Tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông, nguy cơ gì cho Việt Nam ?
RFA, 17/08/2020
Theo Tân Hoa Xã, nhiều làng chài phía nam Trung Quốc đã làm lễ trước khi ra biển ngày 16/8, trên các cảng cá, hoạt động chuyển lương thực diễn ra tấp nập... như mọi năm, hàng vạn tàu cá Trung Quốc chuẩn bị tràn ngập vùng Biển Đông gây ra những lo ngại về tình trạng đánh bắt quá mức, và những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp với các nước láng giềng.
Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị tràn vào Biển Đông, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Các tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc áp đặt chấm dứt vào ngày 16/8.
Trung Quốc hồi đầu năm đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 đến ngày 16 tháng 8 năm 2020. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Mỗi ngư dân xuất hiện trên biển là cột mốc sống về chủ quyền
Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông lâu năm nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/8, liên quan vấn đề này :
"Các tàu cá Trung Quốc này rất nguy hiểm, nó có nhiều mục đích khác nhau, trong thời bình thì nó được sử dụng với mục đích là đi đánh bắt, còn trong chiến tranh thì nó rất đắc lực cho Trung Quốc tấn công các lực lượng khác trên biển. Và chưa kể nó cũng liên quan đến vấn đề chủ quyền, như người ta vẫn nói là mỗi ngư dân xuất hiện trên biển đó là cột mốc sống về chủ quyền. Nếu chủ quyền một quốc gia trên biển không được thể hiện bằng các ngư dân xuất hiện trên biển, đánh bắt trên biển, thực hiện các quyền của mình trên biển, thì chủ quyền đó chỉ tồn tại trên giấy. Và nếu nói theo nghĩa đó, thì chúng ta cũng hiểu các tàu của Trung Quốc đóng góp một phần quan trọng cho Trung Quốc dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng thực tế trên khu vực Biển Đông".
Theo số liệu của trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, Trung Quốc hiện có khoảng 200.000 tàu sắt đánh cá lớn, được chính phủ Trung Quốc tài trợ. Trong 4 năm qua, chính phủ Trung Quốc dành 28 tỷ USD trợ cấp các đội tàu đánh cá này.
Số lượng tàu cá Trung Quốc lớn hơn gấp nhiều lần các nước láng giềng. Đơn cử theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện có tổng số tàu cá 110.950 tàu, đa số là tàu gỗ, hoạt động hầu như không có trợ cấp gì từ chính phủ.
Với việc tàu cá tràn ngập vùng nước đang tranh chấp, đã có những lo ngại về việc Trung Quốc đang thực thi việc đòi hỏi chủ quyền của mình qua sự hiện diện của nhiều tàu cá.
Thạc sĩ Hoàng Việt nêu ví dụ trong vụ kiện mà Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế yêu cầu tàu cá của Trung Quốc phải rút ra khỏi khu vực của Philippines là bãi cạn Scarborough... thế nhưng trong thực tế Trung Quốc không rút mà còn tăng cường thêm, vì vậy cho thấy Philippines chỉ kiểm soát Scarborough trên giấy, trong khi Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế. Thạc sĩ Hoàng Việt nói tiếp :
"Lượng tàu cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt cá trái phép gọi là IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing - đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) lớn nhất trên thế giới, mà hầu hết là phương pháp tận diệt. Hậu quả của việc này là nguồn hải sản bị cạn kiệt và bị phá hủy. Ngoài ra tàu cá Trung Quốc thực ra là các lực lượng khác nhau được ngụy trang, trong đó có lực lượng dân quân biển Trung Quốc tiếp tục xâm phạm hoặc quấy phá các hoạt động của ngư dân, cũng như thăm dò tài nguyên dầu khí ven biển của các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á này".
Hình minh họa tàu đánh cá Việt Nam tại Thừa Thiên Huế. AFP
Từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nhưng theo Tân Hoa Xã, chưa năm nào nghiêm khắc như năm nay. Một loạt công nghệ mới đã được sử dụng để giám sát lệnh cấm từ định vị vệ tinh, giám sát thông qua video trực tiếp và big data.
Cụ thể trong thời gian Trung Quốc cấm đánh bắt, tỉnh Quảng Đông đã tiến hành 5.605 chuyến tuần tra, trong đó 1.691 tàu đánh cá mà Trung Quốc cho là bất hợp pháp bị nước này bắt giữ, tịch thu và phá hủy nhiều ngư cụ.
Ảnh hưởng đời sống ngư dân Việt Nam
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/8, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định liên quan vấn đề này :
"Tham vọng của Trung Quốc không phải là cá trên Biển Đông, không phải là một khoảng không gian sinh tồn trên Biển Đông, mà họ thực hiện địa chính trị, tức thực hiện quyền lực của họ trên Biển Đông, để thực hiện mưu đồ bá chủ của họ. Vì vậy họ muốn đánh chết động lực, ý chí của nhiều người đánh cá trên Biển Đông, bằng cách là hết mùa cá thì xua hàng vạn tàu thuyền xuống, đợt này chỉ riêng tỉnh Hải Nam của Trung Quốc là gần 17 ngàn tàu đã đăng ký xuống đánh cá, với lưới nhỏ, ánh sáng cực lớn... dẫn đến cá ở Biển Đông sẽ cạn kiệt".
Theo Tân Hoa Xã, chỉ tính riêng đảo Hải Nam đã có 16.700 tàu cá đăng ký hoạt động ở Biển Đông đợt này. Trong thông báo ngày 16/8, chính quyền Hải Nam cũng cho biết sẽ sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu để liên tục phát các cảnh báo tránh va chạm tới tàu cá trên Biển Đông.
Ông Trần Văn Lĩnh nói tiếp :
"Ngay cả việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá không phải là để bảo vệ đàn cá, mà là để họ thực hiện quyền lực của họ mà thôi, rồi khi vừa hết cấm họ lại xua xuống hàng vạn tàu thuyền, thì còn đâu cá cho ngư dân đánh bắt, Trung Quốc làm cho vùng biển ấy nghèo đi, thì tất nhiên những ngư dân đó phải đi tha phương cầu thực thôi".
Ngoài ra theo ông Trần Văn Lĩnh, việc Trung Quốc san lấp các đảo san hô, nơi cá sinh trưởng, nên không còn nơi cho cá đẻ, tức là sinh thì không có, mà sinh lớn thì tận diệt. Ông cho rằng, nếu Biển Đông là của Trung Quốc thì họ đã khai thác một cách có trách nhiệm, bền vững... Nhưng vì là của người khác mà Trung Quốc chiếm, nên họ đã khai thác vô tôi vạ.
Một ngư dân ở Quảng Nam nói với Đài Á Châu Tự do về những lo ngại của mình sau khi lệnh cấm đánh bắt cá chấm dứt :
"Nó ảnh hưởng nói chung mọi mặt, mặt biển cũng ảnh hưởng mà mặt bờ cũng ảnh hưởng. Biển bữa nay thất bát lắm, nói chung là thiệt hại cá mắm bữa nay nhiều lắm nhưng dân không biết làm sao hết, dân phải chịu hết, đường nào dân cũng phải gánh hết".
Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ CSIS, Biển Đông là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu. Hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, đa số là tàu Trung Quốc, hệ sinh thái biển quan trọng này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc đánh bắt cá quá mức.
Như định kỳ hàng năm khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Việt Nam đều lên tiếng phản đối và khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi, giữ vững ngư trường truyền thống.
Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết :
"Chuyện này cũng như hằng năm thôi. Chúng ta vẫn lặp đi lặp lại đó là việc làm bất hợp pháp của Trung Quốc. Đây là việc làm không phù hợp với luật pháp Việt Nam. Trung Quốc cấm gì thì cấm ở vùng biển của Trung Quốc chứ cấm qua vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là không hợp pháp.
Từ lâu chúng tôi từng nói lệnh cấm đó không có giá trị pháp lý nào đối với ngư dân Việt Nam cả. Chúng tôi cũng có bàn bạc và tổ chức cho bà con ngư dân là theo đoàn, đội đánh bắt trên vùng biển của mình một cách chủ động, đúng pháp luật Việt Nam".
Ngoài việc chủ động cho ngư dân của Hội Nghề cá Việt Nam và hội nghề cá các tỉnh thì Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng cho biết, cũng có yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước như cảnh sát biển, kiểm ngư và hải quân, phải thường xuyên hiện diện để bảo vệ cho ngư dân Việt Nam làm ăn hợp pháp trên vùng biển của mình.
Một ngư dân ở Đà Nẵng nói :
"Khi mình làm ở vùng biển Việt Nam mình, mình cào nó cũng cào vậy mà nó ỉ tàu to, tàu nó là tàu sắt, tàu mình tàu nhỏ, tàu gỗ nên nó ăn hiếp. Mỗi lúc đó ai biết cảnh sát biển ở đâu mà ứng cứu, mà mấy ổng tới thì chỉ có tốn thêm tiền chứ được gì đâu".
Trong khi Trung Quốc đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông, thì hôm 12/6, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg96416 thuộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết tàu cá của ông bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 truy đuổi, tông nhiều lần làm hư hỏng, lật nghiêng và ép ngư dân Việt Nam nhảy xuống biển. Phía Trung Quốc sau đó đã tịch thu các ngư cụ và 1 tấn hải sản của tàu cá Việt Nam. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 500 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam kể từ sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong năm 2020 ở Biển Đông từ ngày 1/5/2020. Đây cũng là vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam thứ hai kể từ tháng 4 vừa qua ở Biển Đông. Vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua đã khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm.
Nguồn : RFA, 17/08/2020
************************
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông sau khi hết lệnh cấm đánh bắt cá
RFA, 17/08/2020
Hơn 16.000 tàu cá của Trung Quốc đã tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do Bắc Kinh đơn phương áp đặt lên vùng biển này chấm dứt vào ngày 16/8 vừa qua. Thông tin từ Đài truyền hinh trung ương Trung Quốc cho biết như vậy hôm 16/8.
Hình chụp hôm 16/8/2020 : các tàu cá của Trung Quốc từ tỉnh Hải Nam chuẩn bị xuống Biển Đông – Tân Hoa Xã
Theo thông tin từ truyền hình Trung Quốc, các tàu cá này ra khơi từ đảo Hải Nam ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá chấm dứt. Chuyến ra khơi mất khoảng từ 6 đến 7 ngày.
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông bắt đầu vào ngày 1/5 và thường kéo dài khoảng 3 tháng.
Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm đánh bắt cá năm nay được coi là nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Trong suốt thời gian 3 tháng rưỡi, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc đã điều hơn 5.600 tàu tuần tra và phát hiện hơn 1.700 vụ vi phạm, khoảng 1.600 tàu đánh bắt cá lậu bị thu giữ và 630.000 mét vuông lưới đánh bắt cá bị gỡ bỏ.
Trong thời gian Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, các tàu cá của ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở Biển Đông đã gặp nhiều khó khăn. Hôm 10/6 vừa qua, một tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm hỏng. Nhân viên trên tàu Trung Quốc đã lục xét tàu cá Việt Nam và lấy đi nhiều cụ cũng như hải sản.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông được bắt đầu áp dụng từ năm 1999 trở lại đây. Phía Trung Quốc nói rằng lệnh này nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương này.
Nguồn : RFA, 17/08/2020