Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/08/2020

Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho dân tộc !

Phạm Đình Trọng - Triệu Tử Long

Lời lừa dối hoành tráng

Phạm Đình Trọng, 03/08/2020

Thể chế cộng sản tồn tại bằng bạo lực của công an đàn áp dân và bằng tuyên truyền của tuyên giáo lừa dối dân. 90 năm lừa dối, ngành tuyên giáo đúc kết bằng lời lừa dối trắng trợn nhất, vô liêm sỉ nhất :  Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho dân tộc. Lời lừa dối hoành tráng nhất của 90 năm tuyên giáo.

tuyentruyen0

Những trí tuệ lớn khai dân trí cho dân và khai đảng trí cho đảng đều bị tuyên giáo vu tội vu vơ, đánh vùi, đánh dập. Ảnh minh họa Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (trái) và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn tại Paris năm 1989

Khai hóa văn minh cho dân tộc nhưng những tinh hoa, trí tuệ sáng chói nhất của dân tộc đã bị tuyên giáo diệt trừ man rợ. Những nhà văn hóa của dân trong Nhân Văn - Giai Phẩm là những trí tuệ lớn trong dân đi đầu khai dân trí cho người dân, cho xã hội. Những đảng viên cộng sản trong vụ Xét lại chống đảng là những trí thức lớn trong đảng khai đảng trí cho đảng. Những trí tuệ lớn khai dân trí cho dân và khai đảng trí cho đảng đều bị tuyên giáo vu tội vu vơ, đánh vùi, đánh dập. Những nguồn sáng lớn nhất của đất nước, những nhân cách đẹp nhất của dân tộc đều thân tàn ma dại.

Những tia sáng le lói của văn minh bị dập tắt, cả xã hội Việt Nam 90 năm qua chìm đắm trong bóng tối Trung cổ của thế quyền cộng sản và thần quyền Mác Lê. Đảng cộng sản Việt Nam đã biến học thuyết Mác Lê thành tôn giáo Mác Lê để đầu độc dân, thành thần quyền Mác Lê để cai trị dân. Người dân sống trong bạo lực thế quyền cộng sản và sống trong mê muội thần quyền Mác Lê. Khai hóa văn minh là vậy sao ?

Khai hóa văn minh cho dân tộc mà cưỡng bức dân tộc Việt Nam đi theo con đường chủ nghĩa xã hội ảo tưởng huyễn hoặc đã được lịch sử thế giới chứng minh là đêm tối của loài người.

Khai hóa văn minh cho dân tộc mà cưỡng bức dân tộc Việt Nam đi vào con đường chủ nghĩa xã hội vô vọng khi chính ông đảng trưởng cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng phải thú nhận rằng đến cuối thế kỉ, đến trăm năm nữa cũng chưa biết có đến được chủ nghĩa xã hội hay không.

Đi theo con đường chủ nghĩa xã hội người dân không còn quyền con người, không có quyền làm chủ đất nước người dân phải sống kiếp nô lệ tăm tối làm sao dân tộc được khai hóa văn minh.

Chủ nghĩa xã hội là loại hình xã hội đã bị loài người ghê tởm vất bỏ, vượt qua. Tất cả những nước vất bỏ chủ nghĩa xã hội đều nhanh chóng thoát khỏi tăm tối nghèo hèn, đều phát triển rực rỡ, văn minh. Đi đến chủ nghĩa xã hội là đi giật lùi vào bãi rác của xã hội loài người, là đi giật lùi vào bóng tối lịch sử, làm sao có văn minh mà khai hóa.

Phạm Đình Trọng

(03/08/2020)

**************************

Dân tộc Việt có cần Ban Tuyên giáo khai hóa văn minh ?

RFA, 03/08/2020

Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam vào ngày 1/8 vừa qua đã tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng cộng sản 1/8/1930-1/8/2020.

tuyengiao2

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo. Nguồn : tuyengiao.vn

Nhân dịp này, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11 ; nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài viết được báo trong nước đăng tải rộng rãi.

Cụ thể, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đưa ra luận điểm cho rằng mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Vẫn theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, khi nào các cơ quan lãnh đạo cao nhất lấy sự nghiệp khai hóa văn minh làm nhiệm vụ chính trị hàng đầu, mục tiêu cao nhất thì các mâu thuẫn giữa chính trị và khoa học sẽ không còn nhiều, thậm chí rất ít, chỉ là chuyện kỹ thuật.

Trao đổi với RFA tối 3/8, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định :

"Câu nói của Ban Tuyên giáo Trung ương đã gây bão trên mạng xã hội vừa qua. Có thể thấy rằng họ đã tự quá yêu mình. Tôi cho rằng không ai nghĩ như thế. Nó gây ra sự buồn cười sau đó là phẫn nộ khi một nhóm người đưa đất nước đến như thế này mà vẫn nhận mình có vai trò khai hóa văn minh dân tộc".

Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, cách nói của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng có thể biểu đạt ý kiến cá nhân của riêng ông, nhưng khi biên tập lại cần được chỉnh sửa, thay đổi vì ông cho rằng nhận định của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng là coi thường dân tộc và trái với sự thật.

PGiáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng lập luận cho rằng ban tuyên giáo là tiếng nói của đảng, tiếng nói của phe đa số, phe đang chiếm thế thượng phong. Vì thế, ông cho rằng những đoạn tiên phong không thể nào ở ban tuyên giáo.

"Ngành tuyên giáo xưa nay chưa bao giờ đi đầu về trình độ, là ngành cảnh sát tư tưởng. Họ bằng mọi cách kiểm duyệt não trạng của xã hội. Nếu như có sự thay đổi trong đường lối, chủ trương của đảng thì ngành tuyên giáo là ngành thay đổi sau cùng. Khi mà lý tưởng mới mẻ đã thắng thế một cách không thể chối cãi trong lãnh đạo của đảng thì cậu tuyên giáo mới được phép nói. Như thế sao họ đóng vai trò tiên phong treong việc khai sáng văn minh cho dân tộc được, họ làm công việc ngược lại thì đúng hơn".

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng những người dân bình thường không cho rằng Ban Tuyên giáo là ban quan trọng, đưa ra những lý luận rất thừa thải, lãng phí. Tuy nhiên, cốt lõi tất cả những lý luận, huyền thoại, xây dựng, định hướng cho thông tin, báo chí đều từ Ban Tuyên giáo ra.

Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng đưa ra nguyên nhân vì sao Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng lại cho rằng mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc :

"Ta thấy họ đang lúng túng trước ngã rẽ con đường tình hình thế giới hiện tại. Phần còn lại thế giới đã bắt đầu nhìn thấy thật sự chủ nghĩa cộng sản xã hội chủ nghĩa. Lúc trước ông Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng có nói làm sao rõ con đường đi đến chủ nghĩa xã hội của nước ta. Có khi từ câu hỏi đó họ nghĩ rằng việc khai hóa để người dân có thể nhìn thấy con đường xã hội chủ nghĩa thế nào hay không. Tôi nghĩ họ quá tự tin hoặc quá coi thường nhân dân trong những lúc thế này".

Trong bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương được truyền thông trong nước đăng tải cũng nhắc đến mục tiêu và khẩu hiệu "Dân tộc, dân chủ". Theo ông, nhiệm vụ chính trị đó phù hợp lòng dân, là mong muốn chính đáng và bức xúc của cả dân tộc.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng còn cho rằng từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã có 75 năm với những tiến bộ đáng kể trên tiến trình dân chủ, dù còn ít và vẫn còn rất xa.

Ông Hoàng cũng khẳng định rằng Dân chủ là bản chất tốt đẹp của xã hội tiến bộ và chủ nghĩa xã hội nhất quyết phải là một chế độ dân chủ thật sự.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng thực tế xã hội hiện nay không phản ánh những gì mà ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ra trong bài viết.

"Người ta nói chủ nghĩa xã hội nhất định tiến đến dân chủ thì chỉ là họ muốn thì họ nói. Cái chính là người dân cần họ đưa ra lý lẽ về các mặt thí dụ về thực tiễn chứng minh cho điều đó. Như tôi đây khi nghe những lời như thế cũng chỉ cười cứ không cãi, cãi sao được những chuyện như vậy".

Còn Nhà báo Ngô Nhật Đăng lại cho rằng thực tế so với thời gian trước đây, rõ ràng chính phủ Hà Nội có tiến bộ trong quá trình dân chủ, nhưng tiến bộ đó không đáng kể.

Ông đưa dẫn chứng nếu ai đó trước đây trả lời phỏng vấn những đài hải ngoại như VOA, RFA thì phần lớn có thể sẽ bị bắt giữ, phạt tù, hoặc chuyển công tác, cắt chức. Tuy nhiên, tình trạng đó gần đây có giảm dù vẫn còn nhiều nhà báo vừa bị bắt giữ trong thời gian ngắn vừa qua.

"Chúng ta thấy họ đang kiềm hãm nền dân chủ. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có tự do ngôn luận, việc tối thiểu là một tờ báo tư nhân vẫn còn chưa có. Chính vì thế mà cả một xã hội bưng bít, không có một tiếng nói nào khác. Nhưng có thể họ vẫn tự nghĩ rằng Ban Tuyên giáo từ sau năm 1975, từ khi người cộng sản bắt đầu nắm quyền phân nửa nước và sau 75 trên cả nước thì so thời đó với thời hiện nay thì thấy có sự tiến bộ hơn. Nhờ họ ta mới có nền dân chủ, tôi nghĩ vậy".

Trước đó, phát biểu tại hội thảo diễn ra ngày 15/7, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông đã cho rằng Ban Tuyên giáo Trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo đặc biệt quan trọng của đảng, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình đất nước.

Theo đánh giá của nhà báo Ngô Nhật Đăng, những thành quả mà Ban Tuyên giáo đạt được từ ngày ra đời cho đến nay chỉ là cho đảng, việc làm của Ban Tuyên giáo thực tế là lấn át những tiếng nói trái chiều và quyền tự do ngôn luận.

"Ban tuyên giáo là nơi tập trung lý luận, lý thuyết và xây dựng đường lối cho chính quyền cho đảng. Thật sự việc đó là kiềm hãm bước tiến của dân tộc".

Nhiều nhà quan sát xã hội cũng đồng tình với quan điểm vừa nêu, thậm chí có người còn cho rằng ‘Tuyên giáo không những là kẻ thù của sự thật, mà còn là kẻ thù của văn minh’.

*************************

Thủ tướng dốt đến vậy hay sao ?

Chuyện ngài Nguyễn Xuân Phúc ‘dốt văn’, đó không phải là ‘hành vi nói xấu lãnh đạo’, mà ở đây người viết chỉ ‘nói cho rõ’, nhằm để các em học trò không nhầm lẫn trong thi cử.

dot1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng - Ảnh : TTXVN

Văn học sử cách mạng đã bị nhầm lẫn đến tệ hại ?

Chứng cớ cho kết luận Thủ tướng Chính phủ dốt, có thể tìm thấy ở bài phát biểu của ông tại buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2020).

"Thủ tướng phát biểu chúc mừng trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ" là tựa bài báo trên tờ Tuổi Trẻ Online, đăng toàn văn bài phát biểu này từ sáng sớm ngày 31/7. Tính đến cuối giờ chiều ngày 31/7, bài báo ‘chỉ bị gỡ’ ở đoạn mà người đọc dễ giật mình vì tầm hiểu biết về văn nghệ sĩ của ông Nguyễn Xuân Phúc :

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… tạo nên "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" (Thơ Lê Anh Xuân), tô thắm hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ", "anh giải phóng quân".

dot01

Đến chiều ngày 31/7, đoạn trên được cắt gọn còn thế này (*) :

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ, tô thắm hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ", "anh giải phóng quân".

Người viết đã cẩn thận chụp lại toàn bộ bài báo được gọi lúc ban đầu là "toàn văn", và đến chiều là "trích đăng".

Các em tuổi học trò lưu ý chi tiết liên quan văn học sử, rằng có 4 nhân vật được liệt kê "ngã xuống chiến trường", thực ra họ vẫn còn sống sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975.

Thứ nhất, nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Ông sinh năm 1935, đến năm 2014 mới qua đời ở tuổi 79.

Thứ hai, nhà văn Nguyễn Sáng, tên thật là Nguyễn Quang Sáng, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Ông sinh năm 1932, đến năm 2014 mới qua đời ở tuổi 82.

Ngoài ra còn có một Nguyễn Sáng nữa là họa sĩ Nguyễn Sáng, quê ở Mỹ Tho, cũng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh 1996. Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh năm 1923, đến năm 1988 mới qua đời ở tuổi 65.

Thứ ba, nhà văn Phan Tứ, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Ông sinh năm 1930, sau năm 1975 còn làm Đại biểu Quốc hội của Đà Nẵng, đến năm 1995 mới qua đời ở tuổi 65.

Thứ tư, nhà văn Nguyễn Trung Thành, tên thật là Nguyễn Văn Báu và ông có một bút danh được nhiều người vẫn quen gọi là "Nguyên Ngọc". Ông sinh năm 1932, hiện nay vẫn còn sống khỏe mạnh và minh mẫn. Ông đã xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011. Bút ký "Các bạn tôi ở trên ấy" viết về Tây Nguyên của ông được giải thưởng văn xuôi năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Ông là người đồng sáng lập tổ chức ‘Văn Đoàn độc lập’. Ngày 13/3/2018, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.

Ngày 26/10/2018, ông Nguyên Ngọc tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam nhân sự kiện phó giáo sư, tiến sĩ Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật. Trong tuyên bố, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết đã định ra khỏi Đảng từ lâu, nhưng không có ý định gây ồn ào. Nay ông muốn tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Đảng.

Thay lời kết

Sở dĩ người viết cho rằng ở đây là ‘dốt văn học sử’, vì trong bài phát biểu nói trên, có đoạn cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc có trí nhớ rất tốt :

"Tôi nhớ cách đây đúng 10 năm, trong lễ kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành tuyên giáo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng – khi đó là Chủ tịch Quốc hội – đã đặt ra cho ngành tuyên giáo chín nhiệm vụ mới mà ngành tuyên giáo cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện cụ thể của thời kỳ mới".

Có ý kiến bênh vực vầy : Thủ tướng bận trăm công nghìn việc. Thủ tướng không có thời gian biên soạn, chỉ có thể đọc bài phát biểu chào mừng do người khác viết sẵn.

Xin thưa, khi đọc bài phát biểu viết bằng tiếng Việt, chắc chắn ông Nguyễn Xuân Phúc phải hiểu về nội dung và các tên tuổi văn nghệ sĩ đó, dù ít hay nhiều.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 01/08/2020

_________________

Chú thích :

(*) htpps://tuoitre.vn/thu-tuong-phat-bieu-chuc-mung-tri-thuc-nha-khoa-hoc-va-van-nghe-si/20200731074620763.htm ;

Bản lưu trữ tự động của Google còn giữ nguyên :

https://tuoitre.vn/thu-tuong-phat-bieu-chuc-mung-tri-thuc-nha-khoa-hoc-va-van-nghe-si-20200731074620763.htm+&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn"

target="_blank"> htpps://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache :Iq9P8NND5cwJ :

htpps://tuoitre.vn/thu-tuong-phat-bieu-chuc-mung-tri-thuc-nha-khoa-hoc-va-van-nghe-si/20200731074620763.htm+&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

***********************

Thủ tướng phát biểu chúc mừng trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ

Nguyễn Xuân Phúc, Tuổi Trẻ Online, 31/07/2020

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2020). Tuổi Trẻ Online trích đăng.

dot0

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu. Ảnh : Trần Hải.

Tôi rất vui mừng được gặp gần 200 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đại diện cho giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của nước nhà. Tôi hoan nghênh Ban Tuyên giáo trung ương và các cơ quan đã tổ chức cuộc gặp quan trọng này với chương trình hết sức phong phú và ý nghĩa. 

Đặc biệt, tôi được gặp nhiều vị có tên tuổi, những người nổi tiếng lâu nay mà chúng ta thường gặp trên phim ảnh, báo đài. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi xin gửi tới các đồng chí, các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cùng toàn thể đội ngũ làm công tác tuyên giáo cả nước những tình cảm sâu nặng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất ! 

Bản chất và sứ mệnh lịch sử không hề thay đổi

Công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng, bao gồm chính trị, tư tưởng, và tổ chức ; đóng vai trò đi trước - mở đường, bảo đảm cho sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. 

Trong đó, công tác tuyên giáo hay công tác chính trị tư tưởng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giáo dưỡng tinh thần, giác ngộ tư tưởng, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đến các thắng lợi vẻ vang cho đất nước ta mà trực tiếp là hai cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả trong công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày nay. 

Ngay khi Đảng vừa mới ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với các lãnh tụ của Đảng đã rất quan tâm và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng, xem đây là một chiếc chìa khóa bảo đảm cho sự lãnh đạo cách mạng thắng lợi của Đảng ta. 

Tôi xin nêu ví dụ thú vị về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, đó là ngày 22/12/1944, khi thành lập đội tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, chính Bác Hồ đã thêm hai chữ "tuyên truyền" vào tên gọi "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân’. 

Qua đó, nói lên cuộc kháng chiến của chúng ta là sự nghiệp của toàn dân, thể hiện sự kế thừa chiến lược chiến tranh nhân dân mà tổ tiên chúng ta, các bậc tiền nhân đã luôn phát huy trong lịch sử dựng nước và giữ nước. 

Trải qua 90 năm với nhiều biến cố và bước ngoặc của đất nước, đi cùng với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc, ngành tuyên giáo đã nhiều lần thay đổi tên gọi để thích ứng với bối cảnh từng giai đoạn nhưng bản chất và sứ mệnh lịch sử không hề thay đổi. 

Công tác tuyên giáo bao quát nhiều mặt trong lãnh đạo, quản lý đất nước và trong đời sống kinh tế - xã hội như nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị ; bảo vệ và phát huy nền tảng hệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm trì trệ, bảo thủ, lạc hậu, sai trái, thù địch ; tuyên truyền, cổ động ; văn hóa - văn nghệ, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại ; giáo dục, khoa học, công nghệ, các vấn đề xã hội. 

Trong điều kiện đất nước hòa bình và ra sức phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, vai trò của ngành tuyên giáo không hề giảm đi, mà càng phải được làm nổi bật, tô điểm hơn cho những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 

Tuyên giáo đi trước mở đường

Vai trò "đi trước - mở đường" trong phát triển kinh tế - xã hội ngày nay của ngành tuyên giáo cũng quan trọng to lớn không kém giai đoạn trước đây. Tôi nhớ cách đây đúng 10 năm, trong lễ kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành tuyên giáo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - khi đó là Chủ tịch Quốc hội - đã đặt ra cho ngành tuyên giáo chín nhiệm vụ mới mà ngành tuyên giáo cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện cụ thể của thời kỳ mới. 

Đến nay, có thể nói ngành tuyên giáo đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao mà minh chứng đậm nét là từ những đóng góp vào những thành tựu chung về kinh tế - xã hội cho đến những tiến bộ về mặt nhận thức tư tưởng không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn trong quần chúng nhân dân. 

Có thể khẳng định những thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng ta suốt hơn 90 năm qua có sự đóng góp to lớn của ngành tuyên giáo, mà trực tiếp là những người làm công tác tuyên giáo. Cán bộ tuyên giáo không phải là "Quan cách mạng" mà là những chiến sĩ dũng cảm, kiên trung trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, như Bác Hồ từng nói : "Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". 

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hình thức vinh danh nhưng cần vinh danh nhiều hơn nữa, dưới nhiều hình thức hơn nữa, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, để xứng đáng với các thành tựu cách mạng vĩ đại của Đảng, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước. 

Ngay từ những năm 1930, với chủ trương xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước, đông đảo trí thức trẻ yêu nước và tiến bộ thời kỳ đó như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đã hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước, chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp giành độc lập dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. 

Sau khi giành lại độc lập, tự do, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách "ngàn cân treo sợi tóc", dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước đã phát huy vai trò tiên phong sáng tạo, sát cánh cùng giai cấp công nhân, nông dân và toàn dân tộc tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. 

Lớp lớp trí thức, văn nghệ sĩ cùng với quân dân cả nước đã giác ngộ lý tưởng, hăng hái tình nguyện nhập ngũ, "xếp bút nghiên" lên đường chiến đấu. Với khẩu hiệu "Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa ; cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt", văn nghệ sĩ, trí thức cả nước tiến hành một cuộc dấn thân triệt để. 

Mỗi văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học tự đứng vào một vị trí, tự gánh lấy một trách nhiệm, tự làm đầy một lẽ sống, như nhà thơ Tố Hữu từng viết : "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, Mặt trời chân lý chói qua tim". 

Nhiều nhà văn, trí thức trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở nhiều chiến trường, tham gia các chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Điện Biên Phủ… Nhiều người đã hi sinh anh dũng như nhà văn - chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh… 

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ, tô thắm hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ", "anh giải phóng quân". 

Góp phần đưa đất nước có được trạng thái bình thường mới

Từ khi đất nước thống nhất đến nay, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Việt Nam cả trong và ngoài nước đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để sáng tạo, sáng tác. 

Nhiều nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ đã tham gia xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước, xác định mô hình và hoàn thiện thể chế trong từng thời kỳ ; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn và phát huy các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam ; thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. 

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng và 2019 xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đứng thứ 3 trong ASEAN. Trong đại dịch Covid-19 nguy hiểm và đang gây hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ nước nhà đã kịp thời vào cuộc, kịp thời nghiên cứu phát triển bộ kit xét nghiệm, phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa... 

Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội, cả trong nước và quốc tế trong phòng chống dịch. Công tác tuyên giáo đã tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, góp phần tạo sự đồng thuận của toàn dân, thu hút được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời làm lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, đóng góp rất quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên có được "trạng thái bình thường mới".

Chúng ta có thể tự hào khẳng định bằng tài năng, công sức và tâm huyết, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học của Việt Nam đã góp phần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam không còn là tên gọi một cuộc chiến tranh mà thực sự đã trở thành biểu tượng của tinh thần vì hòa bình, một hình mẫu đổi mới, luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới như mong ước của Bác Hồ năm xưa. 

Cần kiến tạo môi trường tự do sáng tạo

Dân tộc ta có truyền thống quý trọng hiền tài, khẳng định : "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…". Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển cả về số lượng, chất lượng nhằm đóng góp nhiều hơn cho đất nước. 

Điều này được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đề cương Văn hóa năm 1943… và gần đây có rất nhiều nghị quyết quan trọng khác. Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức ; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc. 

Trong điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục thực hiện và sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, trí thức có cống hiến… Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền luôn trân trọng, ghi nhận những công lao, đóng góp và dành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - văn nghệ của nước nhà. 

Nhiều tổ chức văn hóa, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học đã được trao tặng các danh hiệu, giải thưởng vinh dự nhà nước : Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước ; các hội chuyên ngành ở trung ương và địa phương được tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác... 

Chúng ta cần có thêm nhiều hình thức vinh danh và tưởng thưởng xứng đáng hơn nữa cho đội ngũ nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là kiến tạo môi trường tự do sáng tạo. Tôi nghĩ không có phần thưởng nào được đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ đón nhận nhiệt thành hơn "phần thưởng" này.

Chúng ta thường nói nhiều đến vai trò, những đóng góp và đòi hỏi của chúng ta đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ thì chúng ta cũng nói đến những nguyện vọng của các nhà trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ đối với chúng ta. 

Tại buổi gặp mặt trân trọng hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp mặt nhiều gương mặt tiêu biểu, xuất sắc, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… có nhiều đóng góp ở các lĩnh vực như: các nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng; có những người đã giành trọn cả cuộc đời gắn bó với văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc như:

- Giáo sư Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, cũng là đại biểu cao niên nhất.

- Người nghiên cứu chuyên sâu về một mảng lễ hội như Giáo sư Tiến sĩ Lê Hồng Lý.

- Những nhà khoa học mạng tầm quốc tế như Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, được bình chọn top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2019.

- Nhà khoa học được nông dân yêu mến như Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan và hàng trăm gương mặt tiêu biểu khác mà tôi đã nghe đến hoặc có may mắn được gặp, được nói chuyện hay có dịp giới thiệu trong nhiều hội nghị trước đây. 

Trong xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của kinh tế tri thức, cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những đột phá và có ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội. Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà là con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất.

Đảng, Nhà nước đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng

Tuy nhiên cùng cần nói thêm rằng những kết quả, thành tựu do đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đóng góp là rất quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. 

Đội ngũ trí thức tuy đã gia tăng về số lượng và trình độ, nhưng còn thiếu trí thức đầu ngành, tổng công trình sư, các chuyên gia có khả năng chủ trì thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu lớn của quốc gia và quốc tế. 

Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị cao về những thành tựu có tính lịch sử của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Vẫn còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ.  

Cá biệt còn một số cá nhân, nhóm trí thức, văn nghệ sĩ chưa mạnh dạn, thẳng thắn, ngại bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm sai trái. Một số ít trường hợp háo danh, hám lợi đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín chung của những nhà trí thức chân chính. 

Nhiều văn nghệ sĩ thoát ly ra khỏi đời sống nhân dân, do đó bị mất đi nguồn nhựa sống để sáng tác. Như Bác Hồ từng dặn : "Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu các nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta". 

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mà tiêu biểu là gần 200 đại biểu đang có mặt tại đây, đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của cả nước. 

Mong rằng các đồng chí, các bác, các anh chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc như di nguyện của Bác Hồ cách đây hơn 50 năm. 

Tôi cũng xin nói thêm trong một thế giới phẳng, thách thức đặt ra đối với văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học là sự gìn giữ, bảo tồn và phát huy các gia trị văn hóa, lịch sử truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan. Đây là thách thức lớn bởi xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa có thể tác động làm phai nhạt những giá trị văn hóa có tính cội nguồn. 

Hàng nghìn năm nay, cha ông chúng ta luôn biết cách đẩy lùi mọi âm mưu đồng hóa của nước ngoài. Các văn nghệ sĩ, nhà trí thức ngày nay cũng chính là những chiến sĩ, luôn đề cao cảnh giác và tinh thần đấu tranh trên mặt trận này, phải biết cách truyền cảm hứng, khơi dậy trong giới trẻ về cội nguồn, về văn hóa truyền thống của dân tộc, về lý tưởng phụng sự quốc gia độc lập, tự cường, thịnh vượng.

Chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội sẽ vạch ra những định hướng chiến lược cho phát triển đất nước trong 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045 và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Trong toàn bộ tiến trình đó, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu đề xuất, phản biện chính sách... phục vụ xây dựng, hoạch định và triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. 

Tôi xin nhấn mạnh đây là nhiệm vụ sống còn, là thể diện, niềm tin, niềm tự hào và tinh thần dân tộc, phải luôn nằm trong tiềm thức, chảy trong huyết quản của mỗi văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học chúng ta.

Càng nhìn sâu hơn vào quá khứ, chúng ta sẽ càng nhìn thấy được xa hơn về tương lai. Hôm nay chúng ta nhớ lại các chặng đường của 90 năm qua, mà mới nhất là chặng đường 10 năm vừa mới đi qua, chúng ta sẽ có thể nhìn trước được 10 năm nữa - năm 2030 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cũng là 100 năm ngành tuyên giáo, chúng ta sẽ thế nào ? 

Điều này không chỉ phụ thuộc vào những gì ngành tuyên giáo kế tục sẽ làm mà còn là những gì chúng ta đang làm hiện nay. Với những nét son chói sáng của ngành tuyên giáo trong 90 năm qua được tô điểm bởi các nhà lãnh đạo tiền bối, các nhà làm công tác tuyên giáo qua các thời kỳ, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức để làm cho nét son đó chọi lọi hơn nữa. 

Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta sẽ còn phát huy hơn nữa truyền thống của ngành, sẽ giành được các thành tựu lớn hơn, vinh quang hơn nữa, như là món quà thật ý nghĩa cho lễ kỷ niệm "Bách niên" của ngành trong 10 năm nữa. 

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 31/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng, RFA tiếng Việt, Triệu Tử Long, Nguyễn Xuân Phúc
Read 856 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)