Biển Đông : Nhượng bộ Trung Quốc, Việt Nam không hẳn là thua
Ngô Vĩnh Long, RFI, 29/07/2020
Khi chấp nhận hủy hợp đồng và bồi thường cho Repsol dưới áp lực của Trung Quốc, Việt Nam "lùi một bước đế tiến thêm hai bước" trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế tại Biển Đông. Trên đây là phân tích của chuyên gia về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine Hoa Kỳ.
/
Khi bắt chẹt Việt Nam hủy hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha và một số công ty nước ngoài khác, Trung Quốc đã đi sai một nước cờ ? Về phía Việt Nam, Hà Nội đã nhượng bộ Bắc Kinh để đánh động công luận quốc tế về tham vọng vô hạn của Trung Quốc ở Biển Đông và lôi kéo Mỹ, Nga vào cuộc.
Việt Nam tăng tốc đàm phán với ExxonMobil của Mỹ trong dự án Cá Voi Xanh. Hà Nội trực tiếp vận động Moskva về hợp tác giữa các tập đoàn Việt Nam với Rosneft của Nga. Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine - Hoa Kỳ, cho rằng sự hiện diện của các đại tập đoàn Mỹ và Nga sẽ ngăn chận Bắc Kinh chèn ép và uy hiếp các nước trong khu vực để khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long về Biển Đông
RFI : Xin kính chào giáo sư Ngô Vĩnh Long, động lực nào thúc đẩy Việt Nam chấp nhận hủy các hợp đồng thăm dò dầu khí với các công ty nước ngoài và phải trả giá đắt để bồi thường thiệt hại cho các đối tác, như tiết lộ của truyền thông quốc tế gần đây ?
Ngô Vĩnh Long : Tất cả các dự án liên quan đều nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Ngoại trừ các dự án của tập đoàn Tây Ban Nha, Repsol, các dự án này nằm ở ngoài rìa xa nhất, rìa ngoài, nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là nơi Trung Quốc đã quấy nhiễu từ mấy năm nay, từ 2017. Vừa qua Repsol đã phải dừng khoan ở các bãi 07/03 và 135-136/03.
Vấn đề đặt ra là Trung Quốc quấy nhiễu, gây bất an khiến các công ty ngoại quốc, đặc biệt là Repsol, đòi Việt Nam tăng cường bảo đảm an ninh. Việt Nam thấy rằng khó bảo đảm an ninh cho các đối tác này, nhất là cho đến mãi gần đây các nước khác làm ngơ trên hồ sơ này. Cho nên Việt Nam quyết định dừng khoan do bị Trung Quốc đe dọa, đặc biệt là nếu trong năm nay Việt Nam chưa vận động được sự ủng hộ của quốc tế. Quyết định này nhằm tránh đụng độ với Trung Quốc, đặc biệt là năm tới Việt Nam tổ chức đại hội Đảng. Hà Nội không muốn chuyện gây rối với Trung Quốc buộc Việt Nam phải thương lượng tay đôi với Bắc Kinh. Thương lượng tay đôi sẽ bất lợi cho Việt Nam.
RFI : Trung Quốc sách nhiễu các công trình khai thác dầu khí của Việt Nam và các đối tác quốc tế của Việt Nam dưới hình thức nào ?
Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc thường đưa các đội tàu xuống các vùng ngoài khơi nhưng ở bên trong thềm lục địa của Việt Nam. Đôi khi là những đội tàu với cả bốn, năm chục tàu hải quân đi ngang qua. Rồi Trung Quốc lại điều các giàn khoan đến áp sát vào các giàn khoan của Repsol chẳng hạn.
RFI : Giáo sư đánh giá ra sao về quyết định của phía Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Bắc Kinh ?
Ngô Vĩnh Long : Nhiều người nói rằng Việt Nam đã thua. Đúng là Việt Nam thua, nhưng thua một bước. Có thể là vì Việt Nam nhượng bộ dưới áp lực của Trung Quốc, cho nên các nước khác cảm thấy là nếu cứ để cho Trung Quốc tiếp tục lấn át như vậy thì sẽ gây mất an ninh cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ, không chỉ có các nước trong khu vực nhận thức được vấn đề này, mà cả chính Hoa Kỳ cũng đã nhận thức được. Cho nên từ hai tuần qua thái độ của Mỹ trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn rất nhiều.
RFI : Giáo sư muốn nói đến tuyên bố hôm 13/07/2020 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ?
Ngô Vĩnh Long : Tuyên bố của Mỹ rất cứng rắn. Từ trước đến giờ Hoa Kỳ không nói thẳng, nhưng lần này Mỹ thẳng thừng cho rằng "những thủ đoạn và hành động của Trung Quốc là phạm pháp và vi phạm luật biển quốc tế". Do vậy Mỹ sẽ "giúp bảo vệ an ninh cho các nước trong khu vực" để các nước này có thể khai thác các nguồn lợi ngoài biển nhưng ở bên trong thềm lục địa của họ. Sau Hoa Kỳ, Úc cũng đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông. Vì thế, chẳng hạn như là tập đoàn Mỹ ExxonMobil, đã có lúc muốn rút ra khỏi Việt Nam, nhưng sau tuyên bố của Mỹ đã tái khẳng định hợp tác với Việt Nam. Đây là một công ty Mỹ, nếu bị Trung Quốc quấy nhiễu trong các vùng mà ExxonMobil đang hợp tác với Việt Nam, tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ có thái độ. Cho nên ExxonMobil tiếp tục đàm phán với PetroVietnam để thúc đẩy dự án Cá Voi Xanh chẳng hạn.
RFI : Nói cách khác, Việt Nam có thể tận dụng thế lục của các đối tác dầu khí Mỹ và cả của Nga để ngăn chận tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông ?
Ngô Vĩnh Long : Vâng. Ngoài ra Rosneft có vốn của chính phủ Nga, cho nên Việt Nam nghĩ rằng có thể nếu Trung Quốc đe dọa những vùng có đầu tư của Rosneft thì Nga có thể cũng sẽ can thiệp. Theo tôi nghĩ, Việt Nam sẽ đi gần với Nga thêm, cùng với Nga bảo vệ an ninh cho các hãng dầu của hai nước ở vùng Nam Côn Sơn hay là ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cần nói thêm là các hãng của Mỹ và Nga cảm thấy là cần phải cứng rắn thêm, nếu không sẽ bị Trung Quốc chèn ép, như trường hợp của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol. Việt Nam phải dừng hợp đồng với tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha, phải trả một số tiền bồi thường rất lớn, 1 tỷ đô la, nhưng mặt khác việc này cho các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Nga, thấy rằng không thể để tình trạng này tiếp diễn, vì như vậy quyền lợi của các bên sẽ bị đe dọa, không chỉ trong vấn đề khai thác tài nguyên hay phát triển ở Biển Đông, mà còn cả đối với an ninh trên toàn vùng biển này.
Việt Nam đã hy sinh rất nhiều : 1 tỷ đô la tiền phạt là một khoản tiền rất lớn, hơn nữa các dự án của tập đoàn Tây Ban Nha tương đương với 9 % lượng khí đốt có thể cung cấp điện cho toàn quốc. Nhưng đổi lại, về lâu dài, tương lai đối an ninh của Việt Nam và cả khu vực sẽ rất là lớn. Trong tình huống hiện nay, tôi nghĩ rằng là Việt Nam làm một bước lùi, nhưng hai bước tiến. Bởi vì rõ ràng là, ngoài Mỹ, ngay cả những nước khác cũng đang thấy là áp lực của Trung Quốc ngày càng lớn. Nếu bây giờ không cùng nhau bảo vệ cho an ninh chung trong khu vực, thì có lẽ là sẽ quá trễ.
RFI : Phản ứng của phía Trung Quốc sắp tới đây sẽ ra sao, thưa ông ?
Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc trước hết tỏ ra là mình mạnh, đưa một số tàu vào Biển Đông để tập trận, đưa 8 máy bay tiêm kích vào đảo Phú Lâm... Nhưng tôi nghĩ rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, Trung Quốc không dám khiêu khích Mỹ lắm vì khiêu khích Mỹ như vậy, tổng thống Trump có thể "nổi điên lên". Khi đó không lường được trước những gì sẽ xảy ra.
RFI : Còn về phía Nga, thưa giáo sư ?
Ngô Vĩnh Long : Trong ngắn hạn, Nga có lợi hơn khi đi chung với Trung Quốc. Nhưng thật ra về lâu về dài, Trung Quốc là nước đe dọa Nga, chứ không ai đe dọa Nga hơn là Trung Quốc. Để bảo vệ quyền lợi của mình trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương, Nga nên bảo vệ quyền lợi của Nga với Việt Nam. Việt Nam dù sao đi nữa cũng là đối tác chiến lược của Nga và tôi nghĩ rằng Nga sẽ không bỏ rơi Việt Nam.
RFI : Chân thành cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ tham gia vào chương trình của ban Việt ngữ.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 20/09/2020
Link để tải phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long
********************
Trung Mỹ có thể nổ súng tại Biển Đông hay không ?
Ngô Nhân Dụng, VOA, 29/07/2020
Ngày 12/7 là kỷ niệm bốn năm ngày Tòa án Quốc tế ở The Hague tuyên bố Đường Lưỡi Bò mà chính quyền Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông nước ta hoàn toàn vô giá trị. Từ năm 2016 đến nay, Bắc Kinh vẫn bất chấp phán quyết đó, và Philippines là nước đệ đơn kiện hầu như cũng quên luôn !
USS Nimitz nhận thêm nhiên liệu tại Biển Đông, 7 tháng Bảy, 2020. Ảnh minh họa
Năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bỗng dưng nhắc nhở tất cả mọi người đừng quên bản án của Tòa Quốc tế ! Ông Pompeo nhấn mạnh việc Trung Quốc tiếm nhận 90 phần trăm vùng biển Đông Nam Á là "hoàn toàn bất hợp pháp". Ông nhắc đến tên nhiều hòn đảo của các nước từ Việt Nam, Indonesia đến Malaysia đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, trong đó có Vanguard Bank (Bãi Tư Chính) của nước ta.
Trước khi ông Pompeo nói, hai hàng không mẫu hạmUSS Nimitz và USS Ronald Reagan đã song song tiến vào vùng biển Đông Nam Á, đem theo cả hạm đội đầy đủ vũ khí thao dượt tác chiến, liên tiếp hai tuần lễ. Mẫu hạm Nimitz cũng tập trận cùng hải quân Ấn Độ, trong Vịnh Bengal, trước khi qua Trung Đông. Quân Ấn Độ và quân Trung Quốc mới bắn nhau ở vùng biên giới trên Hy Mã Lạp Sơn, mỗi bên chết mấy chục người.
Lần sau chót hai mẫu hạm của hải quân Mỹ cùng đi vào Biển Đông diễn ra năm 2014, khi cựu Tổng thống Obama tuyên bố "chuyển trục", đưa lực lượng Mỹ từ vùng Địa Trung Hải qua Á Châu ; đồng thời Mỹ cũng đang vận động với 11 quốc gia ở Thái Bình Dương ký một hiệp ước thương mại tự do mà không cho Trung Quốc dự phần.
Sáu năm trước cũng như lần này, các chiến hạm Mỹ đi sát gần các hòn đảo Trung Quốc chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa, mà không báo tin xin phép, để chứng tỏ nước Mỹ không công nhận họ làm chủ, dù Trung Quốc đã thiết lập những căn cứ quân sự trên đó.
Trong vòng một tuần, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, đưa thêm chiến đấu cơ J-11B tới phi trường quân sự trên Đảo Phú Lâm (Woody Island), hòn đảo rộng nhất trong Quần đảo Hoàng Sa, trước năm 1974 vẫn thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Quân khu Miền Nam Trung Quốc còn cho máy bay JH-7 tập trận hai ngày liên tiếp, bắn 3,000 phi đạn với chất nổ thật, trên những mục tiêu di động trên mặt biển. JH-7 là loại máy bay thả bom đặc biệt nhắm đánh các chiến hạm đang di chuyển. Lần chót oanh tạc cơ JH-7 được đem biểu diễn bắn hỏa tiễn thật ở Biển Đông là năm 2016, sau khi Tòa án quốc tế ở The Hague xử Philippines thắng kiện Trung Quốc.
Năm nay Trung Quốc lại biểu diễn đánh bom ở Biển Đông nước ta, trong khi hải quân Mỹ đang tập trận bất chấp những tín hiệu cảnh cáo, xua đuổi của các tàu Hải Giám. Không ai đoán trước được chuyện gì sẽ xẩy ra giữa hai cường quốc, trong lúc không khí ngày càng căng thẳng, từ khi có bệnh dịch Covid 19.
Xung đột Mỹ - Trung đang diễn ra trong nhiều lãnh vực : Cuộc chiến thuế quan, Huawei, Hồng Kông, nhân quyền của người Uyghurs, rồi mới đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và Trung Quốc trả đũa bằng tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô. Tổng thống Donald Trump đã gọi Coronavirus là Vi khuẩn Vũ Hán (Wuhan virus) và gọi tên Kung Flu để chế nhạo, còn nghĩ tới việc cấm vận cả 92 triệu đảng viên cộng sản Trung Quốc ! Mỹ mới bán 180 triệu đô la vũ khí cho Đài Loan dù Trung Quốc ồn ào phản đối. Trong Tháng Bảy, người ta thấy một chiếc máy bay không người lái (spy drone) của Mỹ, được trang bị các loại máy do thám, bay qua vùng Biển Đông rồi đi về hướng Đài Loan !
Trong thế kỷ 21, hai nước Mỹ và Trung Quốc, làm chủ 40 phần trăm kinh tế thế giới, sẽ kình chống lẫn nhau, không thể nào tránh được. Năm 2018, ông Kissinger, từng làm cố vấn an ninh quốc gia cho mấy đời tổng thống Mỹ, đã nói, "Theo kinh nghiệm lịch sử thì Trung Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ xung đột". Cuộc thương chiến do Tổng thống Trump khởi xướng sẽ còn tiếp tục, dù ông Trump tái đắc cử hay không. Cuộc chạy đua làm chủ hệ thống viễn thông G5 cũng vậy.
Mọi người đồng ý rằng các ông Tập Cận Bình và Donald Trump không muốn chiến tranh giữa hai nước. Tổng thống Trump đã tỏ ra rất thân thiện, từng khen Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc lớn nhất trong mấy thế kỷ – xác chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, nếu nghe được, chắc phải giật mình cựa quậy ! Sau đó ông Trump còn nâng cấp, gọi ông Tập là nhà lãnh đạo số một trong suốt lịch sử Trung Quốc ! Nói thế chắc đúng ý Tập Cận Bình ! Vì các ông vua đời trước như Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Minh Thành Tổ, cho tới Càn Long chỉ lo bành trướng trên lục địa Châu Á, còn Tập Cận Bình mở cả Con đường Tơ Lụa trên mặt biển và đang đem tiền cùng các cố vấn, công nhân, đến tận các nước Châu Phi mua ảnh hưởng !
Nhưng một cuộc chiến tranh có thể bất ngờ bùng lên chỉ vì những biến cố nhỏ. Năm 2001, một máy bay tình báo Mỹ bị chiến đấu cơ Trung Quốc bám sát, tai nạn đã xẩy ra chỉ cách Hoàng Sa 160 km. Người phi công Trung Quốc tử nạn còn máy bay Mỹ thoát nạn nhờ hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Chính phủ hai nước đã giàn xếp ổn thỏa.
Năm 2018 có lúc chiến thuyền hai bên đến sát gần nhau trong Biển Đông, chỉ cách 40 mét. Nếu vì trục trặc kỹ thuật mà tàu đụng nhau, có người chết, thì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra !
Cuối năm 2018, Thiếu tướng hồi hưu La Viện (Luo Yuan) thuyết trình tại Học viện Khoa học Quân sự, đã nói thẳng rằng Trung Quốc chỉ cần bắn hỏa tiễn vào một hay hai cái hàng không mẫu hạm là đủ cho Mỹ sợ rồi. Khuynh hướng diều hâu trong quân đội Trung Quốc có thể đang lên cao, và họ có thể tính toán liều lĩnh, khi muốn lợi dụng tình trạng nước Mỹ đang lâm bệnh Covid nặng nhất thế giới – ngay các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản cũng bị vi khuẩn đe dọa.
Điều đáng lo ngại trong lúc này là hai nước đang tiến từ những xung đột cụ thể, như mậu dịch hay ăn cắp sản phẩm trí óc, có thể thảo luận để giải quyết, sang những vấn đề không thể giải quyết vì có tính cách chiến lược lâu dài, cho tới các vấn đề chính trị căn bản, như cách tổ chức kinh tế của Trung Quốc,và việc Trung Quốc xâm lấn vùng Biển Đông.
Nguy hiểm nhất là trong khi tàu chiến và máy bay quân sự hai nước có thể đụng chạm ngoài ý muốn, thì mối bang giao đang chuyển, từ xung khắc biến thành thù nghịch. Mỗi bên không còn tin vào lời hứa hẹn của bên kia, và không ngần ngại nói công khai như vậy. Các con đường ngoại giao có khả năng tháo gỡ các xung đột có thể bị tắc nghẽn. Khi ông Mike Pompeo gặp ông Lưu Hạc ở Hawaii tháng trước, mà không hẹn gặp nhau lần nữa, nhiều người đã nhắc tới biến cố Nhật Bản bất ngờ tấn công Pearl Harbor năm 1941 ; để nhắc nhở rằng cuộc chiến Thái Bình Dương đã xẩy ra dù trước đó không ai tin Nhật Bản lại dại dột gây chiến với một nước lớn gấp bốn lần mình như thế !
Một yếu tố cũng đáng quan tâm là năm nay dân Mỹ sắp đi bầu. Nếu trước ngày bỏ phiếu mà có một vụ xung đột quân sự lớn thì, như kinh nghiệm cũ cho thấy, dân chúng Mỹ chắc chắn sẽ đoàn kết ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm. Những cuộc tập trận của hai hàng không mẫu hạm Mỹ cũng như các lời tuyên bố lên án Trung Quốc của Ngoại trưởng Mike Pompeo đều có thể chuẩn bị cho một biến cố như vậy.
Tập Cận Bình và Donald Trump sẽ không để cho chiến tranh lan rộng và kéo dài, nhưng một cuộc nổ súng ở Biển Đông vẫn có thể xẩy ra bất ngờ.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 29/07/2020
*********************
Việt Nam, Indonesia tăng cường phòng thủ ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 29/07/2020
Việt Nam hợp tác với Nhật Bản để tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông, trong khi Indonesia nhắm đến chiến đấu cơ Eurofighter để kiểm soát chặt chẽ hơn các vụ xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển của nước này.
Ngày 28/07/2020, Nhật Bản đã ký với chính phủ Việt Nam hiệp định vay vốn ODA trị giá 36,626 tỷ yên (khoảng 348,2 triệu đô la) để trang bị 6 tầu tuần tra, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông. Đây là khoản vay ưu đãi với thời hạn 40 năm. Dự án áp dụng điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế (STEP), sử dụng công nghệ đóng tầu tiên tiến của Nhật Bản và có thể chuyển giao công nghệ. Số tầu này được dự kiến giao cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam từ nay đến tháng 10/2025.
Trước Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng thông báo cung cấp một tầu tuần duyên cho Cảnh sát biển Việt Nam, theo dự kiến là vào cuối năm 2020. Ngoài ra, trong trong 3 năm gần đây, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam 18 xuồng tuần tra "Metal Shark".
Indonesia cũng đang nghiên cứu tăng cường không lực để đối phó với những thách thức ngày càng tăng từ phía Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Prabowo Subianto chú ý đến 15 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon do Không quân Áo bán lại.
Từ khi giữ chức bộ trưởng Quốc phòng, khác với những người tiền nhiệm, ông Prabowo Subianto tập trung vào chiến lược củng cố không lực và tăng đội tầu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường. Theo trang Asia Times ngày 28/07, Indonesia hiện có 16 chiến đấu cơ SU-27/30 do Nga sản xuất và 3 máy bay F-16 Lockheed Martin, thường xuyên được sử dụng để tuần tra ở Biển Đông.
Trong khi đó, tổng thống Philippines lại tỏ ra "cam chịu" trước những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh vì "Trung Quốc có vũ khí, Philippines thì không". Phát biểu trên đã được ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), một phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc, hoan nghênh trong buổi họp báo ngày 28/07. Đồng thời, ông Uông Văn Bân tái khẳng định Bắc Kinh không thay đổi lập trường về Biển Đông.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 29/07/2020
***********************
Chuyển động Biển Đông : Đối đầu Mỹ-Trung và lựa chọn của Việt Nam ?
Hà Hoàng Hợp, Quốc Phương, BBC, 27/07/2020
Trung Quốc thông báo đang tiến hành đợt tập trận chín ngày ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (từ ngày 25/7 đến ngày 2/8/2020).
Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018
Động thái này là bình thường hay có gì đáng nói và có vị trí, tác động của nó ra sao trong bức tranh các hoạt động tập trận, thao diễn quân sự của Trung Quốc ở khu vực và trên Biển Đông ?
Hôm 27/7/2020, từ Hà Nội, nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị và an ninh khu vực, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đã dành cho BBC News tiếng Việt một cuộc trao đổi qua bút đàm, trong đó ngoài động thái trên của Trung Quốc, ông cũng đưa ra quan sát của mình về các diễn biến, chuyển động bang giao, an ninh, chính trị quốc tế và khu vực mới nhất và bình luận về việc Việt Nam cần có chính sách, đối sách và hành động cụ thể ra sao.
-----------------------
"Đợt tập trận chín ngày lần này của quân Trung Quốc gồm có bắn đạn thật có sức công phá lớn, trong đó có pháo tên lửa và tên lửa ; không quân Trung Quốc cũng tập bắn đạn thật - không đối biển và không đối không ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, ngay sát Biển Đông.
Ngoài mục đích luyện quân, tập trận còn là cảnh báo đối với các thế lực quân sự nước ngoài, rằng Trung Quốc có nền quốc phòng mạnh cả phòng thủ và tấn công.
Địa điểm tập trận gần Biển Đông và gần Việt Nam, nên có thể Trung Quốc có hàm ý gián tiếp gì đó chưa rõ. Ở Việt Nam, không thấy có gì lạ hoặc ngại mỗi khi Trung Quốc tập trận" (Hà Hoàng Hợp)
Có sợ trả đũa ?
BBC : Mới đây tiếp theo Mỹ và một số nước, chính phủ Úc cũng đã có động thái gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc liên quan các tuyên bố chủ quyền (đơn phương) của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực. Vì sao Úc quyết định làm việc này trong thời điểm này, ý nghĩa, ảnh hưởng chính ra sao, Canberra có tính toán và quan ngại là sẽ bị Bắc Kinh trả đũa hay không ?
Hà Hoàng Hợp : Úc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc ủng hộ phán quyết 2016 của tòa trọng tài đối với Philippines, ủng hộ nền pháp lý quốc tế về biển, coi các đòi hỏi chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh là phi pháp, cho thấy Úc thượng tôn pháp luật quốc tế, đồng thời ủng hộ quan điểm thượng tôn pháp luật quốc tế liên quan đến biển Đông của Mỹ.
Bắc Kinh lập tức đe dọa sẽ có các hành động trừng phạt đối với Úc. Đương nhiên, Úc đã dự liệu và không có gì phải lo ngại.
BBC : Cũng gần đây, Indonesia đã tiến hành tập trận, đặc biệt ở khu vực quần đảo Natuna, có thể cắt nghĩa động thái này của Indonesia ra sao liên quan tới an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và vùng biển ở khu vực Đông Nam Á ?
Hà Hoàng Hợp : Hồi tháng 5/2020, Bắc Kinh đề nghị Indonesia ngồi xuống đàm phán song phương để xử lý một "tranh chấp", vì theo Bắc Kinh nói đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố rằng của Trung Quốc có một phần chồng lấn với Natuna Besar của Indonesia.
Jakarta đã lập tức bác bỏ đề nghị đó và tháng Sáu, Indonesia đã có công hàm gửi Liên Hiệp Quốc phản đối đòi hỏi của Trung Quốc.
Việc Indonesia tập trận là nhằm răn đe và ngăn chặn mọi hành động phi pháp của Trung Quốc đối với vùng Natuna Besar của Indonesia.
Indonesia thể hiện quyết tâm cao nhất bảo vệ chủ quyền trên biển của mình, sẵn sàng chiến đấu chống Trung Quốc một khi Trung Quốc có bất cứ hành động phi pháp nào ở vùng Natuna.
Mỹ nhắm 'tầm xa'
BBC : Mới đây, các quan chức cao cấp lãnh đạo ba ngành quan trọng trong nội các chính quyền Mỹ là Ngoại giao, Quân sự, Tư pháp đã có những tuyên bố, thông điệp được cho là chỉ trích Trung Quốc hết sức mạnh mẽ, không chỉ về Biển Đông mà còn trong nhiều vấn đề đối ngoại, đối nội của Trung Quốc. Đây là các động thái ngẫu nhiên, hay đã có kế hoạch của chính quyền Mỹ ? Thực chất của các động thái này là gì, nó nằm trong một chiến lược ổn định, dài hạn của nội các Tổng thống Trump, hay chỉ mang tính phương tiện, công cụ để đối phó với áp lực trong nước (như thành tích về chông Covid-19 bị coi là nghèo nàn), hoặc để 'lấy điểm' cho kỳ bầu cử sắp diễn ra vào tháng 11/2020 này ?
Hà Hoàng Hợp : Đây là việc Mỹ triển khai chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng công bố cuối năm 2017, cụ thể hóa đường lối và chính sách quan hệ với Trung Quốc - cư xử với Trung Quốc như là đối thủ cạnh tranh chiến lược số một của Mỹ.
Phần đầu của chính sách này là "thương chiến", phần hiện nay, là bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ, kết hợp với các hành động địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề Bắc Hàn…
Như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Thư viện Richard Nixon, Mỹ cần bỏ chính sách mà Nixon đã khởi xướng đối với Trung Quốc từ cuối thập kỷ 1960 - Mỹ ủng hộ Trung Quốc giàu mạnh lên và dân chủ hóa, nhưng Trung Quốc đã từ chối dân chủ hóa và đang cố làm thay đổi trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc luật.
Tất nhiên, chính sách lúc này của chính quyền Mỹ nhằm cả các mục tiêu tranh cử để tổng thống Trump có thể được tái cử ; nhưng chiến lược của Mỹ chắc chắn có tầm xa hơn cuộc bầu cử năm nay rất nhiều, vì nó dựa trên chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng đã được sự ủng hộ với tỷ lệ cao bởi cả hai đảng ở Mỹ.
BBC : Ngoài ra, vụ căng thẳng về việc Mỹ, Trung Quốc nối tiếp nhau ra lệnh đóng các lãnh sự quán tương ứng của bên kia, giữa hai bên (tại Houston và Thành Đô), đang nói lên điều gì, có vị trí ra sao trong 'căng thẳng, đối đầu' Mỹ - Trung và có thể dẫn tới đâu ?
Hà Hoàng Hợp : Lý do Mỹ ra quyết định đóng cửa Tòa Lãnh sự Trung Quốc ở Houston là vì đó là một nơi tổ chức hoạt động gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Trung Quốc trả đũa bằng cách ra lệnh đóng của Tòa Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô.
Mỹ đang chủ động thay đổi cách cử xử với Bắc Kinh, còn Bắc Kinh đang làm mọi cách để chủ động hơn trong việc đối phó với thay đổi chính sách quan hệ của Mỹ đối với Trung Quốc.
Việt Nam nên thế nào ?
BBC : Nhìn lại bối cảnh chung của thời sự quốc tế, trong đó có các chuyển động ở khu vực (kể cả tại Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Asean…) mới nhất tới nay, Việt Nam cần có cái nhìn ra sao về mặt chính sách, đối sách và hành động cụ thể để tranh thủ thời cơ, khắc chế rủi ro, vừa làm lợi cho mình, vừa đóng góp tích cực cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung của quốc tế và khu vực, thưa ông ?
Hà Hoàng Hợp : Việt Nam đang có các xem xét cụ thể về các sự kiện xảy ra gần đây ở Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Bắc Hàn, Úc, Asean trên cơ sở đường lối ngoại giao mà Việt Nam đã công bố và nhắc lại nhiều lần.
Có thể thấy Việt Nam đứng về phía pháp luật quốc tế, và quốc gia nào tuân thủ luật pháp quốc tế thì Việt Nam có quan hệ gần gũi hơn với quốc gia đó.
An ninh bấy lâu nay là vấn đề khó khăn lớn nhất trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. An ninh ở đây không chỉ có vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vấn đề Biển Đông, mà còn có các vấn đề liên quan đến lưu vực sông Mekong.
Tôi thấy Việt Nam đang cố gắng nhiều hơn vì hòa bình và ổn định ở khu vực và ở bình diện quốc tế.
Việt Nam cần tiếp tục củng cố quốc phòng, tiến nhanh đến phồn vinh, dân chủ, công bằng ; có thế mới làm cho bạn bè quý mến hơn ; làm cho những đối tượng chơi không đẹp phải kiềng nể. Và đó là thách thức lớn nhất với Việt Nam.
BBC : Vừa qua có ý kiến cho rằng trong các vụ việc liên quan tới hoạt động dầu khí Việt Nam ở trên Biển Đông, như liên quan tới các đối tác, hay dự án hợp tác được biết đến như các vụ Rosneft, Repsol, Việt Nam được cho là đã phải chịu thiệt thòi nào đó (đền bù thiệt hại) do "sức ép từ phía Trung Quốc" dù bản chất các vụ việc là "khác nhau", Tiến sĩ có đánh giá, nhận xét gì về ý kiến này, có thể hiểu thế nào cho đúng hay khách quan về bản chất sự việc ?
Hà Hoàng Hợp : Điều mà tôi nhận thấy rằng từ năm sau khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ (năm 1991), Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép với liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên biển và dầu khí ở Biển Đông.
Tôi cũng thấy rằng Việt Nam đã có cư xử phù hợp, nhưng chưa bao giờ chịu bị ép !
Các câu chuyện xảy ra ở tầm Repsol, Rosneft và PVN, nếu có thì cũng chỉ là ở tầm doanh nghiệp.
Một hoặc một số doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc vì có cổ phần ở một công ty con nào đó của Repsol, từ đó có các tác động đến các dự án của Repsol trong liên doanh với PVN, thì khó có thể nói rằng đó là sức ép từ Bắc Kinh.
Tôi hiểu rằng Bắc Kinh hoặc công ty dầu khí Trung Quốc nào đó không thể thành công trong việc gây sức ép lên Rosneft.
Việt Nam, quốc gia có chủ quyền hợp pháp ở EEZ và thềm lục địa của mình, đương nhiên không bị khuất phục trước bất kỳ loại sức ép phi lý và phi pháp nào từ bên ngoài !
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 27/07/2020
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp là nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak, Singapore), ông đồng thời cũng là thành viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh Quốc.
******************
Collin Koh : ASEAN phải mạnh dạn đứng lên vì Biển Đông
Mai Vân, RFI, 27/07/2020
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/07/2020 chính thức tuyên bố lập trường của Hoa Kỳ, xem các yêu sách trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông là "bất hợp pháp". Đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, được cho là sẽ thúc đẩy những nước khác, cho đến nay vẫn bất bình trước các hành vi bất chấp luât lệ quốc tế của Bắc Kinh để thực hiện ý đồ chiếm trọn Biển Đông nhưng lại tránh không muốn trực diện đối đầu với Trung Quốc.
Như để chứng minh cho nhận định kể trên, ngày 23/07, đến lượt Úc gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, chính thức bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông, bị Canberra cho là trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016.
Tuy nhiên, ngay từ khi ngoại trưởng Pompeo chính thức tuyên bố lập trường "mới" của Mỹ, một câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là các nước bị Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông và nhất là khối Đông Nam Á ASEAN mà các nước đó là thành viên sẽ có phản ứng ra sao, vì dứt khoát là họ sẽ bị lôi cuốn vào tâm bão Biển Đông.
Trong bài phân tích : "Đứng lên vì ASEAN ở Biển Đông - Standing up for ASEAN in the South China Sea" đăng trên trang thông tin East Asia Forum ngày 23/07, chuyên gia về Đông Nam Á Collin Koh, trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, đã ghi nhận thái độ bước đầu vẫn dè dặt của ASEAN, để cho rằng đã đến lúc khối Đông Nam Á phải mạnh dạn đứng lên vì quyền lợi của chính mình, thay vì chạy theo các cường quốc.
Philippines phản ứng rõ ràng nhất
Theo chuyên gia Collin Koh, trong số các nước bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, Philippines là nước đã có phản ứng rõ ràng nhất sau tuyên bố lập trường mới của Mỹ.
Đây cũng là điều dễ hiểu vì tuyên bố Biển Đông được Mỹ đưa ra vào đúng thời điểm Philippines kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016, bác bỏ cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa theo tấm bản đồ "lưỡi bò".
Trong diễn văn kỷ niệm ngày Tòa Trọng Tài ra phán quyết, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã nhấn mạnh tính chất bất hợp pháp của một số hoạt động của Trung Quốc và sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết quốc tế, nêu bật sự cần thiết của một trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.
Chủ tịch Thượng Viện Philippines Vicente Sotto III còn tuyên bố mạnh mẽ hơn, cho rằng "những gì bất hợp pháp không bao giờ có thể trở thành hợp pháp chỉ vì tính khí và thái độ thất thường của một thế lực ngoại bang xem cả Biển Đông như lãnh thổ của mình".
Riêng phủ tổng thống Philippines thì vẫn giữ giọng điệu cẩn trọng, cho rằng dù Trung Quốc không tuân theo phán quyết của Tòa Trọng Tài, Manila vẫn tiếp tục giữ thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh. Phủ tổng thống còn nhấn mạnh là quan hệ song phương Trung Quốc-Philippines không chỉ giới hạn ở tranh chấp Biển Đông mà mang tính bao quát hơn, bao gồm cả hợp tác kinh tế.
Việt Nam ủng hộ Mỹ nhưng tránh nêu tên cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc
Phản ứng của các nước còn lại trong ASEAN, theo chuyên gia Singapore, còn thận trọng hơn, kể cả những quốc gia bị Trung Quốc lấn lướt.
Indonesia, với thái độ từ lâu nay luôn không xem mình là một bên tranh chấp ở Biển Đông, cho rằng việc nước khác hậu thuẫn cho quyền của Indonesia ở vùng Biển Natuna là điều "bình thường".
Ngay cả Việt Nam, nước vốn thường xuyên lên tiếng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, cũng phản ứng dè dặt. Sau tuyên bố của ông Mike Pompeo, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15/07 đã hoàn toàn tránh né những lời lẽ chỉ trích Trung Quốc, thậm chí không nêu đích danh cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trong bản thông cáo về lập trường mới của Mỹ. Đây cũng là cách thức để tránh khiêu khích Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ nói đơn giản rằng "Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội Nghị Cấp Cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương".
Khối ASEAN sẽ tránh ra thông cáo chung về lập trường của Mỹ
Về phản ứng chung của ASEAN, nhà nghiên cứu Collin Koh cho rằng một thông cáo chung của toàn khối ủng hộ tuyên bố của Mỹ khó có khả năng được đưa ra.
ASEAN hoàn toàn có thể ra một tuyên bố nhấn mạnh trên tầm quan trọng của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà không cần nêu rõ phán quyết năm 2016, hay tố cáo thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng điều này có lẽ bị cho là không cần thiết, vì ASEAN đã có quá nhiều thông cáo chung như thế rồi.
Giải thích về lý do vì sao trong khối Đông Nam Á sẽ có nhiều nước phản đối việc ra một thông cáo chung hậu thuẫn cho thông báo của ông Pompeo, chuyên gia Collin Koh cho rằng một số chính phủ trong ASEAN không muốn quan hệ song phương với Trung Quốc gặp nguy hiểm, đặc biệt vì các quan hệ kinh tế khắng khít.
Bên cạnh đó, một số chính phủ khác có thể cho rằng tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo chỉ là một sách lược của Mỹ nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, vì vậy, họ không muốn bị cuốn hút vào một cuộc tranh chấp giữa hai siêu cường. Những nước này không đếm xỉa gì đến việc tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng luật lệ quốc tế.
Một lý do thứ ba là một số chính phủ trong khối cũng cân nhắc về những hệ quả và hành động của Mỹ sau thông báo của Pompeo, đặc biệt là những trừng phạt nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông, tham gia việc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Đối với các nước này, mọi trừng phạt của Mỹ đều có thể ảnh hưởng đến đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á, nhất là vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới. Một công ty nhà nước Trung Quốc đang lo việc trùng tu sân bay Sangley của Philippines chẳng hạn, trước đây đã tham gia xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung biến thành xung đột trên biển
Sau cùng, một số quốc gia có thể muốn ngồi bên lề để quan sát những động thái tiếp theo của Mỹ. Dĩ nhiên sẽ có những mối lo ngại trong các nước ASEAN là tuyên bố của ông Pompeo làm tình hình căng thẳng thêm lên, nhất là nếu Bắc Kinh và Washington không bên nào chịu lùi bước. Một hành động đáp trả cứng rắn hơn từ phía Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp rất có khả năng diễn ra, làm dấy lên lo ngại về những sự cố nghiêm trọng giữa các lực lượng hải quân hoạt động quá gần nhau.
Một hệ quả được chuyên gia Collin Koh nêu bật là chuyển biến lập trường của Mỹ và tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông có thể thúc đẩy ASEAN đúc kết nhanh chóng cuộc thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).
Điều này có thể giúp giảm bớt các cú sốc tác hại đến hòa bình và ổn định trong vùng, qua đó khẳng định tính hữu ích và vai trò trung tâm của ASEAN.
Trung Quốc có lẽ cũng có chủ trương tương tự, nhưng chỉ để phô trương rằng bộ Quy Tắc đó chứng tỏ khả năng Bắc Kinh xử lý tốt tranh chấp mà không cần đến sự can thiệp của người khác.
Cần đến COC nhưng không phải bằng mọi giá
Vấn đề, theo chuyên gia Singapore, là việc vội vã đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông có thể dẫn đến một thỏa thuận không phải là tốt nhất, và đấy có thể là một lý do để quan ngại.
Collin Koh kết luận : Đã đến lúc ASEAN phải tự mình đứng lên bảo vệ lợi ích của chính mình, kể cả khi các thành viên chọn đứng xa cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Để tiến bước, ASEAN cần có một lập trường thuần nhất hơn về Bộ Quy Tắc Ứng xử ở Biển Đông. Một ASEAN chủ động và năng nổ hơn sẽ đứng ra gánh vác trách nhiệm giải quyết chứ không đi theo sự lãnh đạo của những tác nhân lớn ở Biển Đông, dù đó là Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 27/07/2020