Chiến – Chinh, ví dụ mới về các đại hội của đảng
Trân Văn, VOA, 24/07/2020
Tỉnh ủy Bắc Ninh, Thành ủy Bắc Ninh vừa rủ nhau làm một việc khiến những tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng như những hứa hẹn của Ban chấp hành trung ương đảng về chấn chỉnh "qui hoạch nhân sự" cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, bảo đảm việc lựa chọn – sắp đặt các cá nhân làm lãnh đạo cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền tại Việt Nam ở nhiệm kỳ tới (2016 – 2021) khách quan, chính xác trở thành vô nghĩa.
Chiến (trái) – Chinh (phải), ví dụ mới về các đại hội của đảng - Hình minh họa.
***
Tuần này, Thành ủy thành phố Bắc Ninh đã tổ chức một… hội nghị chỉ để công bố quyết định mới nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về công tác cán bộ :"Điều động" ông Nguyễn Nhân Chinh – Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Do vậy, ông Chiến được "chỉ định" tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025 (1).
Quyết định vừa kể là bằng chứng mới nhất cho thấy, những đại hội đảng đã cũng như đang và sẽ còn được tổ chức đảng các cấp, thuộc đủ mọi ngành bày ra trên toàn Việt Nam cho đến quý một năm tới, không chỉ ngốn nhiều ngàn tỉ tiền thuế, lãng phí quỹ thời gian lẽ ra phải dành cho dân, cho nước, mà còn hết sức giả dối vì làm giả… "dân chủ trong đảng", lừa cả đồng chí, đồng đội lẫn đồng bào.
Khi tổ chức đảng cấp trên có quyền viện dẫn đường lối, chủ trương và sử dụng "qui hoạch nhân sự" để "điều động" cá nhân nào đó làm Bí thư, "chỉ định" những cá nhân nào đó tham giaBan chấp hành, Ban thường vụ như trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh, rõ ràng việc tổ chức giới thiệu, rồi bỏ phiếu bầu hay bỏ phiếu chọn đại biểu đi dự đại hội đảng cấp cao hơn là trò diễn kịch dễ làm thiên hạ… khóc vì bị buộc phải… xem !
***
Cho dù khả năng ngạc nhiên của dân chúng Việt Nam đã giảm đáng kể khi từng phải xem quá nhiều trò hề nhưng vụ "điều động" ông Nguyễn Nhân Chinh làmBí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh và "chỉ định" ông Chinh tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025 vẫn khuấy động dư luận vì vở kịch vốn rất dở này quá… dài mà gánh diễn vẫn độc chiếm sân khấu !
Ông Nguyễn Nhân Chinh – nhân vật vừa được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh "điều động, chỉ định" – vốn đã được công chúng thuộc tên, biết mặt từ lâu. Thiên hạ chú ý tới ông không phải vì tài năng, đức độ mà vì ông là con của ông Nguyễn Nhân Chiến – người mà suốt từ năm 2011 tới nay vẫn "một mình, một cõi" ở Bắc Ninh (2011 – 2015 là Chủ tịch tỉnh, 2015 đến nay là Bí thư tỉnh).
Cách nay khoảng ba năm – tháng 5 năm 2017 – trong vai Đại biểu Quốc hội, ông Chiến đề nghị đưa vào Dự luật sửa Luật Tố cáo qui định : Cấm đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội để ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hình thức truyền thông mới để bôi nhọ, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, danh dự của tổ chức cá nhân(2). Với cách thức tiếp nhận – giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Việt Nam như đã biết, đề nghị của ông Chiến không được ủng hộ…
Không rõ ông Chiến "nhìn xa, thấy rộng" hay để góp phần lý giải vì sao ông Chiến dị ứng với việctố cáo trên mạng xã hội, chừng một tháng sau, một số facebooker giới thiệu gia đình, gia tộc ông Chiến như điển hình của tình trạng "cả họ làm quan" :
- Ngô Thị Khường (vợ ông Chiến) – Phó Phòng Bảo hiểm xã hội thành phố Bắc Ninh. Nguyễn Nhân Chinh (con trai) - Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh. Nguyễn Nhân Đạt (con trai) – Trưởng phòng Thi đua khen thưởng Sở Nội vụ Bắc Ninh. Chu Thị Ngân (con dâu) – Trưởng phòng Dân vận của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. Nguyễn Minh Huệ (con dâu) – Phó Phòng Kinh tế đối ngoại của Sở Kế hoạch và đầu tư.
Tuy nhiên đó chỉ là… tạm tính trong phạm vi gia đình, ở phạm vi gia tộc, tương quan Nguyễn Xuân Chiến, Bí thư tỉnh Bắc Ninh với các viên chức trong tỉnh là "thân bằng, quyến thuộc" còn phong phú hơn (3) :
- Nguyễn Nhân Thắng (em ruột) – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh. Nguyễn Nhân Bình (em ruột) – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du. Nguyễn Thị Ngọc (em ruột) – Trưởng Phòng Công tác Học sinh sinh viên Sở Giáo dục Đào tạo. Lại Thị Nguyệt (em dâu) – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh. Trần Thị Bích Liên (em dâu) – Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Trọng Oanh (em rể) – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Nguyễn Nhân Lừng (anh con bác ruột) – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Việt Giang (anh con bác ruột) – Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Nhân Giang (cháu) – Phó Công an huyện Tiên Du. Nguyễn Nhân Cường (cháu) – Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Thu Hương (cháu) – Phó Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Bắc Ninh. Tạ Thị Huyền (cháu) – Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nguyễn Nhân Công (Trưởng họ) – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc…
Danh sách vừa kể chưa ngừng ở đó, người dùng mạng xã hội còn liệt kê một số trường hợp khác có "dây mơ, rễ má" với ông Chiến vì là thân nhân của… con dâu, em rể ! Lúc ấy, "tức cảnh, sinh tình", ngoài bình luận, có facebooker như Lê Xuân Thủy, phóng bút, viết hẳn một bài vè, lưu ý : …Còn rất nhiều trường hợp. Trên đất nước Việt Nam. Đều làm quan cả họ. Nhưng rất đúng quy trình (4).
Có một điểm đáng chú ý : Tuy ông Chiến - Ủy viên Ban chấp hành trung ương – nổi lên như điển hình của thực trạng "một người làm quan, cả họ được nhờ", khiến công chúng bất bình, chỉ trích kịch liệt cả "qui hoạch nhân sự" – vốn là đường lối, chủ trương nhất quán của đảng – cũng như "công tác cán bộ" – vốn vẫn được đảng khẳng định là khách quan, chặt chẽ - nhưng không cá nhân, cơ quan hữu trách nào lên tiếng xác định thực – hư để xử lý !
Chẳng biết có phải vì thế mà… đùng một cái, tuần này, xảy ra thêm sự kiện ông Nguyễn Nhân Chinh được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh – cơ quan do cha ông điều hành - "điều động" làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh và "chỉ định" tham gia vào Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành ủy của thành phố Bắc Ninh mà không cần đến bất cứ phiếu bầu nào của bất kỳ đảng viên nào !
Phạm Minh Vũ – một trong nhiều facebooker nêu nhận xét về trường hợp "điều động" ông Chinh làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh – lưu ý :Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp chuyên ngành… Cờ vua, hệ Tại chức của Đại học Thể dục Thể thao. Tương lai thành phố Bắc Ninh trong năm năm tới nằm trong tay một người như vậy vẫn… chẳng có gì lạ. Các tiến sĩ, giáo sư học thật đều phải cúi đầu nghe lệnh hắn, thực thi kế hoạch phát triển do hắn hoạch định (5) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/07/2020
Chú thích :
(2) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/de-nghi-khong-dua-don-to-cao-len-mang-xa-hoi-375663.html
(3) https://kimdunghn.wordpress.com/2017/06/01/ca-nha-bi-thu-tinh-uy-bac-ninh-lam-quan/
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=774791076040559&id=100005290218541&hc_location=ufi
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=660419754817177&set=a.105141210345037&type=3&theater
*********************
Con lãnh đạo lại làm lãnh đạo - dân cười, vì sao ?
Diễm Thi, RFA, 24/07/2020
Cả họ làm quan
Chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh được điều động làm bí thư thành ủy Bắc Ninh bị dư luận xã hội đem ra châm chọc, mỉa mai trên mạng xã hội kèm những icon mặt cười. Chẳng hạn như : "Một người làm quan cả họ được nhờ. Cả họ làm quan, chất kịch độc cho dân tộc" ; "Tương lai dân Bắc Ninh sẽ giỏi cờ vua" ; "Nhân giống thuần chủng" ; "Nguyễn Thành Ủy con của Nguyễn Tỉnh Ủy, cháu Nguyễn Quân Ủy. Ủy nào cũng là quỷ"…
Ông Nguyễn Nhân Chinh nhận quyết định bổ nhiệm vị trí bí thư thành ủy Bắc Ninh. Ảnh : Thành ủy Bắc Ninh
Ông Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua ; thạc sĩ quản lý giáo dục. Vào đảng năm 2011. Ông Chinh là con trai ruột của ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Báo trong nước dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên trung ương đảng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương rằng, ông chưa tiếp cận với văn bản nào cấm việc bố làm bí thư tỉnh ủy và con làm bí thư thành ủy.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng từng nói với RFA rằng, luật pháp phải có quy định. Quyền lực nếu không muốn trở thành một trò chơi nguy hiểm cho chính nó và cho cả chế độ thì quyền lực ấy phải được kiểm soát bởi một chế độ kiểm soát quyền lực. Cho đến giờ này, luật pháp Việt Nam không có đoạn nào cấm người ta sử dụng con cháu vào cơ quan hay tổ chức của mình cả. Điều đó chỉ có quy định trong nội bộ đảng thôi.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu suy nghĩ của ông về phản ứng của những người dân khi các lãnh đạo lại có con làm lãnh đạo như trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh :
"Họ cười cợt là phải vì hầu như họ thấy những chức vụ trong chính quyền nó giống như là những món quà trong gia đình người ta ban phát cho nhau. Ví dụ như người vừa được điều động làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, về học vấn lại là cử nhân cờ vua mà lại nắm một chức vụ rất cao trong đảng như vậy. Trong tỉnh Bắc Ninh thì ông cha là người đứng đầu, Bí thư tỉnh ủy, còn ông con là Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, một thành phố thủ phủ của tỉnh Bắc Ninh".
Sở dĩ người dân mỉa mai, cười cợt như vậy có lẽ vì đây không phải lần đầu họ được nghe những tân lãnh đạo có quan hệ thân thuộc ruột thịt với những vị lãnh đạo đương chức. Có những ‘con quan’ giữ chức cao khi còn rất trẻ, con đường thăng tiến quá nhanh.
Một trong những lãnh đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ hai năm trước đây là ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Trong đó có vợ ông, em trai ông, em gái ông, em rể ông, anh và em họ ông.
Còn những trường hợp con quan lại làm quan khi còn rất trẻ có thể kể đến là ông Nguyễn Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương. Ông Anh được đề bạt lên tới chức bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi ; Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được giữ chức Phó chủ tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm bí thư tỉnh khi mới 39 tuổi ; Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh, được bổ nhiệm chức giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi mới 30 tuổi ; Lê Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, được đề bạt lên phó bí thư quận ủy, chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi…
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định, một người nào đó con ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Đằng sau nó là vấn đề thể chế :
"Sở dĩ ở Việt Nam người ta phản ứng ầm ỹ vì ai cũng biết đằng sau việc thăng quan tiến chức đó không phải do lựa chọn một cách dân chủ, mà do ý chí của một người có quyền lực họ đưa lên. Như thế, đằng sau nó là một thể chế chứ không phải là một phản ứng xã hội bình thường đâu".
Liệu có thực tài ?
Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Đà Nẵng dự một cuộc họp ở Hà Nội hôm 24/3/2017. Reuters
Trong một lần trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào năm 2015, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu rằng, con em lãnh đạo lại tiếp tục được giao trọng trách lãnh đạo thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của đảng. Không có gì nghi ngại cả. Đó là sự kế thừa truyền thống, họ giữ gìn truyền thống đó và biết phát huy truyền thống đó để làm tiếp sự nghiệp mà cha ông họ đã đi.
Theo bà, ở tuổi trên dưới 40 không thể gọi là trẻ để đảm nhận những chức danh như bí thư tỉnh ủy.
Không chỉ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu như vậy, bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016 cũng từng nói, có những gia đình có tố chất di truyền. Tố chất ấy được thể hiện trong lãnh đạo, trong các ngành chuyên môn.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, người dân phản ứng là họ lên tiếng về vấn đề bổ nhiệm chứ không phải chuyện có tài hay không. Ông nói :
"Cũng có thể họ có tài thật sự nhưng có điều chưa thấy cái tài nó phát lộ ra, công chúng không nhìn thấy. Nhưng đó không phải là điều công chúng quan tâm. Điều họ quan tâm là đầu vào của chức vụ lãnh đạo. Họ quan tâm là tại sao, bằng cách nào mà người đó lại giữ chức vụ cao như vậy ? Nếu như họ không phải là con các quan chức lãnh đạo thì liệu họ có khả năng leo lên chức vụ cao như vậy không ?".
Theo ghi nhận của RFA, người dân phản ứng với việc ‘con quan lại làm quan’ không hẳn vì khả năng, vì thực tài của những con quan đó. Điều người dân quan tâm là làm sao để tất cả những ai có thực tài đều có cơ hội bước vào các vị trí lãnh đạo trong chính phủ để xây dựng đất nước. Với thể chế như hiện nay thì những cán bộ thực tài có thể sẽ bị mang tiếng oan, có những người thực sự giỏi không được trọng dụng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu nhận xét :
"Nói cho đúng thì không phải cứ con lãnh đạo thì không có thực tài. Nhưng như đã nói, nếu mà theo một sự lựa chọn bình thường thì khó lòng mà tưởng tượng họ đi lên nhanh như vậy. Tại sao họ đi lên nhanh được như thế ? Cái đó do quyền lực thôi. Do ý chí của một cá nhân nào đó đưa người này người kia lên theo kiểu mà người ta gọi là ‘nhất quan hệ’...
Một người nào đó con ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Nó đặt ra vấn đề là đất nước chọn người lãnh đạo không qua bầu cử thực sự dân chủ. Chính vì thế mà có thể có một con quan to có năng lực thực sự có thể bị mang tiếng oan. Mà người muốn đưa người này lên đôi khi họ cũng ngại vì mang tiếng".
Ở Việt Nam cũng có những cuộc thi tuyển công chức hoặc những cuộc thi tuyển lãnh đạo, nhưng đa số người dân cho rằng đó chỉ là "đầu voi, đuôi chuột". Những cuộc thi tuyển như vậy không bảo đảm được mức độ công bằng, vô tư, khách quan mà hầu như chỉ mang tính hình thức.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 24/07/2020