đầu, một lập trường đúng đắn. Ông Marcos giải thích rằng cái mà Philippines cần làm là một thỏa thuận song phương. Nhưng vào tháng 5, ông đã thay đổi lập trường, cam kết sẽ bảo vệ phán quyết năm 2016 và không chấp nhận các quyền ven biển của Philippines bị vi phạm, dù chỉ một ly.
Vài ngày sau khi nhậm chức, ông Marcos Jr đã cố gắng làm rõ lập trường của mình. Ông nói về chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa đa phương, liên quan đến cái mà ông gọi là "Biển Tây Philippines" và ông xác nhận sẽ gặp người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã có mặt tại Manila vào ngày hôm sau. Trong trang phục truyền thống của Philippines, ngoại trưởng Vương Nghị là đại diện nước ngoài đầu tiên gặp ông Ferdinand Marcos Jr. sau khi nhậm chức. Ông Vương Nghị cũng nói rằng tổng thống Marcos đã nhận lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình tới Bắc Kinh.
Vào tháng 5, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết quan điểm của nước ông đối với phán quyết năm 2016 không thay đổi một chút nào. Nhưng theo ông Vương Nghị phát biểu tại Manila, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã "sang một trang mới".
"Lựa chọn duy nhất của chúng ta là phải thân thiện, thân thiện và thân thiện", dường như ngoại trưởng Trung Quốc đã nói với ông Marcos như vậy, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng nhất với Bắc Kinh : "Tôi tin rằng với việc hai bên cùng hợp tác, chúng ta chắc chắn có thể mở ra một kỷ nguyên hoàng kim cho quan hệ song phương".
Không có tuyên bố chi tiết nào về cuộc hội đàm được đưa ra từ phía Philippines, nhưng tổng thống Marcos đã tweet rằng "cuộc họp tập trung vào những chủ đề như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng và cam kết duy trì mối quan hệ bền vững giữa hai nước trong những năm tới".
Năm 2016, ông Rodrigo Duterte đắc cử ở Philippines, một quốc gia có lịch sử gần gũi với Hoa Kỳ về mặt quân sự, đồng thời ông hô hào bảo vệ ý tưởng xích lại gần Bắc Kinh, với hy vọng có được các khoản đầu tư của Trung Quốc để phát triển đất nước, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đường sắt.
Nhưng trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông phải sống chung với áp lực của một bộ phận dư luận và của các thế lực nghi ngờ Trung Quốc tại Philippines, trên các phương tiện truyền thông, trong Quân đội, tầng lớp chính trị gia, nơi mà Washington vẫn còn có các hậu thuẫn.
Thế nhưng, ông cũng không có được các đầu tư mà ông từng hy vọng. Và theo thời gian, ông đã đánh giá được các thách thức chiến lược thực sự, có thể giải thích cho những hành vi của Bắc Kinh ngoài khơi bờ biển Philippines, những thách thức được mô tả khá trần trụi trong các hồ sơ lưu trữ của Quân đội Philippines.
Nhiều lần trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Duterte đã mập mờ về ý định của mình ở Biển Đông. Có lúc, ông đột nhiên đơn phương hứa sẽ đi mô tô nước (jetski) để bảo vệ các vị trí trên biển của Manila, một lần khác, ông lại dường như tính tới việc gạt bỏ các vị trí này vì các lợi ích tình thế.
Bất chấp những biến động nói trên, ý tưởng xích lại gần nhau giữa hai nước đã phần nào được thực hiện dưới thời ông Duterte. Năm 2020, lực lượng tuần duyên Trung Quốc thả neo tại cảng Manila, sau các chuyến thăm ở Subic và Davao. Hai nước thảo luận song phương giống như mong muốn của Trung Quốc, quốc gia vốn dị ứng với các liên minh khu vực.
Lập trường của ông Marcos Jr., được bầu vào tháng 5/2022, và của con gái người tiền nhiệm, bà Sara Duterte, được bầu làm phó tổng thống, sẽ được để ý kỹ hơn cha ông, người nắm quyền từ năm 1965 đến 1986, dưới sự che chở của Hoa Kỳ và đã đóng góp rất nhiều cho sự hiện diện của Philippines tại quần đảo Trường Sa.
Liệu nguyên thủ mới có làm sống lại cuộc chiến của cha mình, sau đó là của Benigno Aquino trong những năm 2010 ? Lo lắng khi thấy Trung Quốc tìm kiếm nguồn tài nguyên đánh bắt cá của mình, thậm chí cả các hành lang dưới đáy biển, chính ông Aquino là người khơi mào dẫn đến phán quyết của tòa trọng tài năm 2016.
Tuy nhiên dường như tân tổng thống Philippines thực dụng, rất chú trọng đến hiện tại. Ông đang tìm kiếm sự cân bằng, biết rằng bối cảnh đã thay đổi rất nhiều kể từ thời của cha ông hay thậm chí là thời ông Aquino. Chiến dịch tranh cử đã báo trước điều đó, và những ngày đầu trên cương vị tổng thống đã khẳng định điều đó.
Giống như phần còn lại của Châu Á, Philippines phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, một gã khổng lồ đang mạnh lên mà đương nhiên Manila có quan hệ thương mại. Sự thận trọng của tân tổng thống có lẽ phản ánh một thực tế là chính quyền của ông vẫn chưa tìm ra giải pháp phù hợp cho những tình huống khó xử của mình.
Đôi bên sẽ có những cuộc đối thoại rất tế nhị, bởi Trung Quốc chỉ theo đuổi một lợi ích duy nhất là lợi ích của riêng mình. Philippines có thể sẽ hưởng lợi nếu giữ thái độ kín đáo, đồng thời vẫn phải củng cố lập trường chống lại các cuộc thâm nhập của Trung Quốc trong tương lai vào những nơi mà Manila cho rằng thuộc lãnh thổ trên biển của họ.
Phan Minh
***********************
Thu Hằng, RFI, 12/07/2022
Ngày 12/07/2022 đánh dấu tròn 6 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) La Haye ra phán quyết bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Nhân sự kiện này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết năm 2016, đồng thời cảnh báo Washington sẽ buộc phải bảo vệ đồng minh Philippines, trong trường hợp nước này bị tấn công ở vùng biển có tranh chấp.
Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) ở La Haye, Hà Lan, nơi xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Tòa ra phán quyết ngày 12/07/2016. © Ảnh : Tòa Trọng tài Thường trực La Haye
Trong bản tuyên bố được đại sứ quán Mỹ ở Manila đăng trên website ngày 12/07, ngoại trưởng Blinken viết : "Một lần nữa chúng tôi kêu gọi RPC (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) tôn trọng những cam kết của họ về luật pháp quốc tế và ngừng mọi hành vi gây hấn". Hoa Kỳ sẽ bảo vệ đồng minh Philippines theo khuôn khổ hiệp định quốc phòng hỗ tương giữa hai nước được ký năm 1951.
Tuy nhiên, hãng tin Mỹ AP nhắc lại là Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực, cũng như phán quyết của Tòa năm 2016 bác hầu hết yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Về phía Philippines, trong một thông cáo ngày 12/07, ngoại trưởng Enrique Manalo tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 là điều "không thể chối cãi" và là điều kiện tiên quyết cho "ổn định, hòa bình và tiến bộ" ở khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, phán quyết năm 2016 sẽ là một trụ cột cho chính sách và hành động của tân chính quyền liên quan đến vùng biển tranh chấp. Dù không nhắc đến Trung Quốc nhưng Philippines "sẽ kiên quyết bác bỏ tất cả những mưu đồ phá hoại, thậm chí là xóa bỏ luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng ta".
Cũng để kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông, vài chục nhà đấu tranh cánh tả và công nhân Philippines đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manilla, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết, cũng như đòi tổng thống Marcos bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông.
Thu Hằng
Sáng 14/7 (giờ Việt Nam) Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về tranh chấp ở Biển Đông. Lập trường cứng rắn của Mỹ được dư luận rất chú ý. Trong khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ phản đối (14/7), thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh (15/7). Bài này sẽ phân tích lập trường cứng rắn hơn của Mỹ hiện nay.
Lần đầu tiên Mỹ đã điều động nhóm tác chiến đúp gồm hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz vào Biển Đông tập trận quy mô lớn hồi dầu tháng 7/2020
Lập trường cứng rắn hơn
Trong một phát biểu trên mạng (ngày 29/6), ông Pompeo đã báo trước : "Trung Quốc không được coi Biển Đông như vương quốc biển của họ. Chúng tôi sẽ sớm có phát biểu thêm về vấn đề này". Vì vậy, tuyên bố của ông không phải nhất thời phản ứng trước các diễn biến gần đây, mà nhất quán với chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc ở Biển Đông.
Sáng 14/7 (giờ Mỹ), Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell đã đọc bài tham luận (keynote speech) tại hội thảo hàng năm về Biển Đông do CSIS tổ chức. Stilwell làm rõ hơn tuyên bố của Pompeo và đề cập đến khả năng trừng phạt. Về hình thức, đó là tuyên bố với báo chí (press statement) nhưng về thực chất, đó là một tuyên bố chính sách (policy statement).
Lần đầu tiên, Mỹ công khai bênh vực các nước "đồng minh và đối tác" ở khu vực, đặc biệt là bốn nước "ASEAN Four", chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc. Lần đầu tiên, Mỹ công khai bác bỏ và lên án Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp (unlawful) ở Biển Đông, vi phạm luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA).
Tuyên bố tuy ngắn gọn (chỉ có 770 từ) nhưng những người soạn thảo đã dùng ngôn ngữ rõ ràng và chính xác, trong đó có đoạn còn mở ngoặc giải thích rõ thêm để tránh hiểu lầm. Tuyên bố đã đề cập khá đầy đủ và chi tiết đến ba khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông mà Mỹ quan tâm như điểm nóng, cần được ưu tiên cao như "làn ranh đỏ" (redline).
Một là Mỹ lên án hành động phi pháp của Trung Quốc đòi chủ quyền và quấy rối Philippines đánh cá và thăm dò dầu khí tại khu vực cãi cạn Scaborough mà Trung Quốc đã chiếm (từ năm 2012) cũng như tại đá Vành Khăn hay bãi Cỏ Mây, mà PCA năm 2016 đã phán quyết là thuộc chủ quyền của Philippines. Mỹ cần ưu tiên cho Philippines vì đó là đồng minh mà Mỹ phải bảo vệ và đang phải tranh thủ để Manila không bỏ hiệp định VFA.
Hai là Mỹ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền và lên án hành động "phi pháp" của Trung Quốc quấy rối hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Việt Nam tại "Bãi Tư Chính", của Malaysia tại bãi Luconia, của Indonesia tại đảo Natuna Besar, và của Brunei…
Ba là Mỹ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với bãi ngầm James shoal (cách mặt biển 20m). Tuy bãi ngầm này cách Malaysia 50 dặm và cách Trung Quốc 1000 dặm, nhưng họ vẫn tuyên truyền đó là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc".
Tình thế đang thay đổi
Tuy Tổng thống Donald Trump có tính cách thất thường, nhưng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không phải ngẫu nhiên, mà đã được chuẩn bị từ trước, phản ánh xu thế "bài Trung" hay "tách rời" (decoupling) đang tăng lên không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phương Tây khác (như Úc và Anh). Trong khi người Mỹ và phương Tây phân hóa mạnh và tranh cãi kịch liệt về nhiều vấn đề, nhưng họ lại đồng thuận về lập trường "bài Trung".
Theo các nhà phân tích, dù Tổng thống Trump còn tại chức hay mất chức vào tháng 11/2020, thì xu thế đó và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc về cơ bản sẽ không thay đổi. Đây là một nghịch lý và cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho cách hành xử thô bạo của họ. Có một thực tế là lãnh đạo Trung Quốc khó thay đổi tư duy (mindset) hay hệ quy chiếu (paradigm), nên dễ mắc sai lầm trước biến đổi khó lường, trong một thế giới đầy biến số.
Người Mỹ tuy năng động hơn, nhưng cũng có "truyền thống" bỏ rơi đồng minh/đối tác. Năm 2012, khi Philippines đối đầu với Trung Quốc tại Scaborough, Chính quyền Obama đã không hành động đủ mạnh để răn đe Trung Quốc, nên họ đã chiếm Scaborough của Philippines. Năm 2017 và 2018, khi Trung Quốc bắt nạt Việt Nam và Repsol, Việt Nam vì cô đơn phải ngừng khoan và bỏ dự án Cá Rồng Đỏ (lô 136 & 07), chịu thiệt hại rất lớn.
Từ tháng 7 đến 10/2019, Trung Quốc lại cho tàu hải cảnh liên tục quấy rối tại mỏ Lan Đỏ, Lan Tây, Phong Lan Dại (lô 06), và cho tàu HD-8 liên tục thăm dò tại bãi Tư Chính và các nơi khác, gây đối đầu và khủng hoảng mới tại Biển Đông. Đến ngày 24/10/2019 tàu HD-8 mới chịu rút về, sau khi dàn khoan Hakuryu 5 thuê của Nhật đã rút về Vũng Tàu.
Từ tháng 4/2020, trong khi thế giới bận đối phó với đại dịch thì Trung Quốc ngày càng ngang ngược tại Biển Đông. Ngày 2/4/2020, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam. Ngày 18 và 19/4/2020, Trung Quốc đã công bố thành lập "quận Tây Sa" (tức Hoàng Sa) và "quận Nam Sa" (tức Trường Sa) và ngang nhiên đặt tên Trung Quốc cho 80 thực thể ở Biển Đông, vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Việt Nam.
Từ giữa tháng 4/2020, Trung Quốc đã cho nhóm tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu khảo sát HD-8 vào Biển Đông để tập trận và quấy rối nhằm bắt nạt các nước khu vực. Nhóm tàu HD-8 và tàu hải cảnh đã xâm nhập vùng EEZ của Malaysia và Việt Nam, quấy rối và đe dọa dàn khoan West Capella của Petronas đang hoạt động ở khu vực bãi Luconia.
Từ ngày 22/4/2020, Mỹ đã điều động tàu đổ bộ USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill, tàu khu trục USS Barry, và tàu HMAS Parramatta của Úc, vào Biển Đông để tập trận gần nhóm tàu HD-8 của Trung Quốc để bênh vực Malaysia. Đó là một cố gắng lớn của hải quân Mỹ trong bối cảnh hai tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Theordore Roosevelt phải cập cảng Guam và Nhật để bảo trì và cách ly vì nhiều thủy thủ bị lây nhiễm Covid-19.
Từ ngày 1-5/7/2020, hải quân Trung Quốc tập trận tại biển Hoàng Sa, và cho tàu HD-4 xâm nhập vùng EEZ của Việt Nam. Lần đầu tiên Trung Quốc ngăn cản Việt Nam (và Rosneft) khai thác dầu khí tại lô 06 (Nam Côn Sơn), mặc dù Rosneft đã thuê dàn khoan Clyde Boudreaux của Noble tốn hàng chục triệu USD, nay đang phải chờ tại Vũng Tàu. Tình thế ở Biển Đông đang thay đổi khó lường, đòi hỏi Mỹ phải cứng rắn hơn nếu không sẽ quá muộn.
Lời kết
Lần đầu tiên Mỹ đã điều động nhóm tác chiến đúp gồm hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz vào Biển Đông tập trận quy mô lớn (từ 4/7). Điều đó phản ánh điều chỉnh của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm tăng cường răn đe Trung Quốc. Nhưng tàu chiến Mỹ đến rồi lại đi, trong khi đồng minh/đối tác khu vực phải đối mặt với Trung Quốc. Muốn thuyết phục họ, đã đến lúc Mỹ cần quay lại với TPP, và giúp Việt Nam triển khai dự án Cá Voi Xanh.
Theo Elbridge Colby (cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ) để ngăn chặn mục tiêu của Trung Quốc muốn tạo ra "chuyện đã rồi" (fait accompli) ở Biển Đông, Mỹ và đồng minh phải ngăn chặn Trung Quốc ngay từ đầu. Đã đến lúc các nước ASEAN phải đoàn kết như một bó đũa và thông qua các cơ chế an ninh khu vực để tham gia tuần tra hàng hải chung, trong khuôn khổ ASEAN+3, ADMM+ hoặc là "Bộ Tứ cộng" (Quad plus) đã hình thành.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nhấn mạnh "Hợp tác và Đấu tranh", trong đó đề cập đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy Sách trắng vẫn duy trì chính sách "Ba Không" nhưng được điều chỉnh thành "Bốn Không" (hay "Ba không Một nếu"), để ngỏ khả năng hợp tác chiến lược với Mỹ, "nếu có chiến sự". Nói cách khác, Sách trắng đã vạch ra "làn ranh đỏ" (Red line) và gửi đi một thông điệp rõ ràng là Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của mình nếu bị đe dọa.
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Viet-studies, 16/07/2020
Mỹ nói hành động của Trung Quốc trên Biển Đông 'hoàn toàn bất hợp pháp'
BBC, 15/07/2020
Các tuyên bố của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông "hoàn toàn bất hợp pháp", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố sáng 14/7.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông
Ông Pompeo nói rằng ông muốn nêu rõ rằng "chiến dịch bắt nạt để kiểm soát" vùng biển tranh chấp của Bắc Kinh là sai trái.
Trung Quốc cho rằng Mỹ "cố tình xuyên tạc sự thật và luật pháp quốc tế".
Trung Quốc đã và đang xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo tại vùng nước mà các nước khác là Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền.
Các quốc gia đã tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ, nhưng căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một khu vực được gọi là "đường chín đoạn" và củng cố yêu sách của mình bằng việc xây dựng các đảo và thực hiện các hoạt động tuần tra, mở rộng sự hiện diện quân sự ở đó.
Hoa Kỳ bác bỏ gần hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong tuyên bố được đưa ra sáng 14/7, Hoa Kỳ khẳng định:
"Hoa Kỳ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", và tuyên bố : "Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp".
Hoa Kỳ cũng cho rằng mong muốn giữ "hòa bình và ổn định, tự do trên biển theo luật pháp quốc tế" vì "lợi ích chung" "đã gặp phải sự đe dọa chưa từng thấy từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
"Bắc Kinh sử dụng sự hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, bắt nạt họ trong vấn đề tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng "chân lý thuộc về kẻ mạnh". Phương pháp tiếp cận này của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ trong nhiều năm. Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khi đó là ông Dương Khiết Trì đã tuyên bố với những người đồng cấp ASEAN rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ và đó là sự thật".
"Thế kỷ 21 không có chỗ cho thế giới quan đầy dã tâm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".
"Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách "đường lưỡi bò" ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố vào năm 2009. Trong một phán quyết được đồng thuận ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một thành viên - đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Tòa Trọng tài đứng về phía Philippines, bên đưa vụ việc lên Tòa Trọng tài, trong hầu hết các yêu sách của nước này".
Thông cáo của Hoa Kỳ cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và cho rằng đây là "phán quyết cuối cùng" và "mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên".
Theo đó, Hoa Kỳ nêu rõ lập trường của mình về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông với phán quyết của Tòa Trọng tài trong ba điểm sau :
- Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải - bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ Bãi Scarborough và Quần đảo Trường Sa. Hành động quấy rối của Bắc Kinh đối với các hoạt động đánh bắt cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên này, là bất hợp pháp. Theo phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, và Bắc Kinh cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.
- Do Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa (mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó). Bao gồm: vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này - hay đơn phương thực hiện các hành động đó - đều là bất hợp pháp.
- Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với (hay bắt nguồn từ) Bãi ngầm James, một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được nhắc đến trong hoạt động tuyên truyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc". Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: một cấu trúc dưới nước như Bãi ngầm James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Bãi ngầm James (nằm cách mặt nước khoảng 20 mét) không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.
Tại sao Biển Đông gây tranh cãi ?
Mặc dù phần lớn không có người ở, hai chuỗi đảo trên Biển Đông có thể có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn.
Khu vực này cũng là một tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng và là một ngư trường lớn.
Hôm 14/7, ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ, trước đây từng nói rằng Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, đã bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển ngoài khơi Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
"Bất kỳ hành động nào của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm quấy rối các hoạt động thăm dò, khai thác khí cũng như hoạt động đánh bắt cá của các quốc gia khác trong các vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là bất hợp pháp", ông nói.
"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình".
Trung Quốc phản ứng như thế nào ?
Trong một tuyên bố được đăng trên Twitter, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ "cố tình xuyên tạc sự thật và luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".
Tuyên bố của Trung Quốc cũng nói "Mỹ phóng đại tình hình trong khu vực và cố gắng gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
"Lời cáo buộc là hoàn toàn phi lý. Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối".
Rủi ro đáng kể với những hòn đảo dường như không đáng kể
Zhaoyin Feng, BBC Tiếng Trung, Washington DC
Trước đây, Mỹ không đứng về phía nào giữa các nước đang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bốn năm sau khi một tòa án quốc tế ở The Hague phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc tại khu vực này là không có cơ sở pháp lý, lần đầu tiên Mỹ đã chính thức làm rõ lập trường của mình. Nhưng tại sao lại là bây giờ ?
Tuần trước, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân trong khu vực cùng một lúc - một hiện tượng hiếm gặp cho thấy căng thẳng đang gia tăng.
Trong bối cảnh rộng lớn hơn, chính quyền Trump đã cam kết đảo ngược những gì họ nói là 40 năm thất bại chính sách liên quan đến Trung Quốc. Washington gần đây đã chỉ trích Bắc Kinh về các vấn đề từ việc xử lý đại dịch virus corona, đến vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương và cách họ xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Nhưng chính các dự án bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến phần còn lại của thế giới đánh giá lại tham vọng quốc tế của Bắc Kinh.
Và nguy cơ trong khu vực này là vô cùng cao. Tại các chuỗi đảo và rạn san hô dường như không có gì đáng chú ý này, ngày càng có nhiều nguy cơ xung đột quân sự giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ sát cánh "với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi", và rằng quan điểm này "phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế".
Điều gì đằng sau tranh chấp Biển Đông ?
Biển Đông, nơi có các tuyến hàng hải quan trọng, trong những năm gần đây đã trở thành một điểm nóng cho căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia khác có cùng tuyên bố chủ quyền đối với hai chuỗi đảo là Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nói rằng quyền của họ có từ hàng thế kỷ trước. Khu vực này rất nhiều cá và được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào.
Hoa Kỳ từ lâu đã chỉ trích những gì họ nói là việc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông. Hoa Kỳ cũng thường xuyên được cho là chọc giận Bắc Kinh với các chuyến đưa tàu chiến đến vùng biển này thực hiện "tự do hàng hải".
Vào tháng 8/2018, một nhóm phóng viên BBC đã bay qua các đảo ở Biển Đông đang tranh chấp trên một chiếc máy bay của quân đội Hoa Kỳ. Sau đó, các phi công đã được cảnh báo rời khỏi khu vực này"ngay lập tức" để "tránh mọi hiểu lầm".
Nhiều tháng trước đó, Trung Quốc đã đưa máy bay ném bom bay qua vùng lãnh thổ đang tranh chấp để tham gia các cuộc tập trận trên các đảo và rạn san hô.
Trung Quốc trước đây đã cáo buộc Hải quân Hoa Kỳ khiêu khích và can thiệp vào các vấn đề khu vực.
Nguồn : BBC, 15/07/2020
***********************
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ bác bỏ yêu sách ‘phi pháp’ của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông
VOA, 15/07/2020
Một ngày sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ngoài khơi Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell khẳng định thêm lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách "phi pháp" và hành động "đe doạ" của Trung Quốc đối với Việt Nam ở Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, nhấn mạnh thêm về chính sách mới của Mỹ ở Biển Đông, trong đó cáo buộc các hành động của Trung Quốc ở khu vực quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam là "phi pháp".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 ra một tuyên bố, được xem là mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước đến nay, trong đó nói "Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó".
Ông Stilwell, trợ lý ngoại trưởng đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 14/7 nhấn mạnh lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về việc Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải bên ngoài phạm vi 12 hải lý của nước này vì Bắc Kinh đã "không đưa ra một tuyên bố hàng hải hợp pháp, mạch lạch" ở Biển Đông.
"Điều này có nghĩa là Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia), hay vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Brunei", ông Stilwell nói tại cuộc hội thảo hàng năm về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS được tổ chức trực tuyến từ Washington DC hôm 14/7.
Trong bài phát biểu của mình, ông Stilwell cho rằng Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác và không cho họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi, mà nhà ngoại giao Mỹ nói là "thuộc về các quốc gia đó chứ không thuộc về Trung Quốc".
"Bắc Kinh muốn sự thống trị cho chính bản thân mình", ông Stilwell nói. "Họ muốn thay thế luật pháp quốc tế bằng sự cai trị với những sự đe doạ và ép buộc".
Ông Stilwell nhắc tới việc "Bắc Kinh đã đâm chìm các tàu cá Việt Nam" trong những tháng gần đây, và việc Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) "dùng dàn khoan HD-981 khổng lồ của họ để tìm cách đe doạ Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa năm 2014".
Bộ Ngoại giao cùng Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 4 chỉ đích danh tài hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc khi đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tháng 5/2014.
"Các tàu thăm dò thương mại cùng các dàn khoan khác của Trung Quốc liên tiếp được đưa vào vùng lãnh hải Đông Nam Á trong đó Trung Quốc không có bất kỳ một quyền nào", ông Stilwell nói và cho rằng các đội tàu đánh các của Trung Quốc trên Biển Đông thường hoạt động như một lực lượng dân quân biển dưới sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, nhằm "quấy rối và đe doạ các nước khác" và coi đó là "một công cụ cưỡng bức bạo lực của nhà nước" Trung Quốc.
Vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ còn cáo buộc "Bắc Kinh ép các quốc gia khác chấp nhận ‘cùng khai thác’ với các công ty nhà nước Trung Quốc, và nói rằng ‘nếu anh muốn khai thác những nguồn tài nguyên đó ngoài khơi vùng biển của anh, thì anh chỉ có một lựa chọn duy nhất là cùng làm với chúng tôi’. "Đó là những thủ thuật của kẻ cướp", ông Stilwell nói.
Năm 2010, ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó, Dương Khiết Trì, nói với những người đồng cấp của ông từ các quốc gia Đông Nam Á rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ và đó là một thực tế".
Năm ngoái, tàu thăm dò địa chấn 8 của Trung Quốc nhiều lần ra vào Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước sự phản đối của Hà Nội khi cho rằng Bắc Kinh vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Nhiều nhà quan sát quốc tế lúc đó nói rằng động thái này của Bắc Kinh nhằm ngăn cản việc hợp tác của Việt Nam với nước ngoài trong việc khai thác dầu khí trên Biển Đông. Trước đó, tập đoàn dầu khí PetroVietnam đã phải ngừng hoạt động thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trước sức ép của Trung Quốc.
"Mỹ ủng hộ các quốc gia đứng lên vì các quyền chủ quyền và quyền lợi của họ và kháng cự lại áp lực phải chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà Trung Quốc ép họ phải chia sẻ nguồn tài nguyên ngoài khơi mà (Trung Quốc) không có bất cứ một tuyên bố chủ quyền nào", ông Stilwell nói tại cuộc hội thảo của CSIS.
Nguồn : VOA, 15/07/2020
******************
Khu trục hạm USS Ralph Johnson hoạt động tại Trường Sa
RFA, 15/07/2020
Ngày 14/7, tại khu vực Biển Đông, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của Hải quân Hoa Kỳ tiến hành hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Khu trục hạm USS Ralph Johnson của Hải quân Hoa Kỳ - Wikimedia Commons
Bộ phận Quan hệ Công chúng của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ cho biết như vừa nêu. Theo đó chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) nhằm bảo đảm quyền tự do sử dụng vùng biển theo luật pháp quốc tế trước những hạn chế thách thức hoạt động đi qua vô hại do những áp đặt bởi Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Phía Hoa Kỳ cho rằng những tuyên bố phi pháp tại Biển Đông đe dọa quyền tự do trên biển, trong đó có các quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do giao thương không bị gián đoạn, và quyền tự do về các cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông.
Hoa Kỳ thách thức những tuyên bố chủ quyền quá đáng khắp nơi trên thế giới bất chấp đó là của nước nào. Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu nay là duy trì quyền tự do trên biển. Đây là quyền vô cùng quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng cho toàn cầu.
Tin từ Hạm đội Thái Bình Dương còn nêu rõ các lực lượng của Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông trên cơ sở hằng ngày như đã từng diễn ra suốt hơn một thế kỷ qua.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch bố trí hải quân tiến công nhằm hỗ trợ cho quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ tại khu vực hoạt động Ấn Độ- Thái Bình Dương. Hạm đội 7 có số lượng tàu lớn nhất của Hải quân Mỹ, tương tác với 35 quốc gia biển khác để thiết lập quan hệ đối tác nhằm giữ vững an ninh hàng hải, tăng cường ổn định và ngăn ngừa xung đột.
Nguồn : RFA, 15/07/2020
********************
Chuyên gia : Mỹ sẽ cứng rắn hơn sau khi bác yêu sách Biển Đông của Trung Quốc
VOA, 14/07/2020
Đưa ra lập trường rõ ràng và mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước tới nay về Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai 13/7 bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tuyến tàu biển quan trọng đi qua.
Một tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông hồi tháng 5/2020
Hai chuyên gia nhận định với VOA rằng lập trường do ông Pompeo công bố cho thấy Washington gia tăng sức ép trong cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và bước đi này dọn đường cho Mỹ hành động cứng rắn hơn ở Biển Đông.
Như VOA đã đưa tin, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nói rõ "Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó".
Trong một đoạn của tuyên bố đề cập đến Việt Nam, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói : "Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei, và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia)".
Nhà ngoại giao hàng đầu của siêu cường số 1 thế giới lưu ý với Trung Quốc rằng "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như thể đó là đế chế hàng hải của họ", và ông cảnh báo là "Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Châu Á của mình trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ đối với các tài nguyên biển".
Hai nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Việt Nam và Lê Hồng Hiệp ở Singagore bình luận với VOA rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà trong đó Biển Đông là một phần quan trọng.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gặp Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở Mỹ, tháng 5/2019
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về luật biển, giải thích rằng trước đây Washington chỉ tập trung tuyên bố về tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển Đông, khiến các nước nhỏ hơn có tranh chấp với Trung Quốc cảm thấy Mỹ "không mặn mà", trong khi Bắc Kinh liên tục lấn tới, chèn ép các nước trong khu vực. Điều đó làm cho Mỹ nhận thấy cần phải đưa ra lập trường cụ thể hơn. Ông Việt nói :
"Chính vì vậy, nó dẫn tới việc Hoa Kỳ cần phải có tiếng nói mạnh mẽ, rõ ràng và dứt khoát, một thái độ cũng như thông điệp để chuyển tải tới Trung Quốc và các quốc gia ASEAN về quyết tâm và tính chính đáng của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế như vậy".
Tuyên bố mới nhất của Mỹ gắn với bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng, trong đó, Biển Đông được xem là "chiến trường" của sự cạnh tranh giữa hai nước, mà ở đó, Mỹ nhận thấy phải gia tăng sức ép để đẩy lùi các bước đi của Trung Quốc, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak. Ông nói thêm :
"Chúng ta có thể thấy tuyên bố của ông Pompeo là bước đi tiếp theo, cụ thể hóa chiến lược của Mỹ. Đó là khẳng định tuyên bố của Trung Quốc là phi pháp, không có giá trị, qua đó xác lập hình ảnh Trung Quốc là quốc gia hành động phi pháp trên Biển Đông, qua đó có thể làm suy giảm vị thế, ảnh hưởng của Trung Quốc, và nâng cao vị thế của Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác trong khu vực".
Xu thế đối đầu hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông sau tuyên bố hôm 13/7 là điều "hoàn toàn có thể", vẫn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với VOA.
Lưu ý đến một loạt hành động cứng rắn hơn gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc trên thực địa ở vùng biển, bao gồm tập trận và điều tàu chiến hiện diện gần tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc, ông Hiệp nhận định :
"Với tuyên bố vừa rồi của ông Pompeo, có thể Mỹ đã chuẩn bị về mặt dư luận, về mặt diễn ngôn để có những bước đi mạnh mẽ hơn, xác quyết hơn đối với Trung Quốc. Chúng ta hãy chờ xem những bước đi cụ thể là gì nhưng xu hướng chung là đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về mặt dư luận, về mặt diễn ngôn cũng như trên thực địa sẽ càng ngày càng gia tăng trong thời gian tới".
Thạc sĩ-luật sư Hoàng Việt cũng tiên liệu rằng với VOA rằng tới đây Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không đến mức xảy ra xung đột quân sự :
"Hoa Kỳ thấy bên cạnh những phát ngôn của mình cần có những hành động cụ thể. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn, tuy nhiên việc sử dụng các biện pháp quân sự thì tôi nghĩ có lẽ là chưa, vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều biết một ranh giới ở đây khi mà cả hai quốc gia đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự. Bởi vì xảy xung đột ở Biển Đông sẽ dẫn tới hậu quả có thể coi như Chiến tranh Thế giới lần thứ 3".
Hai đội tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, 6/7/2020
Vẫn ông Việt, người cũng là thành viên một ban nghiên cứu luật biển, hải đảo ở Việt Nam, tin rằng hành động mạnh mẽ hơn của Mỹ trong thời gian tới sẽ góp phần ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, cũng như khích lệ các quốc gia bị Bắc Kinh xem là "nhỏ hơn" đang tranh chấp với Trung Quốc để họ "đứng lên, bảo vệ lẽ phải".
Liên hệ đến Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Việt bình luận :
"Trong thời điểm này, sau tuyên bố của ông Pompeo, điều đó khuyến khích Việt Nam cần có những hành động chiến lược mạnh mẽ hơn. Nói cho cùng, đấy là những lợi thế nếu Việt Nam biết tận dụng thì sẽ có tác dụng nhất định. Việt Nam có tận dụng được hay không, đó là vấn đề chúng ta phải chờ tiếp".
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp hiện làm việc ở Singapore chia sẻ quan điểm là mặc dù tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ nhắm đến phục vụ lợi ích của chính siêu cường này, song nó cũng "tốt" cho lợi ích và mong muốn của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hiệp cho rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ không công khai ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo. Ông Hiệp giải thích :
"Việt Nam lâu nay đã phản đối các tuyên bố, các yêu sách của Trung Quốc. Bây giờ, tuyên bố của ông Pompeo là điều tốt cho Việt Nam. Nhưng ở đây, tuyên bố của ông Pompeo nhắm vào Trung Quốc và đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì vậy, nếu Việt Nam tuyên bố một cách rõ ràng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo thì sẽ bị diễn dịch là đang chọn phe trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho nên, theo tôi, sự lựa chọn của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực là im lặng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo, ủng hộ một cách gián tiếp".
Tuyên bố 13/7 về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đánh dấu việc Washington rời khỏi chính sách trước đây là không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông.
Mỹ không đòi chủ quyền về vùng biển này và lâu nay thường kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế.
Nguồn : VOA, 15/07/2020
********************
Hoa Kỳ sẽ cân nhắc việc cấm vận các công ty Trung Quốc tham gia nạo vét và khai thác bất hợp pháp ở Biển Đông
RFA, 14/07/2020
Hoa Kỳ có thể sẽ cân nhắc việc cấm vận một số các công ty nhà nước của Trung Quốc đã tham gia nạo vét, xây lấp các đảo nhân tạo và khai thác dầu khí bất hợp pháp ở Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - David Stilwell phát biểu như vậy tại hội thảo thường niên về Biển Đông được tổ chức ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC hôm 14/7.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương David Stilwell (trái) đến dực cuộc họp với Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha ở Seoul hôm 17/7/2019 - AFP
Ông Stilwell nói : "Bắc Kinh đã sử dụng các công ty nhà nước như là các công cụ xâm lấn về kinh tế và lộng hành quốc tế".
"Các công ty (nhà nước) này được sử dụng để thực hiện các việc nạo vét, xây dựng, quân sự hóa các căn cứ trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, từ đó Bắc Kinh hiện đang vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á", ông David Stilwell nói tiếp.
Các công ty nhà nước của Trung Quốc được ông Stilwell nêu tên cụ thể bao gồm Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC). CCC là công ty chịu trách nhiệm chính trong việc nạo vét và xây lấp các đảo nhân tạo cho Trung Quốc ở Biển Đông. CNOOC đã triển khai các giàn khoan dầu khí ở Biển Đông mà điển hình là giàn khoan HD 981 ở gần quần đảo Hoàng Sa hồi năm 2014.
Theo thống kê của trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải thuộc CSIS, hiện Trung Quốc đã xây 20 tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa và 7 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra Trung Quốc hiện đang kiểm soát bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh lấy từ Philippines vào năm 2012.
Kể từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét, xây lấp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, tạo 3.200 acres đất cùng với việc mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình tại quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Hình của Bộ Quốc phòng Philippines cung cấp hôm 10/11/1998 cho thấy một cơ sở Trung Quốc xây trên Mischief Reef AFP
Trong các năm gần đây, Trung Quốc cũng liên tục đưa giàn khoan dầu, tàu hải cảnh, và tàu khảo sát vào vùng biển của các nước láng giềng. Điển hình là vụ đưa giàn khoan HD981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa vào năm 2014. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc cũng liên tục điều tàu hải cảnh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam. Trong các tuần qua, Trung Quốc lại tiếp tục điều tàu hải cảnh vào khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, cản trở việc khai thác dầu khí ở lô 06.1 của Việt Nam.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng trong đó có Việt Nam trong các hoạt động thăm dò dầu khí.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Stilwell nói : "Các nguồn tài nguyên này là quyền lợi của các quốc gia Đông Nam Á, là nguồn sống của các cộng đồng vên biển, cuộc sống của hàng triệu công dân các nước này. Đó là những thừa kế của con em của mỗi quốc gia và hành động của Bắc Kinh đang tấn công vào người dân khu vực Đông Nam từ đời này qua đời khác".
Phát biểu mới của giới chức Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ngay sau tuyên bố hôm 13/7 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, bác bỏ các yêu sách đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế hồi năm 2016, bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc đang muốn trở thành một đế quốc trên biển với các hành động lấn lướt của mình ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 14/7 đã lên tiếng phản bác tuyên bố của Mỹ và cáo buộc Hoa Kỳ chính là nước đang gây bất ổn trong khu vực, chia rẽ Trung Quốc với các nước ASEAN bằng cách điều các tàu chiến vào Biển Đông.
Nguồn : RFA, 14/07/2020
*********************
Biển Đông : Mỹ có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc
RFI, 15/07/2020
Một quan chức cao cấp Mỹ hôm 4/7/2020, cho biết Hoa Kỳ có thể sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cách hành xử phi pháp tại Biển Đông. Cũng hôm 4/7, một khu trục hạm Mỹ đã tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa.
Khu trục hạm Mỹ USS Decatur trong một đợt tuần tra trên Biển Đông. Ảnh tư liệu do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 13/10/2016. AP - PO2 Diana Quinlan
Theo kênh truyền hình Mỹ CNBC, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, đã tuyên bố như trên trong cuộc hội thảo thường niên về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). Ông nhận định Bắc Kinh ngày càng tăng cường yêu sách và cưỡng bức bất kỳ ở đâu.
Theo ông Stilwell, bản chất Trung Quốc không thể chấp nhận một thế giới đa phương với các quyền tự do căn bản và sự chọn lựa của lương tâm. Quan chức Mỹ nhấn mạnh "việc Hoa Kỳ can dự vào khu vực chỉ đơn giản nhằm thực thi pháp luật hiện hành, và lẽ ra việc này đã phải được làm từ lâu".
Tuyên bố trên đây được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mike Pompeo công bố lập trường chính thức của Hoa Kỳ, khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là "bất hợp pháp". Ông Pompeo tố cáo "chiến dịch bắt nạt kiểu găng-tơ" của Trung Quốc, cho biết Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực, nhấn mạnh "thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của mình".
Sau tuyên bố quan trọng này, Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục thách thức Trung Quốc, loan báo khu trục hạm USS Ralph Johnson đang tuần tra ở quần đảo Trường Sa, do "các yêu sách chủ quyền biển bất hợp pháp và quá đáng là mối đe dọa nghiêm trọng cho tự do hàng hải".
Các chuyên gia nhận định đây là bước ngoặt lớn trong chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông, vì nếu trước đây Washington chỉ trích Bắc Kinh về cung cách hành xử, thì nay đã bác bỏ hẳn các yêu sách của Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Tuy nhiên đến nay Việt Nam cũng như các nước ASEAN vẫn giữ thái độ thận trọng.
Cựu ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario hôm qua cổ vũ công dân các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei cùng kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về các hành động hủy hoại môi trường ở Biển Đông.
Thụy My
Nguồn : RFI, 15/07/2020
An Hải, VOA, 15/07/2020
Chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố mạnh hơn về chính sách Biển Đông, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của Hải quân Mỹ đã hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Những động thái này có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh khu vực mà Việt Nam là một phần của tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ?
Hôm 13/7, Ngoại trưởng Pompeo bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng "những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp", và ông lên án điều ông gọi là "chiến dịch hiếp đáp để kiểm soát các khu vực này".
Tiếp theo sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, hôm 14/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phát biểu trực tuyến tại một hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) tổ chức rằng Hoa Kỳ phản đối "chiến thuật kiểu xã hội đen" (gangster tactics) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài ra, cũng tại cuộc hội thảo này, ông Stilwell còn ngỏ ý rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc vì những hành động gây hấn của họ trên Biển Đông, theo đài CNBC. Ông nói : "Chúng tôi không loại trừ bất cứ biện pháp nào... vẫn còn rộng chỗ cho cấm vận".
Cũng hôm 14/7, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson (DDG 114) của Hải quân Hoa Kỳ hoạt động ở quần đảo Trường Sa trong sứ mệnh "tuần tra tự do hàng hải", theo Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. "Các lực lượng của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông hàng ngày, như những gì chúng tôi đã thực hiện trong hơn một thế kỷ qua", tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương nói.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, một chuyên gia về Biển Đông ở Đại học University of California Irvine, nêu nhận định với VOA rằng tuyên bố mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ được xem là một "điểm tựa" để Việt Nam có thể đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn về chủ quyền ở Biển Đông.
"Ở góc nhìn của tôi thì đây là một thời cơ, một điểm tựa rất lớn để chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ chủ quyền, lẽ phải. Tuyên bố này là một tín hiệu đáng mừng, nhưng phải chờ xem những diễn biến tiếp theo.
"Việt Nam đến thời điểm này cần nên mạnh mẽ và nên có những quyết sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam".
Cũng từ California, Giáo sư Lê Minh Nguyên, một chuyên gia về Trung Quốc và an ninh khu vực, nên nhận định với VOA :
"Điểm mạnh của tuyên bố này là Mỹ đứng cùng với các quốc gia Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền tài nguyên biển.
"Đúng là Hoa Kỳ có đi xa hơn so với trước đây về việc ra tuyên bố".
"Tôi nghĩ tuyên bố này không thôi thì chưa đủ, cần phải có nhiều hơn các hành động tại thực địa", Giáo sư Lê Minh Nguyên nói.
Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông của CSIS, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói tuyên bố cho rằng hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp đã mở đường cho một phản ứng cứng rắn hơn từ Hoa Kỳ, như thông qua lệnh trừng phạt, có thể dẫn đến các hoạt động để khẳng định sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ.
Ông Poling nói trong bản tin của CSIS hôm 14/7 : "Tuyên bố của ông Pompeo không làm thay đổi tính trung lập của Hoa Kỳ đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Washington vẫn không có ý định can thiệp vào việc tranh chấp mang tính lịch sử của các quốc gia đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa".
Chuyên gia CSIS nhận định rằng các chính quyền trước đây của Hoa Kỳ cũng gần như cho rằng các hành động của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và trong thềm lục địa của các nước láng giềng là bất hợp pháp nhưng chưa tuyên bố mạnh mẽ và chính thức như chính quyền của Tổng thống Trump vừa tuyên bố hôm 13/7.
Trong ngắn hạn, tuyên bố của Hoa Kỳ sẽ gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng nó có "tác động tức thì" trên mặt trận ngoại giao trong việc vận động quốc tế để phản đối các hành động "bất hợp pháp" của một quốc gia, ông Poling phân tích.
Ông nói thêm rằng với lời lẽ mạnh mẽ hơn trước, tuyên bố mới nhất của Hoa Kỳ cũng có thể khuyến khích và mở đường các bên tranh chấp Biển Đông, đặc biệt như Việt Nam và Philippines, có thể đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn cho riêng mình để đáp trả Trung Quốc.
An Hải
Nguồn : VOA tiếng Việt, 15/07/2020
********************
Việt Nam được gì khi Mỹ mạnh tay với Trung Quốc về Biển Đông ?
Diễm Thi, RFA, 15/07/2020
Có lợi cho Việt Nam
Hôm 13/07/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (phải) bắt tay với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC vào ngày 22/05/2019. AFP
Theo Washington, tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.
Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Ngày 15/07/2020, Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường của Washington đối với Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng ‘hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế… Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này’.
Nhà quan sát chính trị, nhà báo Nguyễn An Dân, đánh giá tác động đến Việt Nam qua động thái mới nhất của Mỹ :
"Việt Nam được lợi vì tin chắc rằng lần này Mỹ kiên quyết hành động chứ không phải là những tuyên bố chung chung như trước đây. Trước đây khi Mỹ chưa sẵn sàng để xử lý Trung Quốc. Đa số các phát biểu của chính giới Mỹ chỉ là ủng hộ bằng lời nói chứ chưa đi vào thực tế. Bây giờ nó đi vào thực tế.
Một khi Mỹ đi vào hành động thực tế ở Biển Đông thì tất cả các nước nhỏ ở khu vực Biển Đông sẽ có lợi. Kể cả những nước nằm ngoài Biển Đông cũng sẽ có lợi khi họ trở thành đồng minh của Mỹ trong việc làm Trung Quốc suy yếu".
Liên tiếp những năm qua, Trung Quốc nhiều lần có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Trung Quốc chẳng những phớt lờ những yêu cầu ngoại giao của Việt Nam mà còn đưa tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu hải giám vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung tá quân đội Đinh Đức Long hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường ở Biển Đông và cho đây là một cái lợi cho Việt Nam trong tình hình hiện nay :
"Tôi hoan nghênh tuyên bố đó vì đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm chính thức khác với trước kia. Có tính bước ngoặc. Trước kia quan điểm của Mỹ là không đứng về bên nào trong các nước tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Lần này Mỹ đích danh lên án Trung Quốc và đứng về phía các nước ven biển Đông Nam Á mà chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc đe dọa.
Lần đầu tiên Mỹ thể hiện việc chống lại lập trường của Trung Quốc trong việc đòi đến 90% diện tích Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ủng hộ tuyên bố này nhưng tôi chưa thấy Mỹ công nhận Hoàng Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chỉ cần Mỹ tuyên bố đúng theo công ước là có lợi cho Việt Nam rồi vì Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Tiếng nói của Mỹ rất có giá trị trong trường hợp này".
Việt Nam có thay đổi lập trường ?
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 18/6/2014. AFP
Hồi tháng 4 năm nay, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc loan tin chính phủ nước này đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa - cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 7/5/2020, tác giả David Hutt có bài viết trên Asia Times tựa đề "Vietnam may soon sue China on South China Sea", tạm dịch "Việt Nam có thể sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông". Theo đó, Hà Nội được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Bắc kinh. Đây có thể là phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ngày càng đe dọa và quấy rối trên tuyến đường hàng hải tranh chấp.
Hơn một tháng sau, ngày 12/6, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc có bài viết cho chương trình ‘Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải’. Trong bài viết này, ông Tồn đe dọa rằng, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì ‘sẽ phải trả giá đắt’ cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
Với những hành động bị cho là ‘ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam và phản ứng của Hoa Kỳ về Biển Đông, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của mình :
"Có lẽ đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện chính kiến của mình trên thực tế. Về mặt ngoại giao, tôi nghĩ Việt Nam cẩn thận và không ngoan trong lĩnh vực này. Họ có thể không công khai hồ hởi ra mặt nhưng có lẽ bằng hành động, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện các tuyên bố về ứng xử Biển Đông".
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung biên giới trên bộ và trên biển, có quá trình tương tác về văn hóa lịch sử cũng như các cuộc chiến tranh từ hàng ngàn năm.
Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói mối quan hệ với Trung Quốc là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".
Nhà quan sát Nguyễn An Dân đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ Hà Nội trong thời điểm hiện nay :
"Đến bây giờ tôi cho là nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hiểu rằng không thể giữ hòa khí đối với Trung Quốc, trừ khi Việt Nam chịu mất biển của mình. Nhưng mất biển rồi thì hòa khí cũng chỉ là tạm thời, bởi khi Việt Nam mất biển thì bước tiếp theo là Trung Quốc muốn Việt Nam trở thành vùng phên dậu của họ trên đất liền. Tôi nghĩ đảng cộng sản Việt Nam hiểu điều đó.
Việt Nam sẽ biểu lộ sự ngả về Mỹ rõ hơn tại họ cũng biết sự kiên nhẫn của Mỹ, đặc biệt cá nhân Tổng thống Trump, có sự giới hạn. Mỹ đã tỏ thiện chí hết mức rồi".
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.
Về phía Trung Quốc, chính quyền của ông Tập Cận Bình chưa bao giờ công nhận phán quyết này. Bắc Kinh gọi phán quyết này là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Vào ngày 13/07/2020, Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa nhắc lại, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cùng các quyền về hàng hải và lợi ích khác trên Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết. Trung Quốc kiên quyết phản đối và nói sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách hoặc hành động dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế được ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại trong tuyên bố lập trường về Biển Đông ngày 13/7 vừa qua, theo đó Washington cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là chung cuộc và có tính ràng buộc.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 15/07/2020
******************
Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông : ‘Chưa từng có, nhưng cần thêm hành động cụ thể’
BBC, 14/07/2020
Dư luận Việt Nam đang hết sức quan tâm diễn biến ngày 13/7 khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ra tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết khu vực Biển Đông.
Nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa
Tuyên bố dài của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói : "Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng giống như chiến dịch hăm dọa của họ nhằm kiểm soát tài nguyên".
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngay sau khi đọc tuyên bố của ông Mike Pompeo, chuyên gia Biển Đông, bà Ketian Vivian Zhang, cho biết suy nghĩ.
"Tuyên bố lần này là mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ từ trước tới nay".
"Các chính phủ trước đây thường có lập trường trung lập về các vấn đề chủ quyền, và tập trung vào các hành động đe dọa của Trung Quốc, và tự do đi lại cho Hoa Kỳ".
Bà Ketian Vivian Zhang nhận bằng tiến sĩ về Chính trị học tại trường MIT năm 2018.
Năm 2016, bà có thời gian là học giả thăm viếng (visiting scholar) tại Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc (China National Institute of South China Sea Studies).
Hiện bà làm việc tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ trong tư cách trợ lý giáo sư (assistant professor).
Ngư dân Việt Nam, ảnh minh họa
Trả lời BBC News tiếng Việt, bà Ketian Vivian Zhang nhận định :
"Tuy nhiên, tuyên bố của Hoa Kỳ vẫn mơ hồ khi xét về cam kết hành động.
"Ngoại trưởng Mỹ có ý gì khi ông nói Hoa Kỳ 'đứng cùng với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á' ? Điều này vẫn mơ hồ vì nó có thể bao hàm ủng hộ bằng lời nói, cho tới trợ giúp thật về quân sự (nhưng cái này cũng có thể gồm nhiều hình thức và mức độ khác nhau.)"
"Vì thế, chắc chắn đây là tuyên bố mạnh mẽ nhưng không chắc nó sẽ có thể kiềm chế hành vi của Trung Quốc tới đâu".
Bà Ketian Vivian Zhang cho rằng Trung Quốc sẽ càng tăng cường hướng tới dùng các biện pháp pháp lý để biện minh cho chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời duy trì sự đe dọa.
"Còn về phản ứng của các nước Đông Nam Á, tôi đoán họ có thể một phần vững tin về cam kết của Mỹ".
"Nhưng nếu không có hành động cụ thể, Hoa Kỳ còn phải làm nhiều hơn để chứng tỏ cam kết với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á".
Tuyên bố của Hoa Kỳ ngày 13/7 nói : "Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei, và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia)".
Ngoại trưởng Mỹ nói : "Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Châu Á của mình trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ đối với các tài nguyên biển".
**********************
Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Mỹ về lập trường ở Biển Đông
RFA, 15/07/2020
Việt Nam vào ngày 15/7 lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ hôm 13/7 về lập trường của Washington đối với Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại một họp báo ở Hà Nội hôm 25/7/2019 - Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được truyền thông dẫn lời rằng :
"Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên Biển Đông và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này".
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo vào ngày 13/7 ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Theo đó, Hoa Kỳ cổ xúy cho một vùng Ấn độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hiện nay Washington đang củng cố chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực quan yếu và đang gây ra những tranh cãi là Biển Đông. Washington xác định rằng tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, chiến dịch bắt nạt của Bắc Kinh nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.
Chính sách mới về Biển Đông của Mỹ có ý nghĩa thế nào ?
Gregory B.Poling, Thụy My, RFI, 16/07/2020
Chuyên gia Greg Poling : "Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc giở trò với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp, khiến Trung Quốc mang tai tiếng nhiều hơn trên trường quốc tế".
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Nimitz được tiếp liệu trên Biển Đông ngày 07/07/2020. © U.S. Navy/Christopher Bosch/Handout via Reuters
Ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo một thay đổi quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông. Hôm sau, trợ lý ngoại trưởng David Stilwell trong cuộc hội thảo thường niên về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã làm rõ thêm vấn đề.
RFI Việt ngữ lược dịch bài viết của chuyên gia Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C.
------------------------
Thông cáo báo chí của ông Pompeo nêu cụ thể các yêu sách trên biển của Trung Quốc mà Hoa Kỳ coi là bất hợp pháp. Tuyên bố này nói rất rõ quan điểm của Mỹ, nhưng không hẳn là trái ngược với chính sách trong quá khứ.
Bản tuyên cáo lập trường này giải thích những hành động của các chính quyền trước, và mở ra con đường cho các thông điệp ngoại giao hiệu quả hơn, đáp trả mạnh mẽ hơn những hành động quấy nhiễu láng giềng của Trung Quốc. Các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực dường như đã được báo trước, chẳng hạn bộ trưởng Quốc Phòng Philippines sẵn sàng có tuyên bố tích cực trong vài giờ. Và chính sách mới đã tạo ra những phấn khích, thường là cường điệu trên báo chí và mạng xã hội.
1. Quan điểm mới của Hoa Kỳ như thế nào ?
Tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo không thay đổi tính khách quan của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Washington vẫn không có lợi ích gì khi dính vào tình hình lịch sử phức tạp, nước nào có chủ quyền trên đảo nào ở Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên từ nay Mỹ có quan điểm rạch ròi về các tranh chấp chủ quyền vùng biển và đáy biển.
Câu mở đầu viết : "Chúng tôi xin nói rõ : các yêu sách của Bắc Kinh về nguồn lợi ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch quấy nhiễu nhằm kiểm soát biển". Phần còn lại của tuyên bố giải thích ý nghĩa cụ thể.
Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ hơn nội dung phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài được triệu tập trên tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tòa án này đã trao phần thắng cho Manila trong vụ kiện Bắc Kinh. Tòa nhận định rằng Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để đòi "quyền lịch sử", hay những yêu sách khác ngoài những gì UNCLOS cho phép.
Phán quyết này vô hiệu hóa cái gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" để yêu sách chủ quyền biển. Tòa án cũng quyết định không một đảo nào ở Trường Sa hay bãi cạn Scarborough có được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bao quanh, hay thềm lục địa. Đó là những "Đá" không thể có người ở hay có đời sống kinh tế độc lập, và như vậy, chỉ có thể sở hữu lãnh hải 12 hải lý.
Quan điểm mới của Hoa Kỳ dựa theo kết luận logic của quyết định trên. Trung Quốc có thể đòi hỏi nguồn lợi của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ duyên hải phía nam của mình, và có thể tại những vùng xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mà phán quyết năm 2016 không đề cập đến. Trung Quốc cũng có thể đòi chủ quyền 12 hải lý xung quanh những "Đá" ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough (và các nước yêu sách khác cũng có thể đòi hỏi).
Tuy nhiên Bắc Kinh không thể đòi bất kỳ khu vực nào khác. Như vậy, đa số nguồn lợi Biển Đông thuộc về các quốc gia duyên hải (theo mẫu tự ABC : Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam). Hoa Kỳ nay tuyên bố rõ là việc Trung Quốc đánh cá, khai thác dầu khí và các hoạt động kinh tế khác trên các vùng này là bất hợp pháp, hoặc xâm hại đến quyền của các nước láng giềng.
Phán quyết trọng tài năm 2016 cũng kết luận nhiều thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền, nhất là Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nằm chìm dưới nước, như vậy không thể có bất kỳ yêu sách nào. Tòa cho rằng các thực thể này nằm trên thềm lục địa Philippines, quốc gia duyên hải gần nhất, nên Manila có đặc quyền.
Chính sách mới của Mỹ xác nhận điều này và áp dụng cho các thực thể chìm dưới nước khác mà Trung Quốc yêu sách : bãi cạn Luconia (Luconia Shoals) và bãi ngầm James (James Shoals) ngoài khơi Malaysia, Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ngoài khơi Việt Nam. Có nghĩa là Hoa Kỳ coi toàn bộ căn cứ quân sự Trung Quốc trên Đá Vành Khăn là bất hợp pháp, và các cố gắng của Bắc Kinh để xác quyết chủ quyền tại các địa điểm khác là vô căn cứ.
Cuối cùng, tuyên bố của ông Pompeo cho rằng việc Trung Quốc xâm phạm quyền đánh cá của Philippines tại bãi cạn Scarborough là bất hợp pháp. Cho dù thực thể này tạo ra quyền lãnh hải 12 hải lý xung quanh, phán quyết 2016 cho phép cả Trung Quốc lẫnh Philippines đều có quyền đánh cá truyền thống. Như vậy một lần nữa Hoa Kỳ không thay đổi quan điểm về chủ quyền lãnh thổ, nhưng nói rõ hơn về quyền trên biển.
2. Quan điểm này có những khác biệt gì ?
Chính quyền Obama kiên quyết ủng hộ quyền của Philippines đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài, và sau đó tuyên bố phán quyết của tòa mang tính ràng buộc theo UNCLOS, và kêu gọi cả hai bên chấp hành, tuy nhiên lại sử dụng từ ngữ thận trọng. Vài giờ sau khi phán quyết được công bố, bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố đó là quyết định "cuối cùng và mang tính ràng buộc theo luật pháp cho cả Trung Quốc và Philippines", nhưng lại nói thêm "Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và không có bình luận nào về cơ sở của phán quyết".
Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Vientiane vào cuối tháng và sau khi ghé Manila, ngoại trưởng John Kerry nhắc lại rằng phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý và kêu gọi tôn trọng. Ông Kerry nhiều lần lên tiếng ủng hộ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải nói chung. Tuy nhiên ông cũng như bất kỳ viên chức Mỹ nào khác - kể cả trong chính quyền trước đó hoặc trong ba năm đầu của chính phủ đương nhiệm - khẳng định cơ sở của phán quyết. Đây là một chọn lựa tế nhị nhưng cố ý.
Khi tham gia UNCLOS, các quốc gia chấp nhận sự liên quan về luật pháp với kết quả của bất kỳ phán quyết trọng tài nào mà họ tham gia. Tuy nhiên điều này không tự động mang lại sức nặng thông lệ quốc tế cho quyết định trọng tài, và không có nghĩa là các nhà nước khác phải đồng ý rằng các thẩm phán đã đúng hoặc tuân theo các quyết định trước. Tất cả các phiên trọng tài đều như thế, dù là giữa các Nhà nước, công ty hoặc cá nhân. Thế nên các viên chức Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân theo phán quyết, nhưng tránh gọi các hành động vi phạm của Trung Quốc là "bất hợp pháp".
Washington dành từ ngữ này cho những yêu sách thấp hơn của Trung Quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do hàng hải của Mỹ theo thông lệ quốc tế. Đó là đường lưỡi bò của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa, đòi hỏi của Bắc Kinh khi đi qua vô hại ở khu vực lãnh hải phải thông báo trước, và các mưu toan áp đặt quy định về hàng hải, hàng không xung quanh Đá Vành Khăn. Tuy Hoa Kỳ thường chỉ trích việc Trung Quốc đánh cá, thăm dò dầu khí và sách nhiễu láng giềng tại vùng đặc quyền kinh tế của các nước này, gọi đó là những hành vi "gây bất ổn", "hung hăng", nhưng tránh nói là "bất hợp pháp".
Điều này khiến ở Đông Nam Á người ta cho rằng Hoa Kỳ chỉ ưu tiên cho quyền "tự do hàng hải" của mình - mà nhiều người coi là chỉ liên quan đến các hoạt động quân sự Mỹ - chứ không phải "tự do trên biển", gồm cả các quyền kinh tế được luật pháp quốc tế bảo đảm. Các chính quyền Mỹ trước đây có coi những hành động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước láng giềng là bất hợp pháp hay không ? Hầu như là chắc chắn. Tuy nhiên Washington cho đến nay không muốn nói ra.
3. Quan điểm mới của Mỹ có thể có những tác động nào ?
Luận điểm mới này tự nó không gây tác động, nhưng việc khởi đầu cho nỗ lực lâu dài nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá, và ủng hộ các đối tác của Mỹ, có thể đầy ý nghĩa. Tác động tức khắc của sự thay đổi quan điểm này là trên mặt trận ngoại giao.
Tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với các hành vi "bất hợp pháp" dễ hơn rất nhiều so với các hành động chỉ đơn thuần gây khó chịu hoặc tạo bất ổn. Tác hại cũng nhiều hơn đối với một quốc gia đang mong muốn trở thành lãnh đạo toàn cầu nhưng lại bị tố cáo là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Các viên chức Mỹ chừng như bắt đầu sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn trong các thông cáo và các diễn đàn quốc tế, đồng thời gây áp lực lên các đối tác và đồng minh để hành xử tương tự. Điều này được chờ đợi không chỉ tại các hội nghị khu vực như thượng đỉnh Đông Á, nhưng cả ở các tổ chức như "Bộ Tứ" (Quad), nhóm G7, và nhiều cuộc họp song phương, tam phương khác nhau.
Điều này có thể khuyến khích các nước đòi hỏi chủ quyền ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines có thể tự vệ một cách mạnh mẽ hơn. Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc giở trò với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp trên, khiến Trung Quốc mang tai tiếng nhiều hơn trên trường quốc tế. Cách tiếp cận này có thể càng mở rộng hơn sau tháng 11, và chính quyền mới của Mỹ khó thể quay ngược lại.
Với chính sách mới, Trung Quốc có thể phải trả giá nhiều hơn về kinh tế. Khi tố cáo quá nhiều hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển, chính phủ Mỹ có thể minh chứng cho việc trừng phạt các công ty và định chế Trung Quốc tiến hành những hoạt động đó. Điều này dẫn đến một loạt những mục tiêu tiềm năng rộng lớn và kịp thời hơn so với các đạo luật trừng phạt của Hoa Kỳ trước đây. Các dự luật trình bày tại Quốc Hội năm 2017 và 2019 chẳng hạn, sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đào đắp, xây dựng và các hành động khác của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo.
Trong phần trình bày tại CSIS, ông Stilwell đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các công ty quốc doanh Trung Quốc trong các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Ông tuyên bố : "Chúng ta cần phải đưa ra ánh sáng về cung cách hoạt động của các công ty này trên thế giới, kể cả tại Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Tại tất cả xã hội chúng ta, công dân có quyền biết được những khác biệt giữa các công ty thương mại và các công cụ của một cường quốc bên ngoài". Và khi được hỏi, nếu chính sách mới của Mỹ có thể dẫn đến việc trừng phạt các định chế Trung Quốc hay không, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói rằng khả năng này "đang được đặt trên bàn".
Quốc hội có sự ủng hộ rất lớn đối với chính sách mới. Trong những giờ đầu sau khi công bố, chủ tịch và các thành viên uy tín của Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện và Hạ Viện đưa ra tuyên bố lưỡng đảng, ủng hộ chủ trương của chính phủ.
Tất nhiên là chính sách này cũng có những bất tiện, trước mắt là làm tăng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington. Lần tới, khi Trung Quốc lại đi quấy nhiễu bất hợp pháp các láng giềng trong vùng đặc quyền của các nước này, sự đáp trả mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ có thể làm tình cảm dân tộc chủ nghĩa tăng gấp đôi. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc tỏ ra ngạo mạn thay vì giảm thang xung đột với các láng giềng.
Tuy nhiên về lâu về dài, nếu thành công trong một chính sách rộng lớn hơn cùng với việc gây áp lực lên Bắc Kinh và một liên minh quốc tế rộng hơn để hỗ trợ cho các đối tác Đông Nam Á, chính sách mới của Hoa Kỳ có thể khiến Trung Quốc phải hướng về một sự thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận. Và rốt cuộc, đó là cơ hội tốt nhất để xử lý tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.
Gregory B. Poling
Nguyên tác : How Significant is the New U.S. South China South Policy ?, AMTI, 14/07/2020
Thụy My dịch
Nguồn : RFI, 16/07/2020
********************
Úc sẽ tham gia tập trận của "Bộ tứ" nhằm đối phó Trung Quốc
Thụy My, RFI, 15/07/2020
Đài truyền hình Úc ABC hôm 14/07/2020 cho biết có nhiều khả năng Úc sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong chiến lược ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia cuộc tập trận chung Malabar 2015. Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 18/10/2015. AFP - MCS CHAD M. TRUDEAU
Bốn quốc gia dân chủ hợp thành "bộ tứ" (Quad) đang siết chặt hợp tác quân sự để đối phó với các hành động hung hăng của Bắc Kinh. Từ 5 năm qua, Úc đã thúc giục nhưng Ấn Độ vẫn do dự. Tuy nhiên nay nhiều tờ báo Ấn Độ dẫn các nguồn tin thông thạo cho biết New Delhi sẽ chính thức mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar sắp tới.
Đây sẽ là một chiến thắng ngoại giao quan trọng đối với Úc. Mặc dù từ 2017, bốn nước "Quad" đã tăng cường đối thoại về an ninh, nhưng việc mở rộng cuộc tập trận Malabar là một lợi thế quân sự. Lâu nay Ấn Độ vẫn nghi ngờ sự cam kết của Úc về quốc phòng, nhất là khi chính phủ Rudd từ chối tham gia năm 2008 ; và New Delhi cũng không muốn chọc giận Trung Quốc.
Ấn Độ và Úc cũng tăng cường quan hệ song phương, ký kết hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, và một thỏa thuận cho phép đôi bên được vào các căn cứ quân sự của nhau.
Cựu phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ DK Sharma nói với ABC, việc Úc tham gia cuộc tập trận Malabar tạo ra một "liên minh hải quân có cùng quan điểm, các nền dân chủ có cùng tầm nhìn về Ấn Độ-Thái Bình Dương". Việc hai nước xích gần lại với nhau là một bất ngờ cho Trung Quốc vốn thích "bẻ đũa từng chiếc một".
Cũng tại Châu Á, báo chí Kuala Lumpur dẫn một báo cáo công bố hôm qua 14/07 tiết lộ các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển Malaysia đến 89 lần từ năm 2016 đến 2019, với ý đồ xác quyết chủ quyền. Malaysia đã năm lần phản ứng về mặt ngoại giao.
Thụy My
*******************
Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh chính sách Biển Đông của mình ?
Trương Hoàng Phương, RFA, 14/07/2020
Ngày 14/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ra tuyên bố lập trường của Washington đối với những yêu sách biển của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng ; việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên trên hầu hết Biển Đông cũng như tiến hành những chiến dịch để kiểm soát vùng này là bất hợp pháp.
Tàu chiến USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 11/4/2017 Reuters
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao nêu rõ : Mỹ tìm cách gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông, duy trì tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ cho lưu lượng thương mại không bị cản trở và chống lại bất cứ âm mưu nào muốn sử dụng sự cưỡng ép hay vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ chia sẻ những lợi ích sâu sắc với nhiều đồng minh và đối tác vốn từ lâu ủng hộ trật tự quốc tế căn cứ trên luật lệ. Những lợi ích cùng chia sẻ này đang chịu sự đe dọa chưa từng thấy từ Trung Quốc. Ông Pompeo tố cáo Bắc Kinh sử dụng sự uy hiếp để phá hoại quyền chủ quyền của các nước ven Biển Đông Nam Á tại Biển Đông, ức hiếp và đẩy các nước ra khỏi các nguồn tài nguyên ngoài khơi, áp đặt sự chiếm lĩnh đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế theo kiểu "chân lý thuộc về kẻ mạnh".
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng "mọi người đã thấy rõ cách thức của Bắc Kinh trong nhiều năm qua" và dẫn chứng lời cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2010 phát biểu trước các đối tác ASEAN rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, đó là sự thật". Ngoại trưởng Pompeo khẳng định : "Quan điểm xâm chiếm thế giới của Trung Quốc không có chỗ đứng trong thế kỷ 21".
Vẫn theo lời Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để áp đặt ý định đơn phương trong khu vực cũng như không đưa ra được cơ sở pháp lý thích đáng về "đường 9 đoạn" tại Biển Đông kể từ khi chính thức loan báo vào năm 2009. Trong quyết định ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế - được thành lập theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên - đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc, gọi tuyên bố này là vô căn cứ theo luật quốc tế và đứng về phía Philippines - quốc gia đưa vấn đề ra tòa trọng tài.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại một họp báo tại Washington DC hôm 9/11/2018 AFP
Như Mỹ đã tuyên bố trước đây và theo những qui định rõ ràng của UNCLOS, quyết định của Toà án Trọng tài mang tính chung thẩm và ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên. Mỹ đứng về phía phán quyết của Tòa án liên quan tới các yêu sách biển ở Biển Đông, cụ thể như sau :
- Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách biển một cách hợp pháp-bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào phát xuất từ Bãi cạn Scarborough và Quần đảo Trường Sa - so với Philippines trong những khu vực mà Tòa phát hiện nằm trong vùng EEZ của Philippines hay thềm lục địa của nước này. Việc Bắc Kinh quấy nhiễu các hoạt động đánh bắt cá và khai thác năng lượng ngoài khơi của Philippines trong những khu vực này là bất hợp pháp, cũng như bất cứ hoạt động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên đó. Cùng với quyết định ràng buộc pháp lý của tòa án, Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ hay yêu sách biển hợp pháp tại Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai thực thể này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Bắc Kinh cũng không thể có bất cứ yêu sách lãnh thổ hay yêu sách biển phái sinh từ những thực thể này.
- Vì Bắc Kinh không đưa ra được yêu sách nào trên Biển Đông hợp lý và hợp pháp, nên Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối các vùng biển bên ngoài 12 hải lý tính từ các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa. Do đó, Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, Bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng biển trong khu vực EEZ của Brunei và Natuna Besar ngoài khơi Indonesia. Bất cứ hành động nào của Trung Quốc quấy nhiễu việc đánh cá hay việc khai thác dầu khí của các nước khác trong các vùng biển này - hoặc tiến hành các hoạt động đơn phương như thế, là bất hợp pháp.
- Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ hay yêu sách biển hợp pháp đối với (hoặc xuất phát từ) Bãi ngầm James, một thực thể hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được ghi trong các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc là "lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc". Luật quốc tế ghi rõ là : Một thực thể chìm dưới nước như Bãi ngầm James không thể bị tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra vùng biển kèm theo được. Bãi ngầm James (chìm gần 20 mét dưới mặt biển) không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như Bắc Kinh không bao giờ có thể khẳng định các quyền về biển hợp pháp từ Bãi ngầm này.
Ngoại trưởng Mỹ kết luận : Thế giới không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông với tư cách như là đế chế biển của Trung Quốc. Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của các nước này đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của các nước theo luật quốc tế. Mỹ cũng đứng về phía cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, bác bỏ bất cứ lực đẩy nào áp đặt "mạnh thì thắng" tại Biển Đông hay tại khu vực rộng lớn hơn.
Việc công khai những quan điểm này được đưa ra một ngày sau kỷ niệm 4 năm phán quyết của tòa trọng tài thường trực hồi tháng 7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là tuyên bố mạnh mẽ mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thách thức Trung Quốc, nước mà Trump ngày càng coi là kẻ thù trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Có một số thông điệp đáng lưu ý ở đây.
Thứ nhất, động lực thúc đẩy việc ra tuyên bố lần này dường như xuất phát các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước đây, Mỹ đã có những phát biểu tương tự nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn. Năm 2019, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra những tuyên bố kêu gọi Trung Quốc ngừng hành động "bắt nạt" Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội.
Thứ hai, quan điểm của Washington về tự do hàng hải và tự do hàng không hầu như không thay đổi, theo đó Mỹ xác định tự do hàng hải là một lợi ích cốt lõi của họ ở Biển Đông. Quan điểm này được đưa ra từ nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Thứ ba, về mặt pháp lý, Washington khẳng định rằng Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ ở khu vực" và Bắc Kinh không "đưa ra được cơ sở pháp lý chặt chẽ về tuyên bố cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đường này từ năm 2009". Để hậu thuẫn 2 sự khẳng định này của mình, Mỹ đã viện dẫn phán quyết của tòa trọng tài thường trực hôm 12/7/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhận thức mới về quan điểm của Mỹ nói trên có thể mở ra một mặt trận mới về cách thức Trung Quốc chọn cách đối phó với những hoạt động quân sự của Mỹ diễn ra hiện nay ở Biển Đông. Sự thay đổi chính sách nói trên của Mỹ trùng với sự thay đổi của Philippines về vấn đề Biển Đông. Manila gần đây đã một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài, trong đó vô hiệu hóa những yêu sách tham lam của Trung Quốc tại Biển Đông dựa trên các căn cứ lịch sử mà không có bất kỳ khả năng thỏa hiệp nào. Ngoại trưởng Philipines Teodoro Locsin Jr. đã đưa ra lời kêu gọi nói trên nhân lễ kỷ niệm ngày 12/7/2016, ngày Toà trọng tài đưa ra phán quyết mà ông cho rằng đã giải quyết một cách thuyết phục vấn đề quyền lịch sử và các quyền lợi biển tại Biển Đông dựa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ông Locsin tuyên bố : "Phán quyết này là không thể đem ra thương lượng. Tòa án có thẩm quyền đã phán quyết rằng những tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển này là không có cơ sở pháp lý". Đây là tuyên bố đanh thép nhất mà Philippines đưa ra cho tới nay liên quan phán quyết mang tính bước ngoặt này.
Tuyên bố về quan điểm của Mỹ về Biển Đông nói trên được đưa ra giữa lúc xảy ra những căng thẳng gia tăng liên quan Trung Quốc, bao gồm vụ đụng độ biên giới hồi tháng 6/2020 giữa Trung Quốc và Ấn Độ mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là một phần của chiến lược của Bắc Kinh gây thách thức các nước láng giềng. Trước đó, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng sau khi Trump chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh không nỗ lực nhiều hơn nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trump cũng tăng cường sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo. Hồi tuần trước, Mỹ đã áp đặt các đòn trừng phạt đối với giới chức Trung Quốc.
Chính sách của Mỹ trước đây tỏ ra "mơ hồ" ở chỗ nó chủ yếu giới hạn trong việc kêu gọi đảm bảo quyền "tự do hàng hải" ở Biển Đông vốn rất quan trọng đối với các tuyến thương mại toàn cầu. Ngoài ra, Washington cũng kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế, song Washington không thể hiện quan điểm về tính hợp pháp trong các yêu sách biển của bất cứ bên nào. Cho dù Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch kéo dài nhiều năm để xây dựng các căn cứ và các tiền đồn khác trên các bãi cát, đá ngầm và các mỏm đá như một cách để khẳng định yêu sách của mình.
Bằng cách gọi những yêu sách biển của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi Biển Đông là bất hợp pháp và ủng hộ một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Mỹ đã đảo ngược chính sách được cho là theo "chủ nghĩa biệt lập" của mình và đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ với các đối tác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Australia.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không chỉ là một sự thể hiện ý chí chính trị to lớn của Mỹ là sát cánh với các đồng minh của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn là một sự củng cố trên tiền tuyến ở Biển Đông. Một nhà quan sát về vấn đề Trung Quốc nhận định : "Tuyên bố này đã thay đổi quan niệm rằng chính quyền Trump chỉ hướng nội và có chủ trương biệt lập. Bằng cách công khai lập trường rõ ràng về Biển Đông, đây là một lời tái khẳng định học thuyết của Mỹ đối với khu vực này. Nó chỉ ra rằng Mỹ vẫn kiên định sát cánh cùng với các đồng minh của mình như Philippines và Việt Nam, cũng như công nhận các tuyên bố chủ quyền của Indonesia và Malaysia chống lại sự chèn ép của Trung Quốc trong khu vực này".
Tuyên bố về Biển Đông của Mỹ không chỉ thách thức Trung Quốc mà còn là một lời cam kết ủng hộ đanh thép đối với các quốc gia khác như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc.
Trương Hoàng Phương
Nguồn : RFA, 14/07/2020
Mỹ phản đối Trung Quốc lợi dụng đại dịch để bành trướng Biển Đông (VOA, 29/04/2020)
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink vừa cho biết rằng Mỹ kịch liệt phản đối việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch virus corona để tiến hành các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông đồng thời khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh hơn.
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink trả lời phỏng vấn VTC1. (Ảnh chụp màn hình VTC1 qua Facebook của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam)
Tuyên bố của đại sứ Mỹ nhất quán với những gì mà chính phủ Mỹ đưa ra trong thời gian vừa qua sau khi Bắc Kinh bị Hà Nội cáo buộc đã dùng tàu hải cảnh đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa giữa lúc cả cộng đồng quốc tế đang tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona khởi nguồn từ Trung Quốc.
Trong bài trả lời phỏng vấn VTC1 được đăng tải trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Đại sứ Kritenbrink nói rằng Việt Nam đã gửi hàng triệu khẩu trang tới các quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ.
"Thật không may Trung Quốc đang có quan điểm khác", ông Kritenbrink nói với phóng viên VTC1 trong cuộc phỏng vấn được dịch sang tiếng Việt. "Thay vì tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung Quốc, trong vài tháng qua, đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều tàu ra doạ dẫm tàu cá nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
"Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lợi dụng thời điểm khu vực đang tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19 để cưỡng ép các nước láng giềng và thúc đẩy các tuyên bố hàng hải mang tính khiêu thích của mình tại Biển Đông", theo trích dẫn trên trang Facebook của Sứ quán Mỹ phần trả lời của Đại sứ Kritenbrink với VTC1.
Sau khi Việt Nam trao công hàm phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của họ trong vụ đụng độ xảy ra hôm 3/4, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ngay lập tức đưa ra thông cáo chỉ trích hành động của Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 cũng như kêu gọi họ kiềm chế gây bất ổn để tập trung chống dịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói rằng tàu cá của Việt Nam đâm tàu hải cảnh của họ dù không đưa ra bằng chứng nào.
Cũng trong tháng này, Trung Quốc đã công bố "tên tiêu chuẩn" cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập "quận Tây Sa" và "quận đảo Nam Sa" để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đều đã lên tiếng phản đối các động thái này của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Nhà Trắng gần đây cho biết Mỹ sẽ tiến hành điều tra một cách nghiêm túc về việc Bắc Kinh xử lý sự bùng phát dịch Covid-19 cũng như tìm cách buộc Trung Quốc phải đền bù thiệt hại liên quan tới virus corona cho Mỹ.
Nhận định về việc chính quyền ở Washington đang tìm cách buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm vì để lây lan đại dịch ra toàn thế giới như Tổng thống Trump nói, Đại sứ Kritenbrink cho biết "Mỹ đang khuyến khích các quốc gia phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc. Và rất nhiều đối tác và bạn bè của chúng tôi đã làm như vậy".
Đại sứ Kritenbrink còn nhấn mạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra trong tháng này về việc tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sức mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Hôm 29/4, một ngày trước khi Việt Nam kỷ niệm 45 năm ngày "Giải phóng Miền Nam" theo cách gọi của Hà Nội, Đại sức Kritenbrink viết trên trang Facebook của ĐSQ Mỹ rằng "sau nhiều năm gian khó và hy sinh từ cả hai phía, ngày nay Mỹ và Việt Nam đang hợp tác để cùng xây dựng một tương lai mới".
Năm nay đánh dấu 25 năm ngày hai cựu thù bình thường hóa quan hệ, và theo Đại sứ Kritenbrink, Mỹ và Việt Nam trong 25 năm qua đã "phát triển mối quan hệ đối tác và tình bạn đích thực dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng cho người dân hai nước. Chúng tôi biết rằng cùng nhau hai nước sẽ vững mạnh hơn".
******************
Biển Đông : Mỹ liên tiếp cử hai chiến hạm áp sát Trường Sa và Hoàng Sa (RFI, 29/04/2020)
Theo thông tin mới nhất được Hải Quân Mỹ loan báo vào hôm nay, 29/04/2020, hai chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry vừa "quá cảnh" vùng biển ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Chiến hạm USS Bunker Hill (CG-52) thuộc Hạm Đội 7 Hải Quân Mỹ. © wikipedia
Trên trang Facebook của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, đã xuất hiện bản tin ngắn gọn vào lúc 9 giờ 22 (giờ Paris) ngày 29/04 theo đó : "Tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill đang quá cảnh vùng biển gần quần đảo Trường Sa ngày 29 tháng Tư. Chiếc Bunker Hill đã được triển khai trong Hạm Đội 7 Hoa Kỳ để hỗ trợ cho các chiến dịch duy trì an ninh và ổn định trong vùng Thái Bình Dương".
Trước đó, một bản tin khác, công bố cùng ngày, vào lúc 0 giờ 22 (giờ Paris), cũng cho biết là "khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đang tiến hành một chiến dịch trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa".
Thông tin về chiến dịch tại Trường Sa của tuần dương hạm Bunker Hill chưa được xác nhận chính thức, riêng chuyến tuần tra sát Hoàng Sa của khu trục hạm Barry đã được Hải Quân Mỹ xác nhận.
Theo trang tin của Học Viện Hải Quân Mỹ (USNI News) vào hôm qua 28/04, các quan chức Hải Quân Hoa Kỳ đã xác nhận rằng chiếc USS Barry (DDG-52) có thực hiện một hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOPS) ở "vùng lân cận chuỗi đảo ngoài khơi Việt Nam", tức là quần đảo Hoàng Sa.
Theo một quan chức Mỹ, hoạt động của chiến hạm Barry đã diễn ra theo kế hoạch "không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự Trung Quốc". Thông tin này nhằm phản bác lập luận mà Bắc Kinh đưa ra tối hôm qua, theo đó Quân Đội Trung Quốc ngày hôm qua đã theo dõi sát một tàu chiến Mỹ bị cáo buộc là đã "xâm nhập" vào vùng Tây Sa ở Biển Đông (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa).
Một phát ngôn viên của Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Nam Bộ - Trung Quốc, phụ trách cả khu vực Biển Đông, đã khoe rằng các lực lượng Không Quân và Hải Quân Trung Quốc đã bám theo, giám sát, nhận diện, cảnh báo và trục xuất tàu USS Barry của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh phô trương các hành động mà họ gọi là "trục xuất" tàu Mỹ bị họ cho là đã "xâm nhập trái phép" vùng biển của Trung Quốc gần Hoàng Sa hay Trường Sa.
Về phía Mỹ, Washington luôn luôn khẳng định rằng các hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ luôn luôn theo đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Hai chiến hạm Mỹ tuần tra Trường Sa và Hoàng Sa lần này, mới đây đã phối hợp với tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ và hộ tống hạm HMAS Parramatta của Úc đến khu vực ngoài khơi Malaysia vào lúc tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc và đội tàu hộ tống hoành hành gần một dàn khoan thăm dò của công ty dầu khí Malaysia Petronas.
Trọng Nghĩa
Tàu sân bay mới sẽ tăng uy tín Bắc Kinh như thế nào ? (VOA, 18/08/2018)
Chiếc hàng không mẫu hạm đang được đóng của Trung Quốc sẽ gửi đi thông điệp về sức mạnh của nước này và nếu nó được triển khai trong các sứ mệnh nhân đạo, nó sẽ nâng cao hình ảnh của Trung Quốc như là một cường quốc có trách nhiệm, và do đó góp phần nâng tầm vị thế của Trung Quốc trong khu vực, theo nhận định của một nhà nghiên cứu.
Tàu sân bay Liêu Ninh là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ
Giáo sư kiêm nhiệm Richard Salmons của Đại học Temple có cơ sở tại Tokyo, đã có bài phân tích về tác dụng đánh bóng hình ảnh Trung Quốc của chiếc tàu sân bay thứ hai cũng là chiếc đầu tiên mà Trung Quốc tự đóng trong một bài phân tích có tự đề ‘Bằng cách nào tàu sân bay mới của Trung Quốc định hình trật tự khu vực’ đăng trên tạp chí Diplomat.
Lần thử nghiệm chạy trên biển của chiếc tàu sân bay tự đóng trong nước đầu tiên của Trung Quốc đã khơi mào tranh luận về sức mạnh hải quân Trung Quốc. Một số người lập luận rằng chiếc hàng không mẫu hạm, mặc dù vẫn dễ bị tổn thương trong một cuộc xung đột sẽ là cơ sở để củng cố vai trò lãnh đạo của Trung Quốc nếu như Mỹ triệt thoái khỏi khu vực.
"Sẽ tốt hơn nếu xem xét rằng hạm đội tàu sân bay mới này của Trung Quốc không cần phải đợi có chiến sự mới thể hiện được giá trị của mình, mà thật ra nó có tác dụng nhất là khi không có chiến tranh," ông Salmons nhận định. "Thay vì đối đầu với những hải quân khác của các nước lớn, những chiếc tàu này một khi đi vào hoạt động sẽ làm tăng uy tín và vị thế của Trung Quốc trong trật tự khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Theo ông Salmons, điều này có thể xảy ra theo hai cách : thứ nhất là việc triển khai một hạm đội như thế trong thời bình sẽ giúp Trung Quốc làm giảm đi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực mà không cần phải đối đầu trực tiếp ; thứ hai là những chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ gửi đi tín hiệu khiến cho các nước trong khu vực thay đổi hoàn toàn quan niệm về vị thế của Trung Quốc.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2015 đề ra nguyên tắc kết hợp ‘phòng vệ ven biển’ và ‘phòng vệ trên biển lớn’ và đặt ra mục tiêu cho đến năm 2030 xây dựng được năng lực viễn chinh giới hạn bao gồm hoạt động trong các thảm họa thiên tai, di tản, chống khủng bố và đảm bảo an ninh của các tuyến hàng hải.
Theo lời của một sỹ quan của Hải quân của Giải phóng quân Trung Quốc (PLAN) thì chức năng của chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ là làm những gì mà một chiếc tàu sân bay thực thụ phải làm : tuần tra chiến đấu và cung cấp viện trợ nhân đạo.
Hoạt động cứu trợ nhân đạo có vai trò quan trọng vì Trung Quốc đang cạnh tranh vị thế với các nước lớn khác trong khu vực. Vị thế này có được thông qua việc thể hiện trách nhiệm. Sử dụng năng lực hải quân để cứu trợ nhân đạo là cách làm lý tưởng cho mục đích này vì nó giúp cho một nước nào đó chứng tỏ sức mạnh cơ bắp, xây dựng các liên hệ quốc tế thực tiễn và thể hiển vai trò lãnh đạo về đạo đức.
Một ví dụ điển hình là trận sóng thần Ấn Độ Dương hồi năm 2004 mà sau đó đã kích hoạt một nỗ lực cứu trợ quốc tế do tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ dẫn đầu. Một số học giả sau đó đã nhận định rằng thảm họa đã này đã khiến công chúng Trung Quốc mong muốn nước họ sở hữu tàu sân bay trong khi báo chí của quân đội Trung Quốc cho rằng việc phản ứng trước thảm họa có ý nghĩa chính trị là nó cho thấy tầm quan trọng của hải quân không chỉ trong trường hợp có chiến tranh mà còn trong việc ‘xây dựng đất nước, cứu hộ thiên tai và tái thiết’.
Theo ông Salmons, nhiều khả năng Bắc Kinh xem các chiến dịch nhân đạo trên quan điểm thực tiễn thẳng thừng vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, các chiến dịch nhân đạo củng cố thêm địa vị của họ trong khu vực bởi vì chúng là cách thể hiện tuyệt vời năng lực tác chiến thật sự. Bên cạnh đó, như Mỹ, Nhật và Úc đã chỉ ra, viện trợ nhân đạo là phương cách thực hiện ‘ngoại giao quốc phòng’ tuyệt vời.
Nhu cầu chuẩn bị cho những kịch bản thảm họa đem đến cái cớ linh động để tiếp cận cũng như hợp tác song phương với các đối tác khu vực bất chấp họ có nằm trong liên minh truyền thống hay không, còn thành tích hỗ trợ nhân đạo cũng biện hộ cho việc được quyền tiếp cận hay thậm chí là thiết lập căn cứ ở nước ngoài.
Thứ hai là, viện trợ nhân đạo sẽ đem đến những lợi ích những lợi ích về sức mạnh mềm có thể đo đếm được. Số liệu của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy sự cải thiện rõ ràng trong thái độ của các nước đối với Mỹ sau những thảm họa thiên tai như trận sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi năm 2004 và trận động đất, sóng thần ở đông Nhật Bản hồi năm 2011. Tương tự, Nhật Bản đã giành được vinh quang ngoại giao ở khối Asean sau khi họ triển khai hải quân rầm rộ nhất trong thời hậu chiến để hỗ trợ Philippines sau trận bão Hải Yến vào năm 2013 trong khi Bắc Kinh bị truyền thông chỉ trích vì cứu trợ nhỏ giọt.
Khía cạnh thứ ba khiến cứu trợ nhân đạo có tầm quan trọng đối với Trung Quốc là khả năng của lực lượng hải quân viễn chinh trong việc hỗ trợ di tản những công dân Trung Quốc trong các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài. Điều này từ lâu đã là một trọng điểm để Bắc Kinh thể hiện tính hợp pháp của chính quyền Đảng Cộng sản.
"Ngoài ra, viện trợ nhân đạo của một cường quốc mới nổi có thể làm xói mòn vai trò của cường quốc đã vững vàng và cho phép cường quốc mới nổi đó tăng vị thế trong trật tự khu vực," ông Salmons viết.
Chi phí đắt đỏ của việc xây dựng một hạm đội chiến đấu cùng hàng không mẫu hạm, ước tính vào khoảng 10 tỷ đô la, cũng phù hợp với lập luận về biểu tượng quyền lực. Cũng giống như chương trình không gian của Trung Quốc và việc Bắc Kinh tổ chức Olympic, hàng không mẫu hạm sẽ là sự thể hiện với bên ngoài không chỉ về một đất nước giàu có mà còn là một đất nước có năng lực kỹ thuật và năng lực tổ chức dẫn đầu. Hàng không mẫu hạm là một biểu tượng được thừa nhận rộng rãi đến nỗi nó khiến cho các nước cảm nhận được ngay. Nếu Bắc Kinh triển khai tàu sân bay ra nước ngoài, thì không chỉ mọi người đều chú ý mà ai cũng sẽ hiểu dạnh quyền lực đang được thể hiện, vẫn theo ông Salmons.
*******************
Hoa Kỳ hứa bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc chiếm đảo (RFA, 17/08/2018)
Hoa Kỳ sẽ giúp đồng minh Philippines trong trường hợp Trung Quốc xâm lược các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.
Đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa. Hình chụp hôm 21/4/2017 - AP
Đó là phát biểu của ông Randall Shriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với giới báo chí tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila hôm 16/8.
Các phóng viên đã hỏi ông Shriver rằng liệu Hoa Kỳ có giúp Philippines theo như hiệp ước quốc phòng song phương trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa hay không ?
Ông Shriver nói Hoa Kỳ sẽ là một đồng minh tốt và không có bất cứ một sự hiểu lầm nào về tính rõ ràng trong tinh thần của cam kết này. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ giúp Philippines đáp trả một cách tương ứng.
Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines ở Biển Đông. Hoa Kỳ lúc đó đã lên tiếng phản đối nhưng vẫn không thể ngăn cản được Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines.
Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra các thực thể này. Nhiều nhà quan sát Philippines bày tỏ lo ngại khi trong vài tuần gần đây Trung Quốc liên tục cảnh báo các máy bay nước ngoài không được tiến gần các đảo này.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục cho máy bay và tàu đi qua vùng nước tranh chấp, bất chấp những thách thức gia tăng từ Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2016, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga trong khi giảm nhẹ mối quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ.
**********************
Giới phân tích : Trung Quốc được lợi khi thỏa hiệp khai thác Biển Đông (VOA, 15/08/2018)
Mới đây, đã xuất hiện đề xuất chia lợi nhuận 60-40 trong khai thác dầu khí ở Biển Đông có tranh chấp, với phần nhiều hơn dành cho Philippines so với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng đề xuất này giúp Bắc Kinh bảo vệ mối quan hệ ngoại giao gập ghềnh nhưng có nhiều giá trị của họ với Manila, đồng thời chứng minh về tinh thần láng giềng của họ đối với các khu vực khác ở Châu Á.
Một cuộc biểu tình của người Philippines hồi tháng 2/2018 chống việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông
Bộ trưởng ngoại giao của Philippines được dẫn lời nói hôm 31/7 rằng Bắc Kinh sẵn sàng nhận phần ít hơn trong bất kỳ hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch nào được tìm thấy ở một vùng thuộc Biển Đông, nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền.
"Kế hoạch này của chính phủ đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích, bởi vì có những người khác tranh rằng luận nếu những khu vực này nằm trong vùng độc quyền kinh tế của Philippines, thì chúng thuộc về Philippines và không nên bị chia sẻ", Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, nói.
Một số người Philippines nêu ra những vấn đề hiến định đối với việc cho phép Trung Quốc thăm dò nhiên liệu ở dưới vùng biển mà Philippines coi là thuộc về riêng họ. Những người khác chỉ ra việc các công ty dầu mỏ tư nhân, như các công ty Nhật Bản, sẵn sàng thăm dò, khai thác dầu khí dưới đáy biển mà không có rắc rối gì về chủ quyền, Atienza nói.
Tổng thống Duterte ủng hộ quan hệ thân thiện với Trung Quốc bởi vì, theo lời ông, Philippines không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh với quốc gia đó. Trung Quốc, nước có lực lượng vũ trang mạnh nhất Châu Á, đã xây dựng các căn cứ quân sự trên 3 đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, một quần trên đảo Biển Đông mà nhiều bên tuyên bố là của riêng họ.
Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng tranh chấp quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc, nếu họ ký vào thỏa thuận, sẽ nhận 40% để thể hiện thiện chí đối với Philippines. Nếu không đi đến thỏa thuận, Philippines có thể nhờ cậy vào Hoa Kỳ, đối thủ địa chính trị của Trung Quốc, các chuyên gia nói.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học New South Wales, Australia, nêu quan điểm : "Việc khai thác chung ở Philippines là một vấn đề gây tranh cãi nếu căn cứ theo các điều khoản trong Hiến pháp".
"Bằng cách đồng ý nhận phần nhỏ hơn, Trung Quốc tìm cách vô hiệu hóa sự chống đối trong nước của người Philippines", ông nói. "Tổng thống Duterte đã đưa ra một lập trường hòa giải hơn và Trung Quốc đang mong muốn tận dụng điều này, hy vọng sẽ gây áp lực cho các quốc gia khác làm theo".
Một thỏa thuận thăm dò ngoài khơi đảo Palawan của Philippines với một tập đoàn các công ty tư nhân cũng sẽ cho chính phủ được hưởng 60% doanh thu.
Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc không chỉ muốn xoa dịu Philippine mà cả các nước Đông Nam Á khác đang có những tuyên bố tranh chấp về chủ quyền biển. Việc thể hiện thiện chí có thể làm giảm tác động của một phán quyết từ tòa trọng tài quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc, và ngăn các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ.
Alan Chong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng một thỏa thuận dầu khí có tính hòa giải có thể tạo ra âm hưởng khắp Châu Á, nơi Trung Quốc đang phát triển cơ sở hạ tầng như là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1 nghìn tỷ đôla, kéo dài 5 năm.
Bắc Kinh muốn tiếp tục được đánh giá tích cực từ Hiệp hội các nước Đông Nam Á gồm 10 thành viên, vào lúc hai bên thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử để tránh sự cố ở vùng biển có tranh chấp, ông Chong nói thêm.
Ralph Jennings
Chiến dịch "Đá Vành Khăn" : Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông (RFI, 05/06/2017)
Phải chờ đến bốn tháng sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày 25/05/2017 vừa qua mới thấy một chiến hạm Mỹ tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Dewey quá cảnh Biển Đông ngày 06/05/2017. Ảnh tư liệu của Hải Quân Mỹ. Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS
Trong bài phân tích đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 02/06 vừa qua, tiến sĩ Lynn Kuok, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc, thỉnh giảng tại Trung Tâm Luật Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nhận định rằng : chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông đầu tiên thời chính quyền Trump là một dấu hiệu cho thấy là Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực.
Bên cạnh đó, căn cứ vào một số thông tin hiếm hoi có được về chiến dịch được khu trục hạm USS Dewey, thuộc Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief reef), có thể thấy là lần này, so với thời tổng thống Obama, Washington đã bắn đi một tín hiệu cứng rắn hơn về phía Trung Quốc.
Một cuộc tuần tra cho thấy quyết tâm tiếp tục dấn thân
Mở đầu bài viết mang tựa đề "Chiến dịch tuần tra đầu tiên của chính quyền Trump vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông : Trễ còn hơn không", tác giả bài phân tích trước hết ghi nhận tâm lý nóng ruột của cả giới quan sát lẫn các đối tác và đồng minh trong khu vực trước sự kiện chính quyền mới tại Mỹ có vẻ như bất động về Biển Đông.
Ngay từ đầu, các nhà quan sát đã tự hỏi là liệu chính quyền Donald Trump có tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông hay không, và nếu có thì vào lúc nào, và như thế nào. Theo họ, việc sẵn sàng tiến hành chiến dịch là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nói một cách rộng hơn, đó là một chỉ dấu quan trọng của sự dấn thân của Mỹ trong khu vực.
Năm 2016, tức là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đã được thực hiện theo nhịp độ 3 tháng một lần, và dù như thế, vẫn vấp phải lời chỉ trích là quá ít. Đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và cả bên ngoài khu vực đã càng lúc càng lo ngại khi thấy đã 4 tháng trôi qua mà chính quyền Trump vẫn không cho tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải nào. Điều đó đã khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Biển Đông để đánh đổi lấy hợp tác của Trung Quốc ở nơi khác, như trên vấn đề Bắc Triều Tiên chẳng hạn.
Tàu Mỹ tập trận thực sự bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn
Thông tin về chiến dịch mới đây của chiến hạm Mỹ USS Dewey bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, như vậy đã chấm dứt hàng tháng trời thắc mắc. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, nhấn mạnh rằng "chiến hạm USS Dewey đã thực hiện một cuộc "diễn tập bình thường", với bài tập "điều khiển con tàu" bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Một số thông tin còn nói rõ là chiếc tàu cũng đã di chuyển ngang dọc theo hình chữ Z, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu "người bị rơi xuống biển".
Đối với chuyên gia Lynn Kuok, như vậy là hiển nhiên chiến hạm Mỹ đã không áp dụng thủ tục "qua lại vô hại" khi đi qua vùng biển của một nước khác.
Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khi đi qua vùng 12 hải lý của một lãnh thổ nào đó, kể cả đảo, tàu một nước khác phải thực hiện cái gọi là thủ tục "qua lại vô hại - innocent passage". Dù không cần phải xin phép nước có chủ quyền, nhưng khi đi qua thì phải đi thẳng và liên tục, không được có hành vi hay hoạt động không tốt cho "hòa bình, trật tự hay an ninh" đối với quốc gia có chủ quyền, ví dụ như hoạt động quân sự hay do thám. Một bài tập kiểu "cứu người rơi xuống biển" rõ ràng là không phù hợp với quy định về quyền qua lại vô hại.
Còn ở bên ngoài vùng 12 hải lý, theo UNCLOS, đó là quyền tự do hàng hải, với một loạt quyền trong đó có tự do lưu thông hàng hải, hàng không... Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.
Khi một quan chức Mỹ mô tả là chiếc tàu USS Dewey đã thực hiện những "nhiệm vụ bình thường" và một bài tập "điều khiển con tàu", thì điều đó có nghĩa là Mỹ không áp dụng thủ tục qua lại vô hại, dùng khi đi qua hải phận quốc gia, mà là thực hiện quyền tự do hàng hải, một quyền khi di chuyển trên biển khơi và trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển.
Không công nhận lãnh hải quanh Đá Vành Khăn
Đối với chuyên gia Lynn Kuok, cách thức được chiến hạm Mỹ áp dụng đầy ý nghĩa, vì nếu chiếc USS Dewey tuân theo quy định trong thủ tục qua lại vô hại, thì điều đó có nghĩa là Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải.
Chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của chính quyền Trump tại Biển Đông như vậy đã phù hợp với phán quyết tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng 7 năm 2016 về Biển Đông, cho rằng Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi, cho nên không thể có hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế, bất kể việc Trung Quốc đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.
Theo chuyên gia trên tờ The Straits Times, hiện không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết.
Nói một cách khái quát thì việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chận nỗ lực của Trung Quốc thực hiện trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc phản đối nhưng với lập luận không thuyết phục
Trước tiên Bắc Kinh tố cáo Mỹ tác hại đến "chủ quyền và an ninh" của Trung Quốc. Thế nhưng, như phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định, Trung Quốc không thể có chủ quyền gì trên các bãi ngầm hay thực thể nửa chìm nửa nổi, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác. Đá Vành Khăn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines
Điểm thứ hai, Bắc Kinh phản đối việc chiếc USS Dewey đã đi vào "vùng biển tiếp giáp của các đảo trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) của Trung Quốc mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh".
Thật ra cho dù Mischief Reef là một thực thể có lãnh hải, điều mà phán quyết Tòa Thường Trực đã hoàn toàn phủ nhận, thì tàu chiến vẫn có quyền đi qua theo thủ tục qua lại vô hại mà không cần xin phép trước.
Thứ ba, Bộ Ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời tố cáo các chiến dịch tự do hàng hải : "hành động sai trái", "khiêu khích", "phô trương sức mạnh", "thúc đẩy quân sự hóa khu vực", "hành vi lệch lạc".
Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia là hoạt động đó chỉ là sự khẳng định quan điểm pháp lý một cách hợp pháp, ôn hòa...
Mỹ cần có thêm hành động dứt khoát chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Với việc chính quyền Trump thể hiện thái độ sẵn lòng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều quốc gia trong khu vực đã thở phào nhẹ nhõm, mặc dù một cách kín đáo và tránh xa ánh mắt giận dữ của Trung Quốc...
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Lynn Kuok, Bắc Kinh nên hiểu rằng cách tiếp cận của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà bắt nguồn từ việc bảo vệ nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định.
Về phần Hoa Kỳ, nước này không thể chỉ dừng lại một chiến dịch duy nhất, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực. Mỹ cần thường xuyên khẳng định các quyền trên Biển Đông, theo tinh thần phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đó.
Riêng đối với chính quyền Trump, cần phải nghiêm túc thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS để khỏi bị chỉ trích là đạo đức giả.
Mai Vân
******************
Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về Biển Đông (RFI, 05/06/2017)
Hôm 05/06/2017, Trung Quốc cực lực bác bỏ những tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông tại hội nghị an ninh Shanghri-la cuối tuần qua.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis (G) cùng các đồng nhiệm Nhật Bản, bà Tomomi Inada (T) và Úc, bà Marise Payne, tai Đối thoại An ninh Shangri-La, Singapore 03/06/2017. REUTERS/Edgar Su
Hôm thứ Bảy 03/05, tại Đối thoại An ninh Shangri-la, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Ông Mattis lên án thái độ "khinh miệt" của Trung Quốc đối với các nuớc láng giềng và thái độ bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành "quân sự hóa" Biển Đông. Lãnh đạo Lầu Năm Góc cho rằng "tầm mức và những tác động" của các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại những vùng đang tranh chấp ở Biển Đông khác hẳn các nước khác.
Trong một thông cáo đưa ra cuối chiều Chủ Nhật 04/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cực lực bác bỏ những tuyên bố "vô trách nhiệm" của ông Mattis và lên án một số nước bên ngoài khu vực đưa những tuyên bố "sai lạc" vì những lý do mà họ muốn che giấu. Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc có chủ quyền "không thể tranh cãi được" trên quần đảo Trường Sa và các vùng biển chung quanh.
Wahsington vẫn thường xuyên bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, vì theo họ, điều này đe dọa đến tự do hàng hải tại con đường giao thương rất quan trọng này.
Sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Úc Julie Bishop tại Sydney hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ và Úc bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, nhưng không thể chấp nhận việc Bắc Kinh dùng sức mạnh kinh tế để tránh né các vấn đề khác, như việc quân sự hóa Biển Đông hoặc không gây đủ áp lực lên Bình Nhưỡng.
Ông Tillerson nói :"Họ phải chấp nhận rằng vai trò ngày càng lớn với tư cách cường quốc kinh tế và thương mại phải đi kèm với trách nhiệm về an ninh". Cho nên ông Tillerson kêu gọi Trung Quốc và các nước khác gia tăng nỗ lực để ngăn chận chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
****************************
Trung Quốc nổi đóa vì phát biểu ‘vô trách nhiệm’ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông (VOA, 05/06/2017)
Trung Quốc tỏ rõ sự tức giận đối với những phát biểu mà nước này gọi là "vô trách nhiệm" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Biển Đông tại một diễn đàn an ninh vào cuối tuần qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ngày 3/6/2017.
Theo Reuters, ông Mattis đã cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore, ông Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực.
Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho những người đồn trú tại đó, đồng thời duy trì chủ quyền và thực hiện các trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.
Các hoạt động có chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện không liên quan gì đến việc quân sự hóa, bà Hoa nói trong bài phát biểu đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày Chủ nhật.
Bà Hoa nói thêm rằng các nước quanh khu vực Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, nhưng những kẻ khác ở bên ngoài khu vực lại "tìm cách đi ngược lại xu hướng này, liên tục đưa ra những nhận xét sai trái, phớt lờ sự thật và cố tình gây nhầm lẫn với những động cơ mờ ám".
Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng "Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi các bên liên quan ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này".
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói việc tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuần trước, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây trên một bãi đá có tranh chấp ở Biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục "bay, đi lại và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và thể hiện quyết tâm này thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và xa hơn nữa", ông Mattis khẳng định.
Bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, nhưng phản đối các cuộc biểu dương lực lượng ở Biển Đông dưới hình thức các cuộc tập trận như là những đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Reuters dẫn nguồn báo China Daily hôm thứ Hai cáo buộc Hoa Kỳ là "đạo đức giả".
Báo này nói "Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một ví dụ mới nhất về cách Hoa Kỳ bất chấp các thỏa thuận quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và ích kỷ của mình".