Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc củng cố dân quân biển nhằm kiểm soát Biển Đông

Trọng Nghĩa, RFI, 24/11/2021

Trong những năm gần đây, các nước có tranh chấp với Bắc Kinh về Biển Đông đã rất khổ sở khi phải đối phó với đội tàu "đánh cá", nhưng thực ra là dân quân biển của Trung Quốc. Trong một bản báo cáo công bố hôm 18/11/2021, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ) đã cung cấp một hồ sơ được cho là "toàn diện nhất" về một lực lượng mà Bắc Kinh không ngừng củng cố và mở rộng để khẳng đinh quyền kiểm soát trên Biển Đông.

danquan1

Tàu của Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2021. Manila tố cáo đây là tàu dân quân biển. Bắc Kinh phủ nhận, khẳng định đây là tàu đánh cá  via Reuters – Philippe Coát Guard

Trong bản nghiên cứu mang tựa đề "Vén bức màn che phủ lực lượng dân quân biển Trung Quốc" (Pulling Back the Curtain on China’s Maritime Militia) dài gần 90 trang, các chuyên gia Mỹ đã đi sâu vào tìm hiểu lịch sử hình thành, cách thức tổ chức, phương thức hoạt động của lực lượng mà Bắc Kinh gọi là "Hải thượng Dân binh", đồng thời nhận dạng gần 200 chiếc tàu cụ thể trong lực lượng này cho dù thông tin từ phía Trung Quốc không rõ ràng.

Theo CSIS, ý đồ của Trung Quốc khi tăng cường lực lượng này rất rõ ràng. Trong phần mở đầu bản báo cáo, các tác giả đã ghi nhận : "Kể từ khi hoàn thành việc xây dựng các tiền đồn trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa vào năm 2016, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang khẳng định quyền kiểm soát đối với Biển Đông. Một phần quan trọng của sự chuyển đổi này là việc mở rộng lực lượng dân quân hàng hải, một lực lượng bề ngoài là hoạt động đánh bắt cá nhưng trong thực tế lại góp sức cho lực lượng thực thi pháp luật và quân đội Trung Quốc để đạt các mục tiêu chính trị trong vùng biển tranh chấp".

Đối với các chuyên gia Mỹ, các chiến thuật mà lực lượng này sử dụng đã đặt ra một thách thức đáng kể đối với việc duy trì một trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt trên Biển Đông.

Việt Nam và Philippines : Hai nạn nhân chính của dân quân biển Trung Quốc

Vai trò của dân quân biển Trung Quốc trong các sự cố mà Bắc Kinh gây ra trên Biển Đông đã được nêu bật trong phần nói về lịch sử hoạt động của lực lượng này, với Việt Nam và Philippines là hai nạn nhân chính.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, sự kiện đầu tiên đánh dấu việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển trong mục tiêu áp đặt quyền kiểm soát trên Biển Đông xẩy ra từ năm 1974 trong chiến dịch đánh chiếm toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam.

Sau đó, Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị sách nhiễu, đặc biệt khi Bắc Kinh bắt đầu thúc đẩy việc cản trở các hoạt động dầu khí của các láng giềng trên Biển Đông, kể từ đầu những năm 2000.

Sách nhiễu hoạt động dầu khí

Theo CSIS, nổi bật nhất là những vụ việc xẩy ra năm 2011 khi Trung Quốc tung dân quân biển sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí Viking 2 của Na Uy nhưng hoạt động cho tập đoàn dầu khí PetroVietnam. Trước đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã sách nhiễu tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam, một hành vi đã được lập lại một năm rưỡi sau đó.

Nổi cộm nhất và rõ ràng nhất chính là vụ Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam năm 2014. Vào khi ấy, để đối phó với Việt Nam, Trung Quốc đã điều động một lực lượng đáng kể tàu hải quân và cảnh sát biển đến nơi, và dĩ nhiên là vô số tàu thuộc lực lượng dân quân biển. Vào giữa tháng năm năm 2014 chẳng hạn, Việt Nam cho biết là có đến 130 chiếc tàu Trung Quốc trên hiện trường.

Dĩ nhiên, không chỉ có Việt Nam là bị dân quân biển Trung Quốc sách nhiễu. Một nạn nhân đáng kể khác là Philippines, với việc để mất bãi cạn Scaborough vào tay Trung Quốc, hay gần đây hơn là những sự cố gần đảo Thị Tứ hay khu vực Đá Ba Đầu.

Các hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc tại khu vực Trường Sa đã gia tăng đáng kể và trở thành thường xuyên hơn từ khi Bắc Kinh hoàn tất các tiền đồn quân sự trên 7 đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp.

Hai thành phần của dân quân biển

Bản báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế còn nêu bật nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tài trợ và hỗ trợ chuyên môn cho lực lượng dân quân biển, đặc biệt là dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đội dân quân biển Trung Quốc, theo CSIS, bao gồm hai loại tàu : tàu chuyên dụng đặt căn cứ tại 10 hải cảng, một nửa ở tỉnh Quảng Đông, 5 cảng còn lại ở tỉnh đảo Hải Nam, và đặc biệt là đội tàu đánh cá thương mại thuộc lực lượng gọi là "đội tàu đánh cá hỗ trợ vùng Nam Sa", tên tiếng Hoa là "Nam Sa cốt cán bộ đội" - Nam Sa là tên Trung Quốc đặt cho vùng quần đảo Trường Sa.

CSIS ghi nhận là để có thể gia nhập vào đội tàu hỗ trợ Trường Sa này, các con tàu phải đáp ứng những kích thước tối thiểu (dài 35 mét và và trọng tải 200 tấn). Theo các tài liệu của chính phủ Trung Quốc mà CSIS tham khảo được, các con tàu phải hoạt động ít nhất hai trăm tám mươi ngày một năm trong "các khu vực hàng hải cụ thể, được phân định theo mục tiêu bảo vệ tổ quốc để được hưởng nguyên thù lao".

Nghiên cứu của CSIS nêu rõ ví dụ về hai chiếc tàu Quế Bắc Ngư (Gui Bei Yu) 88603 và 39198, bị phát hiện trong số cả trăm chiếc tàu tập trung vào tháng 03-04/2021 ở vùng Đá Ba Đầu, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Hoạt động không có gì là thương mại hay hòa bình

Điểm đáng ngại được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS nêu bật là mục tiêu không có gì là thương mại hay hòa bình của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Báo cáo của CSIS ghi nhận : "Trong suốt những năm 2000, dân quân biển Trung Quốc đã chuyển trọng tâm hoạt động qua việc do thám và quấy phá hoạt động quân sự của các nước khác", kể cả việc cố ý va chạm, rải chướng ngại vật trên đường đi, dùng vòi rồng tấn công hay tham gia các hoạt động di chuyển nguy hiểm khác.

Theo ông Greg Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á và cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS, đồng tác giả của bản báo cáo, thì "giá trị của dân quân biển nằm ở chỗ Trung Quốc có thể phủ nhận trách nhiệm về hành động của lực lượng này", cho đấy không phải là tàu nhà nước.

Đối với chuyên gia Poling, Bắc Kinh hoàn toàn có thể cho rằng đó là những chiếc tàu cá bình thường, nhưng "bằng chứng thu thập từ xa và ảnh vệ tinh cho thấy có thể phân biệt rõ giữa tàu dân quân biển và tàu cá thông thường".

Dân quân biển là điển hình cho chiến thuật vùng xám

Theo giới chuyên gia, dân quân biển Trung Quốc là ví dụ điển hình về "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, cho phép Trung Quốc tiếp tục phớt lờ luật biển quốc tế, nhất là phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn" tại Biển Đông.

Trả lời kênh truyền thông ả rập Al Jazeera ngày 19/11 vừa qua, ông Collin Koh, chuyên gia về Biển Đông tại Singapore nhận định : "Việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám như vậy đặt ra thách thức trực tiếp và nghiêm trọng với trật tự dựa trên luật lệ, vốn quy định việc các nước tương tác với nhau và giải quyết bất đồng trên cơ sở bình đẳng".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 24/11/2021

***********************

Biển Đông : Manila bác yêu cầu của Bắc Kinh đòi Philippines dời chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây

Trọng Nghĩa, RFI, 25/11/2021

Philippines sẽ không di dời một chiến hạm rỉ sét mà họ đã cố tình cho mắc cạn trước đây tại Bãi Cỏ Mây, trong vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tuyên bố như trên vào hôm 25/11/2021, mặc nhiên bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ngăn chặn một chiến dịch tiếp tế cho nhóm lính Philippines đồn trú trên con tàu. 

danquan2

Con tàu BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây, trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/03/2014.  © Reuters/Erik De Castro/File Photo

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với báo chí, bộ trưởng quốc phòng Philippines đã phản bác lời khẳng định của Trung Quốc vào hôm 24/11, theo đó Manila đã cam kết di dời chiếc tàu BRP Sierra Madre, đã được cố ý cho mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (tên Philippines là Ayungin, tên quốc tế là Second Thomas Shoal) vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền của Manila ở Trường Sa. 

Chiếc tàu đổ bộ này dài khoảng 100 mét đã được Hải quân Mỹ sử dụng trong Thế chiến thứ hai, trước khi được bàn giao cho Hải quân Philippines. 

Theo ông Lorenzana : "Con tàu đó đã nằm ở đó từ năm 1999. Nếu có cam kết thì nó đã bị dỡ bỏ từ lâu rồi". Hôm 24/11, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã khẳng định rằng Bắc Kinh "yêu cầu phía Philippines tôn trọng cam kết và di dời chiếc tàu đổ bộ trái phép của họ". 

Bãi Cỏ Mây nằm cách Palawan 105 hải lý hiện do Philippines kiểm soát thông qua một toán lính nhỏ trú ngụ trên con tàu đã rỉ sét. 

Bộ trưởng quốc phòng Philippines một lần nữa tố cáo việc Hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn Manila tiếp tế cho đơn vị trên Bãi Cỏ Mây, một thực thể "thuộc chủ quyền" của Philippines, trái với luận điệu của Bắc Kinh theo đó thực thể này nằm trong vùng biển của Trung Quốc. Đó cũng là điều mà phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc lại nêu lên hôm 19/11 vừa qua khi tố cáo tàu tiếp tế của Philippines đã "xâm phạm vùng biển" của Trung Quốc khi tiếp cận Bãi Cỏ Mây. 

Hôm thứ Hai 22/11 vừa qua, chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cho biết tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng chủ trì rằng ông "phản đối" các hành động gần đây của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây. 

Trọng Nghĩa

Published in Diễn đàn

Tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông, nguy cơ gì cho Việt Nam ?

RFA, 17/08/2020

Theo Tân Hoa Xã, nhiều làng chài phía nam Trung Quốc đã làm lễ trước khi ra biển ngày 16/8, trên các cảng cá, hoạt động chuyển lương thực diễn ra tấp nập... như mọi năm, hàng vạn tàu cá Trung Quốc chuẩn bị tràn ngập vùng Biển Đông gây ra những lo ngại về tình trạng đánh bắt quá mức, và những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp với các nước láng giềng.

tauca1

Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị tràn vào Biển Đông, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Các tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc áp đặt chấm dứt vào ngày 16/8.

Trung Quốc hồi đầu năm đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 đến ngày 16 tháng 8 năm 2020. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Mỗi ngư dân xuất hiện trên biển là cột mốc sống về chủ quyền

Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông lâu năm nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/8, liên quan vấn đề này :

"Các tàu cá Trung Quốc này rất nguy hiểm, nó có nhiều mục đích khác nhau, trong thời bình thì nó được sử dụng với mục đích là đi đánh bắt, còn trong chiến tranh thì nó rất đắc lực cho Trung Quốc tấn công các lực lượng khác trên biển. Và chưa kể nó cũng liên quan đến vấn đề chủ quyền, như người ta vẫn nói là mỗi ngư dân xuất hiện trên biển đó là cột mốc sống về chủ quyền. Nếu chủ quyền một quốc gia trên biển không được thể hiện bằng các ngư dân xuất hiện trên biển, đánh bắt trên biển, thực hiện các quyền của mình trên biển, thì chủ quyền đó chỉ tồn tại trên giấy. Và nếu nói theo nghĩa đó, thì chúng ta cũng hiểu các tàu của Trung Quốc đóng góp một phần quan trọng cho Trung Quốc dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng thực tế trên khu vực Biển Đông".

Theo số liệu của trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, Trung Quốc hiện có khoảng 200.000 tàu sắt đánh cá lớn, được chính phủ Trung Quốc tài trợ. Trong 4 năm qua, chính phủ Trung Quốc dành 28 tỷ USD trợ cấp các đội tàu đánh cá này.

Số lượng tàu cá Trung Quốc lớn hơn gấp nhiều lần các nước láng giềng. Đơn cử theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện có tổng số tàu cá 110.950 tàu, đa số là tàu gỗ, hoạt động hầu như không có trợ cấp gì từ chính phủ.

Với việc tàu cá tràn ngập vùng nước đang tranh chấp, đã có những lo ngại về việc Trung Quốc đang thực thi việc đòi hỏi chủ quyền của mình qua sự hiện diện của nhiều tàu cá.

Thạc sĩ Hoàng Việt nêu ví dụ trong vụ kiện mà Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế yêu cầu tàu cá của Trung Quốc phải rút ra khỏi khu vực của Philippines là bãi cạn Scarborough... thế nhưng trong thực tế Trung Quốc không rút mà còn tăng cường thêm, vì vậy cho thấy Philippines chỉ kiểm soát Scarborough trên giấy, trong khi Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế. Thạc sĩ Hoàng Việt nói tiếp :

"Lượng tàu cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt cá trái phép gọi là IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing - đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) lớn nhất trên thế giới, mà hầu hết là phương pháp tận diệt. Hậu quả của việc này là nguồn hải sản bị cạn kiệt và bị phá hủy. Ngoài ra tàu cá Trung Quốc thực ra là các lực lượng khác nhau được ngụy trang, trong đó có lực lượng dân quân biển Trung Quốc tiếp tục xâm phạm hoặc quấy phá các hoạt động của ngư dân, cũng như thăm dò tài nguyên dầu khí ven biển của các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á này".

tauca2

Hình minh họa tàu đánh cá Việt Nam tại Thừa Thiên Huế. AFP

Từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nhưng theo Tân Hoa Xã, chưa năm nào nghiêm khắc như năm nay. Một loạt công nghệ mới đã được sử dụng để giám sát lệnh cấm từ định vị vệ tinh, giám sát thông qua video trực tiếp và big data.

Cụ thể trong thời gian Trung Quốc cấm đánh bắt, tỉnh Quảng Đông đã tiến hành 5.605 chuyến tuần tra, trong đó 1.691 tàu đánh cá mà Trung Quốc cho là bất hợp pháp bị nước này bắt giữ, tịch thu và phá hủy nhiều ngư cụ.

Ảnh hưởng đời sống ngư dân Việt Nam

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/8, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định liên quan vấn đề này :

"Tham vọng của Trung Quốc không phải là cá trên Biển Đông, không phải là một khoảng không gian sinh tồn trên Biển Đông, mà họ thực hiện địa chính trị, tức thực hiện quyền lực của họ trên Biển Đông, để thực hiện mưu đồ bá chủ của họ. Vì vậy họ muốn đánh chết động lực, ý chí của nhiều người đánh cá trên Biển Đông, bằng cách là hết mùa cá thì xua hàng vạn tàu thuyền xuống, đợt này chỉ riêng tỉnh Hải Nam của Trung Quốc là gần 17 ngàn tàu đã đăng ký xuống đánh cá, với lưới nhỏ, ánh sáng cực lớn... dẫn đến cá ở Biển Đông sẽ cạn kiệt".

Theo Tân Hoa Xã, chỉ tính riêng đảo Hải Nam đã có 16.700 tàu cá đăng ký hoạt động ở Biển Đông đợt này. Trong thông báo ngày 16/8, chính quyền Hải Nam cũng cho biết sẽ sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu để liên tục phát các cảnh báo tránh va chạm tới tàu cá trên Biển Đông.

Ông Trần Văn Lĩnh nói tiếp :

"Ngay cả việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá không phải là để bảo vệ đàn cá, mà là để họ thực hiện quyền lực của họ mà thôi, rồi khi vừa hết cấm họ lại xua xuống hàng vạn tàu thuyền, thì còn đâu cá cho ngư dân đánh bắt, Trung Quốc làm cho vùng biển ấy nghèo đi, thì tất nhiên những ngư dân đó phải đi tha phương cầu thực thôi".

Ngoài ra theo ông Trần Văn Lĩnh, việc Trung Quốc san lấp các đảo san hô, nơi cá sinh trưởng, nên không còn nơi cho cá đẻ, tức là sinh thì không có, mà sinh lớn thì tận diệt. Ông cho rằng, nếu Biển Đông là của Trung Quốc thì họ đã khai thác một cách có trách nhiệm, bền vững... Nhưng vì là của người khác mà Trung Quốc chiếm, nên họ đã khai thác vô tôi vạ.

Một ngư dân ở Quảng Nam nói với Đài Á Châu Tự do về những lo ngại của mình sau khi lệnh cấm đánh bắt cá chấm dứt :

"Nó ảnh hưởng nói chung mọi mặt, mặt biển cũng ảnh hưởng mà mặt bờ cũng ảnh hưởng. Biển bữa nay thất bát lắm, nói chung là thiệt hại cá mắm bữa nay nhiều lắm nhưng dân không biết làm sao hết, dân phải chịu hết, đường nào dân cũng phải gánh hết".

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ CSIS, Biển Đông là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu. Hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, đa số là tàu Trung Quốc, hệ sinh thái biển quan trọng này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc đánh bắt cá quá mức.

Như định kỳ hàng năm khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Việt Nam đều lên tiếng phản đối và khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi, giữ vững ngư trường truyền thống.

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết :

"Chuyện này cũng như hằng năm thôi. Chúng ta vẫn lặp đi lặp lại đó là việc làm bất hợp pháp của Trung Quốc. Đây là việc làm không phù hợp với luật pháp Việt Nam. Trung Quốc cấm gì thì cấm ở vùng biển của Trung Quốc chứ cấm qua vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là không hợp pháp.

Từ lâu chúng tôi từng nói lệnh cấm đó không có giá trị pháp lý nào đối với ngư dân Việt Nam cả. Chúng tôi cũng có bàn bạc và tổ chức cho bà con ngư dân là theo đoàn, đội đánh bắt trên vùng biển của mình một cách chủ động, đúng pháp luật Việt Nam".

Ngoài việc chủ động cho ngư dân của Hội Nghề cá Việt Nam và hội nghề cá các tỉnh thì Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng cho biết, cũng có yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước như cảnh sát biển, kiểm ngư và hải quân, phải thường xuyên hiện diện để bảo vệ cho ngư dân Việt Nam làm ăn hợp pháp trên vùng biển của mình.

Một ngư dân ở Đà Nẵng nói :

"Khi mình làm ở vùng biển Việt Nam mình, mình cào nó cũng cào vậy mà nó ỉ tàu to, tàu nó là tàu sắt, tàu mình tàu nhỏ, tàu gỗ nên nó ăn hiếp. Mỗi lúc đó ai biết cảnh sát biển ở đâu mà ứng cứu, mà mấy ổng tới thì chỉ có tốn thêm tiền chứ được gì đâu".

Trong khi Trung Quốc đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông, thì hôm 12/6, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg96416 thuộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết tàu cá của ông bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 truy đuổi, tông nhiều lần làm hư hỏng, lật nghiêng và ép ngư dân Việt Nam nhảy xuống biển. Phía Trung Quốc sau đó đã tịch thu các ngư cụ và 1 tấn hải sản của tàu cá Việt Nam. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 500 triệu đồng.

Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam kể từ sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong năm 2020 ở Biển Đông từ ngày 1/5/2020. Đây cũng là vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam thứ hai kể từ tháng 4 vừa qua ở Biển Đông. Vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua đã khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm.

Nguồn : RFA, 17/08/2020

************************

Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông sau khi hết lệnh cấm đánh bắt cá

RFA, 17/08/2020

Hơn 16.000 tàu cá của Trung Quốc đã tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do Bắc Kinh đơn phương áp đặt lên vùng biển này chấm dứt vào ngày 16/8 vừa qua. Thông tin từ Đài truyền hinh trung ương Trung Quốc cho biết như vậy hôm 16/8.

tauca3

Hình chụp hôm 16/8/2020 : các tàu cá của Trung Quốc từ tỉnh Hải Nam chuẩn bị xuống Biển Đông – Tân Hoa Xã

Theo thông tin từ truyền hình Trung Quốc, các tàu cá này ra khơi từ đảo Hải Nam ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá chấm dứt. Chuyến ra khơi mất khoảng từ 6 đến 7 ngày.

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông bắt đầu vào ngày 1/5 và thường kéo dài khoảng 3 tháng.

Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm đánh bắt cá năm nay được coi là nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Trong suốt thời gian 3 tháng rưỡi, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc đã điều hơn 5.600 tàu tuần tra và phát hiện hơn 1.700 vụ vi phạm, khoảng 1.600 tàu đánh bắt cá lậu bị thu giữ và 630.000 mét vuông lưới đánh bắt cá bị gỡ bỏ.

Trong thời gian Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, các tàu cá của ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở Biển Đông đã gặp nhiều khó khăn. Hôm 10/6 vừa qua, một tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm hỏng. Nhân viên trên tàu Trung Quốc đã lục xét tàu cá Việt Nam và lấy đi nhiều cụ cũng như hải sản.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông được bắt đầu áp dụng từ năm 1999 trở lại đây. Phía Trung Quốc nói rằng lệnh này nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương này.

Nguồn : RFA, 17/08/2020

Published in Diễn đàn

Mỹ tăng sức răn đe Trung Quốc, nhắm vào dân quân biển (RFI, 18/06/2019)

Vào lúc giới chức quân sự và công luận Philippines đang ngày càng phẫn nộ trước vụ một tàu cá Trung Quốc đâm vào một ngư thuyền Philippines rồi bỏ chạy, đại sứ Mỹ tại Manila hôm 14/06/2019 vừa qua đã lên tiếng nhắc nhở rằng những hành vi tấn công vào lực lượng Philippines, kể cả khi đến từ các nhóm dân quân biển Trung Quốc, có thể dẫn đến việc Mỹ can thiệp trong khuôn khổ Hiệp Định Phòng Thủ Hỗ Tương Hoa Kỳ-Philippines.

danquan1

Tàu cá Philippines bị tàu tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi gần đảo Luzon, tỉnh Pangasinan, 22/04/2015. Reuters/Erik De Castro

Lời nhắc nhở này nêu bật một chuyển hướng quan trọng trong chiến lược răn đe Trung Quốc tại Biển Đông, mà Hải Quân Mỹ đã tiết lộ từ đầu năm 2019 này, một nhân tố mà theo trang tin Business Insider ngày 17/06, đã làm tăng khả năng xảy ra xung đột tại Biển Đông.

Theo tác giả bài báo, Mỹ mới đây đã cho thấy rõ một lập trường cứng rắn hơn đối với dân quân biển Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự được ngụy trang thành một đội tàu đánh cá, nhiều khi được tung ra để sách nhiễu các đối thủ nước ngoài, giúp Bắc Kinh áp đặt các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.

Theo Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã cố che giấu sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, nhưng ngày nay sự tồn tại của đội quân này đã ngày càng lộ rõ.

Mỹ đã bắt đầu cảnh báo về dân quân biển Trung Quốc từ 2017

Trong báo cáo năm 2017 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bộ Quốc Phòng Mỹ lần đầu tiên đã thu hút sự chú ý đến lực lượng dân quân biển này, xác định rằng Trung Quốc đã sử dụng đội tàu đánh cá thương mại của họ vào những chiến dịch tấn công "vùng xám", tức là giấu mặt, để "áp đặt các yêu sách trên biển và thúc đẩy quyền lợi ích của Trung Quốc", như tránh được việc gây nên chiến tranh thực sự.

Tuy nhiên, phải đợi đến đầu năm 2019 này, Mỹ mới thực sự bắt đầu gây áp lực nhắm vào lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Theo nhật báo Anh Financial Times, tư lệnh Hải Quân Mỹ John Richardson, nhân một cuộc họp tại Bắc Kinh hồi tháng Giêng đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ coi các tàu Hải Cảnh và tàu dân quân biển là những phương tiện chiến đấu, tương tự như tàu hải quân, và sẽ dùng các biện pháp đối phó với Hải Quân Trung Quốc để đáp trả những hành động khiêu khích của những chiếc tàu này.

Qua tháng Ba, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai cam kết với Philippines rằng Mỹ sẽ đến bảo vệ đồng minh trong trường hợp nước này bị tấn công ở Biển Đông.

Theo ông Pompeo, "bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào binh lính, phi cơ hoặc tàu công vụ của Philippines trên Biển Đông đều sẽ kích hoạt nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau" có trong hiệp định phòng thủ chung Mỹ-Philippines.

Và ông Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Philippines, đã làm rõ thêm các cam kết này hôm 14/06 vừa qua khi xác nhận với báo chí rằng cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ cũng áp dụng cho các hành vi gây hấn của dân quân biển Trung Quốc.

Theo nhật báo Philippine Star, đại sứ Mỹ đã nói nguyên văn như sau : "Khái niệm bất kỳ một hành động tấn công võ trang nào, theo tôi, bao gồm cả những hành vi của lực lượng dân quân được chính quyền cho phép".

Tuy nhiên, đại sứ Mỹ đã không nói rõ thế nào là một hành động tấn công võ trang.

Washington muốn buộc Bắc Kinh hạn chế hành vi gây bất ổn trên biển

Theo các nhà phân tích, khi tăng cường sức ép trên các lực lượng trên biển của Trung Quốc, Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh điều chỉnh các tính toán chiến lược tại Biển Đông.

Trả lời nhật báo Anh Financial Times vào tháng Tư vừa qua, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế cho rằng "Hoa Kỳ hy vọng răn đe được Trung Quốc để ngăn chặn các hành vi gây bất ổn định trên biển, trong đó có việc dùng đến các lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân quân biển để đe dọa các nước láng giềng nhỏ bé hơn".

Tuy nhiên, theo Business Insider, việc Mỹ duy trì một tình trạng mơ hồ trong chủ trương răn đe, cũng như vai trò bất minh của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, xung đột trên quy mô nhỏ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng dễ dàng nổ ra.

Các sự cố dính líu đến tàu cá Trung Quốc, thành viên tiềm tàng của lực lượng dân quân biển, thường xuyên xảy ra ở Biển Đông. Thế nhưng đến nay vẫn không rõ là chính xác loại sự cố nào có thể kích hoạt sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Một ví dụ là vào tháng Tư, hơn 200 tàu cá Trung Quốc đã bị tố cáo tràn xuống đe đọa đảo Thị Tứ, một thực thể do Philippines chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.

Một ví dụ khác là vụ tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ là đã đâm chìm một tàu Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Biển Đông), và sau đó bỏ đi, để mặc cho hơn hai chục ngư dân Philippines đối mặt với nguy cơ chết đuối ngoài biển khơi.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc về hành vi sai trái của họ. Và, trong khi tình hình vẫn căng thẳng, giới lãnh đạo Philippines đã kêu gọi bình tĩnh.

*********************

Mỹ kêu gọi điều tra vụ tàu Trung Quốc đụng chìm tàu cá Philippines (RFI, 18/06/2019)

Hôm 18/06/2019, đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Sung Kim kêu gọi tiến hành một "cuộc điều tra đầy đủ" về vụ một tàu của Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines, cho rằng vụ này càng cho thấy tầm quan trọng của một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

danquan2


Đội flotilla của Hải quân Hoa Kỳ tới Nam Trung Quốc đã ghé Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), Biển Đông để thể hiện quyền tự do hàng hải. ChinaUsFocus 28/05/2015

Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, vụ việc xảy ra ngày 09/06 vừa qua. Tàu cá của Philippines lúc ấy đang neo đậu tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), mà cả Manila lẫn Bắc Kinh đều khẳng định chủ quyền, thì bị một tàu của Trung Quốc đâm chìm, bỏ mặc các ngư dân trên biển. Các ngư dân này kể lại là 7 tiếng đồng hồ sau họ mới được một tàu của Việt Nam vớt lên và sau đó được đưa về trên một chiếc tàu của hải quân Philippines.

Tuy nhiên, lần đầu tiên lên tiếng về vụ này hôm qua, tổng thống Philippines Rodrigez Duterte cho rằng đây chỉ là một "sự cố nhỏ trên biển". Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua cũng có tuyên bố tương tự, rằng đây chỉ là một "tai nạn giữa các tàu cá trên biển".

Ban đầu, chính quyền Manila đã có phản ứng rất mạnh. Ngoại trưởng Teodoro Locsin cho biết đã gởi một công hàm ngoại giao đến Trung Quốc để phản đối, còn phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines Salvador Panela thì cảnh báo là tổng thống Duterte có thể sẽ cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh nếu biết được là tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu cá Philippines. Tuy nhiên, sau đó, các quan chức chính phủ Philippines đã dịu giọng, nói rằng họ phải chờ kết quả điều tra.

Tờ Nikkei Asian Review hôm nay trích lời giáo sư Renato de Castro, chuyên gia về an ninh tại Đại học De La Salle ở Manila, cho rằng chính quyền của tổng thống Duterte đang cố giữ cho vụ đụng tàu ngày 09/06 không ảnh hưởng gì đến chính sách hòa hoãn của ông đối với Bắc Kinh.

Thanh Phương

******************

Liên tục các hoạt động giao lưu quốc phòng giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á (RFA, 18/06/2019)

Trong ngày 17/6, Việt Nam có một số các hoạt động giao lưu về quốc phòng với các đối tác trong khu vực bao gồm Thái Lan và Singapore.

danquan3

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam Singapore Việt Nam hôm 17/6/2019 - Courtesy of qdnd.vn

Theo Thông tấn xã Việt Nam, vào ngày 17/6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng với Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Singapore, ông Chan Yeng Kit, đã chủ trì đối thoại Chính sách Quốc phòng hai nước lần thứ 10.

Tại đối thoại lần này, hai bên đã thảo luận các vấn đề ở khu vực Châu Á Thái Bình dương, tiến trình hợp tác tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) ; đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng hai nước kể từ sau đối thoại lần trước.

Tại đối thoại lần này hai bên đã ký kế hoạch hợp tác 3 năm (2019 – 2021).

Cũng trong ngày 17/6, đoàn Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan do Đô đốc Luechai Ruddit và phu nhân đã đến thăm Việt Nam. Lễ đón được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam.

Tại cuộc gặp giữa hai bên sau lễ đón, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam đã khẳng định tầm quan trọng trong hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân. Ông cho biết, việc hai nước ký và thực hiện Thỏa thuận về quy chế tuần tra chung trên vùng biển giáp ranh và lập kênh thông tin liên lạc đã trở thành hình mẫu của sự hợp tác đối với hải quân các nước trong khu vực.

Cả Thái Lan và Singapore hiện đều là các đối tác chiến lược của Việt Nam.

Published in Châu Á

Thêm một tội ác của chính quyền Trung Quốc (VNTB, 09/06/2019)

Thế đó, vượt ra ngoài các luật chơi quốc tế minh bạch và có trách nhiệm, Trung Quốc đã âm thầm xây dựng lực lượng dân quân biển được vũ trang vũ khí cá nhân nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông. Các tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hay vụ tàu ông Nhân bị dân quân biển Trung Quốc cướp trắng hai tấn mực khô hoàn toàn không phải do ngư dân Trung Quốc thực hiện mà do chính quyền tội ác Trung Quốc thực hiện.

tau1

Dân quân biển Trung Quốc.

Vào trưa ngày 7/6, báo Tuổi Trẻ online trong bản tin Tàu cá Quảng Nam 'tố' bị tàu nước ngoài vây áp, cướp 2 tấn mực (1) đưa tin : vào khoảng 13h30 ngày 2-6, khi tàu của ngư dân Trần Văn Nhân (42 tuổi, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang đang cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 22 hải lý, các thuyền viên đang nghỉ trưa sau hoạt động đánh bắt thì bất ngờ có một tàu sắt sơn màu trắng có treo cờ Trung Quốc mang số hiệu 46305 ập đến tìm cách áp sát. Tàu này sau đó thả canô mang theo 6 người cầm vũ khí, leo lên tàu cá của ông Nhân. Đó là một tội ác của chính quyền Trung Quốc, không phải là tội ác do ngư dân Trung Quốc thực hiện.

Bạn đọc VNTB đã bao giờ đt ra câu hỏi : Tại sao những người ngư dân Trung Quốc lại được mang theo vũ khí khi công ước quốc tế về biển quy định rằng tất cả các phương tiện dân sự hoạt động trên biển không được trang bị vũ khí ? Thế đó, Trung Quốc không bao giờ tuân thủ luật lệ quốc tế, chưa bao giờ hành xử có trách nhiệm.

Vào năm 2016, ông Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Hải chiến Hoa Kỳ, khẳng định các lực lượng không chính quy của Trung Quốc trên biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất, nhưng cũng bị đánh giá thiếu sót nhất, ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ ở biển Đông. Nhiều người ở Washington biết Trung Quốc có lực lượng hải quân nước xanh lớn thứ hai thế giới, hay cảnh sát biển nước xanh quy mô lớn nhất, nhưng đa số không biết Trung Quốc - với "hạm đội" tàu cá đông đảo nhất toàn cầu - đã triển khai Lực lượng dân quân hàng hải lớn nhất thế giới ra biển. Đây trên thực tế là lực lượng bị cáo buộc nhiều nhất do làm leo thang căng thẳng trong các tranh chấp hàng hải, theo ông Erickson.

Cũng vào năm 2016, hãng truyền hình ABC đã có một phóng sự điều tra về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Đa số ngư dân này từ chối trả lời phóng viên ABC, nhưng một thuyền trưởng đã chấp nhận lời đề nghị này và đây là tiết lộ của người mới trở về sau 2 tháng hiện diện trên các "đảo nhân tạo" : "Bọn tôi chẳng đi tới đó nếu Chính phủ không trả khoản tiền trợ cấp 20.000 USD cho mỗi chuyến đi. Thế nhưng để nhận đủ số tiền đó, chúng tôi phải cam kết thực hiện 4 chuyến/năm. Chúng tôi đâu có kiếm tiền từ hoạt động đánh bắt cá".

Tháng 4/2019, theo ghi nhận của Financial Times, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã cho triển khai tại Biển Đông các lực lượng bán quân sự như hải cảnh, hay dân quân biển đội lốt tàu cá dân sự, để áp đặt quyền lực của Trung Quốc.

Trong một số sự cố liên quan đến Mỹ, Việt Nam và Philippines, Trung Quốc đã cho tàu cá của họ tấn công hay sách nhiễu tàu của đối phương, phong tỏa lối vào các đảo nhỏ, tiến hành chiếm giữ các rạn san hô và bãi cạn.

Cũng vào tháng 4/2019 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, tư lệnh Hải Quân Mỹ cho biết là nhân một cuộc tiếp xúc vào tháng Giêng, ông đã lưu ý đồng nhiệm Trung Quốc rằng nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Quốc có những hành động hiếu chiến, Hoa Kỳ sẽ không xem đó là các lực lượng dân sự hay bán quân sự, mà sẽ đáp trả bằng các biện pháp dùng để đối phó với một lực lượng Hải Quân thực thụ, vì các lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng làm công cụ quân sự.

Phía Mỹ đang cân nhắc áp dụng không thực hiện quyền bảo hộ công dân đối với các dân quân biển Trung Quốc trong trường hợp có xung đột.

Thế đó, vượt ra ngoài các luật chơi quốc tế minh bạch và có trách nhiệm, Trung Quốc đã âm thầm xây dựng lực lượng dân quân biển được vũ trang vũ khí cá nhân nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông. Các tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hay vụ tàu ông Nhân bị dân quân biển Trung Quốc cướp trắng hai tấn mực khô hoàn toàn không phải do ngư dân Trung Quốc thực hiện mà do chính quyền tội ác Trung Quốc thực hiện.

Tâm Don

(1) https://tuoitre.vn/tau-ca-quang-nam-to-bi-tau-nuoc-ngoai-vay-ap-cuop-2-tan-muc-20190607120050029.htm

******************

Cướp tàu cá Việt Nam là cách Trung Quốc thể hiện quyền lực và sức mạnh đối với Hoàng Sa (RFA, 07/06/2019)

Ngày 2/6 vừa qua một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam khi đang đánh bắt cá ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã bị tàu của Trung Quốc áp sát, tịch thu toàn bộ số mực đánh bắt được lên đến 2 tấn, ước tính thiệt hại là khoảng hơn 250 triệu đồng. Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tháng qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công, trong khi ngư dân Việt Nam hoàn toàn bất lực.

tau2

Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tháng qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công - Ảnh minh họa. RFA Edited

Nói về vụ việc mới nhất này, Thạc Sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho biết Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh của mình đối với quần đảo tranh chấp :

"Hành động mà Trung Quốc làm rất nhiều từ xưa nay tức là họ luôn khẳng định Hoàng Sa là của họ không thể tranh chấp với bất cứ quốc gia nào khác nên bất kỳ tàu cá nào đi ngang qua khu vực Hoàng Sa của họ mà họ thấy là đều bắt giữ. Đó là cách Trung Quốc thể hiện quyền lực và sức mạnh đối với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù về mặt chứng kiến pháp lý thì Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc".

Năm 1974, Trung Quốc đã đem quân chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam trong một trận hải chiến. Từ đó đến nay Trung Quốc vẫn kiểm soát quần đảo này mặc dù trên các diễn đàn quốc tế Việt Nam vẫn luôn khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo này.

Đây cũng là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là đối với ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Ngư dân hai tỉnh này là những người chịu thiệt hại nhiều nhất từ các vụ tấn công của tàu Trung Quốc. Một ngư dân giấu tên tại khu vực Quảng Ngãi nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Mình đi miết đó thôi giờ không đi thì biết làm gì đâu chỉ biết đi biển mà. Trung Quốc thì nó chiếm đóng tại vùng biển Hoàng Sa nó độc quyền nên mình ra là nó phá, vùng biển của mình là mình biết chứ sao không biết được".

Từ năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Tuy nhiên theo Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định rằng, hành động tàu Trung Quốc áp sát và tịch thu toàn bộ hải sản của ngư dân Việt Nam gần đây đã đi ngược với thỏa thuận chung.

"Đương nhiên về mặt lý thuyết chúng ta thấy được như vậy đã đi ngược lại với thỏa thuận rồi còn khẳng định có đi ngược hay không nó tùy thuộc vào quan điểm của quốc gia đó. Trung Quốc với quan điểm của họ là theo tin thần của nước lớn nên họ cho rằng họ không làm gì sai trái và đây là vùng biển của họ nên không cần trao đổi với ai cả".

Hồi năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoang Hải Dương 981 vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trong nhiều tháng với lý do được ra thực hiện thăm dò dầu khí. Các cơ chế trong việc xử lý xung đột giữa hai nước như thỏa thuận được ký năm 2011 như đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin không có tác dụng.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết : "Việt Nam và Trung Quốc có thỏa thuận chung về giải quyết tranh chấp trên biển 2011, chúng ta nhớ lại là vào năm 2014 khi Trung Quốc kéo dàn khoang đặc ngay trong vùng đặc quyền kinh tế kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì tất cả mọi đường dây liên lạc giữa Việt Nam với Trung Quốc thì tất cả không nghe máy hoặc không bắt máy. Nó cho thấy cách của Trung Quốc nó có hai mặt mà cứ rêu rao là họ tuân thủ luât pháp quốc tế nhưng thực tế họ chả bao giờ tuân thủ cả".

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam cho hay ông cần xác minh thêm thông tin sự việc nhưng ông cũng cho rằng hành động của Trung Quốc mới đây là sai nếu vùng nước là thuộc khu vực Hoàng Sa hay Trường Sa.

"Việc Trung Quốc lâu lâu cướp tài sản của bà con ngư dân của chúng ta là có nhưng đối với vụ việc này thì tôi cần xác định lại rõ là đang nằm tại vùng biển nào vì tôi chưa nắm được thông tin chính xác, còn việc cướp như thế thì nó hoàn toàn sai trái rồi, nếu tại vùng biển đánh cá của Việt Nam nhất là vùng đánh bắt truyền thống tại khu vực Hoàng Sa cũng như Trường Sa thì khẳng định đấy là vùng biển của chúng ta nên Trung Quốc làm như thế thì nó sai".

Theo tin từ báo Tuổi Trẻ loan đi hôm 7/6 cho biết, tàu cá Việt Nam khi đang tại khu vực cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 22 hải lý. Các thuyền viên đang nghỉ trưa thì bị một tàu sắt sơn trắng có cờ Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, sau đó 6 người cầm theo vũ khí lên tàu cá Việt Nam tiến hành tra hỏi và tịch thu số lượng hải sản lên tới 2 tấn.

Ngư dân Trần Văn Nhân người có mặt trên chuyến tàu nói với báo Tuổi Trẻ rằng, trước khi phía Trung Quốc rời khỏi tàu còn cảnh báo ngư dân Việt Nam không được tái phạm nếu không sẽ bị phá ngư cụ và bị xử phạt. Đồng thời khẳng định ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

*******************

Tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công, cướp tàu cá Việt Nam (RFA, 07/06/2019)

Một tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị tàu Trung Quốc tấn công và cướp 2 tấn mực khi đang hoạt động ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 2/6 vừa qua. Truyền thông trong nước trích lời giới chức biên phòng Quảng Nam cho biết như vậy hôm 7/6.

tau3

Hình minh họa. Ngư dân Nguyễn Tấn Sơn, chủ tàu QNa 90822, cầm tấm lưới bị nhóm người trên tàu lạ cắt phá vào tháng 3/2018 - Courtesy of baovanhoa.vn

Tàu cá bị tấn công của ngư dân Trần Văn Nhân với 10 thuyền viên đã cập cảng Kỳ Hà, Quảng Nam vào ngày 7/6.

Ngư dân Trần Văn Nhân cho giới chức địa phương biết tàu cá của ông bị tấn công vào khoảng trưa ngày 2/6 khi đang ở cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 22 hải lý. Các thuyền viên đang nghỉ trưa thì bất ngờ có một tàu sắt sơn màu trắng có treo cờ Trung Quốc mang số hiệu 46305 đã ập đến, áp sát tàu. Sau dó tàu Trung Quốc thả ca nô mang theo 6 người cầm vũ khí lên tàu cá Việt Nam tra hỏi và khẳng định vùng biển mà các ngư dân Việt Nam đang hoạt động thuộc Trung Quốc.

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nhân cho biết, phía Trung Quốc sau đó đã lấy đi toàn bộ số mực ước tính khoảng 2 tấn. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 250 triệu đồng. Trước khi đi, những người Trung Quốc còn cảnh báo ngư dân Việt Nam không được tái phạm, nếu không sẽ bị phá ngư cụ và xử phạt.

Khu vực quần đảo Hoàng Sa là vùng đang tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Những năm gần đây, tàu Trung Quốc đã nhiều lần tấn công, bắt giữ, thậm chí đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam.

Mới đây vào ngày 6/3, tàu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, ép tàu này vào gò đá khiến tàu bị thủng đáy và chìm.

Published in Việt Nam