Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/07/2020

Mốt tránh tội tham nhũng mới : trả lại vốn đầu tư công

Nguyễn Vũ Bình - Võ Hàn Lam

Giải thích hiện tượng trả lại vốn đầu tư công

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 23/07/2020

Trong thời gian gần đây, báo chí đã đưa thông tin, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công. Cụ thể, trong văn bản của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gửi Bộ Tài chính mới đây, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỉ đồng thực hiện 25 dự án ODA. Ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỉ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỉ đồng. Do đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn hơn 1.800 tỉ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao cho bộ sang các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân. Kiến nghị này của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang được cấp có thẩm quyền xem xét.

von1

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công từ các nguồn tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm trong nửa đầu năm 2020. Ảnh : Quỳnh Danh.

Không chỉ có bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có tỷ lệ giải ngân chậm, mà có tới 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp. Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, với tỉ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0%, có các cơ quan gồm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước... Bên cạnh đó, các bộ như Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thanh toán được 74,8 tỉ đồng trong tổng số 1.108 tỉ đồng được giao, chiếm 6,75%, Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%...

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020. Bên cạnh đó, vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ các dự án. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, tốn nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục (Báo Người Lao động online ngày 21/7/2020).

Như vậy, tình trạng giải ngân của các bộ ngành và địa phương là hiện tượng lạ, bất thường. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, cần nhiều vốn để xây dựng hạ tầng cũng như nâng cấp các công trình trong giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, v.v… nhưng lại xảy ra tình trạng không tiêu hết tiền đầu tư. Ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên, cần tìm hiểu xem đâu là những nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng bất thường này.

Đầu tiên có thể kể tới chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy rằng việc chống tham nhũng không giải quyết được tận gốc rễ nguyên nhân gây nên tình trạng tham nhũng, cũng như vấn đề bè phái trong chống tham nhũng, thì công cuộc chống tham nhũng vừa qua cũng đã dằn mặt và làm các quan chức từ trung ương xuống địa phương phải chùn tay, thận trọng. Một hệ quả tiếp theo, các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, các tiêu chuẩn về hiệu quả cũng được đánh giá chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, cũng phải tới vụ việc tham nhũng trong đầu tư thiết bị chống đại dịch Covid-19 của các sở y tế, các cơ quan phòng chống dịch các tỉnh (CDC), và các bệnh viện bị phanh phui thì các quan tham của Việt Nam mới bắt đầu thực sự lo lắng và rúng động. Tiếp theo là các vụ tham nhũng vặt từ việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tràn lan ở các tỉnh cũng bị báo chí và truyền thông điểm mặt, chỉ tên. Mặc dù cơ chế phòng chống tham nhũng chưa hoạt động hiểu quả, nhưng báo chí và mạng xã hội vào cuộc cũng đã làm nhiều kẻ không còn tham nhũng trắng trợn và tàn bạo như trước đây.

Một nguyên nhân trực tiếp hơn, đó là thời gian gần kỳ đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các cuộc đấu đá, sát phạt giữa các quan chức lãnh đạo đảng và chính quyền các bộ ngành và địa phương rất khốc liệt. Việc cài người, tìm sơ hở của đối thủ, thậm chí giăng bẫy nhau giữa các đồng chí cũng làm cho tình trạng tham nhũng giai đoạn này chùng xuống, giảm bớt ở các lĩnh vực đầu tư và đầu tư công. Tất nhiên, việc mua quan, bán tước thì ngược lại, nở rộ.

Với những nguyên nhân khách quan, và hai nguyên nhân chủ quan kể trên, vấn đề đầu tư công sẽ không còn là lĩnh vực hấp dẫn các quan chức, lãnh đạo các bộ ngành và địa phương. Vì không còn kiếm chác được nhiều, thậm chí không kiếm chác được nữa, không còn ai hứng thú với việc có làm không có "ăn", nên đương nhiên các công việc chung bị xếp lại, hoặc làm cho có. Đây là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng việc giải ngân các nguồn vốn có tỷ lệ thấp và chậm đang xảy ra.

Có một câu hỏi, nếu như các bộ ngành và địa phương, các quan chức, cán bộ không thiết tha với công việc chung, không thực hiện hoặc thực hiện thiếu nhiệt tình, không bảo đảm tiến độ thì có chế tài hoặc có cách gì thay đổi, chấn chỉnh tình trạng này hay không ? Câu trả lời là không.

Đối với nhân viên, việc chế tài rất khó và hầu như không thể thực hiện. Công ăn việc làm của cán bộ là sự nghiệp, là nguồn sống, hơn nữa, đều có các mối quan hệ chằng chịt, và phải đút lót để có một suất biên chế. Không thể sử dụng chế tài để xử lý khi cán bộ làm việc một cách lơ là, đối phó là thực trạng của Việt Nam hiện nay. Đối với quan chức, lãnh đạo, mỗi một ghế lãnh đạo là mối quan hệ hoặc một lượng tiền không nhỏ để mua. Và các quan chức cùng hệ thống (đơn vị, ngành, địa phương) đều có cùng tâm lý chung như nhau nên bao che lẫn nhau. Mặt khác, mối quan hệ ê kíp, cánh hẩu và phe cánh xuyên suốt từ trên xuống dưới cũng cản trở việc chế tài nếu ai có ý định thực hiện.

Như vậy, tình trạng hệ thống hoạt động trì trệ, không bình thường khi không có lợi ích từ việc tham nhũng không có cách gì có thể giải quyết được. Tình trạng này chắc chắn sẽ kéo theo hoạt động của cả nền kinh tế. Những khó khăn khách quan về đại dịch Covid-19 cộng với tình trạng kém hiệu quả của hệ thống sẽ dẫn tới thảm họa cho nền kinh tế. Mặc dù các số liệu có thể được tô vẽ, chỉnh sửa thì cũng sẽ đến lúc sự cạn kiệt nguồn lực là không thể che giấu. Chỉ tới khi đó, các vấn nạn từ tham nhũng tới sự kém hiệu quả của hệ thống mới thực sự được biết tới như là những nguyên nhân chính dẫn tới sụp đổ của nền kinh tế, và kéo theo cả chế độ.

Hà Nội, ngày 23/7/2020

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 23/07/2020 (nguyenvubinh's blog)[FN1] 

*******************

Chuyện lạ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công !

RFA, 22/07/2020

Đề nghị điều chuyển 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn (Nông nghiệp và phát triển nông thôn) gửi Bộ Tài chính về tổng vốn kế hoạch năm 2020 của Bộ này được Thủ tướng giao khoảng hơn 3.600 tỷ đồng để thực hiện 25 dự án ODA.

von2

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn 3 lần và chậm tiến độ 8 lần và vẫn chưa biết thời hạn hoàn thành. AFP - Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến cuối tháng 1/2021 của 25 dự án chỉ vào khoảng 1.830 tỷ đồng. Do đó, số vốn vay ODA còn lại không sử dụng lên đến hơn 1.800 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều chuyển số tiền vốn vay đầu tư công còn thừa hơn 1.800 tỷ đồng sang cho các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân.

Đề nghị vừa nêu được nói là đang được cấp thẩm quyền xem xét.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, vào tối ngày 22/7 nhận định với RFA về đề nghị này của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn :

"Tôi đánh giá đó là một dấu hiệu tích cực. Bởi vì với sự tăng cường giám sát và yêu cầu về hiệu quả của đầu tư công thì các bộ cũng trở nên nghiêm khắc và chặt chẽ hơn đối với việc thực hiện đầu tư công. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quyết định như vậy tức là đã thực hiện một việc là nếu thấy các dự án chưa thể thực hiện ngay và có lẽ chưa cần thiết lắm thì Bộ trả lại. Có thể những dự án đã được quyết định từ thời gian trước, cho nên ông Bộ trưởng Bộ này đã xem xét lại và có quyết định như vậy. Tôi nghĩ đó là một quyết định rất mới ở Việt Nam và mang tín hiệu tích cực".

"Chuyện lạ" : vì sao ?

Truyền thông trong nước ghi nhận không chỉ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không giải ngân hết số vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao cho.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tiến độ giải ngân, vừa được trình Thủ tướng thì có đến 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Nguyên nhân mà Bộ Tài chính đưa ra là do phân bổ vốn chậm, thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ các dự án. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương.

Đài RFA ghi nhận một số những người quan tâm bày tỏ rằng vấn đề về các dự án phát triển đầu tư công ở Việt Nam cần vốn và giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm là một câu chuyện dài.

Kỹ sư xây dựng Trần Bang, một nhà hoạt động dân chủ rất quan tâm lĩnh vực này, chia sẻ với RFA về ghi nhận của ông liên quan những dự án đầu tư công trong vòng hai thập niên trở lại đây :

"Thật sự thì vốn đầu tư ở Việt Nam lúc nào cũng thiếu, chứ không phải thừa. Cơ sở hạ tầng về tất cả các mặt, ví dụ như giao thông, phát triển nông thôn, cấp thoát nước, bệnh viện, trường học…Thế thì không thể nói Việt Nam đầy đủ đến mức dư tiền, dư vốn trong bất cứ lĩnh vực nào. Chỉ có điều là đầu tư vào những chỗ đúng hay không đúng thôi".

von3

Ảnh minh họa. Một dự án thủy lợi. Courtesy : vov.vn

Tuy nhiên, ông Trần Bang và không ít người cho rằng qua thông tin mới nhất về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thừa vốn đầu tư công lên đến 1.800 tỷ đồng lại là một câu "chuyện lạ". Bởi vì phần nào giải đáp được thắc mắc của dư luận rằng vì sao có những nơi cần thật sự cần thì lại nhận phân bổ nhỏ giọt hoặc có địa phương hay bộ, ngành không cần thiết thì được phân bổ nguồn vốn vay ODA đến mức dư thừa ?

Kỹ sư Trần Bang trình bày với RFA rằng chỉ có những người làm việc trong bộ máy chính quyền mới biết rõ thực hư như thế nào. Thế nhưng, dưới góc độ của một người quan sát thì các dự án đầu tư công từ lúc được lên ý tưởng cho đến khâu thực hiện là cả một hành trình khó khăn.

"Tôi được biết trước kia có rất nhiều doanh nghiệp về lĩnh vực giao thông chẳng hạn. Họ thay mặt chính quyền địa phương và thay mặt cả bộ để làm dự án. Họ làm dự án bằng cách lấy chữ ký của chính quyền địa phương và của các bộ, các ngành và sau đó đến các bộ ở Trung ương để ‘chạy’ ở Bộ Kế hoạch-Đầu tư, hay Bộ Tài chính thậm chí lên đến phó thủ tướng hay thủ tướng hoặc Văn phòng Chính phủ…Và sau khi thu được mấy chục chữ ký đó và khi tiến hành đấu thầu dự án thì họ trúng thầu luôn. Ngày xưa cái vụ ông Phạm Tiến Dũng-PMU18, xảy ra cách đây hơn chục năm. Tức là họ phải phân ra thành nhiều nhóm và mỗi nhóm lo chạy dự án. Điều này cho thấy quá trình chạy dự án rất tốn kém, phiền hà và rất mất thời gian, chứ không phải đàng hoàng minh bạch. Người ta gọi là ‘chạy dự án’ thì đủ phản ánh như thế nào rồi. Bây giờ không làm dự án được thì chứng tỏ là không dám chạy hoặc không chạy được. Rõ ràng bị ách tắc ở một khâu nào đó".

Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng càng lạ lùng hơn khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị điều chuyển vốn đầu tư công sang những đơn vị khác, trong khi các công trình thủy lợi hay những dự án chống ngập trong thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn đang rất cần vốn để được triển khai.

Mặc dù có những nhận xét đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về đề nghị điều chuyển vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là mới mẻ, nhưng thực sự cho thấy đó là một dấu hiệu "không động binh" trong việc xà xẻo, trục lợi và tham nhũng các dự án đầu tư công, mà theo như nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là có "sự tăng cường giám sát và yêu cầu về hiệu quả của đầu tư công nghiêm khắc và chặt chẽ hơn".

Nhà hoạt động Trần Bang khẳng định với RFA rằng :

"Theo tôi là do Đại hội Đảng các cấp. Họ muốn ổn định ‘cái ghế’ để họ không bị liệt vào trường hợp bị người khác bắt được hoặc không bị cho là ‘giàu bất thường’".

Hồi trung tuần tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thành lập 7 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Thủ tướng đích thân làm trưởng đoàn kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và một số địa phương khác.

Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời rằng bệnh "quan liêu, xa dân" làm ảnh huởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nguồn : RFA, 22/07/2020

***********************

Giải ngân đầu tư chậm có liên quan gì đến tham nhũng ?

Người dân vẫn hay nói rằng các quan chức hay vẽ vời ra công trình để kê giá và ‘ăn’ các khoản chênh lệch.

giaingan1

Nếu đặt đồn đoán trên vào con số báo cáo là ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch (1) cho thấy thật khó hiểu, vì chưa giải ngân, thì ‘ăn’ cái gì ở đây ?

Chi tiết hơn, trong tổng vốn giải ngân của 5 tháng đầu năm nay, vốn trong nước đã giải ngân hơn 114.819 tỷ đồng (đạt 27,96% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ là do một số các dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó, chưa thể giải ngân.

Một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng nên chưa thực hiện và giải ngân – như các dự án của Bộ Y tế là hơn 1.241 tỷ đồng. Một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và tháng 5/2020 nên chưa giải ngân.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, từ đầu năm đến nay, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020. Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay, hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020…

Như vậy, với những tình tiết được liệt kê ở trên cho thấy trong chuyện giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục diễn ra chậm trễ, lỗi chính ở đây thuộc về năng lực của cơ quan quản lý. Nếu nhìn nhận về cách lý giải vấn đề từ lập luận đó, thì phải chăng ở đây quyền lực thực sự trong bộ máy công quyền không nằm trong người đứng đầu chính phủ ?

Tin tức trên báo chí cho biết, vào sáng ngày 16/7, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu trên cương vị Thủ tướng Chính phủ :

"Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các bộ, ngành, các đồng chí đều đề cập xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp" (2).

Ở bài báo phát hành vào trưa ngày 18/7, báo điện tử Chính phủ đặt hẳn tít bài thể khẳng định : "Địa phương nào cần, Chính phủ mang tiền đến" (3). Bài báo tường thuật buổi làm việc vào sáng ngày 18/7, tại Thành phố Đà Nẵng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Ngay đoạn mở đầu, bài báo viết : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không để trì trệ xảy ra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, "địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động, địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến".

Làm một so sánh giữa lý do giải ngân chậm của Bộ Tài chính đưa ra (1), với ‘trách móc’ cho rằng đó là lỗi của địa phương mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘hồn nhiên’ phát ngôn (2), cho tới việc tuyên bố gần như trái ngược hoàn toàn so lý do mà Bộ Tài chính đưa ra về "Địa phương nào cần, Chính phủ mang tiền đến" (3), cho thấy ở đây có một lý do nữa mà không báo chí nào dám công khai nhắc tới : đó là việc thiếu cạnh tranh trong quản trị quốc gia.

Nói một cách khác, nếu ở nhiều quốc gia, thủ tướng có thể phải chọn việc từ chức để giữ thanh danh cho đảng chính trị của mình, thì ở Việt Nam, điều đó là vô nghĩa.

Trở lại với phần tựa bài viết, "Giải ngân đầu tư chậm có liên quan gì đến tham nhũng ?".

Câu trả lời có từ các lập luận được trích dẫn như trên, cho thấy dường như phải chăng việc giải ngân đầu tư chậm có phần mâu thuẫn với yếu tố được cho là ở Việt Nam, các quan chức "ăn của dân không từ một cái gì" (4).

Có thể tìm thấy phần nào câu trả lời qua phát biểu của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) tại Quốc hội vào sáng ngày 28/5/2019, khi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) :

"Công khai, minh bạch là yêu cầu căn bản, cũng là nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục được cơ chế xin, cho ; giảm được gánh nặng cho các địa phương trong đề xuất dự án. Việc trình Quốc hội chính là bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh, thành phố ; và các đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp tham gia ý kiến và phương án phân bổ cho chính địa phương mình".

Tác giả bài viết này xin góp thêm mỗi một ý : nếu vẫn thiếu động lực trong cạnh tranh về quyền quản trị quốc gia, thì mọi giải pháp như đã nói lâu nay vẫn chỉ là các tình thế ứng phó của nhà cầm quyền.

***

Chất lượng của quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đối với một số dự án hạ tầng. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, mất nhiều thời gian, nên làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án. Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn trong cân đối vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn. Khi dự án đã được quyết định đầu tư và bố trí vốn mới thực sự tiến hành chuẩn bị đầu tư, nên chưa thể tiến hành thi công và giải ngân hết số vốn theo kế hoạch.

Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, dẫn đến việc phải bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức…

(Trích tham luận "Đầu tư công giai đoạn 2010-2019 và những vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới" của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 21/07/2020

Chú thích :

(1)https://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/giai-ngan-von-dau-tu-cong-6-thang-dau-nam/2020-van-con-thap-167468.html

(2)https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thu-tuong-benh-quan-lieu-lam-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i-ach-168179.html

(3)http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Dia-phuong-nao-can-Chinh-phu-mang-tien-den/401168.vgp

(4)https://tuoitre.vn/an-cua-dan-khong-tu-mot-cai-gi-568432.htm

 
Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Vũ Bình, RFA tiếng Việt, Võ Hàn Lam
Read 466 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)