Việt Nam thanh minh không "bài Trung, thân Mỹ". Từ Quốc phòng "4 không" sang "8 không" để làm gì ?
Việt Nam thanh minh không "bài Trung, thân Mỹ".
"Bài Trung, thân Mỹ" hoàn toàn không có trong đường lối đối ngoại hay trong quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta".
Đó là xác quyết của Việt Nam được phổ biến trên báo Công an nhân dân ngày 3/8/2020, dường như để hóa giải đe dọa của Trung Quốc nói rằng Việt Nam sẽ bị trừng phạt nặng nề, nếu "đu dây theo Washington để tăng cường sức mạnh chiến lược ở Biển Đông".
Đáng chú ý là ít lâu nay, khi cần bắn tiếng thăm dò phản ứng, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không sử dụng cổng thông tin chính thức qua Tuyên bố hay Người phát ngôn để tránh gây ra hệ lụy ngoại giao mà đã dùng một số báo để phổ biến.
Bằng chứng khi Việt Nam muốn Mỹ nhảy vào giải quyết xung đột ở Biển Đông, thì ngày 17/7/2020 báo Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại giao đăng bài viết của Tiến sĩ Lại Thái Bình thuộc Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao.
Ông Lại Thái Bình đã đề nghị 2 khả năng hợp tác, chưa từng được nêu lên trước đây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đó là :
1. Việt Nam và Mỹ cũng có thể cùng các quốc gia khu vực và trên thế giới tạo dựng một diễn đàn an ninh cấp cao thường niên để thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan Biển Đông.
2. Hai nước cũng có thể thúc đẩy những hợp tác liên quan việc tăng cường năng lực cho mỗi bên liên quan đào tạo, huấn luyện, diễn tập chung, trao đổi thông tin liên quan sự phát triển của Biển Đông, hợp tác kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, phòng chống khủng bố, cướp biển, cứu trợ thiên tai…
Lập trường của Việt Nam được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo, trong tuyên bố ngày 13/07/2020, gọi hành động đe dọa các nước nhỏ để chiếm đoạt và mưu toan cướp chủ quyền nguồn tài nguyên ở phần lớn Biển Đông của Trung Quốc là "phi pháp".
Chưa đầy một tháng sau, báo Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an được sử dụng để bắn tiếng thanh minh với Trung Quốc rằng Việt Nam "không bài Trung" để ngả theo Mỹ.
Việt Nam đang đứng ở đâu ?
Báo Công an nhân dân viết : "Trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên có các hành động xâm phạm quyền, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển (Công an nhân dân, 3/08/2020).
Quan điểm này không mới. Bài báo chỉ lặp lại lập trường cố hữu của Việt Nam, nhưng Trung Quốc thì không giảm tốc độ đe dọa quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Bằng chứng lính và tầu Hải giám Trung Quốc vẫn không ngừng đe dọa, tấn công và bắt giữ ngư dân Việt Nam hành nghề đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 2/4/2020, tầu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Quảng Ngãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, vào ngày 23/3, Trung Quốc xây dựng "hai trạm nghiên cứu" tại khu vực đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Vào trung tuần tháng 4/2019, Trung Quốc đã cho tầu khảo sát Hải Dương-8 (HD-8), có tầu hải quân hộ tống, xâm nhập sâu trong hải phận miền Trung Việt Nam để thăm dò dầu khí. Song song với hoạt động của HD-8, tầu Hải quân Trung Quốc đã đe dọa công tác khoan dầu của Việt Nam ở vùng bãi Tư Chính. Sau đó, HD-8 rút về nghỉ ngơi và lấy tiếp liệu ở bãi Chữ Thập (chiếm của Việt Nam năm 1988, phía bắc Tư Chính), rồi quay lại khảo sát tiếp. Có lúc HD-8 và các tầu Trung Quốc đã đi sâu vào vùng biển của Việt Nam, chỉ cách Bình Thuận 180 cây số.
Nên biết Trung Quốc cũng đã áp lực buộc Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án tìm kiếm dầu khí ở khu vục nam Hoàng Sa và ở Trường Sa, trong số này có nhiều Đại công ty đã bỏ Việt Nam như BP (Anh, 2008) Chevron (Mỹ, 2015), Repsol (Tây Ban Nha, 2018), ConocoPhillips (Mỹ, 2012).
Ngày 9/7/2020, liên doanh dầu khí Rosneft-Vietnam đã hủy hợp đồng khoan dầu với công ty Noble Corporation tại Lô 06-01 vì bị áp lực từ Trung Quốc.
Vị trí Lô 06-01 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, cách bờ biển Vũng Tầu 160 hải lý (370 cây số) hướng Đông-Nam. Trung Quốc tự coi bãi Tư Chính nằm trong khu vực Đường Chín Đoạn, hay Đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ để dành quyền chủ quyền.
Hoa Kỳ-Việt Nam-Trung Quốc
Lập trường cứng rắn nhất từ trước đến nay của Mỹ đối với hành động và chủ trương chiếm độc quyền Biển Đông của Trung Quốc, do Ngoại trường Mike Pompeo đưa ra hôm 13/07/2020, đã được cộng đồng các nước trong khối Châu Á-Thái Bình Dương hoan nghênh.
Nhưng người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ dám nói chung chung rằng :
"Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế…
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương".
(Tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 15/07/2020)
Hà Nội đã không dám mừng rỡ thái quá trước tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc của ông Pompeo vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Nhưng nhiều cựu đảng viên cao cấp và trí thức trong nước đã khuyến cáo Đảng và Nhà nước không nên bỏ lỡ cơ hội bằng vàng, sau tuyên bố chống Tầu mạnh mẽ của Mỹ, để xích lại gần Hoa Thịnh Đốn hơn để được giúp đỡ khi cần.
Nhưng, báo Công an nhân dân lại phản ứng đề phòng và cảnh giác dư luận hãy coi chừng đề xướng của các nhân sĩ, trí thức. Công an nhân dân viết :
"Đối với vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông hiện nay cũng vậy, chúng ta phải đặc biệt tỉnh táo trước chiêu bài của các phần tử thù địch, phản động. Cảnh giác không thể trở thành con bài chính trị, nhất là của các nước lớn, điều đó sẽ hết sức nguy hiểm cho lợi ích quốc gia, dân tộc.
Do đó, tuy thừa nhận áp lực của Trung Quốc đối với Việt Nam ở Biển Đông không nhỏ, nhưng nhà nước lại không dám có động thái "thoát Trung".
Bài báo viết nước đôi :
"Âm mưu và hành động độc chiếm Biển Ðông của Trung Quốc là hết sức rõ ràng, đòi hỏi chúng ta phải luôn đấu tranh mạnh mẽ, bền bỉ, không khoan nhượng, sử dụng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, giữ vững mối đoàn kết, bang giao với tất cả các nước ; không để xảy ra xung đột, chiến tranh".
Từ "4 không" lên "8 không"
Rõ ràng, với quan điểm không dám đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã mau chóng thay đổi chính sách quốc phòng để được Bắc Kinh bảo hộ.
Trong nhiều năm, chế độ cộng sản Việt Nam chủ trương "3 không" gồm :
1) Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự ;
2) không liên kết với nước này để chống nước kia ;
3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác.
Sau đó, khi công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2019, Việt Nam đã thêm vào điểm thứ 4, đó là :
4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Giờ đây, theo báo Công an nhân dân ngày 3/8/2020, Việt Nam lại thêm 4 không mới, đó là :
5) Không để lệ thuộc về kinh tế ;
6) Không để bị cô lập, chi phối về chính trị ;
7) Không để bị lôi kéo đi theo nước này để chống lại nước khác ;
8) Không để đối đầu về quân sự.
Với chính sách "8 không" mới này, báo Công an nhân dân kết luận : "Chúng ta kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích ; kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và tránh không để xảy ra xung đột, đụng độ. Vì vậy, quan điểm "bài Trung, thân Mỹ" hoàn toàn không có trong đường lối đối ngoại hay trong quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta".
Vương Nghị và Hoàn cầu Thời báo
Đáng chú ý là bài viết của báo Công an nhân dân xuất hiện sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc đưa ra tuyên bố cảnh cáo Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, ngày 21/07/2020.
Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI, China Radio International) đưa tin trong bản tiếng Việt ngày 22/07/2020 :
"Về vấn đề Nam Hải, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết, Nam Hải là quê nhà chung của chúng ta, Trung Quốc và ASEAN vĩnh viễn là láng giềng, tìm kiếm hòa bình, thúc đẩy phát triển là nguyện vọng chung của chúng ta. Chính sách Nam Hải của Trung Quốc không thay đổi, giữ bền vững".
Vương Nghị nói thêm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam : "Trung Quốc và Việt Nam cần kiên trì kiểm soát bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương song phương theo nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo tối cao hai đảng và hai nước, tìm kiếm giải pháp công bằng và hợp lý theo một loạt thỏa thuận ký giữa hai bên. Trung Quốc và Việt Nam cùng với các nước ASEAN tuân thủ "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải" (DOC, Declaration on the Conduct of the Parties in the South China Sea )., thúc đẩy tham vấn về "Bộ Quy tắc ứng xử trên Nam Hải" (COC, Code of Conduct), không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài".
Trước đó, ngày 16/07/2020, tờ Hoàn cầu Thời báo thuộc hệ thống báo Nhân dân của Đảng cộng sản Trung Quốc đã có bài cảnh cáo Việt Nam sẽ bị trừng phạt nếu ngả theo Mỹ ở Biển Đông.
Theo VOA tiếng Việt thì : "Bài báo có tựa "Hoa Kỳ và Việt Nam thân cỡ nào ? " của tác giả Li Jiangang thuộc Viện nghiên cứu Nam và Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, tố cáo rằng Washington "không quan tâm đến đạo đức và công lý, " và đã can thiệp vào các vấn đề của các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam".
Sau khi nói rằng : "Việt Nam từ lâu đã là một quốc gia mà Hoa Kỳ muốn tận dụng để ngăn chặn địa chính trị Trung Quốc", tác giả đã sỗ sàng cảnh cáo Việt Nam : "Hà Nội hy vọng sẽ đu dây theo Washington để tăng cường sức mạnh chiến lược ở Biển Đông. Đây là một lựa chọn chiến lược mà Việt Nam đưa ra trước nhu cầu về sức mạnh quốc gia và tình hình khu vực. Nhưng nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn những gì nước này có được".
Vẫn theo VOA tiếng Việt thì tờ Hoàn cầu Thời báo còn nhắc đểu với Hà Nội rằng : "Việt Nam đã "quá quen" với các "thủ đoạn" của Mỹ, cho rằng Washington chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực thúc đẩy "các cuộc cách mạng màu" tại Hà Nội, hay "lợi dụng"các vấn đề xã hội khác nhau như dân chủ và nhân quyền, để "khuấy động mạnh mẽ các cuộc xung đột tại Việt Nam".
Như vậy, sự kiện báo Công an nhân dân thanh minh không có chuyện "bài Trung thân Mỹ" trong ngoại giao và cách giải quyết xung đột Việt-Trung đã mang thông điệp gì vào lúc này ?
Phải chăng là phía Việt Nam muốn bắn tiếng với Trung Quốc rằng chúng em không có lòng dạ nào dám thoát Trung để chạy theo Mỹ. Chúng em luôn luôn trung thành với phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Và chúng ta vẫn mãi mãi là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" ?
Phạm Trần
(19/08/2020)