Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/07/2020

Chính sách Biển Đông của Mỹ : Bộ tứ lên tuyến đầu tập trận

Nhiều tác giả

Chính sách mới về Biển Đông của Mỹ có ý nghĩa thế nào ?

Gregory B.Poling, Thụy My, RFI, 16/07/2020

Chuyên gia Greg Poling : "Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc giở trò với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp, khiến Trung Quốc mang tai tiếng nhiều hơn trên trường quốc tế".

biendong01

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Nimitz được tiếp liệu trên Biển Đông ngày 07/07/2020. © U.S. Navy/Christopher Bosch/Handout via Reuters

Ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo một thay đổi quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông. Hôm sau, trợ lý ngoại trưởng David Stilwell trong cuộc hội thảo thường niên về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã làm rõ thêm vấn đề.

RFI Việt ngữ lược dịch bài viết của chuyên gia Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C.

------------------------

Thông cáo báo chí của ông Pompeo nêu cụ thể các yêu sách trên biển của Trung Quốc mà Hoa Kỳ coi là bất hợp pháp. Tuyên bố này nói rất rõ quan điểm của Mỹ, nhưng không hẳn là trái ngược với chính sách trong quá khứ.

Bản tuyên cáo lập trường này giải thích những hành động của các chính quyền trước, và mở ra con đường cho các thông điệp ngoại giao hiệu quả hơn, đáp trả mạnh mẽ hơn những hành động quấy nhiễu láng giềng của Trung Quốc. Các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực dường như đã được báo trước, chẳng hạn bộ trưởng Quốc Phòng Philippines sẵn sàng có tuyên bố tích cực trong vài giờ. Và chính sách mới đã tạo ra những phấn khích, thường là cường điệu trên báo chí và mạng xã hội.

1. Quan điểm mới của Hoa Kỳ như thế nào ?

Tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo không thay đổi tính khách quan của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Washington vẫn không có lợi ích gì khi dính vào tình hình lịch sử phức tạp, nước nào có chủ quyền trên đảo nào ở Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên từ nay Mỹ có quan điểm rạch ròi về các tranh chấp chủ quyền vùng biển và đáy biển.

Câu mở đầu viết : "Chúng tôi xin nói rõ : các yêu sách của Bắc Kinh về nguồn lợi ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch quấy nhiễu nhằm kiểm soát biển". Phần còn lại của tuyên bố giải thích ý nghĩa cụ thể.

Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ hơn nội dung phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài được triệu tập trên tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tòa án này đã trao phần thắng cho Manila trong vụ kiện Bắc Kinh. Tòa nhận định rằng Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để đòi "quyền lịch sử", hay những yêu sách khác ngoài những gì UNCLOS cho phép.

Phán quyết này vô hiệu hóa cái gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" để yêu sách chủ quyền biển. Tòa án cũng quyết định không một đảo nào ở Trường Sa hay bãi cạn Scarborough có được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bao quanh, hay thềm lục địa. Đó là những "Đá" không thể có người ở hay có đời sống kinh tế độc lập, và như vậy, chỉ có thể sở hữu lãnh hải 12 hải lý.

Quan điểm mới của Hoa Kỳ dựa theo kết luận logic của quyết định trên. Trung Quốc có thể đòi hỏi nguồn lợi của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ duyên hải phía nam của mình, và có thể tại những vùng xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mà phán quyết năm 2016 không đề cập đến. Trung Quốc cũng có thể đòi chủ quyền 12 hải lý xung quanh những "Đá" ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough (và các nước yêu sách khác cũng có thể đòi hỏi).

Tuy nhiên Bắc Kinh không thể đòi bất kỳ khu vực nào khác. Như vậy, đa số nguồn lợi Biển Đông thuộc về các quốc gia duyên hải (theo mẫu tự ABC : Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam). Hoa Kỳ nay tuyên bố rõ là việc Trung Quốc đánh cá, khai thác dầu khí và các hoạt động kinh tế khác trên các vùng này là bất hợp pháp, hoặc xâm hại đến quyền của các nước láng giềng.

Phán quyết trọng tài năm 2016 cũng kết luận nhiều thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền, nhất là Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nằm chìm dưới nước, như vậy không thể có bất kỳ yêu sách nào. Tòa cho rằng các thực thể này nằm trên thềm lục địa Philippines, quốc gia duyên hải gần nhất, nên Manila có đặc quyền.

Chính sách mới của Mỹ xác nhận điều này và áp dụng cho các thực thể chìm dưới nước khác mà Trung Quốc yêu sách : bãi cạn Luconia (Luconia Shoals) và bãi ngầm James (James Shoals) ngoài khơi Malaysia, Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ngoài khơi Việt Nam. Có nghĩa là Hoa Kỳ coi toàn bộ căn cứ quân sự Trung Quốc trên Đá Vành Khăn là bất hợp pháp, và các cố gắng của Bắc Kinh để xác quyết chủ quyền tại các địa điểm khác là vô căn cứ.

Cuối cùng, tuyên bố của ông Pompeo cho rằng việc Trung Quốc xâm phạm quyền đánh cá của Philippines tại bãi cạn Scarborough là bất hợp pháp. Cho dù thực thể này tạo ra quyền lãnh hải 12 hải lý xung quanh, phán quyết 2016 cho phép cả Trung Quốc lẫnh Philippines đều có quyền đánh cá truyền thống. Như vậy một lần nữa Hoa Kỳ không thay đổi quan điểm về chủ quyền lãnh thổ, nhưng nói rõ hơn về quyền trên biển.

2. Quan điểm này có những khác biệt gì ?

Chính quyền Obama kiên quyết ủng hộ quyền của Philippines đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài, và sau đó tuyên bố phán quyết của tòa mang tính ràng buộc theo UNCLOS, và kêu gọi cả hai bên chấp hành, tuy nhiên lại sử dụng từ ngữ thận trọng. Vài giờ sau khi phán quyết được công bố, bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố đó là quyết định "cuối cùng và mang tính ràng buộc theo luật pháp cho cả Trung Quốc và Philippines", nhưng lại nói thêm "Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và không có bình luận nào về cơ sở của phán quyết".

Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Vientiane vào cuối tháng và sau khi ghé Manila, ngoại trưởng John Kerry nhắc lại rằng phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý và kêu gọi tôn trọng. Ông Kerry nhiều lần lên tiếng ủng hộ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải nói chung. Tuy nhiên ông cũng như bất kỳ viên chức Mỹ nào khác - kể cả trong chính quyền trước đó hoặc trong ba năm đầu của chính phủ đương nhiệm - khẳng định cơ sở của phán quyết. Đây là một chọn lựa tế nhị nhưng cố ý.

Khi tham gia UNCLOS, các quốc gia chấp nhận sự liên quan về luật pháp với kết quả của bất kỳ phán quyết trọng tài nào mà họ tham gia. Tuy nhiên điều này không tự động mang lại sức nặng thông lệ quốc tế cho quyết định trọng tài, và không có nghĩa là các nhà nước khác phải đồng ý rằng các thẩm phán đã đúng hoặc tuân theo các quyết định trước. Tất cả các phiên trọng tài đều như thế, dù là giữa các Nhà nước, công ty hoặc cá nhân. Thế nên các viên chức Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân theo phán quyết, nhưng tránh gọi các hành động vi phạm của Trung Quốc là "bất hợp pháp".

Washington dành từ ngữ này cho những yêu sách thấp hơn của Trung Quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do hàng hải của Mỹ theo thông lệ quốc tế. Đó là đường lưỡi bò của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa, đòi hỏi của Bắc Kinh khi đi qua vô hại ở khu vực lãnh hải phải thông báo trước, và các mưu toan áp đặt quy định về hàng hải, hàng không xung quanh Đá Vành Khăn. Tuy Hoa Kỳ thường chỉ trích việc Trung Quốc đánh cá, thăm dò dầu khí và sách nhiễu láng giềng tại vùng đặc quyền kinh tế của các nước này, gọi đó là những hành vi "gây bất ổn", "hung hăng", nhưng tránh nói là "bất hợp pháp".

Điều này khiến ở Đông Nam Á người ta cho rằng Hoa Kỳ chỉ ưu tiên cho quyền "tự do hàng hải" của mình - mà nhiều người coi là chỉ liên quan đến các hoạt động quân sự Mỹ - chứ không phải "tự do trên biển", gồm cả các quyền kinh tế được luật pháp quốc tế bảo đảm. Các chính quyền Mỹ trước đây có coi những hành động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước láng giềng là bất hợp pháp hay không ? Hầu như là chắc chắn. Tuy nhiên Washington cho đến nay không muốn nói ra.

3. Quan điểm mới của Mỹ có thể có những tác động nào ?

Luận điểm mới này tự nó không gây tác động, nhưng việc khởi đầu cho nỗ lực lâu dài nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá, và ủng hộ các đối tác của Mỹ, có thể đầy ý nghĩa. Tác động tức khắc của sự thay đổi quan điểm này là trên mặt trận ngoại giao.

Tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với các hành vi "bất hợp pháp" dễ hơn rất nhiều so với các hành động chỉ đơn thuần gây khó chịu hoặc tạo bất ổn. Tác hại cũng nhiều hơn đối với một quốc gia đang mong muốn trở thành lãnh đạo toàn cầu nhưng lại bị tố cáo là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Các viên chức Mỹ chừng như bắt đầu sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn trong các thông cáo và các diễn đàn quốc tế, đồng thời gây áp lực lên các đối tác và đồng minh để hành xử tương tự. Điều này được chờ đợi không chỉ tại các hội nghị khu vực như thượng đỉnh Đông Á, nhưng cả ở các tổ chức như "Bộ Tứ" (Quad), nhóm G7, và nhiều cuộc họp song phương, tam phương khác nhau.

Điều này có thể khuyến khích các nước đòi hỏi chủ quyền ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines có thể tự vệ một cách mạnh mẽ hơn. Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc giở trò với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp trên, khiến Trung Quốc mang tai tiếng nhiều hơn trên trường quốc tế. Cách tiếp cận này có thể càng mở rộng hơn sau tháng 11, và chính quyền mới của Mỹ khó thể quay ngược lại.

Với chính sách mới, Trung Quốc có thể phải trả giá nhiều hơn về kinh tế. Khi tố cáo quá nhiều hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển, chính phủ Mỹ có thể minh chứng cho việc trừng phạt các công ty và định chế Trung Quốc tiến hành những hoạt động đó. Điều này dẫn đến một loạt những mục tiêu tiềm năng rộng lớn và kịp thời hơn so với các đạo luật trừng phạt của Hoa Kỳ trước đây. Các dự luật trình bày tại Quốc Hội năm 2017 và 2019 chẳng hạn, sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đào đắp, xây dựng và các hành động khác của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo.

Trong phần trình bày tại CSIS, ông Stilwell đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các công ty quốc doanh Trung Quốc trong các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Ông tuyên bố : "Chúng ta cần phải đưa ra ánh sáng về cung cách hoạt động của các công ty này trên thế giới, kể cả tại Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Tại tất cả xã hội chúng ta, công dân có quyền biết được những khác biệt giữa các công ty thương mại và các công cụ của một cường quốc bên ngoài". Và khi được hỏi, nếu chính sách mới của Mỹ có thể dẫn đến việc trừng phạt các định chế Trung Quốc hay không, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói rằng khả năng này "đang được đặt trên bàn".

Quốc hội có sự ủng hộ rất lớn đối với chính sách mới. Trong những giờ đầu sau khi công bố, chủ tịch và các thành viên uy tín của Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện và Hạ Viện đưa ra tuyên bố lưỡng đảng, ủng hộ chủ trương của chính phủ.

Tất nhiên là chính sách này cũng có những bất tiện, trước mắt là làm tăng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington. Lần tới, khi Trung Quốc lại đi quấy nhiễu bất hợp pháp các láng giềng trong vùng đặc quyền của các nước này, sự đáp trả mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ có thể làm tình cảm dân tộc chủ nghĩa tăng gấp đôi. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc tỏ ra ngạo mạn thay vì giảm thang xung đột với các láng giềng.

Tuy nhiên về lâu về dài, nếu thành công trong một chính sách rộng lớn hơn cùng với việc gây áp lực lên Bắc Kinh và một liên minh quốc tế rộng hơn để hỗ trợ cho các đối tác Đông Nam Á, chính sách mới của Hoa Kỳ có thể khiến Trung Quốc phải hướng về một sự thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận. Và rốt cuộc, đó là cơ hội tốt nhất để xử lý tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.

Gregory B. Poling

Nguyên tác : How Significant is the New U.S. South China South Policy ?, AMTI, 14/07/2020

Thụy My dịch

Nguồn : RFI, 16/07/2020

********************

Úc sẽ tham gia tập trận của "Bộ tứ" nhằm đối phó Trung Quốc

Thụy My, RFI, 15/07/2020

Đài truyền hình Úc ABC hôm 14/07/2020 cho biết có nhiều khả năng Úc sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong chiến lược ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc.

biendong2

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia cuộc tập trận chung Malabar 2015. Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 18/10/2015. AFP - MCS CHAD M. TRUDEAU

Bốn quốc gia dân chủ hợp thành "bộ tứ" (Quad) đang siết chặt hợp tác quân sự để đối phó với các hành động hung hăng của Bắc Kinh. Từ 5 năm qua, Úc đã thúc giục nhưng Ấn Độ vẫn do dự. Tuy nhiên nay nhiều tờ báo Ấn Độ dẫn các nguồn tin thông thạo cho biết New Delhi sẽ chính thức mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar sắp tới.

Đây sẽ là một chiến thắng ngoại giao quan trọng đối với Úc. Mặc dù từ 2017, bốn nước "Quad" đã tăng cường đối thoại về an ninh, nhưng việc mở rộng cuộc tập trận Malabar là một lợi thế quân sự. Lâu nay Ấn Độ vẫn nghi ngờ sự cam kết của Úc về quốc phòng, nhất là khi chính phủ Rudd từ chối tham gia năm 2008 ; và New Delhi cũng không muốn chọc giận Trung Quốc.

Ấn Độ và Úc cũng tăng cường quan hệ song phương, ký kết hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, và một thỏa thuận cho phép đôi bên được vào các căn cứ quân sự của nhau.

Cựu phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ DK Sharma nói với ABC, việc Úc tham gia cuộc tập trận Malabar tạo ra một "liên minh hải quân có cùng quan điểm, các nền dân chủ có cùng tầm nhìn về Ấn Độ-Thái Bình Dương". Việc hai nước xích gần lại với nhau là một bất ngờ cho Trung Quốc vốn thích "bẻ đũa từng chiếc một".

Cũng tại Châu Á, báo chí Kuala Lumpur dẫn một báo cáo công bố hôm qua 14/07 tiết lộ các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển Malaysia đến 89 lần từ năm 2016 đến 2019, với ý đồ xác quyết chủ quyền. Malaysia đã năm lần phản ứng về mặt ngoại giao.

Thụy My

*******************

Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh chính sách Biển Đông của mình ?

Trương Hoàng Phương, RFA, 14/07/2020

Ngày 14/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ra tuyên bố lập trường của Washington đối với những yêu sách biển của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng ; việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên trên hầu hết Biển Đông cũng như tiến hành những chiến dịch để kiểm soát vùng này là bất hợp pháp.

hoaky1

Tàu chiến USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 11/4/2017 Reuters

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao nêu rõ : Mỹ tìm cách gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông, duy trì tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ cho lưu lượng thương mại không bị cản trở và chống lại bất cứ âm mưu nào muốn sử dụng sự cưỡng ép hay vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ chia sẻ những lợi ích sâu sắc với nhiều đồng minh và đối tác vốn từ lâu ủng hộ trật tự quốc tế căn cứ trên luật lệ. Những lợi ích cùng chia sẻ này đang chịu sự đe dọa chưa từng thấy từ Trung Quốc. Ông Pompeo tố cáo Bắc Kinh sử dụng sự uy hiếp để phá hoại quyền chủ quyền của các nước ven Biển Đông Nam Á tại Biển Đông, ức hiếp và đẩy các nước ra khỏi các nguồn tài nguyên ngoài khơi, áp đặt sự chiếm lĩnh đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế theo kiểu "chân lý thuộc về kẻ mạnh".

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng "mọi người đã thấy rõ cách thức của Bắc Kinh trong nhiều năm qua" và dẫn chứng lời cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2010 phát biểu trước các đối tác ASEAN rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, đó là sự thật". Ngoại trưởng Pompeo khẳng định : "Quan điểm xâm chiếm thế giới của Trung Quốc không có chỗ đứng trong thế kỷ 21".

Vẫn theo lời Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để áp đặt ý định đơn phương trong khu vực cũng như không đưa ra được cơ sở pháp lý thích đáng về "đường 9 đoạn" tại Biển Đông kể từ khi chính thức loan báo vào năm 2009. Trong quyết định ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế - được thành lập theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên - đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc, gọi tuyên bố này là vô căn cứ theo luật quốc tế và đứng về phía Philippines - quốc gia đưa vấn đề ra tòa trọng tài.

hoaky2

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại một họp báo tại Washington DC hôm 9/11/2018 AFP

Như Mỹ đã tuyên bố trước đây và theo những qui định rõ ràng của UNCLOS, quyết định của Toà án Trọng tài mang tính chung thẩm và ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên. Mỹ đứng về phía phán quyết của Tòa án liên quan tới các yêu sách biển ở Biển Đông, cụ thể như sau :

- Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách biển một cách hợp pháp-bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào phát xuất từ Bãi cạn Scarborough và Quần đảo Trường Sa - so với Philippines trong những khu vực mà Tòa phát hiện nằm trong vùng EEZ của Philippines hay thềm lục địa của nước này. Việc Bắc Kinh quấy nhiễu các hoạt động đánh bắt cá và khai thác năng lượng ngoài khơi của Philippines trong những khu vực này là bất hợp pháp, cũng như bất cứ hoạt động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên đó. Cùng với quyết định ràng buộc pháp lý của tòa án, Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ hay yêu sách biển hợp pháp tại Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai thực thể này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Bắc Kinh cũng không thể có bất cứ yêu sách lãnh thổ hay yêu sách biển phái sinh từ những thực thể này.

- Vì Bắc Kinh không đưa ra được yêu sách nào trên Biển Đông hợp lý và hợp pháp, nên Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối các vùng biển bên ngoài 12 hải lý tính từ các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa. Do đó, Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, Bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng biển trong khu vực EEZ của Brunei và Natuna Besar ngoài khơi Indonesia. Bất cứ hành động nào của Trung Quốc quấy nhiễu việc đánh cá hay việc khai thác dầu khí của các nước khác trong các vùng biển này - hoặc tiến hành các hoạt động đơn phương như thế, là bất hợp pháp.

- Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ hay yêu sách biển hợp pháp đối với (hoặc xuất phát từ) Bãi ngầm James, một thực thể hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được ghi trong các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc là "lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc". Luật quốc tế ghi rõ là : Một thực thể chìm dưới nước như Bãi ngầm James không thể bị tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra vùng biển kèm theo được. Bãi ngầm James (chìm gần 20 mét dưới mặt biển) không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như Bắc Kinh không bao giờ có thể khẳng định các quyền về biển hợp pháp từ Bãi ngầm này.

Ngoại trưởng Mỹ kết luận : Thế giới không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông với tư cách như là đế chế biển của Trung Quốc. Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của các nước này đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của các nước theo luật quốc tế. Mỹ cũng đứng về phía cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, bác bỏ bất cứ lực đẩy nào áp đặt "mạnh thì thắng" tại Biển Đông hay tại khu vực rộng lớn hơn.

Các thông điệp gửi đi từ tuyên bố này

Việc công khai những quan điểm này được đưa ra một ngày sau kỷ niệm 4 năm phán quyết của tòa trọng tài thường trực hồi tháng 7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là tuyên bố mạnh mẽ mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thách thức Trung Quốc, nước mà Trump ngày càng coi là kẻ thù trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Có một số thông điệp đáng lưu ý ở đây.

Thứ nhất, động lực thúc đẩy việc ra tuyên bố lần này dường như xuất phát các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước đây, Mỹ đã có những phát biểu tương tự nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn. Năm 2019, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra những tuyên bố kêu gọi Trung Quốc ngừng hành động "bắt nạt" Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội.

Thứ hai, quan điểm của Washington về tự do hàng hải và tự do hàng không hầu như không thay đổi, theo đó Mỹ xác định tự do hàng hải là một lợi ích cốt lõi của họ ở Biển Đông. Quan điểm này được đưa ra từ nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Thứ ba, về mặt pháp lý, Washington khẳng định rằng Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ ở khu vực" và Bắc Kinh không "đưa ra được cơ sở pháp lý chặt chẽ về tuyên bố cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đường này từ năm 2009". Để hậu thuẫn 2 sự khẳng định này của mình, Mỹ đã viện dẫn phán quyết của tòa trọng tài thường trực hôm 12/7/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhận thức mới về quan điểm của Mỹ nói trên có thể mở ra một mặt trận mới về cách thức Trung Quốc chọn cách đối phó với những hoạt động quân sự của Mỹ diễn ra hiện nay ở Biển Đông. Sự thay đổi chính sách nói trên của Mỹ trùng với sự thay đổi của Philippines về vấn đề Biển Đông. Manila gần đây đã một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài, trong đó vô hiệu hóa những yêu sách tham lam của Trung Quốc tại Biển Đông dựa trên các căn cứ lịch sử mà không có bất kỳ khả năng thỏa hiệp nào. Ngoại trưởng Philipines Teodoro Locsin Jr. đã đưa ra lời kêu gọi nói trên nhân lễ kỷ niệm ngày 12/7/2016, ngày Toà trọng tài đưa ra phán quyết mà ông cho rằng đã giải quyết một cách thuyết phục vấn đề quyền lịch sử và các quyền lợi biển tại Biển Đông dựa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ông Locsin tuyên bố : "Phán quyết này là không thể đem ra thương lượng. Tòa án có thẩm quyền đã phán quyết rằng những tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển này là không có cơ sở pháp lý". Đây là tuyên bố đanh thép nhất mà Philippines đưa ra cho tới nay liên quan phán quyết mang tính bước ngoặt này.

Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh chính sách Biển Đông của mình ?

Tuyên bố về quan điểm của Mỹ về Biển Đông nói trên được đưa ra giữa lúc xảy ra những căng thẳng gia tăng liên quan Trung Quốc, bao gồm vụ đụng độ biên giới hồi tháng 6/2020 giữa Trung Quốc và Ấn Độ mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là một phần của chiến lược của Bắc Kinh gây thách thức các nước láng giềng. Trước đó, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng sau khi Trump chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh không nỗ lực nhiều hơn nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trump cũng tăng cường sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo. Hồi tuần trước, Mỹ đã áp đặt các đòn trừng phạt đối với giới chức Trung Quốc.

Chính sách của Mỹ trước đây tỏ ra "mơ hồ" ở chỗ nó chủ yếu giới hạn trong việc kêu gọi đảm bảo quyền "tự do hàng hải" ở Biển Đông vốn rất quan trọng đối với các tuyến thương mại toàn cầu. Ngoài ra, Washington cũng kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế, song Washington không thể hiện quan điểm về tính hợp pháp trong các yêu sách biển của bất cứ bên nào. Cho dù Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch kéo dài nhiều năm để xây dựng các căn cứ và các tiền đồn khác trên các bãi cát, đá ngầm và các mỏm đá như một cách để khẳng định yêu sách của mình.

Bằng cách gọi những yêu sách biển của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi Biển Đông là bất hợp pháp và ủng hộ một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Mỹ đã đảo ngược chính sách được cho là theo "chủ nghĩa biệt lập" của mình và đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ với các đối tác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Australia.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không chỉ là một sự thể hiện ý chí chính trị to lớn của Mỹ là sát cánh với các đồng minh của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn là một sự củng cố trên tiền tuyến ở Biển Đông. Một nhà quan sát về vấn đề Trung Quốc nhận định : "Tuyên bố này đã thay đổi quan niệm rằng chính quyền Trump chỉ hướng nội và có chủ trương biệt lập. Bằng cách công khai lập trường rõ ràng về Biển Đông, đây là một lời tái khẳng định học thuyết của Mỹ đối với khu vực này. Nó chỉ ra rằng Mỹ vẫn kiên định sát cánh cùng với các đồng minh của mình như Philippines và Việt Nam, cũng như công nhận các tuyên bố chủ quyền của Indonesia và Malaysia chống lại sự chèn ép của Trung Quốc trong khu vực này".

Tuyên bố về Biển Đông của Mỹ không chỉ thách thức Trung Quốc mà còn là một lời cam kết ủng hộ đanh thép đối với các quốc gia khác như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc.

Trương Hoàng Phương

Nguồn : RFA, 14/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gregory B.Poling, Thụy My, Trương Hoàng Phương
Read 939 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)