Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/08/2020

Vấn nạn người dân tự cho mình quyền xử người khác !

Diễm Thi

Một video clip được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội từ ngày 18/8 cho thấy một người đàn ông ngồi trên ghế đang ‘dạy dỗ’ một cô gái trẻ đang khóc quỳ dưới đất trước mặt người đàn ông, luôn miệng xin lỗi. Lời người đàn ông trong clip :

tuchoquyen1

Ông Nguyễn Văn Thiện, người xúc phạm cô gái trong clip, bị công an Thành phố Bắc Ninh ra lệnh khởi tố bắt tạm giam tối 19/8/2020. Photo : nld.com.vn

"…Trừ khi về quê chứ mày sống ở đâu trong mảnh đất Bắc Ninh thì xuống đất tao cũng móc mày lên nghe chưa. Bảo kê kiếm chúng mày là to nhất, gấu nhất ở đất Bắc Ninh này. Con súc sinh. Mày nhớ chưa… Tại sao mày lại làm thế với tao, bát cơm của mày đang ăn tao vào tao vứt xuống đất mày nghĩ sao. Mày hiểu chưa... Nhà mày phúc dày ngày hôm nay đấy. Chiều nay tao lần được mày thì mày chết rồi đấy…".

Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc diễn đạt tâm trạng của ông khi xem clip này :

"Tôi thật sự cảm thấy rùng mình khi coi cái clip đó. Xét về mặt hình thức, nếu được photoshop với trang phục của thời chiếm hữu nô lệ thì thú thật là câu chuyện vừa rồi nó không hề khác cái thời chiếm hữu nô lệ. Tức là người đàn ông trong clip như là một lãnh chúa và cô gái như là một nữ nô lệ. Việt Nam đang sống vào năm 2020 mà đạo lý làm người, nhân cách làm người nó không đứng tại chỗ mà nó thụt lùi quá xa về tới thời chiếm hữu nô lệ".

Ông Ngọc nói thêm rằng, đây là sản phẩm của nền kinh tế phi thị trường còn tồn tại. Điều đó sẽ lý giải cho mọi người cách hành xử của người chủ quán. Họ bán cái họ có chứ không quan tâm cái khách hàng cần. Nếu cơ quan chức năng tại Bắc Ninh không xử lý vụ này một cách nghiêm khắc theo pháp luật thì sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho những câu chuyện sau này.

Truyền thông nước cho hay, người đàn ông trong clip tên Nguyễn Văn Thiện, chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện ở Bắc Ninh. Cô gái quỳ dưới đất là một khách hàng, bị chủ quán cho rằng đã thông tin không đúng sự thật, phá chuyện làm ăn của quán. Công an thành phố Bắc Ninh đã triệu tập Nguyễn Văn Thiện cùng vợ là Nguyễn Thị Hiền để điều tra và xử lý theo quy định. Đến tối 19/8, công an Thành phố Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thiện về tội làm nhục người khác.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nêu nhận định của ông về clip trên :

"Qua sự việc đó thì tôi thấy một điều, hai vợ chồng đó là những người có học thức, giàu có, chủ doanh nghiệp và sống hoàn toàn trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Đương nhiên họ được giáo dục trong chế độ đó nhưng họ không hiểu chi về pháp luật, và cũng không hiểu chi về quyền làm người.

Vì không hiểu chi hết nên họ vô tư bắt buộc khách hàng phải quỳ trước mặt họ rồi làm livestream đưa lên mạng để công bố cho người ta thấy rằng khách hàng sai và họ đúng. Họ không hiểu đó là bắt người vô phép, khống chế và cưỡng bức người khác sai trái, xâm phạm quyền làm người của người ta".

Từ nhiều năm qua, sự xuống cấp về đạo đức xã hội đã trở thành vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Các hành vi vô đạo đức, vô nhân tính xảy ra ngày càng nhiều khiến chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW vào năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ ngăn chặn xong và đến năm 2030 sẽ đẩy lùi được sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Đến ngày 9/6/2020, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ lại ban hành văn bản số 125-CV/BCSĐ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai nghẹn ngào khi trò chuyện với RFA về clip cô gái quỳ gối khóc lóc trước mặt ông chủ quán ăn. Theo cô Xuân Mai, cô gái trong clip đã bị xúc phạm nghiêm trọng bởi một người coi thường luật pháp và không hiểu biết gì về nhân quyền. Theo cô, mọi thứ xuất phát từ giáo dục. Cô nói :

"Thật sự là ở Việt Nam không có chút xíu nhân quyền nào hết. Sống bằng luật rừng, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Trong trường học mà còn vậy, nói chi ngoài xã hội. Học trò bây giờ đánh nhau lột quần lột áo kinh khủng chưa ?

Ở Việt Nam không có một khái niệm nào về nhân quyền hết. Trong nhà trường đâu có giáo dục về nhân quyền. Thầy cô giáo còn không biết nhân quyền là gì làm sao người dân ngoài xã hội biết được !"

Cô kể lại câu chuyện xảy ra tại trường cô dạy ngày trước. Khi chuyện học sinh trong trường đánh nhau đến tai cô hiệu trưởng, cô hiệu trưởng gọi học sinh lên yêu cầu học sinh phải giấu kín chuyện này không để trường khác biết cái xấu của trường mình, thay vì khuyên bảo học trò điều hay, lẽ phải về đạo đức, pháp luật…

Là chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ, anh Minh Đức nêu suy nghĩ của anh sau khi coi clip :

"Cái suy nghĩ đầu tiên của tôi là một cái nền giáo dục có thể nói là thất bại. Bao nhiêu năm dạy dỗ như thế nào mà hai người giàu có này, ít nhiều chắc cũng có cắp sách đến trường, sống trong môi trường đô thị chứ không phải vùng heo hút gì, mà lại không nhận thức được cái hành xử giữa con người với nhau ?

Còn vấn đề thứ hai tôi nghĩ đến là nó có vấn đề về bảo kê nên họ mới dám ngang nhiên lộng hành như thế, xem thường luật pháp như thế. Quay trực tiếp video đưa lên mạng cho công chúng xem thì chắc chắn phải có một thế lực bảo kê nào đó".

Nguyên nhân

Theo các nhà quan sát thì nguyên nhân khiến cho đạo đức xã hội ở Việt Nam xuống cấp tới mức báo động như vậy là do khả năng quản lý và thực thi pháp luật của nhà nước hiện nay xuống cấp. Không có hiến pháp, luật pháp nào cổ xúy cho bạo lực nhưng bạo lực vẫn diễn ra giữa người dân với nhau, giữa công an với dân...

Riêng với clip cô gái bị quỳ gối khóc lóc xin lỗi, người ta nhìn thấy vấn đề nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng mà dường như người trong clip không nhận ra mình đang vi phạm cũng như đang bị vi phạm.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng, nguyên nhân chính là không ai được dạy về nhân quyền. Ông nói :

"Hai vợ chồng trong clip tiêu biểu cho tầng lớp trung lưu của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tầng lớp này đang chiếm số đông. Điều đó cho thấy rằng nền giáo dục nó sai. Không phổ biến pháp luật, không phổ biến nhân quyền cho nên người ta không hiểu gì hết. Không biết pháp luật và không hiểu về nhân quyền. Tôi thấy nhà nước cần phải phổ biến nhân quyền cho toàn dân. Phải đưa kiến thức nhân quyền vào trong chương trình giáo dục. Không thôi thì hỏng hết. Không dạy, không nói, không dám dạy. Những tổ chức xã hội dân sự phổ biến nhân quyền thì bị bắt, bị đánh, bị cô lập".

Cô giáo Xuân Mai cũng có cùng quan điểm. Cô cho biết mình vừa là nạn nhân, vừa bị coi là công cụ cho chế độ cộng sản nên cô quá hiểu chính sách giáo dục của nhà nước. Khi cô không chấp nhận làm công cụ thì cô bị cho nghỉ hưu sớm ba năm. Cô giải thích vì sao vấn đề nhân quyền không được đưa vào dạy cho học sinh :

"Nguyên nhân là do cộng sản dùng chính sách ngu dân để trị. Họ đâu có cho người dân có nhân quyền đâu mà họ dạy về nhân quyền. Cho nên cái tai hại của nền giáo dục dưới chế độ cộng sản là họ muốn con người chỉ sống về phần con chứ không sống về phần người nữa. Sống dưới chế độ cộng sản bao nhiều năm rồi tôi thấy họ chỉ lấy mạnh ăn hiếp yếu, dùng đám đông đàn áp người cô thế".

Doanh nhân Minh Đức lại cho rằng, ngoài chuyện vi phạm nhân quyền đã quá rõ ràng thì còn một nguyên nhân nữa là việc thực thi pháp luật. Ông cho rằng cả một hệ thống tư pháp mà nhiều sự việc cho thấy chính những người làm ra luật lại không tuân theo luật. Ông ví chuyện thực thi luật pháp ở Việt Nam là "nhà dột từ nóc".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 495 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)