Thế giới xoay chiều với Trung Quốc, Việt Nam sẽ làm gì ?
Song Chi, RFA, 27/07/2020
Chính Mỹ đã tạo ra con quái vật của Frankenstein
Những ngày gần đây quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu hẳn đi, sự việc hai bên yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán của nhau tại Houston (ngày 24/7) và Thành Đô (ngày 27/7) là một trong những bước leo thang mới nhất. Không ít nhà bình luận chính trị trên các tờ báo quốc tế đã đặt ra câu hỏi liệu quan hệ giữa hai bên sẽ xuống thấp đến mức nào, hay liệu có khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới hay không.
Chính Mỹ đã tạo ra con quái vật Trung Quốc
Một điều rõ ràng hơn mà ai cũng công nhận, đó là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từ bây giờ trở đi sẽ thay đổi, như chính lời ông Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói thẳng trong bài diễn văn tại Bảo tàng Thư viện Quốc gia Richard Nixon, thành phố Yorba Linda, bang California ngày 23/7 vừa qua.
Nhiều nhà bình luận quốc tế cũng nhận xét, không phải ngẫu nhiên mà Mike Pompeo chọn Thư viện mang tên cố Tổng thống Richard Nixon để có bài phát biểu nói lên mối đe dọa của chế độ độc tài Trung Quốc đối với mọi mặt của Mỹ cũng như cho tương lai của các nền dân chủ tự do trên toàn thế giới.
Non nửa thế kỷ trước, cố Tổng thống Richard Nixon là người đã thực hiện chiến lược mở cửa kinh tế đối với Trung Quốc, với hy vọng rằng sự hội nhập với thế giới sẽ giúp cho chế độ độc tài toàn trị của Trung Quốc thay đổi, bởi vì "thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi" (1).
Nhưng điều đó đã không xảy ra, ngược lại sau 50 năm nước Mỹ và thế giới cay đắng nhận ra Trung Quốc đã trục lợi từ sự mở cửa đó để làm giàu, ăn cắp việc làm, các phát minh, chất xám cùa Mỹ và các cường quốc phương Tây, đã đặt luật chơi cho các nước, tìm mọi cách xói mòn, phá hoại các nền dân chủ trên thế giới và giờ đây đã trở thành con quái vật của Frankenstein, như chính lo ngại của cố Tổng thống Nixon. Chính vì vậy, chính sách của Mỹ, như Ngoại trưởng Mike Pompeo nói, phải thay đổi.
Không chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nhận ra điều này. Đại dịch Covid-19, sự hung hăng của Bắc Kinh trên biển Đông, hồ sơ nhân quyền tồi tệ đối với người Duy Ngô Nhĩ, luật An ninh mạng Hong Kong, vụ đụng độ quân sự với Ần độ tại biên giới hai nước v.v…Tất cả đã cho thấy gương mặt hung hăng, hiếu chiến, đầy tham vọng và tàn ác của chế độ độc tài Bắc Kinh.
Anh : Chính phủ Anh gần đây cũng đã có những động thái mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, từ việc tuyên bố mở đường nhập tịch cho gần 3 triệu công dân Hong Kong, loại bỏ Huawei khỏi hệ thống phát triển mạng 5G vào năm 2027– chấm dứt 20 năm hợp tác, cân nhắc việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức cao cấp của chính quyền Hong Kong cũng như các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Uighurs ; các nhà hoạch định quân sự Anh cũng đang có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, chiến hạm lớn nhất lịch sử hải quân Anh, đến đồn trú ở Thái Bình Dương...
Úc : Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 13/7, bác bỏ những đòi hỏi về chủ quyền hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông, chính phủ Úc đã gửi công hàm chính thức đến Liên Hiệp Quốc vào ngày 23/7, bác bỏ hoàn toàn các tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải dựa trên UNCLOS 1982. So với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không bác bỏ quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc (và các quốc gia khác) tại quần đảo Trường Sa, công hàm của Úc còn rõ ràng, đầy đủ và đi xa hơn khi không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa, trên các hòn đảo nhân tạo hay bất cứ đâu trên biển Đông.
Nhật Bản : Sách trắng Quốc Phòng thường niên của Nhật Bản công bố ngày 14/7, tố cáo Trung Quốc lợi dụng đại dịch đẩy mạnh các hoạt động đòi chủ quyền gần các đảo có tranh chấp ở biển Hoa Đông cũng như ở Biển Đông (Nhật và Trung Quốc có tranh chấp đối với quần đảo mà Nhật gọi là Sensaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), tố cáo Bắc Kinh "tuyên truyền" và "thông tin sai" về đại dịch Covid-19. Nhật cũng bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh hiện chi tiêu cho quốc phòng gấp bốn lần Tokyo và Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng hơn cả Triều Tiên.
Ấn Độ : Sau cuộc đụng độ đẫm máu với Trung Quốc tại thung lũng Galwan ở phía tây dãy Himalaya vào ngày 15.6 khiến 20 người lính Ấn thiệt mạng và hàng chục người của hai bên bị thương, làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và tinh thần dân tộc đã dâng cao tại Ấn độ.
Canada : Mối quan hệ giữa Canada với Trung Quốc cũng xấu đi từ sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Văn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, theo yêu cầu của Mỹ vào năm 2018. Trung Quốc sau đó trả đũa bằng việc bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia".
Gần đây Canada đã lên tiếng chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa áp đặt ở Hong Kong, đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, đồng thời ngưng xuất khẩu các trang thiết bị quân sự nhạy cảm sang Hong Kong. Canada cũng xem xét mở rộng các diện nhập tịch cho người Hong Kong. Tất nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Canada và đe dọa trả đũa kinh tế, những động thái này khiến cho mối quan hệ giữa hai nước càng căng thẳng.
Chưa kể các nước nhỏ yếu hơn Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương từ Việt Nam, Philippines, Đài Loan… đều bị Trung Quốc o ép, bắt nạt và luôn có thái độ cảnh giác đối với Trung Quốc.
Nói tóm lại, Trung Quốc giờ đây đang phải đối mặt với làn sóng nghi ngại hoặc thù địch ngấm ngầm từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Hậu quả này là do chính sách kinh tế trục lợi, chính sách ngoại giao hung hăng của Bắc Kinh.
Sự hung hăng này có lẽ do Bắc Kinh quá tự tin vào mình, và nhìn thấy một thời cơ khá thuận lợi khi Mỹ đang dần từ bỏ vai trò lãnh đạo trên thế giới, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh lâu đời từ Âu sang Á bị xói mòn, khối EU cũng mạnh ai nấy lo, cộng thêm đại dịch Covid-19 khiến nước nào cũng lao đao, trong đó Mỹ là quốc gia bị nặng nhất. Nhưng khi Bắc Kinh hùng hổ hơn, thì cũng giúp cho nhiều nước tỉnh ra.
Tình hình hiện nay chưa đến nỗi như thời kỳ chiến tranh lạnh với hai phe tự do, dân chủ, tư bản chủ nghĩa do Hoa Kỳ đứng đầu chống lại phe độc tài, xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ tham vọng của họ thì điều đó sẽ xảy ra, và lần này, như ngoại trưởng Mike Pompeo nói, thế giới phải thay đổi và buộc Trung Quốc thay đổi. "Nếu thế giới tự do không thay đổi, Trung Quốc cộng sản chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta. Chúng ta không thể quay lại cách thức hành động trong quá khứ chỉ vì nó thoải mái hay thuận tiện" (2).
Không chỉ là mối đe dọa đối với mọi thể chế tự do, dân chủ và sự ổn định trên thế giới, Trung Quốc là một chế độ độc tài tàn ác. Lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc là một lịch sử đẫm máu người dân Trung Hoa qua các phong trào Cải cách ruộng đất, Đại Nhảy Vọt, Cách mạng Văn hóa, thảm sát Thiên An Môn… cho đến những chính sách tiêu diệt văn hóa, bản sắc, tôn giáo, hành hạ, tra tấn, giết hại, "tẩy não" người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng xuyên suốt mấy chục năm qua, tra tấn, bức hại hàng chục ngàn, hàng triệu học viên Pháp Luân Công v.v… So với chế độ phát xít Đức, chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc còn tàn ác hơn gấp bội, vì nó tồn tại lâu hơn nhiều.
Trong tương lai nếu có một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra, thì đó chắc chắn phải là cuộc chiến của các nước tự do, dân chủ chống lại Trung Quốc.
Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong hiện tại và cái tương lai ấy ?
Việt Nam chọn lựa sai và luôn lỡ tàu
Trong suốt một thời gian dài kể từ khi ra đời vào năm 1930, nắm chính quyền ở MB vào năm 1945 và độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc từ tháng 4/1975, đảng cộng sản Việt Nam đã có rất nhiều sự chọn lựa, bước đi sai lầm. Chọn sai mô hình thể chế chính trị, chọn sai đường đi, chọn sai đồng minh, bạn bè. Sự sai lầm đó không chỉ dẫn đến cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn suốt 20 năm, cuộc chiến biên giới Việt-Trung, cuộc chiến biên giới Tây Nam…mà còn khiến Việt Nam trở thành một quốc gia thất bại về nhiều mặt như hiện tại.
Việt Nam chọn lựa sai và luôn lỡ tàu
Cũng đã rất nhiều lần, Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội để thay đổi, tất cả chỉ vì sự tham quyền cố vị, tầm nhìn hẹp hòi, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của chế độ lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, và cả sự thiếu tự tin của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Năm nay cũng là năm kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ (1995-2020), nhưng bất chấp những nhận định đầy "tự hào, lạc quan" của báo chí nhà nước hay của một số quan chức Việt Nam, trong suốt quãng đường 25 năm ấy Việt Nam cũng chẳng đi được bao xa. Học theo Trung Quốc, Việt Nam cũng tìm cách lợi dụng cơ hội mở cửa với thế giới để làm ăn, ang trưởng về kinh tế nhưng vẫn không muốn thay đổi một chút nào về thể chế chính trị.
Hậu quả của việc chỉ mở cửa về kinh tế mà không thay đổi mô hình thể chế chính trị đó đã khiến cho Việt Nam không thể cất cánh trở thành một quốc gia giàu mạnh, tự lực tự cường, bởi nạn tham nhũng nặng nề và những "khuyết tật" nghiêm trọng của một chế độ độc tài toàn trị không có cơ chế kiểm soát quyền lực, không có một nền pháp luật nghiêm minh là những sức cản rất lớn. Người dân không có một cuộc sống tự do, hạnh phúc, bình yên thực sự trong tâm hồn. Chế độ độc tài toàn trị ngu dân cỏn tiêu diệt lương tri, tính thiện, lẫn tài năng của con người. Đối ngoại, Việt Nam vẫn tiếp tục bị Trung Quốc o ép, bắt nạt vì không có ai là đồng minh.
Cho đến bây giờ có lẽ đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã quá hiểu rõ nếu tiếp tục nhịn nhục, làm bạn với Trung Quốc thì chỉ có thiệt thòi, nguy hiểm, phải đối diện với nguy cơ mất độc lập chủ quyền, và trong tương lai, có nguy cơ bị xếp vào cùng một trục với phe Ác nếu thế giới chia phe.
Cho đến bây giờ có lẽ đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã hiểu rằng Hoa Kỳ cũng không có nhu cầu can thiệp vào chuyện nội bộ, làm thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam. Mà nếu có mất đảng, mất chế độ là do chính họ-nếu họ vẫn tiếp tục tạo ra những bất công ngang trái trong xã hội, tiếp tục đàn áp nhân dân đến một ngày người dân không chịu được, phải "tức nước vỡ bờ" mà thôi.
Con đường duy nhất đối với Việt Nam là phải thay đổi, bước đầu tiên là tìm cách thoát dần khỏi mối lệ thuộc kinh tế lẫn chính trị từ Trung Quốc, cang cường hợp tác với các nước, tiến dần từng bước theo hướng dân chủ hóa để giải phóng đất nước khỏi mọi sự trì trệ, kìm hãm, giải phóng triệt để sức dân, đưa đất nước trở thành phồn thịnh, tự cường. Thời cơ thuận lợi từ bên ngoài đã có, còn lại, sự thay đổi chỉ có được từ cả hai phía : nhà nước và sức ép của nhân dân.
Nhiều nhà báo, nhà bình luận chính trị thế giới đã nhận xét rằng, nếu thế giới không cùng hợp tác ngăn chặn, kìm hãm Trung Quốc từ bây giờ, thì chỉ trong vòng 5-10 năm nữa thôi, sẽ là quá muộn.
Cũng như thế, với Việt Nam, nếu không thay đổi thì 5-10 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn toàn không thể thoát khỏi Trung Quốc.
Song Chi
Nguồn : RFA, 27/07/2020 (songchi's blog)
(1) "The world cannot be safe until China changes", Richard M. Nixon, "Asia after Vietnam"
(2) If the free world doesn’t change – doesn’t change, communist China will surely change us. There can’t be a return to the past practices because they’re comfortable or because they’re convenient.
*************************
Tại sao Việt Nam không thể bỏ Trung Quốc ?
Cánh Cò, RFA, 28/07/2020
Trong suốt thời gian từ năm 1972 đến nay chưa bao giờ thế giới chứng kiến việc Hoa Kỳ thẳng thừng lên án Trung Quốc như thời gian vừa qua.
Bắt đầu bằng cuộc chiến thương mại giữa hai nước do Mỹ phát động đến việc cấm Huawei hoạt động trên đất Mỹ sau đó chuyển sang kết án Bắc Kinh đã cố tình im lặng phát tán virus Corona làm cho nước Mỹ và EU ngập chìm trong chết chóc, hỗn loạn dẫn tới quyết định nhanh chóng trước việc Hong Kong bị thủ tiêu chính sách "một quốc gia hai chế độ" và lần đầu tiên Mỹ lên án nặng nề việc chính quyền Trung Quốc giam giữ, hành hung, triệt sản hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và lập tức cấm vận những công ty, cán bộ chóp bu người Trung Quốc tại Tân Cương cho thấy Mỹ không còn do dự vì mối quan tâm đến việc trao đổi thương mại với Trung Quốc như xưa nay nhiều người nhận xét.
Cuối cùng nhưng chưa phải là kết thúc : Mỹ ra lệnh lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston Texas phải về nước trong vòng 72 giờ vì đã có hành vi gián điệp trên nước Mỹ. Đây là tiếng chuông báo tử cho quan hệ hai nước.
Đối với Việt Nam, Mỹ chính thức chống lại đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc không những bằng lời nói mà còn bằng những hành động thiết thực như mang hai hạm đội tuần tra Biển Đông hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc tập trận như cảnh báo Bắc Kinh về sức mạnh liên quân mà Trung Quốc không bao giờ có.
Cho tới khi bài diễn văn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Mike Pompeo đọc tại thư viện Richard Nixon vào ngày 26 tháng 7 như đập nước khổng lồ Tam Hiệp bị vỡ gây chấn động khắp nơi, nhất là Trung Quốc, cho thấy rõ ràng sách lược chống Trung Quốc triệt để của Washington đã được sự đồng thuận không những của chính quyền Trump mà cả lưỡng viện Quốc hội đã mạnh tay lật lá bài Trung Mỹ trước bàn cờ thế giới.
Người Việt khắp nơi kỳ vọng vào Mỹ sẽ giúp chính quyền Việt Nam thay đổi bản lĩnh trong cách ứng xử với Trung Quốc, thay vì bị động, nhu nhược như từ xưa tới nay có thể trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn và nhất là độc lập hơn trong mọi giao dịch với Trung Quốc. Nhưng thời gian vừa qua cho thấy hầu như bài diễn văn của ông Pompeo chưa đủ khả năng gây phản ứng tích cực từ Hà Nội khi Việt Nam tiếp tục bưng bít những thông tin mà nước Mỹ đưa ra. Điển hình là tờ báo duy nhất và lớn nhất Việt Nam là VnExpress sau khi dịch và post lên toàn bộ bài diễn văn lịch sử này chỉ một ngày sau đã bị hạ xuống mất tăm. Hành động này giống như báo chí đưa tin hối lộ bị rút bài vì khác với quan điểm của Ban Tuyên giáo trung ương.
Người dân tự hỏi không biết tại sao nhà nước lại làm như vậy, khi mà nước Mỹ như một cứu tinh duy nhất và khả thi đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nhưng nhà nước lại phản ứng rất tiêu cực nếu không muốn nói là phủ nhận vai trò của nước Mỹ đối với chủ quyền đất nước hiện nay.
Trả lời câu hỏi này chắc phải quay lại với hai điểm quan trọng mà Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh trong bài phát biểu mạnh mẽ và chuyên sâu của ông. Nó chứng tỏ rằng không ai hiểu rõ Trung Quốc hơn chính quyền Mỹ và vì hiểu nó nên Việt Nam chạnh lòng cho vị trí của mình trên bàn cờ thế giới.
Ông Pompeo nhìn nhận : "Chúng ta phải ghi nhớ rằng chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc là chế độ Mác - Lênin. Tổng bí thư Tập Cận Bình là một tín đồ đích thực của một ý thức hệ toàn trị phá sản".
Lời ghi nhớ của ông Pompeo khiến Hà Nội bối rối vì cho tới nay bất kể biến động thế nào đi nữa ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết hướng dẫn cả nước theo con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội, nếu bắt tay với Mỹ ông Trọng sẽ không còn việc gì làm vì ông ta chỉ có duy nhất một giáo điều, duy nhất một căn tính và duy nhất một quyết tâm.
Câu thứ hai của ông Pompeo làm cả hệ thống bất an hơn nữa : "Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã phớt lờ, hạ thấp những lời của những nhà bất đồng chính kiến dũng cảm của Trung Quốc, những người đã cảnh báo chúng tôi về bản chất của chế độ mà chúng tôi phải đối mặt".
Theo thống kê của nhiều tổ chức nhân quyền thế giới Việt Nam đang giam giữ hơn 270 người có tư tưởng và hành động bảo vệ nhân quyền, cạnh đó danh sách của người bất đồng chính kiến đang bị theo dõi, trù dập, đe dọa lên tới hơn 300 người khác.
Đây là sự thật, là mối quan ngại của Việt Nam khiến các nỗ lực bắt tay với Mỹ để làm đối trọng trước hiểm họa bị Trung Quốc áp chế, bức tử bị bỏ qua. Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn sợ hãi không dám đánh đổi thứ lý thuyết hoang tưởng do ông trót hấp thụ mà không thể tiêu hóa nhưng thứ lý thuyết ấy giúp ông và Đảng cộng sản Việt Nam tại vị, ít nhất cho tới khi nào người trong đảng can đảm đồng loạt bày tỏ sự chống đối do bị áp chế bằng các phần thưởng lấy từ nhân dân quá lâu thì may ra Việt Nam mới có cơ hội nói không với Trung Quốc.
Lúc đó vế thứ hai mà Ngoại trưởng Mike Pompeo nói sẽ tự nhiên được hóa giải vì lúc ấy nỗi lo mất đảng không còn nữa.
Những nút thắt này ông Trọng có đủ can đảm vì dân vì nước hay không sẽ còn kéo dải, ít nhất sau Đại hội Đảng lần thứ 13 thì nhân dân mới vỡ òa lên được.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 28/07/2020 (canhco's blog)