Việt Nam : Đợt dịch Covid-19 thứ hai dữ dội hơn đợt đầu tiên
Trương Hữu Khanh, RFI, 03/08/2020
Sau hơn ba tháng không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, và sau một thời gian dài được cả thế giới khen ngợi về thành tích phòng chống dịch Covid-19 giỏi đến mức không có một ca tử vong nào (theo thông báo chính thức), Việt Nam nay phải đối phó với một làn sóng dịch thứ hai, đến bất ngờ và dữ hội hơn lần trước, với tâm chấn là thành phố du lịch Đà Nẵng.
Tính đến sáng hôm 03/08/2020, tại Việt Nam đã có đến 6 người chết vì dịch Covid -19, tuổi từ 53 đến 86, tất cả trước đó đều đã có những bệnh mãn tính và đều có liên quan đến Đà Nẵng. Điều đáng nói là số tử vong có vẻ đang tăng nhanh, vì chỉ riêng trong ngày Chủ nhật đã có 3 người chết vì Covid-19. Số tử vong rất có thể sẽ còn tăng nữa vì hiện có 13 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Cũng tính đến sáng hôm nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 621 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 242 bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Như vậy là sau hơn ba tháng không phát hiện ca nào (ngoài những ca ngoại nhập), dịch Covid-19 lại xuất hiện trong cộng đồng, chính thức là kể từ ngày 25/07 ở Việt Nam. Từ đó cho đến nay, đã có hơn 174 ca nhiễm mới được ghi nhận, trong đó có 120 ca ở Đà Nẵng, phần còn lại là ở các tỉnh thành khác : Quảng Nam với 35 ca, Sài Gòn 8 ca, và Quãng Ngãi và Đắc Lắk mỗi nơi 3 ca, Hà Nội 2 ca, Thái Bình, Hà Nam và Đồng Nai mỗi nơi 1 ca.
Trước tình hình dịch Covid-19 từ Đà Nẵng đang lan rộng như vậy, chính quyền Việt Nam thông báo sẽ xét nghiệm toàn bộ 1,1 triệu dân của thành phố này. Vấn đề là kể từ ngày 01/07 đã có hơn 800.000 người đến Đà Nẵng và sau đó trở về nơi ở của họ tại các tỉnh thành khác. Ngoài ra còn có khoảng 41.000 người đã từng đến chữa bệnh tại các bệnh viện của Đà Nẵng, nơi tập trung phần lớn các ca nhiễm mới. Thân nhân của người bệnh cũng bị lây nhiễm. Chẳng hạn như ca mới nhất được thông báo hôm nay là một phụ nữ 60 tuổi, cư dân tỉnh Quảng Ngãi, đến chăm sóc người thân ở Bệnh viện Đà Nẵng, từ ngày 18 đến 22. Đến ngày 31/07 bà bắt đầu bị ho và sốt cao, rồi được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona.
Mặt khác, chính quyền Việt Nam hôm qua thừa nhận là rất khó truy ra nguồn gốc của đợt dịch lần này, vì tại Đà Nẵng có nhiều nguồn virus và có rất nhiều người bị lây nhiễm trong cộng đồng. Còn theo lời quyền bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thành Long, virus corona gây ra đợt dịch lần này là "một chủng virus mới xâm nhập vào Việt Nam có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao". Ông Long cho biết chỉ số lây nhiễm của virus mới này là khoảng 5-6, tức là một người có thể lây cho 5-6 người, trong khi chỉ số lây nhiễm của virus trong đợt dịch trước chỉ khoảng 1,8-2,2.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 30/07/2020, vào lúc mà Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, đã nhấn mạnh đến nguy cơ lây nhiễm từ những người nhập cảnh trái phép và nguy cơ từ các bệnh viện.
RFI : Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh, với tư cách một người làm trong ngành y tế, bác sĩ có ngạc nhiên về sự bùng phát của đợt dịch lần này ?
Trương Hữu Khanh : Dịch xảy ra như thế này thì mình có thể tiên đoán được, tại vì những nước chung quanh vẫn còn, thì khả năng ca ngoại lại xâm nhập là có thể xảy ra. Vấn đề là mình biết lúc nào nó tới. Về nguyên tắc, một nước đã khống chế được nội tại, nhưng không kiểm soát được nguồn ngoại lai xâm nhập, thì mình sẽ bị. Ở Việt Nam, chỉ có sân bay, đường hàng không là kiểm soát được tốt, chứ còn đường bộ, đường sông thì mình không thể kiểm soát được. Theo tôi, nếu mình không kiểm soát được nhập cư, thì mình sẽ bị như thế này.
RFI : Dịch đã bùng phát đầu tiên ở Đà Nẵng và đã có nhiều người bị nhiễm từ Đà Nẵng đến một số thành phố khác, vậy theo bác sĩ làm cách nào để ngăn dịch lây lan thêm nữa ?
Trương Hữu Khanh : Việc quan trọng nhất là mình phát hiện và sàng lọc những người ở các tỉnh khác, nếu phát hiện ra một ca thì mình sẽ vẽ đường đi của họ, xem họ đã đi đến những nơi nào, mình phải đuổi theo trước con virus, có nghĩa là họ đã đi đến đó thì có khả năng là con virus tồn tại ở khu vực đó. Muốn kiểm soát dịch này thì mình phải chặn trước con virus. Mình phải khoanh vùng và tầm soát những người đến khu vực đó, thông báo cho họ phải tiếp xúc với cơ quan y tế và tự cách ly mình. Việt Nam đang làm như vậy.
RFI : Thưa bác sĩ, Việt Nam có đã rút những kinh nghiệm từ đợt dịch trước hay không, tức là áp dụng những biện pháp đã được thực hiện trước đây ?
Trương Hữu Khanh : Chắc chắc là phải áp dụng quyết liệt hơn là đối với những trường hợp trước đây, bởi vì thời gian mà mình phát hiện ca đầu tiên thì tương đối là trễ : có bệnh nhân nặng có nghĩa là ngoài cộng đồng đã có rồi. Thường thường cộng đồng phải có bệnh nhẹ trước, rồi mới có bệnh nặng. Thứ hai là phát hiện rồi mình mới thấy ổ dịch là nằm ở các bệnh viện, có nghĩa là những nơi giao lưu rất nhiều. Đó lại là những bệnh viện lớn, giao lưu từ các tỉnh rất là nhiều. Đây lại là một tỉnh thành du lịch, giao lưu rất là nhiều. Cho nên có khả năng là mình phải làm quyết liệt hơn và thời gian để khống chế dịch có thể sẽ dài hơn.
RFI : Thưa bác sĩ, những thành phố khác mà có nguy cơ là có những người đến từ Đà Nẵng thì phải thi hành những biện pháp nào để ngăn chận dịch Covid-19 bùng phát mạnh ?
Trương Hữu Khanh : Thứ nhất là phải khai báo y tế. Tất cả những người từ thành phố Đà Nẵng về, tính theo khoảng thời gian mà họ mang mầm bệnh từ nơi đó, về đều phải khai báo y tế. Từ khai báo y tế đó, người ta mới hướng dẫn cho họ những phương pháp phòng ngừa tại chổ, khi phát hiện thì phải làm như thế nào. Hiện Việt Nam cũng đang dần dần lấy mẫu tất cả những nhóm người đó, để xem trong người họ có mang virus hay không. Nếu không mang virus thì kêu gọi họ tự cách ly. Còn nếu họ có mang virus thì phải cách ly tập trung.
Đó là biện pháp khoanh vùng. Còn riêng trong tỉnh mà mình đã phát hiện ca bệnh thì phải dò đường đi của ca bệnh đó, đuổi theo ca bệnh đó và khoanh vùng tiếp tục, để giám sát xem những người ở vùng đó có mang virus hay không, thì mới có thể khống chế được.
RFI : Vẫn theo nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, thì có lẽ Việt Nam sẽ phải tiến hành xét nghiệm đại trà. Việt Nam có đủ phương tiện để tiến hành xét nghiệm hàng loạt đó ?
Trương Hữu Khanh : Việt Nam có đủ phương tiện, bởi vì năng lực xét nghiệm của Việt Nam hiện nay được mở ra khá là nhiều rồi. Năng lực phát hiện ban đầu, cũng bằng phương pháp PCR, để phát hiện ca âm tính, thì đủ. Còn nếu là ca dương tính thì mình phải check lại một lần nữa. Cái này Việt Nam cũng đủ năng lực. Về sinh phẩm, Việt Nam cũng tự sản xuất được và cũng nhập khẩu được, bởi vì hiện nay nguồn sinh phẩm để chẩn đoán không phải là khó kiếm như lúc ban đầu.
Thứ hai là trong suốt thời gian vừa rồi, Việt Nam đã tập huấn cho những cơ sở xét nghiệm khác nhau để nâng năng lực của họ lên, tăng số nơi xét nghiệm lên.
Cái Việt Nam hiện nay khởi động nhiều hơn, đó là khối điều trị. Lúc trước ca bệnh nặng không nhiều, chỉ là bệnh nhẹ thôi. Bây giờ có những ca bệnh nặng nên phải khởi động một số nơi điều trị bệnh nặng, để chia sẻ cho các vùng chưa có kinh nghiệm. Lúc trước chỉ tập trung các ca bệnh nặng ở hai nơi là bệnh viện Chợ Rẫy, Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh và Nhiệt Đới Trung Ương. Bây giờ người ta đang mở ra những nơi khác như Bệnh viện Trung ương Huế, rồi dần dần sẽ mở ra thêm để đủ năng lực điều trị bệnh nặng, trải đều ra.
RFI : Thưa bác sĩ, với tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, chắc là Việt Nam sẽ phải tiếp tục đóng cửa biên giới, tức là khoan đón nhận trở lại du khách nước ngoài, đề phòng những ca ngoại nhập ?
Trương Hữu Khanh : Khi đã có những ca du nhập mà không kiểm soát được và ở các nước khác đang có đợt dịch mới, chắc chắn là Việt Nam chưa thể mở cửa du lịch thoải mái, có thể chỉ mở cửa chọn lọc cho một số chuyên gia vào làm việc. Những người này phải tuân thủ cách ly 14 ngày, rồi xét nghiệm lại.
RFI : Nếu đợt dịch kỳ này quá lớn so với kỳ trước, bệnh viện của bác sĩ đang chuẩn bị như thế nào để tiếp nhận bệnh nhân ?
Trương Hữu Khanh : Bệnh viện Nhi Đồng 1 khoảng 1 tuần nay đã khởi động rồi và đã tiếp nhận bệnh nhân rồi, nhưng đó là những ca mà mình nghi ngờ thôi. Những nhân viên bệnh viện đi từ Đà Nẵng về hoặc đã đến những bệnh viện có ca bệnh thì cũng đã được xét nghiệm và cách ly theo dõi. May mắn là những người đó đều được xét nghiệm âm tính.
Đối với bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu phát hiện các ca dương tính thì chúng tôi chia thành hai nhóm. Nếu là người lớn thì mình chuyển sang Bệnh Viện Nhiệt Đới hoặc bệnh viện dã chiến, còn trẻ nhỏ thì mình chuyển sang Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố, vì bệnh viện Nhi Đồng 1 đang trong giai đoạn xây dựng.
Thanh Phương thực hiện
Nguồn : RFI, 03/08/2020
*************************
Dân ủng hộ, mong chính phủ chống dịch Covid-19 hữu hiệu để vực dậy kinh tế !
RFA, 03/08/2020
Dịch Covid-19 ở Việt Nam : Đợt bùng phát thứ nhì
Liên tiếp từ những ngày cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, truyền thông quốc nội loan tải thông tin cập nhật liên tục về các ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. Một phụ nữ bán hàng dạo tại góc phố ở Hà Nội "đóng kín then cài" trong dịch Covid-19. Hình chụp ngày 26/03/2020. AFP
Sau gần 100 ngày không phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 mới nào trong cộng đồng, từ ngày 25/7 đến ngày 3/8, đã có 195 trường hợp được ghi nhận tại 9 tỉnh và thành phố.
Song song thông tin về đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, báo giới cũng loan tin về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, làm dấy lên sự lo ngại rằng có thể những người Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh.
Đài RFA liên lạc với nhà báo tự do Võ Văn Tạo ở Nha Trang. Theo ghi nhận của nhà báo Võ Văn Tạo thì trong đợt đại dịch bùng phát ngay sau Tết Nguyên đán và kéo dài suốt 3 tháng liền, thành phố du lịch Nha Trang được đánh giá kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao, chỉ có 1 trường hợp bị lây nhiễm duy nhất mặc dù thành phố này từng có rất đông du khách Trung Quốc và những người làm ăn kinh doanh đến từ Hoa Lục.
Trong đợt dịch trở lại hơn 1 tuần vừa qua, nhà báo Võ văn Tạo cho hay :
"Thỉnh thoảng báo chí cũng có nói đến chuyện người Trung Quốc ở Nha Trang. Nhưng chính quyền và công an lại nói công bố đấy là những người Trung Quốc đã ở Nha Trang từ trước tháng 1, là thời điểm lúc ấy chưa có dịch bệnh. Chuyện người Trung Quốc ở lại cũng có, mà mới sang cũng có. Từ đầu tháng 7 đến giờ thì khách du lịch nội địa bắt đầu dập dìu trở lại. Họ sốt ruột muốn đi qua là để nối lại các công việc làm ăn trước đó. Có thể như thế. Tuy nhiên, câc biện pháp ngăn chặn của Việt Nam thì chính quyền quyền địa phương bị kém, không nhạy bén gì lắm đâu".
Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh rằng dân chúng ở thành phố du lịch biển Nha Trang, nhìn chung là cũng bình thản, không lo lắng nhiều, theo cách nói nôm na là "chưa thấy quan tài, mắt chưa đổ lệ".
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, được xem như là tâm dịch trong đợt dịch bệnh Covid-19 trở lại, với 15 trường hợp bị nhiễm mới được công bố, nâng tổng số ca Covid-19 tại thành phố biển này đến ngày thứ Hai, 3/8 là 140.
Ông Hoàng Lê Thanh, một cư dân Đà Nẵng lên tiếng với RFA vào tối hôm 3/8 :
"Người dân Đà Nẵng đều lo sợ hết. Theo tôi thấy thì hiện tại người dân Đà Nẵng rất bình tĩnh, hết sức thận trọng và họ cũng tự mình cứu lấy bản thân và gia đình. Số người không có việc làm và có việc làm nhưng bị thất nghiệp, tức là người bị đói rất nhiều. Nhưng họ cảm thấy tự họ phải tìm mọi cách tự bảo vệ chứ cũng không ai trông chờ vào Nhà nước hết".
Ông Thanh chia sẻ thêm, bản thân ông và không ít người dân ở Đà Nẵng rất lo ngại về thông tin ngày càng nhiều người Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Mặc dù vậy, ông Thanh nói rằng tinh thần của người dân Đà Nẵng quê hương của ông tập trung vào việc phòng, chống dịch bệnh hơn là quy trách nhiệm thuộc về ai hay cơ quan nào không kiểm soát chặt chẽ việc người Trung Quốc nhập cảnh và không loại trừ khả năng lây nhiễm cho người Việt Nam.
"Người dân nói thật thì họ cùng làm với Chính phủ và chính quyền địa phương để đẩy lùi dịch bệnh. Còn chuyện đổ lỗi hay không đổ lỗi cho Chính phủ thì hiện tại người ta không bàn tới. Người ta cho rằng tập trung vào đầy lùi dịch bệnh trước đã, tự cứu đã chứ không phiền trách gì hết. Còn sau này có phiền trách hay không thì hạ hồi phân giải".
Ảnh minh họa. Áp phích phòng chống Covid-19 tại Việt Nam. AFP
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia nghiên cứu độc lập, cho biết suốt thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, ông trú ngụ ở thủ đô Hà Nội.
Theo ghi nhận của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, người dân Hà Nội không quá lo lắng trước thông tin dịch bệnh bùng phát trở lại mấy ngày vừa qua, và trên diện rộng khắp Việt Nam thì đó cũng là mẫu số chung.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đồng quan điểm với Chính phủ Hà Nội là đặt trọng tâm vào việc chống dịch Covid-19 :
"Chống dịch bệnh là quan trọng nhất. Bây giờ dịch bùng phát nhiều quá, mà không chữa được thì tất cả những chuyện khác đều vô ích hết. Cho đến nay mà nói thì công tác chống dịch cũng đang tích cực. Nhưng thật ra cũng chưa thể hiểu hết được mức độ như thế nào và bản chất của vấn đề là đang ở đâu. Lây nhiễm từ cộng đồng hay lây nhiễm từ nước ngoài vào ? Nếu lây nhiễm do từ nước ngoài thì đến giờ vẫn chưa tìm được người bị nhiễm đầu tiên nên sẽ khó khăn hơn. Thứ hai nữa, người ta chủng virus này là một loại chủng đặc biệt thì không biết nó nguy hiểm đến đâu. Bây giờ có một số người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng. Như vậy thì rủi ro lây nhiễm bị tăng lên nhanh hơn".
Tại phiên hợp thường kỳ tháng 7/2020 của Chính phủ, diễn ra trong ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc thực hiện mục tiêu kép chống dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế ngày càng nặng nề khi làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đã ào tới 9 tỉnh và thành phố.
Mức độ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 được thảo luận phải điều chỉnh theo 3 kịch bản tương ứng lần lượt 3%, 4% và 1,5%.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu lên quan điểm của ông đối với thông tin vừa nêu :
"Ngoài chống dịch ra và tập trung vào kinh tế thì chỉ có hai mục tiêu, chứ không phải là việc thứ ba. Thế thì ông Thủ tướng Chính phủ lại nói đến việc thứ ba trước mà việc đó là không cơ bản. Chính phủ bảo phải tăng trưởng thì tăng trưởng chẳng là cái gì hết. Tăng trưởng thì đem lại thành tích cho Chính phủ nhưng Chính phủ bị mất hết thành tích và tín nhiệm của người dân, nếu như người dân không có ăn, không có việc làm và không xuất khẩu được. Như vậy thì tăng trưởng là vô ích. Chỉ nhìn đơn giản sang Trung Quốc và các nước, mấy tháng bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì người ta không bao giờ nói đến tăng trưởng kinh tế nữa, mà người ta chỉ nói đến làm sao tạo công ăn việc làm và xuất khẩu thôi. Chứ bây giờ Việt Nam nói như vậy là nói ngược, không biết phải quấy như thế nào nữa".
Đài RFA cũng được dịp trao đổi với một số các doanh nghiệp tại Việt Nam. Họ cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay vòng đồng vốn, và trong khẳ năng thanh khoản. Nhất là trong việc trả lương cho công nhân cũng như duy trì công việc làm cho họ do tác động của dịch bệnh Covid-19. Nếu như đợt dịch thứ hai bùng phát và kéo dài thêm một vài tháng nữa thì sự cầm chừng của doanh nghiệp sẽ không thể kham nỗi được nữa.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Chính phủ Việt Nam phải tạo ra việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu là việc thiết thực cần làm :
"Tạo việc làm ra thì phải tăng cường xuất khẩu. Và, Việt Nam có cái gì thì phải xuất được cho bằng hết. Gạo là một. Các loại thực phẩm là hai. Thứ ba là hàng may mặc. Thư tư là các mặt hàng điện tử do các công ty của Hàn Quốc đầu tư sản xuất. Thứ năm là các mặt hàng về khoán sản. Nếu được thì xuất đi. Thứ sáu là dầu và khí. Đào lên được thì phải bán, mặc dù bây giờ bán với giá rẻ. Nếu không gia tăng xuất khẩu, không có thu nhập thì cũng là chết. Hai việc này được nói đến theo góc độ vừa là kinh tế học, vừa là quản lý kinh tế và kinh tế chính trị".
Khi đề cập đến tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rằng "để dịch Covid-19 quay lại là có lỗi với Tổ quốc, với nhân dân", những cá nhân và chủ doanh nghiệp hầu như bày tỏ cùng quan điểm rằng họ tuân thủ theo các yêu cầu của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh và họ cũng không cần thiết giới lãnh đạo phải chịu trách nhiệm vì những điều họ đã nói. Người dân Việt Nam trông chờ vào Chính phủ và Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ vượt qua cơn khốn khó bằng hành động cụ thể, vì bổn phận của mỗi người dân là họ đã làm trọn rồi.
Nguồn : RFA, 03/08/2020
**********************
Việt Nam giải bài toán khó vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế
VOA, 03/08/2020
Việt Nam hiện nhắm mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của Việt Nam khẳng định tại một cuộc họp báo vào chiều thứ Hai 3/8.
Việt Nam không ngăn sông cấm chợ trong đợt dịch mới (Hà Nội, 29/7/2020)
Chỉ trong vòng 10 ngày qua, dịch Covid-19 ở Việt Nam đột ngột lây lan nhanh, đưa tổng số người nhiễm virus từ đầu dịch đến nay tăng lên con số 642 ca, với 6 ca tử vong và hơn 103.000 người phải cách ly, tính đến chiều 3/8.
Theo quan sát của VOA, người dân và báo giới trong nước bày tỏ lo ngại dịch bệnh sẽ làm cho tình trạng "phong tỏa", "đóng cửa" quay trở lại, có thể gây tổn thương nặng nề đến nền kinh tế và sinh kế của người dân.
Trong cuộc họp báo được truyền trực tiếp trên Facebook, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết về phương hướng hành động của chính phủ :
"Quan điểm chung là các vùng dịch chúng ta phải khoanh, phải dập. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và phải dập tắt. Ví dụ, thôn Bùi, xã Hòa Tiến, tỉnh Thái Bình, thì người ta chỉ khoanh vùng cái thôn thôi. Khoanh vùng với bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch. Đồng thời chúng ta vẫn đảm bảo để kinh doanh, thông thương nền kinh tế".
Tâm dịch hiện nay ở Việt Nam là Đà Nẵng, một trung tâm du lịch của đất nước, nơi xuất hiện trở lại các ca nhiễm trong cộng đồng vào những ngày cuối tháng 7, sau 99 ngày dịch tạm lắng xuống ở trong nước.
Trong cuộc họp trực tuyến giữa chính phủ Việt Nam với một số tỉnh, thành vào chiều 2/8, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề xuất rằng cần cách ly cả thành phố Đà Nẵng với kinh nghiệm tham khảo từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Các báo lớn như Thanh Niên, VnExpress, VietnamNet dẫn lời Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Đà Nẵng hiện có 103 người nhiễm trên dân số 1 triệu người, cần xác định thành phố này là "trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm".
Ông Nhân đề nghị rằng "Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn" và đưa ra "kinh nghiệm Vũ Hán" là "họ yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được 1 người đi chợ 1 lần thôi, phát phiếu chỉ người đó được ra khỏi nhà đi chợ thôi. Sau một thời gian họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà", theo tường thuật trên báo chí trong nước.
Tuy nhiên, trong họp báo của chính phủ hôm 3/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho thấy một cách tiếp cận ít cứng rắn hơn :
"Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Không để lây lan ra cộng đồng. Và lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Và không được cát cứ, bất cứ hạn chế nào. Không vì kiềm chế dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ. Đây là quan điểm quyết liệt của Thủ tướng".
Du khách tại sân bay Đà Nẵng ngày 26/7/2020.
Nói thêm về cách ứng phó để vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế, Bộ trưởng Dũng lưu ý rằng cách hành động giờ đây khác so với trước và điều quan trọng là các biện pháp không nên "cứng quá" mà cần phải "vừa đủ" :
"Ví dụ, một địa phương mà phát hiện ca nhiễm cộng đồng mới, thì chúng ta đừng đặt vấn đề là đưa ra bán kính quá rộng để giãn cách, phong tỏa. Một bệnh nhân ở phường xã nào thì khoanh cái phường đó, tổ dân số đó, chứ đừng đặt vấn đề quy mô cả huyện, cả xã. Nó khác là như thế".
Đến nay, nhiều nhà kinh tế đánh giá rằng tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các dự báo trước đây.
Một trong các chỉ số là tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2019, theo Tổng cục Thống kê.
Khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong 7 tháng qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra các con số gồm lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,74% so với cùng kỳ năm ngoái ; xuất khẩu tăng nhẹ, đạt gần 146 tỷ đô la, được bộ trưởng xem là "rất mừng" ; và xuất siêu đạt 6,5 tỷ đô la, một kết quả thật "khích lệ", theo lời ông Dũng.
Nhận định về thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói Việt Nam vẫn đối mặt với "những khó khăn lớn" và "nhiều rủi ro".
Ông Dũng cảnh báo các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, vận tải, hàng không, dịch vụ và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, đồng thời nói thêm rằng con số người mất việc trong quý 3 và cả thời gian sau đó "sẽ cao hơn".
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dự báo với VOA rằng nếu Việt Nam kiểm soát được dịch, mức tăng trưởng của năm nay có thể đạt trong khoảng 2-3%. Ngược lại, nếu không kiểm soát được dịch, sẽ khó đạt con số đó, tiến sĩ Doanh nói.
Vẫn theo chuyên gia này, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng bằng đầu tư công. Tuy đại dịch gây ra nhiều khó khăn, thách thức, song nó cũng là chất xúc tác để Việt Nam chuyển đổi, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói :
"Dịch Covid cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế số hóa, thương mại điện tử, làm việc, hội họp qua mạng. Điều thứ hai Việt Nam có thể làm là cải cách mạnh mẽ về thể chế, giảm giấy phép con, thực hiện công khai minh bạch để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển".
Hồi cuối tháng 7, một nhóm chuyên gia thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Ngân hàng BIDV đưa ra dự báo rằng tùy theo khả năng chống đỡ đại dịch của Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2020 của đất nước có thể là một trong ba mức : 1,5% (kịch bản tiêu cực), 3% (kịch bản cơ sở), hoặc 4% (kịch bản tích cực).