Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/08/2020

Dịch Covid-19 tái phát lộ rõ năng lực yếu kém của chính quyền địa phương

Phạm Quý Thọ

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt khi nó tái phát ở Đà Nẵng - một thành phố du lịch lớn nhất miền Trung với những đặc điểm khác với ban đầu khởi phát, và sau 99 ngày không có trường hợp tử vong. Việc đối phó với sự bùng phát của đại dịch lần này lộ rõ năng lực của chính quyền địa phương, khi đã ‘bị động’ và không có sự chuẩn bị kế hoạch hành động, phương tiện vật chất và nhân lực y tế cần thiết. Chính phủ trung ương đã vào cuộc với quyết tâm ‘không để Đà Nẵng ‘vỡ trận’, như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên truyền thông.

dich1

Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội hôm 10/8/2020 - Reuters

Năng lực của chính quyền địa phương trong quá trình phân cấp, phân quyền, vốn là ‘vấn đề’ của cơ chế quyền lực tập trung khi chuyển nền kinh tế sang thị trường, nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bộc lộ rõ hơn là ‘điểm nghẽn’ của thể chế. Trung ương Đảng đã trừng phạt nghiêm khắc nhiều lãnh đạo địa phương vì tham nhũng và suy thoái chứng tỏ niềm tin chính trị đang bất ổn trầm trọng. Đại hội 13 tới đây coi công tác cán bộ là quyết định, nhưng liệu một chính quyền trung ương mạnh hơn có thể cải thiện niềm tin chính trị và nâng cao được năng lực chính quyền địa phương ?

‘Không để Đà Nẵng ‘vỡ trận’

Tính từ khi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra vào ngày 01/02/2020 Việt Nam đang trải qua hơn nửa năm đối phó với đại dịch Covid-19. Ngay từ đầu có quan niệm và cách tiếp cận ‘nghiêm túc’ về sự nguy hiểm của nó, Chính phủ đã kích hoạt ‘trạng thái thời chiến’ với sự vào cuộc của ‘cả hệ thống chính trị’ : áp dụng cách ly, truy vết nguồn gốc, đóng cửa biên giới, khai báo y tế, đo thân nhiệt, trang bị chất sát khuẩn, đeo khẩu trang bắt buộc và phong toả địa bàn có nguy cơ cao, kiểm soát "tập trung đông người", hạn chế việc đi lại và buôn bán….

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 ‘tâm thế sẵn sàng’ đã suy giảm khi tâm lý sớm thoả mãn dẫn đến ‘chủ quan’ với bệnh dịch. Biểu hiện rõ rệt là sự tuyên truyền thiên về ‘thành tích’ sự kiểm soát nguồn lây và không có trường hợp tử vong. Bởi vậy, khi dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng, chính quyền địa phương đã tỏ ra ‘bị động’. Lây nhiễm cộng đồng, không xác định được nguồn gốc, chủng virus biến thể mới nguy hiểm và lây lan nhanh sang các địa phương khác, khiến số ca nhiễm tăng nhanh với nhiều trường hợp tử vong…. Thủ tướng đã ‘đồng ý’ phong toả toàn thành phố từ 28/7 và tuyên bố không để Đà Nẵng ‘vỡ trận’ với sự huy động tối đa nguồn lực, đội ngũ y bác sĩ từ trung ương, quân đội và tỉnh thành khác trong cả nước để chống dịch.

Chức năng độc đoán ‘rối loạn’

Kích hoạt ‘tình trạng thời chiến’ để đối phó với dịch Covid-19 có thể ‘xa lạ’ với một số quốc gia dân chủ, nhưng được coi là phù hợp với chế độ ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi đại dịch lây lan trên diện rộng chức năng độc đoán bị ‘rối loạn’, và ‘nghẽn thể chế ‘đã xảy ra khi chính quyền địa phương đã ‘lúng túng’.

Dường như ‘thói quen’ ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương khiến chính quyền Đà Nẵng đã không chuẩn bị kế hoạch theo phương châm 4 tại chỗ, bởi vậy ‘nguồn lực, phương tiện, sự chỉ đạo và phương án hành động’ chỉ là ‘khẩu hiệu’ hơn là sự sẵn sàng. Trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, cơ sở điều trị, đội ngũ y bác sĩ đã không có đủ và kịp thời khi dịch bùng phát và lây lan. Ngoài ra, nếu như sự phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám và người ‘tiềm ẩn’ mắc virus SARS-CoV-2 thì sự bùng phát dịch đã có thể được phát hiện sớm hơn…. Việc test nhanh và xét nhiệm PCR cũng chậm trễ ở Hà Nội và một số tỉnh thành.

Chính quyền địa phương cũng đang ‘bế tắc’ trong triển khai thực hiện chính sách đầu tư công như ‘một mũi nhọn’ để hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công là lĩnh vực chính quyền địa phương được phân quyền, tuy nhiên đã ‘ì ạch’ giải ngân, tình trạng ‘có tiền mà không biết tiêu’ đáng ngạc nhiên ! Nhiều hội nghị, đối thoại ‘căng thẳng’ giữa Chính phủ với các lãnh đạo địa phương nhằm tìm ra các biện pháp thúc đẩy, và những ‘lời hứa quyết tâm’ thiếu thuyết phục được các nhà chuyên môn và công luận. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do đại dịch cũng chậm được triển khai do việc rà soát các đối tượng và đánh giá tác động khó khăn…

Mục tiêu kép vừa chủ động chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ theo đuổi đang gặp thách thức, trong đó có năng lực yếu kém của chính quyền địa phương là nỗi lo có thể phải trả giá bằng chi phí y tế cao và hiệu quả kinh tế thấp.

Bất ổn niềm tin chính trị

Tập trung quyền lực ở trung ương để chỉnh đốn đảng, làm thay đổi quan hệ giữa trung ương và địa phương, làm trầm trọng thêm sự bất ổn niềm tin chính trị, và hậu quả về chính sách có thể nặng nề. Cải cách thể chế chính trị không theo kịp thực tế chuyển đổi sang thị trường khiến bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lãnh đạo suy thoái đạo đức, lối sống và tham nhũng. Việc phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương trong điều kiện thiếu cơ chế hiệu quả giám sát hữu hiệu khiến cho tình hình ‘trục lợi’, tham nhũng thêm trầm trọng và lan rộng. Nhiều quan chức địa phương bị kỷ luật và bỏ tù do làm ‘tổn hại nghiêm trọng uy tín của đảng và nhà nước’, nhưng danh sách chắc sẽ còn kéo dài trong chiến dịch chống tham nhũng vẫn tiếp tục.

Dịch Covid-19 có vẻ không cản được ‘quyết tâm’ của Đảng Cộng sản tổ chức Đại hội 13 theo dự định. Kế hoạch đại hội cấp trên cơ sở sắp được hoàn thành, sau đó là đại hội cấp tỉnh, thành và tương đương để có thể xác định được số đại biểu tham dự đại hội toàn quốc. Lá phiếu của họ về nguyên tắc quyết định các vị trí lãnh đạo cấp cao nhất.

Đảng dường như đang làm chủ quá trình này. Hàng ngày, trên truyền thông công bố các quyết định của Bộ Chính trị, Ban bí thư kiểm tra, giám sát đại hội các cấp đồng thời với điều động, luân chuyển các lãnh đạo địa phương như ‘đánh cờ người’ với mục đích trung ương giành thế chủ động trước địa phương để tập trung quyền lực cao hơn.

Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực cao hơn có lẽ không phải là phương sách chế ngự một cách bền vững cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị. Đã đến lúc chính sách cải cách hướng đến những đối trọng cần thiết, sự cân bằng giữa quyền lực nhà nước và xã hội, trong đó vai trò tham gia chính trị lớn hơn của người dân cả ở cấp trung ương lẫn địa phương

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

Nguồn : RFA, 11/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)