Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/07/2020

Quyền riêng tư tại Việt Nam và việc thực thi tùy tiện !

Cao Nguyên

Ngày 15/7 vừa qua, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã thực hiện ca phẫu thuật tách hai bé gái một tuổi bị dính với nhau ở vùng xương chậu.

quyen1

Cặp song sinh được mổ tách thành công ở Việt Nam (anninhthudo) - Ảnh minh họa

Một tuần sau ca đại phẫu, hai bé đã tỉnh và đang trong quá trình hồi phục. Đông đảo người dân dõi theo sự kiện này qua báo chí đều vui mừng vì kết quả ca mổ thành công, hai bé được tách rời an toàn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc các tờ báo trong nước đưa những hình ảnh cận mặt, rõ nét cơ thể của 2 cháu bé lên mặt báo là hành vi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của các cháu sau này.

Bà Trần Thu Hà, nhà một nhà báo trong nước, thậm chí nêu quan điểm trên trang cá nhân rằng, cách làm truyền thông như thế là "tàn nhẫn" :

"Hình ảnh 2 bé với phần cơ thể có dị tật được chụp cận cảnh, rõ nét và đăng tơ hơ trên báo. Mặt mũi, tên họ, ngày sinh, phần dưới của cơ thể, không được làm mờ hay viết tắt. Rồi những hình ảnh bố mẹ bé núp trong góc hành lang che mặt khóc, cũng bị các phóng viên dí máy vào chụp.

Cứu em bé, nhưng tại sao lại hủy hoại lòng tự trọng và sự riêng tư của gia đình người ta ?

Chưa kể trong phòng mổ phải vô trùng nghiêm ngặt, mà người chụp hình đông như quân Nguyên. Chụp bằng điện thoại nữa chứ. Sau những ngày Covid-19, trẻ con cũng biết rằng điện thoại cầm tay mang rất nhiều vi trùng, vi khuẩn.

Lúc cầm dao mổ, bác sĩ cần được bình tĩnh và tập trung cao độ, 1 sai sót dù chỉ tích tắc cũng là sinh tử, vậy mà phòng mổ lại như showbiz.

Lẽ nào an toàn của bệnh nhân được xếp sau sự thoả mãn hiếu kỳ của người đọc ?".

Trên phương diện luật pháp, luật sư Ngô Anh Tuấn, từ Hà Nội nói với RFA rằng trong trường hợp này, nếu cha mẹ là người giám hộ các bé mà đồng ý thì việc đăng tải hình ảnh như vậy không vi phạm luật về quyền cá nhân riêng tư :

"Chiếu theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, cái này là do các cháu bé đang ở trong độ tuổi dưới vị thành niên. Cho nên, người giám hộ sẽ quyết định. Bố mẹ của hai cháu bé là người quyết định có cho phép hay không đưa hình của các cháu lên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc báo chí.

Nếu bố mẹ đã chấp thuận rồi thì việc đưa tin của báo chí là hợp pháp, không vấn đề gì. Còn ngược lại, nếu như bố mẹ mâu thuẫn với báo chí truyền thông thì họ có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường về việc làm tổn hại đến gia đình và cháu bé".

Một trường hợp khác mà báo chí trong nước cũng đặc biệt quan tâm, tường thuật liên tục thời gian vừa qua là tin tức về bệnh nhân người Anh nhiễm Covid-19 thứ 91 ở Việt Nam. Ca chữa trị này dường như được báo chí đẩy mạnh, nhằm tuyên truyền cho việc chống dịch Covid-19, được đánh giá là thành công của Việt Nam.

Tuy nhiên, bệnh nhân này kiên quyết từ chối cho báo chí Việt Nam đưa hình ảnh của mình lên mặt báo và cũng không muốn xuất hiện trong lễ xuất viện để nói lời cảm ơn như tất cả các bệnh nhân khác vẫn làm.

Môt số cơ quan truyền thông tại Việt Nam lên tiếng về điều này như mạng báo VOV có bài viết với tiêu đề "Bệnh nhân người Anh - Rối loạn tâm lý hay một kiểu "chảnh" ?". Nội dung bài báo chỉ trích ông này đã không cho báo chí đưa tin, nói đó là cách cư xử "không phù hợp với bối cảnh cụ thể".

Báo chí và quyền riêng tư của nghi can, bị can

Ngoài ra, còn một số trường hợp khác mà báo chí nhà nước cũng đã đưa hình ảnh, thông tin của người khác lên mặt báo, có thể gây tổn hại cho cuộc sống của họ. Điển hình là chuyện báo chí lâu nay vẫn luôn đăng tải hình ảnh các nghi can, đặc biệt là nghi can của các vụ hình sự trọng án, hay các bị can khi ra tòa xét xử mà chưa bị kết tội thành án.

Ông H., một người từng làm việc cho tờ báo Tuổi Trẻ, chuyên về mảng nội chính, phải thường xuyên đưa tin ở tòa án cho biết, phóng viên được tự do tác nghiệp trong toà, trừ một vài trường hợp đặc biệt :

"Chuyện chụp hình trong tòa án là tự do. Nhưng cũng tùy vào từng vụ án. Nếu những vụ án được xã hội quan tâm nhiều quá hoặc liên quan đến chính trị thì thường thường nhà báo phải đăng ký và nộp thẻ tác nghiệp và chủ tọa cho phép thì mới được".

Ngoài ra, ông H. nói tòa báo không có quy tắc chung nào về việc bảo mật thông tin cho đối tượng được nói tới trong bài báo mà cũng không lo bị kiện cáo gì :

"Trong bản tin mình viết về bị cáo A, thì họ còn bắt mình phải chụp cho được tấm hình của bị cáo A để đưa lên cho có sức thuyết phục, chứ không bảo mật gì.

Không sợ kiện cáo gì cả. Đi tù hết rồi thì kiện cáo gì nữa".

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết hành vi tự ý đăng hình nghi can, bị can, diễn ra tràn lan suốt một thời gian dài, riết rồi người ta cho đó là hợp pháp :

"Đó rõ ràng cũng là một hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cái việc vi phạm này diễn ra tràn lan suốt một thời gian dài lâu nay rồi cho nên người ta cứ tưởng như việc đưa tin như vậy là hợp pháp, và người ta cứ làm liên tục.

Nhưng mà một số tờ báo lớn cũng thận trọng khi đưa tin những người có vai vế trong xã hội thì người ta lại hay che mặt đi. Một số tờ báo lớn đã ý thức được rằng cái việc vi phạm này có thể vào một thời điểm nhất định nào đó sẽ bị xử lý. Cho nên họ cẩn trọng trong việc đưa tin".

Nghi can, bị can là những người gần như không có khả năng phản ứng trước các hành vi báo chí tự ý sử dụng hình ảnh của mình. Theo luật sư Tuấn, để tự bảo vệ quyền lợi, nghi can, bị can có thể trực tiếp hoặc thông qua người đại diện yêu cầu báo chí, truyền thông sử dụng hình ảnh của mình đúng luật :

"Vậy thì, trong trường hợp này, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp trong vụ án đó có quyền yêu cầu tờ báo đó, hoặc thông qua người đại diện của họ yêu cầu tờ báo đó hoặc các trang thông tin điện tử, hoặc các kênh truyền thông phải che mặt của mình.

Trong trường hợp họ có yêu cầu mà không được đáp ứng thì có quyền kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường để xử lý những người đưa tin đó".

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nói thêm rằng ranh giới giữa việc vi phạm quyền riêng tư hay không còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, xét trên nhiều khía cạnh khác nhau :

"Vẫn còn một khía cạnh khác, việc đưa tin bị can, bị cáo được đưa ra xét xử đã tuyên là có tội rồi, và việc đưa tin đó nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, thì đó là được xem là một hành vi hợp pháp. Cho nên, phải tùy vào khía cạnh, không nhất thiết trong mọi trường hợp nó đều là vi phạm, chỉ trong một số trường hợp nhất định thôi".

Theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, có 2 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm :

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 23/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên
Read 463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)