Không tham gia RIMPAC có phải là một chọn lựa đúng ?
Cánh Cò, RFA, 22/08/2020
Theo bản tin từ VOA cho biết "Việt Nam không có tên trong danh sách 10 nước đang tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay ở Hawaii, dù đã được mời. Hà Nội chưa thông báo lý do không tham dự RIMPAC – cuộc diễn tập chỉ diễn ra trên biển từ ngày 17 tới 31 tháng Tám và không có các sự kiện giao lưu trên bờ do các quan ngại về virus Corona".
Cuộc diễn tập RIMPAC 2020 diễn ra trên biển từ ngày 17 tới 31/08/2020
Nội dung bản tin làm nhiều người theo dõi tình hình Biển Đông hụt hẫng, Hụt hẫng và tiếc rẻ cho thái độ thiếu quyết đoán của Việt Nam khi Mỹ đang tung hết chiêu thức trên mặt trận "ngoại giao quốc phòng", theo cách nói của The Washington Post, để cho Trung Quốc thấy sức mạnh hải quân của họ cũng như đồng minh trên biển. Sức mạnh ấy được phô diễn không những chỉ để phối hợp tấn công nếu xảy ra chiến tranh, ở đây rõ ràng là với Trung Quốc, mà còn trực tiếp cho thấy tiềm lực mà hải quân Mỹ hiện có.
RIMPAC (the Rim of the Pacific Exercise) là "Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương" cuộc tập trận tác chiến trên biển có quy mô quốc tế lớn nhất thế giới. RIMPAC được tổ chức hai năm một lần của các năm chẵn tại Hawaii. Nó được điều hành và chi huy bởi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, như một phương tiện thúc đẩy sự ổn định trong khu vực vì lợi ích của tất cả các quốc gia tham gia.
Năm nay Mỹ chính thức mời Việt Nam tham dự nhưng lại tiếp tục không mời Trung Quốc cho thấy thái độ của chính quyền Mỹ là dứt khoát và có lẽ việc không mời Trung Quốc khiến Việt Nam lo ngại, không dám tiếp tục tham gia như năm 2018 mặc dù năm đó cũng không có mặt Trung Quốc.
Theo The Washington Post việc Hoa Kỳ một lần nữa không mời Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận RIMPAC năm nayWashington dường như đang đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về quốc phòng, thay vì ngoại giao.
Hơn ai hết Hà Nội biết rất rõ tại sao Mỹ không mời Trung Quốc tham gia, thái độ này làm Việt Nam vừa hy vọng lại không kém lo âu. Hy vọng Mỹ sẽ có thái độ trực diện với Trung Quốc khi Bắc Kinh tiếp tục xem Biển Đông là vùng biển của Đại hán nhưng cùng lúc Hà Nội chừng như chưa sẵn sàng tỏ thái độ chống lại ý đồ xâm lấn của Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục chọn cách im lặng và nhẫn nhịn mặc dù có đưa ra những phản đối hồi gần đây về vụ Bãi Tư Chính. Giới lãnh đạo Hà Nội vẫn cho rằng giải pháp hòa hoãn với Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là chính sách duy nhất trong tình trạng một nước Trung Quốc quá mạnh và quá quyết đoán.
Có thể Hà Nội đã đúng trong quá khứ tức là từ năm 1990 khi ký tên vào Hội Nghị Thành Đô nhưng từ những năm gần đây diễn biến chống Trung Quốc của Mỹ và các nước ngày một căng thẳng hơn thì thái độ im lặng chịu đựng ấy có lẽ không còn phù hợp.
Có thể trận chiến tranh 1979 vẫn còn ám ảnh giới lãnh đạo quốc phòng của Việt Nam nhưng nếu mang những lo sợ ấy vào quyết sách bảo vệ đất nước trong tình hình hiện nay là thái độ trùm chăn và kiến thức khoa học quân sự bị lệch lạc. Năm 1979 Trung Quốc bất ngờ tiến đánh Việt Nam trong lúc cán bộ chiến sĩ không thể ngờ người bạn chí cốt của mình lại ra tay trong lúc Việt Nam đang bận rộn với chiến dịch biên giới Tây Nam. Tuy bất ngờ nhưng Việt Nam vẫn chống trả thành công và Trung Quốc mặc dù thắng thế nhưng hậu quả vô cùng nghiêm trọng và khó làm cho họ đủ can đảm ra tay lần thứ hai trên mặt trận này.
Lý do là tình hình hiện nay rất khác. Hệ thống theo dõi, phát hiện đối phương từ khi chúng tập trung không còn như cách đây 40 năm. Chỉ cần một đại đội di chuyển về phương Nam, Hà Nội dễ dàng được báo động và chuẩn bị phản công. Trung Quốc không thể càn quét Việt Nam như lúc trước nhất là khi cả thế giới đang theo dõi từng động tác của họ.
Và nhất là hiện nay Mỹ không còn là kẻ thù của Việt Nam.
Sự sợ hãi chiến tranh trên mặt biển là lo âu chung của các nước trong khu vực chứ không riêng gì Việt Nam. Từ Malaysia, Indonesia cho tới Philippine và thậm chí kể cả Brunei…đều là nạn nhân nếu Trung Quốc ra tay. Mỹ thấy rõ điều đó và những động thái canh chừng Trung Quốc qua cách biểu đạt "tự do thông thương hàng hải" đã phần nào khiến Trung Quốc dè chừng nhất là những chống đối mạnh mẽ chưa từng thấy gần đây của Mỹ đã khiến Trung Quốc phải chọn thái độ co cụm trong cách ứng xử ngoại giao với các nước.
Bất kể nổ lực lôi kéo Việt Nam bằng những động thái giúp đỡ, hứa hẹn lẫn chống Trung Quốc của Mỹ Hà Nội vẫn tỏ ra lơ là và hình ảnh đi giây ngày một rõ hơn. Trong quá khứ việc đi giây được xem là hợp lý bao nhiêu thì trong tình hình hiện tại bị đánh giá là sai lầm bấy nhiêu. Việt Nam lo ngại trở thành tiền đồn chống Trung Quốc của Mỹ nhưng mặc nhiên chấp nhận thân phận phên giậu của mình khó làm cho Mỹ tiếp tục kiên nhẫn.
Cách đối phó của Bắc Kinh là tiếp tục bóp cổ Hà Nội bằng quân sự, bằng tiền bạc, bằng kinh tế, bằng liên quan đảng phái….không cho phát ra tiếng vang, mà tiếng vang hiệu quả nhất là thái độ hợp tác với Mỹ qua việc tham dự RIMPAC.
Chờ xem sau RIMPAC là gì và việc từ chối tham gia RIMPAC của Việt Nam là một chọn lựa thất bại hay không. Nếu đợi đến RIMPAC 2022 mới tham gia e rằng Việt Nam đã lỡ tàu vì lúc ấy có lẽ con tàu Washington đã đổi tài xế lẫn đường ray.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 22/08/2020 (canhco's blog)
*********************
Việt Nam không tham gia tập trận Vành Đai Thái Bình Dương
Võ Mường Thanh, RFA, 20/08/2020
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2020 do Mỹ tổ chức bắt đầu khởi động hôm 17/8 và kéo dài hai tuần, tới ngày 31/8. Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức 2 năm một lần, đã bắt đầu tại Honolulu, tiểu bang Hawaii. Với sự lãnh đạo của Mỹ, cuộc tập trận này bao gồm hải quân các nước thuộc khu vực Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực.
Hình của Hải quân Mỹ chụp hôm 15/7/2014 cho thấy tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC năm 2014 - AFP
Điểm đáng chú ý là RIMPAC 2020 thiếu vắng sự tham gia của một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cách đây 5 tháng, khi virus Corona gây ra đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, có vẻ như Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (PACFLEET) sẽ khó có thể tổ chức cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 6-7/2020. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, PACFLEET đã gửi thư tới 25 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mời tham gia RIMPAC 2020.
Cuộc tập trận đã lùi từ tháng 6/2020 xuống trung tuần tháng 8/2020 và cắt ngắn thời gian từ 5 tuần xuống còn 2 tuần. Do những lo ngại từ Covid-19, cuộc tập trận sẽ diễn ra hoàn toàn trên biển để giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên quân sự và cư dân trên quần đảo Hawaii. Một số hoạt động như tập trận đổ bộ, các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa trên bộ đều bị hủy. Tập trận trên biển sẽ gồm các mục tác chiến chống tàu ngầm, huấn luyện ngăn chặn hàng hải và bắn đạn thật với mục tiêu là một tàu hải quân Mỹ đã hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 rõ ràng đã tác động tới năng lực sẵn sàng tác chiến của các lực lượng quân đội khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù PACFLEET chưa công bố danh sách các quốc gia tham gia RIMPAC 2020, các thông tin báo chí cho thấy chỉ có 11 nước gồm Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Brunei, Philippines và Singapore, giảm đáng kể so với 26 quốc gia tham gia RIMPAC 2018.
Trung Quốc không được mời tham dự RIMPAC 2020. Mặc dù từng tham dự RIMPAC 2014 và 2016, Trung Quốc đã không được mời kể từ RIMPAC 2018 sau khi Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc đã "nuốt lời", không thực hiện cam kết không quân sự hóa tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm giữ ở Biển Đông. Dù vậy, Hải quân Trung Quốc đã cử tàu do thám tới để theo dõi cuộc tập trận RIMPAC 2018. Có lẽ, Hải quân Trung Quốc sẽ một lần nữa hiện diện không phải với tư cách khách mời tại RIMPAC 2020.
Hình ảnh tập trận RIMPAC 2020 hôm 17/8/2016 AFP
Sự hiện diện hải quân của các quốc gia Đông Nam Á ngoài khơi quần đảo Hawaii lần này đã giảm đáng kể so với cách đây 2 năm, chủ yếu vì đại dịch Covid-19. Tại RIMPAC 2018, có 7 quốc gia Đông Nam Á tham gia gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines cử tàu chiến, trong khi Brunei, Thái Lan và Việt Nam cử nhân sự tham gia và được triển khai trên các tàu hải quân của Mỹ. Campuchia, Lào và Myanmar không được mời tham gia do những quy định hạn chế hợp tác quân sự của Mỹ với 3 nước này.
Năm nay, chỉ có 3 quốc gia Đông Nam Á cử tàu chiến. Brunei đã triển khai tàu tuần tra ngoài khơi KDB Darulehson, Singapore cử tàu khu trục RSS Supreme lớp Formidable, Philippines cử tàu khu trục BRP Jose Rizal mới do Hàn Quốc chế tạo. Việc hải quân Philippines tham gia không bị ảnh hưởng bởi quyết định mới đây của Tổng thống Duterte về việc cấm các tàu chiến của nước này tham gia tập trận với hải quân nước ngoài tại Biển Đông để tránh khiêu khích Trung Quốc. Đáng ngạc nhiên là Việt Nam đã không cử tàu chiến tham gia RIMPAC 2020 dù quan hệ quốc phòng với Mỹ đang phát triển và Việt Nam đang thể hiện sự năng động của mình trong vai trò Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN năm nay.
Những hạn chế tác chiến được áp đặt để các quốc gia khu vực có thể kiểm soát dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á không nhận lời mời tham gia RIMPAC 2020. Thông thường, các cuộc tập trận như vậy mang lại một cơ hội tốt để hải quân khu vực tăng cường huấn luyện và kết nối với Hải quân Mỹ cũng như các đối tác hàng hải quan trọng khác như Australia và Nhật Bản. Những cơ hội này là đặc biệt quan trọng vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông, khi mà các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền hơn bao giờ hết muốn bảo vệ các quyền chủ quyền trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ vốn bị Trung Quốc lấn lướt trong những tháng qua.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng Mỹ lợi dụng RIMPAC 2020 để "thể hiện và phô trương sức mạnh quân sự, và quan trọng hơn là để thử thách lòng trung thành của các đồng minh và đối tác". Sự "nguyền rủa" của Trung Quốc đối với RIMPAC 2020 nhiều khả năng sẽ trở thành cơn cuồng nộ nếu Đài Loan được mời làm quan sát viên RIMPAC 2020 như vùng lãnh thổ này đã đề nghị. Việc này tất nhiên phù hợp với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 của Mỹ, theo đó kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với Đài Loan, trong đó có việc tham gia các cuộc tập trận quân sự như RIMPAC 2020.
Đài Loan từng hy vọng việc củng cố quan hệ của vùng lãnh thổ này với Mỹ sẽ giúp họ được mời tham dự RIMPAC với tư cách quan sát viên, song điều này đã không xảy ra. Ngày 17/8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Shih Shun-wen cũng đã xác nhận rằng Đài Loan không nhận được lời mời tham dự, song ông nhấn mạnh rằng "hợp tác giữa Đài Loan với Mỹ sẽ có lợi cho sự ổn định khu vực". Cuối tháng 7/2020, ông Shih Shun-wen đã tuyên bố rằng Đài Loan muốn được tham gia cuộc tập trận : "Đài Loan mong muốn được tham gia RIMPAC với vai trò quan sát viên bởi điều này sẽ giúp chúng tôi học hỏi được từ các hoạt động hợp tác huấn luyện và cứu trợ nhân đạo".
Quyết định của Washington không mời Đài Loan làm quan sát viên của cuộc tập trận RIMPAC bắt nguồn từ thực tế là quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan xấu đi và cả Trung Quốc, Mỹ lẫn Đài Loan đều đang tìm cách giảm căng thẳng. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo này.
Tuần trước, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đăng bài viết cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ra lệnh cho các nhân viên đang làm nhiệm vụ "không được nổ súng trước" do Bắc Kinh muốn hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ ở khu vực Biển Đông. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đẩy mạnh hoạt động tại các vùng biển tranh chấp trong những tháng gần đây, làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ việc vượt ngoài tầm kiểm soát. Quân đội Đài Loan từng rất hy vọng được tham gia RIMPAC khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Chi ngân sách Quốc phòng năm tài khóa 2021 vào tháng 7/2020. Đạo luật này kêu gọi Mỹ mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận và ngăn chặn Trung Quốc tiến hành đánh chiếm Đài Loan. Sau khi Mỹ cử Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar thăm chính thức Đài Loan vào đầu tháng 8/2020, nhiều ý kiến cho rằng có thể Đài Loan sẽ được mời tham gia tập trận RIMPAC. Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Đài Loan kể từ khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan vào năm 1979. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã khẳng định chuyến thăm này cho thấy quan hệ Mỹ-Đài đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất.
Lin Yu-fang - Trưởng bộ phận nghiên cứu an ninh quốc gia tại Cơ quan Chính sách Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu tư vấn chính sách ủng hộ Quốc Dân đảng - cho rằng bất chấp mối quan hệ Mỹ-Đài đang ấm lên, có thể hiểu lý do Mỹ sẽ không mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận RIMPAC. Với kinh nghiệm từng là chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Quốc hội Đài Loan, Lin Yu-fang nói : "RIMPAC là một cuộc tập trận quốc tế quan trọng, và các quốc gia tham gia cuộc tập trận này thuộc diện đồng minh chủ chốt của Mỹ, với các thỏa thuận quân sự và an ninh đã được các bên ký kết". Ông cho rằng mặc dù quan hệ Mỹ-Đài đang ở thời kỳ đỉnh cao, song Washington cũng phải có giới hạn nhất định : "Mỹ đã cử Bộ trưởng Y tế tới Đài Loan, nhưng đây là kết quả của tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đại lục. Chúng ta không nên mong đợi Mỹ làm bất cứ điều gì có lợi cho Đài Loan. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra giới hạn đỏ về vấn đề này và sẽ không cho phép các quan chức khác trong chính quyền vượt qua giới hạn đó bởi điều này sẽ gây ra thảm họa đối với quan hệ Mỹ-Trung, và Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa". Ông cũng cho biết thêm rằng một cuộc xung đột toàn diện với Bắc Kinh không có lợi cho Mỹ.
Zhu Feng, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nam Kinh, cho biết việc Mỹ không mời Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC phản ánh "sự nhạy cảm" từ phía Lầu Năm Góc nhằm tránh nguy cơ xung đột quân sự. Ông bình luận : "Quan hệ Trung-Mỹ hiện ở vào giai đoạn khó khăn, và cả hai bên đều không muốn xung đột ở khu vực Tây Thái Bình Dương vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Các cường quốc có thể cạnh tranh về mặt chiến lược, nhưng các nước này cũng muốn kiểm soát rủi ro để tránh khả năng xảy ra xung đột vũ trang".
Trong khi đó, chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh cho rằng vấn đề Đài Loan tham gia RIMPAC là một trong số các "lá bài mặc cả" của Washington trong xử lý quan hệ với Bắc Kinh. Ông nói : "Mỹ vẫn có thể mời Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC vào lần sau nếu họ muốn sử dụng 'lá bài' này".
Võ Mường Thanh
Nguồn : VOA, 20/08/2020
*********************
Việt Nam không tham gia diễn tập hải quân ‘lớn nhất thế giới’
VOA, 20/08/2020
Việt Nam không có tên trong danh sách 10 nước đang tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay ở Hawaii, dù đã được mời.
Hiện chính quyền Hà Nội chưa thông báo lý do không tham dự RIMPAC – cuộc diễn tập chỉ diễn ra trên biển từ ngày 17 tới 31 tháng Tám và không có các sự kiện giao lưu trên bờ do các quan ngại về virus Corona.
Hải quân Mỹ hồi tháng Năm xác nhận riêng với VOA Việt ngữ rằng Việt Nam là một trong 25 nước được mời tham dự cuộc thao dượt hải quân diễn ra hai năm một lần và được coi là "lớn nhất thế giới".
Tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong danh sách 10 quốc gia, gồm các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, quyết định tham gia sự kiện trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan.
Hai năm trước, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử tám sĩ quan tham mưu nhưng không phái tàu chiến tới dự RIMPAC 2018.
Theo Hải quân Mỹ, cuộc thao dượt hải quân quốc tế nhằm mục đích "thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ hợp tác, vốn mang tính sống còn để bảo đảm an toàn và an ninh của các tuyến đường biển vì một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Lực lượng này nói thêm rằng cuộc thao dượt diễn ra ở vùng biển quanh các hòn đảo ở Hawaii là "một nền tảng độc đáo nhằm củng cố khả năng tương tác và các mối quan hệ đối tác hàng hải chiến lược".
********************
Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc điều máy bay chiến đấu H-6J ra đảo Phú Lâm
VOA, 20/08/2020
Hôm 20/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào hồi đầu tháng 8.
Trung Quốc đưa oanh tạc cơ đến Phú Lâm ‘ngăn chặn khiêu khích từ Mỹ’ - Ảnh Business Insider
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc điều oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào hồi đầu tháng 8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói : "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định nhưng cũng xin nhắc lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ của Việt Nam", theo trang Người Lao Động.
Trang này dẫn lời bà Hằng khẳng định "việc các bên đưa các loại vũ khí cũng như máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình ở Biển Đông".
"Chúng tôi kêu gọi các bên có đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông", bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Trang Tuổi trẻ dẫn lời bà Hằng nói : "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".
Trước đó, hôm 13/8, Hoàn cầu Thời báo, tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, nói việc quân đội Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6J mới đến đảo Phú Lâm ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, là để "trấn áp và ngăn chặn các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ trong khu vực".
Tờ báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường, trong cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 7 cho hay máy bay ném bom H-6J gần đây tham gia các cuộc tập trận chuyên sâu ở Biển Đông.
Hôm 12/8, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm. Có ít nhất một chiếc H-6J đã được nhìn thấy hạ cánh xuống hòn đảo mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề Biển Đông với việc Washington tỏ ra cứng rắn hơn trong việc chống lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời gia tăng sự hiện diện hải quân trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
"Với khả năng của vũ khí này, có thể bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm, sẽ đề ra mối răn đe to lớn đối với hàng không mẫu hạm Mỹ", tờ báo nhà nước Trung Quốc nói hôm 13/8 sau khi báo chí quốc tế đưa tin và hình ảnh về động thái mới của Bắc Kinh một ngày trước.
Hoàn cầu Thời báo cho biết máy bay ném bom H-6J là một trong những vũ khí mới nhất của Trung Quốc và chỉ mới được tiết lộ vào tháng 7 năm nay.