Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2020

Việt Nam : Đối tác Châu Á quan trọng của Anh Quốc hậu Brexit

Thoi Nguyễn, Thu Hằng

Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh sau khi rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trong cuộc điện đàm ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã khẳng định với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh niềm tin vào mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ còn được tăng cường và mở rộng trong thời gian tới.

anh1

Tầu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Hoàng gia Anh từng ghé thăm cảng quốc tế thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/09/2018. Ảnh minh họa chụp ngày 28/09/2018.  © Royal Navy - Dean Nixon

Cuộc điện đàm được tổ chức sau đúng một ngày bệnh nhân phi công người Anh về đến Luân Đôn sau 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài việc cảm ơn đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã hỗ trợ chữa cho các công dân Anh bị nhiễm virus corona và chúc mừng Việt Nam ứng phó thành công với dịch Covid-19, ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh đến tiềm năng quan hệ ngoại giao song phương, trong đó có hai lĩnh vực quan trọng : kinh tế - thương mại và an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Vương quốc Anh là nhà đầu tư lớn thứ 15 vào Việt Nam. Trên trang The Diplomat ngày 30/04/2020, Thoi Nguyễn nhận định việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Anh mở rộng thị trường ngoài khu vực truyền thống. Trước hết là Việt Nam, với gần 98 triệu dân, trở thành một điểm đầu tư lý tưởng. Ngoài ra, Anh Quốc cũng muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chiếm đến 13,5% GDP toàn cầu, mà Việt Nam, Canada, Úc và New Zealand nằm trong số 11 nước tham gia. Thông qua Việt Nam, Anh Quốc còn hy vọng thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, mà Việt Nam đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên năm 2020.

Về vấn đề giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải, Anh Quốc, thông qua lời ngoại trưởng Dominic Raab, tái khẳng định ủng hộ duy trì hòa bình, an ninh và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Quan hệ song phương Việt-Anh phát triển như thế nào ? Triển vọng hợp tác trong tương lai ra sao ? RFI tiếng Việt phỏng vấn anh Thoi Nguyễn, cộng tác viên báo The Diplomat, tại Luân Đôn.

*****

RFI : Thưa anh Thoi Nguyễn, trong cuộc điện đàm ngày 13/07 vừa qua, ngoại trưởng hai nước Anh và Việt Nam đã tỏ ra hài lòng về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh trong 10 năm gần đây. Xin anh giải thích về mối quan hệ song phương này. Brexit có tác động đến mối quan hệ này không ?

Thoi Nguyễn : Mối quan hệ song phương giữa Anh và Việt Nam đã có được những bước phát triển vượt bậc. Việc bộ trưởng Ngoại Giao Anh Raab đánh giá cao cuộc điện đàm với bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh vào ngày 13/07 vừa qua thể hiện Anh Quốc coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và những bước tiến vượt bậc trong thời gian qua.

Theo quan điểm của tôi, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cho thấy Anh Quốc mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hậu Brexit.

Vào tháng 07/2019, bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thăm Anh Quốc, và việc chọn Luân Đôn là địa điểm tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nước ngoài vào Việt Nam thể hiện hợp tác thương mại và tài chính giữa Việt Nam và Anh Quốc ngày càng tăng cường. Anh Quốc rất ủng hộ Việt Nam thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Anh trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Thái Lan, về kim ngạch xuất khẩu vào Anh, chiếm 0,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Quan hệ thương mại song phương đạt 4,53 tỷ USD (2,09%) trong năm 2019. Về đầu tư, đến hết tháng 08/2019, Vương quốc Anh đã có 366 dự án đầu tư với số vốn 3,64 tỷ USD, đứng 15/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Hàng năm có rất nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở Anh. Anh hỗ trợ các nỗ lực nâng cao trình độ cho các giáo viên dạy tiếng Anh và Chiến lược dạy và học ngoại ngữ tiếng Anh tầm nhìn 2020 của Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp tất cả ở nhiều lĩnh vực.

Anh đang tìm kiếm các thị trường mới để xuất khẩu dịch vụ tài chính, công nghệ, giáo dục : ba lĩnh vực mạnh nhất của Anh. Brexit chỉ mới xảy ra khi quan hệ giữa hai nước phát triển. Brexit là một điểm khởi đầu mới của nước Anh và cơ hội cho những mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Anh, theo quan điểm của tôi sẽ sáng sủa hơn sau Brexit.

RFI :Ngoại trưởng Anh nhắc đến thỏa thuận thương mại đang được hai bên đàm phán. Nếu được ký kết, thỏa thuận này có ý nghĩa như nào đối với Luân Đôn và Hà Nội ? Luân Đôn cũng cho biết muốn tham gia hiệp định CPTPP, Việt Nam có thể giúp gì được Anh trong hồ sơ này ?

Thoi Nguyễn : Vương quốc Anh đã rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và đang nhắm tới các thị trường mới đặc biệt ở Châu Á-Thái Bình Dương, thông qua chiến lược toàn cầu. Brexit có thể mở ra cơ hội mới cho Anh. Bộ trưởng của Khối Thịnh Vượng Anh Mark Field cho rằng Anh Quốc đang tìm cách để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận hai vai trò kép, vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vừa là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều này chứng tỏ rằng Việt Nam là một nước đang có vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Thông qua chính sách ngoại giao rộng mở, Anh muốn Việt Nam hỗ trợ Anh tham gia Hiệp định thương mại tự do này. Nhật Bản, một thành viên của CPTPP đã lên tiếng ủng hộ Anh Quốc tham gia, tại sao Việt Nam lại không ? Tuy nhiên, theo tôi, sẽ mất rất nhiều thời gian để Anh Quốc chính thức tham gia khối thương mại tự do này.

RFI : Về mặt an ninh quốc phòng, có thể nói Anh là một bên năng động tham gia bảo vệ tự do hàng hải ở vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc rất hiếu chiến đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển này. Anh Quốc có thể tiếp tục tham gia không, trong khi mối quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang căng thẳng trong hồ sơ Hoa Vi và Hồng Kông ?

Thoi Nguyễn : Gần đây Trung Quốc rất hung hăng ở Biển Đông, mặc dù bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 và mối quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng về luật an ninh Hồng Kông mà Bắc Kinh đã áp đặt tại đặc khu này.

Vào đầu tháng 04/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đánh chìm vài tàu đánh cá Việt Nam gần nơi tranh chấp chủ quyền giữa hai nước gần quần đảo Hoàng Sa. Căng thẳng cứ tiếp tục leo thang đã khiến Mỹ điều hai chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Mỹ đã đưa tiếp hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tiến hành tập trận chung tại Biển Đông.

Anh Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ và bất hòa với Trung Quốc trước đây. Tất nhiên, Anh sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải để thách thức những tuyên bố bất hợp pháp đó, và sẽ tham gia vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Anh Quốc đã xem xét lại hồ sơ Hoa Vi (Huawei) một cách cứng rắn và nghiêm túc sau khi Washington ban hành lệnh trừng phạt. Vì vậy tôi không ngạc nhiên gì về việc Anh cấm Hoa Vi tung ra hệ thống mạng công nghệ 5G ở nước này, mặc dù nhiều nhà phân tích dự đoán việc trì hoãn dự án mang 5G của Hoa Vi sẽ khiến nền kinh tế Anh Quốc thiệt hại hơn 2,5 tỷ USD.

RFI :Về vấn đề người Việt Nam nhập cư trái phép, liệu có thay đổi nào trong hồ sơ này sau khi Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ?

Thoi Nguyễn : Anh Quốc đã rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, và điều đó để lại nhiều bất ngờ cho nhiều nhà phân tích, bình luận và chính trị ở Châu Âu. Trong những ngày tháng đầu trong cuộc vận động rời khỏi khối Liên Hiệp Châu Âu, Boris Johnson, nguyên thị trưởng thủ đô Luân Đôn, dẫn đầu bên "Rời" đã nắm được thị hiếu và nguyện vọng của người người bỏ phiếu ; bất mãn với bộ máy quan liêu và công chức ở Bruxelles. Đặc biệt, bên "Rời" lấy chủ đề người nhập cư ra là đề tài chủ yếu để Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Họ đã vận động giỏi và thành công.

Theo nhiều nhà quan sát đánh giá, chính phủ Anh hiện tại của đảng Bảo Thủ do thủ tướng Boris Johnson lãnh đạo có theo đuổi chủ nghĩa dân túy và thành viên nội các toàn là người có ý tưởng chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh nghiêm túc và ngăn ngừa những người nhập cư trái phép. Vì thế, tôi nhận định rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong vấn đề người nhập cư, đặc biệt người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh.

Hơn nữa, sự kiện đau buồn 39 người Việt chết trong chiếc xe tải đông lạnh vào tháng 10/2019 là một hồi chuông cảnh báo cho những nhà chức trách Anh xem lại vấn đề nhập cư trái phép và cải cách hệ thống tị nạn trong thời gian tới.

Gần đây, bộ trưởng Nội vụ Piri Patel đã thảo luận với người đồng nhiệm Pháp Gérald Darmanin để đưa ra những biện pháp cứng rắn, ngăn ngừa người nhập cư bất hợp pháp vượt biên từ Pháp qua Anh. Hai bên đã ký một thỏa thuận thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo, tập hợp dữ liệu về các băng đảng tội phạm chịu trách nhiệm cho người vượt biên qua Anh trái phép. Vì thế, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều thay đổi lớn trong thời gian tới.

Chính phủ Anh cũng đang hợp tác với chính phủ Việt Nam để ngăn ngừa những người bất hợp pháp từ Việt Nam qua Anh. Hàng năm, chính phủ Anh có tài trợ các dự án, các chương trình để cho người Việt nhận thức về nạn buôn người, những trẻ em ở tuổi vị thành niên qua Anh đi làm. Theo tôi được biết, qua báo đài và tin tức, chính phủ Anh đang cố gắng hỗ trợ về mặt tài chính, kinh tế, cũng như là những biện pháp kỹ thuật để cho chính phủ Việt Nam có thế chống đối nạn buôn người và nạn nhập cư bất hợp pháp qua bên Anh.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn anh Thoi Nguyễn, cộng tác viên báo The Diplomat, tại Luân Đôn.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 27/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thoi Nguyễn, Thu Hằng
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)